Ý NGHĨA TÍCH CỰC CỦA CHỮ HÒA 和 TRONG TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ- Nguyễn Đức Cung

Ý NGHĨA TÍCH CỰC CỦA CHỮ HÒA 和 TRONG TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ
 
                                                                                                            Nguyễn Đức Cung
 
            Trong Ki-Tô giáo, khi bàn đến ý niệm hòa bình, người ta thường hay nhắc tới câu nói sau đây của ngôn sứ Isaiah trong Cựu Ước có lẽ là câu nói được truyền tụng nhất về ý nghĩa tích cực của nó, một câu mà Liên Hiệp Quốc đã chọn làm châm ngôn cho việc tổ chức năm hòa bình của thế giới cách đây mấy thập niên: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.”(Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, do Nhóm Phiên dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nhà x.b. TP. HCM, 1998, tr. 953). (They will beat their swords into mattocks and their spears into pruning knives; nation will not lift sword against nation nor ever again be trained for war).(The Oxford Study Bible, Revised English Bible with The Apocrypha, Edited by M. Jack Suggs, Katharine Doob Sakenfeld, James R. Mueller, New York Oxford University Press, 1992, trang 703). Ý nghĩa câu nói thật là tích cực, tuy vậy thời gian qua chiến tranh từ đó đến nay vẫn cứ triền miên khi dứt khi chỗ này, thì lại bùng  nổ chỗ khác cho nên nói đến hay bình luận về chữ “hòa” cũng không phải là điều vô ích.
 
            1.- CHỮ HÒA 和QUA LĂNG KÍNH CỦA TRIẾT LÝ ĐÔNG PHƯƠNG.
 
            Xuất phát từ chữ hòa mà có hòa bình, rồi hòa giải, hòa hợp nhưng trước hết phải nói rằng tinh thần hòa giải, hòa hợp hoặc yêu chuộng hòa bình là một đức tính thường có của người dân Việt Nam và của cả nhân loại. Vị ngôn sứ của Cựu Ước có câu nói bất hủ ở trên đã trở nên lừng danh thì tư tưởng phương châm xử thế của ông được hậu thế nhớ đến trong khi ở Á đông những câu vắn tắt như “Dĩ hòa vi quý”, “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa” v.v… tuy xuất phát từ tư tưởng Khổng Tử nhưng lâu dần cũng biến thành máu thịt người VN ta.
 
            Nói về hòa giải và hòa hợp trong phạm vi tâm linh, tôn giáo, các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo và các triết thuyết Á Đông cũng đã có đề cập tới không nhiều thì ít.
 
            Hòa giải là giải quyết một việc gì theo phương cách hòa bình, hiểu một cách nôm na là như vậy. Nhưng chữ “Hòa” trong phạm trù triết lý Đông phương mang một ý nghĩa cao sâu hơn.
 
            Trong Luận Ngữ, Khổng Tử có viết: “Bá-di, Thúc-tề bất niệm cựu ác, oán thị dụng hy.”子 曰 : 伯 夷 , 叔 齊 , 不 念 舊 悪 , 怨 是 用 希 . Cụ Phan Bội Châu trong cuốn Khổng Học Đăng đã giải thích câu này như sau: “ Ông Bá-Di, ông Thúc-Tề vẫn là bậc người rất thanh cao, mà lại đối đãi với người có một cách rất khoan thứ; hễ người ta ai có điều xấu cũ, nhưng khi đã qua rồi, hoặc người ta đã thay đổi được rồi thời mình cũng chỉ xem người ấy là người tốt mà không nghĩ đến điều xấu cũ của người ta nữa (bất niệm cựu ác). Vì vậy mà ít ai oán giận đến mình (oán thị dụng hy). (Luận Ngữ, Thiên V, Công Dã Tràng, câu 22; Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Nhà xb. Khai Trí, Sài Gòn, 1973, trang 114).
 
            Về chuyện Bá Di và Thúc Tề, học giả Nguyễn Hiến Lê trong cuốn sách nghiên cứu và dịch Luận Ngữ ghi lại : “ Tử viết: “Bá Di, Thúc tề bất niệm cựu ác, oán thị dụng hi.” Dịch: “Khổng tử nói: “Bá Di và Thúc Tề không nhớ điều xấu cũ của người, nên ít oán ai.”Bá Di và Thúc Tề đều là con vua Cô Trúc, không chịu nhận ngôi vua, bỏ đi ở ẩn; sau giúp vua Văn vương là người có đức. Nhưng khi Võ vương (con Văn vương) đem quân đánh Trụ nhà thương, hai ông can không được, vào ẩn trong núi Thú dương, chịu chết đói. Coi truyện trong bộ Sử kí của Tư Mã Thiên.“Oán thị dụng hi” có người hiểu là: ít người oán hai ông ấy. Nhưng bài VII.14 Khổng tử có nói: “… … cầu nhân đắc nhân, hựu hà oán?” (hai ông ấy) cầu nhân thì được nhân, còn oán cái gì?” Vì vậy mà chúng tôi dịch là “nên ít oán ai”, chứ không dịch là ít bị người ta oán. (Nguyễn Hiến Lê, Luận Ngữ, Nhà xb. Văn Học, 1995, trang 98).
 
            Lối dịch của Nguyễn Hiến Lê đánh động vào tâm thức tích cực của con người, chủ động cái tình cảm của mình nên có lẽ đúng hơn lối dịch thiên về phần tiêu cực của cụ Phan Bội Châu. Nhưng dù lối dịch nào chăng nữa thì câu văn của Luận Ngữ cũng hàm ý xây dựng tinh thần yêu thương, ý thức hòa giải trong con người nói riêng và trong xã hội nói chung. Việt Nam sau cuộc chiến 1954-1975 đến nay đã hơn 40 năm nhưng còn lại biết bao đau thương, biết bao “cựu ác”, bao hận thù vẫn còn chia rẽ lòng người, cần phải gạt qua một bên, nhưng gạt bằng cách nào?
 
            Xét về chữ Hòa trong hòa giải hay hòa hợp thì thấy có ba lối viết. Có chữ Hòa 禾 có nghĩa là lúa chưa cắt rơm rạ đi;   和 hòa, cùng ăn nhịp với nhau và 龢 hòa : điều hòa, hợp cùng nghĩa với chữ 和 . Tìm hiểu về ngữ nguyên (etymology), chữ Hòa 和 gồm một bên chữ Hòa là lúa và một bên chữ Khẩu là cái miệng. Thóc lúa dùng để nuôi cái miệng thì tấm thân sẽ nhàn tản, cuộc sống hòa bình (chữ dùng hội ý). Còn chữ hòa 龢 một bên chữ Dược 龠 là một thứ như cái sáo có ba lỗ, cũng đọc là Thược là đồ để đong, đựng được 1200 hạt thóc. Theo Linh mục Tiến sĩ Léon Wieger, (S.J.) trong cuốn Chinese Characters, hai chữ Hòa 和 và 龢 cùng có một nghĩa là điều hòa (Harmony, Union) (bản in lần thứ hai, theo bản tiếng Pháp, Dover Publications, Inc., New York, không đề năm in, trang  283). Chữ Dược 龠 là ống sáo tượng trưng cho âm nhạc hay âm thanh nằm bên chữ Hòa 禾 là lúa trên một cánh đồng xanh vàng óng ả, cũng là chữ hội ý.
 
            Trong tác phẩm Đại cương Triết học sử Trung quốc, Tiến Sĩ Phùng Hữu-Lan (Fung Yu-Lan), Giáo sư Đại học Thanh-Hoa ở Bắc Kinh, một triết gia lừng danh trong những thập niên 40 của thế kỷ XX, có nêu sách Trung dung khi sách này viết rằng: “Mừng, giận, buồn, vui chưa bộc lộ ra, gọi là trung. Bộc lộ ra mà trúng tiết, gọi là hòa. Trung là gốc lớn của thiên hạ. Hòa là đường chính của thiên hạ. Trung hòa rất mực thì Trời Đất được yên, muôn vật được nuôi.”(Ch. 1.) Tiến sĩ Phùng Hữu Lan viết tiếp : “Khi tình cảm được bộc lộ ra, mà đều trúng tiết, cũng gọi là trung, vì “hòa”là do trung, và “trung” dùng để hòa những cái khác có thể không hòa. Những điều đã được nói về tình cảm, thì cũng có thể áp dụng đối với những ước muốn. Trong cách cư xử cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội, có những điểm đánh dấu mức đúng cho sự thỏa lòng ước muốn và sự bộc lộ tình cảm. Một người, nếu mọi ước muốn được thỏa và mọi tình cảm được bộc lộ, mà ở vào mực trung, thì người ấy đạt tới cái hòa bên trong nó làm cho tinh thần mạnh khỏe. Cũng vậy, khi các ước muốn và tình cảm của mọi hạng người trong xã hội đều được thỏa, và được bộc lộ ra, ở vào mực trung, thì xã hội cũng đạt tới cái hòa bên trong nó dẫn đến thái bình trật tự. (Phùng Hữu Lan, Đại cương Triết học sử Trung quốc, TS Nguyễn Văn Dương dịch, Nhà xb. Thanh Niên, Sài Gòn 1998, trang 180.). Ở một đoạn dưới, Tiến Sĩ Phùng Hữu Lan viết tiếp: “Hòa thì bao hàm dị: hợp mọi cái dị để thành hòa… Đồng nghĩa là đồng nhất, đối lập với dị. “Hòa” nghĩa là: điều hòa, bao hàm dị, hợp mọi cái dị để thành hòa. Tuy nhiên, để thành hòa, thì mọi cái dị phải có phân lượng nhất định, ấy là “trung”. Vậy tác dụng của trung là để thành hòa. Một xã hội khéo tổ chức là một cái “hòa” trong đó những người tài giỏi và làm nhiều nghề khác nhau có một địa vị thích hợp, giữ những chức vụ xứng đáng, ai cũng được thỏa mãn như nhau, không có xung đột gì. Một thế giới lý tưởng cũng là một cái “hòa”. Sách Trung dung nói: “Muôn vật sống với nhau mà không cùng hại. Mọi đạo lưu hành với nhau mà không cùng trái… Ấy là điềm làm cho trời Đất lớn vậy.”(Ch. 30) Một cái hòa như vậy, không chỉ bao hàm xã hội con người, nên còn là Thái hòa. Trong lời thoán quẻ càn, ta thấy chép: “Lớn thay cái đức đầu của càn…Giữ hợp được Thái hòa. Mới hay tốt và chính bền.” (Phùng Hữu Lan, Sách đã dẫn, trang 181).
 
            2.- TƯ TƯỞNG ĐÔNG PHƯƠNG, TÔN GIÁO VÀ Ý THỨC HOÀ GIẢI.
            Trong một xã hội mà tinh thần Tam giáo Nho, Phật, Lão thường hay đan xen vào nhau như ở Việt Nam, người ta thấy nhiều câu nói phản ánh tinh thần tha thứ, thương yêu thí dụ “Oán thù nên cởi, không nên buộc” hay “Lấy oán báo oán, oán oán chập chùng; lấy ân báo oán, oán oán tiêu tan”.
 
            Sách Nho có câu: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa” tức thời thế thuận không bằng địa thế lợi; địa thế lợi không bằng nhân tâm hòa. Xem thế thì đủ biết: yếu tố hòa là quan trọng hơn hết trong mọi việc, mọi tổ chức. Gia đình hòa thì gia đình có hạnh phúc; nước nhà hòa thì nước nhà được thạnh trị; nhơn loại hòa thì thế giới an lạc (Hoà Thượng Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, Quyển Nhứt, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992, trang 346.)
 
            Giáo lý Lục-hòa  六 和 của nhà Phật  còn gọi là Lục Úy Lao Pháp 六 慰 勞 法 Lục Khả Hỷ Pháp 六 可 喜 法, Lục Hòa Kính 六 和 敬 (Thích Nguyên Tâm, Từ Điển Phật Học Tinh Tuyển, Nhà xuất bản Phương Đông, TPHCM, 2013, trang 767)  vốn là sáu phương pháp cư xử với nhau trong phạm vi một cộng đồng dân tộc để làm sao cho có sự hòa hợp từ vật chất đến tinh thần. Sáu phương pháp đó thứ nhất là “Thân hòa đồng trú” (nếu là đồng bào cùng chung sống trong một quốc gia xã hội, thì phải lấy sự đoàn kết làm đầu, không được gây cảnh nồi da xáo thịt, chia năm xẻ bảy, làm thành giặc chòm, giặc xóm; sát phạt nhau, chém giết nhau. Thứ hai là Khẩu hòa vô tránh (miệng hòa hợp không tranh cãi nhau) tức trong xã hội, cũng vì một lời nói không hòa mà nhiều khi quốc gia phải lâm nạn chiến tranh, nhân loại bị đẩy vào lò sát sinh thảm khốc. Thứ ba là Ý hòa đồng duyệt tức Ý hòa cùng vui tức là nếu ý tưởng hiền hòa, vui vẻ thì thân và lời nói dễ giữ được hòa khí. Trái lại nếu ý tứ bất hòa, thường trái ngược nhau, ganh ghét nhau, thì thân và khẩu khó mà giữ được cho hoàn hảo. Thứ bốn là Giới hòa đồng tu nghĩa là giới hòa cùng tu, điều này không chỉ ứng dụng trong giới tu hành Phật giáo nhưng cho bất cứ một đoàn thể, hiệp hội, tổ chức nào vì đã cùng đứng trong một tập thể thì phải giữ kỷ luật chung, điều lệ chung, ngay cả chính trong một đất nước thì kỷ luật chung đó là tinh thần yêu nước, quyền lợi và luật pháp của đất nước; giới đây là đồng bào, công dân một quốc gia. Thứ năm là Kiến hòa đồng giải tức là thấy biết giải bày cho nhau hiểu; điều này muốn nói trong sự sống chung, mỗi người hiểu biết được điều gì, khám phá được điểm gì, phải giải bày, chỉ bảo cho người khác hiểu để khai thông sự thông cảm với tha nhân, tránh lòng ích kỷ cá nhân. Thứ sáu là Lợi hòa đồng quân tức lợi hòa cùng chia cân nhau, điều này muốn nói rằng trong xã hội sở dĩ có sự xung đột dữ dội, phân chia giai cấp cũng do vì thiếu sự “Lợi hòa đồng quân” cả. Người giàu thì giàu quá, kẻ nghèo thì nghèo xơ, kẻ dinh thự nguy nga ruộng đất cò bay thẳng cánh, có kẻ không có một chòi tranh vách đất. Do đó không thể có hòa bình được: người vô sản xung đột với kẻ hữu sản, nước nghèo đói sanh sự với nước phú cường. (HT Thích Thiện Hoa, sách đã dẫn, trang 347-353).
 
            Trong cuốn Đạo Bụt nguyên chất, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nêu câu kệ “Diệt nhuế hỏa hoại tán tham 滅 枘 火 壞 散 貪 và giải thích: “Phải biết dập tắt ngọn lửa của sự giận hờn, phải biết cách làm tan vỡ khối tham vọng trong lòng mình. Diệt nhuế hỏa là làm hư đi, làm tan nát đi, dập tắt ngọn lửa hận thù. Đó là một hiệu lệnh.” (Nhà xb. Phương Đông, 2011, trang 362).
 
            3.- CHỮ HÒA VỚI DÂN TỘC NHẬT-BẢN.
 
            Về tên gọi của Nhật Bản thì thuở ban đầu đã có tên gọi là Musashi no Koku (Vũ Tàng chi quốc) hoặc Yamato no Koku (Đại-Hòa chi quốc) 大 和 之 國 về sau Đại-Hòa là một nước trở nên hùng mạnh khắc phục hai nước Bắc Cửu-châu và Xuất-vân, lập ra triều đình gọi là Đại Hòa triều đình (Yamato Chote) và mọi chủ trương đường lối khác thường lấy chữ Hòa làm chuẩn mực.
 
            Ở Nhật Bản, ngay từ thế kỷ VI, Thánh Đức Thái tử (Shotoku Taishi) từ khi chấp chánh năm 593 cho đến khi tạ thế năm 622, việc làm quan trọng và lớn lao nhất của ông là soạn thảo và công bố bản Hiến Pháp 17 điều (Thập Thất Điều Hiến Pháp). Đây là bản hiếp pháp đầu tiên của dân tộc Nhật Bản kể từ ngày lập quốc.
 
            Điều I.- Trong nước lấy chữ HÒA làm nền tảng trong đạo cư xử để tạo nên sức mạnh chung. Phàm tính ngang ngược phải cải bỏ. Ra đến ngoài nước phải tuân lệnh đấng QUÂN VƯƠNG (tức Thiên Hoàng), ở trong nhà phải thuận mệnh PHỤ, MẪU. Không trái ý xóm mạc, mọi việc phải giải quyết bằng thảo luận tương thỏa. (Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, Nhật Bản Sử Lược, Quyển I, Tự Do xuất bản 1959, trang 118).
 
            Giáo sư Tiến sĩ Thích Thiên-Ân cho biết bản Hiến pháp được công bố vào khoảng tháng 4 năm 604 với Điều 1 như sau nhấn mạnh đến chữ Hòa như sau:
 
            1.- Lấy hòa làm quý, lấy thuận làm tôn. Mọi người đều có bè-cánh đảng-phái, ít người sống cô độc một mình; tuy có bè cánh đảng phái, nhưng mọi người đều phải tùy thuận theo đạo “Quân thần”. Nếu thượng-hòa hạ-mục thì tất cả các sự tranh chấp đều được giải quyết ổn thỏa, tất cả sự lý đều dung thông và mọi việc đều thành tựu. (Thích Thiên-Ân, Lịch sử Tư tưởng Nhật bản, Đông Phương xuất bản, 1965, trang 41).
 
            Bản Tân hiến pháp của Nhật Bản công bố vào ngày 3 tháng 11 năm 1946 tức là vào khoảng một năm sau ngày Nhật Bản đầu hàng quân đội Liên Hiệp Quốc cũng có lời mở đầu trong đó nhấn mạnh ý nghĩa chữ Hòa như sau:
 
            “Quốc dân Nhật Bản sẽ hành động qua những đại biểu ở quốc hội sau những cuộc bầu cử chánh đáng. Chúng ta sẽ vì chúng ta và con cháu chúng ta mà hòa hợp hiệp lực với các quốc gia khác; phải làm cho tự do nhân quyền được bảo đảm trong toàn lãnh thổ; phải ngăn ngừa tất cả những hành vi và ngôn ngữ có thể tái diễn thảm họa chiến tranh của chính phủ; phải tuyên ngôn chủ quyền của quốc gia là ở nơi quốc dân và phải cương quyết bảo vệ bản Tân hiến pháp này.” (Thích Thiên Ân, Sđd trang 397).
 
            Một số các vị vua Nhật Bản cũng dùng chữ Hòa 和 trong danh hiệu khi đăng quang như Thuần-Hòa Thiên Hoàng (823-833), Thanh-Hòa Thiên Hoàng (858-876) hay Nhật Hoàng Hirohito lên ngôi ngày 25 tháng 12 năm 1926 với hiệu Chiêu Hòa 昭 和 (Showa), qua đời ngày 7/1/1989 thọ 87 tuổi là hoàng đế thứ 124 của Nhật Bản. Nhật Hoàng Akihito (danh hiệu Bình Thành) thoái vị vào ngày 30/4/2019 và Tân Nhật Hoàng Naruhito lên kế vị vào ngày 1/5/2019 với danh hiệu là Lệnh-Hòa 令 和 (Reiwa) có nghĩa là tôn ti và hòa hợp.
 
            Các niên hiệu của Thiên Hoàng thì có Ứng-Hòa, An-Hòa…
 
            Các chùa chiền lớn cũng thường mang tên Hòa thí dụ Nhân Hòa Tự (Nin-Wa Ji).
 
 
            Trong tác phẩm Nhật Bản Tư Tưởng Sử, tác giả Thạch Điền Nhất Lương đã viết: “Lại trên lĩnh vực hội họa, khởi từ tập được những gì là “họa phong” (nét vẽ, kiểu vẽ) của Trung Quốc để rồi pha trộn với “Hòa hồn” vào trong phong cảnh là khởi từ bước đầu ở nơi những họa gia (họa sỹ) quý tộc vương giả mà có. Cho nên, điều đáng kể hơn cả về thành quả mà xã hội vương giả đóng góp cho đất nước, ấy là mở đường cho nền “dân tộc văn học” để lần lần xúc tích thành “dân tộc văn hóa”. Công phu mở đường cho nền dân tộc văn hóa ấy bắt đầu từ  ý chí tích cực thâu thái lấy tinh túy của Hán văn Hán học rồi dung hòa với ngôn ngữ của Đại Hòa để thành “Đại Hòa văn hóa”, “Đại Hòa văn chương” như ngày nay”(Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, bản dịch tái bản lần thứ tư, 1966, trang 264, Chú thích: Hòa hồn 和 魂 (Yamato-damashi-i), là tinh thần Nhật Bản, tâm hồn Nhật Bản. Tổng quát là những nét tinh thần của Nhật Bản trên toàn lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tập quán).
 
            Trong tác phẩm Nhật Bản Duy tân 30 Năm, Đào Trinh Nhất (1900-1951) có viết: “Cả dân tộc Nhật Bản có cái hồn chung hồn nước là Đại Hòa hồn 大 和 魂 [Yamato Damashii]; hồn ấy, mỗi người làm dân nước Nhật phải tâm niệm, kính thờ, giữ gìn, thao luyện. Nước Nhật đời cổ, có một cái danh hiệu là Đại Hòa; bởi vậy, lối chữ riêng của Nhật, ta thấy ở sách vở báo chí của họ xen lộn chữ Hán vào đó, người ta thường gọi là Hòa văn 和 文 [Wabun], Đại Hòa hồn tức là quốc túy tin thần của dân tộc Đại Hòa, chính dân Nhật Bản. Hồn này ở trong tâm não người Nhật cũng thiêng liêng cao quý như Thượng đế ở trong tâm não nhà tôn giáo.” (Nhà xuất bản Omega + & Thế Giới, 2018, trang 63).
 
            Chữ Hòa cũng được xem là tượng trưng cho tinh thần của người Nhật Bản quen gọi là “Hòa hồn” như trong khẩu hiệu “Hòa hồn Dương tài” (Tinh thần Nhật và kỹ thuật Tây Âu) (Yoshiharu TSUBOI, Nước Đại Nam đối diện với Pháp & Trung Hoa, (L’empire Vietnamien face à la France et à la Chine), Nhà xuất bản Trẻ, TP.HCM, 1999, trang 208).
 
            Nền học thuật của Nhật Bản có khi cũng được gọi là Hòa học 和 學 (Fukuzawa Yukichi, Khái lược Văn minh luận, Nhà xuất bản Omega+ & Thế Giới, 2018, trang 27).
 
            Về văn chương, chữ HÒA cũng được dùng đặt tên cho một thể thơ gọi là Hòa-Ca (Waka). Thể thơ này không những được thi nhân đương thời đua nhau sáng tác mà còn trở nên phổ thông và thịnh hành đến hiện tại. Sinh thời Minh Trị Thiên Hoàng cũng hay làm thơ điệu Hòa Ca này. Chữ Hòa cũng còn được dùng đặt tên cho nhà sáng tác, như tác phẩm Nhật Bản Chi Tích là của nhà văn Hòa Ca Sâm Thái Lang, hay tên tác phẩm như Mộng-Song Quốc-Sư Hòa-Ca Tập là của Mộng-Song Quốc-Sư (1275-1351) vốn là một cao tăng nổi danh của Nhật Bản. Rồi tác phẩm Tân Cổ-Kim Hòa-Ca Tập của hai anh em nhà quý tộc Đằng-Nguyên Định-Gia và Đằng-Nguyên Gia-Long.
 
            Ngoài ra kiến trúc nhà cửa dinh thự ở Nhật Bản cũng theo lối Công-Gia Phong và chùa chiền thì theo kiểu Hòa Dạng (Wa Yo). “Công Gia Phong, nghĩa là theo lối cầu kỳ, rậm rạp của Quý tộc, quan lại, danh gia, nhà nào cũng chạm trổ từ cột đến xà, từ nội tâm đến ngoại hiên. Còn Hòa-Dạng là “kiểu nhà của người Đại Hòa”, chạy hai hàng hiên, đầu cột có đấu” đội lấy hoành, [Đấu là miếng gỗ đẽo tùy sở thích, vuông hay tròn, đường kính rộng hơn cột, do mộng lồng vào đầu cột để đợ lấy khoảng nối của hai đầu hoành mái. Đấu nhà nhỏ thường độ 0m15 bề dầy, đấu đình chùa thường đến 0m40], từ nóc xuống cột cái hạ lần bằng “con chồng” tới thượng lương, từ cột con ra đến hiên thì đặt cột giả lên trên xà lòng, mỗi cột giả có một “đấu nhỏ” đợ hoành mái. [Lối kiến trúc tự-đường này thực hợp với kiến trúc các cổ tự ngoài Bắc-phần, tỷ như chùa Phật-Tích tại huyện Tiên-Du, Tỉnh Bắc Ninh.” (Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, Nhật Bản Sử Lược, Tập II, trang 241).
 
            Một Tiến sĩ người Nhật Bản, ông Atsuji Tetsuji trong cuốn Tự Nguyên Hán Tự, Những câu chuyện về chữ Hán trong tiếng Nhật có viết: “Tại mục nói về năm Chiêu Công thứ 20 trong Xuân thu tả dân truyền – một trong  những cuốn kinh thư được Nho học xem trọng nhất và ngày nay cũng được biết đến như một kho tàng truyền thuyết cổ đại quý giá, có cảnh vị hiền nhân tên Yến Tử – người được xem là bộ não của nước Tề một cường quốc ở phía Đông – giải thích cho Cảnh Công về chữ “hòa” trong mối quan hệ con người rằng: “Hòa như món canh nóng, dùng nước, lửa, giấm, nước tương, muối, mơ nấu với cá và thịt. Để nấu món này thì dùng củi”. Ông đã ví chữ “hòa” với món ăn. Yến Tử nói cái “hòa” của con người là cái giống như người đầu bếp nấu món canh vậy và giống như việc anh ta dùng gia vị mà điều chỉnh hương vị của món canh.” (Nhà xuất bản trẻ, 2017, trang 62).
 
           
            4.- CHỮ HÒA VỚI KI-TÔ GIÁO.
 
            Nói về vấn đề hòa giải giữa con người với nhau thì trong Cựu Ước, trong Do Thái giáo và nhất là trong Tân Ước đã có rất nhiều đoạn Thánh Kinh đề cập việc tha thứ, tha nợ, giải quyết những lấn cấn, vướng mắc thuộc nhiều lãnh vực giữa cá nhân với cá nhân, giữa tập thể với tập thể.
 
            Trong sách Đệ Nhị Luật, Chương 15, câu 1-3 có viết: “Bảy năm một lần, anh (em) hãy tha nợ. Đây là cách thức tha nợ: mỗi chủ nợ sẽ tha món nợ đã cho người đồng loại vay mượn, không thúc người đồng loại và người an hem trả nợ, vì người ta đã công bố việc tha nợ để kính ĐỨC CHÚA. Người nước ngoài, anh (em) có thể thúc nợ; nhưng cái gì của anh (em) mà ở trong nhà người anh em của anh (em)thì phải tha không đòi.” (Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nhà xb. TPHCM, 1999, trang 221).
 
            Trong cuốn sách Kinh Lạy Cha, các tác giả Nguyễn Đăng Trúc và Lê Phú Hải đã giải thích đoạn văn sách Đệ Nhị Luật trên như sau: “Theo trường hợp này tha nợ mang nghĩa chối từ dùng khả năng áp bức hay lấy luật đè lên kẻ mang nợ. Tha nợ tức là tha thứ, giải thoát kẻ có nợ khỏi áp bức và tha hết món nợ hay những đòi buộc đối với mình.” (Nguyễn Đăng Trúc, Lê Phú Hải, Định Hướng Tùng Thư, Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ xb. 1997, trang 222).
 
            Trong sách Huấn ca, Chương 28, câu 1-4 có viết : “Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi của nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình.” (Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, sách đã dẫn, trang 916).
 
            Trong Do Thái Giáo, ý nghĩa tha thứ tức khái niệm hòa giải trong chính trị cũng được các vị Rabbi giải thích, thí dụ Rabbi Eléazar ben Azaria giải nghĩa sách Lê-vi 16, 30: “… đối với những lỗi lầm giữa loài người với nhau, ngày lễ ‘thục tội’ (Kippurim) không thể đền tội được nếu như ta không làm hòa với người khác” (Jean Bonsirven, Textes Rabbiniques, Dẫn lại theo Nguyễn Đăng Trúc và Lê Phú Hải, Sđd, trang 223).
 
            Rabbi Yosê cũng có nói: “Nếu người không khoan dung đến người anh em, Thiên Chúa cũng không nhân từ với người” (Pesiqta, Rabbati 38, 164b.)
 
            Rabbi Râbâ còn nhấn mạnh: “Với những ai bỏ qua những điều lỗi lầm của người khác làm cho họ, Thiên Chúa sẽ bỏ qua mọi xúc phạm đến Người vì Người nói: Người tha thứ tội phạm và bỏ qua sự xúc phạm. Người tha thứ tội phạm cho ai? Cho những ai biết bỏ qua điều xúc phạm đến mình.” (Nguyễn Đăng Trúc, Lê Phú Haỉ, Sđd, trang 224).
 
            Nói đến vấn đề hòa giải, đối với người Công Giáo có lẽ Kinh Lạy Cha (Pater noster, Le “Notre Père”) vốn là kinh do Đức Kitô dạy các Tông Đồ, đã để lại nhiều dấu ấn nhất đối với việc xin tha thứ và thứ tha. Có hai bản văn về Kinh Lạy Cha, một của Thánh sử Luca và một của Thánh sử Mát-thêu. Bản của Luca có 5 lời câu xin, và bản của Mát-thêu có 7 lời cầu xin, giọng văn của Mát-thêu trung thực hơn vì có vẻ Do Thái hơn (Tiến-Sĩ Trần Thái Đỉnh, Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Cơ sở Văn hóa hy vọng, tái bản lần thứ nhất, 2001, trang 175).
 
            Trong bản của Mát-thêu có câu :“… Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”Tiến sĩ Trần Thái Đỉnh viết: “Nơi lời cầu xin này, chúng ta đặt cho mình một điều kiện: Chúng ta xin Chúa tha nợ cho chúng ta như chúng ta cũng tha kẻ có nợ chúng ta. Đây là trường hợp duy nhất trong bảy lời cầu xin có điều kiện. Mà Chúa Giêsu đã đặt điều kiện này vào lời xin tha thứ, vì Ngài biết tha thứ là một việc đôi khi không dễ dàng chút nào. Chúng ta còn nhớ lời Ngài dạy: nếu đứng trước bàn thơ để dâng lễ vật mà ta sực nhớ có chuyện bất bình với anh em, thì phải để của lễ ở đó trước bàn thờ, đi làm hòa với nhau đã, rồi sẽ trở lại dâng lễ vật cho Chúa. Còn ở đây, sau khi đã đặt điều kiện như thế trong lời cầu nguyện, Chúa lại còn trở lại một lần nữa, liền sau kinh Lạy Cha, để nói thêm cho ta biết Thiên Chúa tuyệt đối buộc ta phải tha thứ cho nhau, thì mới đáng Ngài tha thứ cho ta. Ngài nói: “Đúng thế, nếu anh  em tha thứ những lỗi phạm cho người ta, thì Cha anh em ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh  em; nhưng nếu anh em không tha cho người ta, thì Cha anh  em cũng sẽ không tha cho anh em các lỗi phạm của anh em” (Mt 6, 14-14).
 
            Trong đoạn dưới, Tiến Sĩ Trần Thái Đỉnh viết tiếp: “Theo bản Mát-thêu mà chúng ta sử dụng đây, Chúa dùng từ “tha nợ”, để xin Chúa tha thứ cho chúng ta. Theo các học giả, từ “nợ” trong Luật Do-Thái có nghĩa chặt chẽ và pháp lý: con nợ có thể bị tù tội nếu không trả được nợ, như ta thấy nơi Mt 18, 23-25.” (Trần Thái Đỉnh, Sđd, trang 184).
 
            Ở đây xin ai đừng nghĩ rằng chúng tôi có ý lợi dụng một diễn đàn chính trị để tuyên truyền cho các tôn giáo và triết thuyết, nhưng vì chủ trương “hòa giải, hòa hợp dân tộc” của THDCĐN xét ra là một chủ trương còn cần nhiều biện giải, tuy vốn đã từng có gốc rễ trong giáo lý các tôn giáo, nên không thể không nêu ra ở đây những dẫn chứng được xem như chứng liệu cho một chính sách, một lập luận. Chúng tôi là người ngoài, thuộc một tổ chức chính trị khác nên muốn nêu ra những dẫn chứng khách quan, những điều thấy được trong sách vở và thành tâm muốn đóng góp một vài ý kiến thô thiển với anh chị em chí hữu của THDCĐN, vấn đề chỉ có vậy thôi.
 
            Trong Tân Ước, “Bài giảng trên núi – Các phúc thật” hay là “Tám Phúc” mà người ta còn gọi là “Hiến Chương Nước Trời”có Điều thứ bảy “Hạnh phúc thay những ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” xét ra rất quan trọng đối với ông Nguyễn Gia Kiểng và các thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, vì họ chính là những người xây dựng hòa bình, một mục tiêu thiêng liêng xuất phát từ các nỗ lực hòa giải để tiến tới hòa hợp dân tộc.
 
            Ở đây chúng tôi lại xin trích dẫn những đoạn văn phân tích đầy tính uyên bác của Tiến Sĩ Trần Thái Đỉnh, nguyên  Giáo sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn  mà các tác phẩm về triết học của ông từng là sách giáo khoa căn bản của các Trường đại học quốc gia trước đây, hiện đã được in lại rất nhiều trong nước.
 
            Trong cuốn sách đã dẫn, Tiến Sĩ Trần Thái Đỉnh viết: “Phải có mưa thuận gió hòa, cây cối mới lớn lên và sinh nhiều hoa trái. Phải an cư thì mới lạc nghiệp, và con người mới có thể phát triển đầy đủ và cảm thấy hạnh phúc. Vì thế, hòa bình là điều kiện số một của cuộc sống hạnh phúc: hòa bình với Thiên Chúa, không mắc lỗi với Ngài và được Ngài yêu thương; hòa bình với bản thân, không bị lương tâm cắn rứt; hòa bình với mọi người, sống hòa thuận và an vui với nhau.
 
            Chúa Giêsu được Thánh Phaolô ca tụng là “Đức Chúa của hòa bình” (2Tx 3, 16), vì Chúa luôn chúc và ban hòa bình cho nhân loại. Vừa sinh ra còn nằm trong máng cỏ, Ngài đã sai các thiên thần chúc bình an cho chúng ta: “Sáng danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho những người Chúa thương.” (Lc 2, 14). Trong suốt cuộc đời, sự hiện diện của Ngài luôn tỏ ra sự bình an và lòng thương xót. Rồi trong giờ phút thầy trò sắp chia tay, các môn đệ âu lo và sợ hãi trước cái chết vô cùng đau đớn của Ngài, Chúa Giêsu đã nói với các ông lời an ủi của con Thiên Chúa…
 
            Bây giờ nhìn vào phúc thật này, xin hỏi ai là người được Chúa công bố là hạnh phúc? Bản Latinh “Phổ thông”(Vulgata) dịch là “pacifici”, nghĩa là những người hiền hòa (các bản Lebreton và Prat vẫn dịch là “pacifiques”. Nhưng các nhà chuyên môn cho rằng dịch như thế không đúng. Cho nên Prat đã đề nghị dịch là “pacificatores” nghĩa là người “làm nên hòa bình”. Nhưng dịch như vậy là quá đáng, vì từ này chỉ áp dụng cho các nhà”bình trị thiên hạ” như các hoàng đế La Mã đã làm nên Pax Romana (Hòa bình La Mã), và như Chúa Giêsu đã làm nên Pax Christi (Hòa bình Chúa Kitô, hòa bình giữa Thiên Chúa và loài người).
 
            Nay các nhà chú giải và các bản dịch Thánh kinh đều ghi là “Hạnh phúc thay những ai xây dựng hòa bình”. Như vậy cha ông chúng ta (giáo dân Việt Nam)đã dịch rất đúng: “Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật.” “Xây dựng hòa bình là một công việc rất quan trọng của lòng thương xót: đó là giúp mang lại hòa thuận cho những cặp vợ chồng bất hòa với nhau, cho những người bạn thân đang giận nhau… Giao hòa những người đang bất hòa, giúp các cặp vợ chồng và các bạn hữu sống hòa thuận với nhau là một công việc rất tế nhị, nhưng cũng rất đáng Chúa thưởng công.” (Trần Thái Đỉnh, Sđd, trang 59-60).
 
            Jules Lebreton thuộc Dòng Tên, tác giả cuốn sách La vie et l’enseignement de Jésus Christ, Notre Seigneur, do Beauchesne Paris xb. 1931 và Ferdinand Prat cũng thuộc Dòng Tên tác giả cuốn Jésus Christ, sa vie, sa doctrine, son oeuvre, cũng do Beachesne Paris xb. 1933 vốn là hai tác giả được TS Trần Thái Đỉnh tham khảo nhiều để viết cuốn sách của ông.
 
            Có lẽ mang tâm thức của một nhà trí thức Công Giáo chuyên ngành giáo dục, nghiên cứu triết học cho nênTiến Sĩ Trần Thái Đỉnh đã không nhắc đến nhiệm vụ hòa giải, xây dựng hòa hợp dân tộc, một quan điểm rất thời thượng của bất cứ một quốc gia nào sau chiến tranh. Cũng tiếc thay!
 
            Trong đạo Công Giáo, Bí tích Giải tội (Confession) cũng gọi là Bí tích Hòa Giải vốn là một trong bảy phép bí tích cần thiết mà người Công Giáo phải tuân giữ.
 
            Trong các cuộc biểu tình tuần hành của Giáo dân Tổng Giáo Phận Hà Nội tám năm trước đây để đòi lại đất Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội, Kinh Hòa bình của Thánh Phanxicô được giáo dân hát trong khi cầu nguyện trước và trong khuôn viên vùng đất thánh thiêng này:
            Lạy Chúa xin làm con thành khí cụ bình an của Chúa,
            nơi oán thù con gieo yêu thương,
            nơi xúc phạm con gieo tha thứ,
            nơi tranh chấp con gieo an hòa,
            nơi nghi ngờ con gieo niềm tin,
            nơi sai lầm con gieo sự thật,
            nơi thất vọng con gieo hy vọng,
            nơi buồn sầu con gieo niềm vui,
            nơi tối tăm con gieo ánh sáng.
            Ôi Thầy Thần Linh, xin dạy con
            tìm an ủi người hơn được người ủi an
            tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
            tìm yêu mến người hơn được người mến yêu,
            tìm chính khi hiến dâng là khi được nhận lãnh,
            chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
            và chính khi chết đi là khi sống muôn đời.
 
            (Leonardo Boff, Kinh cầu của Thánh Phanxicô, sứ điệp hòa bình cho thế giới ngày nay, Nguyễn Dy Loan chuyển ngữ, Định Hướng Tùng Thư xb. 2014).
 
            Nhớ lại câu chuyện hơn mười năm về trước, trên đường đi về tòa án Hà Đông để tham dự buổi chính quyền Cộng Sản xử tám người giáo dân trong vụ giáo xứ Thái Hà (2009), có đến trên hai mươi nghìn giáo dân xuống đường tay cầm nhành thiên tuế (biểu tượng chiến thắng và tử đạo) hiên ngang trẩy đi như trẩy hội kéo về bao quanh tòa án. Tôi cho đó là một trong những cuộc diễn tập dân chủ hoành tráng của nhân dân khiến cho nhà cầm quyền CS cũng phải suy nghĩ. Cả bài kinh trên đây đã được nhạc sĩ Kim Long phổ nhạc, rất được lưu truyền trong người Công Giáo Việt Nam ở trong nước cũng như hải ngoại. Cũng nhớ lại rất nhiều kỉ niệm khi chúng tôi, những chiến hữu quốc gia vướng trong vòng lao lý sau ngày 30-4-1975, trong trại tù Nam Hà (1976-1988) tỉnh Hà Nam Ninh, trại Hà Tây, tỉnh Hà Sơn Bình, chúng tôi đã hát bài này trong các giờ kinh nguyện của anh em Công Giáo chung với nhau, bài hát mang tinh thần hòa giải và yêu thương.
 
            Nelson Mandela, Cựu Tổng Thống của Nam Phi đã nói một câu để đời: “Khi tôi bước chân ra khỏi nhà tù mà vẫn còn oán hận những kẻ đã giam giữ tôi thì lúc đó tôi vẫn chưa ra khỏi nhà tù.” Thâm thúy thay câu nói của một người đã từng ở 37 năm trong nhà tù của người Anh tại Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc. Câu nói tuy sâu sắc nhưng thực hiện cho được cũng không phải là chuyện dễ.
 
            Tự trong thâm tâm, chúng ta cho rằng phải có niềm tin để tin vào tiền đồ của đất nước, bởi vì nếu thế nước ở vào vận cùng thì theo Dịch lý “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”, và phải có niềm hãnh diện vì “ai làm cho người hòa thuận sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.
 
                                                                                    Nguyễn Đức Cung
                                                                                    Philadelphia July 10-2020