Chuyện Vui Nhỏ Nha Kỹ Thuật Lôi Hổ một tên gọi rất quen mà tôi đã được biết lúc còn nhỏ ở Việt Nam nhưng lại rất sợ nếu ai đó nói đến Bóng Ma Biên Giới cho tới khi tôi gặp được một số các anh bằng xương bằng thịt thì cái ấn tượng trong con nít cuả tôi ngày xưa mới không còn nữa; trái lại các anh rất vui tính và dễ chịu. Thêm sự tự nhiên, nói cười rộn rã và thoải mái dùng những danh, động từ đặc biệt của tiếng nước người mà tôi nghe chưa quen lắm nhưng hình như nhà tôi thì lại rất quen thuộc quý vị ạ. Các anh hàn huyên với nhau và nhâm nhi những ly rượu cay nồng nhắc lại đời lính hiểm nguy gan dạ để hoàn thành công tác mà quên đi thời gian đã gần bước sang canh năm. Tôi nhập đề trực khởi mà đọc nghe lung tung quá không biết bắt đầu từ đâu; thôi thì kể lại những chuyện vui nhỏ mà tôi đã chứng kiến trong mấy ngày các anh về vùng thủ đô (Virginia, Washington D. C. và Maryland) dự Đại Hội Nha Kỹ Thuật (NKT) kỳ thứ XV. Khoảng hai tuần trước ngày đại hội, tôi đang ở sở làm và nhận được điện thoại với giọng nói hớn hở của nhà tôi: Báo cho MBT biết là nhà mình sẽ có mấy anh em Lôi hổ đến ở. Phản ứng đầu tiên của tôi hỏi là có bao nhiêu người, và được câu trả lời “bốn người”. Tôi thở phào nhẹ nhỏm vì nhà có hai phòng trống. Cái tật xấu của tôi là lúc nào cũng phải biết chắc số người ở để chuẩn bị ra, mền, gối và khăn tắm sạch sẽ sẵn sàng trước khi khách đến vì lo ngại tiếp đãi không được chu đáo. Sự chờ đợi của nhà tôi cuối cùng cũng tới Thứ Sáu, 22 tháng 6. Ngày hôm đó tôi cũng đang ở sở làm và cũng nhận điện thoại vui mừng tương tự như lần trước của nhà tôi báo cho biết mọi người đã đến. Anh còn gọi nhiều lần nữa mong tôi về sớm để chở các anh đến nhà hàng Harvest Moon dự tiền Đại Hội NKT mặc dù anh biết tôi rất bận. Bấy nhiêu đó quý vị cũng đủ thấy ông xã tôi quý mến các anh Lôi Hổ đến mức nào. Tôi hiểu được và tưởng tượng anh đã tay bắt mặt mừng với các anh đó mặc dù có người chưa một lần gặp mặt và biết tên. Đúng là tứ hải giai huynh đệ. Khi tôi về nhà, thật ra không phải bốn người mà hình như gần gấp đôi; ngày hôm sau còn có thêm vợ chồng một anh khác nữa làm tôi áy náy hết sức. Ông xã quyết định để anh chị một phòng còn các anh đi một mình chịu khó ngủ ở phòng khách. Tuy nhà chật mà vui, ngủ mà có đờn cò kéo thì tuyệt quá phải không các anh? Tối đến các anh NKT gặp nhau ở nhà hàng và vui như hội tết, hát cho nhau nghe mà quên hẳn thời gian, trời đã quá khuya. Tôi nói nhỏ vào tai chị NBA “Ma sao hát hay quá vậy?” Chị chỉ cười mà không trả lời nên tôi vẫn còn thắc mắc. Qua đêm thứ nhất, mới buổi sáng Thứ Bảy có anh thức dậy đi tìm giày tùm lum vì không biết đã để ở đâu; khổ chưa, mất giày là phải đi chân đất rồi. Mười phút sau anh lại thông báo là điện thoại cũng mất luôn làm mọi người đi tìm phụ và gọi điện thoại của anh nhưng không nghe reng. Nhà tôi bèn phán một câu: – Điện thoại là vật bất ly thân không thể để mất được. Mọi người ngồi chờ đợi, may quá mười phút sau anh từ dưới tầng hầm đi lên với đôi giày và cả điện thoại ôm trước ngực bảo tìm được rồi, hì hì. Tiếp theo, mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng ra xe để đi thương xá Eden vì hẹn trước với các anh chị khác ăn sáng ở đó. Với thói quen nhà binh nên các anh cẩn thận điểm danh quân số trước khi xuất phát, có anh bảo: – Hình như thiếu mất một thằng. Rồi một giọng nói khác: – Nghe nước chảy, có lẽ nó đang tắm. Thế là mọi người đành phải chờ đợi. Mười lăm phút sau anh đó vẫn không xuất hiện, một người chạy vô nhà kêu và không thấy trở ra, anh thứ hai chạy vô, rồi anh thứ ba và cả nhóm chạy vô nhà kêu réo om sòm vẫn không nghe tiếng trả lời. Mọi người chia nhau đi tìm ở các phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn, phòng gia đình, nhà bếp, và nhà tắm khắp ba tầng lầu cũng không thấy. Có anh bảo rằng: – Thằng đó nó hay thích ngủ ở trong góc, mấy chỗ nhỏ lắm. Thế là không ai nói với ai, nhà tôi có bao nhiêu cái hóc, cái góc và chỗ treo quần áo đều được kiểm soát hết nhưng không có người. Các anh chạy ra sân trước và sân sau nhà cũng không tìm thấy. Một người khác nói: – Chắc có thằng nào tới đón nó đi rồi. Nhưng mọi người nghĩ như vậy không đúng vì giày và hành lý cuả anh ấy vẫn còn trong nhà chúng tôi. Lại thêm một chuyện sửng sốt nữa quý vị ạ, gọi điện thoại cuả anh ấy thì ông tài xế taxi trả lời và bảo rằng điện thoại này đã bỏ quên trong xe ông ta từ ngày hôm trước. Gọi các anh NKT khác cũng không ai biết. Thôi chết rồi, coi như hoàn toàn đứt liên lạc. Tôi đoán có thể anh ấy đi bộ đâu đó trong xóm và hỏi nhà tôi lái xe đi tìm xem sao; nhà tôi trở về nói không nhìn thấy. Mọi người bắt đầu lo và tự hỏi “Vậy thì nó ở đâu?” Nhà tôi lại phán thêm một câu nữa: – Vật mất thì không sao nhưng người mất thì không thể được, phải tìm cho ra. Hơn một tiếng rưỡi đồng hồ trôi qua, các anh bàn tính và quyết định gọi 911 để báo cáo có người mất tích, mặc dù các anh biết chưa đúng 24 tiếng đồng hồ thì họ chỉ lấy tin thôi chứ không hành động. Các anh đành bó tay không làm gì được và rời nhà đi thương xá Eden, chỉ có mình tôi ở lại. Khoảng 15 phút sau một ông cảnh sát đến gõ cửa và hỏi tôi thêm chi tiết cá nhân của anh ấy (xin tạm dịch cuộc đàm thoại ra tiếng Việt): – Tên họ là gì và địa chỉ ở đâu? – Xin lỗi tôi không biết. – Bao nhiêu tuổi? – Tôi không biết tuổi ông ta. – Số điện thoại? – Tôi cũng không biết, nghe nói điện thoại cuả ông ấy để quên trong xe taxi. – Có hình ảnh gì không? – Tôi không có. – Mở hành lý của ông ta ra xem? – Tôi thật sự cũng chẳng biết cái nào để mở. Thật ra các anh đến chiều Thứ Sáu rồi đi dự tiền đại hội đến khuya mới về nên tôi chưa biết mặt và nhớ tên mọi người. Ông cảnh sát cười nghĩ tôi ngớ ngẩn và nói: – Báo cáo người mất tích mà không có những chi tiết đó thì làm sao đi tìm. Tôi cười trừ bảo ông ta chờ tôi gọi điện thoại cho chồng tôi để ông nói chuyện với các bạn anh ấy. Nhưng khổ nỗi chỉ có giọng máy trả lời thôi làm tôi cứ tưởng ông xã nói chuyện với ai quá lâu nên phát cáu; sau mới biết anh bị oan vì điện thoại hết pin. Cũng vừa lúc đó có một ông cảnh sát khác gọi tới nói đã tìm được người mất tích rồi. Tôi mừng quá, và chỉ vài phút sau anh được cảnh sát vui vẻ đưa về tận trước cửa nhà. Nhờ anh da vàng và mặc áo lính nên ông cảnh sát dễ nhận diện. Hóa ra anh đi bằng dép không xa nhà chúng tôi lắm, anh không có lạc đường nhưng chỉ vì muốn các bạn nhớ lại cái cảm giác chờ đợi đồng đội về điểm hẹn an toàn thời trong bóng đêm. Do không có điều kiện nên anh đành phải mượn cảnh ban ngày để diễn lại bóng tối, và thay vì máy bay bốc hay tàu hải quân đón thì anh nhờ xe cảnh sát Mỹ chở về. Có phải vậy không người mất tích? Buổi chiều các anh cùng gia đình NKT đi du thuyền trên sông Potomac đến khuya mới về, nghe nói rất vui. Nồi cháo và gà xé phay tôi đã chuẩn bị sẵn nhưng có lẽ mọi người quá mệt hay bận uống “trà” nên thức ăn còn nguyên, đành để dành cho bữa sáng hôm sau. Tối hôm ấy tôi vui miệng nhắc lại chuyện người mất tích và dặn nhà tôi khi đi xa nhớ để ý số nhà và tên đường chỗ ở, liền bị chàng ta phán mấy câu: – Em phải thông cảm, vì anh đó đã một thời sống trong bóng đêm nên ban ngày khó nhìn thấy được nhà là chuyện thường. Và được cảnh sát đưa về oai quá còn gì nữa. Lại thêm em là người ít đi ra ngoài mà vui vẻ chở tới Eden thì anh đó quá hay. Tôi hết ý kiến luôn. Trưa Chủ Nhật rất đông các anh NKT tham dự kỷ niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cùng Liên Hội Cựu Chiến Sĩ địa phương tại thương xá Eden. Mặc dù trời nóng oi bức như đổ lửa xuống thân người nhưng tất cả các anh chị cựu quân nhân trong bộ quân phục có mặt hôm đó cùng hai ông chủ tịch Cộng Đồng và Liên Hội vẫn đứng trong tư thế nghiêm chỉnh, hào hùng cuả nhà binh hướng về toán quốc quân kỳ. Có lẽ vì tinh thần đó mà đồng bào cũng vui lòng ở lại cho đến khi buổi lễ chấm dứt hoàn toàn. Tiệc chính thức cuả NKT vào tối Chủ Nhật, phải nói là rất thành công với quá đông quan khách, và rất xúc động với chương trình truy điệu chiến sĩ. Có nhiều người đã khóc khi nhìn thấy tượng người lính từ từ lên cao trong làn khói tỏa như sương, nhẹ nhàng theo tiếng nhạc du dương với một giọng nói trầm bỗng nhưng xoáy vào tim người nghe sự xót xa cảm mến, nhớ thương người đã khuất làm dâng trào lên khóe mắt. Có anh ngồi ở bệ tượng đài và mấy anh nữa quỳ bên dưới, mắt như nhìn xa xăm một vùng trời nào đó ở Việt Nam. Chắc trong giây phút linh thiêng ấy các anh đã nhìn thấy được đồng đội năm xưa cuả mình phải không? Rồi tượng từ từ thấp xuống như giã từ mọi người đi vào lòng đất sau khi đã để lại cho quan khách một niềm thương tiếc khó quên. Tôi thầm nói lời chào tạm biệt các chiến sĩ vô danh. Được biết tượng đài chiến sĩ này do các anh NKT đã chở từ tiểu bang California đến đây mất mấy ngày đường rồi lại phải chở trở về. Mặc dù cực nhọc nhưng tôi thấy các anh đó làm việc rất vui vẻ. Tiếp theo, một số các anh được mời lên sân khấu nhận vòng hoa của ban tổ chức trao tặng với những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt. Chương trình chính kết thúc và nhường lại cho ẩm thực, văn nghệ và dạ vũ. Một chuyện ngạc nhiên trong đêm nay là cảnh sát trưởng của quận Fairfax có dân số đông nhất tiểu bang Virginia đã tìm gặp nói chuyện với ”người mất tích” và trao danh thiếp của bà cho anh. Rất khen chị ĐHĐ và các phu nhân của NKT đã hết lòng với ông xã hoặc đi một mình tham gia cho ngày đại hội. Dù có chút mệt mỏi nhưng nụ cười của các chị vẫn đẹp vẫn tươi khi chào đón quan khách. Lúc ra về tôi có yêu cầu anh ĐHĐ là phải chăm sóc tẩm bổ cho bà xã nhiều hơn để bù lại sự hy sinh nhiệt tình của chị trong những ngày vừa qua; và anh đã hứa. Sang Thứ Hai anh chị NBA mời vợ chồng chúng tôi đi ăn cơm tối. Anh chị kể lại chuyện viếng thăm thủ đô Washington D.C. bằng xe buýt ngày hôm đó và rất tiếc là không còn hoa anh đào để ngắm. Thường hoa anh đào nở vào tuần cuối Tháng Ba và kéo dài sang hai tuần đầu Tháng Tư. Nhiều năm có mưa hay gió lạnh thổi hoa bay rơi khắp dưới đất và trên mặt hồ Lincoln rất đẹp. Chị NBA kể lại chuyện một nhạc sĩ có một hôm tình cờ đi qua con đường đầy hoa phượng đỏ và bỗng dưng có cơn gió thổi mạnh làm hoa bay như mưa quá đẹp nên ông đã sáng tác bản nhạc Mưa Hồng. Tôi nói hy vọng một ngày nào đó sẽ có người ra mắt bản nhạc lấy tên Mưa Hoa Anh Đào nhưng chị bảo đặt tên Mưa Anh Đào hay hơn; tôi đồng ý và cả hai cùng cười vang. Trong khi chờ đợi bản nhạc ra đời, tôi xin mạo muội làm bài thơ dưới đây tặng các anh NKT và phu nhân. Mưa Anh Đào Mưa Anh Đào Tháng Tư còn se lạnh Rơi xuống bờ vai áo trận bạc màu Bước chân buồn người lính già nhớ lại Đồng đội mình trong bóng tối rừng sâu Biệt Kích Vô Danh, Lôi Hổ thần sầu Rái Biển, Sói Rừng, Bóng Ma Biên Giới Beo Núi giương nanh thoắt đi chợt đến Xuất quỷ nhập thần giặc khiếp uy danh Mưa Anh Đào mưa vẫn lạnh mỗi năm Áo lính sờn vai anh còn mặc mãi Để nhớ người đi, cho người ở lại Kỷ niệm một thời ngang dọc gió sương Hết cả đời trai gắn bó chiến trường Rừng núi thâm u bạt ngàn gió hú Trong bóng tối anh sẵn sàng tay súng Và hiên ngang đối diện với quân thù Đã bao đêm nhảy toán với cánh dù Hay lặn hụp sóng biển gào ầm ĩ Gian khổ hiểm nguy không sờn chí khí Anh hãnh diện làm chiến sĩ vô danh Dù thời gian trôi đã mấy mươi năm Mưa Tháng Tư vẫn nặng lòng chiến sĩ Nhặt cánh hoa người lính già thầm nghĩ Qua dĩ vãng rồi nhìn đến tương lai Mỗi lần những ngày vui qua mau và chia tay các bạn nhà tôi vẫn thường nói câu “Tiệc vui nào rồi cũng tàn, hẹn có dịp gặp lại”. Nhà tôi lần lượt đưa các anh chị ra phi trường; sau đó quý vị biết anh làm gì nữa không? Ngủ! Tôi đi làm về 5 giờ chiều anh mới chịu thức dậy để ăn tối rồi lại đi ngủ tiếp . Bốn câu thơ dưới đây diễn tả tâm trạng cuả nhà tôi sau khi các anh đi về: Anh đi rồi chồng tôi im tiếng nói Nhìn bình rượu đầy lòng chẳng được vui Nói tiếng mẹ nhiều hơn tiếng nước người Và khói thuốc giảm chín phần cay mắt Nói đùa với các anh vậy thôi chứ nhà tôi bận tối mắt để lo cho cuộc biểu tình yểm trợ phong trào đấu tranh đang nổi dậy tại quốc nội chống Tàu Cộng chiếm đất Việt Nam. Để kết thúc những chuyện vui nhỏ, ông nhà tôi gởi lời nhắn tới các anh đã ở nhà và đi xe của chúng tôi trong mấy ngày về vùng thủ đô dự Đại Hội NKT XV qua bài thơ “Cảm Thông” dưới đây. Chúc các anh luôn luôn sức khỏe dồi dào, tinh thần vững mạnh và chí khí cao trước cảnh đen tối của đất nước chúng ta hiện nay. Cảm Thông Lâu rồi anh trở lại Chúng tôi còn ở đây Nhà tuy trông hơi cũ Nhưng tình bạn vẫn đầy Có hai xe không tệ Dùng đưa đón anh đi Vợ không cho hút thuốc Sợ khói bay đen sì Xin các anh cảm thông Đừng vì thế buồn lòng Mọi việc đều chuyện nhỏ Chuyện lớn nhà binh mình Tôi miền Đông đầy rượu Anh miền Nam Bắc Tây Mong có ngày gặp lại Chúng ta tiếp tục say Dương Việt Chỉnh |