Cách Mạng Tháng 8/1945- GS Nguyễn Lý-Tưởng

Cách Mạng Tháng 8/1945
(GS Nguyễn Lý-Tưởng trả lời các câu hỏi của Lạc Việt trên Diễn Đàn PalTalk “Yểm Trợ
Khối 8406” phát thanh về Việt Nam từ 7-10:00 PM giờ Cali tối Chúa nhật 17/8/2014 tại Hoa
Kỳ)
Lạc Việt: (1) Xin cho biết lý do tại sao gọi là “Cách Mạng Tháng Tám” ? và diễn tiến việc Việt
Minh cướp chính quyền tại Hà Nội ngày 19/8/1945?
-GS Nguyễn Lý-Tưởng: Sách vở của phe Cộng Sản gọi biến cố xảy ra tại Hà Nội ngày 19/8/1945
là “Cách Mạng Tháng 8” cũng có người thi vị hóa với danh từ “Cách Mạng Mùa Thu” nhưng
thực ra đó chỉ là một hành động “Cướp Chính Quyền” của phe Việt Minh theo lệnh của Cộng
Sản Quốc Tế (Nga) do Hồ Chí Minh thực hiện.
Tôi nghĩ rằng, nhân đây cũng phải nói về ý nghĩa hai chữ “Cách Mạng” cho rõ ràng.
Cách mạng là sự thay đổi một xã hội hay một chế độ, bỏ cái cũ lạc hậu, lỗi thời, bất hợp lý, đầy
bất công, áp bức bóc lột để thay thế vào một xã hội mới, một chế độ mới tiến bộ hơn, tốt đẹp
hơn, đem lại cho người dân một đời sống hạnh phúc, no ấm được hưởng các quyền tự do dân
chủ, quyền làm người, quyền làm chủ đất nước hợp với nguyện vọng của mình, giải thoát cho cả
dân tộc khỏi vòng nô lệ, giải thoát cho người dân cuộc đời lầm than của họ. Chẳng hạn người ta
gọi cách mạng 1789 ở Pháp là cách mạng dân chủ, vì cuộc cách mạng đó lật đổ ngai vàng của
vua Louis thứ 16, xóa bỏ chế độ quân chủ và xây dựng một chế độ dân chủ. (Cũng có những
cuộc cách mạng về văn hóa, về khoa học kỹ thuật, về kinh tế,v.v…nhưng ở đây chúng ta chỉ nói
về ý nghĩa của cách mạng về mặt chính trị, xã hội). Vậy chúng ta hãy so sánh sau khi Việt Minh
cướp chính quyền tại Hà Nội 19/8/1945, họ có đem lại điều gì tốt đẹp hơn cho dân tộc Việt Nam
so với 4 tháng lãnh đạo đất nước của chính phủ Trần Trọng Kim hay không?
Diễn tiến việc Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội:
-Tình hình Việt Nam trước ngày Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội (19/8/1945)
Do chính sách cai trị lạc hậu, lỗi thời của các vua nhà Nguyễn trong thế kỷ thứ 19, tạo nên thối
nát, bất công, kỳ thị tôn giáo, chia rẽ địa phương, làm cho dân tộc ta suy yếu. Lợi dụng tình thế
đó, Pháp đem quân xâm chiếm nước ta. Khởi đầu từ vụ bắn phá Đà Nẵng (1847) dưới đời vua
Thiệu Trị, đến việc chiếm mất 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (1962) rồi chiếm thêm 3 tỉnh Miền
Tây Nam Kỳ (1867), chiếm thành Hà Nội (1883) thời vua Tự Đức. Việt Nam phải nhận sự bảo
hộ của Pháp (hòa ước Quý Mùi 1883). Nhưng Pháp không ngừng lại ở đó, năm 1884, Pháp đem
quân chiếm thêm các tỉnh Miền Bắc, đặt toàn bộ nước ta dưới quyền cai trị của Pháp với hòa ước
Giáp Thân 1884 (cũng gọi là hòa ước Patenôtre) dưới thời vua Hàm Nghi. Đêm 4 rạng ngày 5
tháng 7, 1885 (tức 23/5 âm lịch Ất Dậu), hai quan phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn
Tường chủ trương đánh Pháp thất bại, quân Pháp phản công, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất
Thuyết đem vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, rồi nhân danh vua truyền hịch Cần Vương “Bình
Tây, Sát Tả” (đánh Pháp, giết người theo đạo Thiên Chúa tức Công Giáo), dân vô tội chết oan,
nội trong tỉnh Quảng Trị, chỉ trong vòng mấy hôm mà có đến hơn 8500 người theo đạo bị giết
(bất kể già trẻ, trai gái, nhà thờ, nhà dân dân đều bị đốt cháy, của cải bị cướp sạch, có nơi bị tàn
sát cả làng)…
-Các cuộc kháng chiến chống Pháp do phe Nho sĩ, trí thức hay quân nhân ly khai từ thời Tự Đức
cho đến những thập niên đầu thế kỷ 20, từ Nam chí Bắc đều thất bại. Sau khi được tin Nhật
thắng Nga (1904-1905) và cách mạng Tân Hợi (1911) do Tôn Dật Tiên lãnh đạo thành công tại
Trung Hoa…Các nhà Nho yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Kỳ ngoại hầu Cường
Để,v.v. qua Tàu, qua Nhật vận động duy tân, kêu gọi dân chúng đổi mới, tự cường, tạo nên
phong trào đòi độc lập khắp nơi trong nước. Từ “Tam Dân Chủ Nghĩa” (Dân Tộc độc lập, Dân
Quyền tự do, Dân Sinh hạnh phúc) của Trung Hoa Quốc Dân Đảng với cách mạng Tân Hợi
(1911) đã ảnh hưởng đến Việt Nam và Nguyễn Thái Học đã lập ra “Việt Nam Quốc Dân Đảng”
(1927) tại Hà Nội và sau đó, thất bại trong cuộc khởi nghĩa tại Yên Bái (1930), 13 liệt sĩ bị xử tử,
một số đồng chí bị tù đày, số khác trốn qua Tàu hoặc mai danh ẩn tích…
Trong thế chiến thứ hai (1939-1945), phe cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa thành lập “Việt
Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội” do Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần lãnh đạo quy tụ
những nhà ái quốc lưu vong được Mỹ và Tưởng Giới Thạch ủng hộ, chuẩn bị trở về Việt Nam
kháng Nhật.
Trước khi thế chiến thứ hai bùng nổ (1939) các phong trào sinh viên trí thức trong nước từ Nam
chí Bắc cũng đã bí mật thành lập các đảng cách mạng chủ trương xây dựng một chế độ dân chủ
cho Việt Nam trong tương lai như Đại Việt Quốc Dân Dảng của Trương Tử Anh (1939) tại đại
học Hà Nội với chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, Đại Việt Duy Dân của Lý Đông A (tên thật là
Nguyễn Văn Thanh) tại Hà Nội, (1939), Huỳnh Phú Sổ (tại Long Xuyên với Phật Giáo Hòa Hảo
– Dân Chủ Xã Hội Đảng, 1939-1940), Cao Đài (tại Saigon, ủng hộ Cường Để ở Nhật), Trần
Trung Lập (ở vùng biên giới Việt – Trung)…Đảng Cộng Sản Đông Dương do Nguyễn Ái Quốc
thành lập ở Hồng Kong (1930) là chi nhánh của Phong Trào Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế do Liên
Sô lãnh đạo. Giữa phe “Quốc Gia” (không Cộng Sản) và phe “Quốc Tế Cộng Sản” đã có sự bất
đồng từ lâu ở trong nước và cả ở hải ngoại.
Quân Nhật vào Đông Dương…Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương (9/3/1945)
(Những lá bài của Nhật: Cường Để/ Ngô Đình Diệm và Bảo Đại/Trần Trọng Kim)
Khởi đầu thế chiến thứ hai, Đức đánh chiếm nước Pháp, Thống chế Pétain đầu hàng Đức, lập
chính phủ thân Đức (để cho nước Pháp và đặc biệt là thủ đô Paris khỏi bị tàn phá do bom đạn
chiến tranh). Thiếu Tướng De Gaulle chạy qua nương tựa nước Anh, lãnh đạo kháng chiến
chống Đức. Chính quyền Pháp tại Đông Dương (quân sự, hành chánh) bị thất thế, không được
chính quốc yểm trợ, vũ khí trang bị lạc hậu…Quân Nhật chiếm Mãn Châu, chiếm Trung Hoa và
các nước Đông Nam Á. Quân Anh không bảo vệ được các nước thuộc địa (Nam Duong, Miến
Điện, Mã Lai…), Tưởng Giới Thạch giữ Miền Nam nước Tàu để kháng Nhật. Năm 1940, 1941,
Nhật lấy lý do cần tiếp tế cho quân Nhật ở Hoa Nam nên đem quân vào Đông Dương, chiếm
Saigon, Hải Phòng, Hà Nội và các vị trí chiến lược khác nhưng vẫn để người Pháp cai trị Đông
Dương để sai khiến, bắt Pháp phải phục vụ cho nhu cầu chiến tranh của Nhật.
Lúc đầu, Nhật sử dụng lá bài Cường Để, chuẩn bị đưa ông về làm vua Việt Nam thay thế Bảo
Đại. Giữa ông Ngô Đình Diệm và Cường Để có sự liên lạc bí mật từ trước. Nếu Cường Để làm
vua thì ông Ngô Đình Diệm sẽ là Thủ Tướng và Việt Nam sẽ theo chế độ “Quân chủ lập Hiến”
như Nhật. Trước khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương (9/3/1945), Nhật đã bí mật tiếp xúc
với ông Ngô Đình Diệm tại Huế. Ông Tráng Liệt, con trai của Cường Để làm thông ngôn trong
cuộc tiếp xúc đó. Trong khi đó, tại Hà Nội, Nhật cũng cho một viên Đại Úy người Nhật thường
lui tới giao thiệp với sinh viên Việt Nam và qua một sinh viên (bà con trong gia đình cụ Trần
Trọng Kim), viên sĩ quan nầy đã một vài lần tiếp xúc, đàm đạo, trao đổi tình hình thời sự với Cụ
Trần Trọng Kim tại Hà Nội. Mật thám Pháp vẫn theo dõi các cuộc tiếp xúc của người Nhật với
hai nhận vật nầy. Thế rồi, tại Huế, Nhật đã cho người báo tin cho ông Ngô Đình Diệm biết “Nhật
được tin Pháp sắp bắt ông Ngô Đình Diệm”…Trong khi đó, Nhật cũng báo tin cho cụ Trần
Trọng Kim tại Hà Nội “Pháp sắp bắt cụ Trần”. Cả hai người, ông Diệm cũng như cụ Trần đều
được người Nhật bảo vệ. Ông Diệm đã cải trang làm một sĩ quan Nhật và được xe Hiến Binh
Nhật đưa vô Saigon, cho ở trong một biệt thự, có lính Nhật canh gác, không cho tiếp xúc, liên lạc
với bên ngoài ! Cụ Trần cũng được người Nhật đưa ra ngoại quốc cho đến khi Nhật đảo chính
Pháp (9/3/1945) thì được đưa về giới thiệu với Bảo Đại…(sẽ nói rõ ở phần sau)
Trong thế chiến thứ II, (1939-1945), lúc đầu Mỹ chỉ tham chiến ở Châu Âu và giữ thái độ không
can thiệp đối với Nhật. Nhưng sau khi Nhật bất thình lình tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở Pearl
Harbor (Trân Châu Cảng) thì Mỹ mới phản công Nhật ở Mặt Trận Thái Bình Dương. Mỹ tuyên
bố cắt đứt mọi liên lạc với Nhật. Mỹ đổ bộ chiếm quần đảo Ivoshima ở Thái Bình Dương, chiếm
Philippine, Miến Điện…Nhật bắt đầu thất thế trên các mặt trận ở Đông Nam Á. Mỹ viện trợ
quân sự giúp Tưởng Giới Thạch kháng Nhật và đưa ra kế hoạch giúp Việt Nam Cách Mệnh
Đồng Minh Hội cho đảng viên vào học trường quân sự Hoàng phố (của Tưởng Giới Thạch) để tổ
chức các bộ chỉ huy cấp trung đoàn, tiểu đoàn chờ đợi khi Mỹ đổ bộ Đông Dương thì về nước tổ
chức kháng Nhật, chuẩn bị người tài giỏi để về nước nắm chính quyền sau khi Nhật bại trận. Tất
cả những lời hứa hẹn đó đã được Tưởng Giới Thạch tiết lộ với cụ Nguyễn Hải Thân, cụ Vũ Hồng
Khanh là những cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam lưu vong tại Trung Hoa lúc đó (Việt Nam
Cách Mệnh Đồng Minh Hội – Viet Nam Quốc Dân Đảng)…Do đó giữa phe cách mạng Việt
Nam có hai khuynh hướng: trong nước thì hy vọng mượn tay quân Nhật đuổi Pháp dành độc lập;
ở hải ngoại (phe lưu vong bên Tàu) thì hy vọng Mỹ và Tưởng Giới Thạch (phe Đồng Minh)
thắng Nhật để về nước nắm chính quyền.
Mặc dù Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương là De Coux luôn thi hành các mệnh lệnh của Nhật:
cung cấp lương thực, than đá, v.v. cho quân Nhật. Nhưng sự hiện diện của quân Pháp tại Đông
Dương trong lúc tình hình quân sự Nhật đang xuống giốc làm cho Nhật lo lắng, sợ quân Pháp trở
súng bắn vào sau lưng Nhật. Do đó, Viên Tướng Tư Lệnh Quân Đội Nhật là Tsuchihashi Yuitsu
đã thay đổi kế hoạch và bất thình lình tổ chức đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương (9/3/1945).
Đại diện Nhật đã gặp Toàn Quyền Pháp tại Saigon và đưa “tối hậu thư” yêu cầu Pháp trao toàn
bộ chính quyền quân sự hành chánh tại Đông Dương cho Nhật. Nếu trong vòng 24 giờ đồng hồ
Pháp không trả lời thì Nhật sẽ hành động. Ngày 9 tháng 3, 1945, một giờ đồng hồ sau khi Pháp
trả lời “từ chối” Nhật ra lệnh tấn công, bắt giam toàn quyền Pháp tai Saigon. Tất cả lính Pháp
trên toàn Đông Dương đều bị tước khí giới, công dân Pháp trong đó có Linh Mục, Giám Mục
đều bị an trí tại chỗ có lính Nhật canh gác. Lính Nhật chận xe vua Bảo Đại đi săn từ Quảng Trị
trở về, yêu cầu vua chờ cho đảo chính Pháp xong mới được trở về hoàng thành. Sau đó, Đại sứ
Yokoyama, đại diện của vua Nhật đã vào gặp vua Bảo Đại để trình bày diễn tiến tình hình vừa
xảy ra tại Đông Dương. Nhật tuyên bố trả độc lập cho Việt Nam.
Ngày 11 tháng 3 năm 1945, vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, tham gia khối Liên Minh
Đại Đông Á của Nhật và xé bỏ các hiệp ước bất bình đẳng được ký kết giữa các vua nhà Nguyễn
với Pháp trong thế kỷ 19. Vua Bảo Đại phải gấp rút thành lập Chính Phủ Việt Nam độc lập,
thống nhất để đặt các Lực lượng Đồng Minh, nhất là Pháp, trước một tình trạng pháp lý không
thể đảo ngược được. Việt Nam theo chế độ Quân chủ lập Hiến, có vua và có Chính phủ do Thủ
Tướng lãnh đạo giống như bên Nhật. Vua Bảo Đại biết ông Ngô Đình Diệm đã được Nhật bảo
vệ và đang ở trong tay Nhật nên đã nhờ Nhật liên lạc mời ông Diệm về lập Nội Các. Nhưng Nhật
đã đưa ông Trần Trọng Kim đến gặp vua Bảo Đại và trả lời “không biết ông Diệm ở đâu”. Do
đó, Bảo Đại biết Nhật đã bỏ rơi lá bài Cường Để rồi …Ngày 17/4/1945, Thủ Tướng Trần Trọng
Kim trình diện Nội Các, quy tụ các nhà trí thức khoa bảng trẻ tuổi và chọn quốc kỳ nền vàng ba
sọc đỏ, hai sọc liền, sọc giữa rời ra như quẻ Ly nên thường gọi là cờ quẻ Ly. (Xin mở dấu ngoặc
ở đây để giải thích thêm: tại sao Nhật bỏ lá bài Cường Để và sử dụng lá bài Bảo Đại? –Nếu đưa
Cường Để về làm vua thì sẽ phải thay đổi bộ máy hành chánh với thành phần quan lại cũ…làm
như thế sẽ gây xáo trộn trong xã hội trong khi Nhật đang gặp khó khăn cả về mặt quân sự lẫn
chính trị tại Việt Nam. Nếu để Bảo Đại tiếp tục làm vua thì giữ được toàn bộ thành phần quan lại
để tiếp tục điều khiển đất nước, ổn đình tình hình).
Trong 4 tháng cầm quyền trước ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, Chính phủ Trần Trọng Kim
phải đối phó với nạn đói xảy ra tại Miền Bắc VN khiến cho hàng triệu người chết; đồng thời,
phải tranh đấu với Nhật đòi lại Miền Nam trước đây là xứ thuộc địa của Pháp, để thống nhất đất
nước sau khi có độc lập. Kết quả là Nhật đã trả lại xứ Nam Kỳ cho Việt Nam (8/8/1945) trước
ngày Nhật đầu hàng. Vua Bảo Đại đã đặt hai vị Khâm Sai đại diện cho nhà vua tại Bắc Kỳ (Phan
Kế Toại) và Nam kỳ (Nguyễn Văn Sâm). Như vậy, Việt Nam đã độc lập và thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ trước ngày Việt Minh cướp chính quyền 19/8/1945. Chính Phủ Trần Trọng Kim đã đưa
ra một chương trình 6 điểm cấp thời:
1.Đòi Nhật chuyển giao tất cả các cơ sở hành chánh cho người Việt Nam.
2.Thâu hồi đất Nam Kỳ và các nhượng địa đã dành cho Pháp.
Ân xá các chính trị phạm (Bộ trưởng Tư Pháp là Luật sư Trịnh Đình Thảo đề nghị ân xá
chính trị phạm. Nghị định ân xá do Thủ Tướng Trần Trọng Kim ký ngày 2/5/1945. Hàng ngàn
đảng viên Cộng Sản bị Pháp bắt giam tại Côn Đảo và những người theo Việt Minh chống Nhật
cũng được can thiệp trả tự do).
Cho phép thành lập các đảng phái chính trị (điều nầy cho đến 1969 dưới thời Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu, VNCH mới có luật Quy chế Chính đảng và Đối lập chính trị do Quốc Hội
biểu quyết, Tổng Thống ban hành…Miền Bắc là chế độ độc tài Cộng Sản , không có chính đảng
đối lập).
Miễn thuế cho công chức, thợ thuyền và dân nghèo.
Thiết lập Ủy ban Tư vấn quốc gia để soạn thảo Hiến Pháp, nghiên cứu cải tổ Chính trị,
Hành chánh,Giáo dục (Chương trình dạy tiếng Việt trong các trường học do GS Hoàng Xuân
Hãn, Bộ Trưởng Giáo Dục… đưa ra đầu tiên tại Việt Nam được áp dụng cho đến bây giờ). Nghị
định thành lập UB soạn thảo Hiến Pháp ký ngày 8/5/1945…
Dưới thời Pháp thuộc, tên của nước ta là An Nam. Chính phủ Trần Trọng Kim lấy lại tên
nước là Việt Nam đã có từ thời Gia Long (1802).
Tướng Tổng Tư Lệnh của Nhật là Tsuchihashi Yuitsu đồng ý đề nghị của CP Trần Trọng
Kim: -Trả lại Nam Bộ cho Việt Nam (8/8/1945) – Trả lại các cơ sở của người Pháp (kể cả Phủ
Toàn Quyền) cho Việt Nam – Nhật cung cấp cho Việt Nam 4.000 súng đủ loại để trang bị cho
đội quân Bảo An của Việt Nam để giữ gìn an ninh trật tự trong nước.-Nhật đồng ý cho tàu chở
gạo trong Nam ra Bắc để cứu đói đồng bào. CP Trần Trọng Kim hô hào toàn quốc lạc quyên để
cứu đói và tình hình dân chết đói đã giảm rõ rệt. Đó là những thành tích rất lớn chỉ trong 4 tháng
mà CP Trần Trọng Kim đã đạt được.
Mỹ Ném bom nguyên tử xuống hai đảo Iroshima và Nagazaki: Nhật đầu hàng.
Trong phần trên tôi có nói, trong thế chiến thứ hai (1939-1945), Mỹ tham chiến ở Âu Châu
nhưng lại giữ thái độ không can thiệp đối với Nhật tại Á Châu (đặc biệt, các nước Đông Nam Á).
Tại sao có chuyện lạ như vậy? – Chủ trương của Mỹ là “xóa bỏ chế độ thuộc địa” nên mượn tay
Nhật xóa bỏ thực dân Anh và thực dân Pháp tại các nước thuộc địa Á Châu (cụ thể là vùng Đông
Nam Á). Sau đó, Mỹ thắng Nhật, và Mỹ sẽ trao trả độc lập cho các nước bị trị và giúp các nước
nầy xây dựng chế độ dân chủ trong quan hệ kinh tế với Mỹ. Phía cộng sản gọi đó là “chủ nghĩa
thực dân mới”. Mỹ đang thi hành kế hoạch nói trên và các nước khác sau thế chiến thứ hai đều
được độc lập, ngoại trừ Việt Nam, Mỹ bị Cộng Sản phổng tay trên. Nga ra lệnh cho Hồ Chí
Minh ra tay trước.
Trong thế chiến thứ hai, Nga và Nhật đã ký một hiệp ước bất tương xâm (hai bên không đánh
nhau). Nga rảnh tay về phía Đông để đối phó với Đức tại Tây Âu. Nhật đã chiếm Mãn Châu,
đưa vua Phổ Nghi nhà Thanh (bị cách mạng Tân Hợi 1911 lật đổ) về làm vua Mãn Châu và dồn
mọi khả năng quân sự đánh vào nước Tàu, chiếm vùng Đông Nam Á…Nhật lo sợ sức mạnh của
Mỹ ở Thái Bình Dương nên bất thình lình đánh vào Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) phá tan căn
cứ hải quân của Mỹ. Chính vì hành động táo bạo của Nhật mà cả nước Mỹ xúc động, Mỹ liền
tuyên chiến với Nhật. Mỹ tuyên bố “cắt đứt mọi liên lạc với Nhật” và phản công Nhật trên khắp
các mặt trận ở Đông Nam Á, giúp Tưởng Giới Thạch về kinh tế, quân sự để kháng Nhật. Trong
khi quân Nhật liên tiếp thua quân Mỹ tại Đông Nam Á thì Mỹ lên tiếng kêu gọi Nhật đầu hàng.
Giữa Nhật và Mỹ đã cắt đút quan hệ ngoại giao, rồi cắt đứt mọi liên lạc nên Nhật phải nhờ Nga
chuyển thư trả lời của Nhật cho Mỹ. Nga cố ý trì hoãn và chậm chuyển thư đi. Mỹ không nhận
được thư trả lời của Nhật nên quyết định thả bom nguyên tử, bắt buộc Nhật phải đầu hàng vô
điều kiện. Nga biết được tình hình Nhật sắp đầu hàng nên ra lệnh cho Hồ Chí Minh chuẩn bị
cướp chính quyền tại Việt Nam với mục đích thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản trên khắp thế giới.
Hồ Chí Minh là ai?
Như mọi người đã biết, nhân vật lãnh đạo “Cách mạng tháng 8/1945 hay Việt Minh cướp chính
quyền 19/8/1945 tại Hà Nội” là Hồ Chí Minh. Vậy Hồ Chí Minh là ai?
-Hồ Chí Minh là một cái tên mới xuất hiện vào thời điểm nầy nên trong nước và hải ngoại không
ai biết rõ lý lịch của y. Lúc nhỏ, y có tên là Nguyễn Sanh Côn, con trai út của Phó bảng Nguyễn
Sanh Huy (sau đổi tên là Nguyễn Sanh Sắc), người huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lúc nhỏ vào
học ở Huế, bạn bè thường gọi y là Nguyễn Du Côn nên y đổi tên là Nguyễn Sanh Cung (theo
giọng Hà Tĩnh, Nghệ An thì Cung cũng đọc trại ra Côn; Khiêm là anh trưởng của Côn cũng đọc
trại ra Khơm) vì thế khi vào Phan Thiết, y lấy tên là Nguyễn Văn Ba. Vào Saigon xin được một
chân bồi tàu, rồi theo tàu buôn qua Pháp, y tìm đến nương nhờ cụ Phan Châu Trinh là bạn quen
với thân phụ y ngày xưa, học nghề chụp hình để kiếm sống. Y đã từng nộp đơn xin vào học
trường dành riêng cho học sinh các xứ thuộc địa của Pháp để sau nầy được đi lính hay làm công
chức phục vụ cho Pháp, nhưng bị từ chối nên y đổi tên là Nguyễn Tất Thành. Qua trung gian của
cụ Phan, y mới quen biết được với các ông Phan Văn Trường (người Việt Nam đầu tiên đậu tiến
sĩ Luật, làm luật sư ở Pháp) và Nguyễn Thế Truyền (cũng là người Việt Nam đầu tiên đậu Tiến sĩ
Khoa học ở Pháp) là hai người trí thức khoa bảng và có lòng yêu nước ở Paris lúc đó. Nhờ nhóm
Xã Hội (Pháp) tài trợ, hai ông xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ), bút hiệu lúc đầu là
Nguyễn Ố Pháp (ghét Pháp). Về sau vì sợ mất lòng nhóm Xã Hội (Pháp) nên đổi tên là Nguyễn
Ái Quốc (bút hiệu nầy chung cho nhiều người). Về sau hai ông nhận thấy chủ nghĩa xã hội (tức
chủ nghĩa cộng sản) không thích hợp với dân tộc Việt Nam nên hai ông đã rút lui. Riêng Nguyễn
Tất Thành thì tình nguyện tiếp tục cộng tác với báo Le Paria và tiếp tục mang cái tên chung của
hai ông trước đây là Nguyễn Ái Quốc. Vì thế trong các tài liệu của cộng sản Pháp để lại thường
nhắc đến tên Nguyễn Ái Quốc.
Trong thế chiến thứ nhất (1914-1918), Nguyễn Ái Quốc theo phe Cộng Sản Pháp chống Đức và
để lập công với bọn nầy, y đã báo cáo cho chúng biết cụ Phan Châu Trinh có liên lạc với Đức để
chống Pháp. Vì thế cụ Phan bị Pháp bắt giam tại ngục La Santé (Paris). Cụ Phan biết chuyện đó
nên sau khi ra khỏi tù, đã đuổi y ra khỏi nhà. Từ 1919-1923, Nguyễn Ái Quốc chính thức tham
gia đảng Cộng Sản Pháp (thuộc đệ tam quốc tế) và sau đó được gởi qua huyến luyện tại Nga để
trở thành cán bộ Cộng sản đặc trách Đông Á. Năm 1925, y làm thông ngôn cho Borodine với cái
tên mới là Lý Thụy, trong phái đoàn cố vấn của Nga giúp Trung Hoa thời Tôn Dật Tiên, nhưng
thực chất là hoạt động tình báo cho Cộng Sản Quốc Tế, có nhiệm vụ lôi kéo thanh niên Việt
Nam chống Pháp lúc đó đang sống lưu vong bên Tàu để tổ chức cơ sở cộng sản sau nầy đưa về
Việt Nam hoạt động. Năm 1928, khi Tưởng Giới Thạch thay thế Tôn Dật Tiên (chết) lãnh đạo
Trung Hoa Quốc Dân Đảng và làm Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc, chủ trương chống Cộng
(Mao Trạch Đông) thì Lý Thụy rút vào hoạt động bí mật. Năm 1930, Lý Thụy tức Nguyễn Ái
Quốc nhân danh cán bộ cộng sản quốc tế phụ trách Đông Á triệu tập một cuộc họp tại Hồng
Kong để thống nhất các khuynh hướng Cộng sản tại Việt Nam và thành lập đảng Cộng Sản Đông
Dương do y lãnh đạo.
Trong thời gian ở Trung Hoa, y thường liên lạc với cụ Hồ Học Lãm, một nhà cách mạng Việt
Nam lưu vong và đổi tên là Hồ Chí Minh để khỏi lộ tông tích. Y dùng chiêu bài chống thực dân,
dành độc lập để dánh lừa thanh niên yêu nước và đồng bào Việt Nam. Có tài liệu nói rằng Hồ
Chí Minh là bút hiệu của cụ Hồ Học Lãm thời gian làm báo trong quân đội Tưởng. Có khi cụ Hồ
Học Lãm bận việc thì Nguyễn Ái Quốc viết bài thay cụ và cũng ký bút hiệu Hồ Chí Minh. Sau
khi cụ Hồ Học Lãm chết, cái tên Hồ Chí Minh đã thuộc về Nguyễn Ái Quốc luôn. Khi Nhật
chiếm Đông Dương, y về nước hoạt động ở vùng biên giới Trung-Việt và có tiếp xúc với tổ chức
OSS của Mỹ (hoạt động chống Nhật) và được tổ chức nầy tài trợ và huấn luyện. Trên đường trở
lại Trung Hoa, y bị Tướng Trương Phát Khuê của Tưởng Giới Thạch bắt giam vì TPK được tình
báo Anh cho biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, một cán bộ cộng sản quốc tế đang
hoạt động tại Trung Hoa. Khi bị bắt, y khai là người của cách mạng Việt Nam cử sang Trung
Hoa để liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam lưu vong, tổ chức kháng Nhật. Trương Phát
Khuê đã đưa y đến trụ sở Việt Nam Cách Mệnh Đống Minh Hội để nhận diện. Nhưng không ai
biết mặt y. Tại đây, y đã đánh lừa được các cụ Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh và đã được
các cụ cho y tuyên thệ gia nhập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội với tư cách ủy viên dự
khuyết trung ương.
Ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương, tất cả quân Pháp tại Việt Nam đều
đầu hàng Nhật , chỉ có một lực lượng quân Pháp khoảng 5000 người tại Lạng Sơn do Đại Tá
Alessandri chỉ huy, đã kéo qua Trung Hoa, nương tựa Tưởng Giới Thạch để chống Nhật. Trong
số sĩ quan dưới quyền của Alessandri có một người Việt Nam mang cấp bậc Đại úy tên là Viên
(capitaine Viên hay quan Ba Viên). Tên nầy thường lui tới trụ sở Việt Nam Cách Mệnh Đồng
Minh Hội và cũng đã nhiều lần tiếp xúc với Hồ Chí Minh. Nhân dịp Hồ Chí Minh xin về nước
hoạt động chống Nhật, các cụ trong Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội đã cho một số cán bộ
trẻ trong tổ chức đi theo. Các người nầy là thành phần ưu tú, sau nầy nếu Đồng Minh đổ bộ, cách
mạng thành công thì họ sẽ là thành phần lãnh đạo quan trọng, có thể tham gia chính phủ của
nước Việt Nam trong tương lai…Ba Viên lãnh trách nhiệm hộ tống phái đoàn về nước. Khi về
đến biên giới, Hồ Chí Minh đã móc nối với Ba Viên, giết tất cả nhóm cán bộ ưu tú nầy! Hồ Chí
Minh đã lập ra một tổ chức mới lấy tên là Việt Minh để mọi người lầm tưởng đó là Việt Nam
Cách Mệnh Đồng Minh Hội của cụ Nguyễn Hải Thần ở bên Tàu về. Sau này, khi nắm được
chính quyền, phe Cộng Sản giải thích Việt Minh tức là Việt Nam Cách Mệnh Đồng Chí Hội
khác với Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Việt Cách). Chúng đã bỏ đi hai chữ “Cách
Mệnh” và thay thế vào hai chữ “Đồng Chí”. Đây cũng chỉ là một thủ thuật, một tiểu xảo mà thôi.
(Ngay sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống nước Nhật, ngày 6/8/1945 tại Hiroshima và, ngày
9/8/1945 tại Nagazaki, vua Nhật tuyên bố đầu hàng ngày 15/8/1945 thì ngày 16/8/1945, Nga liền
cho quân chiếm Mãn Châu là nơi chưa bị chiến tranh tàn phá và cũng là nơi dự trữ lương thực,
vũ khí quan trọng của Nhật. Sau khi Nhật đầu hàng, Nga rút quân và cho Mao Trạch Đông đem
quân vào thay thế, đặt Tưởng Giới Thạch trước một sự đã rồi. Tưởng Giới Thạch từ Miền Nam
trở về, tiếp thu một nước Tàu tan hoang, đổ nát, dân chết đói đầy đường, đầy dẫy tệ nạn xã hội,
lính tráng cướp bóc, sĩ quan, tướng lãnh tham nhũng… Trong khi Mao Trạch Đông đem Hồng
quân vào Mãn Châu là một nơi bình yên, thóc gạo dư thừa, quân Mao đi đến đâu, hô hào tịch thu
tài sản nhà giàu, tịch thu ruộng của địa chủ chia cho dân. Vì thế, dân ủng hộ Mao Trạch Đông.
Mỹ chán nản, bỏ rơi không viện trợ cho Tưởng Giới Thạch, phe Tưởng thất bại, toàn bộ nước
Tàu rơi vào tay Cộng Sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Tình thế đó đã giúp cho Hồ Chí Minh
tồn tại và thắng lợi sau nầy trong trận Điện Biên Phủ 8/5/1954 và được một nửa nước từ vĩ tuyến
17 trở ra Bắc sau hiệp định Genève 20/4/1954).
Về phía các nhà cách mạng Việt Nam lưu vong ở Trung Hoa, họ vẫn chờ đợi quân đội Đồng
Minh (Mỹ-Tưởng Giới Thạch) đổ bộ lên Đông Dương để theo quân đội Đồng Minh về nước.
Nhưng hai quả bom nguyên tử đã làm thay đổi tình hình quá nhanh chóng và việc Mỹ hứa giúp
tiền bạc và khí giới để tổ chức huấn luyện quân đội cũng đã không thực hiện. Họ chỉ còn biết dựa
vào sự giúp đỡ của Tưởng Giới Thạch mà thôi.
Trước khi kết thúc thế chiến thứ hai, có một cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo Đồng Minh tại hội
nghị Yalta (1945) đã đi đến quyết định: Sau khi Nhật và Đức đầu hàng thì số phận các nước
nhược tiểu bị nô lệ phải được độc lập và giữ nguyên trạng, quân đội Đồng Minh phải duy trì an
ninh trật tự và giúp các nước đó xây dựng chế độ dân chủ. Như đã nói, chủ trương của Mỹ là xóa
bỏ chế độ thuộc địa. Như vậy chính quyền Bảo Đại vẫn là hợp pháp và là đại diện duy nhất cho
Việt Nam lúc đó. Nhưng Bảo Đại vì liên minh với Nhật nên không biết rõ các quyết định nội bộ
của phe Đồng Minh. Ngoài ra, ông còn sợ bị truy tố về tội phạm chiến tranh như vua Nhật nên
khi Nhật đầu hàng, ông rất bối rối. Về phía Hồ Chí Minh và phe Cộng Sản thì đã sẵn sàng hành
động vì đã nắm được tình hình nhờ Liên Sô (Nga) ở trong phe Đồng Minh. Đa số thành phần
lãnh đạo của phe Quốc Gia (không cộng sản) lúc đó đang nằm ở Trung Hoa, đợi khi quân Tưởng
vào Việt Nam giải giới quân Nhật thì Hồ Chí Minh đã cướp chính quyền rồi.
Việt Minh cướp chính quyền ngày 19/8/1945 tại Hà Nội
Lúc bấy giờ Việt Minh rất yếu nhưng họ đã áp dụng các thủ đoạn: vừa khủng bố vừa lừa dối.
Những mốc thời gian cần ghi nhớ: Ngày 6/8/1945 Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima.
Ngày 9/8/1945 Mỷ thả bom nguyên tử lần thứ hai xuống Nagazaki. Ngày 11/8/1945, Nga xua
quân chiếm Mãn Châu. Ngày 15/8/1945 vua Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh (Mỹ)> Ngay
sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh , Việt Minh đã tổ chức khủng bố khắp nơi, nhất là tại vùng
biên giới, có những làng dân theo đạo Thiên Chúa (Công Giáo) do các Linh Mục người Pháp
lãnh đạo. Sau một đêm, sáng ra người ta thấy đầu ông cố đạo bị chặt đem bêu trước mặt đường.
Ở các vùng quê, họ xúi dục dân tràn vào nhà giàu, giết người, cướp của, cướp thóc gạo…Họ cho
người đi treo cờ đỏ sao vàng khắp nơi, khiến cho người ta tin rằng đâu đâu cũng có sự hiện diện
của Việt Minh. Trong một cuộc biểu tình do công chức Hà Nội tổ chức vào ngày 19/8/1945 để
ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Việt Minh đã cho một bộ phận nhỏ chiếm lấy khán đài,
dương cao cờ đỏ sao vàng, đọc tuyên ngôn của Mặt Trận Việt Minh và hô hào nhân dân nổi dậy
cướp chính quyền. Lúc bấy giờ, đoàn võ trang tuyên truyền giải phòng quân của Võ Nguyên
Giáp (khoảng 40 người có võ trang) chưa về đến Hà Nội nhưng phía Việt Nam Quốc Dân Đảng,
Đại Việt… thì đã có sẵn lực lượng trong tay, đủ sức để làm chủ tình hình nhưng họ sợ bị ngộ
nhận là tranh công, gây chia rẽ nên đành im lặng, không dám có phản ứng gì. Dân tộc Việt Nam
gần 80 năm dưới ách đô hộ thực dân Pháp, mong ước có ngày được độc lập nên đã nhiệt tình
hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh. Trong thời gian chống Pháp, các tổ chức cách mạng hoạt
động bí mật, dân chúng chỉ nghe tên mà không phân biệt được ai là Cộng Sản, ai là Quốc Gia
chân chính. Mặt trận Việt Minh chỉ tuyên truyền họ là người yêu nước và đã khéo léo che dấu
bản chất làm tay sai cho Cộng Sản Quốc Tế (Liên Sô) nên đa số đồng bào, nhất là thành phần
thanh niên trí thức yêu nước đã hăng hái tham gia Mặt Trận Việt Minh.
Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng của Mặt trận Việt minh được đưa ra giới thiệu trước dân chúng và
đương nhiên cướp công của bao nhiêu người đã vận động tổ chức biểu tình ở Hà Nội ngày
19/8/1945 để ủng hộ CP Trần Trọng Kim và cũng cướp công tranh đấu của bao thế hệ đã đổ máu
chống thực dân Pháp để dành lại tự do và độc lập cho dân tộc Việt Nam. Việt Minh đã hô hào
dân chúng đi các nơi để tiếp thu chính quyền một cách dễ dàng, không một lực lượng nào chống
đối. Quân Nhật giữ thái độ im lặng. Chính quyền Trung Ương ở Huế và vua Bảo Đại không ban
hành một chỉ thị hay mệnh lệnh nào cho các địa phương. Các quan cấp tỉnh, phủ, huyện tùy nghi
muốn làm sao thì làm. Các đảng phái quốc gia tự động tổ chức lực lượng tự vệ riêng và sau nầy
trở thành chiến khu chống Pháp và chống Cộng Sản.
Trước tình hình như thế, nếu vua Bảo Đại yêu cầu quân Nhật duy trì an ninh trật tự thì đã có thể
duy trì chính quyền trong tay được. Nhưng nhà vua đã ngả lòng trước phong trào dân chúng đang
sôi sục đòi độc lập và thấy quân Nhật chán nản sau cái tin vua Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều
kiện (15/8/1945) nên thái độ của vua cũng tỏ ra dè dặt. Ngoài ra, Việt Minh cũng đã móc nối với
Phạm Khắc Hòe, tổng lý ngự tiền văn phòng của vua làm trung gian cho họ gặp vua để vận động
vua thoái vị và trao chính quyền cho Việt Minh. Theo hồi ký của vua Bảo Đại, người Nhật có đề
nghị sử dụng quân đội của họ để dẹp loạn, duy trì an ninh trật tự. Nhưng nhà vua từ chối vì
không muốn làm đổ máu người Việt Nam.
Trong lúc Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội thì Việt Nam Quốc Dân Đảng (Vũ Hồng
Khanh) và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Nguyễn Hải Thần) cũng đã chiếm đóng và
thiết lập chính quyền tại một số tỉnh biên giới, đặc biệt quân đội của Trần Kim Thành đã chiếm
Quảng Ninh và thiết lập cơ quan hành chánh, quân sự để kiểm soát dân. Riêng tại vùng Công
Giáo Bùi Chu-Phát Diệm, trong lúc Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội thì Giám Mục Lê
Hữu Từ đã cho thiết lập chính quyền các cấp tại địa phương do người Công Giáo phụ trách và
tuyên bố “khu tự trị”.
Từ khi quân Nhật vào Đông Dương, các đảng phái quốc gia đã hoạt động mạnh trở lại, nhưng vì
lúc đó lãnh tụ còn ở ngoại quốc (trừ Đại Việt) nên không dám quyết định cướp chính quyền, do
đó mà chính quyền rơi vào tay Việt Minh (Cộng Sản). Tại Hà Nội, ngay sau khi Nhật tuyên bố
đầu hàng, Khâm Sai Phan Kế Toại đã mời các đảng phái quốc gia đến và ngỏ ý trao lại chính
quyền cho họ nhưng họ không dám quyết định vì còn đợi liên lạc hỏi ý kiến Trung Ương mà
Trung Ương lúc đó đang ở bên Tàu, mấy tháng sau mới theo quân Tưởng về nước. Việt Minh
nghe được tin đó liền cho người gặp Phan Kế Toại và yêu cầu trao chính quyền cho họ. Phan Kế
Toại có đề nghị họ hợp tác để giúp CP Trần Trọng Kim nhưng họ không chịu. Do đó, khi thấy
đoàn biểu tình kéo đến dinh Khâm Sai (Phủ Toàn Quyền cũ) thì Phan Kế Toại đã mau mắn trao
chính quyền cho Việt Minh. Trong khi đó, Khâm Sai Nam Kỳ là ông Nguyễn Văn Sâm được vua
Bảo Đại cử vào Saigon tiếp thu chính quyền do Nhật trao lại; vừa đến nơi thì được tin Việt Minh
cướp chính quyền tại Hà Nội (19/8/1945); mấy ngày sau lại được tin CP Trần Trọng Kim từ
chức, vua Bảo Đại chính thức trả lời Việt Minh “đồng ý thoái vị” (23/8/1945) tình thế xem như
đã muộn rồi.
Theo hồi ký của Phạm Khắc Hòe, (Tổng lý ngự tiền văn phòng, người được vua cho đi liên lạc
với Việt Minh): Tại Huế, ngày 22/8/1945, Việt Minh (do Tố Hữu, Tôn Quang Phiệt lãnh đạo)
vận động dân chúng tụ tập tại Sân Vận Động, mét tinh ủng hộ Việt Minh và gởi “tối hậu thư”
yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 23/8/1945, nhà vua chính thức trả lời Việt Minh “đồng ý
thoái vị”. Sáng ngày 29/8/1945, phái đoàn Việt Minh từ Hà Nội vào gồm có: Trần Huy Liệu
(Trưởng đoàn), Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận (đoàn viên) tại Huế có Tố Hữu, Tôn Quang
Phiệt. Đồng bào tập họp tại sân vận động để hoan hô phái đoàn. Ngày hôm sau 30/8/1945, lễ đọc
tuyên chiếu thoái vị và trao ấn kiếm được tổ chức lúc 4 giờ chiều tại trước cửa Ngọ Môn, cờ
vàng được kéo lên, vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, tuyên bố “thà làm dân một nước độc lập hơn
là làm vua một nước nô lệ”, cờ vàng từ từ hạ xuống. Vua trao ấn, kiếm bằng vàng của vua cho
Trần Huy Liệu. Cờ Việt Minh được kéo lên. Trần Huy Liệu đọc bản tuyên bố của Việt Minh
“chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ”…(Phạm Khắc Hòe: “Từ triều đình Huế đến chiến khu
Việt Bắc” (Hà Nội 1983 tr.61-77).
Nhưng theo Hồi Ký của Bảo Đại, ngày 22/8/1945, vua nhận được điện tín của Việt Minh yêu cầu
vua “thoái vị”. Ngày 23/8/1945, vua trả lời “đồng ý thoái vị”. Lễ đọc chiếu thoái vị và trao ấn
kiếm cho đại diện Việt Minh vào chiều 25/8/1945 tại trước lầu Ngọ Môn, chiếu thoái vị ký ngày
25/8/1945. Phái đoàn Việt Minh từ Hà Nội vào có Trần Huy Liệu, và Cù Huy Cận, không có
Nguyễn Lương Bằng. (Hồi ký “Con Rồng Việt Nam” của Bảo Đại, phát hành tại Cali, 1990, tr.
181-189)
Dân chúng được tin quá bất ngờ, nhiều người đã khóc vì nghĩ đến sự nghiệp của nhà Nguyễn
mấy trăm năm mở mang Miền Nam, thống nhất đất nước, phút chốc con cháu đã để mất ngai
vàng.
Tại Saigon, ngay sau khi Nhật đầu hàng (15/8/1945), có một đảng viên Đại Việt là sĩ quan cao
cấp (cấp tướng) trong quân đội Nhật được người Nhật gợi ý: nếu có người đứng ra nhận thì Nhật
sẽ trao chính quyền cho phe “Quốc Gia” (không Cộng sản). Nhưng vị sĩ quan đó không tìm được
người nào dám đứng ra nhận. Phe Trần Văn Giàu (Cộng sản) nghe tin đó liền đi tiếp xúc với
người Nhật và người Nhật hứa để cho họ làm gì thì làm, không ngăn cản. Giáo chủ Huỳnh Phú
Sổ của Phật giáo Hòa Hảo lúc đó vào tuổi 30, nhưng là người biết nhìn xa thấy rộng, ông đã liên
lạc với các tổ chức không Cộng Sản trong Nam (như Cao Đài, Đại Việt, Việt Quốc, nhóm của
GS Hồ Văn Ngà, Hồ Hữu Tường, Bình Xuyên…) để thành lập Mặt Trận Quôc Gia Thống Nhất.
Lực lượng Thanh Niên Tiền Phong của BS Nguyễn Ngọc Thạch lúc đầu không phải do Cộng
Sản lập ra, cũng đã tham gia Mặt Trận nầy. Về sau nhóm Cộng Sản từ nhà tù Côn Đảo trở về đã
thao túng được tình hình, trong cuộc biểu tình tại Saigon do Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất tổ
chức để nghe Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập trên đài phát thanh Hà Nội, có hàng trăm
nghìn người náo nức và xúc động trước tin “Cách mạng thành công” “Việt Nam độc lập” do Hồ
Chí Minh lãnh đạo, cuối cùng đã bị nhóm Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn lái đi theo con
đường của họ.
Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập lập tại Hà Nội thì 21 ngày sau đó tức là
ngày 23/9/1945, quân Anh bàn giao cho quân Pháp đổ bộ lên Saigon. Kháng chiến Nam bộ bùng
nổ giữa người Việt Nam và quân Pháp.
Như đã nói ở trên, giữa Cao Đài và Kỳ ngoại hầu Cường Để có sự liên lạc với nhau nên sau khi
Nhật đầu hàng, Cao Đài đã thành lập một lực lượng tự vệ với 5000 thanh niên có võ trang do
Nhật bí mật giúp đỡ. Phía Hòa Hảo cũng cho ra đời Dân Chủ Xã Hội Đảng và tín đồ Hòa Hảo
cũng đã thành lập các đơn vị quân sự cấp trung đoàn ở nhiều nơi tại các tỉnh Long Xuyên, Châu
Đốc, Cần Thơ,v.v. do các ông Trần Văn Soái, Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên, Lê Quang
Vinh (Ba Cụt)…là tín đồ Hòa hảo chỉ huy, để chống Pháp, bảo vệ đạo. Việt Nam Quốc Dân
Đảng cũng tổ chức một lực lượng quân sự cấp Trung đoàn do ông Nguyễn Hòa Hiệp chỉ huy;
Đại Việt cũng lập chiến khu quy tụ những thanh niên, sinh viên có võ trang gọi là Bộ đội An
Điền, hoạt động trong vùng Saigon.
Lạc Việt (2): Tháng 8/1945, quân Nhật đã đầu hàng Đồng Minh (Mỹ), quân Pháp cũng không
còn tại Việt Nam…Lúc đó, Việt Nam là một nước độc lập do Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng
Trần Trọng Kim lãnh đạo. Dân tộc ta không tốn xương máu mà được độc lập, thống nhất từ
Lạng Sơn đến Cà Mau. Tại sao Hồ Chí Minh và Mặt Trận Việt Minh chủ trương lật đổ chính
quyền đó? Sách vở của phe Cộng Sản nói :” Cách Mạng (hay Việt Minh, Cộng Sản) do Hồ Chí
Minh lãnh đạo đã dành lại chính quyền trong tay Pháp và Nhật. Sư thật có đúng như vậy không?
GS Nuyễn Lý-Tưởng:
-Lý tưởng của Đảng Cộng Sản “đệ tam quốc tế” do Liên Sô lãnh đạo là đấu tranh cách mạng,
đấu tranh bạo động, để lật đổ chính quyền hầu thực hiện chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.
Hồ Chí Minh là cán bộ của Cộng Sản Quốc Tế, theo lệnh Liên Sô (Nga) phải lật đổ chính quyền
tại Việt Nam bằng bạo lực để thực hiện chế độ cộng sản độc tài, chuyên chính vô sản trên dân
tộc chúng ta. Bằng đủ mọi cách phải cướp cho được chính quyền để thực hiện chế độ cộng sản,
không cần biết chính quyền đó tốt hay xấu, hợp pháp hay không hợp pháp.
-Từ ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, toàn bộ viên chức hành
chánh và quân sự của Pháp đã bị Nhật bắt giam. Xem như không còn chế độ thực dân Pháp tại
Việt Nam. Sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima (6/8/1945) và
Nagazaki (9/8/1945), thì ngày 15/8/1945, vua Nhật đã tuyên bố đầu hàng Đồng Minh (Mỹ). Lúc
đó người Nhật cũng không còn quyền hành gì trên nước Việt Nam nữa. Do tình hình thế giới
thay đổi sau khi chấm dứt thế chiến thứ hai (1939-1945), dân tộc Việt Nam không tốn xương
máu mà được hoàn toàn dộc lập dưới sự lãnh đạo của Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ Tướng Trần
Trọng Kim. Chính Phủ Trần Trọng Kim đã đưa ra một chương trình cấp thời 6 điểm và đang
thực hiện. Việc cướp chính quyền ngày 19/8/1945 do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã tạo cơ hội cho
quân Pháp trở lại Việt Nam và gây nên một cuộc chiến tranh, huynh đệ tương tàn, chia rẽ trong
dân tộc, hận thù Nam-Bắc, cho đến bây giờ, dân tộc ta vẫn phải sống dưới chế độ độc tài, áp bức,
bóc lột, và phải chịu làm nô lệ cho kẻ thù phương Bắc là Trung cộng.
Lạc Việt (3): Ngày 6/3/1946, phái đoàn Việt Minh và Pháp ký hiệp định sơ bộ tại hội nghị
Fontainebleau. Thời gian sau đó, vào lúc nửa đêm, Hồ Chí Minh đã gọi điện thoại cho Moutet,
Bộ trưởng Thuộc địa Pháp, ký một “Thỏa Ước Tạm Thời” (Modus Vivendi) đồng ý cho quân
Pháp có mặt tại một số nơi như Saigon, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng,
Hà Nội, Nam định…Mấy tháng sau, vào ngày 19/12/ 1945, cũng chính Hồ Chí Minh lại kêu gọi
toàn quôc kháng chiến chống Pháp? Tại sao đã rước Pháp vào rồi lại hô hào đánh đuổi Pháp?
GS Nguyễn Lý-Tưởng:
-Sau khi Nhật đầu hàng (15/8/1945), quân Đồng Minh sẽ vào Việt Nam giải giới quân Nhật. Từ
vĩ tuyến 16 (Phan Thiết) trở ra Bắc do quân Tàu (Tưởng Giới Thạch), từ vĩ tuyến 16 trở vô Nam
do quân Anh. Các nhà cách mạng Việt Nam theo chân quân Tưởng từ bên Tàu trở về nước
(1946) thì Hồ Chí Minh đã cướp được chính quyền tại Hà Nội mấy tháng rồi (19/8/1945). Phe
của Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh dựa thế quân Tàu gây áp lực với Hồ Chí Minh. Hồ Chí
Minh liền tổ chức Chính Phủ Liên Hiệp, mời Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch Nước, Vũ
Hồng Khanh vào Quân Ủy Hội (Quốc Phòng), Nguyễn Tường Tam (Bộ Ngoại Giao), Chu Bá
Phượng (Bộ Kinh Tế) là những người của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh
Đồng Minh Hội. Riêng cụ Huỳnh Thúc Kháng (không đảng phái) được mời làm Bộ Trưởng Nội
Vụ. Việt Minh nhường 72 ghế trong Quốc Hội cho phe đối lập (tức phe quốc gia không CS). Hồ
Chí Minh qua Pháp nói là để thăm nước Pháp,và theo dõi Hội Nghị Fotainebleau họp gần Paris
giữa Việt Minh và Pháp để giải quyết nhiều vấn đề giữa hai bên. Hội nghị bế tắc…Nửa đêm, Hồ
Chí Minh goi điện thoại cho Moutet (Bộ trưởng thuộc địa Pháp) để ký một Thòa Ước Tạm Thời
(Modus Vivendi) đồng ý cho 15000 quân Pháp có mặt tại các thành phố Saigon, Vũng Tàu, Nha
Trang, Cam Ranh, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định…Trong lúc Hồ Chí Minh qua
Pháp, cụ Huỳnh Thúc Kháng thay cụ Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch và Quyền Chủ Tịch
Nước thay Hồ Chí Minh. Nghe tin Hồ ký Thỏa Ước tạm thời (Modus Vievndi) với Moutet, rước
quân Pháp trở lại Việt Nam, dân Hà Nội biểu tình, “đả đảo Hồ Chí Minh bán nước”…Hồ ra
trước toàn dân, khóc lóc: “Xin đồng bào hãy tin tưởng nơi tôi. Tôi không bao giờ bán nước cho
Tây”.
Sau đó, Pháp thương lượng để cho quân Tàu – Tưởng rút về. Pháp trả lại các nơi nhà Thanh bán
hay nhượng cho Pháp trong thế kỷ 19-20, cho Tàu được hưởng nhiều quyền lợi về thương
mãi…Khi quân Tàu vào Việt Nam gỉai giới quân Nhật, Tưởng Giới Thạch có hứa sẽ giúp các
nhà cách mạng Việt Nam lên nắm chính quyền. Nhưng Hồ Chí Minh tổ chức tuần lễ vàng, quyên
góp của dân và lấy vàng đó đút lót cho tướng Tàu là Lư Hán và Tiêu Văn, ngoài ra, còn cung cấp
thuốc phiện, gái đẹp cho Tướng Tàu để Tướng Tàu không lật đổ Hồ và kêu gọi phe đối lập tham
gia chính phủ Liên Hiệp của Hồ. Tình hình nước Tàu lúc đó Mao Trạch Đông đang thắng thế,
Mỹ thấy phe Tưởng quá thối nát tham nhũng không được lòng dân nên chán nản, bỏ rơi Tưởng.
Vì thế bắt buộc Tưởng Giới Thạch phải rút quân về để trấn giữ mặt Bắc chống Mao Trạch Đông.
Kế mượn tay quân Pháp đuổi quân Tưởng về Tàu của Hồ, thành công. Phe Việt Quốc, Việt Cách
thất thế phải bỏ chạy theo chân quân Tưởng.
-Hồ Chí Minh rước quân Pháp vào rồi lại hô hào kháng chiến chống Pháp mới nghe ra thật là vô
lý, mâu thuẫn…Nhưng kế đó rất thâm độc. Hồ đưa Vũ Hồng Khanh ra ký hiệp định sơ bộ ngày
6/3/1946 với Pháp, buộc Vũ Hồng Pháp phải chịu trách nhiệm vì đã ký tên vào đó. Hồ đưa
Nguyễn Tường Tam vào Bộ Ngoại Giao, biết trước tình thế lúc đó ngoại giao sẽ thất bại, không
làm được gì. Hồ đưa Chu Bá Phượng vào gánh Bộ Kinh tế: Kinh tế lúc đó là phá sản, làm sao
cứu vãn được. Hô hào kháng chiến chống Pháp để buộc tôi những ai chống Việt Minh là Việt
gian theo Pháp. Hô hào kháng chiến chống Pháp nhưng người cộng sản, chủ lực của CS đã được
Võ Nguyên Giáp đưa lên chiến khu, trốn vào rừng sâu rồi và đẩy thanh niên yêu nước, đảng viên
Việt Quốc, Đại Việt…và nhân dân ra tiền tuyến, hy sinh. Máu người VN đã đổ và họ nói đó là
máu của người Việt Minh, máu của người CS đã hy sinh để đánh Pháp dành độc lập…
-Võ Nguyễn Giáp ra lệnh bắt cóc, thủ tiêu, giết những người đối lập, những người yêu nước
không CS…như đảng viên Đại Việt, Việt Quốc, Duy Dân,…tín đổ CG, Cao Đài, Hòa Hảo,v.v…
Huỳnh Phú Sổ, Trương Tử Anh, Lý Đông A, Khái Hưng, Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà,v.v…Ở
miền quê, Việt Minh thành lập “Tự Vệ” trao quyền cho bọn người vô học, du đảng, trộm cắp,
muốn bắt ai thì bặt, muốn giết ai thì giết, khủng bố khắp nơi. Ai lên tiếng chống đối là bị bắt cóc,
thủ tiêu ngay. Nhân dân sống trong cảnh kinh hoàng, rùng rợn. Năm 1947, quân Pháp chiếm các
thành phố và lập chính quyền tạm thời để ổn định. Trước tình thế như vậy, những người không
theo Việt Minh bắt buộc phải chạy lên tỉnh, lên thành phố để bảo toàn tính mạng.
(GS Nguyễn Lý-Tưởng, ghi lại những ý chính đã trả lời Lạc Việt trên Diễn Đán PalTalk tối
17/8/2014)