Cao Minh Nguyệt

 Tiểu sử: Minh Nguyệt
Tên thật: Cao Minh Nguyệt
Sinh ngày 19 tháng Giêng, 1933  tại Bến Tre
Học ở các trường tiểu học Hương Điểm, Bến Tre; các trường trung học Việt Nam Học Đường ở Tân Định, Việt Nam và trường trung học Sainte Marie De Neuilly ở ngoại ô Paris.
Đạt Tú tài 1, 2 và hai năm y khoa ở Đại Học Y Khoa Paris, Pháp; ra trường Đại Học Dược Khoa Sài Gòn khóa 62.
Hành nghề dược ở Chợ Lớn cho đến khi sang Mỹ năm 1968.
 Lập gia đình ở Washington DC- Có hai con gái và ba cháu ngoại.
Hiện, Minh Nguyệt và ông xã đã dọn về Las Vegas, Nevada từ năm 2006, kể từ các con theo người lạ, bỏ tổ chim trống vắng
Tác Phẩm:
Đăng thơ và truyện ngắn đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong Sài Gòn, Đất Việt ở Denver, báo Đẹp ở Texas, Y Học Thường Thức, báo Trẻ ở Virginia- Maryland- DC, và nhiều bài đăng trên báo Âu Du ở Montpellier, France.
Hội viên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Hoa Kỳ
CHUYỆN LÒNG
 
 (Đường đời trôi đã về chiều, mà lòng mến còn nhiều. Đập gương xưa tìm bóng.)
          Trích trong bài hát GỬI GIÓ CHO MÂY NGÀN BAY.
 
Chuyện lòng năm ngoái năm xưa
Đêm qua trong mộng như chưa đổi dời
Dây tơ ai buộc, ai mời
Đầm LONG MÔN * đính ước một thời đã xa
Quê ta ngày ấy hiền hòa
Tình ta thuở ấy mặn mà dễ thương
Đời như giấc mộng thiên đường
Ta đâu nhớ được hoa hường lắm gai
Tương lai anh gắng miệt mài
Em tương tư đợi chờ ngày phượng loan
Thói đời hay hợp rồi tan
Tình ta cũng thế, dở dang nửa đàng
Lệ tuôn lã chã hai hàng
Anh đau, em khổ, hai đàng rẽ chia
Sáu mươi năm sống chia lìa
Đêm nay ngồi khóc đầm đìa nhớ anh
Chẳng nên duyên lúc còn xanh
Nhưng em vẫn giữ hình anh trọn đời
Nếu anh còn sống phương trời,
Xin anh ấp ủ khoảng đời có nhau.

   Las Vegas, 9/14/2020
   Cao Minh Nguyệt.
  Gửi Nguyễn Minh Hoàng:” Anh ơi anh ở phương nào. Có hay em vẫn lệ trào nhớ anh?”

 PARIS CHIỀU NAY NGỒI NHÌN MƯA BAY

 
Paris chiều nay ngồi nhìn mưa bay
Bàn tay Em nơi đâu hồn Em nơi này
Đôi mắt thần tiên tình yêu đốt sáng
Ôi Paris ! Paris ! ôi một ngày mong dài

Paris chiều nay ngồi nhìn mưa bay
Công viên chiều mưa như lời than dài
Lá đổ rất nhanh trên bờ vai ghế đá
Paris ! Paris ! còn mưa bao ngày

Paris chiều nay ngồi nhìn mưa bay
Dòng sông Garonne thả tóc trôi dài
Eiffel tháp cười đuổi mây nhốt gió
Paris ! Paris ! hồn Anh nơi này

Paris chiều nay ngồi nhìn mưa bay
Công trường tự do chờ Em bao ngày
Mắt mỏi nhớ thương còn trông ngóng lắm
Paris ! Paris ! chờ Anh phương này

Paris chiều nay ngồi nhìn mưa bay
Bài ca “Danuble bleue” hồn Anh u hoài
Tiếng khóc nhiều đêm hồn Em trách móc
Paris ! Paris ! ôi tình thương dài

Paris chiều nay ngồi nhìn mưa bay
Bàn tay Em nơi đâu hồn Em nơi này
Đôi mắt thần tiên tình yêu đốt sáng
Ôi Paris! Paris ! ôi một ngày mong dài.

          Nguyễn Minh Hoàng
(Trích trong Tập” ĐÊM CÁNH TAY”)
          ” Duyên trăm năm đứt đoạn
              Tình một thuở còn vương”
                                         Đoàn Phú Tứ
 
 CÓ PHẢI LÀ ANH?
Tình cờ đọc đoạn thơ Mưa
Tay run chợt ngỡ hồn xưa hiện về
Tên quen dưới góc rõ đề
Em hoang mang hỏi : tên người, tên anh?

Bao năm rồi nhỉ anh hề
Ta sao biết được ai về ai đi
Duyên xưa dẫu chẳng vuông tròn
Còn đây chút nghĩa dặm mòn nhớ nhau
 
Paris ! Paris ! Chiều mưa bay
Yêu nhau thuở ấy nhiều mong dài
Sân trường ghế đá hồn u hoài
Em đọc thư anh rồi mơ say

Paris Hoàng Diệu tháng ngày
Bên kia Chức Nữ, bên này Ngưu Lang
Em buồn, anh thấy thu tàn
Em vui, anh sợ đá vàng nhạt phai

Paris chiều nay nếu còn mưa bay
Em đâu trách móc mối tình không dài
Trần gian tiên giới người đôi ngả
Khách khứ hồi vẫn mộng thiên thai.

                  Cao Minh Nguyệt
GIỮ NGƯỜI TRONG MỘNG.

  ” Giấu người trong giấc mộng dài.
Sợ khi tỉnh giấc tình bay mộng tàn”)
  Khuyết danh
 
 
Thu đã vừa đi, đông đến rồi
Đời lặng lờ như lục bình trôi
Chúng mình ly biệt bao năm tháng
Sao mãi tim em vẫn nhớ người?

Nhớ người yêu dấu thuở xa xưa
Nhớ lúc trông thư, nhớ hẹn hò
Giấc mộng tròn duyên đôi giấc mộng
Bàn tay xa vẫy gọi trong mơ

Anh nói tình ta bền mãi mãi
Em thề muôn dặm chẳng phôi phai
Sáu năm sông núi lòng chưa lạnh
Bao mùa dâu bể nguyện không sai

Biên thùy tiếng súng rộn bờ mơ
Gió lộng đêm buồn lá xác xơ
Em nhớ về anh tim trống vắng
Niềm riêng kết lại dệt thành thơ


Có gì lãng đãng sau song cửa
Có gì huyền hoặc giữa sương đêm
Hồn anh có lẻn theo trăng úa
Mang đến cho em khúc nhạc mềm?

Hãy nhớ trong mơ đến với em
Giữ dùm em mộng tuổi thần tiên
Đời không cô độc, không ly biệt
Chỉ có hai mình đẹp nợ duyên.

Las Vegas, December 12, 2020
 Cao Minh Nguyệt.
Trăng Viễn Phương
 

Trăng đã về đây trăng viễn phương

Đón thu xa bạn dạ hoài thương
Người xưa biết có còn tri kỷ
Hay đã năm dài nhạt nhớ thương
Sông xưa còn đó con đò nhỏ
Vườn cũ hoa hời hợt gió sương
Nếu biết tình ai không vĩnh viễn
Thà đừng quen trước để buồn vương
Quê ngoại dặm trường sa nước mắt
Xứ người đơn lạnh kẻ tha phương
Tháng Tám sao trăng buồn quá nhỉ
Hay là trăng khóc khách trùng dương.

Cao Minh Nguyệt

Vui lòng nhấn vào hàng chữ này ̣để xem thêm trang tác giả Cao Minh Nguyệ̉t VBVĐBHK

Thương mến gửi cố Đại Tá Nhảy Dù Nguyễn Văn Minh ngày sinh nhật anh. THÁNG NĂM NHỚ BẠN


Nhớ thương bạn lắm bạn hiền ơi
Nhớ những khi trái gió trở trời
Anh thường than vãn thân tê lạnh
Cơn nhức hoành hành mãi chẳng thôi


Hai đứa duyên may gặp cõi trần
Xuân vừa mới đó lại tân xuân 
Tóc hoa chân yếu vui tình bạn
Chia sẻ bên lề chuyện thế nhân


Rày anh đã trả xong nợ đời
Thế sự phong trần buông xả trôi
Xum vầy cùng chị nơi tiên giới
Tâm sự tôi chừ khép lại thôi


Sinh nhật anh mồng tám tháng Năm
Mà người năm trước biệt hơi tăm
Nhưng bên phần mộ anh và chị
Con cháu lòng thành khấn, nhớ, thăm


Anh hỡi suối vàng anh biết chăng
Trên đường trần thế rất xa xăm
Mỗi tháng Năm về trên bến cũ
Có người tưởng nhớ bạn tri âm?


Las Vegas, ngày 8 tháng Năm, 2023.
Cao Minh Nguyệt.
Tôi rời Việt Nam đã lâu và chưa lần về thăm quê nhà. Tình hoài hương vẫn mang nặng bên lòng. Tôi viết bài này để chia sẻ niềm thương nhớ khôn nguôi và nỗi đau ray rức của một công dân mà giang san yêu dấu không còn độc lập và tự do dưới sự lãnh đạo của bọn Việt Cộng vô thần.
Tôi viết bài này để bày tỏ nỗi hận chung của bao triệu đồng bào Lạc Việt đang lưu lạc khắp nơi trên thế giới, được cưu mang nhờ lòng bác ái và nhân đạo. Tôi viết để nói lên lời cám ơn sâu xa đã từ lâu chưa bày tỏ. Tôi tri ân những chiến sĩ đã anh dũng hiến mình cho đất nước và tưởng niệm những đồng bào đã bỏ thây thảm thương trong rừng núi, dưới biển sâu hay về tay hải tặc. Tôi viết để tỏ lòng thương xót và cảm phục những chiến sĩ bị tù đày trong các trại cải tạo.
Và tôi viết cho tôi để nhắc nhở mình là người Việt với nhiều nợ nần và ơn nghĩa chưa đền trả. 
 
                                            TÔI YÊU NƯỚC TÔI

                                  (Tuyển Tập Cô Gái Việt 2020 với đề tài là THƯƠNG QUÁ VIỆT NAM)

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
                         Ca dao

 
Nếu bạn hỏi vì sao tôi yêu nước Việt Nam và rất hãnh diện về nó, một nước có một diện tích nhỏ, hình chữ S, khiêm tốn nằm dưới nước Trung Cộng đại qui mô dọc theo miền duyên hải Đông Nam Á trong bản địa đồ thế giới, thì thưa bạn, đây là lý do cho câu hỏi cực kỳ giản dị.
Nếu tôi không nghĩ lầm thì câu hỏi của bạn ám chỉ là chỉ có những nước hùng mạnh trên thế giới, với cao ốc chọc trời, vũ khí có sức mạnh kinh hoàng có thể hủy diệt một nước láng giềng hay các nước ở xa xôi nghìn dặm trong nháy mắt mới xứng đáng được người dân yêu mến và hãnh diện? Thưa bạn, nếu tôi là công dân xứ ấy, tôi cũng hãnh diện như họ, nếu luật pháp của họ che chở cho người dân và không lấn áp, xăm lăng nước người, và vì vũ khí mạnh chỉ cốt để giữ gìn bờ cõi mà thôi.
Nhưng tôi nghĩ yêu nước không chỉ vì những ngần ấy lý lẽ, mà biết bao nhiêu duyên cớ, liên hệ trong suốt đời người, đã kết hợp tình cảm giữa thân nhân, quyến thuộc, người, vật, và cảnh chung quanh ta, cùng với văn hóa dân tộc và lịch sử. Nó là truyền thống, là tinh hoa, là tình yêu được vun xới và lưu truyền từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đến ta.
Tôi yêu những điều hay lẽ phải mà tôi được hấp thụ từ cha mẹ tôi và ở trường học. Tôi yêu những người bạn của thời trẻ thơ, cùng chạy nhảy, đùa nghịch, tắm sông, bắt bướm, cùng chia nhau những quả cóc, trứng cá, tầm ruột, kẹo bánh, luôn cả việc úống chung  xe hàng nước đá nhận xi rô.
Tôi yêu những người giúp việc trong gia đình cha mẹ ông bà tôi. Họ tuy nghèo, ít học, nhưng họ không buồn than vì những điều kém may mắn trong đời, mà họ vẫn hạnh phúc, yêu đời như những ai khác. Có lẽ họ thấy rằng họ được thương yêu, tự do, như những người chung quanh họ, cái gì của họ, dù giá trị ít hay nhiều đều là của họ, không bị ai tịch thu, chiếm đoạt.
Tôi trân quý mối tình đầu thơ mộng với một chàng trai hàng xóm, anh của nhỏ bạn học. Mối tình đã mang lại cho tôi cảm xúc đắm say, hạnh phúc của người con gái mới lớn lên, biết yêu và được yêu. Vì hoàn cảnh bắt buộc xa nhau, cách hai trời Âu Á. Kể từ ngày xa xưa ấy, đã bao nước chảy qua cầu, những đêm đông tịch mịch hay những chiều lộng gió tôi vẫn nghĩ đến anh với lòng quặn thắc và tri ơn anh đã cho tôi một thuở vàng son.

Tôi khóc cho những chiến sĩ đã nhọc nhằn băng rừng lội suối, nguy hiểm không màng, chiến đấu gìn giữ quê hương, bỏ lại nhà cha mẹ gìa, con dại và người vợ hiền cô đơn chiếc bóng, thiếu tình yêu thương âu yếm. Tôi đã sụt sùi khi đọc nỗi nhớ xé lòng của một trong những chinh phu ấy :”Đêm nao gối kiếm chờ trăng lệch. Nghe lá vàng rơi lại ngỡ mình.”
Tôi thương những người trai thời loạn phải gạt bỏ mộng tương lai, lỡ dở học hành, không dám lập gia đình và có một mái nhà yên ấm, rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Những người trai mang nặng lòng yêu nước và hiểu trách nhiệm người con dân thời loạn, đã từ giả người yêu để theo tiếng gọi của non sông “Quốc gia hưng vong. Sĩ phu hữu trách”. Để rồi một đêm đông lạnh nơi rừng núi, hướng về đô thị mà cảm nhận nỗi cô đơn tê tái của mình “Ở đây mai một đời trai trẻ. Xin ngoảnh thềm hoa biệt má đào”.
Tôi xót xa cho những người con ngoài trận mạc, tủi mình không báo hiếu được công dưỡng dục sinh thành của cha mẹ trong lúc tuổi già quạnh quẽ, đã tức tưởi thầm gọi mẹ “Mẹ ơi lòng mẹ bao nhiêu lạnh. Thấm đượm tim con vạn ý hờn”
Tôi tôn thờ khí chí kiêu hùng, bất khuất của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã ” Giận một nỗi sa trường chẳng chết” nên tự sát theo thành vào tháng Tư Đen năm 1975, hy sinh mạng sống trong tuyệt vọng để khỏi thấy cảnh nước mất nhà tan và quê hương chìm trong màu cờ Đỏ, mà trong lòng còn mang theo mối hận chưa hoàn thành nhiệm vụ. Ôi bi thảm và đau thương vô cùng!
Tôi xót xa và cảm phục những chiến sĩ bị tù đày trong trại cải tạo, phải trải qua nhiều năm làm việc quá sức mình trong đói lạnh, cơ cực.
Tôi ngậm ngùi tưởng niệm những đồng bào đã bỏ thây thảm thương trong rừng núi, dưới biển sâu, hay về tay hải tặc, chỉ vì hai chữ Tự Do.
Tôi thành kính tưởng nhớ nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Ẩu và những anh hùng vô danh đã góp công gìn giữ quê hương, cho chúng tôi hiểu thế nào là trách nhiệm “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”, “Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục” hay” Thà làm quỷ đất Nam hơn làm vương đất Bắc”.
Những trang sử Việt Nam oai hùng và cao cả như thế, làm sao tôi không hãnh diện, không yêu?
Tôi cũng rất cảm động và hãnh diện khi đọc sự nôn nao, thúc dục đáng yêu của một em trai thật trẻ trong bài thơ em viết “Nhà em Tây nó đốt. Em ra ngủ ngoài vườn. Khác gì anh chiến sĩ. Đêm lạnh lẽo gió sương. Bây giờ em còn bé. Em ôm đỡ súng cây. Chờ khi nào em lớn. Cầm súng thiệt bắn Tây”. Đúng là “Nhà nghèo mới biết con thảo. Nước loạn mới biết tôi trung” và “Có thử lửa mới biết lòng vàng”. Ôi cao thượng và đáng kính trọng thay những người con Việt ấy trong thời loạn!

Thưa bạn, đấy là nước Việt yêu mến của tôi, với những truyền thống và văn hóa đặc thù, một xã hội tôn trọng nhân quyền, một nền giáo dục khai phóng và nhân bản, và tình đồng bào đùm bọc, chở che.

Buồn làm sao khi non sông gấm vóc mà tổ tiên ta đã bỏ bao nhiêu xương máu, công sức để gầy dựng bây giờ đã về tay Cộng Sản. Những người này là kẻ vô thần, vô lương tâm, vô tri và gian ác. Ngoài vụ cướp đoạt tài sản, đất đai của dân, chúng còn cõng rắn cắn gà nhà, rước giặc Tàu về chiếm đoạt giang san. Kẻ thù hiện nay của dân Việt là giặc nhà, ruột từ trong thối ra. Thử hỏi ai là người Việt có tâm hồn mà không khỏi lòng đau như cắt.

Ôi quê hương tôi! Ôi giông bão!
Cao Minh Nguyệt.
Ngàn Năm Anh Vẫn Nhớ.
                                             Trăm năm yến tiệc linh đình
                                             Ngàn năm anh vẫn nhớ mình mình ơi!”
(Tác giả: vô danh)
Dì ơi, với trang giấy vô tri, ngữ vựng nghèo nàn, lối hành văn thô thiển, làm sao con có thể kể hết mà không làm sai lạc cái đẹp thanh cao chuyện đời dì và tình yêu bất tử của dượng dì mà con yêu kính muôn vàn? Nhưng con phải viết. Con cần thố lộ lòng nhớ thương triền miên của con đối với dì dượng, ấp ủ đã lâu, từ ngày dì dượng theo nhau vĩnh biệt cõi đời. Không viết được như có cái gì đau nhói, gặm nhấm tim con. Đối với con, dì dượng là cha mẹ thứ hai mà thượng đế đã thương tình ban tặng cho con.
Tháng năm lần lượt đi qua, Xuân tàn Đông đến bao nhiêu bận, trong khi tôi vẫn nằm mơ thấy dì dượng, vẫn còn cố bám víu, kéo níu lại hai bóng hình đã lùi xa nơi vô tận.
Ngày xưa tôi đã theo xe hoa đưa dì về nhả chồng. Dì hạnh phúc nhưng không hớn hở giữa ba trăm quan khách và lễ lộc trang nghiêm. Vì ngày đó dì bỏ lại sau lưng tuổi thơ con gái, xa mẹ goá và chín người chị thân yêu để về sống với một gia đình mới, cảnh lạ đường xa:
Thiếp thương phận thiếp còn thơ
Lấy chồng xa xứ bơ vơ một mình”
 ̣(ca dao)
Quyển tiểu thuyết bằng ngoại ngữ đầu tiên tôi đọc là Wurthering Heights của nữ văn hào Emily Bronte, dịch ra tiếng Pháp, là của dì cho tôi. Chuyện phim đầu tiên mà cả hai dì cháu tôi cùng thích là Gone With The Wind. Hai chiếc áo dài đầu tiên tôi mặc lủc mới lớn lên cũng là quà của dì tặng tôi và dẫn đi chọn hàng. Tôi còn nhớ đã chọn hàng the màu tím hoa cà và màu vàng hoa mai. Tình yêu đầu của tôi, tôi không tiết lộ cho dì mà dì biết và đã khơi ra để hàn huyên với tôi như một người bạn.
Lúc Sài Gòn tao loạn giữa đệ nhị thế chiến, cả gia đình bên ngoại chạy về quê, lúc sống dưới thuyền, khi lên bộ. Đại gia đình phân phát cho tôi đi theo dì dượng và gia đình bác sĩ Bửu, em rể của dượng. Tôi còn nhớ rõ mồn một những ngày rày đây mai đó với dì dượng. Đời sống di tản, tuy ở nhà nền đất nhưng cũng có hai phu chèo thuyền, vú em và chị bếp. Tuy nhiên mỗi người trong gia đình ai cũng làm công kia việc nọ và đối đãi người làm rất ưu ái, thân tình. Nhà có phòng nhỏ ở mặt tiền dành làm phòng mạch miễn phí cho những người hàng xóm xa gần. Mỗi khi giặt giũ thì người giúp việc phải nấu quần áo trong một nồi cao, to kình càng suốt một tiếng đồng hồ. Rau ăn sống vẫn phải rửa bằng nước tím như hồi còn ở Sài Gòn. Có lần tôi bị ghẻ lở ở mông, chính dì đã rửa nước tím mỗi ngày và thoa thuốc cho tôi. Thuở ấy em Nga, con dì, hay đau ốm, khó ăn nên chị vú thường cho em ăn khoai tán. Đời sống giặc giã mà cũng nhiều kỷ niệm thương yêu khó quên.
Sau khi trở lại Sài Gòn một thời gian, dượng giao phòng mạch cho một bác sĩ bạn rồi cùng dì và mấy con sang Pháp. Dượng mua một căn nhà nhỏ, ngay metro Maubert Mutualité, quận 5, Paris, để ở và gửi các con đi học nội trú ở các trường đạo ngoài ngoại ô Paris. Ba má tôi cũng gửi tôi sang Pháp học để có dượng dì trông nom, dìu dắt và đưa đón tôi ra ngoài chơi mỗi cuối tuần và ngày lễ. Hai em tôi, Nguyệt Ánh và Nguyệt Chiêu cũng được ba má tôi gửi sang Pháp học sau đó, nhưng khi ấy dượng dì đã trở về nước rồi. Với dì dượng tôi đã được ngao du thắng cảnh gần như toàn lảnh thổ nước Pháp, Bắc, Trung, Nam: Sceaux, Lyon, Tours, Chateaux de La Loire, các vườn nho, các nơi làm rượu, Bordeaux, Marseille, Montpellier, Cannes, Nice, Provence, …
Mỗi ba tháng hè dì dượng thuê một biệt thự trên một đỉnh đồi thơ mộng ở Nice cho gia đình dì dượng, các em và tôi. Ba má tôi có lo chỗ ăn ở cho tôi tại Paris những tháng nghỉ hè, nhưng dì dượng nhất quyết bắt tôi đi theo cho dì dượng đỡ lo. Tôi còn nhớ một chuyện buồn cười nhất là một hôm gia đình ghé vào một quán ăn nơi một tỉnh rất nhỏ, thưa người. Bỗng bà chủ quán hớt hải chạy vào phòng ăn hỏi to “Trong mấy người có ai là bác sĩ không? Xin giúp dùm chồng tôi đang bệnh trở chứng”. Dượng tôi đưa tay lên và được mời lên gác chẩn bệnh cho ông chủ quán. Xong xuôi dượng trở lại bàn mình và hỏi bà chủ đã cho chồng bà ăn những gì và ông có ngủ được không. Bà chủ quán ngây thơ trả lời “Tôi ngủ với chó tôi chứ đâu có ngủ với ổng mà biết”. Cả quán phá lên cười. Chuyện vui quá làm chúng tôi quên mất bửa ăn đó ngon hay dở. Tuy ở Nice, dượng dì tôi vẫn chọn bãi biển Juan Les Pins để đi bơi hằng ngày, vì chỗ nầy ít gió, sóng hiền và bờ biển toàn cát mịn chứ không đá to lổm chổm như ở Nice. Hơn nữa địa điểm Nice gần Monaco nên dượng Út thường chở cả nhà sang bên ấy chơi. Ôi, những ngày tháng nầy làm sao tôi quên được? Có dượng dì, tôi không phải cô đơn, có nhà, có tình thương và được chăm lo săn sóc đủ mọi điều. Dượng dì ơi. Sao nỡ vội ra đi?
Khoảng hơn bốn chục năm sau tôi ghé thăm Nice với chồng con tôi. Tôi nhờ ông xã lái xe chạy vòng lên các dãy đồi ở Nice để tìm lại dấu tích yêu mến xưa, nhưng than ơi “Tìm đâu cho thấy một ngày xưa?”. Cảnh vật đã thay đổi nhiều và người thương thì nay đâu còn nữa. Chiều hôm ấy chồng tôi lái xe đưa tôi ra bãi biển cho tôi sống lại những chuỗi ngày vui xa lăng lắc ấy. Tôi ngồi viết bài thơ sau nầy mà nước mắt chan hòa khiến chồng và các con tôi cũng mủi lòng ướt mắt theo luôn.
Bốn Mươi Năm Lẻ
Bốn mươi năm lẻ qua rồi
Hôm nay đến Nice tôi ngồi ngó quanh
Nhớ Nga rỡn nắng vàng hanh
Nhớ dì dượng Út xuân xanh mặn nồng
Sóng lô nhô bãi chiều hồng
Cảnh xưa người khuất cho lòng hắt hiu
Các cô con gái diễm kiều
Cùng đoàn trai trẻ dập dìu sánh đôi
Nice của người, mộng của tôi
Vời trông bóng dáng xưa trôi hiện về
Bốn mươi năm lẻ qua rồi
Hôm nay đến Nice tôi ngồi khóc thương.
Thương gửi em Nga và kính tặng hương hồn dì dượng Út.
(Hoàng Minh Nguyệt)
Trở về một dĩ vãng xa hơn nữa của đời dì tôi. Tôi nghe má tôi kể lại rằng lúc bà ngoại sinh dì ra, ông bác sĩ bế đứa hài nhi đỏ hỏn đến ra mắt cha nó. Ông chúc mừng ông ngoại tôi vừa được thêm một gái mạnh khỏe xinh xắn. Ông ngoại tôi chỉ nhìn con với nửa mắt rồi không vào phòng thăm vợ mà quày quả ra về ngay. Ông vừa nhận lãnh một thất vọng lớn lao nhất đời ông. Vì ông bà ngoại tôi đã có chín người con gái. Ông ráng thêm lần chót để mong có được một nam tử nối giòng. Ngờ đâu lại thêm một tiểu thư, dù mũm mĩm dễ thương đến đâu cũng vẫn là con gái “nữ sinh ngoại tộc”. Ông đã chọn sẵn một tên cho cậu con trai chờ đợi mong ước là Võ Văn Quý. Nhưng “Cho hay trời chẳng chiều người” (Kiều), nên ông buồn bã, không màng tìm tên khác mà chỉ đổi chữ văn thành chữ thị cho tên dì tôi.
Lúc sinh tiền ông ngoại tôi hay đãi đằng bạn bè thân hữu ở nhà. Bà ngoại tôi là con gái cưng của một gia đình Tàu lai. Cha mẹ nàng không bắt con phải học nấu nướng thêu thùa gì cả. Ông ngoại tôi phải thuê mấy ông đầu bếp giỏi có tiếng ở Sài Gòn về Vĩnh Long dạy nấu nướng cho mẹ tôi, con gái đầu lòng yêu quý của ông. Rồi ông giao trách nhiệm, quyền hành chợ búa nấu nướng đãi khách cho mẹ tôi. Sau nầy khi có gia đình, mẹ tôi có mở trường dạy nữ công gia chánh ở Sài Gòn. Trong các học trò của mẹ tôi có một bà làm dâu một gia đình giàu xụ, nhưng lại có đông dâu. Đến ngày giỗ chạp các chị em bạn dâu tranh nhau nấu món ngon vật lạ trong khi vẫn giữ kín bí quyết của họ. Bà thấy mẹ chồng quý nể mấy con dâu kia hơn nên bà lên Sài Gòn học với má tôi. Thành tài rồi bà được cả mẹ chồng và mấy bà dâu kia xuống nước nể nang bà vô cùng. Để tạ ơn thầy, lần nào bà lên Sài Gòn là nhà tôi có cả mấy tá gà, vịt trái cây đủ loại.
Ông ngoại tôi là chủ điền ở Ngã Tư Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, thường được lối xóm láng giềng kính nể. Nhưng ông có khuyết điểm lớn là rất gắt gao về phong tục lễ giáo, vậy mà ông anh cả của ông ngoại, có một lượt đến ba bà vợ ở chung nhà. Tuy nhà đồ xộ, có một dãy phòng riêng cho gia nhân, nhưng cũng là một nhà, ra vào chạm mặt nhau, thế mà ông ngoại tôi không dám chê bai chỉ trích gì cả. Trong khi người em Út của ông cưới một người đàn bà nết na, đức hạnh, chỉ phải cái tội là không môn đăng hộ đối với gia đình chồng, thì ông ngoại tôi từ em, không cho lui tới nhà. Thậm chí tới lúc gần chết, người em tốt bụng đến thăm anh. Ông ngoại tôi chồm dậy la hét, đuổi em ra khỏi cửa. Tuy thế ông ngoại tôi vẫn là người tốt, hết lòng thương lo cho vợ con.
Dì Út tôi lớn lên trong gia đình mười chị em, rất thuận hoà, thương yêu lẫn nhau. Đứa nhỏ kính trọng đứa lớn. Chị cả chăm sóc che chở cho đàn em. Mẹ thì hiền như bụt nhưng rất đảm đang việc nhà cửa, chồng con. Sau khi gả chồng cho bốn con gái đầu thì ông ngoại tôi mất. Dì Út tôi lúc ấy học nội trú trường Gia Long ở Sài Gòn. Dì rất thông minh, hoà nhã, tóc dài, mắt nâu đen quyến rũ, nụ cười hiền. Dì dong dỏng cao. Dì đẹp tự nhiên. Cái đẹp không son phấn, là lượt mà vẫn có sức thu hút ánh mắt chiêm ngưỡng của nhiều khách lại qua. Trông dì, tôi không khỏi nghĩ đến hai câu thơ của Quắc Quốc phu nhân ngày xưa khi bà vào chầu vua:
Bất hềm điểm phấn ô nhan sắc.
                           Đạm tảo nga mi triều chí tôn.”
Một hôm được mời ăn tối ở nhà người bạn, dì gặp một chàng trai vừa đỗ bằng bác sĩ ở Pháp về. Chàng rất cao, điển trai, chỉ gặp dì có một lần mà đã xao xuyến tâm can. Từ đấy chàng cứ đeo đuổi dì tôi, hoặc trước cổng trường Gia Long hoặc ở những nơi dì hay lui tới. Nhưng chàng vẫn chưa bao giờ được cô nữ sinh tóc dài kia ban cho một lần hò hẹn. Đời má tôi, nghĩa là hồi ông ngoại còn sống vẫn còn “Nam nữ thọ thọ bất thân”. Má tôi là con gái đầu lòng, cha mẹ đặt đâu, con phải ngồi đó. Bà chỉ học được tới lớp nhất, không phải vì nhà nghèo, mà vì theo lề lối xưa, con gái không cần chữ nghĩa nhiều. Chỉ lo công, ngôn, dung, hạnh là đủ để sau nầy thờ chồng và dạy dỗ con. Sau đám hỏi chính thức với ba tôi qua mai mối, lúc ra đường gặp ba tôi đến chào hỏi gợi chuyện, mẹ chỉ cúi đầu, ngoảnh mặt đi nơi khác. Chẳng biết trong lòng bà có giao động không? Ấy thế mà mẹ tôi rất khá thi văn, chữ nghĩa. Bà thuộc lòng nhiều bài thơ, thành ngữ, ca dao. Có lẽ ông ngoại tôi đã dạy thêm ở nhà. Ba tôi là người to tiếng nhưng mẹ tôi thì lại nhỏ nhẹ nhưng lại định đoạt hầu hết các việc quan trọng trong gia đình. Ví dụ như lúc tôi muốn du học ở Pháp, tôi cứ hỏi phép mẹ tôi, để bà lo liệu về việc chấp thuận của ông già và bao chuyện linh tinh khác.
Hình như tôi đã đi xa đề tài câu chuyện, nhưng tôi nghĩ là lối sống của những người trong gia đình ông ngoại tôi và những gì xảy ra nơi ấy đều có ảnh hưởng không nhiều thì ít đến tính tình và sự suy luận của dì tôi. Châm ngôn ta há chẳng có câu “Nuôi heo chọn giống, cưới con gái chọn dòng” hay sao?
Xin kể tiếp mối tình của dì dượng tôi. Dượng, tên Trần Văn Còn, là con trai duy nhất của gia đình ông Huyện Muôn ở Mỹ Lòng, Bến Tre. Ông H. Muôn cũng có hai bà vợ ở chung nhà. Ông có ruộng đất mênh mông, cò bay thẳng cánh. Ngày xưa thuở thập niên hai mươi, ba mươi, ai đi học ở Pháp về là có thớ lắm. Hơn nữa dượng lại là con nhà giàu. Các gia đình có con gái đều gấm ghé cho con mình được về nâng khăn sửa túi cho chàng trai nầy. Ông Huyện Muôn cũng muốn cho con trai mình lập gia đình để được có cháu nối dõi tổ tông và phụng thờ hương lửa. Dượng tôi muốn vừa lòng cha mẹ nên cũng thuận lui tới với gia đình vài cô gái, nhưng chưa chấm được cô nào cả cho đến hôm gặp dì tôi thì dượng sa lưới tình ngay, như Kim Trọng của Nguyễn Du, ­­
Lại mang lấy một chữ tình.
                                 Khư khư mình buộc lấy mình vào trong”.
Sau khi dì tôi học xong trung học, gia đình bên dượng nhờ mai mối đến hỏi dì tôi cho dượng. Bà con lối xóm ai cũng rất đỗi ngạc nhiên khi nghe bà ngoại tôi không bằng lòng gả con cho người ta. Hỏi bà thì bà nói rằng cậu ấy đi chơi với nhiều người mà không cưới người ta là thất đức. Gả con cho cậu sợ sau nầy con cháu mình bị quả báo. Dượng tôi khổ sở, thất vọng khôn cùng. Nhưng rồi tình yêu cũng thắng, tuy tình yêu lúc ấy chỉ có đơn phương thôi. Nhưng dượng không lung lay, nói rằng nếu không lấy được dì thì không cưới vợ. Lại có một ông thầy tướng số nổi tiếng hay như tiên tri, xem tuổi và chỉ tay cho dì Út, nói với bà ngoại tôi và cả nhà là dượng dì có duyên tiền định, nếu lấy nhau sẽ rất tốt. Thêm nữa sự trì chí của dượng đã chiếm được lòng dì tôi, nên dì ngỏ lời với người quen chung là nếu gia đình dượng cho mai mối đến lần thứ hai, thì dì sẽ thuyết phục bà ngoại gả dì cho dượng. Quả như dì nói, lần nầy bên nhà trai đến hỏi, bà ngoại tôi bằng lòng cho đôi trẻ kết hôn. Có lẽ nhờ ảnh hưởng của ông thầy bói và vì bà ngoại tôi cũng xiêu lòng khi thấy chàng trai nầy yêu con mình nhiều như thế. Hơn nữa bà thấy con mình cũng thương người ta.
Ngày lành tháng tốt đã được chọn. Hôn lễ được cử hành trong không khí trang nghiêm nhưng không ai khóc cả. Dì tôi khỏi phải làm dâu. Dượng đã mua sắm nhà riêng và mở phòng mạch ở BếnTre. Trong vòng chưa đầy ba năm dì dượng cho ra đời hai cậu trai kháu khỉnh nên bên nội mừng rỡ khôn cùng. Sau đó dì dượng tôi dọn về Sài Gòn. Có lẽ để có trường học tốt cho các con. Cả nhà bên ngoại tôi cũng dọn về Sài Gòn trong thời điểm đó. Mẹ con, chị em lại tương phùng. Mẹ góa và mười con gái thương nhau vô tận. Họ đi chơi chung với nhau, chụp hình, quay phim, líu lo chíu chít như một đàn gà. Dượng tôi rất thỏa mãn thấy vợ mình hạnh phúc. Người ta phần đông không muốn gần gũi lắm gia đình bên vợ. Dượng tôi thì trái lại thương quý gia đình bên ngoại tôi vô cùng. Tình thân và liên lạc ấy không thay đổi cho đến ngày dượng mất.
Dượng dì lúc nào cũng gần gũi nhau như chim liền cánh cây liền cành, tối ngày gọi nhau bằng chéri, chérie. Dì tiếp tục sinh thêm cho dượng ba đứa con nữa: hai trai, một gái. Vị chi tất cả là năm người. Trong những bữa cơm với con cái, và đôi khi có chị em, bà con, dượng thường lòn tay xuống gầm bàn để nắm tay vợ và hai người nhìn nhau âu yếm mỉm cười. Họ hạnh phúc vô biên.
Nhưng một năm kia dì tôi bị cancer xương. Dượng tôi đưa dì qua Paris để trị bệnh. Dượng tìm tới trước sau tất cả chín vị bác sĩ có tiếng nhất về cancer để trị bệnh cho dì. Nhưng bệnh dì vẫn không thuyên giảm, nên sau hơn nửa năm chạy chữa dì dượng trở về Việt Nam để cho dì gần gia đình trong những ngày cuối.
Dì nằm liệt suốt ngày. Nằm đó mà lo ngại cho các con, nhất là đứa bé nhất, em Vĩnh, sẽ ra sao lúc dì không còn nữa. Dì rất sợ cho nỗi cô đơn sắp tới của dượng. Dì thương mẹ, thương các chị từ đây sẽ vắng dì. Dì không sợ chết mà chỉ sợ cho những người còn ở lại. Dì ơi, cả đời dì luôn vị tha, nghĩ đến người khác, cả đến lúc lâm chung.
Rồi phút lo sợ nhất của mọi người trong gia đình đã đến. Dì tôi trút hơi thở cuối cùng trong một đêm không trăng, cỏ cây, chim chóc, vạn vật hình như cũng để tang dì. Dượng tôi già hẳn đi sau đó. Bà ngoại tôi khóc gần ngất lịm đi. Cảnh tre khóc măng cào xé lòng người chung quanh. Các con của dượng dì thảm não, nhìn thương hại vô cùng. Má tôi và mấy dì xúc động không lời, nhưng lệ tuôn như mưa dầm.
Sao Chúa lại gọi một người toàn vẹn như dì đi sớm thế? Các con dì cần dì, bà ngoại, má con và các dì cần dì, con cần dì. Nhất là dượng, làm sao dượng có thể sống bình thường lại được khi người yêu quý nhất đời dượng đã bỏ dượng ra đi? Thế giới của dượng từ đây, càng đông thiên hạ, càng thấm thía cái nỗi quạnh quẽ cô đơn nhiều hơn,
Trăm năm yến tiệc linh đình
                         Nghìn năm anh vẫn nhớ mình, mình ơi”(vô danh).
Đã đành trần gian là cõi tạm, cuộc sống sau đó mới là vĩnh cửu, nhưng dì còn trẻ quá, dượng vẫn còn đang độ sung mãn, các con dì trìu mến mẹ rất nhiều, mọi người trong gia quyến gần xa đều xem dì như thần tượng. Trời ơi, làm sao con nói hết được nỗi lòng của con và của những người thân yêu trong tiểu gia đình của dì và đại gia đình của chúng ta? Riêng đối với con, dì là người dì yêu quý và toàn vẹn nhất trên đời. Dì ơi, con sẽ thắp nén hương lòng để tưởng nhớ dì mãi mãi và noi gương sáng dì để lại.
Ngày tôi sang Mỹ, dượng tôi đi làm trễ để có thì giờ tiễn tôi đi. Dượng nói: “Dì Út lúc còn sống rất thương cháu, vì cháu sống gần với dì dượng hơn các cháu kia. Dượng cũng xem cháu như con của dượng. Nay cháu sắp có một đời sống hạnh phúc, dượng rất vui mừng”. Dượng đã đổi sẵn một số tiền ra Mỹ kim để tặng tôi.
Sau năm 75, các con đã thành gia thất, dượng sang Paris ở và mở phòng mạch nơi đấy. Nhà dượng trưng bày la liệt hình dì. Dượng mang theo cả quần áo của dì và trân giữ chúng nó cho đến ngày dượng mãn phần. Năm nào dượng cũng làm giỗ tưởng niệm dì, không bao giờ sai chạy. Ôi, tình nặng như non, nghĩa sâu tợ bể. Dượng đã như gà trống nuôi con cho đến ngày các con đủ vây cánh đối chọi với đời. Trong gia đình dượng, con, rể, dâu, cháu có tất cả mười người bác sĩ và một dược sĩ ngoài những nghề nghiệp hữu ích khác cho xã hội. Con gái duy nhất của dì dượng, bác sĩ Lê Nga, chồng là bác sĩ Lê Thanh Hà, và ba con trai của cặp Nga-Hà, BS Lê Tạo, BS Lê Thông, BS Lê Hạo và ba người con dâu bác sĩ, chẳng những hành nghề y khoa mà còn cho ra những quyển sách y khoa giá trị, được đồng nghiệp nể nang. Ngoài ra, em Nga và dượng Hà đã bao lần qua lại Việt Nam và Haiti, biếu tiền và trị bệnh miễn phí cho đồng bào và dân nghèo ở các nơi đó. Cặp Nga-Hà còn dự định trở về sống ở Việt Nam để tiện bề giúp đỡ đồng bào khốn khổ. Dượng Út đã thành công khả quan trong mọi công việc dượng làm và dìu dắt các con nên người hữu dụng cho đời, cho xã hội. Dì Út con ở suối vàng chắc đã được mãn nguyện lắm.
Con trăm ngàn kính lạy tạ ơn dượng dì đã lo lắng cho con trong những ngày di cư, những tháng năm ở Pháp, cho con những kỷ niệm khó quên trong đời, làm gương tốt cho con noi theo, và nhất là tình thương dì dượng cho con mênh mông như bể rộng sông dài.
Kính thương,
Cháu Hoàng Minh Nguyệt.
 
Mừng Cố Nhân Về Lại Mỹ Tho
Mừng cố nhân về lại Mỹ Tho
Sông xưa xin đón khách sang đò
Quê tôi lam lũ nhưng tình rộng
Bước khẽ đừng lay động ý thơ
 
Mời khách dừng chân nơi bến cũ
Ruộng vuông, mương ngắn lắm niềm đau
Mỹ Tho tỉnh hẹp bao nhiêu mẫu
Mà chứa than ơi vạn cổ sầu
 
Giọng hát hoài lang đầy tuyệt oán
Đêm dài bóng chiếc ngả song thưa
Anh đi chiến trận tình phiêu lãng
Tôi ở thành đô mộng ước thừa
 
Gió lộng cành tre xoay lắc lay
Mây chiều phiêu bạt lửng lơ bay
Người xưa đã quyết không nhìn lại
Thì luyến chi ai giấc mộng dài
 
Mừng cố nhân về lại Mỹ Tho
Hàng dừa soi bóng nước lô nhô
Máy chèo khua động rung rinh sóng
Tủi nước thương làng dạ ngẩn ngơ
 
Những bờ tre sậy, những cồn lau
Tuy chốn quê xưa quá ngọt ngào
Nhưng hãy quên đi tình quá khứ
Sống đời cho trọn nghĩa thanh cao
Hoàng Minh Nguyệt
 
Có Phải Là Anh?
Tình cờ đọc đoạn thơ mưa
Tay run chợt ngỡ người xưa hiện về
Tên quen cuối góc rõ đề
Tôi hoang mang hỏi: tên ngườì? tên anh?
 
Bao năm rồi nhỉ anh hề
Ta sao biết được ai về, ai đi?
Duyên xưa dẫu chẳng vuông tròn
Còn đây chút nghĩa, dậm mòn nhớ nhau
 
Paris, Paris chiều mưa bay
Yêu nhau thuở ấy nhiều mong dài
Sân trường ghế đá hồn u hoài
Em đọc thư anh rồi mơ say
 
Paris, Hoàng Diệu tháng ngày
Bên kia Chức Nữ, bên này Ngưu Lang
Em buồn, anh luống bàng hoàng
Em vui, anh sợ dậm ngàn em bớt thương.
 
Paris chiều nay nếu còn mưa bay
Em không luyến tiếc mối tình không dài
Em cũng chẳng còn trông ngóng lắm
Mong ký ức vẫn đẹp tuy tình đã lạt phai.
Hoàng Minh Nguyệt.
 
 
Dở Dang
Thu đến cây khoe sắc đỏ vàng
Luật đời ai níu được thời gian
Tim đau ngoái lại mùa thu cũ
Ngày ấy thanh bình, mộng chứa chan
 
Ngày ấy thanh bình mộng chứa chan
Tay trong tay dưới ánh trăng vàng
Ta yêu nhau, nghĩ gì giông bão
Đâu biết sau mình sẽ dở dang
 
Đâu biết sau mình sẽ dở dang
Thế rồi đôi ngả biệt quan san
Em đi, tìm một tương lai sáng
Anh về, chiến trận giữ gian san
 
Anh về, chiến trận giữ gian san
Ta hứa trung trinh dẫu dậm ngàn
Nhưng rồi xa cách, rồi năm tháng
Chung cuộc tình mình đã dở dang.
Hoàng Minh Nguyệt.
 
La Vie Est Un Rêve, Et Rêve Est
Qui aurait su qu’au crépuscule de ma vie
Ton arrivée réveillait en moi un firmament de magie
Te rends tu compte que, totalement, tu as conquis
Mon coeur, mon âme et mon esprit?
 
Mon coeur dit oui, mon esprit en désarroi
Ne me demande pas comment et pourquoi
Pourquoi sont mes cheveux noirs?
Pourquoi est l’océan de couleur turquoise?
 
Oh rivière d’âme, oh courant de passion
Un moment tes flots sont enceints d’émotions
Autres instants on n’y trouve qu’oblitération
Pourtant je te suivais aveuglement
Parce que je t’avais vendu mon âme depuis longtemps
 
Quand les rayons du jour s’en vont
Ensemble nous perdons notre raison
Vers le stratosphère nous voyageons
Nuit après nuit les rêves sont notre monde
 
Maintes fois tu me chuchotais
Mon amour, réjouissons-nous des moments présents
Car la vie est un rêve , et rêve est
Ce qui vient demain nous ne savons jamais.
Hoàng Minh Nguyệt
 

Liệt Nữ

Há phải râu mày mới gió sương
Quần hồng bao thuở dẹp biên cương
Hạn Vũ dẫu danh lừng muôn hướng
Ngu Cơ tiết nghĩa vẹn mười phương
Người dẫu đi hồn còn bất diệt
Thời gian muôn thuở cõi vô thường
Bao năm khói lửa ngời sông núi
Đất Việt vẫn tồn dưới ánh dương
Hoàng Minh Nguyệt.

*Đầm LONG MÔN: nguồn: ĐIỂN TÍCH CHỌN LỘC của Mộng Bình Sơn. Ngày xưa tại huyện Long Môn thuộc tỉnh Quảng Đông có một cái đầm nước rất đẹp, các trai tài gái sắc thường dạo chơi trong dịp cuối thu. Vào mùa này, các cây cối đều rụng lá, riêng có hai loại cây Mai và Trúc lá vẫn xanh tươi, làm chú ý mọi du khách đi thưởng ngoạn, trong số đó có nàng Hoàng Kỳ Mai và chàng Lâm Bá Trúc, một người bẻ một cành Mai,ngươi kia bẻ một cành Trúc rồi thề nguyền “Hai cành trúc mai, là đôi chúng ta. Nếu quả lương duyên trời định, chúng ta nên vợ nên chồng, thì sau khi chúng ta cùng nhau ném cành mai và cành trúc này xuống mặt hồ, mỗi nơi một vật, nếu gió đưa nước cuốn hai cành trúc mai họp nhau lại, thì đó là trúc  mai hòa hợp chúng ta sẽ về thưa lại với song đường tác hợp lương duyên”. Kết quả là hai cành trúc mai hiệp nhau một chỗ nên Lâm Bá Trúc và Hoàng kỳ Mai được tác thành chồng vợ.