Cây Khế Quê Hương ![]() Công việc vùi đầu, bao nhiêu sinh hoạt xã hội cuốn hút ….Từ lâu hình như tôi đã lãng quên những kỷ niệm về cây Khế. Được người anh chụp tấm hình cây Khế gởi qua, lòng tôi chùng xuống …cảm xúc dâng lên từ những ngày xa xưa … Nhà Mẹ tôi có cây Đào, cây Ổi, cây trứng gà, cây Khế và vườn Chuối Cau, nhưng riêng với cây Khế là tôi có kỷ niệm nhiều nhất. Lúc học lớp đệ ngũ, đệ tứ và vì tôi ở gần trường Nữ Thành Nội, nên mỗi trưa các bạn muốn đi sớm một tiếng đến nhà tôi tụ họp. Chúng tôi thường ra sau vườn ngồi dưới gốc cây, hái Khế chấm muối ớt vừa ăn vừa tán gẫu. Đặc biệt cây Khế nhà tôi rất ngon, không ngọt không chua được gọi là Khế nhành, ăn dòn mê. Có lần Diệu (trong nhóm bạn) vì Mẹ bán mắm ruốc, nên bạn bới một bọc ruốc bỏ trong cặp sách hí hửng nói “Khế mà chấm mắm ruốc là mê tơi…”, nói xong hớn hở mở cặp, bỗng nhiên Diệu giãy nảy la lên “chết cha, ruốc đổ ra ngoài rồi, làm răng, làm răng…”, bạn nhảy tưng tưng làm cả đám hốt hoảng lôi sách vở ra, lấy khăn ướt lau chùi nhiều lần, lúc đó anh Cả tôi chứng kiến ôm bụng cười ngắt nghẻo “hết nước nói, tụi bây đi học mà bỏ mắm ruốc trong cặp” Ngày tháng trôi qua,chúng tôi lên lớp dần, vẫn những buổi trưa êm đềm cùng bạn bè dưới gốc cây khế, hồn nhiên nô đùa chờ đến giờ đi học ..Thỉnh thoảng chúng tôi đạp xe đèo nhau đi ăn chè Cồn, quán chè trên đường Vỹ Dạ hướng về biển Thuận An, bàn ghế được đặt dưới những gốc cây ngoài sân, chúng tôi luôn lựa chỗ ngồi dưới tàng cây khế , những nhành cây tỏa lá rậm rạp xanh um lẩn vào trái non trái già cùng màu, dưới bóng mát gọi ly chè đậu đỏ, đậu xanh với đá bào ăn mát cổ ngọt lịm. Trên đường về ghé nhà người bạn tên Nhã Phương cư ngụ khu chợ Cống gần Đập Đá, những ngôi nhà ở đó thật đẹp và thơ mộng…Vườn xum xuê cây trái, trước sân trồng đầy hoa, đặc biệt là hoa Tường Vi nhiều bụi màu hồng nhạt mát mắt, sau vườn có lối dẫn ra bến sông… Bích Đào, trong một lần thích thú quá đã thốt lên: “thế nào tao cũng tìm kiếm ông chồng ở khu vực ni” câu nói đã làm cả bọn cười òa vui nhộn. Còn nhớ một lần rạp Tân Tân chiếu phim La Valse Dans L’ombre (Vũ điệu trong bóng mờ) bây giờ được dịch ra tiếng Anh là “Waterloo Bridge”, với hai diễn viên chính Vivien Leigh và Robert Taylor đóng. Trong giờ học Pháp Văn của thầy Ứng, cuối giờ giải lao năm phút, bỗng thầy hỏi học trò – Các em đã đi xem phim chưa?, đừng bỏ qua phim hay nhé, phim đen trắng sản xuất 1940, thầy xem cách đây mấy chục năm nhưng giữ mãi ấn tượng anh chàng Roy đến đón cô nữ vũ công Myrna dưới gốc cây với cơn mưa tầm tả, nàng đứng trong phòng ký túc xá nhìn xuống mừng quá lấy tay xoa kiếng … Thầy nói say sưa làm chúng tôi càng nôn nóng, hai hôm sau nhân giáo sư khác bệnh nên chúng tôi được nghỉ học buổi chiều. Năm bạn hẹn đến nhà tôi, đứa đem theo sắn, đứa đem ổi, tôi hái khế gọt viền ngoài rửa sạch bỏ bao ni lông bới theo vì phải đi sớm để chen mua vé cho được, nên chưa đứa nào ăn trưa. Phim tình cảm xem mê mẫn cảnh cặp này khiêu vũ với tiếng đàn du dương của bản “Auld Lang Syne” được dịch qua Anh ngữ là “ Times Gone By” (Đã Qua Đi), họ dìu nhau dưới ánh nến mờ ảo dần dần được thổi tắt từ từ… vô cùng lãng mạn, rồi chàng bị gọi ra chiến trường, kinh tế khó khăn giai đoạn đệ nhị thế chiến hoàn cảnh đưa nàng đến con đường buôn hương khi biết tin chàng chết. Nhưng chàng không chết và họ gặp lại nhau, cuối cùng nàng mặc cảm muốn trốn tránh nên tử tự trên đường rầy xe lửa. Ngày gặp cũng trên cầu Waterloo và ngày kết thúc định mệnh cũng nơi cầu này… Chúng tôi im lặng, miệng khô, bụng đói, chuyền sắn và khế cũng chẳng ai ăn. Hết phim đèn bật sáng, năm O chẳng ai buồn nói với ai, bịch khế ướt nhẹp không đứa nào đoái hoài vì đang nghẹn ngào thẩn thờ theo câu chuyện thương tâm Sau này được Nhã Phương kể lại, có lần để đuổi khéo khách của người chị kế, người khách mà cả nhà không cảm tình, anh ta ngồi lì tới 11 giờ khuya, nên Nhã Phương ngồi phía trong mở cả chục lần bản “Auld Lang Syne”, tiếng Việt các em nhỏ thường hát chế lời “Ò e con ma đánh đu, tặc giăng nhảy dù, zo rô bắn súng…”, ông khách nghe một bản nhạc được bỏ đi bỏ lại hoài có lẽ cũng hiểu nên đứng dậy kiếu về Mấy lúc qua nhà bạn, chúng tôi cũng ra vườn Khế, vì có nhiều cây Khế ngọt rất ngon. Lúc này hình như đã tới tuổi thiếu nữ nên tôi bắt đầu để ý đến hoa và không hiểu sao tôi rất thích nhìn ngắm loài hoa Khế… nhỏ thanh bên ngoài màu trắng, bên trong màu hồng pha tím nhạt, nhiều khi hoa rơi vướng trên tóc, nhìn xuống mặt đất… hoa rụng đầy ngập, mùi thơm nhè nhẹ… Ngắm những trái vàng chín mọng trĩu xuống chen xuyên cây lá xanh tươi… cảnh đẹp thiên nhiên làm tôi ngây ngất cảm giác dễ chịu, có lẽ tôi đã đến tuổi mơ mộng… Một lần chúng tôi gặp người anh của Nhã Phương về phép, nghe nói anh là lính thuộc ngành tâm lý chiến đi lưu diễn các tiền đồn xa… Anh em làm quen sau khi được bạn giới thiệu, rồi anh em kéo nhau ra bờ sông, đem bình trà, chén muối ớt xắn tươi, trải chiếu, hái Khế ngọt một rổ, vừa ăn vừa trò chuyện… Nắng trải dài bên kia sông, mặt nước lấp lánh bàng bạc, thỉnh thoảng vài con đò trôi chậm kèm hình ảnh người thả tay chèo như buông xuôi theo bóng hoàng hôn thấp thoáng … Anh ôm đàn, mắt lạc thần xa xăm, anh hát bài Chiều Tà (Serenata của Enrico Toselli do Phạm Duy dịch) “Lắng trầm tiếng chiều ngân Nhạc dặt dìu ái ân Người ơi ! nhớ mãi cung đàn Năm tháng phai tàn Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng Đã quên hết sầu chưa Lời này là tiếng xưa Quỳ dâng dưới nắng phai mờ Bên gối ơ thờ Ôi tiếng tơ tình mong chờ …” Vậy đó… một buổi chiều với bao hình ảnh nên thơ và lắng đọng… Thế rồi đời bể dâu… Sau 75 biết bao điều thay đổi, giai đoạn của sự bế tắc thê thảm. Thỉnh thoảng tôi vẫn đạp xe qua thăm Nhã Phương. Anh của bạn đã đi tù mà VC gọi là “học tập cải tạo.” Lúc này cây Khế thật đáng quý, đến nhà ai, tôi cũng vô tình bắt gặp trong bữa ăn… vỏn vẹn một món canh Khế nấu với muối và nồi cơm độn khoai sắn, nhà tôi cũng không ngoại lệ… Những hôm sau khi nhai chén Bo Bo với Khế xào tỏi, tôi muốn trốn tránh thực tế đi tìm thế giới hoàng cung của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra cùng tình yêu với vị tướng La Mã Antony, nên ôm tập truyện ra ngồi dưới gốc Khế nghiền ngẫm, hay lôi tập vở đã ghi chép thơ của Tế Hanh “Những Ngày Nghỉ Học” ra đọc Những ngày nghỉ học tôi hay tới Đón chuyến tàu đi đến những ga Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt Lòng buồn đau xót nỗi chia xa Hoặc miên man thơ Đinh Hùng “ Một Tiếng Em” Kỷ niệm thơm từ năm ngón tay Trăng lên từng nét gợn đôi mày Bóng hoa huyền ảo nghiêng vầng trán Chưa ngát hương tình hương đã bay Tôi lánh trần ai đi rất xa Bâng khuâng sao lạnh ánh trăng tà Ngày mai hứa hẹn bừng hương cỏ Tôi sẽ say nằm ngủ dưới hoa Cứ vậy mà ru lòng, ru đời dưới gốc Khế “may mà có thơ có nhạc quên được cảnh nghèo đói, có thơ có nhạc đời còn dễ thương”, hồn sẽ ngây ngất để mặc hoa rơi trên tóc, hoa bay trong gió rồi thì thầm mấy câu thơ của Hoàng Cầm “ Nếu Anh Còn Trẻ” Nếu có ngày mai anh trở gót Quay về thăm lại bến thu xa Thì đôi mái tóc không xanh nữa Mây trắng đêm vàng sẽ thướt tha… Nhiều lần sớm mai thức giấc, bụng đói cồn cào chẳng có gì ăn, lần ra vườn hái khế lựa trái thật vàng, tuy lựa trái chín ngọt nhưng vẫn muốn kèm theo chén muối ớt ăn say sưa, mẹ tôi biết được la “coi chừng bị nạo ruột đau bao tử,” nhưng bao tử tôi đã được thỏa mãn cái đói, sau đó vẫn chẳng có gì xảy ra. Tôi bắt ghế nhỏ kê sát gốc khế sau khi đã được giải quyết bao tử, kèm theo cuốn tiểu thuyết của Francoise Sagan “Bonjour Tristesse” (Buồn Ơi! Chào Mi), đang đọc nửa chừng, nghe tiếng nhạc nhà ai mở âm thanh không lớn (giai đoạn cấm nhạc vàng), giọng hát Thái Thanh vọng sau vườn … Hồn cầm phong sương hình dáng xuân tàn Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn Từ người ra đi chờ vắng tin người Từ người ra đi là hết mơ rồi … Cung thương là tiếng đàn Cung nam là tiếng người Ai oán khúc ca cầm châu rơi Tình duyên lãng đãng, nhớ thương dần pha phôi … Bản nhạc tôi vẫn thường hát của Văn Cao. Tôi buông quyển sách xuống, người run lên cảm giác xúc động, mạch máu như được thông chảy đã từ lâu bị tắt nghẽn. Hồn lắng đọng theo dòng nhạc, mắt bâng quơ nhìn ánh nắng xuyên qua cành lá chiếu lên những chùm bông thêm tươi sắc tím hồng, những giọt nắng bâng khuâng theo tiếng đàn ngày nào, lấp lánh như ảo tưởng mơ hồ xa vắng, làn gió mát thổi chung quanh làm lá cây xôn xao rung rinh bay nhẹ nhàng hương phấn hoa mộng… nhạc như hơi thở được chuyền sâu lắng mê man, quên tất cả thực tại ảm đạm trước mắt trong khoảnh khắc… Tôi cũng không hiểu sao sân trước cây Trứng Gà rậm rạp, sau vườn còn có cây ổi, cây Đào, nhưng nơi tôi chọn chỉ mình gốc Khế, có lẽ vì bông hoa Khế có sức thu hút tôi mãnh liệt… Làm sao tôi quên được người bạn tên Thanh Loan lấy chồng rồi lên kinh tế mới Bình Điền. Vợ chồng đốn củi, trồng sắn khoai sinh sống. Có hôm Loan về thành phố giải quyết vài công chuyện, ghé vào thăm tôi cho bọc sắn khoai. Tôi quá cảm động tình bạn vì đứa nơi kinh tế mới lại tiếp tế kẻ ở thành phố, có được vài đồng bạc, tôi kéo bạn ra quán nước ngồi uống nói chuyện, xong đi lại lò mè xửng mua kẹo gương gởi con Loan, bạn ngại ngùng, dùng dằng qua lại mãi mới nhận, trở về nhà tôi hái một bọc khế gởi kèm, Loan mừng rỡ nói trên kinh tế mới chưa có khế, sẽ đem lên nấu canh. Hơn 40 năm trôi qua…, sống trên đất khách quê người, ký ức có lúc phai mờ, có lúc hiện rõ như chuyện hôm qua. Tôi thấy thương cây Khế quê hương… chắc hẳn giờ này cây Khế vẫn luôn cung cấp cho mọi người những bữa ăn qua ngày. Mắt tôi thấy cay cay… Nắng nhạt nhòa, trước sân lá vàng ngập đầy, có những chiếc lá héo xác khô. Mùa Thu đã bỏ đi… Bất chợt tôi như nghe đâu đó tiếng đàn dạo trên bến sông năm nào âm điệu của một bài hát: Trong chiều dần im hơi Người ngồi thương nhớ bao ngày vui Một ngày xưa cũ , đời còn đường tơ Là ngày hai đứa chúng ta còn thơ …. Hồn lao đao theo cây Khế sau vườn nhà tôi, nó đến thật gần theo những chiều êm dịu, ngồi đọc sách hay nhìn ngắm vạt nắng ấp ủ mấy chùm hoa Khế, rồi nhặt vài cánh rơi rụng để vào lòng bàn tay như sợ điều tan vỡ… Nhớ Mẹ hiền đã khuất bóng, nhớ người thân, bè bạn, nhớ những tô canh Khế… Phải chăng “Quê Hương là Chùm Khế ngọt “ Minh Thúy |