Đâu Là Quê Hương Gấm nằm gặm chân mẹ, bên kia là Tro đang giỡn với cha. Gấm chần chừ một chút rồi vung chân trước ra thúc vào vú mẹ đòi bú, mẹ Gấm đang lim dim mắt ngủ gật, bực mình vì hai đứa con mới vừa bú, giờ lại thèm sửa rồi! Mẹ Gấm nhăn hàm răng trắng với bốn cái nanh nhọn hoắc doạ, Gấm bèn làm lành với mẹ, bò ra chơi với Tro. Lúc ấy, Tro đang nằm dài ôm cái đuôi của cha, hai chân trước và sau ôm trọn những đốm lông màu vàng đen xen nhau, cái đuôi của cọp cha lúc ấy nhúc nhích khuyến khích Tro ôm cho chặt. Bất thần, cọp cha co đuôi lại vung một cái, Tro văng lên tới tận cổ của cọp cha, cuối cùng Tro nằm vắt vẻo trên lưng cha, cất tiếng hát. Tro hát một bài hát, mà trước đó không lâu cọp cha dạy cho hai đứa hát trong một đêm trăng rằm. Nó vừa bắt chước giọng ồ ồ, vừa ngân nga: cà um, cà um… Gấm lân la tới gần, lấy chân trước khều vào hông cha xin gia nhập vào trò chơi… Gia đình cọp đùa giỡn như thế suốt một buổi sáng có sương mù trên ngọn đồi chung quanh là rừng lá thấp. Loài người thường hay đi lại nơi này để lấy lá cọ, đốn tre, tìm trầm, săn bắn… Gia đình cọp từ biên giới Buôn Mê Thuột đã lánh nạn về đây gần ba mươi năm. Kể từ cái ngày con người không biết từ đâu, nói tiếng trọ trẹ, đem xe tăng, thiết giáp, súng to, súng nhỏ bao vây và cho nổ rầm trời, động cái thiên đường rừng rú, nơi quê hương ông bà cha mẹ cọp sinh sống bao đời… Đàn cọp hết chỗ sinh nhai phải chạy thục mạng xuống khu Đồng Bò đầy nắng ấm thuộc khu vực Khánh Hoà. Từ đó, không những gia đình nhà cọp, mà toàn thể muông thú đều lâm vào cảnh đói khát, không tìm ra mồi hàng ngày. Loài người lại thường xuyên săn lùng hơn trước, giết bắt thú rừng làm lương thực. Họ cũng lâm vào cảnh bần cùng chỉ vì các lý thuyết Cộng Sản, đấu tranh giai cấp do giai cấp cai trị lấy cắp từ bên ngoài, đem về làm khổ cả người lẫn thú… Gấm nghe cọp cha kể lại rằng, lúc đó, ông bà nội của Gấm “di tản” về đây, là bà nội đang có bầu được mấy tháng. Sau khi sanh, ông bà nội của Gấm và Tro đã phải vất vả tìm nơi kín đáo, gần bờ suối để xây tổ uyên ương; ông nội thì ngậm mẹ của Gấm, bà nội tha cha Gấm. Vừa đến nơi chưa được hai hôm, trong lúc ông nội đi tìm mồi, thì bọn người đi săn rình rập bắn chết. Người ta bắn ông xong, cột giây kéo xác ông, bốn người xí xa xí xô khiên xác ông nội đi mất. Bà nội rống lên thảm thiết nhìn hai con nhỏ. Bà thề độc rằng khi nuôi cha mẹ Gấm và Tro lớn lên, bà sẽ tự mình trả thù cho chồng. Vì thế cho nên khi cha mẹ gấm biết tự tìm mồi, tự kiếm ăn thì cũng là lúc bà nội ra đi biệt tăm. Nghe đâu bà tìm theo dấu vết kẻ thù đã giết ông nội. Họ là những người từ miền Bắc vào, cướp rẫy, cướp đất của những người vốn sinh sống bằng nghề đốt rừng làm rẫy ở nhà rông. Đồng bào Tây Nguyên rất thân thiết với dòng họ cọp. Người ta thấy cọp là chạy; với lại họ không có súng, không có vũ khí, nên tôn thờ hình tượng cọp và ít khi động đến uy danh nhà họ cọp. Thế mà những người gọi là văn minh, có ăn có học, có súng, có xe tăng thiết giáp lại ăn thịt cọp, lấy da cọp bêu rếu trải thảm trong nhà hay treo lên tường làm kỷ niệm chiến thắng, bán xương cọp cho tiệm thuốc Bắc nấu cao ngâm rượu trị bịnh nhức mỏi! Bà nội lặn lội từ khu vực nầy đến khu vực khác để tìm kẻ thù. Theo như cha của Gấm kể thì khi người ta khiên xác ông nội, bà nội để ý nhớ mặt từng người. Bà còn theo phía sau ngửi mùi để khi tìm thì tìm cho chính xác. Nghe nói hơn một năm tìm kiếm, bà nội đã ăn thịt hai người, một là người đã bắn vào đầu ông nội, người kia là thủ phạm cột giây kéo. Hai người nữa bà tìm không được vì nghe đâu họ đã về Hà Nội. Nhưng bà nội của Gấm và Tro không may mắn, vì sau khi ăn thịt người, bà đâm ra quen hơi, quen mùi máu thơm tho của người. Bà nội quên rằng dòng họ nhà cọp chỉ săn thú rừng làm thực phẩm. Trừ phi con người tấn công thì mới tự vệ…Bà ăn quen, nhịn không quen, ghiền mùi thịt người; nên đêm đêm rình mò tìm người để thoả mãn cơn thèm. Không may cho bà nội, người ta đã tìm cách bẫy được bà và khiên về bán cho bọn người Tàu làm thuốc. Họ thịt bà nội, họ lấy xương nấu thành cao, đóng thành gói bán cho những ai đau lưng nhức mỏi mua về ngâm rượu. – Cha ơi! sao người ta ác quá vậy cha? mà sao cha biết bà nội tìm được hai người giết ông nội? – Ùm…! Thì cha cũng nghe dòng họ cọp nhà ta kể lại, hồi đó cha mẹ còn nhỏ, mới biết tìm mồi nuôi thân. – Cha nè! mà cũng kỳ há, dòng họ cọp nhà ta lúc nào cũng trốn chui trốn nhủi trong hang hay trong rừng lá; vậy mà biết hết chuyện của con người. Bà nội bị xẻ thịt, bị nấu làm cao hổ cốt cũng biết hết… lạ thật! – Chuyện trong rừng vẫn có lịch sử của rừng, cha quen biết với ông voi già trên vùng Đà Lạt thỉnh thoảng tìm thức ăn qua đây kể lại nhiều chuyện. Voi là loài sống lâu và biết nhiều thứ xảy ra trong thế giới thú vật chúng ta. Có thể nói voi là tiên chỉ của rừng, dòng họ voi truyền đời này đến đời khác, kể cho nhau lịch sử của rừng xanh. Cho nên không có một voi nào mà không biết được những gì đã đang xảy ra cho cộng đồng thú vật. Con người văn minh và tàn ác, họ luôn tìm giết muôn thú để lấy thịt làm thực phẩm, lấy da làm đồ trang sức, lấy xương nấu cao tẩm bổ… Tóm lại, bà nội chúng mầy tìm kẻ thù giết ông nội, ăn thịt loài người cũng đúng thôi… – Nhưng sao kỳ trước cha nói rằng không nên động đến loài người, nên kiếm thỏ dê hay bò chồn ăn thịt? – Vì mình rình rập vồ cho được một người đã khó khăn mà còn có thể chết vì con người. Con người họ khôn lanh và nhiều mưu lược. Dòng họ nhà cọp nói riêng, muôn thú nói chung đều phải tránh xa loài người. – Cha ơi! sao con thấy dòng họ nhà bò, dòng họ nhà trâu, dê, cừu, ngựa, gà, vịt… Kể cả chim bồ câu nữa đều làm thân với con người? Sao con thấy tụi nó tung tăng đi với người thân thiện lắm, còn giúp người cày bừa làm ruộng nữa…? – Ùm…! Vì tụi đó nó ngu, nó bị đầu độc, nó bị cái lý thuyết do con người nhét vào đầu: “ Người và muôn vật bình đẳng, người yêu muôn loài, người cũng là sinh vật, hãy đoàn kết cùng chung hưởng” nên tụi nó theo và trung thành với con người. Nhưng bị người lợi dụng, bị người bóc lột sức lao động, bị người vắt sữa, nuôi cho béo để kéo cày, khi không còn cày được thì đem ra làm thịt…Con người nuôi súc vật là chỉ để lợi dụng và làm thực phẩm… – Còn một dòng họ đặc biệt nữa là dòng họ nhà chó. Con thấy chó lúc nào cũng giúp con người, trung thành tuyệt đối với người, giữ nhà cho người, lúc đi săn thì chạy đi tha mồi cho chủ. Thậm chí còn làm trinh sát tìm kẻ thù cho chủ, dùng khứu giác thính nhạy tìm ra không biết bao nhiêu ích lợi cung phụng loài người! Sao dòng họ nhà chó lại đần độn làm thân tôi mọi cho loài người như vậy? – À! Cái chuyện nầy cha cũng không giải thích với chúng mày được. Cha sẽ tìm voi già hỏi xem. Hình như ngày mai đàn voi Đắc Lắc sẽ đi ngang qua đây. Nảy giờ Tro nằm im nghe cha và anh Gấm chuyện trò, cô nàng ít chú ý lắm về những vấn đề lớn mà cha đã kể. Nàng mơ màng nghĩ đến tí nữa sẽ cùng Gấm nhảy xuống suối tắm mát và đùa giỡn. Tro giống mẹ, nó lúc nào cũng trầm ngâm và thủng thẳng, chậm chạp lấy chân khều cha, khều mẹ, ngước lên nhìn Gấm: – Cha ơi! Cha nói chỉ có họ Voi là biết hết mọi việc, lại khôn và mạnh nữa phải không? – Ùm! Voi to lớn, tuy chậm chạp nhưng rất thông minh và biết được nhiều việc, Voi hay làm cố vấn cho cộng đồng muôn thú, hay giải quyết các tranh chấp và được nể vì lắm! – Nhưng sao con người vẫn khuất phục được voi? Con thấy voi đi chuyên chở gỗ cho người nè, bị người ngồi trên lưng lấy búa gõ vào đầu nè, voi còn ngoan ngoãn làm theo lệnh của người, kể cả những việc làm tàn ác như dùng chân để chà nát kẻ thù của người chủ voi, lấy vòi tung thân thể người chiến bại lên trời cho rớt xuống chết thảm… khi xưa nghe nói voi cũng giúp người một cách đắc lực trong các trận đánh giữa người và người! Thế voi cũng ngu và hèn để cho người bắt làm nô lệ, bắt làm những điều tàn ác mà vẫn không cưỡng lại được hay sao? Con người nhỏ xíu, đối với voi thì thấm tháp gì mà sợ họ quá thể? – Cà um…! Cha không trả lời cho con được câu hỏi này. Tro tuy ít nói mà con rất nhạy bén và thông minh. Hỏi câu nào ra câu đó! Thôi, ngày mai chia sẻ đưa các con gặp ông voi già rồi các con tự do hỏi ổng, xem ổng trả lời ra làm sao. – Nhưng cha ôi! – Tro tiếp – Còn loài cọp của chúng ta mang danh là chúa tể sơn lâm, muôn loài đều khuất phục, vậy mà thấy người cũng cụp đuôi chạy có cờ trừ phi rình mò lúc người không phòng bị, chụp ẩu tha về hang mới dám ăn thịt, chứ không đường hoàng nằm ngay tại chỗ thưởng thức của ngon là thế nào? Cọp mang tiếng là chúa tể rừng xanh mà không có nơi nào an toàn để sống. Gia đình ta từ đời ông đến đời cha đều phải chạy trối chết khi con người xâm nhập vào rừng… Cha có biết tại sao người ta hay nói với nhau câu: “cọp Khánh Hoà ma Bình Thuận” không, nói cho tụi con nghe đi! Lão cọp cha lấy chân trước vuốt vuốt hàm râu cứng như rễ tre, đuổi mấy con lằn xanh bu vào môi, vào mũi. Hơi thối từ cái miệng ăn thịt sống lâu ngày, những lớp bợn nhét vào kẻ răng bốc lên mùi hấp dẫn tụi lằn xanh và ruồi bu quanh như ong vỡ đàn! Lão trầm tư suy nghĩ về câu hỏi hóc búa của con gái. Quả thật con người làm chủ muôn loài, con người đã xâm chiếm không còn tấc đất an toàn nào cho dòng họ nhà lão. Mà ai đã đặt bày ra câu dân gian ca tụng dòng họ nhà cọp? Ai đã cho rằng ở Khánh Hoà cọp tác oai tác quái để có câu “Cọp Khánh Hoà…”? Lão từ từ ngước lên bầu trời cao, nhìn những đám mây đen đang tụ về, hình như sắp có cơn dông tố và mưa rừng. Lão quay lại hai con âu yếm, kể rằng: – … Xưa kia, lúc trời đất còn chưa phân biệt, chỉ có một cái thang leo lên leo xuống. Mặt trời quá thấp, sức nóng như thiêu đốt, cây cỏ ban đêm vừa đâm chồi thì ban ngày bị cháy, người và vật cũng chỉ sống ban đêm còn ban ngày thì chui vào hang sâu trong rừng trốn ánh sáng mặt trời. Khi đó con người trí khôn biết được Thượng đế đi dạo vườn thượng uyển, nên đã leo lên thang đến quì lạy ôm chân Ngài thưa rằng: “Tâu Thượng Đế, chúng con nhờ Thượng Đế sinh ra, nhưng con quỉ mặt trời làm nóng hết thảy không cho chúng con được sinh sống, phải chui rút vào hang cùng muôn thú, thiếu thức ăn và nước uống. Xin Thượng Đế thương, phân định cho tụi chúng con nhờ! Thượng Đế bèn cho mặt trời bay lên cao hơn, nhỏ hơn đủ sưởi ấm mặt đất mà thôi; còn loài người được sống ở đồng bằng, tăng gia sản xuất ngũ cốc để ăn uống nuôi sống. Muông thú thì được ở trong rừng cây xanh nhưng Thượng đế quên không phán là thú rừng được ăn những thứ gì. Ngài chỉ định dòng họ nhà cọp làm chúa sơn lâm. Voi tức mình kiện rằng chúng có thân mình to lớn sao phải chịu làm thần dân nhà họ cọp. Sư tử cũng hùa theo hỏi chúng oai phong như vậy mà cũng bị cọp sai khiến hay sao? Thượng đế bền cười mà phán rằng, các ngươi hay sắp hàng chạy thi xem và thử, dùng hai chân trước múa thử. Cuộc thi đi đến kết quả là voi chậm chạp chỉ tổ phá cây cối lúc chạy, hai chân trước không giơ lên cao được. Sư tử thì chạy bằng cọp nhưng khi biểu diễn võ thuật thì thua. Cuối cùng nhà cọp được chúng đồng ý thần phục… – Cha ơi! – Tro và Gấm đồng thanh hỏi – Cha kể dài dòng quá, cho tụi con biết tại sao con người ăn ngũ cốc rồi lại còn ăn thịt đủ thứ nữa, với lại sao gọi là cọp Khánh Hoà? – Ùm…! Sau đó con người sanh sôi nảy nở nhiều quá không có chỗ sinh sống và sản xuất, bèn xâm chiếm vào rừng. Đôi khi rừng bị cháy và thú rừng bị chết cháy, Con người ăn thử thấy thịt ngon nên từ đó họ lại ăn cả thịt thú. Khánh Hoà xưa kia là một nơi rừng xanh bạt ngàn, các giống thú rừng sinh sôi nẩy nở, cây cối tốt tươi. Dòng họ cọp các nơi về đây tụ họp sống rất sung túc vì có nhiều giống thú để săn bắt. Lúc đó con người mỗi khi xâm nhập vào rừng Khánh Hoà là gặp ngay cọp, bị dòng họ nhà cọp xơi tái nên họ đặt tên cho Khánh Hoà là địa danh của nhà cọp. Thời gian sau này họ săn bắt cọp để làm thuốc trị nhức mỏi nên họ nhà cọp ở Khánh Hoà dần dà gần như tuyệt chủng. Chúng con thấy đó! Ông bà nội nhà ta đến dây cót mấy ngày là bị nạn đến nỗi bà nội đi trả thù cũng bị chúng nó nấu cao hổ cốt. Từ ngày chúng con sanh ra đến giờ ít khi thấy cọp Khánh Hoà chính gốc xuất hiện mà chỉ có những cọp các nơi về đây tị nạn như chúng ta mà thôi. Tị nạn nhưng vẫn nôm nốp lo sợ có ngày nào đó con người bắn cho một phát… – Tại sao chúng ta không kiện lên Thượng Đế? Để loài người tác oai tác quái tiêu diệt hết các loài thú vật, lợi dụng thú vật bắt làm nô lệ, nuôi thú vật để ăn thịt, vào rừng săn bắn từ loài nhỏ đến loài lớn khiến cho ngay cả dòng họ cọp cũng đành bó tay chịu chết…Cọp cha quay qua nhìn cọp mẹ buồn rầu, lão nghĩ, nói với hai con như thế nào để chúng nó hiểu được là Thượng Đế đã ở quá xa và không bao giờ còn quay nhìn lại mặt đất. Con người đã văn minh đến độ phát minh ra máy móc tối tân, làm ra phi thuyền thám hiểm lên đến mặt trăng, sao hoả… Có lẽ Thượng đế quá giận nên Ngài đã phó mặc cho mặt đất quần thảo chém giết nhau, ăn thịt lẫn nhau. Con người và con người cũng đã luôn luôn tranh giành nhau để sống còn, loài vật cũng thế nhưng còn bị loài người làm thực phẩm, càng ngày càng khánh kiệt… Con người văn mình càng cao càng trở nên kiêu căng, trở nên độc ác. Ngoài miệng thì nói nhân nghĩa mà hành động thì quá tàn ác. Họ luôn nhân danh Thượng Đế, nhân danh thần linh… Nhưng chính đầu óc họ chứa toàn những điều tàn bạo hiểm sâu cực kỳ độc ác ngay chính với đồng loại của họ là loài người! Cọp già buồn bã quay qua lấy đuôi lùa hai đứa con ôm vào lòng. Chân trước sờ vào lưng vợ âu yếm. Lão rống lên một hơi dài, rồi đứng dậy lững thững ra bìa rừng rình rập xem có con mồi nào vô phúc lọt vào tầm mắt của lão…! Lão vừa đi vừa trầm ngâm suy nghĩ cuộc đời, mấy ngày hôm nay gia đình lão chỉ săn tìm được vài con thỏ không đủ xỉa răng. Tụi thú rừng càng ngày càng khôn ra nên chúng ít khi bị lọt vào tầm quan sát và vồ mồi của lão. Lại nữa, mấy tháng nay loài người lùng sục săn tìm voi, cọp, và những con gấu… Họ đi thành tổ ba người với súng ống thứ dữ. Họ còn tìm trầm và những nguồn tài nguyên hiếm quí của rừng… Ôi! con người càng ngày càng sanh sôi nẩy nở chiếm hết đất, chiếm hết bầu không khí, chiếm luôn cả sự sống muôn loài. Họ tàn phá rừng, cưa cây đốn gỗ, đốt than khiến cho rừng càng ngày càng nhỏ dần. Lão cọp già thở dài áo não… Lão vừa quay lưng muốn phục xuống gần tảng đá lớn đề quan sát thì lão ngã quỵ xuống. Lão linh tính rằng có một vật gì đó xuyên qua ngực, lão sờ lên ngực đầy máu. Lão nghe tiếng súng chát chúa hai ba phát nữa. Đầu của lão bị một viên đạn xuyên qua. Lão còn đủ trí óc, một giây thôi, để nhớ đến hai con và vợ yêu quí của lão đang chờ thức ăn. Lão cũng còn một giây, để biết rằng số phận lão đã giống như cha mẹ của lão ba mươi năm về trước… Thế là Gấm và Tro sẽ không bao giờ còn được nghe cha kể chuyện rừng, sẽ không bao giờ gặp được voi miền Đắc Lắc để hỏi cho ra lẽ vì họ nhà voi cũng khốn đốn không kém các họ nhà thú khác, trước sự tấn công cua con người! letamanh |