Chiều Lạnh Giáo Đường- Vi Vân

 CHIỀU  LẠNH  GIÁO  ĐƯỜNG
                                                          VI VÂN
   
   Tôi quen anh vào đêm sinh nhật của Hoàng Yến, bạn thân của tôi. Trong số khá đông bạn bè đến dự anh đã nổi bật với dáng dấp phong trần, nước da ngâm đen, đôi mắt sáng nhưng cười ưu tư xa vắng không trọn vẹn. Anh đã đứng lên hát một bài tình ca của lính, nhưng không giới thiệu tên mình. Giọng anh trầm buồn, ray rứt như nỗi cô đơn của người lính nơi địa đầu giới tuyến. Giọng ca mang âm hưởng lao xao của lá cây rừng trong một chiều hành quân dừng chân bên đồi vắng.
     Anh đã làm mọi người xúc động, bao nhiêu cặp mắt đều hướng về anh và có nhiều tiếng xì xầm “anh ta là ai vậy?” Riêng tôi, tôi đã biết anh là ai rồi vì Hoàng Yến đã từng nói với tôi nhiều về người này, nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp mặt. Anh là anh ruột của Hoàng Yến tên Huy, Phạm ngọc Huy xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đang phục vụ tại Sư đoàn 21 Bộ Binh. Yến đã có ý định giới thiệu Huy cho tôi lâu rồi nhưng tôi từ chối vì tôi chưa bao giờ biết mặt anh.
     Hôm nay tôi được gặp anh, dáng dấp, nụ cười, tiếng hát
của anh đã làm tôi bâng khuâng xao xuyến, tôi có cảm giác thật gần gũi với anh như đã quen từ lâu rồi vậy. Ý nghĩ đó làm tôi tự hổ thẹn, nên giữa lúc mọi người đang vui vẻ ồn ào tôi lén bỏ ra ngoài, đi vòng về phía sân sau.
     Đứng dưới cây ngọc lan có tàng lá lớn tôi nhìn ra, ngoài kia dòng sông đang âm thầm chảy trong bóng đêm mang theo những cụm lục bình với nhiều hình dạng khác nhau như liêu trai, như ma quái.
   Tôi bỗng rùng mình định quay vào trong, chợt có tiếng nói vang lên làm tôi giật thót người:
    – Làm gì đứng một mình ở đây vậy Chi?
    – Ồ, anh Huy, anh làm Chi giật mình. À, sao anh biết tên của Chi vậy?
    – Sao Chi cũng biết anh tên là Huy?
    Tôi nhìn anh, anh nhìn tôi, rồi cả hai bật cười, thì ra Hoàng Yến đã “bật mí” tất cả rồi.
 Sau đó cả hai không nói một câu nào.
   Đêm trôi thầm lặng cô đơn.Tiếng rì rào của dòng sông như âm vang của một cung nhạc buồn mênh mông xa vắng. Một cơn gió thoảng qua mang hương thơm nhè nhẹ của hoa sứ, hoa ngọc lan trong vườn. Tôi nhìn lên bầu trời bao la, âm u, thăm thẳm…trong lòng có chút bối rối vì biết Huy đang nhìn tôi. Tôi khẽ ho nhẹ, Huy vội hỏi:
    – Em có sao không Chi ?
    Ô hay, cái anh chàng này từ lúc nào đã gọi tôi bằng em thân mật thế, nhưng tôi không phản đối vì thật ra Huy lớn tuổi hơn tôi nhiều mà.
    Huy chợt hỏi bất ngờ:
    – Chi có chịu làm bạn gái của anh không? Yến giới thiệu Chi cho anh đó.
     Tôi cúi mặt không trả lời. Mấy ông lính sao nhanh miệng thế. Thật ra tôi đã cảm thấy mến anh rồi, nhưng tôi phải nói sao đây, tôi là con gái mà.    
    Huy nhìn tôi:
    – Em đã là sinh viên rồi, đâu còn nhỏ bé mà e thẹn, ngại ngùng thế. Chúng ta chỉ làm bạn để tìm hiểu nhau thôi, nếu hợp thì mới đi xa hơn nữa.
    Tôi vẫn không nói câu nào. Huy chuyển qua đề tài khác. Huy kể cho tôi nghe về cuộc đời lính chiến của anh, những gian lao, nguy hiểm, sự sống chết đe dọa hằng ngày, những trận đánh ác liệt anh đã tham dự, những tang tóc anh đã chứng kiến, những đớn đau, những phẫn uất khi nhìn bạn bè gục ngã …và Huy kết luận:
    – Chính vì vậy mà cho đến giờ này anh vẫn chưa dám nghĩ tới chuyện lập gia đình, chỉ sợ khổ cho người mình yêu thôi.
    – Anh đã có ngườì yêu? Tôi bạo dạn hỏi.
      – Chưa, chưa gặp người vứa ý, nhưng chắc cũng sắp có rồi.
    – Nghĩa là sao ? Chưa…nhưng sắp.  Anh thật khó hiểu.
    Huy cười:
     – Rồi Chi sẽ hiểu.
     Đám bạn bè trong nhà chạy đi tìm tôi và Huy:
    – Bắt gặp tại trận rồi nhé. Hai người trốn ra đây để tâm tình à ?
    Huy lên tiếng :
    – Nói chuyện chiến trường cho Chi nghe thôi. Cũng có thể gọi là tâm tình của lính.
    Yến bảo :
    – Thôi vào ăn bánh sinh nhật của mình đi, rồi còn màn khiêu vũ nữa chớ.
     Chúng tôi cùng bước vào nhà. Ở đây không khí thật vui nhộn.     Đám bạn bè của chúng tôi lúc nào cũng thế, lúc nào cũng ồn ồn, ào ào như cái chợ mỗi lần họp bạn.
   Buổi dạ vũ bắt đầu bằng một bản Pasodoble vui tươi, nhưng rồi không khí chợt lắng dịu lại khi bản nhạc buồn được một ca sĩ “không chuyên nghiệp” cất lên.
    Không bỏ lỡ cơ hội, Huy chạy đến nắm tay tôi kéo ra sàn nhảy. Anh dìu tôi lướt đi trên dòng nhạc tình buồn lâng lâng:
 
   “Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài, gắn bó đôi lời.  Ta quen nhau lần đầu, duyên chưa đậm màu cũng đã say nhiều…
    Đêm nay không còn dài xin cho vài lời chớ trách nhau hoài. Lời từ ly êm ái để đâu không nói đêm này…”.
 
    Huy bỗng nghiêng đầu vào tai tôi khẽ nói:
    – Sao buồn quá em nhỉ? Vừa mới quen nhau mà đã nói lời từ ly rồi.
    Tôi cười:             
    – Vậy mới gọi là nhạc, là thơ chứ anh, phải có chia ly đau khổ mới đẹp.
    Giọng ca nức nở của Diễm Hồng vẫn vang vang :
 
   “Từ ngày mai ngăn cách, hết rồi là khi đưa đón.  Có mấy ai không buồn lúc duyên chưa tròn thương mến.  Em lên xe hoa rồi, biết rằng sầu để một người …”.
 
    Huy xiết chặt tay tôi :
    – Em có lên xe hoa để sầu lại cho anh không ?
    Vừa nói Huy vừa đặt lên môi tôi một nụ hôn làm tôi không né tránh kịp. Tôi chới với, tôi ngỡ ngàng, tôi thấy hồn mình như bay lên tận đỉnh trời cao và đôi mắt anh nhìn tôi say đắm, long lanh buồn hơn những vì sao đang lạc lõng giữa trời khuya. Nụ hôn đầu tiên anh dành cho em sao tha thiết quá, sao mật ngọt quá, có phải chăng đó là tình yêu anh đã dành cho em ?
    Không, không thể nào, mới quen nhau có vài tiếng đồng hồ thôi mà. Anh đừng đưa em vào ảo mộng Huy ơi, đừng làm con tim non nớt của em rớm máu, đừng bỡn cợt với một cô bé mới bước chân qua khỏi ngưỡng cửa trung học, đừng làm như vậy tội nghiệp em. Tôi gỡ tay Huy ra và lặng lẽ đến ngồi một mình ở cái bàn trong góc tối.
     Huy chạy theo, giọng thành khẩn :
    – Anh làm em giận phải không? Xin lỗi em, anh không kềm hãm được lòng mình vì em dễ thương quá Chi ạ. Nếu anh nói yêu em bây giờ thì có lẽ quá vội vã, nhưng như người ta nói đó là “tiếng sét ái tình” chăng ?
    Tôi lằc đầu, xua tay :
    – Thôi anh, không sao đâu. Bây giờ Chi xin phép đi về.
    – Anh đưa em về nhé ?
    Tôi nhìn ra ngoài đường hơi ái ngại vì đã khuya rồi nhưng vẫn gượng nói :
    – Thôi không làm phiền anh, Chi đi xích lô về được rồi.
    Huy liền bỏ đi ngay sau đó.
    Tôi từ giã Yến và bạn bè rồi bước ra cổng với một tâm tư bâng khuâng khó tả.
    Huy đang ngồi trên chiếc Honda chờ tôi. Huy nói như ra lệnh:
– Anh đưa em về, khuya rồi con gái đi một mình không tốt đâu.
    Không hiểu sao lời nói của Huy như có sức mạnh bắt buộc tôi phải nghe theo.Tôi riu ríu leo lên ngồi sau lưng Huy. Cơn gíó đêm  thổi về lành lạnh nhưng hơi ấm từ lưng Huy tỏa ra khiến tôi thấy ấm áp lạ lùng. 
    Xe Huy chạy thật chậm. Con đường về nhà tôi sao dài hun hút thăm thẳm.
    Đêm bỗng dưng như huyền thoại, như ngọc ngà. Những tình tự ngọt ngào đã nằm sâu trong tâm thức của tuổi đôi mươi như vừa trở dậy đón bình minh sau một giấc ngủ dài.Tôi chợt thấy lòng mình như lửa reo vui giữa đêm Đông ngập tràn băng giá.
    Gần đến nhà, tôi nói Huy cho tôi xuống vì tôi sợ mẹ thấy tôi đi về với một người con trai lạ.
    Huy nắm tay tôi kéo lại và nói:
    – Mai Chi đi ăn cơm với anh nhé, lúc 11 giờ trưa tại Phong Dinh Lầu.
    – Chắc Chi không đi được đâu anh.
    – Mai em còn nghỉ học mà. Anh đợi em ở đó, nhớ nhé.
    Không chờ tôi trả lời, Huy quay đầu xe chạy mất.
 
 *   *     *
 
       Đêm đó tôi không thể nào chợp mắt được.Tôi đưa tay sờ lên môi mình. Đã có một gã con trai hôn mi rồi đó! Anh ta có thật tình không, có gạt gẫm mình không? Anh ta có vẻ sành sỏi, từng trải quá,  còn mình chỉ biết quanh quẩn trong khuôn viên nhà trường với các bạn hồn nhiên vô tư thôi.
    Các bạn mình thường nói:
    – Lính đa tình, lính yêu cuồng sống vội, mỗi chỗ đóng quân là có một mối tình.
    Thôi đừng mơ mộng nữa cô bé ạ! Tôi tự nhủ và thiếp đi với muôn ngàn ý nghĩ mông lung .
    Tôi choàng mắt dậy khi bên ngoài cửa sổ có tiếng kêu ríu rít của mấy chú chim nhỏ xíu đang vây quanh những đóa hoa sứ màu hồng có nhụy vàng rung rinh trong nắng. Nhìn lên đồng hồ đã gần 9 giờ sáng, có lẽ đêm qua suy nghĩ nhiều nên thức dậy trễ quá.Tôi vội bước ra khỏi phòng, có tiếng của mẹ hỏi:
    – Chi dậy rồi hả con? Đi rửa mặt rồi ra ăn sáng.
    Tôi ngửi thấy mùi đặc biệt nên hỏi mẹ:
    – Mẹ làm món gì mà thơm quá vậy mẹ?
    – Hôm qua bà ngoại con bảo cậu Hiền đem lên cho mình một con gà, sáng nay mẹ nấu xôi gà đó.
    Tôi nói:
    – Bà ngoại lúc nào cũng thương mình quá hả mẹ.
     Mẹ tôi chỉ cười.
     Khi tôi trở ra ngồi xuống bàn ăn, vừa cầm đũa vừa nhìn lên đồng hồ thấy đã gần 10 giờ, tôi chợt nhớ lời của Huy “anh chờ em ở Phong Dinh Lầu lúc 11 giờ.”
     Tôi cúi đầu suy nghĩ: mình có nên đi không, đi là chấp nhận Huy, không đi là gián tiếp từ chối tình yêu của Huy. Thật là khó xử, tôi không muốn mình quá vội vàng chấp nhận Huy, nhưng cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội này vì rồi đây Huy sẽ ra đi biền biệt, không biết bao giờ mới có dịp gặp lại.
    Có tiếng mẹ nhắc:
    – Kìa ăn đi chứ con, làm gì ngồi thẫn thờ vậy?
    – Con…con nhớ là hôm nay có hẹn với Hoàng Yến và Diễm Hồng làm bài chung với tụi nó nhưng con chưa xin phép mẹ.
    Mẹ tôi dịu dàng:
    – Sao vậy? Đã hẹn với chúng nó thì con phải đi chớ.
     Được lời mẹ, tôi buông đũa xuồng ngay, quên cả món xôi gà đặc biệt của mẹ.
     Tôi vào phòng, mở tủ chọn một cái áo sơ mi màu tím có hoa trắng và một cái quần tây đen giản dị, lòng tôi hồi hộp lạ thường.  Tôi nhìn lên đồng hồ  10 giờ 15,  rồi 10 giờ 20, 10 giờ 30 ….
     Không chờ đợi được nữa tôi ôm mấy cuốn sách rồi bước ra chào mẹ.
    – Thưa mẹ, con đi.
    Tôi hấp tấp bước ra cửa. Có tiếng mẹ với theo:
    – Đi cẩn thận đó con.
    Tôi thấy xấu hổ vì có lỗi với mẹ, tôi đã nói dối mẹ lần đầu. Khi tôi đến tiệm ăn thì vừa đúng 11 giờ. Huy đã đợi sẵn, thấy tôi anh chạy đến nắm tay tôi:
    – Trời ơi! Anh mừng quá, sợ Chi không đến. Anh đã dành chỗ trên lầu rồi, chúng ta lên em nhé!
    Huy chọn một cái bàn gần cửa sổ, nhìn xuống có thể thấy xe cộ xuôi ngược trên các ngã đường. Huy gọi vài món ăn đơn giản, một chai bia cho Huy, một ly nước ngọt cho tôi. Thật ra, ăn uống chỉ là việc nhỏ điều quan trọng là sự gặp gỡ của chúng tôi. Huy đã tỏ ra rất quan tâm đến tôi, rất quyến luyến tôi và tôi cũng nhận ra lòng chân thành của anh qua đôi mắt. Huy cho tôi biết Hoàng Yến đã nói với anh rất nhiều về tôi, anh cũng đã dành nhiều cảm tình cho cô bé trong tâm tưởng nên khi vừa gặp mặt anh thấy mến tôi ngay như đã biết nhau từ lâu rồi.
    Bữa ăn đầu tiên với nhau thật vui vẻ, thật đầm ấm và thật sự đã thắt chặt tình cảm giữa Huy và tôi.
    Không biết từ lúc nào Huy và tôi trở nên thân mật khắng khít lạ thường. Những ngày phép Huy dành cho tôi tất cả, sáng sớm Huy đưa tôi đến trường, tan lớp lại chờ đón tôi về.
    Những nẽo đường, những con phố, những quán nhạc, những công viên của thành phố nhỏ bé này không nơi nào thiếu bóng dáng hoặc dấu chân của chúng tôi đã đi qua. Tình yêu đã âm thầm đi vào đời đôi đứa thật êm đềm, mật ngọt, say mơ.
    Rồi câu chuyện tình nên thơ, diễm lệ của chàng sĩ quan mang trên vai áo huy hiệu Sư Đoàn 21 Bộ Binh “Sét Miền Tây” và cô sinh viên trường Luật Khoa Cần Thơ đã đến tai các đấng sinh thành. Sau đó ba mẹ Huy đến nhà tôi chánh thức cầu hôn tôi cho Huy.
    Hôm sau Huy đón tôi ở trường ra, chúng tôi tìm một quán nhỏ để dễ nói chuyện với nhau. Tôi hỏi Huy một lần nữa:
    – Anh có hỏi lại lòng anh chắc chắn rằng anh đã thật sự yêu em chưa? Có chắc chắn rằng không một người con gái nào có thể thay em trong tim anh không? Có chắc chắn rằng anh chấp nhận em trọn đời trong cuộc sống của anh không, sao anh tính chuyện đính hôn gấp gáp vậy ?
    Huy đặt tay chàng lên tay tôi, nhìn sâu vào mắt tôi và nói :
    – Em đừng nghĩ rằng anh không có bạn gái. Một người lính như anh 28 tuổi đời, 6 tuổi lính, anh đã đi khắp đó đây, phải nói là anh quen rất nhiều cô, nhưng anh chưa tìm ra một tình yêu chân thành để tính đến chuyện hôn nhân. Ngày xưa khi còn đi học anh đã yêu say đắm và chân thành một cô, nhưng cô ấy chê chàng thư sinh trắng tay như anh. Buồn tình, anh tình nguyện nhập ngũ.
    Từ ngày bước chân vào đời chinh chiến, vào sinh ra tử, cuộc sống mong manh như sương khói nên anh đã không muốn yêu, không muốn lập gia đình. Khi anh gặp em thì mọi ý nghĩ đều thay đổi. Anh yêu em, anh không muốn mất em. Anh muốn chúng mình đính hôn để anh biết chắc rằng em thuộc về anh, của anh thôi, em có hiểu cho anh không, có thông cảm cho anh không?
    Mắt tôi mờ lệ theo từng lời nói của Huy. Huy ơi, em hiểu anh, anh muốn thế nào cũng được vì tình yêu của em đã dành tất cả cho anh rồi, từ bây giờ và mãi về sau .
    Nước mắt tôi tuôn tràn, Huy hốt hoảng:
    – Em làm sao vậy?
    – Không, anh Huy, anh hãy nghe em nói: em đã chấp nhận anh,  không bao giờ anh mất em đâu, đừng nghĩ ngợi nhiều anh ạ.
    Nắm chặt tay tôi, Huy cười, nụ cười thật rạng rỡ.
    Những ngày sau đó chúng tôi dành cho nhau trọn vẹn. Có những chiều chúng tôi ra bờ sông Ninh Kiều cùng ngồi bên nhau nhìn dòng nước mênh mông chảy xuôi về một phương nào vô định, nhìn những con thuyền trôi lênh đênh ngoài xa thẳm, nhìn mặt trường giang dạt dào sóng vỗ, nhìn những cánh chim trời mờ mịt cuối chân mây …
     Có những đêm cùng ngồi ngắm sao trời trên cao hoặc ghé quán Mây Hồng ngồi bên ly cà phê thơm ngát nghe nhạc thính phòng, đôi khi cao hứng Huy lên sân khấu hát một bản tình ca. Những bản tình ca đó đã theo tôi suốt những ngày tháng dài thương nhớ sau nầy .
      Rồi Huy dẫn tôi đi lễ nhà thờ, dạy tôi làm dấu thánh giá, dạy tôi đọc kinh. Những lần quỳ bên anh tôi còn rất ngại ngùng bỡ ngỡ vì tôi là người ngoại đạo, nhìn lên Thánh Cung tôi thầm nguyện cầu cho tình chúng tôi luôn bền vững, không bao giờ vỡ tan, chia cách .
     Huy nói:
– Mai này em phải theo đạo Thiên Chúa của anh mới làm phép hôn phối ở nhà thờ được.
Huy dẫn tôi đến giới thiệu với một vị linh mục trẻ là bạn thân của Huy từ nhỏ khi còn ở ngoài Bắc để ngài dạy giáo lý cho tôi. 
    Huy lo lắng, sắp xếp cho tôi mọi thứ rồi trở về đơn vị, trở về với kiếp gió sương, lăn mình vào lằn tên mũi đạn, nối tiếp đời chinh nhân.
    Huy viết thư cho tôi đều đặn. Những lá thư gởi từ chiến trường qua nhiều địa danh xa lạ với ngập tràn yêu thương, nhung nhớ. Tôi ấp yêu, nâng niu từng kỷ niệm, phong kín nhớ thương để chờ đợi một ngày chàng trở về.
    Đã mấy hôm rồi Hoàng Yến không đến lớp học. Khi Yến trở lại trường vẻ mặt đăm chiêu, ít nói, đôi khi Yến lén nhìn tôi rồi quay mặt đi. Tôi rất buồn vì thái độ xa lạ của Yến, tại sao Yến thay đổi vậy? Tôi thấy thật cô đơn vì không có ai để tâm sự về Huy.
    Một buổi tối Yến đến nhà tôi với gương mặt buồn bã, Yến nắm tay tôi thật lâu rồi chậm rãi nói:
    – Chi hãy bình tĩnh nghe mình báo một tin. Anh Huy đã mất tích rồi.   
    Trời ơi! Yến nói gì? Anh Huy…làm sao?  Tôi lảo đảo. Yến đỡ tôi ngồi xuống ghế, bóp nhẹ vai tôi và nói:
    – Tiểu đoàn của anh Huy trong một trận giao tranh ác liệt ở Cà Mau bị tử thương rất nhiều, còn anh Huy thì mất tích, không tìm được xác.
    Tôi gục xuống ôm mặt khóc nức nở. Huy ơi, có thể nào anh bỏ em sao? Không, anh không thể nào bỏ em, anh không thể nào bỏ lại những ngày tháng yêu thương tha thiết của chúng ta, những kỷ niệm ngọt ngào, những ước mơ còn dang dở. Em chơi vơi, em lạc lõng, em yếu đuối, em sẽ gục ngã mất thôi. 
    Tôi khóc với muôn ngàn đớn đau dằn dật, tan nát, rã rời.
    Yến yên lặng, vuốt lưng tôi, cứ để tôi khóc. Lâu lắm Yến mới lên tiếng:
    – Nếu như mình tìm được anh Huy, nếu anh ấy còn sống mà tàn phế thì làm sao hả Chi?
    Tôi nói qua nước mắt:
    – Nếu Chúa cho anh Huy còn sống thì mình sẽ vì anh ấy mà lo lắng, chăm sóc và thương yêu anh ấy suốt đời, mình không ngại nếu anh ấy bị tật nguyền đâu. Yến đã hiểu được tình yêu của mình đối với Huy rồi mà.      
    Yến quay mặt thở dài, ứa lệ.
    Ngoài kia bóng đêm bao trùm mọi vật, gió hiu hắt buồn lay nhẹ mấy cành cây trong sân nhà chập chờn, ẩn hiện như bóng ai đó về từ một cõi xa xăm nào. Anh đèn đường vàng vọt, rưng rưng như nhỏ lệ khóc thương ai.
    Yến đã ra về từ lâu, tôi vẫn còn bàng hoàng như trong cơn ác mộng.
      
   *    *     *
 
    Những ngày sau đó đối với tôi dài lê thê, vô tận. Tôi đến nhà Huy nói ba mẹ Huy cho người đi tìm xác Huy về mai táng.
     Vẫn không có một tin tức gì về chàng. Tôi sống vật vờ như người mộng du. Đau đớn, xót xa, thương nhớ, từng thứ ấy ngày đêm gậm nhấm linh hồn và thể xác tôi, tôi héo mòn, tôi xơ xác dù chỉ mới ba tháng qua thôi.
     Những buổi chiều tôi thường đến ngôi giáo đường cũ, nơi mà tôi đã từng quỳ bên Huy cầu nguyện. Giờ đây em muốn được quỳ bên anh như những ngày xưa mà nào có được đâu.
     Chiều nay gần cuối năm, trời mùa Đông lạnh giá, những chiếc lá cuối cùng còn sót lại trên cành cây rơi xuống bay tản mạn, từng hồi chuông ngân vang buồn não nuột. Ngày xưa khi đi bên chàng mỗi lần nghe tiếng chuông tôi thấy lòng mình rộn rã, giờ đây cũng tiếng chuông đó làm nhức buốt tim tôi.
    Gió lại thổi, tôi cảm thấy lạnh, lạnh vô cùng, lạnh từ chân tay đến tim óc. Tôi thấy rã rời, chếnh choáng. Đứng trước hang đá, trước tượng đài Đức Mẹ tôi cầu xin ngài đổi ngôi cho một vì sao xấu, xin cho vì sao đó đừng băng xuống mà hãy ngự trị mãi giữa trời cao.
    Gió thổi mạnh làm tà áo tôi bay bần bật về phía sau, hình như đụng phải vật gì. Tôi quay lại, giật mình :
    – Trời ơi! Anh Huy.
 Phải rồi Huy của tôi đây mà, làm sao tôi có thể nhầm lẫn được. Tôi ôm chàng khóc nức nở:
     – Vậy mà Yến nói anh mất tích rồi, có thể chết rồi, làm sao anh về đây được vậy?
     Huy, phải chính Huy đấy, đưa tay vuốt tóc tôi, gương mặt chàng xanh xao, nụ cười không trọn vẹn như ngày đầu tôi mới gặp:
    – Mình vào trong nhà thờ nói chuyện đi em, ở đây gió nhiều quá, em lạnh. Hôm nay không có lễ chỉ có ít người đến đọc kinh thôi.
    Nói xong Huy quay lưng đi một cách khó khăn. Tôi chợt nhìn thấy cái nạng gỗ anh đang xử dụng. Tôi kêu lên:
    – Trời ơi! Chân anh…?
    – Chân anh bị cưa bỏ một khúc rồi em ạ. Huy trầm giọng.  
     Tôi xót xa đưa tay sờ vào ống quần lỏng lẻo của Huy, không còn gì trong đó.
    Tôi chợt hiểu, thì ra cả nhà Huy bày ra chuyện Huy bị mất tích để dò xem phản ứng của tôi thế nào nếu Huy chết hoặc mang thương tật. Tôi thấy lòng quặn đau, chua xót và thấy thương Huy rất nhiều.
    Tôi chầm chậm dìu Huy vào nhà thờ và an ủi anh:
    – Không sao đâu anh, mất một khúc chân cũng tốt. Như thế em sẽ được ở gần anh mãi, em sẽ không sợ mất anh hoặc lo lắng ngày đêm như khi anh còn ngoài chiến trận,
    Huy nhìn tôi, vẻ mặt đầy xúc động.
    Tôi vui vẻ nói :
    – Đợi anh khỏe hẳn rồi mình xin phép ba mẹ hai bên cho mình làm đám cưới anh nhé! Em muốn được nhìn thấy tên hai đứa mình viết chung trên thiệp hồng: Phạm Ngọc Huy và Nguyễn Thị Quỳnh Chi.
    – Nhưng anh đã tàn phế, anh không muốn em phải khổ.
    Tôi mạnh dạn nói:
    – Tại sao em khổ, anh chỉ tặng cho quê hương một khúc xương chân thôi, anh còn cả một khối óc tinh anh, cả một bầu nhìệt huyết của người trai trẻ. Không cầm súng anh có thể cầm viết được mà, anh vẫn có thể phục vụ cho quê hương, cho tổ quốc. Đất nước, quê hương mình đang cần anh cũng như em rất cần anh, đừng quá bi quan anh ạ!
 Tôi vỗ nhè nhẹ vào lưng Huy như đang chiều chuộng một em bé. Huy rươm rướm nưóc mắt rồi bỗng gục đầu vào tôi.Tôi ngồi xuống ôm anh rất lâu trong lòng. Tôi nghe được tiếng tim anh đập mạnh, tiếng lòng anh đang thổn thức và như có tiếng nấc nhỏ trong cổ họng anh. Tôi hiểu rằng hơn lúc nào hết anh rất cần tôi, cần tình yêu của tôi để làm dịu lại những đớn đau, bất hạnh, mất mát mà anh đang hứng chịu vì cuộc chiến khốc liệt này.
    Thật lâu, tôi khẽ nói:
    – Thôi mình về đi anh.   
    – Ừ, mình về.     
    Chúng tôi dìu nhau ra khỏi nhà thờ.
     Vào cuối Đông, bầu trời ảm đạm, buồn bã và như thấp xuống, như thật gần. Những giải mây xám giăng mắc, im vắng trôi hờ hững như giải khăn sô vắt ngang trên nắp quan tài của người vắng mặt làm đớn đau, tê buốt lòng người.
    Chúng tôi quay nhìn lại ngôi giáo đường quen thuộc, từ tháp chuông sừng sững, từ cây thập tự giá trên cao, mọi vật chung quanh đều mang vẻ lạnh lẽo, cô liêu, tê tái. Nhưng có hai tâm hồn đã tìm lại được sự ấm áp giữa mùa Đông khói lửa đang tràn ngập quê hương. Họ biết mùa Đông sẽ qua mau và họ sẽ có một mùa Xuân tràn đầy hạnh phúc, nối tiếp những ước mơ còn dang dở.
   Nắm chặt tay Huy, tôi bỗng mỉm cười và Huy cũng cười, nụ cười trọn vẹn.
     Bên trong giáo đường từng hồi chuông vang lên rộn rã, ngân dài trong không gian giá lạnh của buổi chiều Đông.
 
           Vi Vân – California