CHUYỆN VẶT SỐNG Ở MỸ-Nhật Quang Phi Hồ

CHUYỆN VẶT SỐNG Ở MỸ


CẢ NGỐ
Lúc mới sang Mỹ, một sáng sớm lái xe trên xa lộ 75 South, chở vài ông Việt Nam từ Atlanta đi Florida tìm mua thuyền đánh tôm, tôi ngừng xe, ghé vào một quán bên đường. Đọc bảng thực đơn buổi sáng, tôi không biết món gì sẽ là thứ ra sao, vì chưa vào quán Mỹ lần nào trước. Cũng chưa hiểu hotdog hay hamburger thật ra là thứ gì cả, tôi đọc thấy có món pancake giá cả nhẹ nhất. Nghĩ món này là bánh ngọt để điểm tâm, uống nước cam, cũng tốt cho sức khỏe để tiếp tục lái xe, tôi liền mua 2 thứ này.
Một lát sau, cô bồi bàn mang cho tôi một khay có dĩa đựng miếng bánh tròn dẹp màu vàng nâu, một chén mật đậy nắp và một ly nước cam nhỏ. Lấy nĩa xẻo miếng bánh ra ăn, tôi thấy nó nhạt nhẽo, hơi đăng đắng; tôi lại nghĩ thế này mà sao Mỹ có thể ăn được, chẳng ngon lành gì cả, thật là khó hiểu. Nhưng dù sao tôi cũng ráng nuốt cho hết miếng bánh một cách khắc khổ, kẻo bỏ mứa tội trời. Xong tôi lấy ly nước cam ra nhấm thấy khá chua, nghĩ bụng chén mật này chắc là để dùng chung với nước cam đây và Mỹ đã tính phân lượng sẵn rồi, để hai thứ trộn vào nhau mà dùng. Lại nghĩ rằng ở Mỹ, cũng giống như thuốc men, thực đơn trong quán có lẽ cũng theo công thức đã ấn định sẵn, như kiểu NF (National Formula) hay USP (United States Pharmacopoeia) mà các nhà bào chế phải tuân theo phân lượng, đúng vậy mà làm, nên tôi lấy cả chén mật đổ vào ly nước cam, quậy đều lên rồi uống. Thấy ngọt gắt, cũng thật khó nuốt, tôi lại nghĩ sao Mỹ uống nước cam mà sao ngọt quá như si-rô thế này, sao Mỹ ăn uống kỳ cục, thật khác với ta, không thể nào thưởng thức nổi.
Vô tình thấy tôi làm thế, cô Mỹ trắng bồi bàn nhìn tôi chăm chăm, cười cười. Tôi lại nghĩ các lính GI’s và viên chức Mỹ qua Việt Nam thích đàn bà, con gái bên đó, chắc mấy cô Mỹ trẻ này cũng ham đồ ngoại như vậy, thích đàn ông Việt Nam nên mới nhìn cười cười như thế. Vậy nghĩ mình cũng chưa phải là đồ bỏ ở xứ này.
MỸ – VIỆT MÁNH MUNG

Một trưa hè 1977, lái xe từ Los Angeles về lại Georgia vừa qua sông Colorado, tôi dừng xe tại một trạm xăng sát đầu cầu, thuộc thị trấn Blythe để đổ đầy xăng và chỉnh bị chiếc xe trước khi xông vào đoạn đường hoang mạc khô nóng như lò nung, dài 70 dặm để đến trạm kế tiếp ở Quartzsite, thuộc địa đầu vùng dân cư bang Arizona. Tôi được một attendant da trắng, râu mép đen, đến đổ xăng, lau kiếng. Xong anh ta cúi xuống, chui vào lườn xe xem xét. Thấy anh ta làm thế, khiến tôi cũng bắt chước cúi xuống quan sát dưới xe. Tôi thấy hắn chìa ra một cái kéo nhọn, tôi vội hét lớn: “Stop! stop! Don’t do it! Don’t do it! Get out” (Ngưng! Ngưng! Đừng làm thế! Đừng làm thế! Đi ra ngay). Tôi biết hắn ta sắp dùng kéo đâm lủng bánh xe tôi. Trên xa lộ số 10, liên bang, giữa mùa hè khô khan, nơi sa mạc mà phá hại nhau xẹp vỏ xe, giữa vùng nắng cháy, nóng chết người này, để cho trạm xăng có công việc làm tiền, như thế thật là quá ác.
 Té ra nhân loại Đông Tây, Trắng Vàng Đen gì cũng có những hành động tốt xấu và mánh mung giống nhau. Khi thấy hắn có cái kéo nhọn, tôi đã hiểu ngay hắn sẽ đâm bánh xe, vì tôi đã có kinh nghiệm này từ lúc còn đi học ở Sàigòn. Một buổi tan giờ học, về ăn trưa để chiều còn vào thực tập phòng thí nghiệm, ra thấy chiếc mobylette của tôi bị xẹp bánh, tôi dắt xe ra cổng trường, thuê anh vá vỏ ngay tại đó. Tôi thấy hắn vá xong lỗ này, hắn lại thử thấy xì ra ở chỗ khác, liên tiếp ba bốn lần như vậy. Ngạc nhiên tôi trông thấy hắn dùng kéo cắt cao su có mũi thật bén đâm lủng thêm vào vỏ xe. Tôi phải la lối, cãi vã và đòi thưa gởi hắn mới thôi. Tôi vừa chờ mất thì giờ, vừa đói bụng, vừa tốn thêm tiền, trong lúc tài chánh quá đơn sơ.
 Ở Mỹ lâu về sau, xem TV phóng sự của các đài Mỹ, tôi mới biết có những cây xăng hay garage ở những nơi xa xôi hẻo lánh, đã cho người lén lút rải đinh trên xa lộ chung quanh vùng gần dẫn tới trạm xăng. Cho xe qua lại đạp đinh nhọn, xì hơi, và việc lôi xe, vá, thay vỏ xe được thêm đông khách. Ngay cả vài ba hãng lớn có tiếng tăm thế giới mà cũng bày đặt, không hư cũng sửa, không mòn cũng thay, không làm cũng tính tiền, lừa gạt, phá hư xe khách hàng trong lúc sửa chữa, đã bị FBI điều tra bắt được quả tang và phạt vạ bạc triệu, có khi phải dẹp tiệm hoặc đổi tên hiệu (như hệ thống bán vỏ xe Mark C. Bloom rất lớn cũng gian lận bị FBI bắt và dẹp tiệm. Sears cũng đã từng bị phạt bạc triệu vì cơ phận không hư vẫn thay). Nhiều người nghèo mà cứ thả xe cho garage không đứng đắn vẽ vời, sửa chữa, không hề trông coi, hay biết là cái gì thì đến một lúc nào đó không trả nổi phí tổn, sẽ phải dẹp xe và đi bộ. Kể riêng gì việc sửa xe hơi, nhiều bác sĩ gặp bệnh không cần mổ cũng mổ, hoặc không mổ cũng lấy tiền, gian lận tính tiền quá lố chính phủ và hãng bảo hiểm (Năm 1982 một số bác sĩ Việt Nam ở Bolsa gian lận, không chữa bệnh cũng lấy tiền medicare của chính phủ, bị phạt tiền, phạt tù và mất bằng hành nghề).
 NHẬN TỘI HAY KHÔNG (GUILTY OR NOT GUILTY)
Đầu thập niên 1980, tôi dọn nhà từ vùng phía Bắc Los Angeles về vùng bờ biển ở Orange County, là nơi tôi thấy mát mẻ và gần cộng đồng Việt Nam đông vui. Tôi thuê một chiếc xe kéo U-haul để chở đồ đạc. Thấy nhân viên hãng cho thuê Uhaul gắn xe kéo vào xe cho tôi, nhưng không gắn nối đèn stop. Tôi cứ nghĩ rằng họ chuyên môn cho thuê, họ biết việc họ phải làm, nên mình đâu cần nói gì. Sau đó, tôi đã lên xuống chở ba chuyến trót lọt.
Đến chuyến thứ tư, lúc kéo chạy trên xa lộ 605 South, qua khỏi giao điểm xa lộ 5, nghe tiếng còi ụ của cảnh sát chạy môtô phía sau, tôi vẫn cứ tự nhiên chạy như thường. Sau thấy mô tô cảnh sát rượt lên ngang hàng và khoát tay ra hiệu cho tôi ngừng. Tôi từ từ tấp vào phía bên lề mặt xa lộ. Vì lâu mới kéo Uhaul, tôi không nhớ và không biết luật. Tôi đã vi phạm 2 luật lưu thông. Lỗi thứ nhất là cho xe chạy trên lằn đường số 1 sát lề trái dành cho xe có tốc độ cao, trong khi xe kéo Uhaul phải đi vào lằn đường số 3 hay số 4, sát lề mặt dành cho xe có tốc độ chậm. Lỗi thứ hai là chiếc xe kéo không gắn đèn báo hiệu dừng. Cảnh Sát cho tôi giấy phạt phải ra hầu tòa tại thành phố Corona thuộc vùng tôi đã bị chận phạt ở xa lộ 605.
Hôm ra tòa, ông tòa hỏi, thì người ta chỉ trả lời “guilty” hay là “not guilty”, nhận tội hay không nhận tội mà thôi. Nếu nói “guilty” thì ông tòa phán ra quày tính tiền đóng bao nhiêu tiền phạt. Còn nói “not guilty” thì ông tòa quyết định ngày giờ mở phiên xử, sẽ mời viên cảnh sát viết giấy phạt đến dự, để đối chất.
Đến phiên ông tòa hỏi tôi, tôi thực tình đáp: “Tôi không biết guilty hay not guilty, nhờ ông chỉ dùm cho tôi ngay bây giờ” (thực tình tôi nghĩ vậy, vì tôi không muốn mất thì giờ lôi thôi lên đó xa để dự phiên xử). Ông tòa ngạc nhiên hỏi tôi: “Tại sao?”. Tôi đáp: “Những điều viên cảnh sát ghi trong giấy phạt là đúng sự thật. Nhưng tôi kéo Uhaul dài kình càng, khó xoay trở, tôi phải lo sang lằn đường sớm cho dễ, để khỏi trở ngại khi gần đến chỗ phải lối ra, vì xa lộ 605 South phải thoát ra vào xa lộ 405 South về phía lằn đường số 1 sát bên trái. Còn không đèn báo hiệu dừng là do hãng Uhaul thiếu sót khi gắn xe kéo cho tôi, tôi cứ tưởng là họ biết công việc họ phải làm” (nhưng thật ra tôi có lỗi vì không biết luật, nên đã chạy sai lằn đường cách chỗ lối ra đến khoảng cả 15 dặm, đổi lằn đường như vậy quá xa).
Nghe tôi nói có lý, ông tòa liền phán: “Thôi tôi chỉ phạt anh một tội thứ nhì là không đèn dừng, 20 đô la, ra ngoài quầy tính tiền đóng tiền”. Ông phán như thế, tôi cũng mừng vì được xong chuyện.
 BẮT LỖI QUAN TÒA
Lại một hôm, vào năm 1982, có anh bạn cũ, mượn tôi đi với anh tới hầu tòa ở Harbor City, Los Angeles về giấy phạt vi phạm luật lưu thông. Hình như tất cả giấy phạt nào cũng ghi là 8 giờ sáng trình diện tại tòa cả. Chúng tôi đến đúng giờ và lần lượt ghi tên với cô thư ký và ngồi vào mấy hàng ghế ở giữa phòng, đối diện với bàn việc của ông tòa mà chờ. Kẻ thì coi báo, người thì ngồi ngáp vặt.
Đến hơn 10 giờ, ông tòa chưa xuất hiện. Cô thư ký vẫn thung dung ngồi và viên cảnh sát tòa án (court marshal) đứng gác thỉnh thoảng đi đứng qua lại gần đó. Bỗng trong đám chờ xét xử, có một thanh niên da trắng, râu lún phún đen, đứng dậy, hùng dũng lên giọng hỏi cô thư ký: “Ông tòa đâu, giờ này sao chưa thấy tới. Giấy ghi bảo tôi đến đây lúc 8 giờ, bây giờ hơn 10 giờ rồi, sao ông chưa tới. Tại sao làm mất thì giờ tôi. Tôi còn phải đi làm. Tại sao làm việc công, mà ông tòa đến trễ như vậy!”.
Cô thư ký đáp: “Giờ nào ông ấy tới là chuyện của ông ấy, tôi không được biết, tôi không thể trả lời anh. Anh chờ ông ấy đến mà hỏi”.
Anh ta vẫn không thỏa mãn, không chịu ngồi xuống, vẫn tiếp tục la lối, phản đối ồn ào, đại khái là bắt bẻ tại sao ông tòa đến trễ, khiến anh ta chờ đợi nhiều giờ mất công ăn việc làm của chủ hãng. Sáng nay anh ta có nhiều công việc.
Thấy mất trật tự, viên cảnh sát tòa án liền can thiệp và nạt lớn: “Ông tòa đến giờ nào là việc của ổng, chúng tôi không thể trả lời, anh muốn biết phải chờ ổng tới mà hỏi. Anh phải ngồi xuống giữ trật tự, anh làm ồn ào tôi bỏ tù, ngồi xuống!”.
Cuối cùng anh ta phải hậm hực ngồi xuống.
Nửa giờ sau ông tòa xuất hiện. Anh liền hùng hổ đứng dậy hỏi ông tòa: “Giấy phạt bảo tôi đến đây lúc 8 giờ, mà sao quá 10 giờ 30 ông mới tới, ông làm tôi phải chờ, mất cả thì giờ làm việc của tôi. Tại sao?”.
Ông tòa bình tĩnh ung dung nhẹ nhàng đáp: “Tôi không chịu trách nhiệm về việc anh phóng xe nhanh ngoài đường, tôi cũng không có trách nhiệm về việc anh bị giấy phạt và việc mất thì giờ làm việc của anh. Việc anh hỏi tại sao giờ này tôi mới đến, tôi sẽ nói chuyện riêng với anh sau, anh chờ tôi xử xong mấy việc này trước đã. Anh hãy ngồi xuống. Anh gây náo loạn tôi sẽ bỏ tù anh”.
Thanh niên này yên lặng bực bội ngồi xuống.
Ông tòa kêu tên từng vụ (case) và phán quyết một cách nhanh chóng, mỗi vụ chỉ tốn vài ba phút, chẳng bao lâu phòng xử thưa hẳn. Tôi nghĩ có lẽ ông tòa đã đến ngồi bên trong đọc rõ các vụ, đã suy xét và quyết định từng vụ trước khi đăng đường, nên ra đó là phán xử ngay, chứ không phải ra đó rồi mới đọc hồ sơ.
Xong vụ anh bạn tôi, chúng tôi ra về. Trong khi thanh niên đó vẫn phải ngồi chờ. Có lẽ phải là người ra về sau cùng trong ngày xử hôm đó. Anh này nóng lòng muốn mất ít thời giờ, mà lại bị đì, mất nhiều hơn. Đâu cũng vậy, bắt lỗi ông tòa thì chỉ có thua mà thôi.
Nhật Quang Phi Hồ