Đường Hoa Nở-Minh Thúy Thành Nội 

                         Đường Hoa Nở
Mọi thứ trên đời được gặp nhau là một cái duyên. Tôi biết ngôi Chùa Đức Sơn mấy chục năm nay cũng là cái duyên lớn.Ngôi Chùa nuôi trẻ mồ côi này tọa lạc ở thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên, Huế. Được biết Ni trưởng Minh Đức và Ni trưởng Minh Tú đảm nhiệm từ năm 1964 điều hành việc xuất gia học đạo. Theo quan điểm tu học, với lời Phật dạy thì “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường Tam Bảo”. Hàng chục chư Ni đã chung tay cùng Thầy góp phần xoa dịu bớt nỗi đau của thế gian, đó là lý do khiến Chùa Đức Sơn không quản ngại khó khăn, dang đôi tay đón nhận những trẻ thơ vô thừa nhận thường bị quăng trước cổng Chùa hay bỏ thí trong bệnh viện, hoặc hoàn cảnh nghèo cực không nuôi nỗi những trẻ khuyết tật, các em đã được đón nhận hơn 35 năm qua.Theo lời kể của Sư Cô Liên Bình, người trực tiếp chăm lo các em. Trong chặng đường dài đó, Chùa đã cưu mang hơn 450 em nhỏ, nhất là trường hợp các em bị bại liệt, động kinh phải cần tới hai người chăm một em rất vất vả.Từ những ngày đầu, đời sống chư Ni đang còn thiếu thốn, cuốc bẩm trồng khoai sắn dùng qua ngày, việc xin cháo sữa và bảo đảm sức khỏe cho khoảng 15, 20 em không dễ dàng. Tới năm 1999 có tới 200 em, rồi đại dịch Covid -19 bùng phát lại càng khó khăn hơn cho 110 em lúc mùa đông, thời tiết lạnh giá hay mắc bệnh với những chi phí ngoài bảo hiểm lúc đem đến bệnh viện. Công việc chăm sóc được 20 Sư cô và 5 bảo mẫu chung tay phụ giúp.Sư bà Minh Tú rất quan tâm về vấn đề “trí dục”, bước đầu còn bảo trợ, mở thêm 120 cơ sở Mầm non nơi các vùng Hương Trà, Hương Thủy (Thừa Thiên, Huế). Về sau đã thay đổi cơ cấu, chuyển giao lại cho cơ sở giáo dục, các cháu được học tập nhiều cấp. Với các em khuyết tật Chùa tạo điều kiện cho học nghề vì không thể học văn hoá.Sư Bà còn mở quán cơm chay Tịnh Tâm giúp các em có việc làm, nhưng vì Covid -19 nay đã dời về khuôn viên Chùa. Về đề tài “Đức dục” rất được quý Sư quan tâm, dạy các em biết lễ nghi, ứng dụng giá trị đạo đức.Với Phật Tổ, các em được quy y Tam Bảo, hằng ngày giữ pháp niệm Phật, nhớ ơn Phật, tán dương Phật. Trước 9 giờ tối quý Sư hướng dẫn thỉnh chuông và có thời tụng kinh ngắn 15 phút. Cuối tuần được các anh huynh trưởng gia đình Phật tử dạy thêm khi sinh hoạt, chủ nhật các em lớn được về chùa Bảo Quốc tham dự lớp Phật Học Ứng Dụng, tham gia lớp võ Karatedo giúp nâng cao thể lực.Đền bù lại những áp lực trong chặng đường nuôi trẻ em. Chùa nay có hơn 300 em đã trưởng thành, có trình độ ổn định công việc. Một số thành viên quay lại phụ giúp quý sư chăm sóc các em. Số lập gia đình được Sư Bà như một người thầy, người cha, người mẹ đứng ra làm chủ hôn. Bên cạnh đó cũng có số chí nguyện theo Tam Bảo, hiện tại đã có 25 vị xuất gia. Lắm thầy cô khoảng 45, 46 tuổi nhận vai trò trụ trì hướng dẫn đạo tràng tu học. Nhiều chư Ni tốt nghiệp Cử nhân, Tiến sĩ Phật học.Tất cả quá trình dài tốt đẹp như vậy đều do sự chung tay của quý Sư cô, của các nhà hảo tâm xa gần và trên nữa là vai trò lãnh đạo của Ni trưởng Thích Nữ Minh Tú trụ trì chùa Đức Sơn.Với chủ trương tu trong công việc theo lời dạy của Sư Bà, quý Thầy Cô đã sử dụng 3 phần lý thuyết, 7 phần thực hành để giúp các cháu học bài thay vì lên Chùa cầu nguyện cho chúng sanh. Thật là môn pháp thiết thực, hy sinh cao cả của các bậc tu hành.Thỉnh thoảng tôi được hầu chuyện cùng Sư Bà qua phone, và đặc biệt với Sư cô Liên Bình hiện này đã giúp đỡ Sư Bà cai quản Chùa, chăm sóc các em và những công tác thiện nguyện.Sư cô Liên Bình có nét mặt sáng ngời thông minh, nụ cười rất tươi và nhân ái. Cô đã đến hội người khiếm thị phát quà và tiền giúp nhóm chúng tôi mỗi năm, nên tôi thường gần gũi với Cô. Có lần thấy hình Cô tốt nghiệp ra trường 4 năm trên Facebook, tôi chúc mừng nhân tiện hỏi nguyên nhân vì sao Cô xuất gia.Cô tâm tình:“Liên Bình sinh ra và lớn lên ở vùng quê. Năm 1999, LB chứng kiến cơn lũ Đại Hồng Thủy đã cướp đi nhiều sinh mạng của bà con. Nhận thấy cuộc đời thật là vô thường, mạng sống con người quá mong manh. Đồng thời trong cơn lũ lụt này, gia đình LB cùng bà con nghèo khó trong lúc bị hoạn nạn vì thiên tai, đã đón nhận được sự giúp đỡ của quý Sư chùa Đức Sơn, cùng sự hỗ trợ của quý mạnh thường quân gần xa. Điều này khiến LB rất cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của quý Sư cô, nên đã có mầm mống muốn xuất gia. Nhưng cha mẹ thấy LB còn nhỏ tuổi, lo âu về sự kham khổ của cuộc sống già lam. Đến năm 2002 sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học cha mẹ mới đồng ý cho LB xuất gia, làm người con Phật, tu học dưới mái Chùa Đức Sơn, dưới sự hướng dẫn của thầy Bổn Sư là cố Sư trưởng Thích Nữ Minh Đức, và Sư trưởng Thích Nữ Minh Tú. Bên cạnh việc tu học ở Chùa, tham gia các công tác thiện nguyện, LB thấy việc học tập trau dồi kiến thức rất cần thiết, nhất là môn Sinh ngữ. Và LB được quý ân nhân cũng như sư phụ hỗ trợ, đủ duyên tham gia các lớp học ngoại ngữ, nghiên cứu giáo lý đạo Phật. Hiện tại LB đã tốt nghiệp lớp cử nhân Phật Học, cử nhân đại học ngoại ngữ và hiện tại đang theo học lớp Y Học Cổ Truyền năm thứ 2 tại trường Cao Đẳng Y Tế Huế. LB sẽ cố gắng tu tập, học tập sống sao để lợi đạo, ích đời.”Gần gũi với những bậc chân tu như vậy, tôi cảm thấy như có lực an lạc chuyền qua mình. Tâm hồn được tắm gội suối từ bi chứa tình thương rộng lớn bao la. Khám phá sự cao quý của những chân tu có đời sống thiểu dục, sống cho người hơn là cho bản thân mình. Đạo được đem ra đời xoa dịu cảnh địa ngục trần gian, và cũng đem đời vào đạo làm mái ấm che chở những mảnh đời bất hạnh.Riêng tôi xin kể lại cái duyên đến từ lúc nào…Một mùa xuân lâu lắm, mồng một tôi lên Chùa gặp số bạn bè thân quen. Lúc thọ trai bạn bè chia sẻ những điều mình nghĩ- Đi Chùa đầu năm, xin bình yên lợi lạc cho cả năm, đơn giản dễ dàng vậy sao- Tên cướp vừa giết người chạy trốn vào Chùa cầu xin Phật che chở, Phật có đáp yêu cầu không?- Tại sao chỉ biết xin mà không cho? Mỗi người nói một câu, tôi lên tiếng- Cầu xin là thói quen, là muốn nương tựa bóng mát của đức Từ Phụ để được an ổn thân tâm, thì chúng ta cũng nên gieo điều tốt thực tế song song với sự cầu nguyện chứ.Các bạn hoan hô tán thành, tôi được nghe về ngôi chùa Đức Sơn (người chị kể)- Đem bánh kẹo lên thăm Chùa và phát kẹo cho các em, quý Sư Cô dạy sao mà cả rổ kẹo, mỗi em chỉ lấy đúng một cái …không tham. Nhìn rất nhiều em nhỏ đang bò hoặc đi lẫm đẫm cũng cúi đầu chào lễ phép “A Di Đà Phật”Tôi ứa nước mắt xin địa chỉ của Chùa. Ban đầu có hai địa chỉ Chùa nuôi cô nhi. Bạn bè giao tôi công việc chuyển tiền, tôi gởi về Chùa ở Sài Gòn và Huế mỗi năm 2 lần. Dần dần kinh tế khó khăn, bà con bị thất nghiệp, tôi biết nỗi khó khăn nên không dám nhắc nhở, chỉ thông báo vào mỗi đầu xuân. Một bạn đạo về VN xin tôi địa chỉ Chùa ở Sài Gòn để ghé thăm, chụp nhiều hình ảnh về ngôi Chùa cho tôi xem. Qua lời kể của bạn đạo thì các em đã lớn, được chuyển đi đâu hết. Tôi thấy ngôi Chùa khang trang lòng hoan hỷ theo. Thời gian sau Thầy gửi thư báo tin sẽ lên Kon- Tum xây cất ngôi Chùa theo sơ đồ rất lớn. “A di Đà Phật” việc nào cũng tốt, nhưng trước mắt phải lo cứu đói là vấn đề thực tế, nhất là những trẻ cô nhi nào biết xoay xở kiếm miếng ăn như người lớn, nên từ đó tôi dồn hết về chùa Đức Sơn.Bạn Phương Chi về VN thăm mẹ qua kể- Khu Tạo Tác gần ngã Cầu Đất có tổ hợp làm tăm của người mù. Mình lên thăm đứng nhìn họ cầm dao chẻ tre “phập phập” muốn đứng tim vì sợ đụng nhầm tay, nước mắt chảy ròng gởi biếu chung $100 đô. Ra về lòng buồn vô hạn vì không có thêm tiền để cho.Đồng thời tôi nghe chị Giang kể ngày nào cũng có nhiều người tới từng nhà bán tăm và đũa tre, lòng tôi xốn xang dặn chị “Lúc nào họ tới cứ mua, mua hết đi dù không dùng bao nhiêu”Thời gian kế tôi nhờ lên thăm tổ hợp và giao tiền, nhưng chị G cho biết tổ hợp đã giải tán không biết đi đâu. Tôi vẫn thúc giục chị hỏi thăm nhiều nơi…Cho đến năm sau chị G gọi điện báo tin đã tìm ra văn phòng người mù do ông tổ trưởng điều hành. Người khiếm thị ai về nhà nấy, khi nào có ân nhân phát tiền quà thì ông thông báo đến tập trung nhận. Ông tổ trưởng kể thêm “tăm đũa đũa ế ẩm phải dẹp tổ hợp, nhiều người bán vé số bị lường gạt, người mua giả trúng số bảo có tiền đưa sẵn, họ chỉ nhận 8 và cho 2, để người bán đi lãnh sau. Hoặc khách bảo đưa xấp vé cho họ xé mua 2 tờ, nhưng rồi họ xé thành 5 tờ. Người khiếm thị về nhờ tổ trưởng xem lại mới hay bị lường gạt, từ đó tổ trưởng bắt dẹp nghề bán vé số, khuyến khích học nghề đấm bóp.Lần đầu tiên bạn bè góp tiền nhờ tôi chuyển. Nghĩ trường hợp các em cô nhi cần giúp đỡ hơn, nên tôi nhờ quý Sư trích 1/3 số tiền đến giao người khiếm thị, nhưng quý Sư đã tự động chia đều ngang nhau. Điều này làm tôi vô cùng quý mến tấm lòng Bồ Tát, hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn chúng sanh, không kể phần mình. Đó là niềm tin tốt đẹp đối với các bậc chân tu.Từ đó mỗi đầu năm đã thành thông lệ đối với cô nhi chùa Đức Sơn và hội người mù. Đặc biệt các cô em chồng và chị dâu tôi luôn yểm trợ tối đa, bạn bè người gởi tiền trước sợ quên, kẻ gọi nhắc làm tôi thấy niềm vui sướng cứ lan tỏa mãi và hăng hái thêm.Chưa hết, 2 bà hiệu trưởng trường Đồng Khánh và Thành Nội xưa phối hợp kêu gọi các cựu nữ sinh đừng quên các anh Thương Phế Binh, nên mỗi năm luôn có chiến dịch vận động gởi về. Cựu nữ sinh bên VN đưa tận nơi cùng cách làm việc rất sáng tỏ là chụp hình các anh nhận tiền của ai, ghi rõ số nhà, số điện thoại.Những khi bão lụt chuyển về Sư Bà Thích Nữ Như Minh của chùa Tây Linh hoặc Thầy Pháp Trí Chùa Tiên Quang.  Chú Tiểu Thiện Tài Nguyễn Huy Điền (do thầy Thích Tánh Tuệ giới thiệu) có cả hệ thống gồm nhiều bà Phước ở khắp các tỉnh đi giao, cũng có lối làm việc như các cựu nữ sinh Đồng Khánh & Thành Nội, giao tới đâu đều có hình ảnh rất rõ ràng minh bạch từ TPB, bệnh viện ung bướu, quán cơm $15 ngàn/1 dĩa giúp người nghèo.Cha Hiền của hội “Nụ Cười Thân Ái” ở bên Phi Châu, sống chung quanh các em nhỏ ốm o so bại, các Cha đã làm công việc hy sinh cao cả theo lời Chúa dạỵ, xông pha đến những nơi khổ cực san sẻ tình thương.Thầy Thích Tánh Tuệ cúng Trai Tăng , phát lương thực, xây giếng nước tình thương cho nhiêu dân làng nghèo khó bên Ấn Độ.Bác sĩ Đặng Nga, nhóm đan len cựu nữ sinh Thành Nội, Dạ Lê luôn âm thầm vun xới mảnh vườn hoa khô héo trong cuộc đời        Hội Bạn Người Cùi dưới Nam Cali từng có những nhóm người về VN xăn quần lội bùn, đi sâu vào rừng xây nhà, phát lương thực cho người cùi.Tại Mỹ, người Homeless (người vô gia cư) cũng đầy đường nằm quấn mền nơi các bụi cây, góc xó, nhất là đến mùa đông lạnh cóng đã chết rất nhiều. Biết bao nhiêu tấm lòng nhân hậu vẫn thường tổ chức phát thức ăn, mùng mền, tiền bạc ngoài công viên. Điển hình như hội “Mõ Thân Ái” do ông Lê văn Hải tổ chức, và hội Huế vào mùa Lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh cũng đến nơi tập họp người vô gia cư, thuê nhân viên nấu các món thích hợp người bản xứ, đãi ăn và phát quà.     Đó là những nơi mình biết chắc chắn không sợ bị lường gạt, yên tâm gởi gấm tình thương từ đồng tiền mồ hôi nước mắt tiêu pha dè xẻn, trao đến những hoàn cảnh đáng thương.Xem ti vi chiếu cảnh những góc phố Sài Gòn. Tủ bánh mì, tủ thuốc đau đầu, đau cảm. Mấy thùng nước đá chanh. Em nhỏ ngồi vá giày v…v… tất cả đều miễn phí giúp những bác đạp xích lô, những người nghèo khổ. “Hãy chia cơm bánh của ngươi cho kẻ đói ăn và nếu ngươi gặp một kẻ trần truồng thì hãy cho họ áo mặc, và như thế sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông. Và ánh sáng sẽ bùng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành giữa ban ngày” (lời Chúa phán).Nơi đâu cũng cho tôi nhìn những cảnh cảm động nói lên tình người cao quý. Những con người hiền từ, có tấm lòng nhân ái, đem tình thương đến với tha nhân. Đó là Chân, Thiện, Mỹ của cuộc đời, làm đẹp cho đời. Chúng ta sẽ chuyền lửa cho nhau xua dần những tăm tối vây quanh, thì trên đường đi hoa sẽ mọc đầy đủ sắc màu cho ta thưởng thức và được ngửi mùi thơm của hương từ bi dưới ánh hào quang của Đức Phật soi tuệ đuốc chúng ta vậy. 
 Đường Hoa Nở
Học hạnh từ bi cứu giúp người
Hoa trồng mỗi bước nở xinh tươi
Trì kinh nhất trí năng siêng tập
Niệm Phật chuyên tâm chớ nhác lười
 Biến diệt dòng sinh lìa cõi thế
Vô thường thác cuộn nhắm con ngươi 
Ra đi vẫn chỉ bàn tay trắng
Nối kết yêu thương tạo tiếng cười
Minh Thúy Thành Nội 
Tháng 3/2023