Bài viết của Lê Thị Nhị nhân ngày giỗ lần thứ 9 của nhà thơ Hà Bỉnh Trung

Kỷ Niệm Với Nhà Thơ Hà Bỉnh Trung
Lê Thị Nhị
Tôi được quen biết nhà thơ Hà Bỉnh Trung từ năm 1995, khi cộng tác với tam cá nguyệt san Cỏ Thơm do Tiến sĩ Lưu Nguyễn Đạt làm Chủ Nhiệm và nhà thơ Hà Bỉnh Trung làm Chủ Bút.
Nhưng mối giao tình giữa tôi và nhà thơ Hà Bỉnh Trung chỉ trở nên thân thiết kể từ năm 2000, khi chúng tôi cùng ở trong nhóm chủ trương Câu Lạc Bộ Văn Học Và Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn/Nhà Việt Nam và nguyệt san Kỷ Nguyên Mới. 
Nhà thơ Hà Bỉnh Trung thường nói với mọi người rằng tôi là cánh tay mặt của ông. Sở dĩ ông nói như vậy vì trong nhóm, tôi là người rảnh rang nhất, nên những chuyện lặt vặt tôi thường lăng xăng nhận trách nhiệm.
Trong lúc sinh hoạt với nhà thơ Hà Bỉnh Trung, tôi nhân thấy ở ông có nhiều đức tính mà tôi rất khâm phục. Ông là một người lạc quan, hòa nhã, không bao giờ biết hờn giận ai, khiêm tốn và biết tôn trọng người khác, dù người đó chỉ ở hàng con cháu của ông.
Chẳng thế mà nhà thơ Hà Bỉnh Trung làm văn học từ khi tôi còn tắm mưa, vậy mà trong lúc chuyện trò với ông, đôi khi , tôi hăng hái phát biểu ý kiến, ý cò lung tung ,ông cũng ngồi lắng nghe và gật gù có vẻ tâm đắc lắm!
Khi bàn định về những sinh hoạt của Câu Lạc Bộ, đôi khi ý kiến của tôi trái hẳn với ý kiến của nhà thơ Hà Bỉnh Trung, nhà thơ cũng chỉ nhẹ nhàng phân tích cặn kẽ ý kiến của ông cho tôi nghe và cuối cùng, bao giờ chúng tôi cũng vui vẻ tìm được một quyết định dung hòa cho công việc.
Có thể nói, nhà thơ Hà Bỉnh Trung là một người rất có lòng với văn chương chữ nghĩa và các sinh hoạt cộng đồng. Ông không chỉ nói xuông, mà ông đã thể hiện tấm lòng đó bằng những hành động cụ thể.
Nhà thơ Hà Bỉnh Trung  viết và làm thơ không ngừng nghỉ! Ông khuyến khích những người mới viết và coi mọi người như bạn.
Khi nhận lời làm một công việc gì cho một người nào hoặc một hội đoàn nào, ông đều nhiệt tình và hết lòng với công việc ấy, với hội đoàn ấy. Nhà thơ Hà Bỉnh Trung cũng có cái may mắn là những việc ông làm, ông được sự yểm trợ đắc lực của hiền thê và các con.
Rất nhiều người trong chúng tôi, không thể quên được, trong nhiều năm, đã được tham dự những buổi tiệc ấm cúng với những món ăn hật ngon, với tiếng đàn réo rắt, với tiếng hát véo von, tiếng ngâm thơ trầm bổng với tiếng cười nói râm ran trong căn nhà của anh chị Trần Bình-Mỹ Châu, ái nữ và rể quý của ông.
Rồi một ngày, nhà thơ và hiền thê của ông, bàn với một số thân hữu: “Mình ở vùng Thủ đô, mà không có một nơi chốn để văn nghệ sĩ họp mặt và sinh hoạt, tồi quá! Tại sao mình không thành lập một hội rồi lo việc xây dựng một Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam để  truyền lại cho thế hệ trẻ sau này.”
Đa số thân hữu đều đồng ý là cộng đồng chúng ta cần một Trung Tâm Văn Hóa, một ngôi Nhà Việt Nam, nhưng mọi người e rằng rất khó thực hiện! Nhà thơ Hà Bỉnh Trung bảo: “ Mình cứ bắt đầu, đời mình không làm được thì những thế hệ sau sẽ làm được! Coi như mình đặt những viên gạch đầu tiên vậy!”
Thế là Câu Lạc Bộ Văn Học Và Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn/Nhà Việt Nam được thành lập vào tháng 10 năm 2000 ,  nguyệt san Kỷ Nguyên Mới, tủ sách Tiếng Quê Hương cũng ra đời vào mùa Thu năm đó. Những buổi Ra Mắt Sách, Triển lãm tranh, ảnh, những buổi thơ nhạc…được tổ chức thường xuyên. Một cuộc thi truyện ngắn cũng được tổ chức năm 2002 với các giải thưởng cả mấy ngàn Mỹ kim, khiến nhiều vị ở xa, tưởng đâu Câu Lạc Bộ, nguyệt san Kỷ Nguyên Mới bề thế lắm. Thật ra đó chỉ là kết quả của những buổi dạ tiệc tổ chức tại các nhà hàng Harvest Moon, Maxim, với sự yểm trợ của  bà con vùng Hoa Thịnh Đốn.
Trong những buổi gây quỹ của Câu Lạc Bộ, nhà thơ Hà Bỉnh Trung là người vất vả nhất! Thường thì ông nhận bán một số bàn nhất định. Nhà thơ vừa nhận vé vừa nói: “Tôi bắt mỗi con tôi lấy một bàn, các anh các chị bán hoặc mời bạn bè đi, tôi không cần biết! Số còn lại, tôi “dí” cho các cụ hội Cao Niên và bạn bè! “ Nhà thơ Hà Bỉnh Trung có một cách bán vé rất đặc biệt! Trước hết, ông mở quyển sổ điện thoại ra, gọi từng người một, theo thứ tự ABC. Người nào bằng lòng mua vé, ông lái xe ngay đến tận nhà, đưa vé van nhận tiền. Có những ngày mưa tuyết, ông cũng làm y như thế. Thấy vậy, tôi nói : “ Sao bác không gửi bưu điện hoặc hẹn đến cửa lấy vé cũng được. Bác lái xe đi đưa vé làm chi cho cực?” Nhà thơ thủng thỉnh nói: “ Đưa vé, nhận tiền ngay cho chắc ăn, kẻo nhỡ họ lại đổi ý!” Những giấy tờ của hội, gửi về địa chỉ nhà thơ Hà Bỉnh Trung, nhận được, ông cũng ái xe ngay đến và đưa cho tôi, bất kể hôm đó mưa rơi hay tuyết đổ! Tôi phàn nàn: “Bác cứ để đó, hôm nào gặp, đưa cũng được, giấy tờ này đâu có cần gấp! “. Nhà thơ lại thủng thỉnh bảo: “ Đưa ngay cho cô, kẻo nhỡ để ở nhà, lại bị thất lạc mất! Đường xá cũng tốt mà!”
Theo đúng ý nguyện của nhà thơ Hà Bỉnh Trung, kể từ khi ông vĩnh viễn ra đi vào ngày 24 tháng 4 năm 2012, Câu Lạc Bộ Văn Học Và Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn/ Nhà Việt Nam đã tiếp tục những sinh hoạt mà ông đã từng làm trong nhiều năm qua. Nhưng có một điều những người trong ban điều hành Nhà Việt Nam đã không thể giữ nguyên số tiền quyên góp được do công sức của nhà thơ Hà Bỉnh Trung để: “Trao lại cho hội đoàn nào thành lập được Trung Tâm Văn Hóa” mà đã dùng số tiền ấy, cùng với số tiền mà một số vị ân nhân giúp thêm hàng năm để mướn trụ sở tại 308 HillWood Ave., Falls Church, Virginia và chi phí trong các sinh hoạt từ năm 2012.



Chúng tôi vẫn nhớ lời nhà thơ Hà Bỉnh Trung: “ Đời mình không làm được,  thì những thế hệ sau sẽ làm được!” Chúng tôi cũng tin như vậy! Vì thực ra, đối với thế hệ sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nhiều người thành công, họ ở trong những căn nhà như  một lâu đài, thì việc  xây dựng ngôi Nhà Việt Nam chỉ là…chuyện nhỏ. Do đó Ban điều hành Nhà Việt Nam đã tạm gác lại giấc mơ của nhà thơ mà chỉ xin tạo cơ hội để thế hệ trẻ có thể đến với nhau, cùng học hỏi, tìm hiểu đôi chút về lịch sử và văn hóa Việt, để từ đó, các em sẽ có tâm, có tình để xây dựng ngôi nhà Việt Nam mà thế hệ cha ông đã không thể làm được!  
Lê Thị Nhị