Chín Bỏ Làm Mười- Nguyễn Thị Thêm![]() Tôi có đọc một câu chuyện. Câu chuyện xảy ra ở một đám cưới. Nhà trai tổ chức nghiêm chỉnh, lễ nghĩa đầy đủ. Các thủ tục diễn ra một cách tốt đẹp. Đại diện đàng trai, đàng gái đều làm cho họ hàng hai bên vừa lòng, mát ruột. Cô dâu chú rể ra lạy bàn thờ gia tiên. Nữ trang được mẹ chồng trang trọng đeo cho con dâu, mẹ ruột cũng có quà cho con gái. Cô dâu chú rể trao nhẫn trong niềm vui hai họ. Các bạn biết rồi đó, phong tục cưới hỏi, lễ nghĩa rất rắc rối. Hai họ để ý nhau từng lời nói, bắt bẻ nhau từng cách mời rượu, lên đèn. May quá các thủ tục trọt lọt. Cô dâu chú rể làm lễ gia tiên mời rượu cha mẹ hai bên và họ hàng gia tộc. Hai họ nâng ly chúc mừng hoan hỉ lắm. Thủ tục xong xuôi, bên họ đàng trai xin làm lễ rước dâu. Trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng đó, mẹ cô dâu bỗng xin có ý kiến. Ông sui gái trố mắt nhìn, hích tay vợ:” Bà tính cái gì nữa đây” Cô dâu chú rể mở to mắt đầy hồi hộp. Họ đàng trai cũng giật mình đánh thót vì sợ sẽ trễ giờ rước dâu. Mẹ cô dâu bước ra trang nghiêm từ tốn nói: -Xin thưa với hai họ. Tui cũng không có ý kiến gì lớn lao. Tôi chỉ xin đàng trai cho tôi nhận 90.000$ làm cái duyên cho con gái tui. Úy trời! Cái gì lạ vậy kìa! Lễ vật đàng trai đã nộp đủ, nữ trang tiền cưới đàng gái đã tặng luôn cho hai vợ chồng mới lấy vốn mần ăn. Hà cớ gì mẹ cô dâu lại xin 90.000$ làm duyên cho con gái. Sao không là 900.000$ hay 9 triệu mà xin chi mấy chục ngàn tiền lẻ. Họ đàng trai còn đang ngạc nhiên và bối rối thì mẹ chú rể bước tới, mở bóp và rút ra đưa cho mẹ cô dâu 9 tờ 10.000$ với một nụ cười. Không nói không rằng, mẹ cô dâu đưa tay đón nhận. Dưới bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về bà, bà mở bóp lấy ra một tờ 10.000$ mới tinh bỏ chung vào xấp tiền mới nhận. Bà trịnh trọng đưa lại cho bà sui trai: – Thưa anh chị và hai họ. Hôm nay con gái tôi về làm dâu anh chị. Mong anh chị thương nó như con gái mà chín bỏ làm mười. Tha thứ và bỏ qua cho con khi nó lỗi lầm. Vun quén cho con có một gia đình hạnh phúc. Tui xin trao con gái tui cho anh chị về làm con trong gia đình. Sau một lúc trấn tỉnh, bà sui trai ôm chầm bà sui gái xúc động. Cô dâu nước mắt chảy dài, hai họ vỗ tay vang trời. Bà mẹ đã rất khôn khéo gửi gấm con mình trước mặt bao người. Bà mẹ cô dâu đã nghĩ đến những ngày làm dâu của con gái nếu gặp một bà mẹ chồng khó tính lỗi phải mọi điều thì rất tội nghiệp. Bà đã khéo léo chỉ xin mấy chục ngàn để gửi một thông điệp cho sui gia. Chín bỏ làm mười có nghĩa ngầm là hãy cho qua đi, tha thứ đi đừng chấp nhất. Người miền Nam đã áp dụng câu này trong cuộc sống hàng ngày. Nếu những gì phật ý hay không vừa lòng họ nói ngay trước mặt. Có thể những lời nói ngay thẳng hay lời phê bình không được khéo léo nhưng họ đã thật lòng không đãi bôi ngoài miệng mà trong bụng khinh thầm. Họ nói xong rồi thôi. Giận la đó rồi bỏ qua hết như không có chuyện gì xảy ra.Như cơn mưa rào miền Nam rất lớn nhưng rồi tạnh ngay ráo hoảnh. Người miền Bắc nghĩ rằng “Dâu là con, rể là khách” nên trong cách đối xử có sự phân biệt. Đối với con dâu luôn nghĩ rằng mình đã cưới về, tốn kém biết bao nhiêu nên con dâu phải có bổn phận tuyệt đối với gia nương bên chồng. Phép nép mình trong gia phong lễ giáo bên chồng, làm đẹp mặt chồng và gia đình nhà chồng. Vô hình chung con dâu như là một món hàng hay một vật được mua về. Bổn phận và trách nhiệm đè nặng trên vai cô dâu mới. Trái lại đối với con rể lại coi như khách. Rất lịch sự ngọt ngào và chiêu đãi hết mình bởi lẽ con gái mình về làm dâu nhà họ. Không chiều con rể thì con gái mình sẽ bị coi thường hay ức hiếp. Miền Nam trái lại. Con dâu cũng là con mà con rể cũng là con. Đã coi như người một nhà thì tấm mẵn có nhau. Con dâu tốt hay xấu vẫn là con dâu nhà mình. Con gái người ta nuôi lớn từng này gã về nhà mình làm con thì mình có thêm một đứa con gái. Cho nên nếu không phải thì la rầy hoặc chỉ bảo rất là nam kỳ. Nghĩa là bộc trực, nói ngay, nói lớn không để ý soi mói ghét bỏ. Con rể cũng là con, tới nhà vợ có gì ăn đó, có việc xăn tay áo vô làm. Có rượu cha vợ con rể cụng ly say quắc cần câu mẹ vợ cũng không trách. Con rể làm điều gì không đúng thì nói ngay, nói thẳng không cả nể quanh co hay ngấm ngầm khinh khi, giàu nghèo khác biệt. Con làm sai thì chín bỏ làm mười tha thứ và xây dựng. Trong đời sống hôn nhân nếu cả hai vợ chồng đều biết tin tưởng nhau, thông cảm và nhường nhịn thì hạnh phúc mới được bền vững. Cha mẹ chồng biết khoan dung tha thứ cho con dâu thì gia đình trên thuận dưới hòa, con mình không phải khó xử giữa vợ và cha mẹ. Có nhiều người chồng trong gia đình luôn tỏ ra mình là ông chủ. Lúc nào cũng ra oai với vợ con. Cứ nghĩ mình là người làm ra tiền, mình là trụ cột thì mình có quyền quyết định tất cả. Lúc nào cũng thấy vợ mình chưa làm tròn bổn phận, cứ nhìn những khuyết điểm của vợ mà khó chịu, cảm thấy mình không hạnh phúc, mình bất hạnh. Thấy vợ bạn bè sao tài giỏi hoạt bát làm ra tiền, vợ mình chỉ ru rú ở nhà nấu cơm, coi con cũng không xong rồi đâm ra khinh thường, chê bai và ghẻ lạnh. Tại sao không khoan hòa một chút, tại sao không nhìn thấy cái tốt và sự vất vả của người phối ngẫu để thấy mình hạnh phúc trong niềm vui gia đình. Cũng có những bà vợ đứng núi này trông núi nọ. Thích xa hoa phù phiếm, thích hưởng thụ, ăn sang mặc đẹp. Thấy chồng mình thua sút chồng bạn, làm ít tiền, xấu trai, có nhiều khuyết điểm rồi tiếc đời con gái, tủi thân mình không bằng chị bằng em. Từ đó tư tưởng thoát ly và ngoại tình xuất hiện làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Tại sao những khuyết điểm đó mình chấp nhận trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân mà bây giờ mình thấy khó chịu. Người chồng nhịn vợ vì họ biết “Chín bỏ làm mười” chứ không phải họ nhu nhược hay sợ vợ. Lấn lướt coi thường người chồng là người phụ nữ không biết tôn trọng hạnh phúc gia đình. Không ai khen tặng hay kính phục người vợ ăn hiếp chồng. Đánh đập hay khinh miệt vợ là người chồng tự đánh giá thấp giá trị đàn ông của mình. Đàn ông vũ phu là loại đàn ông tầm thường, nhỏ nhen và thiếu đạo đức. Nhiều người đàn ông rất ghét vợ hay nói nhưng nghĩ cho cùng người vợ hay nói là người vợ toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Dọn dẹp hoài vẫn bề bộn, vẫn vất quần áo đồ đạc tứ tung thì phải nói để có ý tứ hơn một chút, căn nhà sáng sủa sạch sẽ ra. Ghét làm gì, cứ phụ vợ một tay thì vợ sẽ hết nói. Chín bỏ làm mười không phải chỉ dùng để đối xử với bạn bè hay người ngoài mà phải sử dụng ngay trong gia đình mình để ngôi nhà biến thành tổ ấm, một nơi để nương tựa và yêu thương. Năm đã hết, vạn vật đang bước vào năm mới. Có nơi tuyết đã rơi, những cơn gió lạnh kéo về. Mọi người ai cũng cần sự ấm áp trong ngôi nhà, trong trái tim. Nếu hai người đang giận nhau thì thôi chín bỏ làm mười. Ôm nhau một cái cho đêm không còn lạnh, cho tay được ấm cho bữa ăn thêm ngon. Đầu năm, kính chúc mọi người, mọi nhà vượt qua mọi trở ngại khó khăn để được niềm vui trong năm mới. Hãy chín bỏ làm mười tha thứ những gì tha thứ được. Tha thứ cho người là lợi ích cho mình. Ít nhất trong trí mình không bực bội phiền muộn hay so đo. Mình thảnh thơi nhẹ nhàng hưởng thụ cuộc sống bình an không tranh chấp. Cho đi là nhận thêm hạnh phúc. Mọi việc tốt đẹp nằm ở phía trước nếu ta bước tới trong tâm trạng vui vẻ và đầy niềm tin. Nguyễn thị Thêm Posted by Kim Oanh at 00:00 Không có nhận xét nào: Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên TwitterChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest Labels: Nguyễn Thị Thêm, VĂN THỨ HAI, 22 THÁNG 11, 2021 Thủy Táng Tôi viết bài này để chia sẻ với quý bạn về một sự kiện trong đời tôi – ngày tôi thả tro cốt chồng về biển. Chỉ là một bịt tro nho nhỏ nhưng đó là di tích của người chồng quá cố. Là một con người đã từng sống và chiến đấu cho lý tưởng tự do. Là cha của những đứa con, cho chúng hình hài và trí tuệ để vào đời. Tôi thả tro cốt chồng vào sóng biển là mất tất cả những gì hữu hình thuộc về anh. Bài viết này cũng chia sẻ với quý bạn về hình thức thủy táng tro cốt mà trước kia tôi cũng chưa bao giờ biết. ……. Những ngày cuối đời chồng tôi có di nguyện là sau khi chết được hỏa tiêu và đem tro cốt rải biển. Tôi dự định để tro cốt chồng tại chùa, sau ba năm mãn tang tôi sẽ thực hiện nghi thức đó. Chúng tôi ở gần chùa Phật Tuệ nên thường xuyên đến lễ bái nghe kinh và làm công quả. Khi ông xã tôi vừa tắt hơi, thầy Quảng Trí và các sư cô đã có mặt để tụng kinh siêu độ cho anh ấy. Thầy và các Sư Cô đã thực hiện các nghi thức Phật giáo cho gia đình tôi trong những ngày tang lễ. Tôi xin phép Thầy được để hũ tro cốt anh tại chùa Phật Tuệ để tôi được thường xuyên đến thăm viếng và tụng kinh hồi hướng cho anh. Ba năm đã qua, thầy đã làm lễ xả tang cho tôi nhưng dịch Covid 19 không cho phép tôi thực hiện di nguyện của chồng. Chùa nhỏ, thầy lại có lòng từ bi. Gia đình ai có người mất cần thầy đến làm lễ là thầy đi liền không kể giàu nghèo, xa gần. Những gia đình neo đơn, khó khăn thầy giúp đỡ tận tình, đem tro cốt hình ảnh về chùa thờ và cúng 7 thất nghiêm túc dù thân nhân có mặt hay không. Mỗi chủ nhật cúng vong các sư cô chuẩn bị cơm chay đầy đủ. Tang chủ không cần trả một đồng nào, miễn có mặt để làm lễ là chùa đã vui. Tôi đến chùa nhìn trên bàn thờ vong, những hũ tro cốt mỗi ngày mỗi nhiều để chật cả bàn thờ trong lòng vô cùng áy náy. Tôi dò hỏi nhiều nơi nhưng do dịch bệnh, không chùa nào tổ chức mướn tàu đem tro rải biển hết. Bàn với thầy, thầy cũng bó tay vì thầy chưa tổ chức lần nào, hơn nữa trong thời kỳ cách ly phải đành chịu vậy thôi. Thầy nói:” Nếu có chùa nào tổ chức thì cô ghi tên và đem tro cốt chú rải biển. Cô cho thầy biết để Phật Tử nào để tro cốt ở chùa muốn đem đi thì họ tháp tùng luôn.” Vào đầu tháng 5 nhiều người đã chích ngừa xong hai đợt vaccine, chùa Bát Nhã ra thông báo sẽ tổ chức mướn tàu đem tro cốt thủy táng vào ngày thứ bảy 14/8/2021. Cũng là cái duyên, tôi bất ngờ đọc được thông báo đó và tôi liên lạc liền với chùa Bát Nhã xin được tháp tùng. Chùa Bát Nhã là một ngôi chùa lớn nằm trên đường West first St ,Santa Ana do Hòa Thượng Viện Chủ Thích Nguyên Trí sáng lập. Chùa đã có mặt tại Orange County miền Nam Cali trên 20 năm nay. Vì là ngôi chùa có nhiều uy tín nên rất nhiều gia đình Phật Tử thỉnh quý chư tăng làm lễ khi có tang sự. Thân nhân cũng gửi hình ảnh và bình tro cốt tại chùa để hương linh nghe kinh và gia đình đến cúng bái. Do đó khu vực thờ vong chùa Bát Nhã rất rộng, mấy dãy bàn dài trang nghiêm đầy hình ảnh những Phật Tử đã quá vãng. Bên sui gia tôi những người thân đã mất đều gửi ở chùa này cúng bái hàng năm. Mỗi năm chùa đều tổ chức một đợt thủy táng tro cốt cho thân nhân những gia đình Phật Tử tại chùa. Nếu Phật Tử bên ngoài muốn ghi tên thủy táng thân nhân chùa cũng hoan hỉ. Do dịch Coronavirus, chùa đã ngưng tổ chức thủy táng hơn một năm rồi. Cho nên lần này số lương người tham dự ghi tên rất đông. Theo thông báo, thân nhân muốn đem tro cốt thủy táng phải đến chùa nhận đơn về điền. Theo số phone ghi trên thông báo, tôi gọi đến xin liên lạc với Phật Tử Từ Tâm Xả là người phụ trách phát và nhận đơn. Rất vui vẻ và nhiệt tình cô cho biết sẽ có mặt vào ngày chủ nhật hàng tuần. Cô khuyên tôi nên đến sớm để có chỗ đậu xe vì cuối tuần Phật Tử đến chùa rất đông. Cô cũng chỉ nơi đậu xe nhờ nếu đến trễ parking không còn chỗ. Hai mẹ con tôi đến chùa Bát Nhã vào ngày 9/5/2021, văn phòng tiếp đơn nằm sau lưng chánh điện. Người tiếp tôi là Phật Tử Từ Tâm Xả, một phụ nữ trung niên xinh đẹp và hoạt bát. Sau khi nghe tôi trình bày cô đưa cho tôi một mẫu đơn: ĐƠN GHI DANH XIN THỦY TÁNG TRO CỐT CHO THÂN NHÂN. Tên họ, pháp danh, địa chỉ, số phone người đứng đơn Tên họ, pháp danh, ngày tháng năm sinh và ngày mất của hương linh và quan hệ gia đình. ĐẠI LỄ TRAI ĐÀN THỦY TÁNG TRO CỐT sẽ tổ chức vào ngày thứ bảy 14/8/2021 (nhằm ngày 7 tháng 7 năm Tân Sửu) Lệ phí thủy táng một tro cốt là 200$ Lệ phí một thân nhân tham dự trên tàu là 80$ (Tôi đi 2 người) Tùy hỷ công đức phát bồ đề tâm sửa mái chùa Bát Nhã bị dột ướt: Tôi ký tên và ký check trả tiền ngay lúc đó. Cô Từ Tâm Xả viết biên lai cho tôi và bỏ check vào hộp tiền trước mặt. Muốn biết thêm chi tiết tôi có thể gọi số phone về chùa Bát Nhã, số phone Ni Sư Huệ Chiếu và Phật tử Từ Tâm Xả. Theo quy định tôi phải mang hũ tro cốt của chồng tôi đến chùa Bát Nhã trước bốn ngày để Ban Tổ Chức lên danh sách, chuẩn bị thủy táng và ghi linh vị. Tôi và con gái dự trù đem tro cốt đến chùa Bát Nhã vào ngày thứ hai (Là ngày off của con tôi). Tôi đã gọi phone cho Ni Sư Huệ Chiếu báo thời gian tôi đến chùa. Ngày lễ Phật Đản tôi đã xin phép thầy Quảng Trí sẽ đem thủy táng tro cốt của chồng. Trước đó mấy ngày tôi cũng gọi báo tin cho thầy và Sư Cô. Nhưng hôm đó thầy và các sư cô phải đi hộ niệm cho một đám tang ở xa nên không có mặt. Theo lời thầy dạy, hai mẹ con tôi đem hoa và trái cây đến chánh điện lạy Phật và đốt nhang ở bàn thờ vong xin thỉnh bình tro cốt của chồng đem đi. Ôm bình tro cốt, nhìn hình anh ấy tôi thật sự mủi lòng không ngăn được nước mắt. Một con người giờ chỉ là một mớ tro bị gói kín khằn chặt trong một cái hũ như thế này. Ngày nào áo trận súng mang Ngày nào quân lính hàng hàng tiến công Ngày nào vợ vợ chồng chồngNgày nào tù tội chờ mong ngày vềNgày nào lìa xứ xa quêMáy bay cất cánh não nề lệ sa.Bây giờ rời cõi ta bàTấm thân tứ đại chỉ là nắm troĐi về từ cõi hư vô Biển xanh, trời rộng rải tro tiễn người. Trên suốt đoạn đường đi tôi niệm Phật nguyện cầu hương linh anh siêu thoát. Đời người ngắn ngủi, cuộc sống vô thường, tiền bạc của cải cũng chẳng mang theo được. Dù giàu sang đến mấy, tài giỏi danh vọng thế nào rồi cũng chỉ một mớ tro trong hũ hay một nấm mồ nằm đơn độc một mình. Ở nước Mỹ to rộng này, con cái vì công ăn việc làm như chim bay tứ hướng. Một nấm mồ nằm đó rồi thời gian qua, đời cháu, đời chắt cũng không ai nhớ đến. Thôi thì ta chỉ là một hạt bụi nhỏ trong vũ trụ bao la, ta về với biển, bay theo gió ngàn để nhẹ lòng con cái. Đến không rồi lại về không Phủi tay ta cũng nhẹ lòng âu lo Không còn tranh chấp so đo Mồ hoang mả lạnh đôi co phiền lòng Thứ sáu 13/8/2021 các hũ tro cốt phải được đem hết về chùa Bát Nhã. Đêm đó có một buổi lễ cầu siêu cho tất cả hương linh sẽ đem đi thủy táng. Hũ hài cốt được mở ra và tro người chết sẽ chuyển vào túi nylon màu vàng đặt trong một cái giỏ nhựa bên trên có để hoa tươi. Giỏ được cột bằng những sợi dây dài. Thiết kế để thân nhân đứng trên boong tàu có thể thòng cái giỏ nhựa đó xuống gần tới mặt nước biển. Lúc đó thân nhân sẽ giật mạnh một đầu giây, hoa tươi lẫn tro cốt sẽ được hất tất cả xuống biển. Mỗi hương linh sẽ có một linh vị được đặt phía trước giỏ nhựa. Ngày thứ bảy 14/8/2021 hai mẹ con có mặt tại chùa trước 8 giờ sáng. Mọi người đã đến khá đông. Những dãy bàn dài trước bàn thờ vong đã để đầy những giỏ tro cốt và bài vị. Linh vị nam một dãy, nữ một dãy. Thân nhân tới linh đường nhận diện giỏ tro cốt người nhà mình, linh vị viết đúng hay sai để chút nữa thỉnh đi ra xe bus. 8:10 am thầy gọi loa mời tất cả thân nhân đi thủy táng vào trong chánh điện. Chánh điện chùa Bát Nhã rất rộng, những tọa cụ đã để sẵn sàng ngay ngắn. Ban Tổ Chức gọi tên thân nhân và tên hương linh để kiểm tra, thông báo chương trình và thể thức thủy táng. Sau đó thầy và chư tăng cùng mọi người tụng kinh cầu siêu cho hương linh. Tiếng tụng kinh vang lên trong chánh điện, thầy xướng tên hương linh để cầu siêu và mời hương linh theo phái đoàn lên đường. 8:45 phút buổi lễ kết thúc. Thân nhân lần lượt qua linh đường nhận tro cốt và bài vị người nhà mình lên xe bus để ra bến tàu. Có 3 chiếc xe bus đã túc trực sẵn, mọi người lần lượt lên xe. Khi yên vị, mỗi người nhận được một ổ bánh mì chay và một chai nước. Ban trai soạn cũng có đem thức ăn làm sẵn đến bán trước khi xe chuyển bánh. Địa điểm lên tàu thủy táng hôm nay là 100 Aquarium way, Long Beach miền Nam Cali. Xe đến nơi vẫn còn sớm vì theo hợp đồng 10 giờ mới được lên tàu nên mọi người ôm giỏ tro cốt và bài vị xếp hàng dài theo hành lang bến tàu. Nét mặt mọi người đều lộ vẽ đau buồn và trân trọng. Có gia đình đi 2 người để thủy táng một tro cốt. Có một anh một mình bưng hai giỏ và hai bài vị. Hỏi ra mới biết thân nhân người chết ở quá xa nên thuận tiện lo cho người nhà, anh nhận lời đi thủy táng dùm luôn. Có cô gái đứng tựa cầu tàu khóc mãi không thôi. Cô kể chồng cô mới chết đây vì Covid. Có gia đình đi khá đông thì ra có đến mấy bài vị, cha chết vì bệnh, con chết vì tại nạn. … Có một cô trung niên cứ nhìn vào giỏ tro cốt mà nói gì đó, thỉnh thoảng quẹt nước mắt thút thít khóc. Cô kể rằng cô và bên chồng không thuận thảo. Kể từ ngày chồng cô chết nhà chồng đổ lỗi tại cô, họ không cho cô đem thủy táng và cũng nặng nhẹ với cô lắm lời. Lần này cô cương quyết đem tro chồng đi rải biển. Cô không muốn chồng cô nghe mãi những tranh chấp hai bên. Nước mắt cứ như mưa, rơi trên những nỗi buồn thế gian không bao giờ dứt. Sự tử biệt sanh ly chỉ có người tu hành giác ngộ mới có thể tĩnh lặng trong tâm. Còn chúng ta mất đi người thân là nỗi đau, nỗi buồn không thể nào nguôi. Nghe mọi người tâm sự, tôi cũng không nén được cảm xúc. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, không có cái chết nào giống cái chết nào. Nhất là những cái chết trẻ bỏ lại vợ dại con thơ, cha mẹ già cần chăm sóc. Những cái chết vì dịch bệnh cũng thật tức tưởi nao lòng. Bây giờ mọi người chờ một chuyến tàu, hương linh chờ giờ được thả mình giữa biển khơi trôi về vô tận. Tôi nghĩ trong số những hương linh này có người đã từng vượt biển đi tìm tự do. Khi đến bến bờ, lao tâm, lao lực lo cho con ăn học thành người thành gia lập thất. Thời gian trôi qua, sức tàn lực tận trả lại cho thế gian thân tứ đại vô dụng. Xác thiêu thành tro và chờ giờ được thủy táng. Thân tro bụi trả về với hư vô. Xong một kiếp người. Đoàn người xếp hàng chờ giờ lên tàu dài lắm, các chư tăng phụ trách ( đa số còn rất trẻ) đi tới đi lui dặn dò, nhất là nhắc nhở mọi người nên đi vệ sinh trước khi xuống tàu. Đã có hai chiếc tàu đã ra khơi, một chiếc đang cho một gia đình người Trung Đông xuống. Có lẽ họ thuê hẳn một chiếc tàu nhỏ để rải tro cốt người thân. Gần 10 giờ, tăng đoàn và các Phật tử thiện nguyện xuống tàu trước. Những vật dụng được khiêng xuống và sắp đặt trang hoàng cho buổi lễ cầu siêu trên biển. Tuần tự từng người xuống tàu. Tôi và con gái ngồi ở một băng ghế sát thành tàu, trước mặt là một dãy bàn trang trí tượng Phật, bông hoa, trái cây và thức ăn chay để cúng linh. Mỗi người đặt bài vị thân nhân mình trên bàn thờ Phật. Một số người để giỏ tro cốt người thân mình lên bàn bên cạnh. Vì số người hiện diện khá đông nên ghế ngồi không đủ, nhóm người trẻ chọn cách đứng để làm lễ. Ưu tiên những người lớn tuổi đều có ghế ngồi nghiêm chỉnh. Ghế được sắp làm nhiều dãy để Phật tử cùng ngồi cầu nguyện. Nhìn qua một lượt tôi đoán số lương tro cốt hôm nay đi thủy táng có khoảng trên 80 còn thân nhân trên tàu này chắc phải hơn 100 người. Tàu nổ máy rời bến được một lúc, các chư tăng bắt đầu làm lễ . Tiếng mỏ, tiếng khánh, tiếng tụng kinh vang lên trên biển tạo một cảm giác thiêng liêng và xúc động. Các thầy tụng thời kinh cầu siêu và cúng vong khá dài. Các vị sư còn trẻ lại dùng loa nên âm thanh vang vọng trên biển vắng. Từng hương linh có mặt thủy táng hôm nay được xướng tên và mời về dự lễ. Tàu vẫn lướt sóng ra khơi, mọi người vẫn chắp tay niệm kinh vãng sanh và cầu nguyện. Tàu chạy ra khỏi bờ khá xa, thời kinh đã hết, thầy cho phép mọi người ôm giỏ tro cốt thứ tự lên boong tàu. Những người Phật tử thiện nguyện hướng dẫn mọi người cách thủy táng. Tàu vẫn chưa dừng lại, tôi kiếm một băng ghế, ngồi ôm giỏ tro cốt cầu nguyện. Lòng tôi thật bùi ngùi nhớ tới anh. Không biết hồn sẽ về đâu, tro sẽ trôi đi đâu? Thủy táng như vậy có làm hài lòng người đã mất hay không? Tôi phân vân không biết mình đã làm tròn trách nhiệm với chồng chưa? đúng hay sai?. Thầm thì với anh, tôi xin anh tha thứ những lỗi lầm mà tôi mắc phải nếu có. Xin anh hãy an lòng ra đi và cầu nguyện mọi điều tốt đẹp, hạnh phúc cho anh ở kiếp sau. Ngày nào vuốt mắt tiễn anh đi Bây giờ đến lúc phải biệt lyNắm tro còn lại xin rải biển.Bốn xá tạ từ dạ khắc ghi Tàu dừng lại giữa biển, một số người đứng sẵn tại thành tàu đã được cho phép thủy táng tro cốt người thân. Các chư tăng vẫn niệm Phật vang vang trên loa. Tôi đứng dậy và cùng con gái đến bên thành tàu. Khoảng cách từ boong tàu tới mặt nước biển khá xa, con tôi thòng từ từ sợi dây cột giỏ tro cốt xuống. Một đầu sợi dây cột kèm được tôi giữ chặt. Khi giỏ hoa gần xuống tới mặt nước, con tôi hất mạnh sợi dây tôi giữ. Tro và hoa rơi vào lòng đại dương. Những cánh hoa trôi bập bềnh trên biển, tro nổi trắng một vùng rồi tan vào nước. Tất cả tro cốt nam nữ người lạ, người quen đều hòa tan với nhau không phân biệt. Mà có gì để phân biệt khi xả sạch bụi trần. Một đời người, một túi tro. Chao ôi! nặng nhẹ biết sao dòNặng oằn một kiếp bao vinh nhụcNhẹ gánh càn khôn, nhẹ như tro. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ thiêng liêng của mình, hai mẹ con tôi đem giỏ không để chung vào một góc trên boong tàu, xuống thang về lại lòng tàu ngồi chờ. Trên bàn thờ Phật nhang vẫn thắp, chư tăng và Phật Tử vẫn niệm Phật không ngừng. Khi tất cả đã hoàn mãn, tàu nổ máy chạy về. Một số người vẫn ở lại trên boong tàu ngắm biển. Các Thầy mời mọi người dùng nước, trái cây và thức ăn trong không khí trầm mặc bùi ngùi. Tôi nuốt không vô dù đã đói. Tàu về tới bến đậu lại. Những người trẻ phụ thu dọn và chuyển đồ đạc lên bờ tập trung chờ xe bus. Chúng tôi cầm theo bài vị thân nhân mình đem về chùa để cúng an vị linh. Vì không biết chỗ xe bus đổ người và đón người hai hướng khác nhau nên chúng tôi chờ khá lâu. Sau cùng phải băng qua đường mới lên xe về chùa. Về tới chùa Bát Nhã khoảng 1 giờ hơn, mọi người đem linh vị đặt lại ở bàn thờ vong để làm lễ. Ban trai soạn mời Phật tử ở lại dùng bún bò huế chay nhưng mẹ con tôi từ chối và xin được về trước để lo cúng ở nhà. Ngày đem tro chồng rải biển là một ngày thiêng liêng đối với tôi và gia đình. Các con ở xa gọi về liên tục hỏi thăm tình hình và lo lắng cho mẹ. Tôi xin lỗi thân nhân bên chồng ở Việt Nam vì đã không đem thi hài hay tro cốt anh về nhập lăng như phong tục. Di nguyện của anh tôi phải thực hiện và tôi đã làm xong nhiệm vụ của mình. Nguyện cầu hương linh anh siêu thoát. Nguyện cầu mười phương Chư Phật gia hộ cho hương linh chồng tôi. Bốn lạy tạ từ ta mất nhau Thủy chung ta giữ trước như sau Chút tro xin gửi vào lòng biển. Thênh thang trời rộng vẫy tay chào. Nguyễn thị Thêm |