DOÃN QUỐC SỸ

Tiểu sử:
Nhà  văn Doãn Quốc Sỹ sinh ngày 3 tháng 2 năm Quý Hợi tức ngày 17 tháng 2 năm 1923 dương lịch. (Năm 2021 là 98 tuổi) Ông là con trưởng của gia đình văn nghệ sĩ. Cha ông là Doãn Hưu, một nhà nho và người em trai của ông là nhạc sĩDoãn Nho. Năm 1946, ông lập gia đình với con gái nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) là bà Hồ Thị Thảo. Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam.
Ông dạy học tại các trường trung học công lập như Nguyễn Khuyến (Nam Định, 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội, 1952-1953), Trần Lục (Sài Gòn, 1953-1960). Làm hiệu trưởng trường Trung học Công lập Hà Tiên (1960-1961), giáo sư trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn (1961-1962), giáo sư trường Đại học Sư Phạm Sài GònĐại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1962 đến giữa thập niên 1960. Ông du học tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và rồi trở về nước tiếp tục công việc giảng dạy cho đến năm 1975.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Khu Rừng Lau, một trường thiên
Văn Hữu Doãn Quốc Sĩ là Hội Viên Văn Bút Việt Nam (VNCH) năm 1958 liên tục đến năm 1975. Sau khi sang định cư tại Houston Texas Hoa Kỳ 1995 và tiếp tục tham gia là Hội Viên Danh Dự của Văn Bút VNHN, Vùng Nam Hoa Kỳ.
Văn Hữu Doãn Quốc Sĩ là Cố Vấn và sáng lập viên của Văn Đàn Đồng Tâm 2006 và Văn Thi Hữu Cù Hòa Phong làm Chủ Bút từ năm 2011 cho đến khi Văn Đàn Đồng Tâm đóng cửa
Tác phẩm đã phát hành:

Sợ Lửa (1956)
U Hoài (1957)
Gánh Xiếc (1958)
Gìn Vàng Giữ Ngọc
Dòng Sông Ðịnh Mệnh (1959)
Hồ Thuỳ Dương (1960)
Trái Cây Ðau Khổ (1963)
Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964),
Người Việt Ðáng Yêu (1965)
Cánh Tay Nối Dài (1966)
Ðốt Biên Giới (1966)
Sầu Mây (1970)
Vào Thiền (1970)
Khu Rừng Lau 
Người Vái Tứ Phương
Dấu Chân Cát Xóa
Mình Lại Soi Mình

 
Người Vợ Hiền- Doãn Quốc Sỹ
Cô Trang còn độc thân có một cô bạn đã có chồng được hai năm nhưng vẫn chưa có con, Trang vẫn gọi là “cô bạn hiền !” Là thấy tính tình hiền, giọng nói hiền, nụ cười hiền… thì gọi là bạn hiền ! Hồn nhiên vậy thôi, chưa bao giờ Trang tự vấn vì sao, vì những đức tính vượt trội nào mà mình lại mệnh danh bạn là “cô bạn hiền !”
Một ngày kia nhân dịp công việc xong xuôi, trên đường về chợt nhớ tới bạn, Trang bèn rẽ ngay theo con đường đưa đến nhà bạn.
Tới nơi, Trang vừa gõ cửa tiếng bạn bên trong đã vang ra:
• Cứ vào !
Trang mở cửa thấy bạn đang ngồi trên chiếc ghế kê ngay bên chậu hoa tím, tay cầm bức thư, vẻ mặt tưng bừng.
Trang hỏi ngay:
• Mới nhận được thư của cô bạn thân nào vậy ?
Cô bạn đưa ngay bức thư cho Trang, giọng say mê:
• Hay quá bạn ơi, bạn đọc nè !
Trang cầm bức thư cúi xuống, lộ vẻ ngạc nhiên ngay khi vừa đọc dòng đầu, kế đó càng đọc càng say sưa, đọc nhanh nữa:
Kính Thưa Chàng,
Lẽ ra phải đề trên lá thư này bằng một từ thương yêu hơn, nhưng em xin được bắt đầu bằng “Kính Thưa”, bởi vì câu chuyện thật đáng để bắt đầu trân trọng nhường ấy.
Chàng sẽ tự hỏi: em là ai ? Em viết thư này làm gì ?
– Xin thưa: Lá thư này để tỏ tình em với chàng – một mối tình nồng nàn sâu đậm, bất chấp những năm tháng muộn màng trôi qua ngả sương trên mái tóc. Em xin gửi đến chàng tình yêu – há đó chẳng phải là điều cao quý, là món quà đẹp nhất trên cõi đời này hay sao ?!
Em gặp chàng khi đôi ta chung ngõ, chàng còn là cậu bé tắm sông, chui rào ăn trộm ổi. Thời ấu thơ tươi sáng reo vui, bướm rập rờn bãi sông, gió sớm phất phơ trên dậu cúc tần. Vâng, em yêu chàng khi ấy, khi mười bốn tuổi, dòng sông vắng ngậm vầng trăng cổ tích, trăng non rồi già chứng kiến đôi ta lớn lên rời xa đi học. Chàng nức nở tiếng đàn xé nát lòng em:
Đóa hồng chớm nở
Chùm nho mê say
Trao nhau ngày ấy
Hương còn đến nay
Từ đó em gối đầu sương xuống hát cho những vì sao lẻ loi rơi rụng. Em xõa tóc Giáng Tiên đi dưới ánh trăng rằm. Em ngày đêm vỗ sóng than van cho nhánh sông phân ly. Em quẩy gánh hàng rong trên vỉa hè mờ cát bụi. Em hái chè dưới chân đồi chập chùng. Từ sườn non góc biển, em dõi theo chàng, khóc cười theo những buồn vui của chàng.
Giờ hẳn chàng đã nhận ra em ! Rồi em đi theo chàng lên rừng xuống phố, qua gian nan họan nạn, qua sung sướng ngọt bùi, lúc nào cũng có nhau. Em ăn với chàng miếng cơm nắm dọc đường thiên lý, uống với chàng ly rượu nồng sóng sánh. Em ngỡ cùng chàng mãi mãi sánh đôi. Ai hay chàng đi xa:
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi tới trăng thề
Chàng đi xa rồi về, chàng lại đi xa rồi về, giờ chàng đi sao chưa thấy về ? Em mong ngóng đợi chờ. Em làm thiếu phụ Nam Xương đêm đêm đối vách. Em là Tô Thị hóa đá đầu non. Đợi chàng từ mấy lần oanh líu lo đến ý nhi chợt gáy, từ mấy độ mai phong nhụy đến phù dung bơ thờ. Chàng nỡ đi thật sao ?! Chàng bảo rằng sông đã ra tới biển còn có khúc quành nào đâu ? Nhưng em không đành đoạn cam chịu như vậy. Nước tuôn ra biển lại mưa về nguồn ! Em dâng tặng chàng mối tình trắng trong chung thủy này và không chịu mất chàng ! Từ nay chàng sẽ luôn luôn nghĩ về em như em luôn nghĩ về chàng ! Chàng sẽ nhìn thấy em khắp nơi ! Một tà áo thóang qua. Em đó ! Tiếng guốc vang trên vỉa hè: em đó ! Em hóa thân thành con sáo sậu hót tự tình trong bụi tre ! Em náu mình trong gió mùa xuân, giục cành mai sớm nở ! Em núp trong giọt mưa từ tàng me rơi xuống tóc chàng ! Em núp trong sợi cỏ may quấn quít chân chàng !
Thương nhớ chàng khôn nguôi !
Em chèo bè tìm chàng ngòai biển Đông mênh mông, ngỏanh nhìn bốn phương mờ mịt, gió bấc thổi buốt ruột cây sầu đông, mưa Tây Sơn chứa chan từng trận, hồn em bão tố tơi bời.
Chàng hãy hứa nắm tay em đi trong khu rừng lau xạc xào. Chàng hãy hứa cùng em tung tăng đi dạo, có trái dầu xoay trong gió rơi cài lên tóc em. Niềm mơ ước trải dài thao thức giữa hai ngụm nước trong tiếng nói cười. Lẽ nào những chuyện đó chẳng trở thành sự thực ! Lẽ nào chàng quên khu rừng mơ ước ấy ! Quên lời thề ước ba sinh !
Chàng phụ tình em ư ? Hay là chàng đã quên chàng và chàng đã quên em ?
Nhớ thuở chàng là hòang tử nhặt được chiếc hài em qua cầu đánh rơi, thuở chàng dẫn em lên núi Tản Viên xây nhà bên suối, vớt tơ trời dệt lụa may xiêm.
Còn em ? Thơm đêm liêu trai huyền hoặc !
Nhưng em là thì điều ấy có gì là quan trọng ?!
Em vừa là ân sủng vừa là oan khiên ! Bởi vì em chính là chàng và chàng chính là em !
Chàng ơi xin hãy về với em ! Nơi ta ở có nắng hè nhuộm đỏ hàng dâm bụt, có trời thu xanh biếc ngõ hồng cốm tốt đôi ! Nơi ta ở có nhọc nhằn cay đắng nhưng cũng có hạnh ngộ thênh thang; có hệ lụy đời thường nhưng cũng có tình yêu thánh hóa.
Đó là cội nguồn chàng dấn thân vào hành trình kiếp người và cũng là trốn đến vào phút cuối cùng chàng rời trần thế. Không mệt mỏi âu sầu, chàng sẽ an nhiên mỉm cười ngả vào vòng tay em !
Xin hãy đến cùng em ! Em ngồi hong tóc đợi chàng đầu thềm vắng. Em đi hát hội trăng rằm ở thôn Đông. Em se chỉ luồn kim nơi tinh cầu tím ngát.
Em đưa võng hát ru:
À ơi…à ơi… lên cao trông thức mây hồng
Cố hương nơi đó bềnh bồng hư không
Em đó, thưa chàng, luân hồi trong cõi vô thường này !
Em là của chàng và chàng là của em kiếp trước, kiếp này và mãi mãi về sau !
Em đợi chàng có nhật nguyệt trên cao chứng soi cho mối tình đôi ta.
Đọc vừa xong Trang trao lại ngay bức thư cho bạn và hỏi liền:
• Bức thư bạn thấy ở đâu vậy ?
• Gài ngay trong tập sổ tay của anh ấy !
Trang ngạc nhiên gần như hốt hoảng.
• Ủa, vậy là bức thư của người đẹp nào đó ?!
• Đúng !
Vẻ mặt Trang hầu như chuyển thành ngẩn ngơ khi thấy vẻ mặt bạn vẫn vui hồn nhiên:
• Ủa, bạn không giận sao ?
• Giận sao ?! Người ta đã viết hộ những lời âu yếm mà mình không có tài viết nổi, không cám ơn còn giận người ta nữa sao ?!
Sau đó câu chuyện của hai người chuyển sang những đề tài quen thuộc – nói nói cười cười vui vẻ !
Rồi cũng đến lúc đôi bạn tạm biệt !
Trang rời khỏi nhà bạn, trên đường về, trong tiềm thức vẫn nghĩ về câu chuyện của bạn với bức thư “Kính Thưa Chàng” !
Cho tới khi trở về đến nhà, rồi vào phòng mình, hầu như Trang vẫn không ngừng thỉnh thỏang lại tự nhủ thầm:
• Đúng là cô bạn hiền của mình ! Và cũng đúng là chuyện một người vợ hiền !
Doãn Quốc Sỹ
Chiếc chiếu hoa cạp điều! Doãn Quốc Sỹ
Quê tôi cách Hà Nội chừng 5 cây số. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì gia đình tôi tản cư lên Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế, Bắc Giang. Đến năm 1948 khi cậu tôi từ Vĩnh Yên lên thăm chúng tôi lần đầu thì toàn thể gia đình chúng tôi ai nấy đều có màu da nửa vàng nửa xám xịt vì sốt rét rừng.
– Anh chị phải cho các cháu tản cư về mạn dưới như chúng tôi – lời cậu tôi nói với thầy mẹ tôi – chứ cứ như thế này thì không chết cũng chẳng còn ra hồn người nữa.
Sau ngót hai năm tản cư gia đình tôi khánh tận rồi. Có lẽ vì nghĩ vậy nên thầy mẹ tôi tìm cách nói thác:
– Ngày xưa vùng Yên Thế Thượng này độc nhưng nay vì có nhiều người lên khai phá nên khí hậu cũng không đáng ngại lắm.
Cậu tôi không chịu:
– Anh chị về Vĩnh Yên gần chúng tôi cho có anh có em, vừa tránh được nạn sốt rét rừng vừa có cơ buôn bán khá. (Dạo đó Vĩnh Yên còn là cửa ngõ của việc thông thương giữa Liên khu III với Bắc Việt).
Rồi cậu tôi về Vĩnh Yên. Hai tháng sau người lại lên, nhất quyết đón gia đình tôi xuôi, nói là nơi ăn chốn ở đã thu xếp đâu vào đó cả.
Thế là gia đình tôi xuôi Vĩnh Yên, còn một mình tôi ở lại Sở Thông Tin Liên khu I. Công tác của tôi là đi tuyên truyền mười điều kháng chiến trong toàn huyện Yên Thế. Vì lưu động như vậy nên tôi cũng quên đi nỗi buồn gia đình phân cách đôi nơi. Nỗi buồn đó chỉ đến thắc mắc lòng tôi mỗi khi trở về trụ sở kiểm điểm công tác. Trụ Sở Thông Tin ở một làng bên tả ngạn sông Thương, gần một bến đò đẹp vào bậc nhất Bắc Giang, bến đò Lục Liễu. Để tăng phần thơ mộng cho cái tên đó tôi vẫn thường dịch nôm là “Bến đò liễu xanh”.
Thư của em tôi tới báo cho hay gia đình đã tới tản cư cùng làng với gia đình cậu mợ tôi. Làng đó ở ngay bến Rau, bên này là Vĩnh Yên, bên kia là Sơn Tây rất thuận tiện cho việc buôn bán.
Rủi thay, thầy mẹ tôi vừa đến Vĩnh Yên thì quân Pháp mở chiến dịch càn quét khắp vùng Sơn Tây rồi thiết lập thêm đồn quân dọc theo hữu ngạn sông Hồng từ Sơn Tây ngược lên đến Việt Trì. Các ngả đường giao thông với Liên khu III đều bị quân Lê Dương phục kích ráo riết.
Cậu tôi đã rơi vào ổ phục kích của chúng, dấn vốn khánh tận may thoát được người. Mẹ tôi phải ngừng chuyện buôn bán.
Nghe nói làng N.H. bên hữu ngạn sông Đáy gần chân dãy núi Tam Đảo là một làng trù mật, chuyên bán đỗ, gia đình tôi bèn chuyển đến đây theo sáng kiến của mẹ tôi. khi tới nơi, mẹ tôi mới thấy rằng mình đã nhầm. Trước đấy một năm thì địa điểm này buôn bán được vì hầu như dân chúng toàn hạt Vĩnh Yên đổ xô về để tránh Pháp tấn công, nhưng nay, tình hình tạm yên ai nấy trở về chốn cũ, địa điểm N.H. trở lại chốn trầm mặt của chốn chuyển tiếp giữa vùng trung du bên dưới với vùng đèo heo hút gió bên trên.
Vừa lúc đó tôi xin thôi ở sở Thông Tin về.
Mẹ tôi mừng lắm vì người vẫn thường nói: “Thời loạn lạc gia đình nên gần nhau nhỡ có thế nào…”. Hình như trong óc người – có thể nói trong óc mỗi người trong gia đình tôi – đều luôn luôn lo sợ cảnh một người bị chết vì bom đạn rồi mất xác vì gia đình không kịp biết để nhìn nhận. Niềm vui đoàn tụ giúp chúng tôi bớt buồn nản khi thu xếp gồng gánh trở lại huyện Yên Lạc. Lần này gia đình tôi không dám ở gần bến đò Rau nữa vì sợ phi cơ oanh tạc, mà ở một làng cách huyện Yên Lạc chừng gần một cây số. Gia đình cậu tôi ở ngay làng bên. Lẽ cố nhiên cả hai gia đình chúng tôi cùng nghèo túng lắm, nghèo túng đến nỗi cậu mợ tôi, thày me tôi cũng không dám sang nhà thăm nhau, chỉ chiều chiều ra gặp nhau trên quãng đường đá nối huyện Yên Lạc với bến đò Rau.
Tôi gặp lại người yêu cũ từ Phủ Lý (Khu III) chạy lên. Chúng tôi thành vợ chồng, tuy có ký giấy tờ tại Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Huyện – cậu mợ tôi là những người làm chứng – nhưng đám cưới hoàn toàn êm ả, y như một đám cưới vụng trộm.
Em gái lớn tôi xoay đi buôn gạo, ngày ngày kĩu kịt đi về 20 cây số kiếm chút lãi. Ở Yên Thế tuy bị sốt rét nhưng nhà ở giữa rừng ít lo bị địch tấn công bất ngờ; tuy cũng nghèo túng nhưng còn có đất rộng để tăng gia rau cỏ và nuôi được lợn gà.
Về đây những buổi ăn cháo ngô trừ bữa, mẹ tôi thường có ý khép cửa giữa lại.
Em gái tôi đã phải đi chợ thật xa để đong gạo rẻ mà rồi tính ra lời lãi cũng chẳng được là bao. Các cụ giải thích hiện tượng kinh tế này bằng câu: “Thóc gạo có tinh”, mẹ tôi làm tương gánh đi các chợ xa bán để kiếm thêm. Vợ tôi tạng người yếu nhưng khéo tay, không làm được việc nặng, nàng phụ trách những việc nhẹ như rang đỗ tương, ủ mốc, pha muối vào nước tương…
Dạo đó trường Luật mở ở gần chợ Me (Vĩnh Yên), tôi có ghi tên theo học nốt năm thứ ba hy vọng ngày thành tài sẽ ra thẩm phán, đồng lương họa có cao để giúp gia đình. Vì hoàn cảnh kháng chiến các giáo sư thường từ nơi xa lại trường sở dạy liền trong mấy ngày, sau đó sinh viên tự tìm tài liệu nghiên cứu thêm. Có khi thời gian nghiên cứu lấy dài hơn một tháng mới có giáo sư mới. Tôi triệt để lợi dụng khoảng cách này để bon về giúp đỡ gia đình những công việc nặng.
Mùa đông năm đó rét lạ lùng. Gió hun hút giật từng cơn buốt như dao cắt từng mảnh thịt hở, thế mà hôm nào mẹ và em gái tôi cũng phải dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để sửa soạn gồng gánh ra đi. Quần áo và chăn chiếu của gia đình tôi thiếu mất nhiều. Thằng em thứ ba của tôi có được cái chiếu rách mướp vừa nằm vừa đắp, chân thò ra ngoài thì nó lấy rơm phủ lên.
– “Ấy cứ thế mà ấm ra phết anh ạ” – Nó vừa cười khoái trí vừa nói với tôi như vậy.
Các em trai em gái tôi đã lớn cả, chúng tôi hầu như thường thi đua trong việc nhường nhịn nhau. Mẹ tôi chỉ còn thắc mắc về thằng em út của tôi. Nó còn nhỏ tuổi quá chưa thể tìm nguồn vui ở tinh thần để quên đói rét. Tương đối với cả nhà nó được mặc lành nhất. Nó mặc cái áo đỏ chót có những vệt chữ nho đen và những đường kim tuyến (nguyên đó là chiếc câu đối người ta phúng bà tôi hồi chưa tác chiến). Câu đối đỏ thì may áo, còn nẹp sa teng vàng mẹ tôi cố gạn may thêm cho nó chiếc áo di-lê. Chúng tôi gọi đùa nó là “anh cờ đỏ sao vàng”. Đêm đến rét quá không đủ chăn ấm, nó thường khóc khậm khạch. Chỉ cần có thêm đôi chiếu nữa thì cả nhà đủ ấm.
– “Chiếu cói kỵ gió”. Mẹ tôi bảo thế.
Nhưng đến ăn còn chẳng đủ làm sao chúng tôi mua được đôi chiếu bây giờ?
Hôm đó suốt từ sáng sớm đến trưa phi cơ bay từng đoàn bắn phá và dội bom liên tiếp xuống các chợ lân cận: chợ Me, chợ Vàng, chợ An Lạc… Mọi ngày chỉ khoảng bốn giờ chiều mẹ tôi có mặt ở nhà. Ngày đó giời đã xế chiều mà người vẫn chưa về. Toàn thể gia đình tôi bắt đầu sốt ruột tuy không ai nói một câu.
Chiều ngả màu xẫm. Gió bấc rít trong bụi tre già làm nền cho tiếng khàn khàn của lũ quạ lục đục trong ổ, gió bấc xoáy từng vòng cuồng loạn dứt từng vốc lá tre, lá bưởi vàng úa rồi lại nhào vút mất hút ra ngoài cánh đồng bát ngát hiu quạnh.
Mẹ tôi vẫn chưa về.
Trong óc tôi thoáng hiện những cảnh chợ bị phi cơ tàn phá, những hình người không kịp xuống hầm bị đạn chết gục bên cột lều tay còn quờ ôm những đồ hàng của mình, những hình người bị bom napalm thiêu rụi như những thân chuối cháy đen… Và tôi vùng ra cổng.
Thày tôi biết ý hẹn với:
– Con cứ thẳng đường ra bến Rau. Mẹ con thường về đường ấy.
Ra tới cổng làng, tôi đi như bay theo đường đã định, cổ họng nghẹn ngào, dạ cồn lên như lửa đốt. Con đường như rộng thênh thang, cánh đồng ngập trong bóng chiều xẫm và trong gió bấc, càng trở thành mênh mông. Tôi vun vút nhảy qua các hố phá hoại mà đi như một bóng ma cô độc đương muốn biến theo luồng gió.
Từ xa như có bóng người đi lại. Chắc người đó ở chợ Rau về. Để tôi phải hỏi tin tức về việc phi cơ oanh tạc hôm nay.
Hình như trên đòn gánh người đó có vắt ngang một cái gì.
Tôi lướt vội lên. Trời ơi, mẹ tôi!
Hai mẹ con mừng mừng tủi tủi như gặp nhau ở cửa âm ti.
Tôi hỏi: “Sao mẹ về muộn thế, cả nhà lo tưởng phát điên lên”. Mẹ tôi cho biết hàng hôm nay bán ở chợ không hết, người phải đi sâu vào một vài làng lân cận để bán nốt. Rồi khi xuống khỏi đê, qua cái lạch lớn, thấy có chiếc chiếu trôi, vội tìm cách vớt lên và giặt luôn bên lạch. Đó là chiếc chiếu còn khá tốt tuy chiều rộng bị xén đi mất một phần ba.
Mẹ tôi chỉ vào chiếc chiếu phơi trên đòn gánh nói:
– Về đến nhà thì chiếu vừa khô con ạ. Tối hôm nay thằng Tư – tên thằng em út tôi – có chiếu đắp ấm.
– Mẹ ơi, “giàu con út, khó con út”, mẹ chẳng để ý gì đến chúng con, chỉ chăm chút cho chú Tư thôi.
Mẹ tôi đi trước, gió ngược chiều nên tiếng tôi mất hút về phía sau. tuy nghe tiếng được tiếng không nhưng mẹ tôi vẫn hiểu câu nói đùa. Người vừa giữ cái chiếu vừa quay nhìn tôi mỉm cười.
Tối hôm đó khi đi ngủ thằng chú Tư được mẹ tôi đắp cho chiếc chiếu vớt ở lạch. Chân nó thò ra một tí khiến tôi nhận thấy chiếc bí tất cũ vàng xỉn của tôi, chỗ đầu rách được buộc túm lại để các ngón chân xinh của nó khỏi “thoát ly” ra ngoài.
Dạo đó chỉ còn một tháng nữa là tết. Tôi lại có dịp tạm rời trường Luật, đợi đến qua giêng mới có giáo sư. Tôi về vừa đúng lúc gia đình đương cần nhân công xay thóc giã gạo. Dấn vốn của gia đình tôi còn đong được năm nồi thóc. Dùng số tiền đó làm tiền đặt mẹ tôi có thể đong về được tám nồi. Theo như mẹ tôi phác tính mỗi nồi thóc làm, được lợi ít ra là hai ca gạo, vị chi với tám nồi thóc, chúng tôi sẽ lợi ít nhất là một nồi rưỡi gạo. Cứ như vậy mà đủ việc liền trong một tháng, nghĩa là vừa đến tết, thì chúng tôi có thừa tiền đong gạo nếp gói bánh chưng và mua thịt cá để đón một mùa xuân kháng chiến tương đối huy hoàng.
Chúng tôi ngoại giao ổn thỏa với các nhà có cối xay cối giã rồi bắt đầu vào việc. Thầy tôi trông nom mấy đứa nhỏ sửa soạn cơm nước. Tôi và thằng em giai xay thóc trong khi mẹ tôi điều khiển vợ tôi và cô em gái sàng gạo. Xay hết thóc chúng tôi đã có gạo đem đi giã, giã đến đâu mẹ và em tôi sàng tấm sẩy cám đến đấy. Trong khi xay thóc tôi nhẩm ôn các đạo luật, các án lệ để sửa soạn kỳ thi cuối niên khóa. Khi giã gạo với vợ, tôi cùng nàng thủ thỉ xây mộng tương lai. Ngày kháng chiến thành công hẳn chúng tôi đã có những đứa con kháu khỉnh, đã trở về quê hương dựng lại căn nhà xinh, sống tự do bình dị trong tổ ấm gia đình.
Ngày đầu chúng tôi làm được tám nồi thóc với số gạo dư là hai nồi. Một cụ già ở đấy gật gù nói: “Vạn sự xuất ư nho, đúng thật. Học trò thì cái gì cũng làm được. Cứ bảo người Hà nội không chịu được lam lũ!”
Ngày hôm sau có tin quân Pháp đánh lên Vĩnh yên. Những người có thóc giữ lại. mẹ tôi phải vất vả lắm mới mua được bằng giá khá cao sáu nồi thóc để chúng tôi có việc làm.
Quân Pháp chiếm Vĩnh Yên. Tiền Hồ Chí Minh sụt giá vùn vụt. Vẫn số tiền cũ giờ đây chưa chắc mẹ tôi đã mua nổi bốn nồi thóc.
Quân Pháp theo sông đào tiến lên chiếm chợ Me. Dân chúng xao xác chuẩn bị chạy. Số tiền trong tay mẹ tôi hầu trở thành giấy lộn. Chúng tôi ăn một bữa quà bánh đúc, lúc giả tiền thấy vợi hẳn túi. Viễn ảnh những ngày đầu xuân có gạo nếp, có thịt gà, thịt lợn bị giập vùi trong khói súng và biến thành một điểm mong manh chết đuối giữa cảnh tàn phá rùng rợn của bom đạn tơi bời cha lạc con vợ lạc chồng, anh em tán loạn mỗi người một phương.
Dạo đó tuy đã có phong trào “rèn cán chỉnh cơ” nhưng chưa có cố vấn Tàu, chưa có chính sách “ba cùng”, học tập đấu tố nên mặc dầu kinh tế nguy ngập ai nấy vẫn tin tưởng ở ngày mai huy hoàng của dân tộc, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của già Hồ (như lời tuyên truyền phát thanh chiều chiều).
Sang hạ tuần tháng chạp, suốt ngày mưa phùn gió bấc lạnh như cắt ruột. Không hiểu là vì rét nhiều hơn hay là vì chúng tôi đã bắt đầu giảm khẩu phần! Chiếc chiếu mẹ tôi vớt ở lạch đắp cho thằng em út đã rách sơ sác. Trong khi gia đình tôi giật gấu vá vai tìm cách nhường nhau miếng cơm manh chiếu thì xảy cuộc hỗn chiến giữa quân đội Pháp và quân đội Kháng Chiến ở chân núi Tam Đảo. Để giữ vững ưu thế quân sự về mình tại mặt trận Vĩnh Yên. Tướng Pháp De L. quyết định hy sinh đoàn quân hắn, và hạ lệnh cho thả bom tận diệt đôi bên.
(Trong cái điên ba của một cuộc thế lọc lừa phản trắc, người ta dày xéo lên tình người, điềm nhiên hy sinh xương máu đồng bào đồng loại nơi này cho quyền lợi thực dân, nơi kia cho học thuyết giai cấp. Tôi không ghê tởm những bộ mặt lãnh tụ như chúng sao được?)
Từ chân núi Tam Đảo quân Pháp đánh tỏa ra ba mặt, đồng thời từ hữu ngạn sông Hồng, một toán Lê Dương vượt sang càn quét bến Rau ở tả ngạn. Dân chúng từ bốn mặt chạy về huyện Yên Lạc, đổ xô vào các làng. Mẹ tôi bèn thổi cơm hàng gánh đến bán cho họ.
Trong số rất đông các người ở làng Rau mang đồ đạc chạy đến làng Lũng Thượng, có gia đình ông Lý Cựu vốn là bà con với ông chủ nhà nơi tôi tản cư. Ông Lý nói chuyện với thầy tôi rất tương đắc nhất là khi ông biết tôi đương học trường luật thi ra thẩm phán.
Ông nói:
– Tôi có thằng cháu năm nay lên sáu; giời cho làm người, sau này kháng chiến thành công, tôi nhất định sẽ gởi cháu lên Hà Nội phiền ông bà và cậu Cả trông nom giúp cho thành thân người.
Quân Pháp sau khi từ chợ Me vượt qua sông Đáy tiến sâu vào huyện Lập Thạch đốt phá một ngày rồi rút lui về tỉnh. Cánh quân tiến sang tả ngạn sông Hồng đốt phá bến đò Rau cũng rút lui về vị trí cũ bên hữu ngạn. Dân chúng chạy loạn lục tục đâu trở về đấy ngay để còn kịp sửa soạn tết.
Làng Lũng Thượng trở lại yên tĩnh.
Trưa hôm đó mẹ tôi ra phía bụi tre đầu nhà thấy cong queo dưới hầm trú ẩn một chiếc chiếu hoa cạp điều. Đúng là chiếc chiếu của một gia đình chạy loạn nào khi về mừng quá bỏ quên.
Mẹ tôi nói: “Thôi thế cũng là giời thương mà cho nhà mình!”
Đã lâu lắm, đêm đó tôi mới thấy thằng em út tôi có chiếc chiếu đắp kín chân không trông thấy đôi bí tất buộc túm chỗ rách. Sáng ra, mẹ tôi cẩn thận gấp chiếu rồi vắt lên chiếc giây thừng căng cao ngang mái nhà. Thế là từ đây đêm đêm nghe tiếng gió rít và những hạt mưa táp vào đầu hồi tôi cũng yên chí cho các em đã tạm đủ chiếu nằm, chiếu đắp. Hai ngày sau, tới buổi sớm ba mươi tết, khi sực tỉnh, tôi thấy không khí trong làng có vẻ tưng bừng hơn vì những tiếng bàn tán xôn xao xen với tiếng cười ròn rã ngoài đường xóm. Tôi vùng dậy ra thẳng ngõ. Trời tuy lạnh ngọt nhưng quang đãng và êm ả vô cùng. Tôi gặp mọi người mắt ai nấy sáng sáng ngời tin tưởng. Thì ra ở khắp các tường làng đều đã kẻ khẩu hiệu:
“Chuẩn bị tổng phản công”.
Đồng bào thủ đô bàn nhau ngày về nhận nhà nhận cửa, đồng bào địa phương hơi có vẻ ngậm ngùi tưởng như giờ phút chia tay đã điểm.
Buổi trưa hôm đó ông Lý Cựu từ làng Rau mang theo vài thứ xa xỉ phẩm làm quà biếu ông chủ nhà vào dịp tết. Ông Lý Cựu có xuống căn nhà dưới thăm thầy tôi. Câu chuyện vừa xong phần xã giao thường lệ thì ông ngửng nhìn thấy chiếc chiếu hoa cạp điều vắt ở giây thừng, ông đứng nhỏm dậy chạy lại kéo tuột xuống nói gọn:
– Chiếc chiếu này của tôi
Mẹ tôi chợt có một cử chỉ phản ứng của một người mẹ gìn giữ con trong cơn nguy biến.
Người nói:
– “Ấy chiếc chiếu đó của nhà tôi…”
Mẹ tôi vốn là một Phật tử trung thành. Người chỉ nói được đến đấy thì lương tâm Phật tử trở lại và người lúng túng quay nhìn ra ngõ.
Ông Lý Cựu thản nhiên gấp chiếu lại, cắp gọn nách rồi thản nhiên nói:
– Không, chiếc chiếu của tôi. Tôi mua đôi chiếu cặp điều từ năm mới tác chiến, một chiếc còn trên kia.
Thì ra đôi chiếu đó, ông Lý mang đến gửi ông chủ nhà trong dịp vừa qua, rồi những người đến chạy loạn tự động mượn đem ra giải ở bụi tre nghỉ tạm, lúc về vì chiếu rơi xuống hầm trú ẩn nên họ quên không trả lại chỗ cũ.
Tuy chỉ một thoáng qua nhận biết sự thể là vậy nhưng tôi vẫn chưa chịu và tiếp lời mẹ tôi:
– Chiếc chiếu này mẹ mua của một người ở chợ Lầm. (Ý tôi muốn nói người đó lấy chiếc chiếu ở đây mang ra chợ Lầm bán).
Ông Lý vẫn thản nhiên, thản nhiên một cách cương quyết:
– Không, chiếc chiếu này của tôi.
Rồi ông cắp chiếu đi thẳng lên nhà. Lúc đó tôi cũng vừa trở lại với tôi để nhớ ra rằng cuối năm nay tôi đã thi xong, có thể ra làm thẩm phán. Tôi thoáng nghe phía sau tiếng vợ tôi thở dài rồi quay vào buồng.
Tối hôm đó khi thấy tôi lấy chiếc chiếu rách cũ vớt ở lạch đắp cho thằng em út, mẹ tôi chép miệng nói khẽ:
– Thôi, sang giêng trời bắt đầu ấm, vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!
“Vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!”
– mẹ tôi nghĩ thật chí lý. Tổng phản công để bờ cõi được vinh quang độc lập, để mọi người được trở về dựng lại quê hương yên vui.
Tôi hiểu khi đó hầu hết các gia đình khác cũng như chúng tôi, chịu đựng bao nhục nhằn với những phút sa ngã nhỏ như chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều. Tất cả những hy sinh đó – kể cả hy sinh một chút danh dự cho sự yếu đuối thường tình của con người – tuy dằn vặt, ray rứt mà không tàn phá nổi niềm vui trong sáng, thanh thản của tâm hồn, vì ai nấy vẫn sống ngợp hy vọng một ngày mai vinh quang.
Sớm mùng một năm đó mẹ tôi ra chùa lễ. Người quỳ rất lâu trước bàn thờ Phật. Giọng người thành kính thiết tha cầu đức Phật phù hộ cho chóng trở lại ỵên bình, gia đình được qua thì đói khỏi thì loạn.
Tiếng người khấn đôi khi nức nở. Tôi nghe nước mắt như muốn trào ra.
Cộng sản dìm nhân loại trong thiếu thốn để chứng minh nguyên lý “Vật chất quyết định hết thảy”. Chúng lầm! Con người càng từng trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin và đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào. Sau này khi về vùng quốc gia, rồi di cư vào Nam tôi còn trải qua nhiều gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến đâu, dù bị khinh rẻ đến đâu, điều đau nhục nhất với tôi vẫn là chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều, tuy thực tình câu chuyện chỉ giản dị có vậy.
Cách đây ít lâu khi mua được đôi chiếu hoa Phát Diệm ở đường Hai mươi về giải lên phản cho con nằm, tôi thấy vợ tôi chợt úp mặt vào hai bàn tay trước bàn gương. Có lẽ nàng nghĩ đến câu chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều khi xưa. Chuyện đó như biến thành chiếc phao xẫm màu, bất chấp mọi giông tố vẫn nổi lềnh bềnh trên biển, biển thời gian của đời, biển kỷ niệm của hồn. Cũng kể từ sau ngày xảy chuyện đó, thái độ tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính thân mình vậy. Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những hình ảnh giật gấu vá vai, tôi thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành.
Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn, ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành.
Thấy tôi hằng kiềm chế được nóng giận và nhất là vẫn mỉm cười, khi ứa nước mắt các bạn bè thân thường khen tôi có thái độ hồn nhiên của Trang Chu.
Các bạn yêu quý của tôi!
Các bạn có ngờ chăng thái độ hồn nhiên đó là kết quả của biết bao cảnh cơ hàn mà tôi và những người thân của tôi đã trải qua, trong đó có chuyện Chiếc chiếu hoa cạp điều!
TÌNH QUÊ HƯƠNG CỦA THUÝ KIỀU
Doãn Quốc Sỹ
Phẫn nộ về thái độ “hèn kém” của Thuý Kiều chịu hầu rượu Hồ Tôn Hiến, Tản Đà có bài Đường luật vịnh Kiều như sau:
Tiếng sấm ân tình bốn mặt ran
Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn
Đôi hàng nước mắt đôi làn sóng
Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan.
Tổng đốc ví thương người mệnh bạc
Tiền Đường chưa chắc má hồng nhan.
Trơ trơ nấm đất bờ sông nọ,
Hồn có nghe xa mấy giọng đàn.

Đào Duy Anh viết trong cuốn Khảo luận về Kim Vân Kiều:
“Khi Từ Hải chết rồi, Hồ Tôn Hiến đã không thương hại cho một người đàn bà vì nhẹ dạ tin người mà giết chồng, lại không biết ơn người giúp mình dẹp yên được giặc để lập công, nỡ lòng bắt Thuý Kiều đánh đàn hầu rượu. Ta đã thấy Hồ Tôn Hiến bất tín với những hùng tướng thì cử chỉ của Hồ đây cũng không đủ khiến ta lạ, nhưng ta phải lấy làm lạ rằng Thuý Kiều vừa mới chôn chồng xong, người chồng bỏ mạng vì mình, thế mà còn ngồi đánh đàn hầu rượu cho kẻ giết chồng mình được. Ta có thể dễ hiểu được nếu Thuý Kiều gắng ẩn nhẫn ngồi hầu chờ Hồ Tôn Hiến say mà rửa thù hoặc nếu Thuý Kiều không lập tâm báo cừu thì cũng mắng vào mặt kẻ vừa lừa giết chồng mình mà còn toan cử chỉ bất chính với mình. Nàng là người đã đem thân chịu đựng bao nhiêu nỗi đau đớn ê chề, tưởng nay đã được yên thân và mong được về quê thăm cha mẹ với tình lang cũ, mà bỗng phút tan tành biết bao nhiêu hạnh phúc và hy vọng, thì mối chán nản không thể cho nàng còn có nghị lực mà tính và làm việc báo thù, nhưng trong cơn đau đớn và tức giận kẻ lừa mình nàng há lại sợ uy thế mà không dám mắng nhiếc sao? Vì sao Nguyễn Du có ngòi bút chắc chắn như thế mà chỗ này tả tâm lý Thuý Kiều lại sơ hở thế? Thật ra chỗ này Nguyễn Du chỉ theo khít nguyên văn mà nguyên văn thì rập lại cái khuôn truyện Thuý Kiều ở Ngu sơ tân chí, Nguyễn Du đọc tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân thấy Thuý Kiều nhẫn nhục ngồi hầu rượu Hồ Tôn Hiến mà nghĩ đến thân mình cũng ẩn nhẫn bấy nay mà không kịp nhận ra chỗ khác nhau của hai tình thế ấy và không thấy được vẻ bỉ ổi trong thái độ của Thuý Kiều. Song dẫu ta cố tìm lý do để hồi họ, ta cũng không thể chối được đó là một đoạn đáng tiếc nhất trong Đoạn trường tân thanh”.
(Đào Duy Anh, Khảo luận về Kim Vân Kiều, Quan Hải Tùng Thư, Huế, 1943, trang 77-79)
Trước lời kết tội của Đào Duy Anh, trước lời mỉa mai của Tản Đà, chúng ta bào chữa cho Thuý Kiều ra sao ở đoạn này? Tôi thiết nghĩ chúng ta có thể nêu tình quê tha thiết của Thuý Kiều. Trong suốt mười lăm năm luân lạc, một trong những tình cảm luôn luôn xáo động trong cùng thẳm tâm linh Thuý Kiều là tình nhớ quê hương. Nàng nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ nơi có cha già mẹ yếu, em thơ, nhớ nơi đã cùng chàng Kim thề thốt thuở bắt đầu. Giờ đây chúng ta hãy lần lượt nghiên cứu tình quê của Thuý Kiều từ ngày ra đi cho tới ngày tái ngộ.
Nhớ nhà khi ra đi với Mã Giám Sinh
Sau bữa tiệc tiễn đưa Vương ông ngoài mười dặm tràng đình, Kiều vĩnh biệt cùng cha mẹ và cảnh lên đường sao mà phũ phàng tàn bạo:
Đùng đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay.
Hiện tại sầu lạnh, tương lai mù mịt như cảnh vật trên bước đường lưu ly:
Nàng thì cõi khách xa xăm,
Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây.
Kiều thấy tủi hổ trước vầng trăng thề nguyền với chàng Kim trước đây:
Dặm khuya ngất tạnh mù khơi,
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
Rồi dò cảnh:
Rừng thu tùng biếc chen hồng
gợi ý sự vật đang tàn tạ mà liên tưởng đến cha mẹ đương trở về già:
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn.
Ở đây Kiều nhớ Kim Trọng trước vì tới tuổi xuân của nàng, với mối tình đầu quý giá, với sự kiện nàng đã thất tiết với Mã Giám Sinh thì trong việc ra đi này ai là người thiệt thòi nhất, há không phải chàng Kim? Ngay từ lúc Mã Giám Sinh rước nàng về trú phường (nhà trọ), Kiều đã có ý tưởng thật là táo bạo:
Biết thân đến trước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Vì ai ngăn đón gió đông,
Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi.
Sau đó nàng mới nhớ đến cha mẹ, điều này có thể tha thứ được vì bổn phận đối với chữ hiếu có thể nói nàng đã làm đầy đủ một phần nào.
Nhớ nhà khi ở lầu Ngưng Bích
Sau một tháng ròng đi đường, Mã Giám Sinh đưa Kiều tới Lâm Tri. Nàng phản đối không chịu ra tiếp khách và tự vẫn… Tú Bà cứu kịp phải đấu dịu đưa nàng ra ở lầu Ngưng Bích với lời hứa sẽ “tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà”.
Tới lầu Ngưng Bích khoá kín phòng xuân, giữa cảnh một bên thì biển khơi muôn trùng, một bên thì cát vàng cồn nọ, ở chung với nàng chỉ gần có bóng trăng, xa có vẻ núi.
Vẫn những lý do trên đây nàng nhớ chàng Kim trước. Mối tình đầu tuy dang dở nhưng lòng yêu Kim Trọng mãnh liệt xúi nàng đoán rằng chàng vẫn còn mong đợi tin mình:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
và thương cho phận mình:
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gội rửa bao giờ cho phai?
rồi nhớ đến cha mẹ và hai em:
Xót những tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Lần này nhắc đến hai em, Kiều như có tự tôn mặc cảm:
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Kể cũng dễ hiểu vì Vương Quan là trai nhưng là con út. Thuý Vân thì vô tư lự. Điều này Kiều biết hơn ai hết: Vân đã trách Kiều bên mộ Đạm Tiên “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”. Khi Kiều đã bán mình và khóc cho mối tình dang dở trước khi ra đi với Mã Giám Sinh lúc đó Vân mới sực tỉnh giấc ngủ êm ái:
Thuý Vân chợt tỉnh giấc xuân
Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han.
Ông Vũ Trinh, quan tham bộ Hình đời trước, đọc đến chỗ này đã phải phát bẳn mà phê bình rằng: “Thuý Vân xuất hiện ba lần mà lần nào cũng trơ như hòn đá. Trong hội đoạn trường sao có kẻ ngu xuẩn như vậy, có Đạm Tiên còn làm gì nàng được nữa! Nàng chỉ đáng cho theo cái thói giàu sang làm bà quan là phải”.
Tiện thể chúng ta nghiên cứu đoạn dưới nói về sự cô độc của Kiều trước cảnh trời cao biển rộng quanh lầu Ngưng Bích. Cảnh vật thật não nề sau tình cảm thương nhớ cố hương:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu.
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt nước một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Đã có người giải thích rằng: Cứ mỗi câu Buồn trông… với một ảnh tượng thị giác có thật thì trong lòng Kiều lại nảy ra một ảnh tượng ảo hiện tương xứng trong ý nghĩ của Kiều về cuộc đời nàng. Nhìn cửa bể chiều hôm thì trong lòng nảy ra ảnh tượng thuyền lênh đênh, buồm thấp thoáng; nhìn ngọn nước thì trong lòng nảy ra ảnh tượng hoa trôi man mác. Nhìn nội cỏ thì trong lòng có ảnh tượng một màu xanh ngao ngán nối liền trời đất; nhìn gió cuốn mặt ghềnh thì trong lòng có ấn tượng tiếng sóng.
Nhận xét trên đây đã tinh tế! Nhìn ra cửa bể chiều hôm Kiều thấy con thuyền với cánh buồm thấp thoáng. Thuyền vốn là hình ảnh lênh đênh trôi nổi (như cuộc đời trôi nổi của Kiều):
Chiếc bách buồn vì sự nổi nênh,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
(“Chiếc bách” – Hồ Xuân Hương)
Cánh buồm xa bao giờ cũng đẹp. Nó hiện ra đẹp đẽ như bóng hạnh phúc rồi qua đi (như hạnh phúc của Kiều):
Trời biếc, én nghe chèo vỗ nước,
Nhớ nhung ai tiếc cánh buồm xa.
(Thế Lữ)
Thấy thuyền, Kiều buồn về nỗi lênh đênh của mình, thấy buồm nghĩ đến hạnh phúc xa dần. Lòng đau đớn tê tái, tư tưởng càng mở rộng, nên khi nhìn ngọn nước mới sa Kiều như nhìn thấy bằng tâm tưởng – chỉ bằng tâm tưởng thôi – những “hoa trôi man mác biết là về đâu”.
Bông hoa bị dòng nước cuốn đi chẳng biết sẽ trôi về đâu cũng như đời nàng bị dòng định mệnh cuốn đi rồi đây cũng chẳng biết sẽ trôi dạt ra sao.
Có lẽ rùng rợn về những hình ảnh rộng lớn và chuyển động của biển cả của dòng nước, của thuyền lênh đênh, của mặt đất vững vàng những mong trốn thoát ý nghĩ trôi nổi, lênh đênh, nhưng ở đây trời đất tự xoá nhoà biên giới bằng một màu xanh ngao ngán, màu xanh của:
Vương tôn du hề bất quy
Phương thảo thanh hề thê the.
(Ly tao – Khuất Nguyên)

(Vương tôn ra đi không về
Đồng phương thảo ngút ngàn xanh).
màu xanh của:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
(Chinh phụ ngâm)

hay:
Trông bên nam bãi che mặt nước
Cỏ biếc um dâu mướt màu xanh.
(Chinh phụ ngâm)

Rời bỏ đất liền trở lại nhìn biển, Kiều như muốn nhắm nghiền mắt để khỏi phải nhìn lại những hình ảnh lênh đênh cũ, vì vậy thị giác nhường cho thính giác, ý nghĩ trôi nổi lênh đênh khuếch đại thành tiếng sóng, tiếng sóng bất tuyệt như mối sầu của nàng.
Nhớ nhà khi ở lầu xanh
Sau cả một đoạn văn dài 20 câu từ câu 1233: “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh…” đến câu 1253: “… Chẳng vò mà rối chẳng dần mà đau” tả nỗi đau lòng bi thiết của Kiều khi ở lầu xanh, tới đây nàng lại nhớ nhà nhưng lần này sự thương nhớ theo một trình tự khác:
Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
Dặm ngàn nước thẳm non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!
Sân hòe đôi chút thơ ngây,
Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình?
Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Khi về hỏi liễu Chương đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay.
Tình sầu mong trả nghĩa dày,
Hoa kia đã chấp cây này cho chưa.
Mở đầu một câu thơ đột ngột bày tỏ lòng vô cùng thương nhớ cha mẹ. Tình yêu cha mẹ được gợi lên với một ý nghĩa huyết thống của ơn sinh thành. Theo liền đó là hình ảnh não nề của cánh đồng dâu xanh dưới ánh chiều tà. Câu thứ ba tăng thêm sự buồn bã của câu thứ nhì và câu thứ tư diễn tả một ý nghĩa đầy màu tủi hổ.
Lần này Kiều không nhớ Kim Trọng trước vì nàng tự thấy cuộc đời của mình đoạ lạc quá rồi chỉ có tình thương yêu cao rộng của cha mẹ mới bao dung nổi.
Nghĩ đến hai em, Kiều vẫn giữ tự tôn mặc cảm không hiểu hai em có làm được đầy đủ bổn phận thay mình chăng.
Nghĩ đến chàng Kim ngay câu đầu Kiều như muốn cầu xin lòng đại lượng của tình lang, những mong chàng hiểu thấu cho nỗi đau khổ của nàng. Sau đó chua xót và hổ thẹn: liễu Chương đài không những đã bẻ cho người khác mà còn rất nhiều người chuyền tay nhau nữa. Để tìm lối thoát, để tự an ủi mối tình dang dở của mình, nàng tự hỏi không biết em đã lấy chàng Kim chưa. Lời cầu khẩn “cho chưa” tỏ sự mong mỏi chí thành của Kiều vì nếu chuyện đó không thành, lời phụ ước còn mãi mãi.
Nhớ nhà khi ở với Thúc Sinh
Bóng dâu đã xế ngang đầu,
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi?
Tóc thề đã chấm ngang vai,
Nào lời non nước nào lời sắt son?
Sắn bìm chút phận con con,
Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?
Ở với Thúc Sinh cuộc đời nàng Kiều tương đối yên, nhưng yên theo một thế quân bình bất ổn vì còn sợ Hoạn Thư. Các câu thơ diễn tả sự nhớ thương cha mẹ, sự hoài niệm tình cũ, rồi sự lo sợ về tương lai của chính mình đều là những câu hỏi không có lời giải đáp. Hiện tại còn bất ổn, tương lai chưa biết ra sao nên thái độ Kiều ở đây như ngại ngùng không muốn suy nghĩ đi sâu vào bất cứ vấn đề gì.
Nhớ nhà sau khi đã lấy Từ Hải
Quê hương quá xa cách (trong thời gian cũng như trong không gian) nhưng lòng nhớ quê chính vì thế càng trở nên vô cùng mãnh liệt:
Đoái thương muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây tần xa xa.
Nhớ đến cha mẹ, Kiều không nghĩ đến bổn phận nữa mà nghĩ đến sự đổi thay:
Xót thay duyên cỗi xuân già
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi.
Sự đày đoạ trong “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” đã khiến Kiều quen với ý nghĩ tình xưa đổ vỡ hoàn toàn. Giờ đây nhắc tới chàng Kim thì nói là nghĩa (bổn phận nhớ lời thề cũ) chứ không dám nói là tình nữa:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Vả nếu Thuý Vân đã lấy Kim Trọng thay mình thì cũng đã “tay bồng tay mang” rồi. Như vậy giữa nàng với Kiều tương quan đạo đức gia đình càng trở nên ngăn cách.
Căn cứ vào câu “Tiếc thay chút nghĩa cũ càng” mà bảo rằng tình xưa với chàng Kim đã nhạt cũng đúng. Ta phải hiểu khi nhắc đến chàng Kim, Kiều còn bồi hồi xúc động lắm nên chi mới phải tìm đủ cớ chứng minh rằng: tình không còn nữa chỉ còn nghĩa (bổn phận) thôi.
Suốt mười lăm năm luân lạc, tình quê nồng nàn canh cánh bên lòng là vậy, Kiều tha thiết với quê hương đến nỗi Từ Hải cũng đã từng thông cảm mà rằng:
Xét nàng còn chút song thân,
Bấy nay kẻ Việt người Tàu cách xa.
Sao cho muôn dặm một nhà,
Cho người thấy mặt là ta cam lòng.
Trước khi bàn với Từ Hải nên ra hàng, trong nhiều nguyên cớ cũng có nguyên cớ cố hương:
Công tư vẹn cả hai bề
Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường
Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha.
Quê hương nơi kết tụ những hình ảnh quý báu (cha mẹ, em thơ, người tình). Quê hương nơi ý nghĩ của Kiều luôn luôn hướng về để gửi gắm và đồng thời kết tinh mọi sầu hận đã qua khiến chúng chợt lung linh đẹp như những vì sao. Quê hương một linh dược khả dĩ thoa dịu mọi sầu hận hiện tại. Với tình quê muôn vàn tha thiết đó Kiều tin rằng hễ được trở về quê là mọi sầu hận sẽ tan đi như ảo ảnh. Bão táp của đời biến thành gió thoảng mùa hè khi nàng nép dưới bóng quê hương như chàng Antée trong truyện thần thoại Hy Lạp dù sinh mạng có lâm nguy nhưng hễ gặp đất mẹ là hồi sinh. Tâm hồn và thân thể càng nhàu nát bản năng tự vệ càng hướng về quê hương, đó chính là lý do khiến nàng Kiều chịu nhẫn nhục đánh đàn, chuốc rượu cho Hồ Tôn Hiến:
Rộng thương còn mảnh hồng quần
Hơi tàn được thấy gốc phần là may.
Nhưng lúc rạng ngày Hồ công sực tỉnh:
Nghĩ mình phương diện quốc gia
Quan trên nhắm xuống người ta trông vào.
Và quyết định:
Lệnh quan ai dám cãi lời
Ép tình mới gán cho người thổ quan.
Mộng quê hương tan tành, ngọn lửa tình cảm nhớ quê thoạt bừng bừng nay bị trận mưa lạnh của thực tế dập tắt ngấm, tiếng nói của lý trí độc tôn vang lên, tới đây Thuý Kiều mới cảm thấy hết cái bỉ ổi của mình khi vừa chôn chồng xong mà còn ngồi đánh đàn hầu rượu cho kẻ giết chồng mình. Với Kim Trọng, Kiều đạt đến cùng tột của mối tình lý tưởng cao nhã, với Từ Hải, Kiều đạt đến cùng tột của vinh quang, nhưng gặp Từ Hải là sự giễu cợt cuối cùng của định mệnh. Trèo cao ngã đau, từ là vợ Từ Hải qua Hồ Tôn Hiến đã là một vực một trời rồi, đến phải lấy thổ quan thì quả thật là:
Ông tơ thực nhé đa đoan,
Se tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên?
Chẳng cần phải nhớ lại lời Đạm Tiên nhắn nhủ trong mộng, tới đây Kiều không còn lựa chọn nào hơn là sự chết. Ấy thế mà tới lúc nàng cảm nhận sự chết thì sự sống lại đến với nàng! Cái thần diệu của ngòi bút Nguyễn Du chính là ở đấy.
Đọc Tây du ký ta thấy khi sắp tới chùa Linh Sơn, qua biển cả, Đường Tam Tạng được Tiếp Dẫn Bồ Tát hoá thành người lái thuyền ra đón. Thấy thuyền không đáy, không chèo, Đường Tam Tạng còn chần chừ thì Tôn Hành Giả đã đẩy thầy xuống. Đường Tam Tạng ngó thấy trên măt biển một cái thây trôi vật vờ mới hỏi đồ đệ rằng: “Đây là đất Tây phương cực lạc của nhà Phật sao lại có xác người nằm chết trôi ở đây?” Tôn Hành Giả đáp: “Thầy lại còn không biết ư? Đó là cái phàm thai thầy vừa rũ bỏ trước khi vào đất Phật đó”.
Đường Tam Tạng khi ấy mới ý thức rằng đó chính là thể phách xưa của mình và phải một lần rũ bỏ phàm thai người mới đạt tới ý thức chân lý, tới đạo. Gieo mình xuống sông Tiền Đường há chẳng phải vì tuyệt vọng đến cực độ, Kiều muốn tự hủy nốt thân mình. Chính vì Kiều trải qua một lần chết thực sự như vậy nàng mới tỉnh ngộ mà ý thức được rằng hạnh phúc của thế nhân chỉ là tương đối, hạnh phúc thế nhân chỉ thể hiện đối lập tịnh hành với đau khổ. Thiên đường địa ngục, hạnh phúc sầu khổ chỉ là một màng ảo hoá Maya. Chân hạnh phúc không ở ngoài vào mà cốt ở thái độ an nhiên tự tại xây dựng trên sự sống không ham muốn.
Chính vì vậy mà Kiều đã tìm thấy ánh trăng rộng lớn thanh bình trong một nếp sống thuần phác dưới thảo lư, bên Giác Duyên:
Một nhà chung chạ sớm trưa,
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.
Chính vì vậy mà trước cảnh rộng lớn:
Bốn bề bát ngát xa trông.
Nàng không bận lòng quê nữa, chỉ tiếp tục đắm hồn vào cảnh rộng lớn đó mà vui với âm thanh kia, màu sắc nọ:
Triều dâng hôm sớm, mây hồng trước sau.
Chính vì vậy mà khi cha mẹ, các em và chàng Kim tìm đến am mây nàng không muốn theo gia đình, tới nơi chàng Kim trị nhậm:
Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi.
Rồi nàng viện ra cớ mạnh để xin ở lại chùa là không nỡ dứt ơn cứu sống của Giác Duyên:
Trùng sinh ơn nặng bể trời
Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi?
Vương ông hứa sẽ lập am rước Giác Duyên về cùng tu, lúc đó Kiều mới không còn chối cãi vào đâu. Về tới nhà mở tiệc đoàn viên, Thuý Vân đề cập đến chuyện kết hôn, Thuý Kiều vội gạt đi. Kim Trọng viện lời thề cũ cũng bị nàng gạt nốt. Phải nhờ cả Vương ông, Vương bà, nghĩa là cả nhà hùa nhau vào một phe mới áp đảo được tấm lòng kiên quyết của nàng Kiều. Nhưng đến lúc động phòng hoa chúc chỉ còn nàng với chàng Kim đối diện – số phiếu thăng bằng – nàng mới thổ lộ hết lời, thuyết phục bằng được để chàng Kim đổi duyên cầm sắt ra duyên cầm kỳ.
Tâm lý nhân vật uyển chuyển, phức tạp mà vẫn hợp lý, ngòi bút kỳ diệu của Tiên Điền tiên sinh không hề một chút sơ hở.
Doãn Quốc Sỹ
Trịnh Bình An: Nhìn VN nhớ Doãn Quốc Sỹ
Doãn Quốc Sỹ
Tôi không biết nhiều về Doãn Quốc Sỹ.
Nhưng tôi thường nghĩ về ông qua truyện cổ tích Hồ Thùy Dương.
Đó là năm tôi lên 10. Trong nhà, có thấy vài cuốn tạp chí Sáng Tạo không biết của ba hay các anh chị mua về. Tiếng Việt dễ học quá nên con nít cũng có thể đọc ké sách người lớn. Nhưng dĩ nhiên, đọc mà không hiểu gì hết.
Tôi nhớ mình cũng đọc truyện kịch Ba Chị Em của Thanh Tâm Tuyền. Cũng không hiểu, chỉ cảm thấy một không khí rờn rợn âm u khá… hấp dẫn.
Nhưng Hồ Thùy Dương thì nhớ khá kỹ.
Chỉ vì đó là truyện cổ tích, mà đứa con nít nào lại chẳng mê truyện cổ tích.
Tôi đọc truyện, biết ngay con cáo trong truyện là Hồ Chí Minh.
Con nít gì mà lanh dữ vậy?
Dạ, có gì quá khó đâu, chữ “hồ” nghĩa là “con cáo”. Đó có lẽ là một trong những chữ Hán Việt mà con nít miền Nam học được sớm nhất.
Tôi nhớ những cuốn tập viết thời đó, trang bìa sau có in những câu truyện bằng tranh. Những bức tranh bé xíu chỉ bằng bao quẹt, mực in xanh đỏ có khi lem nhem, vậy mà đã khắc vào trí não tôi thật rõ. Một trong những truyện tranh ấy là mối tình Tô Đắc Kỷ – Bá Ấp Khảo. Hai người yêu nhau nhưng Đắc Kỷ bị tiến cung cho Trụ Vương. Chính nhờ Tô Đắc Kỷ lén giúp đỡ nên Bá Ấp Khảo và cha là Chu Văn Vương mới trốn thoát được để về sau đem quân chinh phạt vua Trụ.
Nhưng trong truyện Phong Thần thì Đắc Kỷ lại là một con cáo thành tinh có chín cái đuôi, nên còn được gọi là Cửu Vỹ Hồ Ly.
Truyện Đắc Kỷ hồ ly độc ác lóc thịt Bá Ấp Khảo có lẽ hấp dẫn hơn truyện Đắc Kỷ tiểu thư hiền lành cứu thoát người yêu, nên cải lương, hát bội đều khai thác sự tích hồ ly tinh. Và đứa nhỏ mê coi hát tuồng như tôi, vì thế, không thể không biết con cáo chính là con “hồ”.

Vào những năm 1970 thì mấy ai có họ “Hồ” ngoài… Hồ Chí Minh?
Con cáo trong Hồ Thùy Dương chắc phải là nam, bởi vì mấy lần biến dạng thành người nó đều đội lốt ông đạo sĩ. Thế nhưng, dù tu luyện cỡ nào nó cũng không thể làm biến mất cái đuôi cáo lùm xùm, nên nó phải mặc áo rộng lụng thụng để che đi cái đuôi.
Con cáo biết được nơi ẩn giấu một cây đũa thần. Nhưng nó không thể đụng tới nếu không có chín giọt máu người. Và nó nghĩ ra một âm mưu tàn ác. Nó hiện thành đạo sĩ, dụ dỗ ba người đàn ông ra tay sát hại người thân của họ với lời hứa họ sẽ làm chủ được đũa thần, sẽ dùng đũa thần cứu sống người thân trở lại và rồi sẽ đạt được mọi điều mong muốn khác.
Than ôi!
Ba con người mê muội ấy sau khi đã nhẫn tâm hạ sát người thân thì hăm hở đưa tay định cầm lấy đũa thần. Nhưng cây đũa đang tỏa sáng hào quang bỗng vụt trở nên xám xịt, lạnh ngắt. Chẳng có quyền năng huyền diệu nào bằng lòng phục vụ cho những kẻ tham lam và ngu si. Cả ba tuyệt vọng và tự sát.
Chỉ có con cáo giảo quyệt, cuối cùng, đạt được tham vọng. Sau khi uống chín giọt máu người, nó vận công khiến cái đuôi cáo thụt hẳn vào trong, tan biến… Nhưng, nó không ngờ rằng cái đuôi tan vào máu lại khiến cho hơi thở trở nên vô cùng tanh hôi. Và mỗi khi nó thở ra thì khí độc tàn phá hết mọi loài cây cỏ, khiến cho chung quanh nó chỉ còn là một vùng đất chết.
Giờ đây, khi thấy không còn cách gì sở hữu đũa thần huyền nhiệm lại còn bị gạt ra khỏi sự sống, con cáo càng trở nên độc ác, nó trút hết thù hận lên loài người. Nó tìm cách bắt loài người phải trở thành nô lệ của nó.
Với tà thuật, con cáo nhìn thấu mọi tâm tư và dục vọng của con người. Ai muốn quyền chức, nó cho họ quyền chức; Ai muốn bạc tiền, nó cho bạc tiền; Ai muốn nữ sắc, nó cho nữ sắc. Vì vậy, chẳng mấy chốc nó tạo ra cả một triều đình với đám quân thần bu quanh, sẵn sàng làm tất cả những điều hồ ly sai bảo.
Chưa thỏa lòng tham, con cáo còn nghĩ ra cách đoạt lấy những đứa trẻ khỏi cha mẹ chúng từ khi vừa mới lọt lòng. Đám nhi đồng này được nuôi dưỡng ở nơi riêng biệt và không biết tới ai ngoài con cáo là vị “cha già” độc nhất.
Mãi về sau, tôi mới nhìn ra sự thật trong những giòng chữ cổ tích. Sự thật làm rùng mình ớn lạnh.
Cho đến ngày nay, thủ đoạn nham hiểm của cáo “Hồ” vẫn còn được đồng bọn áp dụng triệt để: mọi ham muốn tục tằn nhất của con người đều được thỏa mãn miễn họ đừng lên tiếng đòi đa nguyên, đa đảng, tự do, nhân quyền, và chống Tàu.
Nhà thơ Lý Đợi gọi đó là “luộc”.
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Chưa tìm thấy thứ gì mà người Việt không thể luộc...
Vậy nên:
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Từ luộc xe honda, nhà đất, bằng cấp, chức tước…
Từ luộc vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo hiểm…
Từ luộc trí tuệ, thẩm mỹ, văn hoá, nhân tính…
Từ luộc nhân quyền, tự do, tư tưởng, tâm linh...
Còn đám con nít, thiếu nhi Khăn Quàng Đỏ, thì học được cái gì?
“Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta“. Vậy mà giờ đây các em cứ lơ mơ không rõ Nguyễn Huệ và Quang Trung là hai cha con hay là hai anh em!
Tôi thật phục Doãn Quốc Sĩ, viết một câu chuyện ảo mà lại thành quá thực. Thế nhưng, những mưu mô hung hiểm của cộng sản không chỉ có thế…
Hãy nhìn về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.
Sau khi chiếm được miền Nam, cộng sản đã phá hủy tất cả các nghĩa trang quân đội, riêng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa vì có quy mô quá to lớn nên cộng sản không làm gì được. Trải qua hàng chục năm, các công trình trong Nghĩa Trang như Cổng Tam Quan, Vành Khăn Tang, Nghĩa Dũng Đài cùng với 16.000 ngôi mộ vẫn còn đó.
Nhưng, với dã tâm thâm độc, cộng sản đã thi hành một thủ đoạn hết sức tinh vi và tàn ác, đó là chúng cho trồng những loại cây to lớn ngay sát cạnh các mộ phần của người lính Cộng Hòa.
Sau hơn 13 năm (từ 2003 đến 2016) cây mọc ngày càng cao. Những cái cây lừng lững ấy thoạt nhìn ngỡ đem lại bóng mát êm đềm cho nghĩa trang, nhưng càng nghĩ thêm càng thấy rùng mình ghê sợ. Thử hỏi đám rễ cái rễ con của chúng đang… ăn vào đâu?
Trong quan niệm phong thủy mồ mả của người Á Đông, ngôi mộ còn được gọi là Âm Trạch, nghĩa là nhà ở dưới âm phủ, là nơi an nghỉ của những người đã khuất. Phong thủy trong mồ mả có liên hệ mật thiết với những người đang sống. Một gia đình có thể bị xào xáo, thậm chí lụn bại khi mồ mả của cha ông bị “động”.
Đứng hàng đầu trong các trường hợp xấu nhất về “động mồ”, “động mả” là “Mộ chôn gần cây cổ thụ, để rễ cây đâm vào hài cốt thì con cháu bị mổ xẻ, bại liệt, đui mù, câm điếc, giảm thọ.”
Và như thế, thân nhân chỉ còn có một cách duy nhất là đút lót để cải táng hài cốt. Dần dà, mọi ngôi mộ đều phải “ra đi”. Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa đã bị đổi tên thành Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An, và rồi trong tương lai không xa sẽ trở thành một khu thương mại hay du lịch nào đó.
Câu chuyện Hồ Thùy Dương của Doãn Quốc Sỹ tuy có thực, có rùng rợn cách mấy cũng không thực, không rùng rợn bằng câu chuyện Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.
Con cáo trong Hồ Thùy Dương tuy tàn nhẫn nhưng ít ra nó chỉ làm hại người sống. Còn những con cáo “thành Hồ” ngày nay, táng tận lương tâm đến mức người chết chúng cũng không tha.
Nhưng tôi vẫn ngưỡng mộ Doãn Quốc Sỹ, vì ông đã nghĩ ra một đoạn kết thật tuyệt vời cho câu chuyện tưởng chừng vô vọng.
Có một vị vua rất nhân từ đã tìm cách trừ khử con cáo tinh. Ông biết không thể xử dụng người lớn trong chiến đấu vì họ đều bị con cáo dùng tà thuật mê hoặc. Nhà vua bèn nảy ra sáng kiến lập một đội chiến sĩ tí ho. Đó là những em nhỏ mà vũ khí của các em chỉ là sự hồn nhiên, trong sáng và nhiệt tâm. Đúng như vị vua tiên đoán, con cáo vì không mua chuộc được các em nên cuối cùng đã phải thảm bại.
Ngày nay, tuy những bộ mặt thô bỉ của bọn quan tham vẫn phủ trùm ma quái trên đất nước, nhưng đây đó đã lóe lên những khuôn mặt khả ái, tươi sáng của những khuôn mặt đấu tranh thật trẻ – các em chính là đạo quân thiên thần mà hơn 50 năm trước Doãn Quốc Sỹ đã từng nghĩ tới với tất cả hy vọng.
Xin được mượn lời của nhà văn Hoàng Khởi Phong:
Tôi đã đọc Doãn Quốc Sỹ và mơ hồ nhận biết: Một tác phẩm lớn mở lối tới tương lai, khác với một cuốn tiểu thuyết hay, phục vụ cho thị hiếu bình thường của người đọc. (trích “Thay Lời Tựa dành cho tập truyện Cò Đùm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ” – Hoàng Khởi Phong).
Xin cảm tạ nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã cho ra đời Hồ Thùy Dương để nói lên những nỗi đau mà dân tộc đang phải gánh chịu, nhưng đồng thời mở lối một tương lai mới cho con người và đất nước Việt Nam.
© Trịnh Bình An