Bài Phát Biểu của giáo sư Nguyễn Lý Tưởng tại Berlin 12/2014: Sự Cần Thiết Phải Có Một Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Việt Nam

       Sự Cần Thiết Phải Có Một Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Việt Nam
 
(GS Nguyễn Lý-Tưởng, cựu Dân Biểu VNCH,  Chủ Tịch BCH Trung Ương Đại Việt Cách Mạng Đảng nhiệm kỳ 2012-2016 phát biểu tại tại Berlin ngày 13/12/2014 nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền do Liên  Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức tổ chức …)
 
Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý bạn,
 
Trước hết, tôi xin cám ơn hai vị Bác Sĩ Trần Văn Tích và Hoàng Mỹ Lâm (Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức), cám  ơn anh Phạm Hồng Lam (Phong Trào Giáo Dân VN hải ngoại) và anh Nguyễn Minh Chính (Hội Người Việt Miền Trung Tỵ Nan Âu Châu) và tất cả quý anh chi em đã giúp cho tôi cơ hội có mặt tại đây hôm nay.
 
Tôi còn nhớ, sau ngày 30/4/1975, trong trại tù cộng sản tại miền Bắc VN, có một người bạn đã giúp chúng tôi những giờ phút tìm cách giải trí vào ban đêm, sau một ngày lao động vất vả. Anh bắt đầu kể:
 
Vào một buổi chiều cuối Thu, có một nữ hiệp vai mang bảo kiếm, dừng ngựa bên đường, ngước mặt nhìn lên một ngọn núi cao lớn, sừng sững , rồi ngạc nhiên hỏi một người nông dân đang vác cày trên đường trở về nhà:
 
-Xin được hỏi, nơi đây là địa phương nào ?
Người nông phu bỗng cười ngất:
-Ngươi đang đứng trước Thái Sơn mà không biết !
 
Vâng, nữ hiệp kia, chính là Quách Tường, con của hai vị anh hùng Quách Tĩnh-Hoàng Dung trong tiểu thuyết kiếm hiệp của tác giả Kim Dung mà tôi tin chắc trong quý vị đây, nhiều người đã nghe nói đến.
 
Ngày hôm nay, chính tôi đang đứng trước quý vị chẳng khác nào nữ hiệp Quách Tường đang đứng trước Thái Sơn mà không biết ! Mười sáu năm trước đây, vào năm 1998, nhân kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát tết Mậu Thân ở Huế (1968-1998), tôi đã một lần đến Frankfurt, một thành phố lớn của Cộng Hòa Liên Bang Đức, nhưng cho đến hôm nay, tôi mới được may mắn đặt chân đến thành phố lịch sử Berlin nầy. Tôi vốn sinh trưởng tại một làng quê thuộc tỉnh Quảng Trị, đa số dân nghèo thiếu học, bản tính vốn cần cù nhẫn nại và cương trực thành tính, vì hoàn cảnh gia đình, năm lên 6 tuổi, cha tôi bị Việt Minh (Cộng Sản) bắt giam và đã chết trong trại giam; năm lên 10 tuổi, anh tôi bị  Việt Minh (Cộng Sản) phục kích giết chết, từ đó, tôi phải xa mẹ, xa quê để trốn tránh kẻ thù và tìm đường học hành để vươn lên. Thật tình mà nói, tôi không dám phát biểu tại đây, ngày hôm nay, trước những quan khách chọn lọc,  nhân dịp tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền như thế nầy. Tôi đến đây vì tin tưởng ở tinh thần hiếu khách và lòng bao dung của qúy vị và quý bạn. Thời gian mà Ban Tổ Chức dành cho tôi từ 45 phút đến 01 giờ đồng hồ. Nhưng tôi chỉ xin trình bày trong vòng 15 đến 20 phút mà thôi. Thì giờ còn lại để cho quý vị góp ý và nếu cần, tôi sẽ trình bày thêm để làm sáng tỏ những vấn đề mà chúng ta hằng quan tâm. Đề tài trình bày của chúng tôi hôm nay là:
 
“Sự cần thiết phải có một cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam”
 
Và tôi xin bắt đầu:
 
(1)   Dân Chủ đi đôi với Nhân Quyền. Không có Nhân Quyền thì không có Dân Chủ.

Khoảng 1990, Đức Hồng-y Etchegaray, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình có đến thăm Sài Gòn, ngài có phát biểu: “Công Lý và Hòa Bình thường đi đôi với nhau. Không có công lý thì không có hòa bình”. Tôi cũng xin nương theo cách nói đó của ngài để có một sự so sánh: Trong một chế độ độc tài, không có dân chủ thì không có nhân quyền – quyền sống của con người không được tôn trọng. Do đó, “Dân Chủ và Nhân Quyền thường đi đôi với nhau. Không có nhân quyền thì không có dân chủ”.
 
Trong thế kỷ thứ 18, có hai cuộc cách mạng Dân Chủ rất quan trọng đã xảy ra trên thế giới:
-Cuộc cách mạng Dân Chủ tại Hoa Kỳ đã khai sinh ra Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ vào năm 1776. Tinh thần hòa giải trong chiến tranh Nam Bắc tại Hoa Kỳ đã đưa nước Mỹ lên địa vị cường quốc số một trên thế giới và Chế độ Dân Chủ tại Hoa Kỳ đã tồn tại cho đến ngày hôm nay, được 238 năm.
-Cuộc cách mạng 1789 ở Pháp, lật đổ chế độ Quân Chủ dựng lên chế độ Dân Chủ Cộng Hòa nhưng nền Cộng Hòa của Pháp không vững mạnh bằng nền Cộng Hòa của Hoa Kỳ. Lý do tại sao thì quý vị cũng đã biết rồi. Đó là người Pháp không có tinh thần đoàn kết như người Mỹ.
 
-Nước Đức hiện nay là nước giàu mạnh nhất, tiến bộ nhất Âu Châu cũng là nhờ tinh thần hòa giải, đoàn kết  giữa Đông Đức và Tây Đức sau khi chế độ cộng sản Đông Đức sụp đổ vào thập niên 1990.
 
-Dân tộc Việt Nam chúng ta đã trải qua hai thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử:
a.-Từ 1862-1945, Việt Nam bị người Pháp cai trị, bị mất nước, dân tộc ta cam chịu thân phận làm nô lệ ngoại bang…
b.-Từ 1945 đến nay, Việt Nam rơi vào tay cộng sản độc tài, chiến tranh huynh đệ tương tàn, dân tộc ta phải sống trong vòng nô lệ, làm tay sai cho cộng sản Nga, Tàu…
 
(2)   Khát vọng Dân Chủ là khát vọng của toàn thể Dân Tộc Việt Nam chúng ta

Từ thế kỷ thứ 18 trở về trước, cả thế giới, Đông cũng như Tây, chưa nghe nói đến chế độ Dân Chủ, chưa nơi nào có chế độ Dân Chủ. Nhưng người Âu Châu  vẫn có câu nói “Ý Dân Là Ý Trời” (Vox Populis, Vox Dei) và người Á Châu cũng đã từng nghe nói “Dân Vi Quý, Xã Tắc Thứ Chi, Quân Vi Khinh”. Dù cho con người phải sống dưới chế độ Quân Chủ độc tài đi nữa thì nhà vua cũng phải tôn trọng nguyện vọng của đa số dân chúng. Người làm chính trị, người lãnh đạo đất nước với mục đích mưu cầu hạnh phúc cho dân, muốn làm cho dân giàu nước mạnh thì phải tôn trọng ý dân. Luật pháp chỉ có giá trị khi người thi hành luật pháp hiểu được mục đích của luật pháp là để bảo vệ cho người Dân. Trong chế độ Quân Chủ ngày xưa, vua là con Trời, thay Trời để cai trị muôn dân. Dân có bổn phận trung thành với vua và vua cũng có bổn phận lo cho dân được no ấm, được có đời sống an lành, được sống trong một xã hội ổn định, có trật tự. Vua phải sống theo “Đạo Trời” nghĩa là phải làm tròn bổn phận của mình, bổn phận mà ông Trời trao phó là lo cho dân. Cứ ba năm một lần, vua phải tế Trời , vua phải đến một nơi ở phía Nam kinh thành (gọi là Nam giao) ăn chay, tĩnh tâm, xét mình có làm tròn bổn phận mà ông Trời giao phó hay không? Hễ thấy điềm Trời như thiên tai, bão lụt, bệnh dịch hoành hành khổ cho dân thì nhà vua cho đó là điềm Trời cảnh cáo mình nên vua phải “xét lại” đường lối cai trị, chính sách của nhà nước, chủ trương của triều đình có gì sai lỗi hay không ?
 
Tuy gọi là chế độ quân chủ phong kiến nhưng trong xã hội không có sự phân biệt giai cấp. Nhà vua mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài ra giúp nước. Con nhà nghèo, con nhà bình dân mà thi đậu thì vẫn được ra làm quan. Một anh học trò con nhà nghèo, mới đêm hôm trước còn ngủ nhà trọ hay ngủ ngoài đình, ngoài chợ..Hôm sau nghe rao bảng, có tên trong danh sách đậu cử nhân thì vẫn được ra làm quan giúp nước, thay vua cai trị dân, có quyền lãnh đạo, có quyền xét xử…Luật pháp nước ta vào thế kỷ 15, thời vua Lê Thánh Tông (gọi là luật Hồng Đức) vẫn có những điều luật rất tiến bộ nhằm bảo vệ quyền làm người của dân, đặc biệt là quyền lợi của người phụ nữ.
 
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà cách mạng Việt Nam, những nho sĩ, trí thức yêu nước đã tiếp xúc được với tư tưởng dân chủ Tây phương của Montesquieu, của Jean Jacques Rousseau qua sách vở của các nhà tân học Trung Hoa, Nhật bản viết bằng chữ Hán. Cụ Tiểu La Nguyễn Thành, người Quảng Nam được xem là người đầu tiên trong số các nhà Nho vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 được tiếp xúc với tư tưởng dân chủ Tây phương qua các sách tân học bằng chữ Hán. Hai nhà ái quốc Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu cũng đã đề cập đến “quân trị chủ nghĩa” và “dân trị chủ nghĩa”…so sánh giữa chế độ quân chủ và chế độ dân chủ. Lúc đầu, chỉ có Phong trào vận động duy tân, noi gương nước Nhật…nhưng từ những thập niên 1920-1930, trí thức Việt Nam mới đứng ra thành lập các đảng cách mạng Việt Nam, chủ trương tranh đấu để thực hiện một chế độ Dân Chủ cho Việt Nam.
 
Nói tóm lại, khát vọng Dân Chủ là khát vọng của dân tộc ta, cho đến thời điểm 1945, trong thế chiến thứ II, khi quân Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương (9 tháng 3-1945) thì khát vọng đó lên cao nhất. Cũng vì khát vọng đó mà khi Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội ngày 19/8/1945 và lên tiếng yêu cầu Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị thì nhà vua đã đáp ứng và nhắc lại tinh thần “Dân Vi Quý” trong tư tưởng Nho học qua chiếu thoái vị (25/8/1945).
 
Khi trao quyền lãnh đạo đất nước lại cho Hồ Chí Minh, vua Bảo Đại đã nói rõ “yêu cầu ông Hồ  phải thực hiện đoàn kết toàn dân, tôn trọng những người đối lập, không gây nên cảnh huynh đệ tương tàn”.

Nhưng sau khi cướp được chính quyền rồi, Hồ Chí Minh đã thực hiện một chế độ độc tài, đảng trị, dựa vào sức mạnh và vũ khí của Nga, Tàu là hai nước đàn anh trong khối Cộng Sản Quốc tế, bắt nhân dân ta hy sinh xương máu, gây nên cảnh huynh đệ tương tàn để thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản, thực hiện một chế độ độc tài trên dân tộc chúng ta. Trong lịch sử Việt Nam từ xưa tới nay, chưa bao giờ người dân bị đối xử tàn tệ, bị khinh miệt như trong chế độ cộng sản hiện nay; chưa bao giờ người dân bị áp bức bất công như hiện nay. Do đó mà có cuộc đấu tranh giữa những người quốc gia yêu chuộng tự do dân chủ và những người cộng sản chủ trương độc tài, chủ trương tiêu diệt các quyền tự do dân chủ của con người vẫn còn tiếp tục. Cuộc tranh đấu đó đã khởi đi từ 1945 cho đến ngày hôm nay vẫn chưa chấm dứt. Đặc biệt từ 1975 đến nay,  bất cứ thành phần nào trong xã hội, không phân biệt già trẻ, trai gái, người trí thức hay người bình dân, bất cứ thời điểm nào, bất cứ địa phương nào luôn luôn có người đứng lên chống lại chế độ cộng sản, đòi xóa bỏ chế độ đó để thực hiện một chế độ tự do dân chủ.
 
Năm 1988, sau 13 năm bị tù đày dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam, khi được trở về với gia đình, tôi đã bí mật cho phổ biến trong nội bộ một tài liệu gồm hai phần:- phần thứ nhất: nhận định về tình hình Việt Nam hiện tại, nêu lên những điểm sai lầm của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản từ 1945 đến nay, trong đó đặc biệt báo động họa xâm lăng từ phương Bắc tức chủ nghĩa Đại Hán của Trung Cộng. –Phần thứ hai, đề nghị một chương trình xây dựng Việt Nam trong tương lai gồm 10 điểm lớn (như là một chương trình tham chính nếu trong tương lai nắm được quyền lãnh đạo đất nước). Ngày 4 tháng 6 năm 1992, công an bao vây, xét nhà và bắt tôi đem đi biệt giam trong thời gian 13 tháng. Chúng đã tịch thu tài liệu nầy và cuộc tranh luận giữa tôi và bọn công an chấp pháp kéo dài gần 13 tháng. Cuối cùng trước áp lực quốc tế, nhất là Bộ Ngoại Giao Mỹ và ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc lúc đó, vì nhu cầu bãi bỏ cấm vận, đặt quan hệ ngoại giao với Mỹ nên chúng đã trả tự do và cho tôi được xuất cảnh qua Mỹ theo diện cựu tù nhân chính trị.
 
Trong tài liệu đó, chúng tôi đòi hỏi Cộng Sản Việt Nam phải thực hiện các quyền tự do dân chủ cho dân. Đó là điều kiện tiên quyết trước khi nói đến hòa giải, đoàn kết dân tộc:
 
Điểm thứ nhất: Quyền tự do tôn giáo.
Tôn giáo là phần cao nhất trong sinh hoạt tinh thần của con người. Đó là nhu cầu tối thượng không thể không có được trong lịch sử nhân loại, nó vượt lên trên các nhu cầu về ăn ở, nghệ thuật, triết học và chính trị. Lịch sử đã chứng minh: các chính quyền chủ trương độc tài, độc tôn, đàn áp tôn giáo, tiêu diệt tôn giáo…Kết quả tôn giáo vẫn tồn tại mà chính quyền thì sụp đổ.
 
Vì thế, chúng tôi chủ trương mọi chính quyền phải tôn trọng tự do tôn giáo của người dân, mọi người có quyền tin theo bất cứ một tôn giáo nào, không bị ép buộc phải từ bỏ hay gia nhập tôn giáo. Nhà nước tôn trọng tài sản, nơi thờ tự cũng như các cơ sở văn hóa giáo dục, y tế xã hội, từ thiện của các tôn giáo. Trả lại các cơ sở thuộc quyền quản trị của các tôn giáo trước đây đã bị chính quyền CSVN tịch thu. Việc điều hành các Giáo Hội, bổ nhiệm các cấp lãnh đạo, tuyển chọn tu sĩ, chương trình huấn luyện đào tạo cán bộ các tôn giáo, v.v. ..phải do các Giáo Hội tự do quyết định. Nhà nước không được quyền can thiệp vào nội bộ của các Giáo Hội. Các Giáo Hội được tự do hoạt động để xây dựng đất nước, nhất là các công tác xã hội, từ thiện, y tế và văn hóa giáo dục,v.v…Nếu không có sự hiện diện của các tôn giáo tại Việt Nam thì nền giáo dục vô thần của Cộng sản đã làm sụp đổ các truyền thống văn hóa, luân ly đạo đức của tổ tiên chúng ta từ lâu rồi!
 
Điểm thứ hai: Quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận.
Các nước văn minh trên thế giới đều tôn trọng quyền tự do ngôn luận, gọi là “đệ tứ quyền”. Tại Việt Nam, từ khi đảng Cộng Sản lên lãnh đạo, đã tước đoạt “đệ tứ quyền” của người dân, đàn áp khủng bố giới văn nghệ sĩ, bắt buộc mọi người phải đi theo một chủ nghĩa duy nhất, phải suy nghĩ một chiều, tất cả mọi phương tiện truyền thông đại chúng chỉ để phục vụ cho chính quyền và đảng Cộng Sản mà thôi. Do đó, giới văn nghệ sĩ đã mất hết khả năng sáng tạo, dân tộc hoàn toàn chịu thiệt thòi, không có văn chương, không có văn học nghệ thuật sáng tạo. Việt Nam đi thụt lùi trong khi cả thế giới càng ngày càng tiến bộ vượt bực về mặt tư tưởng.
 
Vì thế, chúng tôi chủ trương: phải trả lại quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận cho người dân. Mọi người có quyền sáng tác và xuất bản tác phẩm của mình. Cá nhân hoặc tập thể  có quyền tổ chức cơ sở xuất bản, phát hành sách vở, báo chí…Các cơ quan ngôn luận có quyền nói lên sự thật trong xã hội, có quyền chỉ trích những điều sai lầm và tệ trạng tham nhũng bất công, những xấu xa của chính quyền.
 
Điểm thứ ba: Quyền tự do về chính trị.
Các nước tự do trên thế giới hiện nay đều công nhận vai trò chính đảng rất quan trọng trong sinh hoạt chính trị của một quốc gia theo chế độ dân chủ. Muốn có dân chủ thì phải có sinh hoạt chính trị dân chủ. Người công dân được quyền trình bày tư tưởng chính trị của mình qua sách vở, báo chí, qua các phương tiện truyền thông và phải có quyền đối lập về chính trị. Quyền đó phải được Hiến Pháp và Luật Pháp bảo vệ. Chính đảng đối lập phải được quyền hoạt động hợp pháp. Đảng đối lập kiểm soát chính quyền một khi chính quyền sai lầm hoặc không thực thi dân chủ, không thực hiện các quyền tự do dân chủ cho dân. Trong Quốc Hội phải có tiếng nói của phe đối lập để chỉ trích, phê bình, kiểm sóat Hành Pháp trong việc thi hành chính sách quốc gia. Quyền tự do ngôn luận cũng là một phương tiện để kiểm soát chính quyền: sách vở, báo chí, các cơ quan truyền thông là phương tiện phản ảnh dư luận quần chúng, nói lên những sai lầm của chính quyền…Do đó, quyền tự do sinh hoạt chính trị phải đi đôi với quyền tự do ngôn luận. Tại Việt Nam hiện nay, đảng Cộng Sản chủ trương chế độ độc tài, không có chính đảng đối lập, là đi ngược lại với quyền tự do chính trị, đi ngược lại khát vọng tự do dân chủ của con người.
 
Vì thế, chúng tôi chủ trương, người công dân được quyền cư trú, làm ăn và đi lại bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam, không bị giới hạn bởi chế độ hộ khẩu. Mọi công dân được quyền sinh hoạt chính trị tự do, được quyền hội họp, được quyền bầu cử, ứng cử tự do. Các thành phần đối lập về chính trị được tự do ứng cử để có tiếng nói đối lập trong Quốc Hội. Luật Quy Chế Chính Đảng phải được Quốc Hội thông qua để định chế hóa vai trò chính đảng trong một chế độ dân chủ. Quốc gia phải công nhận chính đảng công khai hợp pháp. Chính đảng được thành lập và hoạt động tự do, có trụ sở, có cơ quan ngôn luận để phổ biến chủ trương đường lối chính trị của mình, có ban chấp hành, có đảng viên, có tài sản riêng và được hưởng tư cách pháp nhân. Chính quyền không được xem chính đảng như là một hội ái hữu hay hiệp hội tư. Trong các cuộc bầu cử, nếu chương trình xây dựng đất nước và nhân sự lãnh đạo của chính đảng được nhân dân ủng hộ thì chính đảng sẽ có mặt tại Quốc Hội hay cơ quan Hành Pháp, Tư Pháp để lãnh đạo đất nước.
Đó là chủ trương “TAM QUYỀN PHÂN LẬP”: Lập Pháp (Quốc Hội) Hành Pháp (Chính Phủ: bộ máy hành chánh), và Tư Pháp (Tòa Án) hoàn toàn phân biệt và hoàn toàn độc lập với nhau. Ba cơ quan nầy đại diện cho quyền lãnh đạo tối cao của quốc gia do dân bầu lên. Ngoài ba cơ quan nầy, không có một chính đảng nào giữ vai trò độc quyền lãnh đạo đất nước như đảng Cộng Sản hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng ủng hộ và cổ võ cho sự ra đời các tổ chức xã hội dân sự, tức cổ võ và ủng hộ việc thành lập các tổ chức xã hội dân sự do người dân ở ngoài chính quyền đứng ra thành lập chẳng hạn cóc nghiệp đoàn, công đoàn tự do, hội nhà báo tự do, hội phụ nữ,v.v… Sự ra đời của các hội đoàn như nói trên và bước đầu tiến tới một chế độ dân chủ, là bước đầu vận động thực hiện một chế độ dân chủ, chấm dứt chế độ ddđộc tài.
 
Năm 1945, khi Hồ Chí Minh cướp được chính quyền thì đặt tên nước là “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” và khẩu hiệu “Độc lập – Tư do – Hạnh phúc” , đưa ra hai chữ “Dân Chủ” để lưa dối dân tộc Việt Nam chúng ta. Sau 1975, Lê Duẩn viết sách : “Giương cao ba ngọn cờ: Độc lập dân tộc – Dân Chủ và Chủ Nghĩa Xã Hội” cũng là để đánh lừa dân tộc Việt Nam một lần nữa vì “Chủ Nghĩa Xã Hội” là chủ nghĩa Cộng Sản đó là chủ trương thiết lập một chế độ độc tài, “chuyên chính vô sản” (chuyên chính có nghĩa là độc tài, làm cho tất cả mọi người đều trở thành vô sản, hai bàn tay trắng…dân làm chủ nhưng đảng quản lý…đảng hay người của đảng vơ vét hết tài sản của dân, vơ vét hết tài sản của quốc gia). Lê Duẩn nói “yêu tổ quốc” nhưng tổ quốc đó phải là “tổ quốc xã hội chủ nghĩa cơ!” Như vậy, những anh hùng trong lịch sử Việt Nam chống xâm lăng từ khi lập quốc đến  thế kỷ 19, 20 khi đó nước ta chưa có “chủ nghĩa xã hội” chưa có “tổ quốc xã hội chủ nghĩa” thì họ không phải là người yêu nước hay sao ? Sau 975, khi cộng sản toàn thắng được rồi thì bỏ đi hai chữ Dân Chủ và lấy tên nước là “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” có nghĩa là từ 1945 đến 1975, cộng sản đưa ra hai chữ “Dân Chủ” để lừa dối dân tộc Việt Nam và sau 1975 cho đến bây giờ thì nói trắng ra cho toàn dân biết “Cộng Sản chủ trương độc tài…không có dân chủ gì hết”.
 
Điểm thứ tư: Quyền tư hữu của người dân.
Từ khi có con người sinh sống trên quả địa cầu thì có cái quyền tư hữu. Quyền tư hữu đi đôi với quyền làm người. Con người biết lao động và từ lao động làm ra của cải. Có của cải thì tìm cách tích lũy của cải. Đó là công lao của mình làm ra. Không ai có quyền cướp đi cái quyền tư hữu của mình. Để thực thi công bằng xã hội, trước đây chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã truất hữu ruộng đất của những địa chủ không thực sự canh tác ruộng đất của mình, để cấp phát cho nông dân (theo luật Người Cày Có Ruộng ban hành ngày 26/3/1970 tại Sài Gòn) và quốc gia bồi thường cho các chủ đất theo thời gian, mỗi năm một phần trong 12 năm. Tiền bồi thường đó lấy từ ngân ách quốc gia và viện trợ Mỹ…Tuy nhiên nhà nước VNCH cũng dành cho những chủ đất bị truất hữu một số ruộng tối thiểu là 5 mẫu Tây gọi là ruộng hương hỏa để kỵ giỗ cho ông bà tổ tiên. Nhà nước cũng tôn trọng các di tích lịch sử của quốc gia hay của các dòng họ như nhà thờ họ (từ đường), mồ mả, lăng mộ…Nhà nước biết ơn người đã bỏ tiền, bỏ công sức cũng như trí óc để đầu tư canh tác, khai khẩn đất hoang nhờ đó mà những chỗ hoang vu hay rừng rú đã trở thành ruộng vườn, làng mạc. Công lao đó đã có từ thời các chúa Nguyễn (thế kỷ 17, 18) đến sau nầy. Chính sách ruộng đất chủ trương làm sao cho dân có ruộng để sinh sống và cũng không tịch thu hết tài sản của người chủ ruộng. Do đó, không gây khủng hoảng, bất mãn, tang tóc cho người chủ ruộng trước kia (khác với chính sách đấu tố địa chủ tại miền Bắc dưới chế độ Cộng Sản trước đây). Vì chiến tranh và vì hoàn cảnh đất nước, nhiều người đã bỏ chạy khỏi quê hương của mình nên nhiều người khác (nhất là thành phần cán bộ đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam) đã chiếm đoạt nhà cửa, di tích lịch sử của các dòng họ…biến những nơi đó thành tài sản riêng của mình và đã xóa hết các di tích kỷ niệm của các gia đình, dòng họ. Điều này đã tạo ra một nỗi đau xót cho  hiều người, nhiều gia đình, dòng họ. Ý thức rằng việc hình thành một xã hội, một quốc gia là do công lao của nhiều người, trải qua nhiều thế hệ, không phải là công lao của một nhóm người, của một đảng chính trị. Những người hiện tại đang hưởng công lao của người xưa phải biết rõ diễn tiến của lịch sử từ quá khứ cho đến hiện tại.
 
Vì thế, chúng tôi chủ trương: trả lại tài sản cho các tôn giáo, các dòng họ và các gia đình đã bị cướp đoạt do hoàn cảnh chiến tranh, phải xa lánh nơi sinh quán của mình để đi đến một nơi khác. Có những người từ 1975 đến nay vẫn sống trên đất nước Việt Nam, vẫn làm nhiệm vụ công dân đối với tổ quốc, nhưng nhà cửa, vườn tược, đất đai của họ đã bị chiếm đoạt bởi người khác và ngay cả mồ mả của cha mẹ, ông bà tổ tiên,v.v…vẫn bị dày xéo, di dời hay xóa bỏ hết dấu tích. Nếu không trả lại hết thì cũng phải trả lại nhà cửa, vườn tược của họ vì đó là di tích, là kỷ niệm thiêng liêng của gia đình, dòng họ. Đây là một vấn đề nan giải, nhưng cũng phải quan tâm và có chính sách.
 
Phần kết luận
 
Từ 1990 đến nay, khi có các cuộc biến động tại Ba Lan, Đông Âu và Liên Xô cũ, thì ở trong nước cũng như hải ngoại đã có những cuộc vận động, bằng con đường ôn hòa không đổ máu để chấm dứt chế độ Cộng Sản độc tài chuyển qua chế độ dân chủ. Cuộc vận động đó càng ngày càng lớn mạnh ở trong nước, đặc biệt năm 2013 là năm mà Phong Trào đòi bỏ điều 4 Hiến Pháp, xóa bỏ chế độ độc tài, chuyển qua chế độ dân chủ lên cao nhất, mạnh nhất. Hiện nay, những người yêu chuộng chế độ dân chủ ở trong nước, trước hết là tín đồ các tôn giáo, sau đó là giới trẻ, thanh niên, sinh viên học sinh, trí thức, đảng viên tiến bộ, phản tỉnh, nhận rõ sự sai lầm của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới, sai lầm của lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, cam tâm làm tay sai cho Nga, Tàu trước đây và hiện tại đang đưa dân tộc vào vòng nô lệ Đại Hán phương Bắc; hơn 3 triệu cựu chiến binh và gia đình và cũng không thiếu cán bộ, đảng viên, bộ đội, công an đang âm thầm hậu thuẫn cho cuộc vận động dân chủ tại Việt Nam. Rõ ràng Khát Vọng Dân Chủ là khát vọng của toàn dân tộc Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tai. Chủ nghĩa cộng sản đã được thực hiện tại Nga do các lãnh tụ cộng sản là Lê-Nin, Xít-ta-lin; từ đó lan dần qua các nước khác trong đó có Việt Nam. Ngày nay, chủ nghĩa đó, chế độ đó đã bị xóa bỏ tại Nga và Đông Âu thì không có lý do gì tồn tại ở Việt Nam được.
 
Muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền thì phải có đoàn kết, phải từ bỏ độc tài, phải thực thi các quyền tự do dân chủ cho dân, phải tôn trọng các quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do chính trị, (đa nguyên đa đảng, công nhận vai trò chính đảng đối lập trong sinh hoạt chính trị của một chế độ dân chủ; lập pháp, hành pháp, tư pháp riêng biệt, hoàn toàn độc lập) và quyền tư hữu của người dân. Được như vậy thì dân tộc Việt Nam mới có hòa giải, mới có đoàn kết, mới có sức mạnh để bảo vệ nền độc lập của mình bên cạnh dân tộc Đại Hán, bành trướng, xâm lược từ phương Bắc là Trung Cộng…