Đổi Thay- Lê Thị Nhị


Đổi Thay
Lê Thị Nhị
 
Chiếc Boing 747 cất cánh từ Bangkok sau hai mươi  giờ bay đã từ từ đáp xuống phi trường Reagan, Virginia. Ông Tân hấp tấp đứng lên, một tay xách cái va ly, một tay ôm khư khư bức tranh sơn mài.
Cho dù nôn nóng gặp vợ con cách mấy thì ông Tân vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi hàng trăm người ra trước, vì chỗ ông ngồi, gần cuối máy bay.
Ông nhìn xuống bộ quần áo đang mặc trên người và tự hỏi: “ Trông mình có quê mùa quá không nhỉ?”. Bộ quần áo này, ông đã cẩn thận nhờ cô em gái đi chọn mua giùm với một giá khá đắt. Không phải là ông cầu kỳ và đỏm dáng, nhưng ông không muốn vợ con thấy ông quá tiều tụy trong lần gặp gỡ đầu tiên sau gần hai mươi năm xa cách. Nhất là Thủy, vợ ông, chắc nàng vẫn nhớ hình ảnh ông nhanh nhẹn, trẻ trung trong bộ quân phục ngày nào. Chắc nàng chưa quên những yêu thương  vợ chồng  mặn nồng những ngày xưa cũ.
Ông Tân bỗng thở dài! Thời gian thường đã tàn nhẫn với sự đổi thay của con người. Ông lại phải sống trong tù mười mấy năm trời, chịu sự hành hạ về tâm hồn và thể xác của những kẻ chiến thắng thì có lẽ, bây giờ ông chỉ như một  bóng ma trơi dưới mắt mọi người.  Cũng vì ý thức được điều đó mà ông đã đắn đo mãi trong việc đi, ở, này.
Thực ra, ai mà chẳng muốn thoát khỏi cái đất nước Việt Nam dưới chế độ độc tài Cộng sản. Nhưng mà đối với riêng ông, đôi khi ông nghĩ, cuộc đời ông cũng chẳng còn có bao ngày, hay là ông ở lại? Ông biết, nếu sang Mỹ với một tấm thân và một tinh thần bệnh hoạn, ông sẽ là một gánh nặng cho vợ con.
 Nghĩ thì nghĩ thế, nhưng ước mong được gặp lại những người thân yêu nhất đời đã thúc giục ông ra đi.
Bước chân lên máy bay, ông vừa vui, vừa lo, vừa buồn!
Ông tưởng tượng ra khuôn mặt hiền hậu của Thúy với nụ cười chúm chím và đôi mắt đen lay láy. Ông sẽ thấy những đứa con của ông bằng xương, bằng thịt, cao lớn như Mỹ. Đứa thì giống bố, đứa thì giống mẹ.
Nhưng mà, liệu sau một khoảng thời gian dài không có nhau như thế, ông và vợ con có thể thông cảm và hòa hợp được với nhau không nhỉ? Ông sẽ làm gì để phụ giúp gia đình về tài chánh và làm thế nào để có thể bù đắp cho vợ con cái khoảng thời gian ông vắng mặt?
Ông ra đi, cha mẹ già còn ở lại Việt Nam với gia đình cô em gái, có bao giờ gặp lại? Ông nhớ những đồng đội của ông, may mắn sống sót sau cuộc chiến với  những thương tích trên mình, què chân, cụt tay, đang sống vất vưởng trên khắp các nẻo đường đất nước. Ông nhớ tới quê hương yêu dấu, ngày càng tang thương biến đổi.
Bây giờ, đứng đây, trong lòng chiếc máy bay rộng lớn, giữa bao người xa lạ, những ý nghĩ trên vẫn quay vòng trong đầu ông.
Ông Tân bước nhanh theo đoàn người ra phía ngoài phòng đợi. Nét mặt ông rạng rỡ khi nhìn thấy vợ và các con đứng lẫn trong đám đông. Các con lớn hơn sự tưởng tượng của ông. Thúy trông vẫn đẹp và trẻ hơn so với số tuổi. Ông đi lại, quàng tay ôm các con rồi âu yếm nhìn vợ:
Mẹ và các con có nhận được ra bố không nào? Trông bố giống người của thời tiền sử lắm phải không?
Tuyết, cô con gái út, láu táu:
Con nhận ra Bố ngay, nhờ ở bộ râu. Nhưng mà bố ơi, sang đây, bố phải cạo râu đi đấy nhé.
Hai cậu con trai, Hùng và Hưng đỡ cái va-ly nhỏ và bức tranh sơn mài trên tay Bố. Hùng nói:
Con đã dặn Bố đừng mang xách gì cho mệt mà, ở bên này, cái gì cũng có hết!
Thúy nhìn chồng hỏi:
Anh đi đường có mệt không?
Mấy đứa con đang vây quanh  nên ông Tân chỉ trả lời mà không nhìn được vẻ mặt của Thúy
Mệt chứ, nhưng gặp được em và các con là khỏe ngay!
Thúy giục các con:
Mình xuống lấy hành lý lẹ đi các con, lát nữa về nhà, tha hồ mà nói chuyện.
Ông Tân bước vội theo chân Thúy và các con. Tuy không phải xách nặng, nhưng ông cũng vừa đi vừa thở vì Thúy và các con đi quá nhanh. Lúc bước lên thang máy, một chút nữa thì ông bị ngã, may mà Hùng nắm kịp tay Bố.
Trong lúc ông Tân, Thúy, Hưng và Tuyết đang chờ hành lý thì Hùng đi lấy xe.
Lúc này, ông Tân mới có dịp ngắm kỹ vợ con. Ông hài lòng thấy thằng Hưng cao lớn và trông chững chạc lắm. Trước mặt ông là một kỹ sư 24 tuổi rồi. Hưng đâu còn là một cậu bé hay khóc và luôn luôn đòi ăn bò khô ngày nào. Tuyết thì giống mẹ như đúc với đôi mắt đen, cái miệng nho nhỏ, xinh xinh, nói năng liến thoắng. Cô bé cũng hai mươi tuổi rồi còn gì. Thúy không thay đổi nhiều, chỉ già đi, tất nhiên là như thế! Nhưng ông Tân thấy hình như nàng ít nói hơn xưa và nét mặt có vẻ có vẻ trầm tư  chứ không hồn nhiên như thuở nào. Ông thở dài xót thương  vợ. Gần hai mươi năm thay chồng nuôi dậy con cái. Thúy vất vả biết là chừng nào! Ông cảm phục sự can đảm và hy sinh vô bờ bến của vợ. Ông Tân đến bên Thúy, giọng ngọt ngào:
Cảm ơn em đã một mình nuôi dậy các con nên người.
Thúy không đáp, nhưng quay đi và nói với lại:
Em ra lấy cái xe để lát nữa đẩy hành lý
Ông Tân nhìn theo cái dáng nhanh nhẹn của vợ rồi quay sang nói chuyện với Hưng và Tuyết.
Sau những lời thăm hỏi và chuyện trò lúc ban đầu gặp lại vợ con, khi ngồi trên xe từ phi trường về nhà, ông Tân cảm thấy lạ lẫm đối với cảnh vật và với cả những người thân yêu đang ở bên cạnh. Ông muốn nói chuyện thật nhiều mà chẳng biết nói gì. Hình như cả vợ con ông cũng cùng một tâm trạng như thế nên không khí trong xe có vẻ nặng nề.
Qua khung kính xe, ông Tân thấy hàng cây cao xanh mướt ôm ấp con đường rộng và những chiếc xe hơi chạy vun vút. Ông chợt nhớ tới một rừng xe gắn máy ở Saigon, chen chúc trên những con đường đầy ổ gà và bụi bậm.Ông cũng nhớ tới chuyến về thăm quê ở Bắc Ninh. Ông đi khắp làng không thấy được một bóng cây cao, không tìm đâu được một bụi tre cùng cây đa ngày cũ.
Ông Tân lẩn thẩn nghĩ: “ Quê nhà, hình như không còn là của ông. Cảnh vật đẹp đẽ nơi này hình như cũng không phải là của ông. Và, hình như, cả vợ con ông, cũng không còn là của ông. Hình như, hình như , tất cả đã đổi thay theo năm tháng! Ông thấy, cuộc đời như những dòng sông và con người như những đám mây vần vũ trên bầu trời xám mênh mông…
Lát nữa anh về, ở tạm nhà Hùng vì sau khi ăn cơm chiều, em phải đi công tác ở New York mấy ngày mới về. Việc quan trọng nên em không thể xin nghỉ được tuần này.
Tiếng nói của Thúy đưa ông Tân trở về với thực tại. Tuy hơi buồn vì cái tin ấy nhưng ông Tân vẫn cố vui vẻ:
Em cứ yên tâm lo việc sở đi, mình còn nhiều thời giờ mà!
Cùng vợ con bước vào căn nhà của Hùng, ông Tân ngỡ ngàng như lạc vào một thế giới xa lạ. Ông không thể tưởng tượng được căn nhà có thể rộng rãi và sang trọng đến như thế!
Hùng chưa có vợ, ấy thế mà căn nhà ba tầng có tới năm phòng ngủ ở tầng trên cùng. Phòng nào phòng nấy đều có đồ đạc đầy đủ, ngăn nắp. Tầng giữa thì là phòng khách,  phòng ăn, phòng gia đình và nhà bếp. Tầng dưới gọi là Basement thì dùng để lâu lâu tổ chức nhẩy đầm với một dàn máy nhạc thật tối tân và một chiếc đàn dương cầm lớn màu đen bóng loáng.
Từ những cửa sổ, tất nhiên, nhà có rất nhiều cửa sổ, ông Tân có thể nhìn thấy thảm cỏ xanh mượt, những khóm hoa đủ màu sắc, những cây cao bóng mát…ở khu vườn trước, vườn sau.
Bữa cơm gia đình thì ê hề các món ăn, món nào cũng đặc biệt, do chính Thúy nấu. Đáng lẽ ông Tân phải thật hạnh phúc trong lúc này. Nhưng không hiểu sao, trong lòng ông vẫn có điều gì không ổn. Ông cảm thấy nao nao trong dạ, một chút vui, một chút buồn, một chút hãnh diện, một chút tủi thân…Ông ăn không thấy ngon miệng, mặc dù đó là những món ăn mà ông hằng ưa thích và đã lâu lắm ông không được thưởng thức. Ông nói chuyện không tự nhiên, mặc dù ông có biết bao nhiêu  điều ấp ủ trong lòng muốn tỏ. Ông cũng muốn hỏi về cuộc sống của Thúy và các con trên xứ người trong thời gian ông vắng mặt, để chia sẻ, để cảm thông, để gần gũi…
Nhưng, hình như, hình như…những tháng năm dài sống câm nín, chịu đựng trong lao tù, dưới chế độ Cộng sản, đã làm cái lưỡi của ông ríu lại và những ngôn từ cũng đã trốn biệt nơi nào khiến ông vô cùng lúng túng khi đối thoại với vợ con.
Sau khi Thúy từ giã gia đình để đi New York thì ông Tân lại càng cảm thấy bối rối hơn.
Cố gắng ngồi nói chuyện với các con một lúc lâu rồi ông Tân thở phào nhẹ nhõm khi các con giục ông đi ngủ kẻo mệt.
 
Ông Tân để cái va  ly ở góc phòng. Ông không có cái háo hức mở ra để lấy quà tặng cho vợ, con. Tất cả những gì ông mang theo ở trong đó, và cả chính bản thân ông nữa, có vẻ như không thích hợp  với cái thế giới này.
Ông Tân ngơ ngác mở cửa nhìn vào phòng treo quần áo và căn phòng  ngủ rộng rãi, trang trí thật mỹ thuật. Cái tủ có ba ngăn bằng gỗ màu nâu đậm, cùng bộ với cái giường và cái bàn nhỏ kê sát tường. Bên cạnh cái bàn là một cái ghế đệm bọc nhung màu đỏ thẫm. Một bức tranh sơn dầu mùa thu với lá vàng, lá đỏ rực rỡ treo trên tường. Màn cửa sổ có những chiếc lá vàng rơi  rải rác trên nền vải màu nâu nhạt. Tất cả những gì trong căn phòng này dường như có một sự hòa hợp, gắn bó với nhau. Chỉ có riêng ông là  lạc lõng! Ông cảm thấy như thế!
Nằm dài trên cái giường rộng, khăn trải trắng muốt, ông Tân đăm đăm nhìn lên trần nhà, suy nghĩ miên man rồi ngủ thiếp đi trong cơn mệt mõi của tâm hồn và thể xác.
Năm ngày gần gũi với các con trong những bữa cơm gia đình và những buổi đi chơi thăm thắng cảnh vùng Thủ đô, đi phố…qua nhanh. Ông Tân và các con đã cảm thấy gần nhau hơn, nhưng một khoảng cách vô hình dường như vẫn còn  quanh quẩn đâu đây. Ông Tân mong thời gian sẽ xóa lấp đi khoảng cách này để ông có một gia đình thật sự. Ông cũng mong sau khi Thúy đi công tác về, hai vợ chồng sẻ có những ngày “Trăng Mật” ấm áp như thời mới cưới.
 
Nhưng, “Ước mơ nhiều, đời không bấy nhiêu!” . Những mong ước của ông Tân đã hoàn toàn sụp đổ khi Hùng trao cho ông một bức thư của Thúy, với lời nói ngập ngừng:
Con thật không biết phải nói với Bố như thế nào đây. Mẹ giao cho con việc này thật khó cho con quá! Nhưng con nghĩ là không thể giấu Bố lâu hơn được nữa, thôi thì xin Bố đọc thư của Mẹ để hiểu rõ mọi chuyện. Con xin Bố hiểu cho Mẹ và Bố hãy hiểu rằng  chúng con luôn luôn thương quý và lo lắng cho Bố trong mọi hoàn cảnh.
Tim ông Tân như ngừng đập. Ông chưa đọc thư, nhưng ông cũng hiểu những điều mà ông không mong đợi đã đến. Cầm bức thư trong tay, ông nghẹn ngào nói với con:
Con đừng lo! Bố chịu đựng được mọi chuyện mà!
Ông Tân đi vào phòng, đóng cửa lại. Ông nằm vật xuống giường. Từng chữ, từng chữ trong bức thư của Thúy như những cây kim đâm vào cái lồng ngực xẹp lép của ông.
 
Anh kính mến,
Trước hết, em phải xin lỗi anh hàng trăm lần, hàng vạn lần vì bức thư này sẽ mang lại cho anh những buồn phiền trong cuộc sống khi anh vừa đặt chân đến miền đất tự do, gặp lại vợ, con.
Em cũng rất khổ tâm khi đặt  bút viết những dòng chữ này. Nhưng làm sao được! Trước sau gì anh cũng phải biết sự thật, một sự thật đau lòng cho cả anh và em. Sự thật đó là người vợ đầu gối tay ấp mà anh yêu thương  ngày nào nay đã đổi thay.
Gần hai mươi năm sống xa anh, em đã không thể là một người vợ, người mẹ gương mẫu, chỉ biết lo nuôi dậy con cái một mình để chờ ngày  gia đình đoàn tụ.
Em cũng đã cố gắng và cố  gắng….Nhưng em đã bị ngã gục trước nỗi cô đơn triền miên, trước những cơn sóng gió đời…
Khi xa anh, em còn quá trẻ và thật ngây ngô trước cuộc đời. Ngày xưa, em được anh lo toan cho mọi chuyện lớn nhỏ trong cuộc sống. Khi di tản sang đất nước người, em phải đương đầu với bao khó khăn để tự nuôi mình và các con. Thời gian đầu, em khóc hoài và  tủi thân khi làm những việc lao động tay chân, vất vả. Hùng phải đi bỏ báo mỗi buổi sáng sớm, trước khi đi học, để phụ giúp em  tiền chi tiêu trong gia đình. Hưng thì thường phải trông bé Tuyết vì em đi làm hoặc bận may thêm ở nhà. Khi mua được cái xe cũ để làm phương tiện di chuyển cho mấy mẹ con thì xe cứ nằm ì, ăn vạ luôn ngoài đường, nhất là vào những ngày mùa đông, tuyết đổ.
Những buổi sáng lạnh run, em vừa hì hục cào tuyết vừa khóc để moi cái xe  ra khỏi một núi tuyết rồi hồi hộp  đề máy và cho xe chạy chầm chậm trên những con đường trơn trợt.
Những ngày hè nắng như đổ lửa, trong khi người ta đi nghỉ mát, đi biển thì mấy mẹ con em  đưa nhau ra thư viện để tránh cái nóng kinh người của căn phòng chung cư nghèo nàn, không có máy lạnh.
Những lúc các con đau ốm, một mình em săn sóc, lo âu.
Những đêm trường cô đơn, những ngày dài cô độc, cứ theo nhau mà đến với em. Và rồi hình ảnh anh  nhạt nhòa dần trong em theo năm tháng.
Rồi em gặp và yêu Năng. Mặc dù khi yêu Năng, em cũng biết tình em đối với anh chỉ còn là kỷ niệm. Nhưng em vẫn từ chối chính thức thành hôn với Năng. Năng bảo: “ Như vậy chứng tỏ là em vẫn yêu  và  muốn chờ anh Tân sang đoàn tụ. Vậy thì anh cũng phải chịu thôi! Tất nhiên là anh buồn. Nhưng anh hứa với em, khi anh Tân sang, anh sẽ trả em lại cho anh Tân. Thực ra mỗi lần nghĩ đến khi anh Tân sang đây, sẽ đau khổ vì mất vợ, anh cũng thấy mình có lỗi nhiều lắm. Nhưng biết làm sao được! Số phận cả, em ạ!
Khi nghe tin anh sang, Năng đã nhắc lại lời hứa đó và Năng cũng đã xin đi làm việc ở tiểu bang khác để giúp cho sự đoàn tụ của anh và  em được dễ dàng hơn.  Năng đi rồi, em tự hỏi: “ Có thể nào em sống với anh trong khi bây giờ em thật lòng yêu Năng không?”. Câu trả lời của em là không và em cũng chắc chắn rằng anh cũng chẳng cần có em trong cuộc sống, nếu anh biết được, em đã thay lòng, đổi dạ, phải không anh?
Xin anh hãy quên và tha thứ cho em về cái tội  thiếu sự thủy chung đối với anh.
Em hy vọng các con sẽ chăm sóc, an ủi anh để anh có thể vượt qua những khó khăn ban đầu.
Dù xa nhau, nhưng em vẫn quý trọng anh cũng như luôn luôn trân quý những ngày được sống bên anh.
Kính chúc anh sớm có một cuộc sống ổn định và hạnh phúc.
KÍnh
Em Thúy
 
Ông Tân tưởng rằng ông đã chịu đựng được gần hai mươi năm sống trong chế độ Cộng sản thì ông sẽ chịu đựng  được mọi chuyện ở trên đời. Nhưng thật ra không phải thế!
Khi Hùng vào phòng ông Tân, định an ủi Bố, thì đã thấy ông Tân nằm bất động trên giường. Hùng hốt hoảng điện thoại gọi xe cứu thương, gọi Mẹ và các em.
Nhìn tấm thân gầy còm, như chỉ còn da bọc xương  của Bố nằm dán trên chiếc giường rộng, Hùng bật khóc. Hùng ôm lấy bố như muốn truyền vào cái thân thể ấy một sức sống, một tình thương vô bờ bến.
Mười phút sau, xe cứu thương đến, đưa ông Tân vào bệnh viện.
Trong khi ông Tân vẫn mê man và được Bác sĩ tận tình săn sóc trong phòng cấp cứu thì ở ngoài phòng đợi, Thúy và các con cũng đã có mặt đầy đủ. Hưng đi đi lại lại trong phòng, Tuyết  rơm rớm nước mắt nói nhỏ với Hùng:
Tội nghiệp Bố quá! Không biết Bố có qua khỏi không?
Thúy ngồi ngây người như tượng đá. Một nỗi ân hận tràn ngập trong lòng. Nàng thấy mình quá tàn nhẫn đối với người chồng kém may mắn, đã hết lòng yêu thương nàng. Đáng lẽ ra, nàng phải hy sinh tình cảm riêng tư  để cho sự đoàn tụ gia đình được đẹp đẽ hơn, để đền bù cho chồng những tháng năm  sống cô đơn, khổ cực nơi quê nhà.
Nơi đất nước người, dù nàng vất vả cách mấy  thì vẫn sung sướng hơn chồng gấp ngàn, gấp vạn lần. Nàng có các con,  có Năng bên cạnh để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Nàng thầm cảm phục Năng đã có quyết định sáng suốt và can đảm khi xa nàng. Thúy ứa nước mắt khi thầm khấn nguyện nếu Trời Phật phù hộ cho chồng qua khỏi cơn nguy kịch này thì nàng sẽ cố quên Năng và sống với chồng như những ngày xưa cũ.
Thúy ngước nhìn cái đồng hồ lớn treo trên tường. Hai cây kim dài, ngắn vẫn nhúc nhích, nhúc nhích…Thời gian trôi thật chậm, thật chậm…
Rồi Bác sĩ từ phòng cấp cứu đi ra, báo tin là ông Tân đã tỉnh lại nhưng ông bị bệnh tim, phải ở lại nhà thương, cần phải giải phẫu nay mai và mọi người  có thể từng người một vào thăm.
Khi Thúy vào thì ông Tân đã tỉnh hẳn. Bịch nước biển treo trên một cây sắt cao đang nhỏ từng giọt, từng giọt, truyền vào cánh tay khẳng khiu của ông Tân. Thúy đến bên, nắm lấy bàn tay gầy guộc với những đường gân xanh chằng chịt  của chồng, nghẹn ngào nói:
Anh yên tâm, Bác sĩ bảo bệnh anh cũng nhẹ thôi, mổ xong là khỏi ngay ấy mà! Em và các con sẽ chăm sóc cho anh.
Ông Tân đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn vợ:
Cảm ơn em, em đừng lo cho anh. Nay em đã có cuộc đời riêng của em rồi. Anh không muốn làm phiền em .
Nước mắt chạy vòng quanh, Thúy nói nhanh:
Không, cuộc đời em là của anh, là của các con. Em nghĩ lại rồi!
Ông Tân ôn tồn:
Em định “Bố thí” cho anh đấy à? Trong đời, chúng ta có thể yêu nhiều
người, nhưng tất nhiên không phải yêu cùng một lúc mà trong những giai đoạn khác nhau. Nếu không như thế, thì không phải là yêu. Bây giờ, em đã yêu Năng thì không thể yêu anh được nữa. Không yêu mà em phải sống với anh thì còn có ý nghĩa gì nữa chứ? Đừng tội nghiệp cho anh, em phải tội nghiệp cho em trước. Sống với một người mà mình không yêu thì thật là bi thảm! Chúng ta, chỉ có một đời để sống, đừng uổng phí! Thời gian sẽ chữa lành cho anh mọi vết thương, cho dù vết sẹo vẫn còn đó, em ạ.
Thúy gục đầu vào ngực chồng khóc nức nở. Tình yêu đối với Năng, nghĩa vợ chồng đối với Tân, làm sao nàng có thể cân đo, chọn lựa? Thời gian, không gian như ngưng đọng lại quanh nàng, mặc dù tiếng tích tắc của cây kim đồng hồ  trên tường vẫn  vang lên đều đều và những tất bật , hối hả… trong khu cấp cứu của bệnh viện, vẫn  tiếp diễn từng phút, từng giây…
Lê Thị Nhị