Ba Bà Hàng Xóm- TT-Thái An

BA BÀ HÀNG XÓM
TT-Thái An


Mỗi tối khoảng 7:30 giờ, ba bà hàng xóm lại gặp nhau ở bãi đất trống để tập Yoga. Bãi đất trống ở giữa hai dãy nhà chung cư. Bà Lý và cô Châu ở phía bên này, còn bà Tú Nhi ở phía bên kia.
Bãi đất trống có chủ, tổ tiên họ ở đây lâu đời, nhà họ ở nơi khác nên bãi đất này hầu như bỏ không. Có người thuê một góc để trồng cỏ, loại cỏ ngắn và mịn như rêu để trồng trong các chậu kiểng trồng cây bonsai.
Ai cũng biết một ngày nào đó một công ty xây dựng sẽ đến gạ mua lô đất này để xây nhà chung cư. Vì đất ở Đài Bắc lúc này khan hiếm lắm, chỉ còn vài nơi ở ngoại ô còn đất trống như thế này. Nhưng còn hưởng được cái bãi này ngày nào thì các bà hàng xóm này cố gắng hưởng ngày đó. Mỗi bà đem theo một tấm nylon trải lên bãi phía có cỏ dại không cao lắm, như thế khi nằm lên không bị đau lưng khi tập.
Thỉnh thoảng ngừng tập, các bà lại chuyện trò với nhau. Bà Tú Nhi hay than thở về ông chồng của bà. Cha mẹ TúNhi có gốc gác bên Trung Hoa lục địa, theo đoàn quân của Thưởng Giới Thạch qua Đài Loan từ 1949. Bà được sinh ra ở Đài Loan. Khi bà lên 17 tuổi, có một bà mai đến nói chuyện với mẹ bà, rằng có một người đàn ông độc thân cũng gốc gác từ lục địa như bố mẹ bà, cha mẹ ông còn ở lại lục địa, ông sang Đài Loan có một mình, ông này tên Lâm Phúc Đường, đang làm sỹ quan trong quân đội, chỉ hơn con gái bà 7 tuổi. Bà mai khuyên mẹ bà nên gả con gái cho ông Lâm vì ông là người tốt, không cờ bạc rượu chè, lại có chức phận. Nếu con gái bà lấy ông thì chẳng cần vất vả đi làm công xưởng, chỉ cần ở nhà lo sanh con đẻ cái, săn sóc chồng con là đủ. Thêm phần, lấy ông không cần phải ở chung với bố mẹ chồng vì ông chỉ có một thân một mình ở Đài Loan.
Mẹ bà Tú Nhi nghe cũng phải, hơn nữa con gái bà đã 17 tuổi rồi mà chẳng thấy anh nào ngắm nghé, mỗi ngày chỉ biết đi làm xưởng rồi về nhà, làm gì có cơ hội quen biết ai. Thôi thì đang có cơ hội tốt nên gả nó cho cái ông sỹ quan này thì đời nó cũng ấm êm.


Thế là bà mai dắt ông Lâm đến ra mắt bố mẹ vợ và cô dâu tương lai. Ông đem theo sính lễ đúng nghi thức để làm quà ra mắt. Tú Nhi đứng sau rèm nhìn ra phòng ngoài cho biết mặt chồng tương lai của mình. Nàng thấy chàng cũng cao ráo, người gọn gàng, không béo phì và khá đẹp trai nên mừng thầm trong lòng.
Sáu tháng sau đám cưới được cử hành. Hầu như những người quen trong trại gia binh của cha mẹ Tú Nhi đều dược mời đến ăn cưới. Nhà gái đề nghị thuê công ty chuyên nấu cỗ cưới đến nấu trước cửa nhà. Chú rể chịu bỏ tiền ra trả hết. Thế là bàn ghế được công ty nấu cỗ đem đến bầy ra trên con đường trước nhà rồi lấy bạt nylon rào lại chung quanh. Có đến 25 bàn, ai nấy đến chúc mừng cha mẹ Tú Nhi có con rể quý. Riêng Tú Nhi bẽn lẽn bên anh chồng chưa quen nhưng yên tâm rằng mình lấy được người tử tế và có khả năng lo cho mình. Tiền mừng của khách cho bao nhiêu, chú rể giao hết cho cô dâu giữ. Tú Nhi lại càng thấy phục người chồng của mình và cảm thấy hạnh phúc thực sự đã đến với mình.
Ông Lâm đưa Tú Nhi đi làm hôn thú, ông bảo Tú Nhi đưa căn cước cho ông điền vào đơn cho nhanh. Tú Nhi thấy như thế cũng tiện nên khi ông điền đơn xong, Tú Nhi chỉ cần đóng dấu vào là xong (Ở Đài Loan ai cũng ra tiệm làm cho mình một con dấu có khắc tên và họ của mình, khi cần làm giấy tờ thì đóng dấu vào. Không ai ký tên bằng bút)
Tú Nhi sanh được hai đứa con trai cho ông Lâm. Lúc vừa sanh thằng thứ nhì xong thì khám phá ra ông sắp giải ngũ vì đã đến tuổi về hưu. Hóa ra ông Lâm và bà mai đã đánh lừa cha mẹ Tú về tuổi tác của ông. Ông hơn Tú đến 19 tuổi chứ chẳng phải 7 tuổi. Thế mà lúc trước khi cưới, có lẽ chỉ nhìn thoáng qua một lần sau rèm nên Tú Nhi không có cơ hội quan sát và nhìn ông cho kỹ. Bây giờ nhìn lại Tú Nhi thấy ông đã già nua và cảm thấy ghét ông quá đỗi. Ghét vì có lẽ chưa bao giờ yêu ông, chỉ lấy ông vì đã đến tuổi lấy chồng cũng như bao nhiêu phụ nữ Trung Hoa từ thời cổ cho đến ngày nay. Ngoại trừ các cô sinh viên đại học tự quen biết các bạn cùng trường thì cha mẹ tán thành cho lấy nhau.
Tú Nhi ghét ông chồng mình vì cảm thấy mình bị lừa. Từ chỗ ghét chồng, Tú Nhi đâm ra lãnh cảm, chẳng còn muốn chung chăn gối với ông. Mỗi lần phải miễn cưỡng gần gũi ông, Tú Nhi chỉ thấy đau đớn khó chịu nên quyết định bắt ông dọn ra khỏi phòng ngủ.


Thế là ông Lâm bắt buộc phải dọn ra nằm ngủ ở sofa. Vì căn chung cư của ông chỉ có hai phòng ngủ, một phòng cho hai đứa con trai, một phòng cho vợ chồng ông. Bây giờ bị vợ đuổi ra khỏi phòng, ông an phận nằm ngủ ở sofa miển sao vợ ông đừng đòi di lỵ với ông.
Nhưng Tú Nhi cũng đe ông nhiều lần rằng sẽ ly dị ông để lấy chồng khác. Nhưng ông khăng khăng bảo rằng: “Bà muốn đi với ai thì đi, nhưng làm ơn đừng ly dị vì tội nghiệp hai đứa con còn nhỏ cần có mẹ ở chung.”
Ông Lâm đã giải ngũ, một tuần ba buổi ông đi dạy thêm môn toán ở các lớp dạy kèm để kiếm thêm tiền phụ vào tiền lương hưu hàng tháng. Ông vẫn đạp cái xe đạp cũ để đi dạy, thỉnh thoảng lại đạp xe đến trường đón con dù chúng nó có thể đi bộ vì trường ở gần nhà, đi bộ độ 10 phút. Ở Đài Loan, dân chúng vẫn xử dụng xe đạp để di chuyển gần nhà. Vì ở chung cư, chẳng có chỗ rộng rãi để xe gắn máy. Tuy nhiên, ngoài đường vẫn thấy vô số xe gắn máy chạy. Đi đâu xa hoặc đi làm mỗi ngày thì đi xe bus rất tiện vì đường nào cũng có xe bus chạy qua. Tú Nhi vẫn không đi làm thêm bao giờ, vì nàng chẳng có khả năng chuyên môn, đi làm công xưởng chẳng có bao nhiêu tiền, lại vất vả.
Mỗi ngày Tú Nhi diện quần áo đi chợ gần nhà rồi về. Cái chợ gần nhà đi bộ năm, sáu phút đã đến nơi. Tuy nhiên, vì dân số khá đông nên chợ rất đông người vào buổi sáng, đến gần trưa là đã vắng. Thỉnh thoảng nàng mua cho mình một vài cái áo đầm mới để mặc đi chợ vì Tú Nhi chẳng còn chỗ nào khác để diện quần áo mới. Đôi khi nàng cũng thầm mơ đến một mối tình thơ mộng như trong phim truyện nhưng nàng chẳng có cơ hội gặp ai khác.
Tú Nhi hay than thở với hai bà hàng xóm rằng số mình vô duyên, chưa có cơ hội yêu ai bao giờ đã bị gả cho ông Lâm. Càng lúc Tú Nhi càng có ác cảm vời chồng vì cảm thấy mình chỉ là cái máy đẻ con cho ông để ông có người nối dõi tông đường. Vì thế, Tú Nhi cho rằng công lao của mình sinh cho ông Lâm hai đứa con trai lớn hơn cái công ông phải nuôi nàng. Vì nếu trả công cho người ta đẻ hộ thì còn phải trả nhiều hơn số tiền ông nuôi Tú Nhi mỗi tháng. Có lẽ ông Lâm biết công lao của Tú Nhi nên chẳng dám đuổi Tú Nhi ra khỏi nhà. Ông chỉ mong Tú Nhi ở lại để hai đứa con của ông còn được gần mẹ. Tiền ông giao cho Tú Nhi mỗi tháng vẫn y như lúc Tú chưa đuổi ông ra phòng khách ngủ.
Theo phong tục, người Tàu thường gọi đàn bà có chồng bằng họ của chồng. Đáng lẽ người ta gọi Tú Nhi là “Bà Lâm”, nhưng Tú Nhi chỉ muốn người ta gọi mình bằng tên cha mẹ đặt cho.


Cô Châu nhỏ tuổi nhất trong đám ba bà này, cô đã có chồng và một đứa con trai ba tuổi. Cô cũng không muốn người ta gọi cô bằng họ của chồng vì nghe gọi “Bà Chu” thấy già quá. Chồng cô tên Nhân, đi làm cho một hãng buôn mỗi ngày tám tiếng như dân văn phòng. Nhưng ít khi nào chồng cô về nhà ăn tối với vợ con. Một tuần Nhân về ăn tối với vợ con một ngày mà thôi. Sáu ngày kia đi ăn ngoài với bạn bè hay ai đó đến gần nửa đêm mới về. Vì thế cô Châu rất cô đơn trong căn nhà thuê của mình. Cô cũng hay than thở với hai bà hàng xóm về người chồng không tình nghĩa gì với cô, cũng chẳng để thì giờ chơi với con. Con cóđau ốm cũng chẳng nhìn ngó đến hay hỏi han bao giờ. Vì có bao giờ Nhân về sớm để hỏi han vợ con một lời. Chàng còn mải mê những chuyện ăn chơi, cờ bạc hay rượu chè hay gái ghiếc; chỉ có chàng biết. Châu chịu chết vì không có phương tiện ra ngoài theo dõi chồng. Cha mẹ của Châulại ở xa quá, chẳng thế nào bồng con qua nhà cha mẹ tá túc trong lúc giận chồng bỏ rơi thế này. Châu tự nghĩ thầm nếu như mình có cha mẹ ở gần thì chồng mình đâu dám hất hủi mình như thế.
Vì thế Châu cũng hay than thở với hai bà hàng xóm kia cho vơi sầu, vơi thôi chứ không cạn dược.
Bà Lý là người lớn tuổi nhất trong ba bà hàng xóm, có lẽ bà là người may mắn nhất, hạnh phúc nhất trong ba bà này. Bà hay kể lại chuyện xưa của bà và ông Lý lúc mới quen nhau. Cha mẹ bà cũng từ Trung Hoa đại lục theo quân Tưởng Giới Thạch qua Đài Loan năm 1949. Năm đó bà vừa 4 tuổi. Sau này cha bà chết sớm, mẹ bà lấy chồng sau cũng là một người lính theo Tường Giới Thạch sang Đài Loan. Vì lúc đó lính tráng từ đại lục qua Đài Loan còn độc thân nhiều lắm, chẳng bà góa nào mà không lấy được chồng sau.
Khi bà được 16 tuổi, ông Lý đến thăm người quen ở xóm bà. Trông thấy bà ông đến làm quen rồi rủ bà đi ăn chè. Bà thấy ông nói chuyện vui vẻ và cũng đẹp trai nên đi ăn chè với ông. Hơn nữa, bà thích ông vì ông không phải làlính, ông là lưu học sinh, trông ông còn dáng vẻ thư sinh lắm. Khi Tưởng Giới Thạch rút lui khỏi Trung Hoa lục địa đã cố ý đem theo một số lớn nam học sinh trung học và đại học qua Đài Loan để sau này làm hậu thuẫn cho chế độ của họ Tưởng và Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Vì thế khi học xong trung học hay đại học, những học sinh này đều được thâu dụng vào các cơ quan chính quyền hoặc các cơ sở quốc doanh. Vì thế ông Lý được chánh phủ cho vào làm trong công ty lọc dầu khí quốc doanh, lương cao và an toàn, không sợ bị sa thải.


Thấy bà ăn nhanh mau hết đĩa chè có đá bào nên ông bảo bà ăn thêm. Bà ăn thật vô tư đến hai, ba đĩa chè vì bà hảongọt và ít khi được ra đường ăn. Một thời gian sau ông xin cưới bà, bà vui vẻ nhận lời vì bà cũng muốn ra khỏi nhà từ khi mẹ lấy chồng khác. Bà cảm thấy mình may mắn, lấy được người mình yêu và người ấy cũng yêu quý mình.
Hai ông bà lấy nhau đã mười chín năm, chẳng bao giờ ông Lý nói lớn tiếng với vợ một lần. Hai người sinh được hai đứa con gái, tuổi đã 15 và 16 đang học trung học. Một đứa giống cha, một đứa giống mẹ. Giống ai trông cũng xinh đẹp vì cả hai ông bà đều đẹp trai, đẹp gái. Là người Tàu mà họ không bị mắt ti hí hay một mí. Cả hai đều có đôi mắt tròn to, hai mí, sống mũi cao.
Bà Lý lấy chồng rồi mới đi học nghề may. Nhà bà ở tầng trệt nên treo bảng sửa quần áo. Vì ở Đài Loan lúc đó hãng may quần áo sản xuất quá nhiều quần áo thời trang rồi, phố xá đầy tiệm bán quần áo nên thợ may không chuyên như bà chỉ cần sửa quần áo để kiếm thêm chút đỉnh. Chứ lương của ông cũng đủ nuôi một vợ và hai con thật thoải mái.
Bà Lý hãnh diện vì chồng bà thủy chung với bà. Ông Lý đi làm giờ giấc cố định, tuần này làm ca nhất, thì tuần sau làm ca nhì. Ông luôn đúng giờ đi, đúng giờ về, chẳng bao giờ bê trễ nên bà chẳng nghi ngờ gì ông cả. Hơn nữa, ông hơn bà cả 10 tuổi nên rất chiều chuộng vợ.
Bà Lý rất hãnh diện về hạnh phúc hôn nhân của mình, bà chẳng có gì để than thở với hai bà kia. Bà chỉ góp lời khi cần khen ông chồng về tánh chiều vợ, chung thủy với vợ và thỉnh thoảng vào bếp nấu cơm cho vợ con. Bà chẳng kiếm được điều gì để chê ông.
Vào mùa hè, mỗi buổi sáng Tú Nhi và Châu hay đi bơi ở hồ bơi gấn nhà vào lúc 6 giờ sáng. Cả hai không hẹn nhau, ai nấy tự đến hồ bơi, bơi được 1,000 mét là ra về.
Khi trời bắt đầu se lạnh vào tháng 9, nước trong hồ bắt đầu lạnh vào buổi sáng, hai bà này còn cố bơi cho đến hết tháng 9, có năm còn bơi được đến giữa tháng 10


Đến khi không chịu nổi nước lạnh nữa thì cũng không thể chịu lạnh để ngồi tập yoga ngoài trời. Vì thế bà Lý rủ Tú Nhi và Châu cùng đạp xe đến chân núi cách nhà 30 phút đạp xe, rồi dựng ba cái xe đạp ở đó để leo hơn trăm bậc cầu thang lên núi. Mỗi sáng có cả trăm người đến đây leo núi, có lẽ họ ở gần đây nên đi bộ đến. Trên gần đỉnh núi có một cái miếu thờ Thổ Công, miếu to bằng cái đình, có sân rộng lót gạch Tàu, trên sân có mái tôn xi măng che nắng. Bên góc sân có ai đã dựng sẵn ba tấm thảm bằng cói loại thảm tatami nên ba bà hạ xuống để dùng tập Yoga. Ba bà ngồi tập Yoga độ 1 tiềng rồi xuống núi đạp xe về. Như thế mùa đông ba bà hàng xóm vẫn tập thể thao chung với nhau thật vui vẻ.
Bà Lý biết đến cái miếu này vì bố dượng của bà làm lão bộc ở đây. Ông bố dượng đã 70 tuổi, đã về hưu nhưng cần kiếm thêm tiền nuôi cậu con trai 17 tuổi sắp lên đại học. Ông ở hẳn chỗ này, mỗi hai tuần về nhà một lần vì nhà ông khá xa. Cái miếu này có ba ông chủ hùn vốn mua đất và xây cất lên. Họ kinh doanh bằng cách bán tượng Thổ Công. Tượng có vài kích thước to nhỏ khác nhau. Mỗi khi có ai mua một cái tượng thì bố dượng của bà Lý phải vào kho đem ra, đưa cho khách và thâu tiền. Rồi tùy theo giá tiền của cái tượng mà ông vặn băng cassett đã thâu sẵn những bài tụng kinh. Trả nhiều tiền cho pho tượng thì ông phải vặn bài kinh tụng cho dài. Giá tiền ít thì vặn bài kinh tụng ngắn. Vì là miếu nên không có thầy cúng hay thầy tụng. Thời xưa không có băng cassett thì có lẽ không ai tụng kinh, loại kinh của Lão Giáo. Trong miếu có để cái thùng kính để bá tánh có thể bỏ tiền cúng dường vào. Ngày rằm và mùng một miếu khá tấp nập. Nếu người ta cúng xong mà không mang đồ cúng về thì chủ miếu cho ông lão bộc hưởng những thứ để lâu không được. Lão bộc thích nhất khi người ta cúng heo quay, gà luộc mà không đem về.
Ba ông chủ miếu mỗi tuần đến thâu tiền một lần. Lần nào ba ông chia tiền cũng có tiếng cãi vã ồn ào. Bố dượng của bà Lý ở phòng khác cũng vẫn nghe thấy tiếng cãi nhau của họ. Đa số khách đến cúng miếu Thổ Công là người Đài Loan bản địa.


Trong lúc ngồi tập, thỉnh thoảng ba bà chuyện trò với nhau. Có lần Tú Nhi khoe có người giới thiệu cho bà một ông già góa vợ để cặp cho vui. Ông này lại còn lớn tuổi hơn ông Lâm chồng bà nữa. Bà Lý và Châu cười ầm tức thì. Bà Lý hỏi ngay:
-Nị chê ông chồng nị già hơn nị 19 tuổi, bây giờ lại cặp với ông già hơn thì có gì vui?
Tú Nhi vừa cười vừa nói:
-Tôi cũng chẳng thích ông già, nhưng đi gặp cho biết. Ông già đó đãi tôi đi ăn tiệm cao lâu rồi dắt tôi đi sắm quần áo, rồi rủ tôi về nhà ông ta. Nhà ổng thật lớn, giầu lắm. Ông hết xí quách rồi, làm chẳng được gì nữa hết, nhưng có người dắt đi mua sắm tôi thấy cũng vui. Chồng tôi chẳng dắt tôi đi mua sắm bao giờ.
Đầu năm 1986, chồng cô Châu được công ty gửi đi Mỹ làm việc cả năm. Cô ở lại Đài Loan với đứa con trai năm tuổi. Sáng sớm đi bơi vội vàng 1 tiếng rồi về đưa con đến lớp mẫu giáo, sau đó đi chợ, trưa rước con về. Quanh quẩn chỉ có hai mẹ con với nhau nên khi có giải túc cầu thế giới (FIFA World Cup) cô Châu chúi mũi vào máy truyền hình để xem, không bỏ lỡ trận nào vì nó giúp cô qua thì giờ đỡ nhàm chán một chút. Cô thích xem anh chàng Maradona của đội Argentina qúa chừng, nhưng mái tóc dài lê thê đen mun và quăn dợn sóng bồng bềnh của chàng thì Châukhông hâm mộ tí nào, nhìn nóng nực quá đỗi, khó chịu lắm. Hơn nữa, chàng này không cao gì mấy mà còn để “tóc thề” nên mái tóc dầy cộm hình như kéo chàng lùn thêm một chút nữa.
Sáng hôm sau đi chợ ngang nhà bà Lý thế nào Châu cũng ghé vào xem ông bà này có xem giải túc cầu không để nói chuyện cho vui. Bà Lý cũng như bao người đàn bà Đài Loan khác ít để ý đến túc cầu vì không phải là môn thể thao của đảo này. Đảo này họ thích bóng chày nhất, thứ nhì là bóng rổ., may ra đàn ông còn để ý đến giải túc cầu. Ông Lý nói ngay ông theo dõi hàng ngày.
Thế là chiều hôm sau, trong lúc đang xem giới thiệu trận banh sắp chiếu trên màn hình, chuông điện thoại nhà Châureo lên. Vừa bắc điện thoại, vừa nhìn vào màn hình, Châu lơ đãng nói: “Wei” (Hello). Đầu dây bên kia có tiếng ông Lý:
-Cô Châu ơi, cô có đang xem giải túc cầu không?
Châu đáp ngay:
-Có chứ, tôi đang xem đây.
Tiếng ông Lý nói khe khẽ:
-Cô cho tôi sang xem chung với cô nhé, vì vợ tôi đang ngủ trưa, tôi không muốn mở TV làm ồn bà ấy.
Châu khựng lại vì cảm thấy bất bình thường. Là đàn bà, Châu rất nhậy cảm với thứ đàn ông đang có mưu đồ đen tối với mình. Nàng bực mình tức khắc vì biết ông Lý cố ý muốn qua nhà mình mà không cho vợ hay. Hơn nữa, ông ta biết chồng mình đi làm xa nhà, chỉ có hai mẹ con mình ở nhà mà cố ý qua nhà mình một mình rõ là có tà ý. Vì từ trước tới giờ, chưa bao giờ hai vợ chồng ông Lý qua nhà mình chơi. Mình cũng chẳng mời họ qua bao giờ vì nhà mình ở lầu 3, họ cũng chẳng có thì giờ qua ngồi nói chuyện suông. Chỉ có mình hay ghé qua nhà họ vì đi chợ ngang qua thì ghé vào chơi chốc lát thôi.
Vậy thì mấy hôm nay ông Lý xem giải túc cầu ở nhà không sợ làm ồn vợ ông ta sao? Sao hôm nay lại sợ làm ồn vợ? Nghĩ thế, Châu gắt lên:
-Không được! Ông không được qua nhà tôi.

Ông Lý kiên nhẫn hỏi lại:
-Tại sao vậy? Tôi thấy cô thích túc cầu thì muốn xem chung với cô cho vui. Cho tôi qua đi mà.
Châu tức mình, gắt lên:
-Chồng tôi không có nhà, tôi không cho đàn ông đến nhà đâu. Ông đừng làm phiền tôi nữa.

Nói xong Châu cúp ngay điện thoại. Ông Lý lại gọi qua. Châu bắt lên vừa nghe thấy tiếng ông, nàng gắt lên:
-Ông đừng gọi tôi nữa, tôi nói cho vợ ông biết đó.


Nói xong, Châu lại cúp điện thoại. Ông Lý lại gọi qua. Nhưng Châu mặc kệ, không thèm bắt lên nữa, nàng còn phải chú ý vào trận banh, nàng còn bực mình cái ông Lý này lắm nhưng phải tập trung để xem trận banh cái đã.
Từ hôm đó Châu không còn ghé nhà bà Lý nữa. Khi đi chợ ngang nhà bà Lý, Châu cố ý đi nhanh qua nhà bà và không nhìn vào. Thế mà một buổi sáng Châu đi ngang qua nhà bà Lý, ông Lý đã đứng sẵn ngoài cửa như chờ Châu. Châu cố ý phớt lờ không nhìn ông để khỏi phải chào. Nhưng ông Lý lì lợm gọi Châu:
-Cô Châu! Cô khỏe không?
Châu bắt buộc phải nhìn ông nhưng không thèm trả lời, nàng đi cho nhanh qua khỏi căn nhà đó.
Vài ngày sau đó, trong lúc Châu đạp xe chở đứa con trai đi đến một cái chợ chiều cách nhà 15 phút đạp xe. Thỉnh thoảng Châu ra chợ này để ăn bánh canh, một loại bún của người Đài Loan, sợi to như bánh canh nên Châu gọi nó là bánh canh. Chợ này có hàng bánh canh, họ nấu nước lèo thơm từa tựa mùi bánh canh của người Việt Nam. Châu đang đạp xe, bỗng có chiếc xe đạp chạy đến gần, rồi tiếng ông Lý gọi:
-Cô Châu, cô đi chợ hả?
Châu giật mình quay lại, trông thấy ông Lý, nàng quay đi làm lơ không thèm trả lời. Châu cố tình đạp nhanh hơn, nhưng ông Lý cũng đạp theo thật nhanh, cố nói chuyện với Châu cho bằng được. Châu đoán có lẽ ông Lý thấy Châu đạp xe gang qua nhà ông nên đã vội vàng lên xe rượt theo mình. Con đường này hơi vắng xe vào buổi chiều vì nó không phải là con lộ chính.
Châu cố ý la to cho ai đi ngang cũng phải nghe thấy:
-Ông đừng đi theo tôi nữa!
Nhưng ông Lý vẫn cố ý chạy theo, miệng nói lớn:
-Cô Châu, cô giận tôi việc gì thế?
Châu bực quá, hét lên:
-Ông đừng theo tôi nữa. Tôi mách với vợ ông cho xem.
Nói rồi Châu cong lưng đạp cho nhanh. Đến gần chợ, nàng chạy chậm lại, vừa thở hổn hển vừa quay lại xem ông Lý còn đi theo không. May quá, không thấy ông nữa.


Châu thấy ông Lý không những không đàng hoàng, mà thuộc loại ma le láu cá nữa đây. Thế là người chồng lý tưởng của bà Lý sụp đổ ngay trước mắt Châu. Nhưng nàng không nỡ mách lại cho bà Lý biết. Vì thế nàng không qua lại với bà nữa. Một thời gian sau thì Châu dọn qua một căn chung cư ở hẽm khác, cách hẽm cũ một con hẽm mà thôi, nhưng chẳng bao giờ đi qua căn nhà của bà Lý nữa.
Thế là ba bà hàng xóm chẳng còn đạp xe leo núi chung với nhau.
Bãi đất trống trước nhà bà Lý cũng đã được xây lên một dãy chung cư mới toanh năm tầng lầu.
Mùa hè đến, Châu trổ lại hồ bơi cũng chẳng gặp Tú Nhi.
Hơn một năm sau, tình cờ Châu gặp lại Tú Nhi, thấy bà vẫn diện quần áo thời trang đi chợ. Hai người đứng lại nói chuyện thật lâu. Tú Nhi kể cho Châu nghe một chuyện động trời:
-Tôi với bà Lý hết nói chuyện với nhau rồi.
Châu ngạc nhiên hỏi lại:
-Sao thế? Hai bà thân nhau thế mà, sao lại có chuyện xích mích vơi nhau?

Tú Nhi ngoe ngẩy:
-Cũng tại bà Lý nói tức tôi. Tôi nói cho bõ ghét nên bả chịu không nổi cãi nhau với tôi nên tôi với bả đoạn giaoluôn.
Châu thắc mắc quá, chặn ngang:
-Bà nói vào đề ngay đi, đừng nói lòng vòng nữa.

Bà Lý như được cớ để thố lộ tâm tình:
-Thì cũng tại bà ấy chê tôi không tốt, tôi xấu xa, có chồng mà còn đi cặp với người khác vì tôi khoe với bà là tôi có ông bồ khác trẻ hơn ông chồng tôi. Bả ỷ là bả có hạnh phúc với chồng nên coi thường người không có hạnh phúc như tôi. Vì bả có hạnh phúc nên không cần kiếm người khác chứ thử bả bị như tôi xem. Vì thế tôi nói sự thật cho bả nghe về ông chồng bả xem bả còn khi dễ tôi không. Ông Lý từng rủ tôi đi xem xi nê, đi ăn với ổng. Tôi đã đi chơi với ổng nhiều lần, ổng nói là ổng thương tôi, ông muốn tôi là nhân tình của ông, như thế tôi và ổng ai cũng hết buồn.

Châu hỏi Tú Nhi:
-Vậy là bà đã vào khách sạn với ông Lý rồi chứ gì?
Tú Nhi chỉ cười, không trả lời. Châu hỏi tiếp:
-Vậy bà Lý phản ứng ra sao khi nghe bà kể ông Lý đã hẹn hò với bà?
-Mới đầu bả không tin, nói là tôi bịa chuyện. Nhưng tôi nói rõ ngày thứ mấy, lúc mấy giờ ông Lý nói với bà là đi làm, mặc quần áo mầu gì, bà nhớ lại coi. Rồi bà với ổng nói chuyện gì hôm nào tôi kể lại cho bà nghe coi đúng không. Bả nghe tôi nói xong mặt mày tái xanh xém té xỉu rồi bật lên chửi tôi, rủa sả tôi hết lời. Tôi bắt buộc phải chửi lại cho bõ tức. Bả tưởng bả được chồng yêu quý nên lên mặt quá, xem tôi không ra gì thì tôi nói cho bả biết sự thật về ông chồng bả. Ổng có hạnh phúc với vợ mà còn lang chạ với vợ người khác, có đạo đức hơn ai đâu mà bả còn chê tôi.
Ngưng một lúc, Tú Nhi nói tiếp:
-Hai vợ chồng bà Lý bỏ nhau rồi. Họ bán nhà chia đôi tiền, đường ai nấy đi.


Châu nghe hết chuyện thì thẫn thờ. Mình đã không bá cáo cho bà Lý hay sợ gia đình bà lung lay. Bầy giờ thì Tú Nhi đã khai hết cho bà Lý nên gia đình này sụp đổ.
Chung quy cũng vì ông Lý chẳng khác gì ngựa non háu đá. Ông tưởng rằng kiếm mấy người đàn bà không có hạnh phúc với chồng để cặp chơi cho đỡ chán vợ nhà thì ông vẫn yên thân, về nhà lúc nào cũng có vợ ở đó. Còn vợ người ta ông chơi cho vui lúc nào hay lúc đó, chẳng cần trách nhiệm gì. Nếu mấy bà này đồng lõa với mình thì đời nào họ khai ra với ai, đời nào vợ mình biết được. Ông đã không để ý đến tánh khí và khẩu khí của Tú Nhi; ông cũng không ngờ được phản ứng của vợ mình sẽ như thế nào khi biết được những bí mật của ông.
Bà Lý đang đinh ninh mình là người may mắn, hạnh phúc nhất đời, được chồng thương yêu, quý trọng thì rơi xuống cái vực không đáy của sỹ nhục, của tự ái bị tổn thương, của ê chề thất vọng. Người chồng mà bà thương yêu, tôn trọng bỗng chốc hóa ra một thằng dâm ô, tồi tệ, làm hổ nhục cho bà. Nhất là, ông ta lại tằng tịu với người bạn hàng xóm của bà. Bà có cảm tưởng cái xóm này ai cũng biết chuyện nhà bà hết cả rồi.
Vải tháng sau khi biết chuyện ông bà Lý đã ly dị, tình cờ Châu gặp lại bà Lý ở bến xe bus ngoài Đài Bắc. Thật là hy hữu, ở Đài Bắc có cả ngàn bến xe, nếu đứng chờ xe ở cùng một trạm mà khác giờ chưa chắc đã gặp nhau. Châu đến chào bà, bà Lý vui mừng vì gặp lại Châu. Nhưng trông bà xuống sắc thấy rõ. Lúc trước bà có thân hình tròn trịa, nay gầy đi có đến 10 ký lô. Mặt mày bà hốc hác, đôi mắt thâm quầng, chẳng còn thần khí như ngày nào. Châu vờ như không biết chuyện gia đình bà, nàng hỏi thăm:
-Sao lúc này bà có vẻ mệt mỏi. Sức khỏe bà thế nào?
Bà Lý do dự một lúc rồi nói:
-Tôi đã ly dị với ông Lý và dọn nhà đi nơi khác rồi. Đàn ông không tin được. Tôi chẳng còn tin được ai.
Châu an ủi:
– Ngưởi ta khổ vì quá tin tưởng vào một người, khi biết ra thì quá thất vọng và đau đớn. Nếu không biết có lẽ sẽ không phải khổ và không có gì thay đổi, gia đình bà vẫn còn y nguyên, phải không bà?
Bà Lý suy nghĩ một thoáng rồi nói:
-Nhưng biết vẫn còn hơn không biết. Chẳng thà biết để dứt khoát còn hơn không biết để tiếp tục bị lừa.
-Vậy bà có định bước thêm bước nữa không?
-Tôi đang có một người bạn trai thỉnh thoảng gặp nhau đi nhẩy đầm. Nhưng tôi không muốn lấy chồng nữa.
Có lẽ bà Lý có bạn trai cho bớt trống vắng. Nhưng nỗibuồn thì vẫn còn đầy. Cứ nhìn nét mặt bà thì biết.
TT-Thái An – 9/4/2019