1. Con đường Wilhelm của thành phố Wiesbaden thuộc tiểu bang Hessen của Đức một chiều thứ bảy giữa tháng 6 đông nghẹt người qua lại. Con đường này vẫn được mệnh danh là một Champs Elysée của Paris trên nước Đức với dãy đèn đường cổ kính. Một bên đường là các tiệm bán quần áo sang trọng “exquisit”, bán đồng hồ nổi tiếng và phía bên kia đường là cái park rộng lớn của sòng bài Casino, nổi tiếng nhất nhì của Đức. Cuối tuần này xe cộ bị chận lại từ đằng xa nên khách nhàn du đi chơi Festival tha hồ tản bộ, tà tà đi giữa lòng đường mà không phải ngó trước ngó sau. Hai bên lề đường là các hàng quán bán xúc xích nướng, cá nướng, thịt nướng, nhưng chủ chốt là những quầy hàng bán rượu wine, champagne với những cây dù trắng có lộng che thật lớn căng lên trước cửa hàng, khách uống rượu đứng tụm năm tụm bảy phía trước quầy, tay cầm ly rượu cười nói vang rân. Đâu đây thoang thoảng trong không khí mùi popcorn quyện mùi đường caramel và vanille thơm phức. Tiếng cười nói lao xao của du khách, những tiếng động tạp nhạp vui nhộn không thể thiếu được của ngày lễ hội chính của thành phố Wiesbaden dưới cái tên “Wilhelmstrassenfest” vẫn là nơi quyến rũ khách thập phương từ các nơi đổ về, trong đó có tiểu gia đình tôi. Tuy đã về chiều, mặt trời đã gần tắt nhưng cái nóng đầu mùa hè năm ấy vẫn còn hầm hập phà vào mặt, một khí hậu nhiệt đới hiếm khi xảy ra vào tháng 6 của Âu Châu. Chồng tôi cõng cậu con trai đầu lòng 3 tuổi trên vai để chen chân cho dễ trong đám đông đầy người qua lại, tôi lệt bệt đi bên cạnh vì đang có bầu đứa con thứ hai. Bụng to, trời nóng, tôi tà tà dềnh dàng đi trước để mở đường, nghĩ rằng thiên hạ mà thấy bà bầu đi te te như thế này sẽ né sang hai bên cho mình đi thoải mái, nên tôi ung dung vác cái bụng “vênh vênh” lên mà đi, chẳng màng ngó ngàng gì chung quanh. Một nhóm người Á châu khá đông đi ngược chiều với chúng tôi đang cười nói lao xao vui vẻ. Cả hai chúng tôi cũng chẳng thắc mắc lôi thôi họ là người nước nào cho mất công vì dạo đó làm gì có người Việt Nam đi ngoài đường đông đảo thành một nhóm như thế này. Đi ngang qua chúng tôi, một người nào đó trong nhóm buông thòng một câu:”Nhỏ này cái mặt coi giống Nhựt bổn quá ta!”. Chồng tôi đang vác cậu con trên vai, phản ứng thật nhanh, quay lại nói với theo: Dziệt Nam chứ Nhựt Nhựt cái gì…. Thế là cả bọn hơn một chục người quay phắt lại, tíu tít bu quanh lấy chúng tôi: Anh chị là người Dziệt hả? Vâng, mấy anh ở đâu tới mà đông quá vậy? Dạ, tụi em ở ngay Wiesbaden đây nè anh…mới định cư dzìa đây, cỡ 1 tuần rồi… Ủa vậy hả, vui quá há, thôi mình lui ra góc này nói chuyện, đứng giữa đường cản lối đi của người ta. Người thanh niên buông tiếng “thử lửa” lúc nãy quay lại xin lỗi tôi: Chị đừng “gầy” (rầy) tui nghen chị, tui nói đại dzậy mà trúng ngay chóc. Nhưng mà chị giống Nhựt bổn thiệt, hổng giống Dziệt Nam gì hết trơn hà. Từ lần gặp gỡ bất tử đó chúng tôi làm quen được thật đông người Việt, có thể gần cả trăm người, mới chân ướt chân ráo về định cư ở thành phố Wiesbaden. Họ là những “thuyền nhân” được tàu Cap Anamur vớt vào đầu năm 1980. Gần 10 năm sinh sống ở Đức, chưa bao giờ chúng tôi quen được đông người Việt, lại ở gần nơi chúng tôi cư ngụ như thế này. Từ đó, cuối tuần nào vợ chồng tôi cũng hăm hở lái xe sang Wiesbaden để gặp gỡ đồng hương, chuyện trò, ăn uống, tâm tình và ca hát với nhau. Hầu như tất cả người Việt tỵ nạn đến định cư ở Wiesbaden lúc đó đều ở trong 2 chung cư vùng Nordenstadt, một ngoại ô của Wiesbaden. Hai chung cư này mới được xây cất và người Việt ty nạn là những khách thuê nhà đầu tiên. Những buổi cơm rau dưa, những mẫu chuyện vui buồn pha lẫn cay đắng tủi hờn được đem ra kể, mỗi người mỗi câu chuyện, tình đồng hương bạn hữu ngày càng trở nên thân tình mặn nồng gắn bó. Gia đình mà chúng tôi thân nhất và cảm thấy hợp “rơ” nhất thuở đó là một gia đình với 7 anh chị em. Sáu anh em ruột và một người em rể. Tất cả mấy anh em ở chung một nhà. Người anh cả bị khủng hoảng tinh thần nặng nên được đưa vào bệnh viện điều trị, người em trai kế tên là An. An tính tình hiền lành, chơi Guitar và trống rất giỏi. Mỗi lần An bế con trai tôi trên tay, An hay nói: Em cũng có đứa cháu cỡ con trai chị, gọi em bằng cậu, con của người em gái thứ 3. Em gái thứ 3? Cô ấy bây giờ ở đâu? Dạ, lúc này hai mẹ con nó còn ở trong trại tỵ nạn bên Hồng Kông, đang chờ tụi em bảo lãnh sang. Em nhìn con chị mà nhớ con nhỏ cháu của em quá chị ơi…. Sau An là hai cô em gái, Thắm và Đào. Thắm đẹp mặn mà, tháo vát, thích nấu ăn, thích đàn, thích hát và hát rất hay. Thắm là người con gái thông minh, có tâm hồn nhạy cảm, cũng là người lèo lái và là điểm tựa chính của anh em cô trong cuộc sống xa cha mẹ và quê hương. Ngày đó tôi đã xem Thắm như em gái của mình vì Thắm cũng bằng tuổi em gái tôi. Sau này Thắm lấy chồng và theo chồng sang Úc định cư ở đó. Sau Thắm là Đào, khi tàu còn lênh đênh ngoài biển Đông, chiếc tàu của 7 anh em cô đã bị hải tặc Thái Lan cướp bóc hãm hiếp, Đào là một trong nhiều nạn nhân. Nếu không được Thắm tâm sự cho biết, không ai có thể ngờ rằng một cô bé nhí nhảnh vui tươi như Đào đã là nạn nhân của những tên hải tặc Thái Lan. Thắm nhờ lanh trí, cô đã bôi lọ nghẹ lên khắp mặt mày chân tay, trông đen đủi như một thằng con trai, giả khờ giả điên, trốn dưới gầm tàu nên thoát nạn. Cũng như cô chị, Đào rất xinh và rất có khiếu về đàn hát văn nghệ văn gừng. Những ngày trước Tết, chúng tôi họp nhau lại tập ca, tập hát, tập múa, quên ăn, quên ngủ và đôi khi quên luôn cả con. Cô con gái thứ hai của tôi lúc đó vừa tròn 1 tuổi. Những ngày tập hát trước khi ra quân, An phải gõ cái trống con để giữ nhịp. Ôm cái trống mãi trên tay cũng mỏi nên chúng tôi lôi cái bàn ủi ra để giữa nhà, kê lên đó những cái trống lớn nhỏ đủ kiểu cho An đánh. Thắm và Đào mỗi người một cây Guitar, còn tôi thì bế con trên lòng, vừa hát,vừa lắc cái Rasseln bằng gỗ trên tay để giữ nhịp cho bài hát. Hát mãi cũng đói, bụng đã bắt đầu cồn cào mà còn phải chui vào bếp lục đục nấu nướng thì quả là đứa nào trong chúng tôi cũng ngại. Bỗng đâu có một anh chàng dáng người ôm ốm gầy gầy, tay cầm đôi đũa, vừa xầm xầm đi vô vừa nói trống trơn: Mời mấy ca sĩ tập hát xong quá bộ qua nhà tui ăn côm (cơm) nghen. Tui có làm đại mấy món ăn chơi, qua ăn thử cho dzui, ngon dở tính sau….Qua liền nghen? À thì ra cái anh chàng nói tôi có cái mặt giống Nhựt bổn cũng ở trong chung cư của anh em Thắm. Anh tên là Lượm, Năm Lượm. Anh biết chúng tôi ca hát sẽ đói và mệt, nên tự động nấu nướng bữa cơm tối cho chúng tôi. Khỏi câu nệ dài dòng kiểu cách chi cho mất công, chúng tôi dẹp trống dẹp đàn, bầu đoàn thê tử kéo sang appartement của Lượm, căn phòng nằm đối diện với appartement của anh em Thắm, chỉ cách nhau một hành lang. Lượm sống độc thân, lúc nào cũng cười xề xề. Chưa biết tài nấu ăn của anh ra sao nhưng lúc nào hễ chạm mặt anh trong hành lang, tôi đều thấy anh cầm đôi đũa trong tay, có khi hai tay hai đôi đũa. Khi hứng chí lên anh vừa nhấp 4 cây đũa vừa hát bài “ươm tơ tằm”, vừa múa may nhịp nhàng lên xuống theo tiếng nhạc. Chưa bao giờ tôi thấy anh gắt gỏng hay cự nự gì ai. Những buổi cơm do anh làm đầu bếp, phải công nhận anh là một tay làm đồ ăn thượng hảo hạng, món nào anh làm cũng ngon, món nhậu thì khỏi chê. Nhưng cái tật của anh là chỉ nấu cho bạn bè thưởng thức, còn chính anh thì lại ăn rất ít. Anh chỉ thích chống đũa nhìn bạn, lâu lâu chồm sang bắt cụng ly với câu nói bất hủ, không cần biết lúc đó là đầu năm, cuối năm hay giữa năm: Chúc mừng năm mới! Hay là: Uống không cụng không say nhe! Lượm là người con thứ năm trong một gia đình có 12 người con. Ba người chị đầu trước Lượm, người nào cũng vì bệnh tật rồi chết khi chưa được đầy năm. Đến lúc Lượm ra đời, tuy là người con thứ tư trong nhà, nhưng theo cách gọi của người miền Nam thì người con cả đã được gọi là thứ Hai, nên Lượm có tên là Năm Lượm. Vì đâu mà có cái tên Lượm xấu xí quê mùa này? Năm Lượm kể rằng “lúc bà má tui sanh ra được thằng con trai, sợ chết yểu giống 3 bà chị, nên bả đem thằng tui cho bà chị dâu nuôi”. Cái tên đẹp đẽ Huỳnh phước Cương bà dì không dám gọi, bà đặt cho thằng cháu cái tên Lượm xấu xí, như lượm ngoài đường, lượm ngoài thùng rác, để ông bà ông vải chê, không bắt mất thằng cháu kháu khỉnh của bà. Vì thế Năm Lượm được bà mợ ở Cần Thơ nuôi cho tới lớn. Do đó Năm Lượm có hai bà má, bà má guộc (ruột) và bà má nui (nuôi). Lớn lên Năm Lượm được gửi lên Thốt Nốt học nghề ráp sửa máy móc, đủ loại máy móc, từ máy cày chạy trên đất liền cho tới máy bo bo, máy đuôi tôm chạy dưới nước. Bạn bè vẫn đùa ghẹo gọi Năm Lượm với cái tên anh “thợ mái”. Chữ “mái” ở đây có tới 2 nghĩa. Cái nghĩa thứ nhất là do đọc chữ “máy” theo kiểu người Nam, máy thành mái. Cái nghĩa thứ hai mà sau này quen thân hơn, Năm Lượm mới tâm sự cho biết là vì Năm Lượm có tới 4 bà vợ, còn lăng nhăng bao nhiêu thì không kể….. Bà vợ nào cũng được Năm Lượm thương yêu và chu cấp lo lắng đầy đủ. Cái nghĩa “mái” ở đây là để ám chỉ sự ôm đồm nhiều vợ nhiều con của anh công tử Thốt Nốt có cái tên cúng cơm Lượm. Ngày trước, ở nhà quê mà có tay nghề như Năm Lượm là số dách, số một, cha mẹ nào cũng thích gọi đến gả con gái cho. Giàu ruộng, giàu tiền không bằng có cái nghề trong tay. Nhưng Năm Luợm là một công tử Thốt Nốt, tiền bạc dư dả trong tay là do khéo léo biết làm ăn, Năm Lượm ăn mặc theo sát thời trang, cọp dê y chang tài tử Khương Đại Vệ. Quần trắng, áo trắng, lái xe Honda mới toanh của Sàigòn, ở miền Tây đi đâu ai cũng biết mặt Năm Lượm là dân chơi hảo hán. Đã có cái nghề trong tay vững chắc, Năm Lượm đứng ra lập một cái hãng sửa chữa máy móc, có đàn em, có thợ thuyền, hãng xưởng ngày đêm tấp nập người ra vô. Thời đó Năm Lượm không hề nghĩ đến chuyện vợ con ôm đồm, anh chàng sợ vướng vô vòng thê nhi sớm quá hết còn được tự do bay nhảy. Thanh niên mới lớn lại có tiền rủng rỉnh trong tay, Năm Lượm được một em bán bún riêu ngoài chợ đem lòng thương yêu. Hai bên mặn nồng chưa được bao lâu thì bà má nuôi của Năm Luợm hay tin, điệu cổ Năm Lượm về Cần Thơ bắt lấy vợ cho đàng hoàng tử tế. Người vợ đầu tiên của Năm Lượm quê ở Chương Thiện, Sóc Trăng, con nhà gia giáo, tính tình hiền thục.Cô vợ này Năm Lượm không yêu thương nhưng vì là vợ chính thức do gia đình cưới hỏi tử tế nên lúc nào Năm Lượm cũng nể vì. Cô này sinh hạ cho Năm Lượm được một cô con gái. Tuy không sống gần vợ con, nhưng đứa con nào sinh ra cũng được Năm Lượm cấp dưỡng chu đáo. Lấy vợ cho hai bà má yên lòng, để vợ ở nhà hầu hạ hai bà má, Năm Lượm trở về Thốt Nốt lo chí thú làm ăn. Sáu tháng đi đi về về Thốt Nốt – Cần Thơ, Năm Lượm quen nhẵn mặt các tài xế và lơ xe đò của bến xe miền Tây. Trong một chuyến về thăm vợ ở Cần Thơ, Năm Lượm để ý đến một cô gái, có thân hình cân xứng và một khuôn mặt thiệt là bắt mắt. Thấy cô ngồi khóc sướt mướt ở bến xe, Năm Lượm tỏ lòng ái ngại, đến hỏi han thì được biết là cô cần về nhà gấp ở Cần Thơ mà hết vé xe. Thế là lòng nghĩa hiệp của Năm Lượm nổi dậy, Năm Lượm chạy phăng đến các tài xế điều đình thương lượng kiếm cho ra cái vé để tặng người đẹp. Bản tính của Năm Lượm là thấy người hoạn nạn thì thương, đem hết sức mình ra để giúp, không bao giờ chịu nhắm mắt bỏ qua. Đó là đặc điểm của con người Năm Lượm. Cầm được cái vé xe trên tay, Năm Lượm chạy tới đưa cho người đẹp. Nàng không dám nhận cái cử chỉ nghĩa hiệp này của Năm Lượm nhưng vì …..kẹt quá, đành nhận cái vé trên tay chàng trai lạ mặt nhưng rất có duyên này. Nụ cười có ngấn nước mắt của nàng làm Năm Lượm rộn ràng, tim đập loạn xạ. Ngồi trên xe về Cần Thơ, đoạn đường ngắn ngủi chỉ có 40 km, ngày thường sao dài đằng đẵng, đi hoài không tới, bữa nay chưa nói xong câu chuyện mà xe đã về đến đầu thị xã. Tuy vậy cũng đủ thì giờ để Năm Lượm “điều tra” biết cô em là người Bắc di cư, đi dạy học ở Thốt Nốt, cha mẹ ở Cần thơ, nhà có cây chùm ruột sai trái mọc trước nhà. Rồi thì hai bên chia tay, không hẹn ngày gặp lại. Nằm nhà ở Cần Thơ, có bà vợ lớn bên cạnh, nhưng Năm Lượm không tài nào quên được cô em Bắc Kỳ nho nhỏ đi cùng chuyến xe, cuối cùng chịu hết nổi, Năm Lượm nghĩ ra được một kế khá liều lĩnh….. Trời thì mưa như trút, Năm Lượm phóng xe tới nhà cô em, nhắm nhà có cây chùm ruột trước cửa, Năm Lượm nhấn chuông xin ….trú mưa. Cô em ra mở cửa cho vô tránh mưa, thế là Năm Lượm làm quen một cách đường đường chính chính có cha mẹ chứng dám. Về lại Thốt Nốt, hai bên tiếp tục hẹn hò đi chơi nhưng Năm Lượm luôn luôn giữ lòng trong sạch cho đến một ngày….. Bữa đó, hai bên hẹn nhau đi coi hát trong thị xã. Trên đường về, Năm Lượm thò tay lén khóa ống xăng, thợ máy mà, xe chạy cà rịch cà tang rồi đứng hẳn. Nhà em thì còn xa, mà nhà anh thì ở ngay góc đường, đi bộ chút xíu là tới. Đêm đã khuya, gần giới nghiêm, thôi thì về nhà anh cũng được. Em nằm trên giường trong phòng ngủ, anh nằm dưới đất nhà ngoài. Đêm đã khuya, Năm Lượm cứ thế lâu lâu lấy tay vỗ đùi cái đét để …. đập muỗi! Vỗ đùi chừng 20 bận thì cô em thương quá, kêu vô nằm chung cho….bớt muỗi. Thế là chuyện gì đến phải đến. Cô vợ thứ hai của Năm Lượm sinh hạ cho Năm Lượm được một người con trai, sau này cũng theo nghề của mẹ, làm thầy giáo dạy học ở Cần Thơ và ngày nay Năm Lượm đã được lên chức ông nội. Kể chuyện vợ con của mình, lúc nào Năm Lượm cũng hãnh diện tự khoe và anh chàng rất thích chêm tiếng Tây: Coi dzậy chớ mấy em mà hổng „xì vu bờ le“ (s‘il vous plait) là tui hổng có động đậy làm tới à nhen. Toàn là mấy bả cắc cớ “đòi” không hà! Chà, Lượm cũng nói tiếng Tây tiếng u dữ hé, tôi chọc Năm Lượm. Trời, chị hổng biết sao, tui đây đi học “sát sờ lu bốn” chớ bộ. Đâu có trường „sát sờ lu bốn“ cha nội, chỉ có „sát sờ lu ba“ thôi hà. Thây kệ, bốn hay ba gì tui đây chấp hết. Tình tui “bao la” mà chị…. Năm Lượm còn dạy tôi nói tiếng Tây, bắt phải nói thật nhanh, với lời dịch thuật đàng hoàng mà tôi học hoài không thuộc: “Quít xơ măng (quăng xơ mít), đờ dõng xưa (giữa sông), lộng bên sôi (lội bên sông), đờ ót măng (ăn mót)”. Hỏi tại sao lại thêm chữ “đờ” vô làm chi, Lượm trả lời: “Tiếng Tây phải có chữ “đờ” (de) chớ không thôi làm sao mà ra tiếng Tây!”. Tôi đánh trống lãng: Vậy chứ cô bán bún riêu ngoài chợ bỏ đâu mà Lượm dzô cô giáo? Dạ, có dzợ rồi đâu dám lằng nhằng nữa chị . Ủa dzậy chớ cô giáo Bắc kỳ này Lượm hổng lằng nhằng thì là cái gì ? Đâu có, tui lấy bả đàng hoàng mà chị, dzợ hai tui mà, dzợ lớn tui cũng ưng cho tui có người lo lắng cho tui sớm hôm ở Thốt Nốt mà, đâu có lằng nhằng! Trước năm 1975, công việc hãng xưởng ráp sửa máy móc làm ăn của Năm Lượm rất trôi chảy và phát đạt. Khách hàng gạt ra không hết vì Thốt Nốt nhà nào nhà nấy ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Nhà nào cũng sắm máy cày để cày ruộng. Sông rạch bên triền sông Hậu theo thủy triều lên xuống ngày hai bận, nhà nào cũng có thuyền, có tàu, có bè. Theo thời gian, hết máy bo bo này tới máy đuôi tôm kia, rồi tới các máy cày, cứ thế thay nhau mà hư, hết nhà này kêu tới nhà kia réo. Năm Lượm làm bù đầu bù cổ vì nể tình làng xóm Một ông chủ ruộng, có ruộng cò bay thẳng cánh, mặt mũi phương phi, dáng dấp trông rất tiên ông đạo cốt, gặp Năm Lượm ngoài chợ. Ông chủ ruộng, bác Ba, là người chức sắc trong Phật giáo Hòa Hảo, ông tu tại gia, chuyên lo giúp đỡ người nghèo trong làng trong tỉnh. Ông than là mấy cái máy cày của nhà ông bị hư mà không có ai sửa. Năm Lượm nói: Bác Ba kiu (kêu) mấy thằng con đem xe chở xuống đây cho tui, tui sửa liền cái một, dễ mà! Ngặt một cái là qua chỉ có 2 đứa con gái, tụi nó làm sao mà khiêng máy xuống cho chú em sửa đây? Hổng sao! bác Ba kêu xe lôi chở mấy cái máy hư xuống tui, nhớ biên mấy chữ dzô tờ giấy nói hư cái gì, rồi biểu con gái bác Ba cầm xuống cho tui, dzài bữa là xong, chiện nhỏ mà! Ngày cô con gái của bác Ba chạy chiếc xe đạp theo chiếc xe lôi chở máy hư đến xưởng máy của Năm Lượm, Năm Lượm đứng ngẩn người há hốc miệng vì cái sắc đẹp “nghiêng thùng đổ nước lèo” của cô con gái bác Ba chủ ruộng. Năm Lượm chắc lưỡi: Con nhỏ đẹp cách gì đâu chị ơi, tui thấy cái dáng tiên phong đạo cốt của ông già là tui đã nghĩ trong bụng là ông này mà có con gái chắc đẹp ác ôn lắm đây, mà thiệt đúng ghê! Người Phật giáo Hoà Hảo tu tại gia, ở nhà hay đi ra ngoài đều mặc bộ quần áo màu nâu, nút cài chéo, dáng điệu khoan thai, từ tốn, ăn nói lúc nào cũng nhỏ nhẹ hiền lành. Nước da bánh mật, tóc kẹp ngang lưng, cô con gái đầu lòng của bác Ba đã hớp hồn Năm Lượm ngay từ buổi chạm mặt đầu tiên. Dắt cái xe đạp của cô em dựng bên hè, Năm Lượm loay hoay như gà mắc đẻ, nửa muốn mời cô em vô nhà uống miếng nước, nửa sợ người đẹp hiểu lầm là muốn dở trò tán tỉnh, rút cục Năm Lượm chỉ dám đưa tay nhận miếng giấy kê khai bệnh tật của cái máy cày rồi đành từ giã cô em Hòa Hảo đi lui vào xưởng, sau khi hứa hẹn sẽ sửa mau mau và đem giao lại máy cày cho ba của cô. Ba ngày sau, Năm Lượm làm gấp rút để sửa cho xong cái máy rồi thuê xe lôi chở vô ruộng bác Ba, lòng hy vọng sẽ gặp lại cô em yêu kiều. Trời thương trời đãi làm sao, bữa đó, bác Ba không có nhà, cô em mời Năm Lượm vào nhà uống nước để chờ. Từ đó, ngày nào Năm Lượm cũng kiếm cớ vô thăm ruộng của bác Ba, thăm mấy cái máy cày, sửa sang đủ loại máy móc trong nhà của bác Ba, và dĩ nhiên là làm không công, không lấy thù lao. Bác Ba không có con trai, thấy Năm Lượm lanh lẹ, vui vẻ, tháo vác, ông đã không nề hà khi Năm Lượm ngỏ lời xin cưới con gái ông về làm vợ, cô vợ thứ ba của Năm Lượm. Cô vợ thứ ba của Lượm tên Mướt, cái tên mượt mà như mái tóc dài của cô. Làm vợ Năm Lượm rồi nên cô Mướt bỏ tu, theo chồng ăn mặn. Những ngày sau 1975, hãng ráp sửa máy móc của Năm Lượm tuy cũng còn lai rai khách hàng cũ nhưng không còn cái không khí làm ăn vui nhộn như trước nữa. Phần thì công an phường chảnh chẹ tìm cách làm khó dễ, phần thì thợ thuyền bỏ trốn đi chỗ khác. Không có người làm, nên Năm Lượm nuôi ý định bỏ hãng, đi vượt biên. Lần vượt biên đầu tiên, Năm Lượm bị thất bại hoàn toàn và bị công an bắt giam. Tính Năm Lượm vui vẻ hay giúp đỡ thương người nên vô tù cũng được bạn tù thương. Năm Lượm ở tù mà sướng như ở nhà, được hai bà má và ba bà vợ tiếp tế lương thực, đồ ăn li chi, không thiếu một thứ gì. Năm Lượm chia đồng đều cho bạn tù, từ đồ ăn, nước uống cho đến quần áo, có bao nhiêu Năm Lượm chia hết. Không biết ai cho hay nhặt được ở đâu ra một miếng kiếng nhỏ, những ngày có thăm nuôi, Năm Lượm ngồi trong phòng chìa miếng kiếng thò ra cửa sổ để coi bữa nay bà vợ nào đi thăm nuôi mình để quay mặt lại làm le với bạn trong tù: Bữa nay má thằng hai dô nghen, có thêm đồ nhậu rồi đó ……. Cô vợ Hòa Hảo là biết ý Năm Lượm nhất, cô mua thuốc lá 555, ngắt cái đầu lọc, nhét những điếu thuốc lá thơm ngon vào bao thuốc lá nội, được sản xuất trong nước, dán lại, rồi đem vô tù tiếp tế cho Năm Lượm, nên chi Năm Lượm ở tù tội vượt biên mà vẫn được hút thuốc lá 555 như ở ngoài. Cô vợ Hòa Hảo của Năm Lượm là một cô gái ngây thơ, chất phát, cô xin vô tù để thay Năm Lượm ra ruộng làm việc, vì Năm Lượm không quen việc cày bừa đồng áng. Khi được phép ngủ lại trong trại qua đêm, cô “đòi” Năm Lượm ngay trong tù, làm các bạn tù một phen khổ sở điêu đứng vì ….thèm. Cô này cũng sinh cho Năm Lượm được một đứa con gái mũm mĩm, xinh đẹp như mẹ. Ngày ngày ở tù vượt biên, tù nhân bị dẫn ra đồng làm ruộng, cày bừa thay trâu. Vùng miền tây Long Xuyên, Thốt Nốt, Cần thơ vào mùa nước lụt là đỉa tràn đầy, đỉa lúc nhúc, đỉa nhiều như bánh canh. Chiều 29 Tết, trên đường từ ruộng về lại trại tù, Năm Lượm cùng 4 bạn tù cải trang dân làm ruộng, trên tay cầm mấy bó lúa ra vẻ là dân đi thăm ruộng, rồi ngó trước ngó sau không thấy ai, cả bọn tách đoàn tù lếch thếch, lội đại xuống ruộng tính trốn. Bị đỉa đeo quá, cả bọn vừa lội vừa lấy tay hất đỉa, chưa đi được bao xa thì bị công an tóm cổ lại. Nội công trong tù đã báo động công an nên cả bọn bị bắt một cách dễ dàng. Bị điệu về lại trại giam, vừa nhục vừa tức, cả bọn bị công an tra tấn bằng cách liệng cả bọn xuống đìa nước cho đỉa đeo. Nếu đứng yên thì ít bị đỉa đeo cắn hút máu, chứ nhúc nhích cục cựa làm khuấy động nước thì đỉa lại càng đeo, càng cắn, càng ngứa ngáy khôn tả. Một đêm bị trầm mình trong nước với đám đỉa đói, Năm Lượm tởn tới già, hết dám nghĩ đến chuyện trốn tù. Ba tháng trong tù, Lượm được bà vợ lớn lo lót công an nên được thả sớm hơn hạn định. Ra tù, Lượm định bụng phen này chí thú làm ăn để lo phụng dưỡng hai bà má, ba bà vợ và ba đứa con, hai gái một trai. Trách nhiệm nặng trĩu trên vai nên Lượm hết dám nghĩ đến chuyện vượt biên. Một buổi chiều cuối ngày, ông anh họ của Năm Lượm ở Cần Thơ nhắn Năm Lượm về gấp, nếu được thì đem thêm cho ông một người thợ máy rành nghề. Hai thầy trò Năm Lượm cấp tốc leo tót lên chuyến xe đò chót về nhà ông anh. Về tới nơi, nghe ông anh nhắn với hàng xóm là phải ra gấp bến tàu để gặp ông. Năm Lượm lại hấp tấp thót lên xe lôi chạy ra bến tàu. Ông anh họ lôi ngay Năm Lượm ra góc tàu rồi xuống giọng năn nỉ cho hay là người tài công của chuyến vượt biên này bỗng dưng lạnh cẳng, bỏ trốn, không chịu đi nữa. Nếu Năm Lượm thương ông thì làm ơn đi theo ông, vì ít ra nếu không có tài công thì cũng có được một người thợ máy rành nghề trên tàu. Nếu Năm Lượm mà từ chối, bỏ ông bơ bơ một mình thì ông chỉ có nước chết vì đã lỡ thâu tiền bà con cô bác trên ghe. Tính của Năm Lượm là thấy người hoạn nạn mà không giúp thì Năm Lượm chịu không được. Một chiếc ghe dài 11 thước, chở hơn 100 người lớn nhỏ, chỉ còn chờ cái gật đầu của Năm Lượm là nhổ neo ra khơi, thế thì làm sao mà Lượm từ chối cho đưọc. Ngoài ra, bao nhiêu người phải trả cho chuyến đi cả mấy chục cây vàng, bây giờ tự nhiên có người cho đi, không mất tiền, không mất một đồng xu, thử hỏi còn có cơ hội may mắn nào khác nữa không Chỉ khổ một nổi cho Năm Lượm là ra đi lần này là ra đi với hai bàn tay trắng, không quần không áo, không vợ không con, không một chỉ vàng trong tay. Năm Lượm suy nghĩ thật nhanh: vậy anh cho tui thêm 1 cây vàng phòng thân, chứ đi mà không có cắc bạc trong tay cũng thấy ớn ớn, mà anh tính đi đâu ? Thì đi ra biển, tới đâu hay tới đó, tui đưa chú cây vàng, chú chịu hén? Dạ chịu, nhưng anh cho em lên bờ đi mua thêm cái quần xà lỏn với cái bàn chải chà răng nghen. Thôi chú cứ ở đây, tui sai người đi mua cho chú. Ông anh họ sợ Năm Lượm bỏ trốn. Anh nhớ mua cho em thêm bao thuốc lá 555. Thế là Năm Lượm ra đi, không một lời từ giã vợ con, bỏ hãng, bỏ nhà, bỏ gia đình, giúp ông anh lái chiếc ghe Cà Dôm, một loại ghe đặc biệt được chế tạo ở Long Xuyên, Chợ Mới, chỉ dùng để di chuyển trên sông, dài 11 m, rộng 2,5 m, chở 111 người, rời bến Cần thơ, xuôi theo sông Hậu ra biển. Sau 4 ngày 4 đêm lênh đênh trên biển, ghe của Năm Lượm bị hải tặc Thái Lan chận lại và xông lên lục soát lấy vàng bạc. Cây vàng Năm Lượm xin ông anh cũng bị hải tặc vét sạch mặc dầu Lượm đã nhanh tay nhét cây vàng dưới nóc thuyền khi thấy bóng dáng ghe hải tặc tiến lại gần. Bọn hải tặc ở trần trùng trục, mặc trần xì cái khố, nhảy lên hung hãn lùa dân trên ghe vào một góc để dễ bề uy hiếp. Trong lúc hai bên còn xô xát qua lại thì có một em bé 7 tháng bị rớt xuống biển. Mọi người còn đang hốt hoảng chưa kịp có phản ứng thì một tên trong đám hải tặc nhảy ùm xuống nước, chụp được đứa bé và đem lên lại ghe trả lại cho bà mẹ đang há hốc miệng vì quá đỗi kinh hoàng. Cái bản tính “thiện” của con người đã sống dậy trong lòng tên hải tăc. Đúng lúc ấy thì có tiếng trực thăng từ xa vẳng lại, một chiếc máy bay thám sát của tàu Cap Anamur. Bọn cướp nghe tiếng máy bay, vội vã nhảy về ghe của chúng và xả ga bỏ chạy. Tàu Cap Anamur đã đến đúng lúc và kịp thời, mọi người trên ghe ai cũng khóc ròng khi gặp lại đồng hương trên tàu, vì trước đó Cap Anamur cũng đã vớt được 2 chiếc ghe khác. Một trong 2 chiếc ghe được vớt lên trước đó là ghe của anh chị em nhà Thắm và Đào. Ghe của Năm Lượm chỉ mới bị cướp tiền bạc, không bị hãm hiếp vì có tàu Cap Anamur đến kịp, ghe của chị em Thắm thiếu may mắn hơn. Cap Anamur đã đưa tất cả các thuyền nhân về Singapore, sống tạm ở trại một thời gian rồi đưa về Đức định cư. Đến Đức, sau khóa học tiếng Đức dành đặc biệt cho người ty nạn, Năm Lượm xin được vào sở Mỹ, trở lại làm nghề cũ như lúc còn ở Viêt Nam, nghề sửa chữa xe hơi. Thời gian đầu mới sang, buồn vì sống cô đơn nên Năm Lượm tập họp các em thiếu nhi thành lập một hội đá banh, cuối tuần nào mấy chú cháu cũng đem nhau ra sân banh tập dợt, Năm Lượm kiêm luôn cả phần nấu nướng cho các em. Tỉnh nào có tổ chức giải đá banh trong cộng đồng người Việt đều có mặt Năm Lượm và đội banh. Có bao nhiêu tiền, Năm Lượm trút hết vào đội banh, mua banh, mua giầy, mua áo, bỏ cả tiền túi đổ xăng chở đội banh đi đây đi đó, sang cả Pháp, Thụy Sĩ để tranh giải. Các em nhỏ sau này vẫn quý mến chú Lượm, có nhiều em bây giờ đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, có nghề nghiệp vững chắc, vẫn lâu lâu ghé thăm người Anh, người Chú vui tính và dễ mến này. Năm Lượm cũng có thêm một vài cuộc tình ở Đức, nhưng không đi đến đâu, cô đơn vẫn hoàn cô đơn. Năm Lượm cũng đã tìm cách xin bảo lãnh cho bà vợ thứ ba và ba đứa con sang Đức. Giấy tờ phiền phức lôi thôi vì Năm Lượm không có hôn thú và ba đứa con cũng không có giấy khai sinh khai Năm Lượm là cha. Đến lúc lo xong được mọi thủ tục thì Năm Lượm mới hay tin là bà vợ thứ ba ở nhà cũng đã sang thuyền khác. Một tên công an phường đã dùng áp lực để ép uổng người đàn bà son trẻ này. Nghe tin không lành, Năm Lượm chạy lên tòa đại sứ xin xé đơn bảo lãnh, tiếp tục sống cuộc sống cô đơn trên xứ người. 2. Cuối năm 1989, khi bức tường Bá Linh sụp đổ, làn sóng người Việt từ các nước Đông Âu chạy trốn sang Tây Đức càng ngày càng đông. Thời gian này các trại ty nạn quanh vùng chứa đầy người Việt từ các nơi đổ về. Năm Lượm vẫn mon men đi khắp các trại ty nạn để tìm thêm cầu thủ cho đội banh nhà. Một công hai việc, vừa thăm viếng đồng hương chân ướt chân ráo đến Tây Đức, vừa kiếm thêm cầu thủ cho đội banh của Năm Lượm. Một buổi chiều thứ bảy năm 1990, Năm Lượm đến trại ty nạn ở Limburg, cách Wiesbaden khoảng 50km. Một cô gái trẻ ngồi trong góc nhà, mặt quay mặt vào tường, đang khóc thút thít trông rất tội nghiệp. Động lòng trắc ẩn, Năm Lượm đến gần hỏi thăm thì được biết cô ta từ Đông Đức sang, đến đây cũng đã được 2 tháng…… Tên cô là Hồng, Thu Hồng, sinh ra ở Gò Vấp, Sàigon. Năm Hồng lên 11 tuổi, nhân lúc đến nhà chơi với cô bạn, thấy bạn đang ngồi học đàn tranh, Hồng thập thò ngoài cửa đợi bạn, Ông thầy dạy đàn, ông Năm Kiết, một nhạc sĩ rất có tên tuổi trong giới dân ca tài tử, thấy Hồng thập thò ngoài cửa, ông bèn ngoắc kêu Hồng vào nhà mà đợi, đừng đứng ngoài đường nắng nôi. Tha thẩn trước hiên nhà được một lúc thì thầy Năm Kiết đi ra, thấy Hồng xinh xắn ngồi chơi một mình trước thềm nhà, thầy hỏi Hồng có muốn học đàn thì vào trong nhà mà xem bạn học. Ngay từ lúc đầu, cây đàn tranh dài dài thon thon phát ra những âm thanh trầm bỗng thanh thoát đã gợi sự chú ý tò mò của cô bé Hồng. Thế rồi vài ngày sau, theo lời nhắn nhủ của thầy Năm Kiết, Hồng đưa mẹ đến gặp thầy để xin theo học. Thầy nhận dạy không lấy tiền thù lao với một điều kiện duy nhất là Hồng không được bỏ dở nửa chừng. Cha Hồng mất sớm, chỉ có hai mẹ con sống với nhau đạm bạc trong căn nhà cũ kỹ, mẹ Hồng nghèo nhưng vì thương con côi cút nên cũng ráng sắm cây đàn tranh cho con. Học hết lớp nhất, Hồng thi đậu vào Đệ thất trường Lê văn Duyệt và được chính thức ghi tên học đàn tranh ở Quốc gia âm nhạc Sàigon theo lời giới thiệu của thầy Năm Kiết và cô Tuyết Loan, vợ thầy, cũng là một tài tử đàn ca hát xướng trong giới nhạc cổ Nam Bộ. Năm đó Hồng vừa đúng 12 tuổi. Khi đất nước mất vào tay CS, Hồng đang học lớp 10. Năm 1977, Hồng vừa đậu tú tài hai vừa tốt nghiệp Quốc gia âm nhạc bộ môn đàn tranh và hát nhạc cổ Nam Bộ sân khấu. Ra trường, Hồng gia nhập đoàn văn công sông Bé ở Bình Dương, một hình thức đi thực tập với đồng lương rất khiêm nhường, trước khi được cấp vĩnh viễn bằng tốt nghiệp. Tuy có tiếng là ra trường, gia nhập đoàn văn công, nhưng Hồng không thu thập thêm được một kinh nghiệm nào cho nghề đàn ca hát xướng, cái nghề mà Hồng yêu thích và rất có khả năng để tiến xa hơn nữa. Bằng cấp của Hồng chỉ để ngó mà chơi, vì Hồng đã học nhạc và được đào tạo dưới “chế độ” cũ. Công việc chính của Hồng trong đoàn văn công là ngồi bán vé cho những buổi trình diễn của đoàn. Mới ra trường và ra đời, chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp, không có ai đỡ đầu, Hồng phải đối đầu với những tranh chấp và chèn ép của cán bộ miền Bắc đối với cán bộ miền Nam, lại thêm có chút nhan sắc dễ coi nên Hồng trở thành một miếng mồi ngon cho tên ủy viên chính trị của đoàn văn công. Mỗi đêm Hồng nhận một tập vé để bán, tiền thu nhập phải ăn khớp với số vé bán ra. Tên ủy viên chính trị tán tỉnh Hồng không được nên tìm cách đưa cô vào tròng bằng cách đánh tháo tập cùi vé của Hồng. Lương bổng ít ỏi, Hồng lấy tiền đâu ra để bù đắp cho số tiền thiếu hụt, mà bỏ trốn thì cũng bị truy nã về tới tận địa phương, gây thêm phiền phức cho mẹ già ở nhà. May nhờ có một thầy dạy nhạc trong đoàn ra tay cứu vớt bằng cách đưa thẳng Hồng sang cục chính trị của quân đoàn 4. Hồng nương náu cục chính trị được 1 năm thì đoàn văn công sông Bé bị giải thể, tên ủy viên chính trị trở về Bắc và hết còn là một đe dọa cho Hồng. Từ đó Hồng xin ra khỏi cục chính trị và xin vào làm xưởng dệt Sakymen ở cầu Bình Lợi năm 1980. Lập gia đình với một đồng nghiệp, nhà anh cũng nghèo rớt mồng tơi như mẹ con Hồng. Lấy chồng để được che chở tấm thân chứ thực tình thương yêu thì Hồng không có. Hai vợ chồng sinh sống cùng với mẹ già trong một căn nhà vừa lợp tôn vừa lợp giấy carton, đến mùa mưa cả ba người phải đem thùng hứng nước mưa, dột hết góc này đến góc khác….. Đứa con đầu lòng, một bé gái, cũng đã được ra đời trong khung cảnh nghèo khổ này. Tương lai mù mịt, hai vợ chồng sống trong cảnh phập phồng lo sợ vì không biết sẽ bị sa thải lúc nào, vì là nhân công miền Nam nên dễ bị chiếu cố nếu hãng muốn sa thải người. Khi bộ công nghiệp ban hành sắc luật tuyển người đi làm lao động ở nước ngoài, hai vợ chồng Hồng nộp đơn xin đi cho thoát cảnh nghèo. Đem con đi thì chính phủ không cho, như thế phải có 1 người ở lại nuôi con. Bàn đi tính lại, Hồng quyết định ra đi, để chồng ở lại nuôi con và đỡ đần mẹ già. Đứa con gái của Hồng lúc đó mới lên 4. Vì miếng ăn, vì sự sống còn của cả gia đình mà Hồng phải đành lòng xa con. Giấy tờ thủ tục xong xuôi, theo hợp đồng của chính phủ, nhóm của Hồng được đưa sang Đông Đức, tỉnh Karl-Max, tỉnh này sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, hai miền Đông Tây thống nhất, được đổi thành tên Chemnitz, cách Dresden 100 km. Hồng đến Đông Đức tháng 6 năm 1988. Nhóm người lao động Việt Nam, theo hợp đồng của nhà nước với chính phủ Đông Đức, được đưa đến một nhà máy dệt, chuyên chế tạo đủ loại vớ, nằm trong thung lũng Gelenau. Nơi đây nhóm người lao động được phân chia ra thành từng tổ, mỗi tổ 5 người, ăn, ở, đi làm việc chung với nhau. Thông hành và giấy bảo hiểm sức khỏe của từng cá nhân phải nộp cho đội trưởng để dễ bề kiểm soát. Ra đến nước ngoài nhưng người Nam sống với người Nam, người Bắc sống với người Bắc. Hai bên vẫn tiếp tục kỵ rơ nhau như ở trong nước. Dân miền Nam thì sống lè phè, đi làm ngày hai buổi với đồng lương cố định của chính phủ ấn định, trong khi dân miền Bắc thì ngoài giờ làm việc ở xưởng dệt, tối về còn nhận may thêm quần áo cho dân bản xứ, ký cóp từng đồng bạc, không dám ăn, không dám mặc để gửi tiền về cho gia đình. Dân miền Nam tuy cũng dành dụm gủi tiền về nhưng còn rủ nhau nấu nướng ăn nhậu vào cuối tuần, những buổi họp mặt đó tuyệt đối không thấy dân miền Bắc đâu cả. Đời sống ở Việt Nam quá nghèo khổ nên sang đến Đông Đức là một thiên đàng hạ giới của nhóm người lao động, mặc dầu người dân Đông Đức trong những năm cuối cùng trước ngày bức tường sụp đổ cũng chả sung sướng gì hơn. Hồng rất ngạc nhiên khi thấy ở Đông Đức trái chuối được bán theo đầu người, gia đình 3 người chỉ được mua 3 trái chuối. Người dân Đông Đức ăn uống cũng tiện tặn dè sẻn không thua gì người Việt đang làm lao động ở Đông Đức. Lương bổng hàng tháng của dân đi lao động được trả khoảng từ 700-900 đồng Mark của Đông Đức, tiền nhà không phải trả, lương lãnh ra chỉ dùng cho việc ăn uống khoảng 100 đồng Mark Đông Đức, còn lại bao nhiêu, Hồng dành dụm gửi tiền về nuôi con, nuôi gia đình. Tiền Mark Đông Đức giá trị chỉ bằng 1/10 tiền Tây Đức thời đó. Cứ mỗi 3 tháng được phép gửi về nhà 1 thùng đồ khoảng 20 ký, Hồng mua bàn ủi điện, bếp điện là những thứ được ở nhà ưa chuộng, bán thùng đồ cũng kiếm được cả 2-3 cây vàng. Hồng nghĩ bụng, nếu trời thương, cho được mạnh khỏe không đau ốm, cứ đi làm kiểu này vài năm sẽ xin hồi hương về nhà sống với con và mẹ già. Chồng của Hồng, sau khi Hồng ra đi cũng đã tằng tịu với người khác, nhưng vẫn ở trong nhà, vì cũng chẳng có nơi nào khác để dung thân. Tháng 11/1989, khi bức tường Bá Linh sụp đổ, chị em lao động trong nhóm của Hồng thực sự rất hoang mang lo sợ, không biết thế sự sẽ xoay chuyển thế nào. Trong đoàn lao động đã bắt đầu có người bỏ nhiệm sở trốn đi nơi khác. Tin tức dồn dập, bán tín bán nghi, nhưng vì thiếu thông tin, thiếu tiếng Đức, không hiểu thực hư như thế nào nên Hồng không biết phải tiến thoái ra sao. Biên giới Đông Đức và Tây Đức lúc đó vẫn còn, người bên Đông Đức vẫn chưa được phép sang Tây Đức. Bỏ trốn sang Tây Đức để xin vào trại tỵ nạn như một số bạn đã làm hay cứ nhắm mắt ở nguyên tại chỗ? Bỏ trốn thì hết đường quay về lại Việt Nam vì như thế là mang tội đào ngũ, như thế là phải xa con vĩnh viễn hay sao, nhưng ở lại thì số phận mình sẽ ra sao??? Cuối cùng Hồng cũng quyết định trốn đi nhưng tiền đâu mà mua vé xe lửa. Có bao nhiêu tiền dành dụm, Hồng đã gửi hết về nhà, mà dù cho có chút tiền Đông Đức cũng chẳng thấm thía vào đâu khi sang đến Tây Đức. Được một bạn miền Nam trong đoàn chỉ dẫn, Hồng mua vé xe lửa từ Gelenau về Dresden. Từ Dresden Hồng sẽ đi lậu xe lửa về Frankfurt, mặc đúng một bộ quần áo, khoác thêm cái áo Manteau mùa đông. Không hành lý xách tay, không một tờ giấy tùy thân, trong tay Hồng chỉ vỏn vẹn một quyển tự điển nhỏ bỏ túi và một số điện thoại của người quen cho. Họ dặn khi nào đến được Frankfurt thì liên lạc qua số điện thoại đó sẽ có người ra đón. Theo lời chỉ dẫn của người đi trước cho tin về, Hồng và một chị bạn leo lên chuyến xe lửa khởi hành từ nhà ga Dresden lúc 11 giờ đêm về Frankfurt. Chuyến xe đêm tốc hành ngày 23/12/1989. Lựa lúc nhà ga còn vắng khách vãng lai, hai chị em Hồng leo lên toa hạng nhất, chui xuống gầm ghế nằm thu lu trong đó. Sở dĩ Hồng lựa toa hạng nhất vì toa hạng nhất mắc tiền ít người mua, như thế sẽ ít người lên xuống thì chắc sẽ khó bị khám phá. Nằm thu lu dưới gầm ghế, không dám cục cựa nhiều sợ gây ra tiếng động, Hồng nằm quay đầu nhìn ra lối đi để có thể đọc bảng tên nhà ga bên ngoài. Chị bạn thì nằm ghế đối diện, đầu quay về phía cửa sỗ để thấy người ra vô mà ra dấu hiệu cho nhau. Mùa đông trời lạnh căm căm, xe lửa vặn lò sưởi hết cỡ, lò suởi lại nằm dưới chân ghế gần cửa sổ, chị bạn vì phải nằm quay đầu phía cửa sổ nên bị nóng phỏng cả da đầu mà không dám cục cựa. Khi xe lửa chạy qua biên giới Tây Đức, các cánh cửa ra vào của xe lửa được tự động khóa lại, tiếng các ổ khóa đập vào nhau kêu răng rắc đến rợn người. Hai chị em Hồng nằm thu lu trong gầm ghế, phó thác số mạng cho hên xui may rủi, vì bây giờ đã leo lên lưng cọp, hết còn biết chạy đi đâu. Hồng chỉ còn tâm niệm một điều trong đầu là không được phép nhắm mắt,không được ngủ, phải thức, phải lắng tai mà nghe cho rõ cái tên “Frankfurt”. Nếu không nghe ra thì phải nhớ là khi nào có tiếng xe lửa thắng kít kít bên tai, có loa phóng thanh nói ồn ào vang vang, có tiếng xôn xao nói chuyện là xe lửa đã đến Frankfurt…. Rồi thì phải tìm cách chui ra khỏi xe lửa mà không để ai trông thấy!! Khoảng 3 hay 4 giờ sáng, lúc này xe lửa đã qua đến địa phận của Tây Đức, ghé ở một nhà ga nhỏ nào đó mà Hồng chưa kịp đọc ra tên thì tàu đã lăn bánh chạy tiếp. Có tiếng chân người đi gần lại toa xe hạng nhất của Hồng. Có tiếng kéo cánh cửa toa. Một cô gái ăn sương ăn mặc hở hang đi vào, rồi buông mình cái phịch ngay đúng cái ghế Hồng đang trốn bên dưới. Vài phút sau lại thêm một người nữa đi vào. Hồng nhìn thấy bộ quần áo đồng phục, thôi chết rồi, ông soát vé!!! Nhưng hình như hai người này đã có hẹn ước với nhau hay sao đó, vì Hồng nghe họ nói chuyện rì rào, rồi họ ôm nhau, hôn nhau. Họ làm tình với nhau trong toa! Hai chị em Hồng điếng người nhưng cắn răng nhắm mắt qua cầu, mong cho màn ái ân sớm chấm dứt. Trớ trêu thay, màn ái ân bây giờ lại diễn ra ở dưới đất, họ vật nhau xuống sàn xe, ngay trên lối đi giữa hai hàng ghế chị em Hồng đang trốn. Lúc này cô gái ăn sương đã nhìn thấy Hồng đang nằm co quắp ở dưới ghế và ông soát vé cũng đã nhìn thấy chị bạn của Hồng ở ghế đối diện….. Tiếng nói thì không rành, Hồng chẳng hiểu họ nói gì với mình, trong đầu Hồng lúc đó chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là làm thế nào để nắm chặt cái chân ghế để không bị lôi ra khỏi chỗ ẩn trốn của mình. Không hiểu cô gái ăn sương đã nói những gì, Hồng chỉ nghe được lõm bõm là cô không có ý hại Hồng mà ngược lại, cô muốn giúp Hồng. Giọng nói và ánh mắt của cô hình như đã làm Hồng hiểu ra và bớt sợ! Cuối cùng chị bạn và Hồng cũng đành lồm cồm chui ra. Trời cũng đã gần sáng và xe lửa chắc cũng sắp về đến Frankfurt. Hồng nghĩ thế nào cũng bị ông soát vé bắt trả tiền vé xe, nhưng lạ thay, ông không đã động gì đến chuyện đi lậu cả. Hai chị em đem hết cả vốn liếng tiếng Đức ra, lôi cả tự điển ra chỉ chõ. Cuối cùng hai người Đức cũng hiểu rằng trước mặt họ là hai cô gái Việt Nam từ Đông Đức, đang tìm đường xin tỵ nạn ở Tây Đức. Cô gái ăn sương nhìn hai chị em Hồng một cách thương cảm. Xuống xe, cô rút trong ví ra hai tờ 20 đồng Đức Mã, tiền Tây Đức, tặng mỗi người một tờ. Cô còn gọi giùm hai chị em số điện thoại mà Hồng đưa. Rồi cô đứng chờ với hai chị em Hồng ở nhà ga Frankfurt cho đến khi có người đến đón mới vẫy tay chào từ giã. Rời nhà ga Frankfurt trong không khí tấp nập người qua lại, ai cũng vội vàng, ai cũng hối hả, có ai biết là lòng dạ Hồng đang thổn thức, cảm kích trước tấm chân tình của một gái ăn sương, một người mà Hồng không hề quen biết, không cùng chung một tiếng nói. Tấm lòng nhân đạo và ơn nghĩa này, Hồng nguyện nhớ mãi trong lòng ….. 3. Đến Tây Đức sáng sớm ngày 24/12, Hồng được người quen đưa về nhà, cho ăn tô mì gói, một tô mì ngon nhất đời Hồng. Sau đó Hồng được đưa vào trại, làm mọi thủ tục tỵ nạn. Chung quanh Hồng, tất cả xa lạ, trại tỵ nạn không phải chỉ có ngưòi Việt mà tạp nhạp đủ thứ quốc gia. Mọi người ai cũng vui vì đuợc tỵ nạn ở Tây Đức, nhưng Hồng vẫn buồn và lo sợ vì không biết ngày mai sẽ ra sao. Làm sao báo tin cho mẹ già con dại ở nhà biết mình đang ở đâu? Giấy tờ tùy thân cũng không có? Hai tháng ở trong trại, Hồng nằm bẹp dí trên giường, không ăn không uống, không thiết tha gì đến cảnh vật thế sự chung quanh, cho đến khi gặp Năm Lượm. Năm Lượm càng an ủi bao nhiêu, Hồng càng buồn bấy nhiêu. Chẳng hiểu sao Hồng lại muốn quay trở về Gelenau bên Đông Đức. Hồng nghĩ thầm, cứ về lại chỗ cũ, xin vào làm việc lại, để có ngày được trở về với con gái. Năm Lượm nói cách mấy Hồng cũng không nghe. Năm Lượm nổi dóa “đã trốn được sang Tây Đức, tốn bao nhiêu công sức, sang được tới đây khi không lại đòi về là sao? Nhưng thôi, nếu chị muốn thì ngày mai tui sẽ chở chị về lại bên đó”. Ngày hôm sau, giữ lời hẹn, Năm Lượm lái xe chở Hồng một mạch từ trại tỵ nạn Limburg sang Gelenau. Đoạn đường dài 500 km, Hồng lầm lỳ không nói một tiếng nào, lòng cô đã nhất quyết về lại bên đó, tới đâu thì tới. Sang đến Gelenau, trở lại căn phòng của Hồng trong chung cư, không một bóng người. Tất cả đã trốn đi tứ tán, không còn một vết tích, không còn một hình ảnh nào để lại. Từ ngày Hồng trốn sang Tây Đức đến nay đã 2 tháng trôi qua. Thời gian thật ngắn nhưng có quá nhiều thay đổi. Buồn bã trở ra xe, Hồng xin Năm Lượm chở về lại Tây Đức. Biên giới Đông Tây giờ đã không còn, qua lại không còn bị kiểm soát như 2 tháng về trước. Khoảng 3 hay 4 giờ sáng, lúc này xe lửa đã qua đến địa phận của Tây Đức, ghé ở một nhà ga nhỏ nào đó mà Hồng chưa kịp đọc ra tên thì tàu đã lăn bánh chạy tiếp. Có tiếng chân người đi gần lại toa xe hạng nhất của Hồng. Có tiếng kéo cánh cửa toa. Một cô gái ăn sương ăn mặc hở hang đi vào, rồi buông mình cái phịch ngay đúng cái ghế Hồng đang trốn bên dưới. Vài phút sau lại thêm một người nữa đi vào. Hồng nhìn thấy bộ quần áo đồng phục, thôi chết rồi, ông soát vé!!! Nhưng hình như hai người này đã có hẹn ước với nhau hay sao đó, vì Hồng nghe họ nói chuyện rì rào, rồi họ ôm nhau, hôn nhau. Họ làm tình với nhau trong toa! Hai chị em Hồng điếng người nhưng cắn răng nhắm mắt qua cầu, mong cho màn ái ân sớm chấm dứt. Trớ trêu thay, màn ái ân bây giờ lại diễn ra ở dưới đất, họ vật nhau xuống sàn xe, ngay trên lối đi giữa hai hàng ghế chị em Hồng đang trốn. Lúc này cô gái ăn sương đã nhìn thấy Hồng đang nằm co quắp ở dưới ghế và ông soát vé cũng đã nhìn thấy chị bạn của Hồng ở ghế đối diện….. Tiếng nói thì không rành, Hồng chẳng hiểu họ nói gì với mình, trong đầu Hồng lúc đó chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là làm thế nào để nắm chặt cái chân ghế để không bị lôi ra khỏi chỗ ẩn trốn của mình. Không hiểu cô gái ăn sương đã nói những gì, Hồng chỉ nghe được lõm bõm là cô không có ý hại Hồng mà ngược lại, cô muốn giúp Hồng. Giọng nói và ánh mắt của cô hình như đã làm Hồng hiểu ra và bớt sợ! Cuối cùng chị bạn và Hồng cũng đành lồm cồm chui ra. Trời cũng đã gần sáng và xe lửa chắc cũng sắp về đến Frankfurt. Hồng nghĩ thế nào cũng bị ông soát vé bắt trả tiền vé xe, nhưng lạ thay, ông không đã động gì đến chuyện đi lậu cả. Hai chị em đem hết cả vốn liếng tiếng Đức ra, lôi cả tự điển ra chỉ chõ. Cuối cùng hai người Đức cũng hiểu rằng trước mặt họ là hai cô gái Việt Nam từ Đông Đức, đang tìm đường xin tỵ nạn ở Tây Đức. Cô gái ăn sương nhìn hai chị em Hồng một cách thương cảm. Xuống xe, cô rút trong ví ra hai tờ 20 đồng Đức Mã, tiền Tây Đức, tặng mỗi người một tờ. Cô còn gọi giùm hai chị em số điện thoại mà Hồng đưa. Rồi cô đứng chờ với hai chị em Hồng ở nhà ga Frankfurt cho đến khi có người đến đón mới vẫy tay chào từ giã. Rời nhà ga Frankfurt trong không khí tấp nập người qua lại, ai cũng vội vàng, ai cũng hối hả, có ai biết là lòng dạ Hồng đang thổn thức, cảm kích trước tấm chân tình của một gái ăn sương, một người mà Hồng không hề quen biết, không cùng chung một tiếng nói. Tấm lòng nhân đạo và ơn nghĩa này, Hồng nguyện nhớ mãi trong lòng ….. 3. Đến Tây Đức sáng sớm ngày 24/12, Hồng được người quen đưa về nhà, cho ăn tô mì gói, một tô mì ngon nhất đời Hồng. Sau đó Hồng được đưa vào trại, làm mọi thủ tục tỵ nạn. Chung quanh Hồng, tất cả xa lạ, trại tỵ nạn không phải chỉ có ngưòi Việt mà tạp nhạp đủ thứ quốc gia. Mọi người ai cũng vui vì đuợc tỵ nạn ở Tây Đức, nhưng Hồng vẫn buồn và lo sợ vì không biết ngày mai sẽ ra sao. Làm sao báo tin cho mẹ già con dại ở nhà biết mình đang ở đâu? Giấy tờ tùy thân cũng không có? Hai tháng ở trong trại, Hồng nằm bẹp dí trên giường, không ăn không uống, không thiết tha gì đến cảnh vật thế sự chung quanh, cho đến khi gặp Năm Lượm. Năm Lượm càng an ủi bao nhiêu, Hồng càng buồn bấy nhiêu. Chẳng hiểu sao Hồng lại muốn quay trở về Gelenau bên Đông Đức. Hồng nghĩ thầm, cứ về lại chỗ cũ, xin vào làm việc lại, để có ngày được trở về với con gái. Năm Lượm nói cách mấy Hồng cũng không nghe. Năm Lượm nổi dóa “đã trốn được sang Tây Đức, tốn bao nhiêu công sức, sang được tới đây khi không lại đòi về là sao? Nhưng thôi, nếu chị muốn thì ngày mai tui sẽ chở chị về lại bên đó”. Ngày hôm sau, giữ lời hẹn, Năm Lượm lái xe chở Hồng một mạch từ trại tỵ nạn Limburg sang Gelenau. Đoạn đường dài 500 km, Hồng lầm lỳ không nói một tiếng nào, lòng cô đã nhất quyết về lại bên đó, tới đâu thì tới. Sang đến Gelenau, trở lại căn phòng của Hồng trong chung cư, không một bóng người. Tất cả đã trốn đi tứ tán, không còn một vết tích, không còn một hình ảnh nào để lại. Từ ngày Hồng trốn sang Tây Đức đến nay đã 2 tháng trôi qua. Thời gian thật ngắn nhưng có quá nhiều thay đổi. Buồn bã trở ra xe, Hồng xin Năm Lượm chở về lại Tây Đức. Biên giới Đông Tây giờ đã không còn, qua lại không còn bị kiểm soát như 2 tháng về trước. Từ ngày ấy, Năm Lượm lên xuống trại tỵ nạn mỗi cuối tuần, lo lắng và chăm sóc cho Hồng. Một năm sau, giấy tờ xin tỵ nạn của Hồng bị bác, nhưng chính phủ Đức gia hạn cho Hồng ở lại thêm 3 tháng. Lần gia hạn thứ hai rút xuống chỉ còn 1 tháng. Rồi những lần sau đó, cứ hễ gần hết hạn, Năm Lượm lại chạy chọt ra luật sư đóng tiền xin cho Hồng gia hạn thêm thời gian cư trú. Trong thời gian này, Hồng cũng xin được việc làm mặc dầu không có giấy tờ ở lại vĩnh viễn. Đến một lúc nào đó, khi không còn cách nào khác có thể xin gia hạn thêm được nữa thì Năm Lượm hỏi Hồng “Nếu chị bằng lòng thì tui làm giấy hôn thú với chị”. Hồng thật cảm động với cách tỏ tình chân thật và chất phát của Năm Lượm, nhưng Hồng từ chối, vì Hồng nghĩ rằng, nếu Năm Lượm làm hôn thú với Hồng thì chẳng bao giờ Năm Lượm có thể bảo lãnh vợ và ba đứa con của Năm Lượm sang đây được. Mãi cho đến khi Năm Lượm thú thật với Hồng rằng Năm Lượm không còn ý định bảo lãnh vợ con sang nữa vì ba bà vợ của Năm Lượm ở nhà đã có chồng khác và Năm Lượm cũng đã thật lòng yêu Hồng, nhưng Năm Lượm không dám nói ra vì tự thấy mình thua kém Hồng nhiều quá. Ba năm sau, Hồng nhận lời lấy Năm Lượm, người đàn ông không có cái mã bề ngoài đẹp trai nhưng có thật nhiều lòng nhân hậu. Đám cưới của Hồng Lượm đã diễn ra trong vòng thân mật bạn bè. Cái hôn thú đầu tiên và duy nhất của Năm Lượm, mặc dầu trước đó đã có 3 vợ, nhưng Năm Lượm chưa bao giờ chính thức làm hôn thú với ai. Cái hôn thú của Năm Lượm có một điểm rất đặc biệt là có 3 cái Đinh. Đinh ở đây không phải đinh đóng cột, mà là 3 người họ Đinh đồng ký tên trong tờ hôn thú của Hồng-Lượm: Đinh hữu Huân (thông dịch viên), Đinh văn Trấm (người chứng số 1), Đinh văn Bé (người chứng sồ 2). Mối tình của Năm Lượm dành cho Hồng, người vợ mà Năm Lượm trân quý và nể phục nhất, sẽ không cần một cái đinh nào hết cũng sẽ bền chặt muôn đời. Ba chìm bảy nổi tám cái lênh đênh, cuối cùng rồi đời Lượm-Hồng cũng dừng chân lại ở bến bờ bình yên. Khi má nuôi của Năm Lượm mất đi, Năm Lượm vì kẹt công ăn việc làm nên nhờ Hồng về Cần Thơ thay Năm Lượm lo việc ma chay. Bà vợ lớn và bà vợ hai của Năm Lượm cũng đem con về chịu tang. Bà vợ thứ ba không có mặt. Ba bà vợ của Năm Lượm ngồi nói chuyện với nhau rất rôm rả, chẳng ai phiền hà gì ai. Nhà có tang, họ hàng con cháu lâu ngày mới có mặt đông đủ không thiếu một ai. Các người cháu của Năm Lượm chỉ ngạc nhiên mỗi một điều vì sao chúng cứ phải chào đến mấy lần bác Năm gái. Bà nào được con cháu chào “Bác Năm gái“ cũng nhoẻn nụ cười vui vẻ hỉ hả….. Udenheim, 12.10.2011 Nguyễn hữu Mỹ Nga |