Đêm Thơ Nhạc Huyền Không Ngày 10 tháng 9 /2022 tại Tu viện Huyền Không của vùng thung lũng hoa vàng thuộc miền Bắc Cali, ni sư Nguyên Thiện (trú trì) và thầy Thích Tánh Tuệ đã tổ chức “ Đêm Thơ Nhạc Huyền Không “ để tưởng niệm cố Trưởng lão Hoà thượng thượng Mãn hạ Giác. Tôi được thầy Thích tánh Tuệ nhờ đọc bài thơ của Thiền sư Mãn Giác/ Huyền Không cách đây đã 3 tháng trước. Lòng tôi hân hoan vô cùng vì từ lâu thường đọc thơ Ôn, rất kính ngưỡng tấm gương sáng ngời của nền văn học Phật giáo. Hòa Thượng Thích Mãn Giác (1929-2006) Hòa Thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không, thế danh Võ viết Tín, sinh năm 1929 tại Cố đô Huế và viên tịch năm 2006 tai Chùa Việt Nam, Los Angeles, California thọ thế 78 tuổi đời, 58 pháp lạp. Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Hội Chủ là một Đạo Sư, Thiền Sư, Nhà thơ, Học giả của Phật giáo Việt Nam. Người đã tốt nghiệp Tiến sĩ văn chương và Phật học từ trường Đại Học Tokyo danh tiếng của Nhật, rồi trở thành giáo sư của nhiều trường Đại học trong nước, đã một thời dạy đại học Văn Khoa Huế. Phó Viện trưởng điều hành của Viện Đại học Vạn hạnh, nhà văn hóa của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Ngài là một Tăng sĩ Việt Nam mà tài đức xuất chúng, một tôn đức trong hàng Giáo phẩm của Giáo hội khi còn ở trong nước cũng như khi cất bước vân du hoằng hóa nơi hải ngoại. Nhưng với những ai đã từng một lần hội ngộ cùng với ngài, thì chắc chắn sẽ nhận ra ngài không gì hơn là một vị thầy rất gần gũi, rất bình dị, đầy lòng từ bi như cung cách của ngài từng thể hiện. Cuộc đời của ngài thật đẹp là nguồn cảm hứng vô tận cho đàn hậu học vậy. Quả thực, cuộc đời của ngài chính là “bản sao của bản thông điệp cao cả mà Đức Phật đã truyền lại cho thế nhân”. Hành trạng của ngài có thể khái lược vài nét chính sau đây: – Đối với nền văn hóa Việt Nam và văn hóa Phật giáo Việt Nam, thì tấm lòng của ngài luôn luôn trân trọng giữ gìn và phát huy gia sản văn hóa của tiền nhân để lại. – Đồi với nền văn học Việt Nam và văn học Phật giáo, ngài là một hành giả nghiên cứu Phật học, một nhà văn, một Thiền sư thi sĩ có nhiều tác phẩm văn học, nghiên cứu, trước tác, và phiên dịch. – Đối với sự nghiệp giáo dục, ngài một lòng kiên định đường hướng giáo dục giới-định-tuệ của Phật giáo để đào tạo tăng ni Phật tử qua nhiều thế hệ trở thành những người tài đức có khả năng kế thừa và đem năng lực tài đức của mình góp phần điều hành và phát triển quốc gia và Giáo hội. – Đối với Giáo hội thì ngài đã một đời tận tụy cống hiến cho sự trường tồn của Chánh Pháp. Với chư tôn pháp hữu thì đạo tình thủy chung; với môn đồ tứ chúng thì ân cần sách tấn hướng về chân trời cao rộng; với hàng hậu học thì luôn có mặt bên cạnh để nâng đỡ như là năng lượng cho họ giữ được tím tâm ban đầu; với các bậc thức giả thì trân trọng và hỗ tương cho họ trong sự nghiệp phát huy nền văn hóa và giáo dục của truyền thống Việt Nam; với hàng Phật tử tại gia thì lấy hạnh nguyện Bồ tát để nhiếp hóa. Trích từ WWW.thuvienphatgiao.com (quý bạn có thể tìm hiểu thêm trang này từ Tỳ kheo Thích Như Minh (Trú Trì Chùa Việt Nam – Los Angeles) Còn nhớ trước năm 2000, vào khoảng 1998 tại Trung Tâm Phật Giáo Hayward, vị bổn sư của tôi là thầy Thích Từ Lực đang điều hành. Hôm đó nhằm ngày làm lễ xuất gia bác Tuân ( cựu trung tá của Quân Lực Việt Nam Cọng Hoà ) pháp danh Thích Phổ Hoà, và cũng là ngày tu học của đạo tràng. Hoà Thượng Thích Mãn Giác lên dự, đã xúc động khóc nhìn bác Tuân xuống tóc. Lúc đó tôi nhìn thiền sư có nét mặt hiền hậu, nói giọng Huế trong trẻo, tôi mơ ước được chụp với Hoà Thượng một tấm hình, nhưng không đủ duyên vì còn phụ các chị em nhiều việc, và Hoà Thượng cũng trở về liền sau buổi chứng đệ tử xuất gia. Thơ của Hoà Thượng tôi thường ngâm nga thuộc lòng hằng ngày mỗi khi đứng bếp nấu ăn, đi bộ trong vườn Ô hay Xuân đến bao giờ nhỉ Nghe tiếng hoa khai bổng giật mình Sáng nay thức dậy choàng thêm áo Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh. Hoặc Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng Ra đi ai chẳng nhớ Chùa chung Mái Chùa che chở hồn dân tộc Nếp sống muôn đời của tổ tông Chùa Phổ Từ treo tấm banner lớn viết 2 câu thơ cuối “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông” tạo nguồn cảm hứng cho tôi viết bài thơ Đường Luật, theo thể Tung hoành trục khoán (các từ trong vế thứ nhất đứng đầu câu từ một đến bảy, câu thứ hai giữ nguyên đặt làm câu thứ tám) Chùa Phổ Từ (Tung hoành trục khoán) MÁI ấm tâm linh dội trống đồng CHÙA Từ tĩnh lặng nhẹ ngân chuông CHE lòng mộ đạo nơi thiền quán CHỞ dạ mến Thầy chốn tịnh không HỒN đậm pháp môn thường tự tại DÂN đằm giáo lý cũng thong dong TỘC hành cuộc sống gieo nhân thiện NẾP SỐNG MUÔN ĐỜI CỦA TỔ TÔNG MTTN Trở lại “Đêm Thơ Nhạc Huyền Không”. Những ngày trước đó trời nóng trên 100 độ, nhưng hôm nay trở khí hậu thật dịu mát, xuống khoảng 80 độ như có phép nhiệm mầu, không còn nóng bức. Quý sư cô và ban ẩm thực trang trí, trình bày trên 20 món chay thật hấp dẫn và nghệ thuật. Phật tử đến đông, không khí vui tươi đầy sự phụng sự hoan hỉ chúng sanh của Chùa. Quý Hoà thượng Thích Tịnh Từ, Thích Từ Lực, các Thầy và Ni Sư, Sư Cô về từ những tiểu bang xa, cũng như các vùng phụ cận đến tham dự rất đông. Đêm Trung Thu, trăng rằm soi sáng, không gian huyền diệu. Mở đầu chương trình Hoà Thượng Thích Tịnh Từ ban đạo từ cùng đôi lời vi diệu tưởng nhớ về hoà thượng Mãn Giác (thi sĩ Huyền Không), dẫn dắt vào thế giới thơ bằng một kỷ niệm năm nào Hoà Thượng Mãn Giác đến thăm tu viện Kim Sơn, đã xuất khẩu thành thơ Ai lên núi tắm mây ngàn Ta vào biển tuệ thênh thang tung hoành Ai vào sinh tử lộn quanh Ta chơi Hoa Tạng gối đầu Không Môn Hoà thượng Thích Tịnh Từ (thi sĩ Cư Sơn) tiếp lại Đưa tay phủi sạch hoàng hôn Chân tâm nở nụ véo hồn thôi mê Nửa đêm thức đón Thầy về Ngoài sân tuyết phủ Bồ Đề nở hoa Kế tiếp những bài thơ của thi sĩ Huyền Không được lần lượt Hoà Thượng Thích Từ Lực, thầy Thích Tánh Tuệ, Ni sư Thích nữ Kiều Thuận và hàng Phật tử diễn ngâm. Tâm hồn lắng đọng vào cõi thơ…được quay về những ngôi Chùa quê hương trong nỗi nhớ thương vô bờ, mà thi sĩ Huyền Không đã nổi tiếng qua bài “Nhớ Chùa” làm theo thể Trường Thiên Tứ Tuyệt đúng là một tuyệt tác bất hủ Nhớ Chùa Từ thủa ra đi vắng bóng Chùa Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua Trong tôi bừng dậy niềm chua xót Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng Có con đường đỏ chạy lang thang Có hàng tre gợi hồn sông núi Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng Có những cây mai sống trọn đời Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa Đức Phật từ bi miệng mỉm cười Tôi nhớ làm sao những buổi chiều Lời kinh giải thoát vọng cao siêu Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi Cầu nguyện dân làng sống mến yêu Vì vậy làng tôi sống thái bình Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm Xây dựng tương lại xứ sở mình Tôi đến dân quê đón gió lành Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi An ủi dân hiền mọi mái tranh Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào Thôn trên xóm dưới dạ nao nao Dân làng tắm gội lên chùa lễ Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào Biết đến bao giờ trở lại quê Phân vân lòng gởi nhớ nhung về Tang thương dù có bao nhiêu nữa Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung Mái chùa che chở hồn dân tộc Nếp sống muôn đời của tổ tông Huyền Không Dù đã dung thân trong ngôi Chùa mới trên xứ người, nhưng khi nhìn ra mái hiên những giọt mưa rơi trên lá hoa, mưa rơi mờ mịt khiến Thi sĩ có những phút trầm ngâm, lòng cảm kích người Việt chạy lưu vong trên xứ người vẫn đặt nặng vấn đề tâm linh và tu học, mong có được ngôi chùa sưởi ấm hồn dân tộc Mưa gió chiều nay thấy nhớ nhung Trời ơi, sao lạnh thấm vô cùng Chuông xưa ngân lại trong chùa mới Người Việt muôn đời vẫn thủy chung (trích “Nhớ cố hương”) Có những lúc đi thiền hành trên biển, nhìn đôi chân giẫm nhẹ lên những hạt cát. Thiền sư ví von mình là hạt cát, dù chìm sâu dưới đáy biển hay dạt ngoài đại dương, thì cũng có ngày dạt trên vùng biển quê hương, trong niềm nhớ mong với trái tim muôn đời thuỷ chung Ta là hạt cát đại dương Vòng quanh trái đất quê hương mịt mù Ra đi cho đến bao giờ Ngày về sáng ấy ước mơ chẳng sờn Ta là hạt cát cỏn con Muôn năm thế kỷ sắc son một lòng Biển đời vượt hết long đong Trần gian ai đọc đôi dòng tâm tư (trích “Hạt Cát”) Nhìn mây trắng bay thong dong tự tại khi xuân về…Cành hoa mai vàng rực rỡ bay nhẹ hương thơm, khiến lòng bâng khuâng nhớ về những mùa xuân xa xưa nơi quê nhà. Đường lên Thiền viện chào đón sắc hồng tươi thắm, giật mình chiêm nghiệm biết bao mùa xuân đi qua trong sự sanh diệt của địa cầu xê dịch. Giờ đây tận hưởng vẻ đẹp của những loài kỳ hoa dị thảo đã trang điểm cho cuộc đời này, muôn chim ca hát reo vang dưới bầu trời xanh vô tận, tâm hồn Thi sĩ như nở hoa hoà chung vào vạn vật Xuân hạ thu đông cảnh bốn mùa Ngọt ngào hoà hợp vị cay chua Địa cầu xê dịch trong sanh diệt Ai dẫn đêm về cho gió khua ………………………………………. Hoa nở bên đường hương thoảng bay Điểm trang nhân loại nước non này Hoàng Anh về hót trên cành liễu Đây khoảng trời xanh không đổi thay (trích “Xuân vẫn còn đây”) Mùa thu gợi nhắc lễ Vu Lan, nương theo lời kinh Mục kiền Liên, Thi sĩ nhớ vô vàn chuyện ngàn xưa, “Nhớ Mẹ” với niềm hiếu hạnh trong câu kinh và sự thành tâm chú nguyện, lâng lâng cảm xúc nhớ lại ngày rằm tháng bảy của những mùa thu xưa… Ngàn xưa về lại hôm nay Người xưa sống dậy giữa ngày Vu Lan Bảy đời cha mẹ lang thang Cầu mong thoát cảnh cơ hàn, tiêu diêu … Lòng người ai chẳng thương yêu Những niềm hiếu hạnh Vọng Chiều Thu Xưa Mùa thu có tự bao giờ Ngày rằm tháng bảy bài thơ không lời (trích “Vọng Chiều Thu Xưa”) Cảm nhận ý tưởng theo quan điểm chuyển hoá khổ đau phiền não bằng sự an nhiên trong cảm giác, vì thời gian sẽ xáo trộn tàn phá mọi sự, Thi nhân đã nhận thức điều đó “Không ai có thể đưa tay níu lại thời gian để giữ cho mình không thay đổi. Thôi thì hãy hài hoà chấp nhận và thảnh thơi sống với cái thời gian thật sự; đó là cách tìm sự an tâm trước mọi đổi thay (Huyền Không). Ngày tàn theo gót hoàng hôn Bóng chiều đổ xuống tâm hồn ai đây Thông xanh rải rác phấn vàng Nghe trong gió thoảng cung đàn biệt ly Ngày tàn theo gót hoàng hôn Khói chiều vương vấn tâm hồn ai đây? Lá vàng lác đác gió bay Còn đâu đây nữa một ngày đã qua (trích “Một Ngày Qua”) Những đêm trăng sáng, thưởng thức vẻ đẹp của đất trời. Nhìn và tự hỏi ánh trăng có tự bao giờ đã từng chiếu những người đi qua trong thế giới ta bà. Họ đi nhẹ nhàng, trả lại thời gian, không gian với nắng mưa giữa cõi vô thường này. Trong nỗi khổ đau của nhân loại, của chư pháp hữu đã chịu số phận đọa đày trong vòng lao lý. Thiền sư Huyền Không nén sự luyến tiếc, thầm lặng đốt nén hương trầm, đọc trang kinh Hoa Nghiêm tỏ lòng kính quý đến người đã khuất Những Người Đi Qua (Tưởng niệm Giác linh nhị vị cố HT Thiện Minh và HT Thiên Ân) Đêm nay ngồi đếm sao trời Như ta lặng ngắm những người đi qua Mênh mông thế giới Ta Bà Thu về trong một chén trà bình minh Làm sao đếm hết hành tinh Trăm năm sau nữa đạo tình còn không Người đi như chiếc lông hồng Nắng mưa gởi lại cánh đồng thời gian Còn đây thế giới ba ngàn Trong tim nhân loại hân hoan đón chờ Tọa Thiền đâu thấy bơ vơ Lang thang từ thuở bao giờ hay chăng Đêm rằm ta hỏi ánh trăng Ngàn năm về trước đã tằng chiếu ai Người đi, trong mấy năm dài Xuyến xao ta nhớ bóng hai đời người Bổng nhiên ta nở môi cười Khói hương mầu nhiệm rạng ngời Hoa Nghiêm Trùng trùng duyên khởi bên thềm Mái chùa xưa đã lặng yên thuở nào. Huyền Không Sớm mai thức dậy nhìn bình minh tươi sáng, lưu luyến những giọt sương còn đọng trên lá, bên khóm mai hay lúc chiều về ánh nắng đang lịm tắt, hoà vào tiếng chuông ngân vang rơi nhẹ. Hoặc khi sự yên tĩnh của đêm tối trong ngôi chùa thấm êm lời kinh tiếng kệ dưới bóng Phật đài Nhẹ gót thuyền hài nặng tiếng sương Nơi đây trăng đạo nở muôn vườn Nơi đây lửa đạn huy hoàng đã Soi tỏ lòng không chút bụi vương ****** Ta nhớ hôm nào bên khóm mai Chuông chiều rơi nhẹ nắng chiều phai Rồi đêm đêm …lại trong yên tĩnh Nghe tiếng kinh êm dưới Bửu Đài (trích “Vườn Đạo”) Nơi chốn thiền môn, ngày đêm Hoà Thượng tụng Kim Cang kính cẩn từng trang kinh trước khói hương bay quyện vào hư không, để nhận thức chiếc y vàng đang quấn thân. Quán chiếu về định luật sắc không, thân nhẹ nhàng trong ngôi già lam. Khi trăng lên, trăng sáng tỏ muôn nơi, mắt nhìn ngắm trao yêu thương đến ánh trăng, môi nở nụ cười hạnh phúc chào đón. Thân tâm khẩu ý đều thanh tịnh dâng trải ra đất bằng, dòng nước, hồn tươi đẹp như đóa hoa chứa đựng một thế giới tâm linh bao la trổ trên cánh đồng bát ngát. Bài thơ từ lời châu ý ngọc càng đọc càng khơi lên nguồn rung cảm tuyệt vời về đạo pháp và thi tứ mà tôi rất tâm đắc Đạt Đạo Qua thiền môn: thấy trời xanh Kim Cang kinh tụng chân thành từng trang Khói hương quyện, cảnh mơ màng Hư không là chiếc y vàng quấn thân Thiền môn xưa sạch phong trần Kim Cang kinh khép trầm luân thoát rồi Ta từ sanh tử về chơi Ngồi trên chót đỉnh mĩm cười với trăng Thân ta là giải đất bằng Tâm ta là nước sông Hằng mênh mông Tình ta là đóa hoa hồng Ý ta là cả cánh đồng tâm linh Còn đâu nữa Kim Cang kinh Thiền Môn biến mất mà mình vô ngôn Bình minh về ngập hoàng hôn Kêu lên một tiếng tỉnh hồn ngàn xưa Huyền Không Ngoài ra còn có những bản nhạc Nhớ Chùa, Theo Chân Thầy, Đạt Đạo, Ta Gọi Xuân Về, Hát Về Miền Đất Thiêng, Nhớ Mẹ, Một Ngày Qua v..v…được phổ từ thơ của thi sĩ Huyền Không do quý Thầy và phật tử xa gần trình bày. Đặt biệt ngôi chùa Huyền Không do ni sư Nguyên Thiện làm trú trì, góp những bàn tay khéo léo của quý sư cô trồng trọt nên giàn bầu, giàn mướp, cội Bồ Đề xanh tươi mượt mà, khóm hoa xinh thắm tạo nên không gian thơ mộng dưới ánh trăng rằm của đêm lễ Trung Thu. Hai MC Quảng Hoa và Thị Sỹ dẫn dắt chương trình vào cõi thơ êm dịu của hương đạo, càng tăng thêm vẻ huyền nhiệm giữa trời đất liêng liêng trong những giờ phút tưởng niệm về Thiền Sư. Tiếng thơ thăng hoa trên đường đời, trong hơi thở, trong sự sống rồi thoát thai , nhập vào làn “Mây Trắng Thong Dong” bay lượn giữa trời cao, nhẹ nhàng giải thoát những hệ lụy của trần gian trong mỗi phút bằng sự rung động tuyệt vời của thi ca. Đêm Thơ Nhạc Huyền Không / Thích Mãn Giác Trung Thu sáng rỡ ánh trăng rằm Biểu tỏ ơn Thầy khuất tháng năm Nguyên Thiện trú trì, thầy Tánh Tuệ Tấm lòng nhớ mãi thủa xa xăm Xuất gia hành đạo bậc tài thông Văn học vần thi chảy suối dòng Đệ tử nâng niu lòng kính ngưỡng Đêm tròn thơ nhạc của Huyền Không Đang trời nóng hực bỗng lành thay Phụng sự bao la tứ chúng này Ẩm thực ni sư, hàng phật tử Món chay đầy ắp dọn cùng ngày Tấm gương trong sáng dẫn tươi đời Nhắc lại thương Thầy lệ muốn rơi Hậu thế noi gương ngài Mãn Giác Sư Ông đạo hạnh tuệ tâm ngời Đêm trà sen đượm ngát trời thơ Vang tiếng đàn tranh ngỡ cõi mơ Dịu vợi lời ngâm tràn đạo pháp “Huyền Không” bay bổng lối xa mờ “Nhớ Chùa” sâu đậm nghĩ miên man Lại “Nhớ cố hương” buổi nắng vàng “Đạt Đạo” lời khuyên tâm vững chải Quán thân “Hạt Cát” nhỏ trăm ngàn Lời ca tiếng nhạc lẫn cung đàn “Ta Gọi Xuân Về” thánh thót vang “Xuân Vẫn Còn Đây “ trong kỷ niệm “Một ngày qua” “Nhớ Mẹ” vô vàn Thu về nguyệt chiếu tỏa yêu thương “Vọng Lối Thu Xưa” lá ngập đường “Những kẻ đi qua” không trở lại Bên “Vườn Đạo” thoảng nhẹ đài hương “Thầy Tôi” để lại cả kho tàng Trĩu nặng hồ thơ bóng ruộng làng “Lạy Phật Quan Âm” đêm tĩnh lạc “Niềm An Vui” mãi đọng chưa tan MC lưu loát dẫn chương trình Giọng nói êm đềm tuệ sáng minh Ban nhạc thành tâm dâng phước báu Chư tôn đức chứng buổi huyền linh Cám ơn Chùa tổ chức đêm thu Hãy “Hiểu Và Thương” chiếu lối mù Hạnh phúc là đây thuyền Bát Nhã Tâm còn diệu pháp những lời ru Minh Thuý Thành Nội Trở về nhà …trái tim và tâm hồn đang còn thấm đạo vị trong thi ca của Thi Sĩ Huyền Không Thích Mãn Giác. Tôi miên man tìm kiếm trên Google (bạn có thể bấm “Thơ Huyền Không Mãn Giác”). Ngoài những bài thơ, bản nhạc được nghe trong đêm tưởng nhớ ngài đã nêu trên, còn có ngàn bài tắm gội tiếp suối thơ, tận hưởng niềm an lạc của đạo pháp, sinh động trong tâm thức dẫn vào tim luồng máu lặng thầm vô ngôn giải thoát của Thi nhân, tôi trào dậy nguồn cảm hứng Đêm Thơ Nhạc Huyền Không Ngất ngưỡng tâm hồn lắng cõi thơ Đêm thu dịu vợi khói sương mờ Lời ngâm sáo đệm chìm say tưởng Điệu hát đàn hòa dậy ngẩn ngơ Đạo pháp chuyền thi lùa gió lộng Thiền môn đọng phú lướt trăng hờ “Huyền Không” bút kết dòng văn học “Mây Trắng Thong Dong” tận hưởng giờ Minh Thúy Thành Nội Kính Ôn! lời cuối con xin phép dùng tiếng Ôn vì muốn thân mật gần gũi vị Hoà Thương, Thiền Sư, Thi Sĩ dù đã viên tịch từ lâu, nhưng Ôn đã để lại kho tàng văn học trong ngôi nhà Phật, một Nhà Thơ lớn trong văn giới Việt Nam cho đến hôm nay thơ vẫn luôn chuyển động bằng pháp âm. Con xin chân thành cám ơn ni sư Diệu Thiện và thầy Thích Tánh Tuệ là hai đệ tử của Ôn đã tổ chức “Đêm Thơ Nhạc Huyền Không- Mây Trắng Thong Dong”. Đêm đã cho con thổn thức nhẹ nhàng dòng thơ dịu ngọt êm ái như chuyền máu ấm chảy về tim, mơ màng con đường xưa, dòng sông cũ có ngôi chùa Từ Đàm, Thiên Mụ, Diệu Đế, Tịnh Bình… v..v… nơi quê hương yêu dấu mẹ thường dẫn đến dự lễ. Dẫu con thấp kém về sự hiểu biết, chưa đủ khả năng cảm nhận và phân tích dòng thơ của Ôn, xin Ôn hoan hỷ tha thứ nếu ý tưởng sai lạc, vì con yêu thơ văn nên muốn lan man lời như mấy câu thơ dưới đây Người đời ai cảm? ta không biết Ta cảm thương ai viết mấy lời Thôi thì: Cùng thu tạm biệt Thu hãy tạm lui Chỉ để khách đa tình đa cảm Một mình thay cảm những ai ai? (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu) Mùa Thu 2022 Minh Thúy Thành Nội |