Giận Thì Cứ Giận, Thương Thì Cứ Thương Lê Thị Nhị Đó là tâm trạng của tôi khi mùa Lễ Tạ Ơn đến mỗi năm, bởi vì, tôi cũng như những người Việt Nam khác sống trên nước Mỹ, chúng ta không chỉ mừng Lễ Tạ Ơn mà chúng ta còn ngậm ngùi nhớ đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, ngày mà các Tướng Tá Việt Nam Cộng Hòa đảo chính và giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa và bào đệ của ông là ông Ngô Đình Nhu. Đây cũng là khúc quanh đen tối của lịch sử Việt Nam khiến mười hai năm sau, 1975, Cộng sản Việt Nam cưỡng chiếm toàn cõi Việt Nam, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi tìm tự do và toàn dân phải sống trong cảnh đọa đầy! Không phải các Tướng Tá của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đảo chính, lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm bởi vì những lý do, có một nửa sự thật, là gia đình trị và đàn áp Phật Giáo, mà vì nghe lời “xúi dại” của người Mỹ! Tổng thống trẻ tuổi đạp trai JFK, mà tôi hằng ngưỡng mộ, đã cho rằng Tổng thống Ngô Đình Diệm “phản phé” người Mỹ khi ông Ngô Đình Nhu bí mật đi gặp đại diện của chính quyền Hà Nội là Phạm Hùng và Tướng Trần Độ để thương thuyết trong một cuộc đi săn ở Bình Tuy. Thế là các Cố vấn Mỹ “phán” với các Tướng Tá nhà mình “ Nếu không loại bỏ anh em ông Diệm thì miền Nam Việt Nam sẽ mất về tay Cộng sản!” Thế rồi đảo chính xảy ra, sau đó cuộc chiến lan tràn trên khắp miền Nam, hàng triệu quân dân Việt Nam và 58 ngàn binh sĩ Hoa Kỷ tử trận, để rồi ngày 30 tháng Tư năm 1975, Cộng sản cũng lừng lững kéo nhau vào Dinh Độc Lập! Cho đến bây giờ, hơn bốn mươi năm qua, trước hiện tình tồi tệ của đất nước, đa số người Việt Nam từ Bắc chí Nam và cả những người ngoại quốc nữa, cũng vẫn nghĩ và nói: “Nếu mà ông Diệm không chết ( Không thể xảy ra Mỹ muốn như vậy!), nếu hồi đó cuộc thương thuyến Nam Bắc thành công, chiến tranh đã không xảy ra, thống nhất đất nước không đổ một giọt máu ( không thể xảy ra vì Việt Cộng không bao giờ thật lòng thương thuyết!), nếu miền Nam thắng miền Bắc ( Không thể xảy ra vì Mỹ ngừng viện trợ cho miền Nam trong khi Nga, Tàu viện trợ tối đa cho Bắc Việt!), thì ngày nay Việt Nam đã tiến bộ bằng hoặc hơn cả các nước láng giềng như Đại Hàn, Thái Lan, Singapore….” Cũng vì chữ “Nếu” ở trên, mà hàng năm, cứ đến tháng 11, nhớ lại chuyện xưa, tôi vẫn giận người Mỹ, vẫn giận ông tổng thống trẻ tuổi đạp trai JFK và giận cả các Tướng Tá Việt Nam Cộng Hòa quá ngây thơ! Nhưng mà, suy đi, nghĩ lại, tôi thấy mình phải…chấp nhận cuộc đời thôi! Xét cho cùng, ta phải công nhận rằng có nước nhỏ bé nào trên thế giới mà không chịu ảnh hưởng của những cường quốc trên thế giới? Giận thì cứ giận, thương thì vẫn cứ thương! Tôi thật lòng thương nước Mỹ từ lâu lắm rồi! Đối với tôi, cũng đã từ lâu, nước Mỹ không còn là đất tạm dung, mà là quê hương thứ hai của tôi! Nếu mà tình thương có thể cân đo đong đếm, thì tôi chắc rằng, tôi thương nước Việt Nam và nước Mỹ…bằng nhau. Không thương nước Mỹ sao được khi nước Mỹ đã mở rộng vòng tay đón nhận gia đình tôi và hàng triệu người dân Việt Nam trên con đường trốn chạy Cộng sản. Nước Mỹ đã cho chúng tôi một cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc.. Mùa Lễ Tạ Ơn, tôi không Tạ Ơn nước Mỹ sao được khi mà cuộc sống trên chính quê hương của mình thì bị trù dập, đọa đầy bởi chính quyền Cộng sản thì khi đến nước Mỹ tôi được người dân Mỹ ân cần cưu mang. Đến Mỹ, tôi không còn phải ghe, phải thấy những khẩu hiệu “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc” hàng ngày, hàng giờ, ở mọi nới, mọi chốn như ở Việt Nam nhưng tôi đã cảm thấy mình được sống trong Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc ngay từ những ngày đầu đặt chân trên nước Mỹ. Tôi và các con đến Mỹ vào đúng ngày 30 tháng Tư năm 1981, sau năm năm, bảy tháng sống với khẩu hiệu “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc” tại Việt Nam và sáu tháng trên hòn đảo Galang xinh đẹp của nước Indonesia. Hành trang tôi đến Mỹ là một thân thể bệnh hoạn với hai con nhỏ, 10 tuổi và 9 tuổi, vài bộ quần áo và 500 Mỹ kim anh tôi từ Úc gửi cho. Lại thêm tâm trạng đau buồn vì trong lúc vượt biển, cô con gái út được một cậu cháu bồng đã không lên được tàu lớn, phải quay trở về Sài Gòn. Ấy thế mà chỉ sau một tháng, tôi được hội Nhà Thờ hướng dẫn cho đi làm xong mọi thủ tục giấy tờ, khám sức khỏe, được lãnh trợ cấp tiền và tem phiếu mua thực phẩm. Lại còn có cả thầy giáo tình nguyện đến nhà dạy Anh văn cho mẹ con chúng tôi nữa. Tôi lại còn được ở nhờ nhà anh chị Phạm Tuân, anh họ của tôi, nên chỉ ba tháng sau là tôi đã mua được xe hơi, lái vi vút! Bốn tháng sau, các con tôi vào trường tiểu học thì tôi cũng lỉnh kỉnh cắp sách vào học trường Montgomery College. Một năm sau, tôi đã thuê được một căn chung cư để ba mẹ con tôi ở cùng với chị Lê Thị Ý của tôi. Tôi cũng mua cho các con một cây đàn dương cầm Baldwin, giá 2800 Mỹ kim. Tôi còn nhớ, hồi đó, thấy tôi mua đàn, nhà báo Ngô Phi Đạm, bạn của anh Tuân, đã nói với tôi: “ Bà chơi sang quá! Dân tỵ nạn mà mua đàn đắt tiền thế!” Thật ra thì không phải tôi sang mà vì tôi tiết kiệm những món chi tiêu khác để có thể mua đàn, cho các con tiếp tục học. Tôi cũng đổi xe, mua được chiếc xe của Bác sĩ Nguyễn Bá Cường, bạn của anh Tuân, với giá 1400 Mỹ kim, chiếc xe này còn khá tốt nên tôi không còn phải lo nó nằm ăn vạ ở ngoài đường trong những ngày bão tuyết như chiếc xe cũ. ( Hiện nay Bác sĩ Cường vẫn là ân nhân của Nhà việt Nam và là độc giả dài hạn của Kỷ Nguyên Mới) Năm tháng dần trôi… Sáu năm sau, tôi bảo lãnh được mẹ tôi từ Úc, con gái út và chồng tôi từ Việt Nam sang đoàn tụ. Năm 2000 thì gia đình của các anh, các chị tôi, đã có mặt đầy đủ ở Mỹ. Tôi ra vào nhà thương như người ta đi…du lịch! Tôi đã được chữa trị bởi các Bác sĩ tài giỏi của bệnh viện Georgetown, Shady Grove, Inova Fairfax. Tôi đã được những Y tá yêu nghề, yêu người, tận tình săn sóc, Tôi đã được hưởng những sự tiến bộ nhất thế giới về Y Dược để tôi còn sống cho đến ngày nay, để được thấy rằng mình là một người may mắn và hạnh phúc nhất trên đời. Các con tôi tốt nghiệp Tiểu học, Trung học, Đại học.. Chúng đã bước vào đời với những bước chân vững vàng và thật sự sống trong Tự Do, Ấm No, Hạnh Phúc. Trong tận đáy lòng, tôi luôn luôn cảm ơn nước Mỹ và biết rằng món nợ ân tình mà tôi đã nhận từ nước Mỹ, từ người Mỹ, không bao giờ tôi có thể trả được! Cũng vì thế, mà tôi tìm cách lý luận để có thể nhìn thấy một khía cạnh tích cực của việc người Mỹ “Xúi dại”’ Các Tướng Tá Việt Nam Cộng Hòa lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm: “ Ngày xưa, thời Pháp thuộc, phong trào Đông Du, các cụ nhà mình vất vả lắm mà cũng có gửi được bao nhiêu sinh viên đi du học đâu? Nhưng sau năm 1975, những du học sinh Việt Nam tình cờ, đã có mặt tại khắp các đại học danh tiếng trên thế giới, như vậy thì hậu quả cái việc “xúi dại” của người Mỹ cũng không đến nỗi tệ lắm! Vấn đề là…chế độ Cộng sản ở Việt Nam hiện nay, một ngày đẹp trời nào đó, phải…tự giải thể, để những nhân tài Việt Nam trên khắp thế giới trở về, đuổi Tàu, xây dựng đất nước. Một vấn đề nữa là… Những nhân tài Việt Nam ở hải ngoại còn phải có tấm lòng với quê hương Việt Nam, chứ nếu không thì cũng chẳng ăn nhằm gì với đất nước và con người Việt Nam ! Thôi thì đành chờ xem Con Tạo xoay vần ra sao… Lê Thị Nhị |