ĐĂNG NGUYÊN

Tiểu sử của thi sĩ Đăng Nguyên
Tên thật : Nguyễn Đáng
Bút hiệu : Lam Kiều, Đăng Nguyên
Sinh năm 1944 tại Thừa Thiên Huế. Tốt nghiệp khóa 22 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.Cấp bậc cuối cùng : Đại Úy. Phục vụ tại Sư Đoàn 18 và Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực VNCH.Cựu Tù Cải Tạo qua các Trại Long Giao, Trại 12, Trại 9, Trại 7 (Hoàng Liên Sơn), Trại Nam Hà, Trại Z30A Xuân Lộc.
Qua Mỹ diện HO 8. Định cư tại các Tiểu Bang North Carolina, Maryland và Texas.
Gia nhập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Trung Tâm Văn Bút Miền Đông nay là Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, đã  được bầu vào các chức vụ Tổng Thư Ký( hai nhiệm kỳ) Phó Chủ Tịch ( hai nhiệm kỳ) Chủ Tịch ( hai nhiệm kỳ) . Hiện là Chủ Tịch Ủy Ban Định Chế trực thuộc Ban Chấp Hành Văn Bút VNHN.
Biography of Poet Đăng Nguyên
Real name: Nguyen Dang
PEN name: Lam Kieu, Dang Nguyen
Born in 1944 in Thua Thien Hue Viet Nam. Graduated from the 22nd class of Thu Duc Reserve Officer. Final level: Captain. Served at the 18th Division and the 5th ARVN Infantry Division.
Political Prisoner was detained through Camp Long Giao, Camp 12, Camp 9, Camp 7 (Hoang Lien Son), Camp Nam Ha, and Camp Z30A Xuan Loc.
Came to the US as Humanitarian Operation (HO)-HO 8.
Lives in the states of North Carolina, Maryland and Texas.
Joining in PENVietnam, PENVietnam Northeast centre
Was Secretary General (two terms) Vice President (two terms) President (two terms) .
Currently Chairman of Institutional Committee under PEN Vietnam Executive Committee.

Poetry Books of poet Đăng Nguyên

NHỚ THỦ ĐỨC-Đăng Nguyên

Thêm tác phẩm của thi sĩ chủ tịch Định Chế Đăng Nguyên trong website VB VĐBHK

https://vbmdhk.org/dang-nguyen/
Trang thơ của thi sĩ Đăng Nguyên

MƯA THU
Rạt rào mưa Thu đổ
Quanh rừng lá thông xanh
Nhà ai không cửa mở
Lấy chi ta tâm tình ?
 
Quê hương bao sầu nhớ
Võ vàng bóng trăng chênh
Không tình nên thơ nhạt
Thiếu bạn rượu buồn tênh.
 
Thương ai em mãi hát
Ta nhớ khúc quân hành
Xưa sao không chết trận ?
Sống chi giờ lênh đênh.
 
Lạnh lùng thay đất khách
Quanh quẩn mình riêng mình
Mai kia ta về đất
Còn lại chi ! Hư danh.
                        Đăng Nguyên
NỬA VẦNG TRĂNG THU
Tiễn người về bến sông xưa
Nơi đây buồn bã gió mưa tơi bời
Mỗi người đi mỗi phương trời
Gặp nhau ứa lệ nghẹn lời nói năng.
 
Nợ người có nửa vầng trăng
Mà chưa đền trả nên vầng trăng nghiêng
Nợ người nửa khối tình riêng
Nửa đời biền biệt qua miền lưu vong.
 
Ánh trăng soi bước long đong
Mỗi người ôm một nửa vòng trăng quay
Người đi nước mắt còn đầy
Ta về nửa tỉnh nửa say giữa đời.
 
Thu này lạnh lắm Thu ơi !
Lá vàng sao cứ rơi hoài chẳng ngưng.
                                Đăng Nguyên
                                Thu 2008
CÀ PHÊ NHỚ BẠN HIỀN
 
Ngồi quán cà phê chờ bạn hiền
Nghe tin rằng bạn đã quy tiên
Ly cà phê đắng càng thêm đắng
Điệu nhạc u buồn thấu tận tim.
 
Nhờ em chia sẻ bớt ưu phiền
An ủi lòng ta lúc mới quen
Ta nợ em nhiều em chẳng biết
Đôi mắt u buồn một cõi riêng.
 
Ta đến ta đi tình ở lại
Nhốt hồn trong ly cà phê đen
Mắt em mầu nhiệm như tu nữ
Ta lỡ mang về nhớ suốt đêm.
 
Cái nợ trần gian chắc phải trả
Cô đơn đến chết cũng êm đềm
Cà phê dù đắng mà như ngọt
Có lẽ tình ta mãi chẳng quên.
 
Chiều chiều nhớ bạn ngồi trong quán
Quán vắng Eden vắng bạn hiền
Từng giọt cà phê từng giọt nhớ
Bóng hình ai đó thật thân quen.
                             Virginia Thu xám 2021
                              Đăng Nguyên
KHÓC NGƯỜI 


Kính dâng hương hồn
Cố Thiếu Tướng Tư Lệnh SĐ18
LÊ MINH ĐẢO
 

Ngọn gió vô thường lướt lướt qua
Người đi, Người vừa mới đi xa
Khóc Người không chỉ khóc bằng lệ
Mà cả tâm can nhạt nhạt nhòa.

Khóc Người, Xuân Lộc buồn trong gió
Núi Chứa Chan mây phủ mù sa
Chiến thắng lẫy lừng Người để lại
Nghìn năm lịch sử chẳng phôi pha.

An Lộc Bình Long hè đỏ lửa
Áo Người lớp lớp bụi  can qua
An Điền bắt sống xe tăng địch
Bảo vệ bình yên nền Cộng  Hòa.

Mười bảy năm dư tù cải tạo
Đòn thù đau khổ tận xương da
Nỗi hờn vong quốc còn thăm thẳm
Sao Người đi vội, bóng dương tà.

Khóc Người không chỉ là nước mắt
Mà cả tâm tình thiết thiết tha
Bái biệt Hằng Minh bái Tư Lệnh
Tên Người ghi khắc nước non nhà.

ĐĂNG NGUYÊN
Biệt Đội Quân Báo SD918
Hai Chữ Vit Nam 
Người Việt Nam nào cũng dễ thương
Xin đừng tha hóa dù tha hương
Bốn phương trời rộng dài chân bước
Ngoảnh lại non sông đẹp lạ thường.
Bốn ngàn năm tổ tiên xây dựng
Một dải sơn hà có kỷ cương
Con cháu giờ đây lan tỏa khắp
Anh hùng hào kiệt vẫn noi gương
Xa nước nhưng lòng luôn nhớ nước
Mối tình chung ấy mãi vương vương
Dù cho muôn dặm đường cách biệt
Vẫn một lòng trung đến cuối đường.
Máu Việt chảy dài trong huyết quản
Trẻ già trai gái sống hiền lương
Trăm con ngàn cháu mà như một
Đất Việt muôn năm vẫn cát tường.
Đăng Nguyên

THƯƠNG MỘT MÙA HOA
 
Nhớ gốc phượng già nơi bến sông
Trưa hè lặng gió nước sông trong
Em ngồi giặt áo bên bờ vắng
Nước chảy xuôi dòng ra biển đông.
 
Hè đỏ rơi rơi hoa phượng hồng
Lòng tôi dào dạt nỗi chờ mong
Qua mùa thi ấy nên duyên nợ
Đôi lứa chung nhau một tấm lòng.
 
Chứng kiến tình tôi cánh phượng hồng
Tưởng thuyền xuôi mái nước thong dong
Đâu ngờ chinh chiến làm phiêu bạt
Kẻ ở người đi bỏ bến không.
 
Gốc phượng già thêm hoa biếng nở
Ve sầu im tiếng lạnh thu phong
Em tôi khô héo theo dòng lệ
Chết giữa mùa đời mới trổ bông.
 
Tôi về quê cũ sau chinh chiến
Nghe tiếng ve kêu giọng nỉ non
Buồn bã tôi ôm hoa phượng héo
Phủ lên bia mộ sầu mênh mông.
                               Đăng Nguyên
                            ( Dòng Mực Tha Hương )
TRẢ LẠI ĐỜI MƠ
Tim lạnh lùng buồn, gió lửng lơ
Tìm đâu ra được những vần thơ
Heo may đến cả trời Thu vắng
Đếm bước thời gian mãi đợi chờ.
 
Xuân qua Thu lại tình vây chặt
Đến cả sơn khê cũng bụi bờ
Khép kín tình chung như đã muộn
Trăm năm lờ lững giữa hoang sơ.
 
Ta đi ngắm mãi đời hoang phế
Nhắp chén quan hà nhớ vẩn vơ
Uống cạn nỗi buồn say đổi chác
Quên đi cay đắng cũng ơ hờ.
 
Vội vàng quay lại tình đi lạc
Mong nhớ chi nhau để sững sờ
Ôm kín cô đơn về nẻo bụi
Mộng đời xin trả lại đời mơ.
                     Tàn Thu, 2022
                     Đăng Nguyên

 
BÀI THƠ XUÂN MỚI
Bài thơ Xuân mới viết cho em
Nghe tận hư vô nỗi khát thèm
Cuội đá còn nguyên đời kết tũa
Mà em duyên dáng đứng bên thềm.
 
Bỗng nhiên thức giấc hồn lau sậy
Xanh biếc đời Xuân tựa cánh chim
Đậu cánh mai vàng hương sắc cũ
Lâng lâng giao cảm giữa triền miên.
 
Cho ta dào dạt tim gan mới
Xao xuyến từng cơn mạch đất lên
Gấm lụa xa hoa vô nghĩa cả
Vì em ngà ngọc tựa thần tiên.
 
Trong ta bội phản chưa từng có
Dừng lại bên bờ vực tử sinh
Xuân đến, lòng ta Xuân mới đến
Ru em tình tự mãi say mềm.
                        Đăng Nguyên
                      ( Dòng Mực Tha Hương)
NÀNG XUÂN MỚI
 
Xuân đến rồi đây đến nở mùa
Lòng ta phơi phới cũng như hoa
Âm vang dìu dặt từng chân bước
Bến bãi chân đồi Xuân lướt qua.
 
Nghe như mầu nhiệm từng hơi thở
Nắng ấm chang chang nhịp thái hòa
Ngồi đếm từng trang đời sử sách
Bóng hình năm cũ đã phôi pha.
 
Thời gian hòa nhịp vào quên lãng
Em đến rồi đi Xuân mặn mà
Một bước sang ngang ngàn dặm cách
Mùa Xuân huyền diệu một tình ta.
 
Cảm ơn Xuân đã cho ta mới
Đời đã cho ta tiếng thật thà
Ngưỡng mộ Xuân xanh từ dạo ấy
Một mùa Xuân mới đẹp kiêu sa.
                       Maryland, Xuân 2022
                          Đăng Nguyên
NÀNG XUÂN
Đủng đỉnh nàng Xuân xích lại gần
Tha hồ mà ngắm cái Xuân trân
Ba ngàn thế giới là riêng một
Lạc vía bay hồn cả thế nhân.
 
Ảo diệu nhân gian Xuân một cõi
Lung linh mày ngọc dáng phi tần
Ngàn thơm quyện lại vào hương tóc
Cái giá hồng nhan đẹp vạn lần.
 
Tự nhiên Xuân đến thơ vào đạo
Quỳ gối bên nàng tự hóa thân
Gió lạ miên man hồn thỗn thức
Nghe như lạc nẻo xuống dương trần.
 
Ôm mối tương tư trăm vạn kiếp
Yêu Xuân yêu mãi cái tình Xuân
 
 Đăng Nguyên
NGƯỜI ĐỢI MÙA XUÂN

Người đợi mùa Xuân tới
Trên đồng cỏ hoang vu
Chiều khói sương mịt mù
Sầu chia xa vời vợi.
 
Người đợi mùa Xuân mới
Nơi quê hương ngục tù
Mẹ già phơi tóc bạc
Chờ con vàng mấy Thu.
 
Bao giờ Xuân trở lại
Thay màu áo em thơ
Đói nghèo theo kiếp lạc
Tình Xuân sao hững hờ.
 
Như mai vàng không nở
Không mùa Xuân ước mơ
Thuyền xa nhớ sông hồ
Đâu còn Xuân mà đợi.
               Đăng Nguyên
             ( Đã Khô Dòng Lệ )
NGHÊNH XUÂN
Tết ở trong lòng Xuân tại tâm
Đèn hoa nhang khói quyện vân vân
Tổ tiên hòa nhập vào linh giác
Ta có muôn Xuân đến thật gần.
 
Nhớ Tổ bày bàn dâng cúng Tổ
Giữ gìn văn hóa mãi Xuân tân
Xa quê nhớ Tết nơi quê mẹ
Đốt nén hương bay khắp mấy tầng.
 
Rồi cũng huyên thuyên mừng tuổi mới
Ba ngàn thế giới thọ  nhân thân
Tâm thanh tịnh lạc quay về một
Chánh niệm Như Lai chuyển hóa dần.
 
Mới hay Xuân thật là Xuân tịnh
Mấy kiếp đi về ngộ ngộ chân
Một niệm qua mau ngàn niệm đến
Cành hoa Xuân Phật tỏa hương thầm.
                           Khai bút Xuân Canh Tý 2020
                                            Đăng Nguyên

MỘT MẢNH ĐỜI DƯ
Tìm lại phút giây lãng mạn đời
Không còn thấy nữa những ngày tươi
Trùng trùng duyên khởi vô biên đợi
Mong nhớ chi nhau những ngậm ngùi.
 
Người đi người nữa tiếp nhau đi
Thế giới bên kia có những gì
Cực Lạc, Thiên Đường ai đợi đến
Người người cứ mãi tiếp nhau chi .
 
Chiều chiều ngồi quán cà phê vắng
Nghe nhạc buồn thương thân phận người
Mải miết quên đi thời nhiễu loạn
Còn gì hoang vắng hơn chiều rơi.
 
Ảm đạm mưa thu gió lạnh lùng
Màu mây xam xám giọt mưa tuôn
Đầu đường cuối ngõ chiều thưa nắng
Một mảnh đời dư lạnh thấu xương.
Maryland, Thu xám 2021
Đăng Nguyên
HẠ BUỒN
Hạ có buồn khi phượng nở bông ?
Mùa xưa còn dịu mát hương nồng
Chia ly là lẽ đời riêng biệt
Màu nhớ xa mờ một bến sông.
 
Bến sông còn đó, thuyền trôi dạt
Thấp thoáng ai kia mãi ngóng trông
Một nắng hai sương mẹ già khuất
Bơ vơ còn lại những chiều không.
 
Chiều không, thương tiếc người xa vắng
Hè đỏ phôi pha cánh phượng hồng
Người ở bên này thương nhớ Hạ
Đêm về Gia Hội vẫn chờ mong.
 
Chờ mong mấy thuở tương phùng nhỉ !
Gặp gỡ, chia ly , thoáng chạnh lòng
Dòng thác thời gian trôi chậm lại
Bên bờ hiu quạnh Hạ buồn không.
                             Đăng Nguyên
                           ( Dòng Mực Tha Hương)
Mùa Mưa Nh Huế           

Mùa mưa này sao nhớ khôn nguôi!
Từng hạt rơi, từng giọt khóc đời
Xứ Huế dầm mưa, mưa chẳng dứt
Sông Hương buồn chảy xiết về xuôi.


Mùa mưa nào ướt áo em tôi
Thấm cả bờ vai, tóc rối bời
Dìu bước nhau đi, chiều Vỹ Dạ
Anh làm thơ, mưa Huế rơi rơi…


Giờ còn không? một chút gì nhau!
Em ở bên kia tóc nhuốm màu
Anh ở bên này sầu rả rích
Mùa mưa về lạnh buốt canh thâu.


Từng cơn mưa rào, trận mưa mau
Từ mái hiên đêm nhỏ giọt sầu
Thơ chẳng bao giờ em được đọc
Mà sao vẫn nhớ mùa mưa đầu.
Đăng Nguyên
Khóc bn Bùi Thanh Tiên

Thanh Tiên anh đã đi đi rồi
Bằng hữu nghe tin luống ngậm ngùi
Mùa dịch Cô Ra không đến được
Tâm hương xin gửi tấm  lòng  thôi.
 
Chúng mình chung một đời binh nghiệp
Vận nước sa cơ thế thế thời
Cải tạo lưu đầy năm tháng tận
Lính già đất khách lạnh lùng trôi.
 
Gặp nhau xây dựng tình Văn Bút
Góp những vần thơ đẹp với đời
Thế sự thăng trầm  bờ hữu hạn
Tri âm tri kỷ có bao người.
 
Mới đó mà sao đành vội vã
Bỏ tình bỏ bạn theo mây trôi
Khóc anh viết mãi thơ thành lệ
Cầu nguyện hồn về chốn thảnh thơi.

Đăng Nguyên
ĐỐT NÉN HƯƠNG LÒNG
(Tưởng Niệm Cố Thiếu Tướng Tư Lệnh SĐ5
Lê Nguyên Vỹ tuẩn tiết tại Lai Khê trưa 30 tháng Tư năm 1975).
 
Chiều ấy Lai Khê u uất lắm
Đất trời cây cỏ ngập màu tang
Khi người nằm xuống, người nằm xuống
Ta đã mất rồi ! Mất Việt Nam.
 
Sáng Ba Mươi giặc tràn Phú Lợi
Quân ta về trấn thủ Bình Dương
Ta vẫn nghe lời Người trong máy
Lòng trung tổ quốc vẫn vang vang.
 
Tiếng súng mười giờ đau vận nước
Máu anh hùng mãi mãi còn loang
Cờ Lai Khê ngậm ngùi trong gió
Mưa Bến Cát rào rạt bàng hoàng.
 
Đường Mười Ba giặc về ta vẫn đánh
Đoàn chiến xa mở đường máu không hàng
Đồi Ba Mốt Sư Đoàn bị bức tử
Đêm Ba Mươi vang vọng những hồn oan.
 
Bao nhiêu năm cờ tang chưa xả
Sống lưu đầy lòng đau nhục mang mang
Trời tháng Tư vẫn nghẹn ngào trong nắng
Hỡi hồn người ! còn vang tiếng Việt Nam.
( Đăng Nguyên – Biệt Đội Quân Báo SD95)
Hồn Thu
Bởi có Mùa Thu lá mới vàng
Heo may về gọi nhớ miên man
Vòng tay em nối vòng tay mẹ
Ôm cả quê hương tiếng dịu dàng.
Nên Thu vẫn thắm tình nguyên vẹn
Sông núi dù xa mấy dặm ngàn
Anh vẫn còn em bên cánh cửa
Dù đời chia biệt chẳng ly tan.
Đất Mỹ xa xôi lòng chẳng Mỹ
Mang mang hồn lạc cõi trời Nam
Bốn mùa nhưng chẳng mùa riêng biệt
Màu nhớ y nguyên chẳng lụn tàn.
Gửi em chiếc lá vàng Thu cũ
Ép mãi trong tim thuở bẽ bàng
Duyên kiếp còn không thì cứ đợi
Thiên thu còn mãi mộng thênh thang.
Đăng Nguyên
Lạc Nẽo Thu
Ai biết lòng ta những héo khô
Nỗi buồn diệu vợi nỗi âm u
Vang vang từ cõi đời hư thực
Ru mãi trong tim điệu ngục tù.
Ta với tay lên cành lá úa
Nhớ màu xanh thẳm đã hoang vu
Trăm năm rồi cũng sầu ly biệt
Thương quá giòng đời dạ ngẩn ngơ.
Tạm biệt xứ vàng hoa lá thắm
Đi xa để lại những mong chờ
Bàn tay ấm áp vô biên đợi
Dòng mực tha hương mãi lững lờ.
Ta đau như thể hồn du mục
Cảm nhận tình thương khó tạ từ
Em ơi sâu thẳm trong hồn nứơc
Lơ lửng mây chiều mới lướt qua.
Vẫy tay từ giã người như ngọc
Ta thấy lòng ta đau kiếp xưa
Tóc rủ bờ vai ai réo gọi
Mà cả tình ta gió lạnh mùa.
Đăng Nguyên
GIỜ PHÚT CUỐI CÙNG 
Đăng Nguyên

Mới đó mà đã bốn mươi năm. Tháng Tư lại hiện về.Ký ức như in sâu theo thời gian trong tiềm thức thoáng qua đầy oan nghiệt, không thể phai mờ.Lai Khê, Bến Cát, Phú lợi, Phú Văn, Lái Thiêu, những địa danh mà tôi đã trải qua trong những ngày cuối Tháng Tư 1975 đầy máu lệ.
Tại căn cứ Lai Khê, nơi đồn trú của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh dưới quyền của Chuẩn Tướng Tư Lệnh Lê Nguyên Vỹ đã sẳn sàng tử thủ, chờ đợi một cuộc tấn công quy mô như trận Xuân Lộc của tướng Lê Minh Đảo.Nhưng cuối cùng đã không kịp xảy ra.Tình hình tổng quát xấu đi.Tướng Lê Nguyên Vỹ lắc đầu thốt ra câu :”… Giả dạng bần tăng hết rồi…”, ám chỉ những người bỏ chạy trước binh sĩ. Thay vì tập trung tử thủ tại Lai Khê. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh chia làm ba : Bộ Chỉ Huy Hành Quân 1 do Đại Tá Tư Lệnh Phó Trần Văn Thoàn chỉ huy di chuyển về căn cứ Phú Lợi phối hợp với Tiểu Khu Bình Dương. Bộ Chỉ Huy Hành Quân 2 do Trung Tá Văn, Tham Mưu Phó di chuyển về Tân Uyên với Trung Đoàn 7 bảo vệ phía bắc phi trường Biên Hòa.Lực lượng còn lại  do Tư Lệnh Lê Nguyên Vỹ và Đại Tá Tham Mưu Trưởng Từ Vấn chỉ huy sẽ bỏ căn cứ Lai Khê rút về tăng cường bảo vệ thị xã Bình Dương trong ngày 30 tháng Tư.
Sáng ngày 29 tháng Tư, tôi được lệnh tháp tùng Đại Tá Tư Lệnh Phó  theo đoàn xe di chuyển về căn cứ Phú Lợi.Ngồi trên xe Jeep, mở radio nghe đài Sài Gòn , bọn phản chiến Lý Quý Chung, Tôn Thất Lập, Trịnh Công Sơn… hát nối vòng tay lớn… mỗi lời, mỗi câu của bọn họ như mủi kim đâm vào tim của các chiến sĩ đang cầm súng chiến đấu bảo vệ từng tất đất của Miền Nam Tự Do.Trong lúc đó tiếng đạn pháo kích của quân Cộng Sản đang dội vào căn cứ Củ Chi, nghe rền trời. Tôi cảm giác giờ phút ác chiến với quân Cộng Sản sắp bắt đầu .Chiều 29 tháng Tư, Bộ Chỉ Huy 1 của Trung Tá Văn cũng rút về Phú Lợi. Ta đã mất Chi Khu Tân Uyên, chỉ cách phi trường Biên Hòa một bờ sông Đồng Nai.
Đêm 29 tháng Tư, căn cứ Phú Lơi bị pháo dữ dội. Trong hầm Trung Tâm Hành Quân, Trung Tá Ứng, Tiểu Khu Phó Bình Dương và Đại Tá Thoàn điều động các đơn vị thuộc Sư Đoàn 5 và Địa Phương  Quân chống trả kịch liệt và gây tổn thất nặng nề cho các  đơn vị Cộng Quân có chiến xa yểm trợ.Nhiều chiến xa T54 của quân Cộng Sản bị quân ta bắn cháy ngoài vòng rào.Đại Tá Thoàn là một cấp chỉ huy rất dũng cảm, không sợ chết là gì. Dù đang bị pháo kích như mưa, ông vẫn rời hầm chỉ huy, đi ra ngoài kiểm soát các đơn vị phòng thủ quanh các giao thông hào. Tôi là Biệt Đội Trưởng Quân Báo luôn đi sát bên ông, nhiều khi suýt mất mạng.Suốt đêm 29 , trên máy siêu tần số của Trung Tâm Hành Quân , tôi vẫn liên lạc đều đặn với Bộ tư Lệnh ở Lai Khê, và nhiều lần nghe các chỉ thị của Tư Lệnh Lê Nguyên Vỹ.Được biết Chuẩn Tướng  đã ra lệnh cho Bộ Tham Mưu Sư Đoàn ở Lai Khê thiêu hủy tất cả hồ sơ, tài liệu của Sư Đoàn trong đêm 29 và đoàn xe hành quân di chuyển về Bình Dương đã sẳn sàng.
Tám giờ sáng 30 tháng Tư , Đại Tá Thoàn và Trung Tá Ứng nhận được lệnh rút khỏi căn cứ Phú Lơi về tư dinh của Đại Tá Văn Văn Của , Tiểu Khu Trưởng Bình Dương. Đoàn xe di chuyển trong mưa pháo.Đến khu nghĩa địa giữa Phú Lợi và Thị Xã Bìng Dương thì bị  chiến xa T54  của Cộng Quân cắt ngang. Xe của Đại Tá Thoàn và Trung Tá Ứng chạy trước nên qua khỏi, về tới dinh của Đại Tá Của. Phần chúng tôi còn lại phải theo đường nhỏ chạy ra Quốc Lộ 13, tôi mất liên lạc với Đại Tá Tư Lệnh Phó.Trên Quốc Lộ 13, chúng tôi không thể quay vào thị xã Bình Dương được, đành nhập vào đoàn xe của Sư Đoàn 25 BB từ Củ Chi chạy qua, hướng về Lái Thiêu. Đoàn xe được dẫn đầu bởi nhiều chiến xa M48 và M41 nên cũng yên tâm.Đến Trung Tâm Huấn Luyện Phú Văn, gần chợ Lái Thiêu ,trong lúc Trung Tâm Huấn Luyện đang bị bao vây , đánh nhau suốt đêm nhưng chưa bị thất thủ.Anh em trong Trung Tâm Huấn Luyện mặc dầu đang bị pháo nhưng vẫn vẫy tay gọi đoàn xe vào, nhưng đoàn xe vẫn chạy.Đến đầu xa lộ Đại Hàn thì bị phục kich, nhiều xe bị cháy.Thầy trò chúng tôi bỏ xe, lăn xuống mương nước bên kia đường thoát chết, nhờ có ruộng khoai lang dân mới trồng, luống khoai rất cao nên che được đạn AK. Đạn pháo và súng nhỏ đang nổ liên hồi, tự nhiên im bặt, rất lạ lùng. Chúng tôi theo luống khoai bò vào nhà dân mới biết lệnh ngưng bắn, buông súng đầu hàng. Vô cùng hoang mang và hoảng sợ. Trên đường từ Phú Văn ra tới xa lộ Đại Hàn, xác anh em nằm la liệt. Tội nghiệp dân chúng ở Phú Văn giờ phút đó họ vẫn không sợ quân Cộng Sản, rất nhiều người dân ra khiêng anh em lính bị thương vào nhà băng bó.Tình quân dân rất cao cả.Một trận mưa lớn đổ xuống, nước mưa đỏ hồng màu máu ngập mắt cá chân. Tôi lội đi trong dòng máu đỏ của đồng đội anh em.Chúng tôi quay trở vào Trung Tâm Huấn Luyện. Tất cả đều ngơ ngát, thất thần. Tôi không quen ai trong Trung Tâm Huấn Luyện. Đại úy Trần Đạo và mấy anh em khác ở lại đó.Tôi ra khỏi Trung Tâm Huấn Luyện thì bị bắt, vì đang mang vủ khí trong người.Cuộc đời binh nghiệp chấm dứt từ đó.Trong tù, được tin Chuẩn Tướng Tư Lệnh Lê Nguyên Vỹ đã tự sát ở Lai Khê. Đại Tá Tham Mưu Trưởng Từ Vấn đã khâm liệm xác của Tư Lệnh và an táng trước sân cờ Bộ Tư Lệnh.Sau đó Đại Tá Tham Mưu Trưởng và toàn thể sĩ quan  đều bị bắt. Vì là đơn vị không đầu hàng.Tôi rất đau buồn.Nhớ Tư Lệnh,” sinh vi tướng, tử vi thần”, tôi đã làm thơ khóc:
 
           “…..Chiều ấy Lai Khê u uất lắm
                 Đất trời cây cỏ ngập màu tang
                Khi Người nằm xuống,Người nằm xuống
              Ta đã mất rồi, mất Việt Nam…….”
              (Trong bài Đốt Nén Hương Lòng)
 
Bốn mươi năm qua, có những điều chưa nói hết. Có những điều chưa biết hết.Có những người ôm hận mang xuống tuyền đài.Miền Nam Tự Do ơi!
 
                                           Đăng Nguyên