– Lê Thị Nhị–
Chuyện nhỏ, chuyện to của Lê Thị Nhị Thuốc Tiên, Thuốc Tiền Từ thuở bé cho đến năm 37 tuổi, tôi rất khỏe mạnh, không bao giờ phải uống một viên thuốc nào, dù là thuốc nhức đầu, cảm cúm! Ngay cả khi nhà trường chích ngừa, tôi cũng trốn luôn!. Tôi sợ bác sĩ, nhà thương như người ta sợ…Việt Cộng! Thật đúng là“ Ghét của nào, Trời trao của nấy”, từ năm 37 tuổi trở đi, Trời “trao” cho tôi đủ thứ bệnh! Do đó, nhà thương cũng là …nhà của tôi! Bác sĩ, y tá như là những người tình của tôi. Kim chích, thuốc men như là những người bạn thiết của tôi! Tôi không còn nhớ là tôi đã dùng bao nhiều loại thuốc và tốn biết bao nhiêu là tiền nữa? Vào năm 1978, khi còn ở Việt Nam , lương giáo viên trung học của tôi là 50$ một tháng mà tôi đã phải dùng 250$ để mua thuốc hóa trị bệnh ung thư! Sang đến Mỹ, tôi không phải trả tiền mua thuốc nhưng tôi biết là chính phủ Mỹ cũng phải trả cho tôi nhiều lắm! Cách nay ba năm, ngoài thuốc men do chính phủ đài thọ, các con tôi còn chi cho tôi mỗi tháng 2400 Mỹ kim đề uống bột nấm linh chi nữa! Những lúc bệnh, tôi nghĩ nếu được ăn những củ sâm ngàn năm trong phim Tàu hoặc được uống thuốc Tiên thì hay quá! Thuốc Tiên thì tôi chưa được uống, nhưng thuốc Tiền thì tôi đang được bác sĩ cho uống mỗi ngày một viên, và phải uống trong ba tháng. Sở dĩ tôi gọi là thuốc Tiền vì loại thuốc này giá đắt lắm lắm! Đắt không thể tưởng tượng được: 1000 Mỹ kim một viên! Vị chi là sau ba tháng, tiền thuốc của tôi tốn 90.000 Mỹ kim! Mỗi một buổi tối, khi bỏ viên thuốc vào miệng là tôi lại nghĩ mình đang “nuốt” vào bụng mười tờ giấy một trăm mỹ kim của chính phủ! Tôi cảm thấy áy náy trong lòng! Tôi nói với các con: – Mẹ nợ nước Mỹ nhiều quá! Từ ngày mẹ sang Mỹ, mẹ ra vào nhà thương như đi chợ! Nhà thương thì cứ như là khách sạn Ritz. Bác sĩ thì giỏi nhất thế giới, mổ xẻ mẹ lung tung như người ta mổ gà! Thuốc men thì dùng thả dàn, mà toàn là những thứ thuốc đắt tiền nữa chứ! Nhưng chưa lần nào thuốc mẹ uống lại đắt như lần này. Mẹ thấy tội cho nước Mỹ quá! Con tôi an ủi: – Mẹ đừng feel bad! Tiền thuốc của mẹ là tiền tụi con đóng thuế đó mà! Mẹ có biết là từ ngày con ra trường, con đóng hơn một triệu tiền thuế không? Tôi cười: – Đóng thuế là bổn phận của con vì con đã được ăn học đến nơi đến chốn, mặc dù nhà nghèo rớt mồng tơi! Nếu ở Việt Nam , nhà nào không có tiền thì ngay cả trường mẫu giáo các con cũng không được đặt chân đến nữa đó! Nhắc đến Việt Nam , tôi lại làm một con tính nhẩm trong đầu. Với số tiền thuốc tôi uống trong ba tháng ở Mỹ, mang về Việt Nam có thể…cứu được bao nhiêu mạng sống nhỉ? Tôi còn nhớ, có một lần, cách nay cũng khá lâu, nhà văn Uyên Thao đưa cho tôi xem một bức thư và bảo: – Cô xem có thể phụ tôi quyên góp tiền giúp thằng bé này được không? Thì ra, đó là bức thư của một người bạn anh Uyên Thao ở Việt Nam, ông kể, tình cờ đến một gia đình người quen ở Phan Thiết thì được biết gia đình đó có một cậu bé khoảng 9, 10 tuổi đang trong tình trạng chờ chết vì không có 2500 Mỹ kim để vào Sài Gon phẫu thuật tim. Sau khi anh Uyên Thao quyên góp đủ số tiền và gửi về thì khoảng hai tháng sau, chúng tôi nhận được thư cảm ơn của bố mẹ em bé và hình ảnh cũng như giấy tờ ngày nhập viện, ngày xuất viện của em bé. Để chứng minh việc giúp em bé là…có thật, tôi đưa giấy tờ hình ảnh nhận được cho nhà văn Nguyễn Thị Thanh Sung (Chị có xuất bản hai tập Hồi ký nhưng sau này, không thấy chị viết tiếp và dọn nhà đi tiểu bang khác). Chị chỉ xem ảnh thắng bé mà không xem giấy tờ, chị nói: – Chị đâu cần đưa các giấy tờ chứng minh, Thanh Sung tin chị mà! Thời đó, phẫu thuật tim tốn 2500 Mỹ kim, cứ cho là bây giờ đắt gấp đôi đi nữa, số tiền thuốc tôi uống trong ba tháng, tính ra cũng có thể cứu được…20 mạng người! Cũng với số tiền này, ở Việt Nam, có thể bắc được bao nhiêu cây cầu để các em bé có thể đi học qua sông mà không cần phải cột bao ni lông vào đôi chân để lội nước hoặc đu mình trên những chiếc cầu giây đầy nguy hiểm? Tôi lẩn thẩn nên tính nhẩm như vậy để thấy rằng, dù mình không được mẹ đẻ bọc điều nhưng đã may mắn đến dường nào vì được làm người dân Mỹ gốc Việt, được sống trong tự do, no ấm thật sự chứ không phải chỉ là dòng chữ trên những tấm biển treo khắp nơi khắp chốn trên đất nước Việt Nam. Dù được sống đầy đủ, hạnh phúc trên quê hương thứ hai này, nhưng những mảnh đời bất hạnh trên quê hương Việt Nam vẫn luôn tràn ngập trong tôi. Trong hoàn cảnh “Ốc chẳng mang nổi mình ốc”, tôi chỉ nghĩ để mà nghĩ, thương để mà thương chứ nào tôi có làm được gì cho những người thân, sơ đang ở Việt Nam? Có chăng, tôi chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện… Lê Thị Nhị |