Gói Mì Cuối Cùng Lê Thị Nhị


Gói Mì Cuối Cùng
Lê Thị Nhị
Tôi  mở choàng mắt. Mới sáu giờ sáng. Mặc dù đêm qua không để đồng hồ báo thức nhưng tôi vẫn tỉnh giấc như một cái máy. Mười sáu năm ở Mỹ, thói quen ngủ muộn, dậy muộn của tôi khi ở Việt Nam chỉ còn một nửa. Tôi vẫn đi ngủ lúc mười hai giờ khuya, nhưng  phải thức dậy lúc sáu giờ sáng hoặc sớm hơn, vào những hôm phải xúc tuyết lối đi, cào tuyết bám đầy xe. Đôi lúc tôi thấy một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ đối với tôi thật không đủ !
Tôi ngồi dậy, định vào bếp đổ bánh bèo cho cả nhà ăn sáng. Nhưng cảm thấy hơi mệt và nhức đầu nên lại nhẹ nhàng nằm xuống. Nếu như mọi khi, Tôi đã tung chăn, chạy vào phòng tắm, trang điểm, uống hai viên Tylenol, rồi bắt đầu một ngày dài vất vả.
Hôm nay thì khác. Tôi thưởng cho mình một sự lười biếng và sẽ thưởng cho các con một bữa điểm tâm bằng những bát phở thơm phức với đủ rau thơm, hành, ngò của hiệu phở 75 trên đường Wilson, Arlington, Virginia, trước khi cả gia đình đi dự lễ ra trường của Bích Thu ở trường George Washington (Dĩ nhiên phở 75 sẽ khác xa với phở đại khái mà tôi thường nấu.)
Thời gian qua mau, mới hôm nào, các con của tôi còn bé tí, nay đã khôn lớn. Hai cái tên Bé Nhè, Bé Gào không còn nữa.  Hồng Thái đã trở thành một thanh niên chững chạc và  Bích Thuận cũng  đang là một cô sinh viên đại học. Tôi  không thể tưởng tượng có ngày tôi được nhìn các con học hành đến nơi đến chốn.
Các bạn thân của tôi thường an ủi khi thấy tôi vất vả nuôi dậy các con một mình trong lúc bản thân lại mang căn bệnh ung thư hiểm nghèo :
Các con sắp ra trường rồi, mày ráng sống thêm ít năm nữa để mà hưởng.
Với tôi, tôi không cần phải chờ đợi. Vì tôi đã và đang hưởng những niềm vui mà tôi bắt gặp trong cuộc sống trên quê hương thứ hai này. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, mùa nào tôi thấy cũng đẹp !  Tôi say mê ngắm những trận mưa hoa với những cánh hoa Anh đào mỏng manh, màu hồng phấn và màu trắng tinh bay bay trong gió nhẹ bên dòng sông Potomac . Tôi thích đi dạo trên những bãi biển đông vui, ầm ầm sóng vỗ với biển trời xanh mênh mông.  Tôi ngẩn ngơ ngắm những hàng cây bên đường với lá vàng, lá đỏ mỗi độ sang thu ! Ôi ! Mùa Đông Tuyết trắng xóa, bao phủ khắp không gian khiến tôi tưởng như mình đang lạc vào chốn Thiên Thai !
Các con tôi ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, những người bạn cũ, mới cũng đã mang  đến cho tôi sự ấm áp và niềm hạnh phúc vô biên !
Tôi đã ‘’ hưởng’’ từng giờ, từng phút mà tôi đang sống.  Ngay lúc này đây, tôi đang hưởng thụ sự lười biếng trong căn phòng ấm cúng, mơ màng  nhớ lại những năm tháng gian khổ đã đi vào quá khứ…
 
Tôi trằn trọc suốt đêm qua, mãi tới gần sáng mới thiếp đi trong cơn mệt mỏi của tinh thần và thể xác ! Càng  gần đến ngày đi, tôi càng lo lắng ! Mới hôm kia, tôi còn phải vào bệnh viện Bình Dân để làm hóa trị, truyền thuốc vào mạch máu, vậy mà hôm nay, lát nữa đây, một mình tôi, sẽ đưa các con đi trốn Cộng sản và trốn cả chồng tôi, vì anh không đồng ý chuyện vượt biển ! Tôi không biết chuyến đi sẽ thành công hay thất bại và tương lai mẹ con tôi sẽ ra sao ?
Tôi nghe loáng thoáng tiếng con Hà nói nhỏ :
Mấy đứa lên lầu chơi với ông bà, để mẹ ngủ, chị đi giặt quần áo.
Bích Thuận láu táu :
Mình phải đánh thức mẹ dậy để sang chợ ăn phở.
Hồng Thái la lên :
Hôm qua anh đàn giỏi, anh được chọn quà sáng cho cả nhà. Anh thích ăn bánh cuốn.
Bích Thuận phản đối :
Em không thích ăn bánh cuốn, nhân toàn là hành và mộc nhĩ không à !
Bích Thu góp ý :
Thì Thuận ăn bánh cuốn không nhân với chả lụa. Hôm nay Thuận đàn giỏi đi, để ngày mai được quyền chọn món ăn sáng.
BÍch Thuận cười hì hì :
Hôm nay em khỏi cần đàn giỏi, vì ngày mai đi học đàn, thế nào mẹ cũng cho ăn cơm tấm ở cửa nhà bà Thẩm Oánh.
Nghe con nói, tôi thở dài ! Tôi nghĩ, ngày mai và mãi mãi, các con tôi sẽ chẳng còn có dịp học đàn và ăn cơm tấm nữa. Vì trưa nay, mẹ con tôi sẽ đi gặp người dẫn đường ở Hàng Xanh để được đưa đi Hải Sơn, chờ ngày vượt biển. Dù không thoát, trở về đi nữa, thì cuộc sống cũng phải đổi khác vì đây là lần vượt biên thứ năm và tôi chẳng còn một đồng xu dính túi, ngay cả cây kiềng ngày cưới, tôi cũng đã phải đổi ra vàng lá để nộp cho chủ tầu!
Tôi nói với các con:
Các con sửa soạn đi rồi lên chào ông bà nội, mình ghé chợ ăn quà xong thì gọi xích lô xuống bà ngoại ăn giỗ. Cho Thuận ăn phở trước rồi Bích Thu và Hồng Thái ăn bánh cuốn. Hôm nay, đặc biệt mẹ chiều cả ba đứa.
Hồng Thái hỏi:
– Thế thì chiều nay chị với con nghỉ học hả mẹ?
Ừ!
Thái ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
Hôm nay con trực lớp nên có giữ cái băng đỏ, lát nữa, đi ngang nhà thằng Quang, con gửi nó đưa lại cho cô giáo mẹ nhé?
Ừ!
Tôi đưa mắt nhìn cái băng màu máu nằm lù lù trên bàn và thầm mong các con tôi sẽ chẳng phải đeo nó vào cánh tay nhỏ bé kia trong những ngày sắp tới. Tôi dặn dò con Hà trước khi vào buồng tắm:
Quần áo cô để sẵn trên ghế, con thay cho các em giùm cô rồi con cũng đi ăn sáng với cô và các em luôn.
Đó là những bộ quần áo đặc biệt vì tôi đã viết trên tất cả những gấu áo, gấu quần, tên của các con và tên, địa chỉ của  anh chị tôi hiện đang ở Úc và Mỹ. Hôm qua, tôi cũng đã mang đến nhà chủ tầu, ông bà Ngô Bảo, gửi trước một cái túi nhỏ đựng bốn bộ quần áo và vài thứ lặt vặt như sâm, đường phèn, thuốc say sóng…
Một lúc sau, tôi đưa các con lên lầu chào bố mẹ chồng:
Con xin phép bố mợ, con cho các cháu xuống bà ngoại ăn giỗ!
Mẹ chồng tôi ngạc nhiên:
Mợ nhớ là hôm nay dưới bà ngoại đâu có giỗ?
Tôi đáp vội:
Dạ có ạ, giỗ bà cô của con nên mợ không nhớ đâu.
Nói xong, tôi lật đật bước ra khỏi nhà. Khi đưa tay sập cánh cửa sắt, tôi cắn chặt môi, chân tay run lẩy bẩy. Cũng may, bé Thuận đã nắm tay tôi, lôi đi, cười như nắc nẻ:
Ê, em giành được mẹ rồi!
Bích Thu và Hồng Thái vội vã chạy theo.
Bữa quà sáng trong khu chợ Trương Minh Giảng ồn ào, quen thuộc, nặng nề trôi qua. Tôi lặng ngắm vẻ hồn nhiên của các con mà nước mắt như muốn tuôn trào! Tôi tự hỏi tôi đã quyết định đúng hay sai khi đưa các con đi vượt biển? Chúng còn quá nhỏ, mới mười tuổi, chín tuổi và năm tuổi!
Trong khu chợ đông đúc, tôi như thấy bóng dáng mẹ tôi trong khu hàng rau, đang lựa những  bó cần dài lượt thượt, cọng trắng ngần, ngọn lá xanh xanh. Tôi như thấy mẹ chồng tôi đang đứng bên hàng hoa, chọn những bó huệ trắng muốt, thơm ngát, hoặc ngồi thụp bên hàng trái cây, nâng niu những quả na, quả xoài chín mọng.
Rồi mẹ con tôi tới điểm hẹn ở Hàng Xanh, cùng người dẫn đường và cháu Thư, lên xe đò, đi đến một ngôi làng nhỏ ở Hải Sơn, gần Vũng Tàu, trốn ở đó vài ngày.
Vào một đêm tối trời, không trăng, sao, mẹ con tôi cùng một đoàn người chạy huỳnh  huỵch trên những con đường bùn lầy, băng qua những lùm cây,  những con đê nhỏ hẹp chỉ vừa một người đi, trượt chân có thể ngã tòm xuống dòng sông.
Bích Thu, Hồng Thái và tôi cùng nắm một sợi dây thung thật dài để khỏi thất lạc nhau. Cháu Thư, mười sáu tuổi thì cõng Bích Thuận. Có những lúc mệt quá, tôi chạy chậm lại, Bích Thu đề nghị:
Mẹ để con chạy trước kẻo mất dấu mọi người!
Tôi cản lại:
Không được con! Coi chừng lại lạc luôn con rồi làm sao!
Chạy mãi, chạy mãi, cuối cùng ba mẹ con tôi cũng leo lên được một trong năm cái ghe nhỏ giấu sau một lùm cây ở ven sông.
Chiếc ghe đang chạy xình xịch, thì bỗng nghe có tiếng gọi ơi ới dưới dòng sông:
Cứu tôi với! Ghe tôi chìm rồi! Chết hết!
Tôi hoảng sợ, cầu Trời Phật cho con và cháu tôi đừng có mặt trên chiếc ghe đó.
Khi lên được tầu lớn, hỏi trên, hỏi dưới, không thấy con cháu trả lời, tim tôi như muốn ngừng đập! Nếu không có hai con bên cạnh, chắc tôi đã nhẩy ùm xuống sông, không tiếp tục cuộc hành trình nữa!
Sau ba ngày ba đêm vượt sóng trùng dương hãi hùng và đói khát, con tầu với một trăm năm mươi người đã đến được đảo Ku Ku của Indonesia. Bữa cơm đầu tiên với món cá khô và nước uống thoải mái đã giúp ba mẹ con chúng tôi lại sức một phần nào. Tuy tôi có vui vì ba mẹ con đã đến được bến bờ tự do, nhưng trong lòng, không một giây, một phút nào tôi không nghĩ đến bé Thuận và cháu Thư. Trong thâm tâm, tôi vẫn cầu nguyện và mong rằng hai đứa chạy chậm, không lên được ghe nhỏ và bây giờ đã quay trở về Saigon.
Một tháng tôi sống trong khắc khoải lo âu trên đảo Ku Ku. Một hôm, có con tàu của Đức ghé đảo, tiếp tế lương thực, tôi kể hoàn cảnh của tôi với một vị thủy thủ và nhờ ông về lại Singapore, điện tín về cho gia đình tôi, hỏi thăm tin tức của con và cháu. Đúng ngày Giáng sinh, người thủy thủ trở lại với  tờ điện tín trên tay:
-Tôi có quà cho bà. Nhưng không biết là tin vui hay tin buồn!
Tôi đọc bức điện tín, mắt nhòa lệ  vì sung sướng! Con và cháu tôi đã trở về nhà bình an! Một lúc sau, tôi lại nghĩ: “ Có thật vậy không hay gia đình sợ tôi buồn lo nên nói dối như thế?”
Phải đến một tháng sau nữa, tôi mới hoàn toàn tin là con và cháu tôi bình an, vô sự, khi tôi nhận được thư của anh tôi ở Úc gửi cho, nói rõ rằng khi ghe bị đắm, cháu Thư  đã  bồng bé Thuận, bơi được vào bờ và đã trở về lại Saigon ngay ngày hôm đó.
Sau một tháng sống trên đảo Kuku và 5 tháng sống trên đảo Galang, ba mẹ  con tôi đặt chân đến Mỹ vào một buổi tối mùa Xuân, đúng vào ngày 30 tháng Tư năm 1981. Phi trường Los Angeles rộng lớn, tấp nập và sáng trưng như ban ngày. Một người đàn ông Việt Nam, đại diện cho hội nhà thờ đưa mẹ con tôi về khách sạn, ngủ qua đêm để ngày hôm sau lấy máy bay đi định cư ở vùng Hoa Thịnh Đốn. Chiếc xe sang trọng rời phi trường, đi vào thành phố. Một rừng xe chạy vùn vụt trên những con đường rộng thênh thang. Những tòa nhà nguy nga, tráng lệ. Những phố đông đúc người qua lại. Khung cảnh mới đã mang lại cho tôi niềm hy vọng, nhưng tôi cũng chạnh lòng nhớ tới quê hương nghèo khổ và nếp sống đọa đầy của cả một dân tộc. Bên cạnh tôi, Bích Thu, Hồng Thái hồn nhiên, líu lo chuyện trò vui vẻ. Nhìn hai con, tôi biết cái trách nhiệm nặng nề của mình trong những tháng ngày sắp tới.
Khi quyết định vượt biên, tôi đã chấp nhận cuộc hành trình gian khổ, hiểm nguy trên biển cả. Tôi đã chấp nhận mọi thử thách, khó khăn trong cuộc sống mới nơi quê người để tìm cho các con một cơ hội được sống trong tự do, hạnh phúc.
Nhưng nỗi lo sợ của tôi khi cùng các con leo lên chiếc ghe nhỏ vào một đêm không trăng vẫn còn đó. Niềm hoang mang lúc nắm tay các con bước xuống phi trường vẫn còn đây. Con tàu chỉ lênh đênh trên biển vài ngày thì đã đến đất liền. Nhưng các con tôi cần phải một thời gian dài mới khôn lớn. Mà tôi có thể sống để nuôi các con cho nên người không? Có con tàu nào cập bến mà không cần sự lèo lái của người thủy thủ? Có đứa trẻ nào thành công mà thiếu sự dưỡng dục của mẹ cha? Càng nghĩ, tôi càng cảm thấy thương các con. Tôi cắn chặt môi, lắc đầu như muốn xua đuổi những âu lo trong lòng.
Có tiếng Hồng Thái hát nho nhỏ
: “ Cùng nhau đi vượt biên
Hà Tiên hay Rạch Giá
Mười ba cây vàng lá
Ta quyết chí đi thôi…”
Bích Thu quay qua mẹ nói :
Mình chịu chơi, chơi tới cùng. Một đi không trở lại, mẹ nhỉ ?
Bài hát và lời nói của các con khiến tôi nhớ đến phong trào vượt biên ngày càng lan rộng như vết dầu loang của người dân Việt Nam sau ngày đổi đời 30 tháng Tư năm 1975. Những con tàu như chiếc lá, lênh đênh trên mặt đại dương, vẫn phó mặc cho định mệnh và các đấng linh thiêng : đến được bến bờ hay chìm sâu đáy biển.
Tôi chớp mắt, choàng tay ôm các con. Tôi nhớ lại lời mình đã nói với bạn bè trước ngày vượt biên : ‘’Thế nào tao cũng thoát. Nè, coi bàn tay tao, đường may mắn thẳng tắp.”
Chỉ hai tuần sau khi đến Mỹ, tôi đã lo xong thủ tục giấy tờ và đi học  Anh văn trong khi chờ đợi vào học khóa mùa thu của trường Đại học cộng đồng . Các con tôi cũng đã đi học tại trường tiểu học gần nhà, mặc dù chỉ còn  hơn một tháng nữa là đến kỳ nghỉ hè.
Rồi tôi mua xe hơi, một cái xe già nua tuổi tác, lúc nào cũng sẵn sàng nằm ăn vạ ở giữa đường, nhất là vào những ngày giá lạnh và bão tuyết. Bật đèn cấp cứu, mở nắp xe lên, bỏ xe đấy, đi tìm điện thoại công cộng gọi xe câu, nếu ở trong thành phố. Hoặc ngồi yên trong xe, ngắm tuyết rơi, chờ cảnh sát đi qua thì nhờ gọi cho hãng AAA, nếu ở trên xa lộ. Tôi đã lặp đi lặp lại hành động ấy không biết bao nhiêu là lần.
Cuộc sống mới nơi xứ lạ, quay tít tôi như một con bông vụ từ sáng đến đêm, nhưng tôi không thấy mệt. Tôi cũng không biết mình khỏe thật hay chỉ vì quá bận rộn nên quên cả bệnh hoạn đi. Tôi  mua bảo hiểm  nhân thọ để phòng khi mình qua đời, các con sẽ có một số tiền nhỏ để sống qua thời gian đầu khó khăn.
 Khi đời sống của mẹ con tôi tạm ổn định thì bệnh ung thư của tôi lại tái phát. Tôi đi gặp bác sĩ như người ta đi gặp người yêu. Mỗi lần nghe bác sĩ dặn dò, giải thích về cách điều trị, tôi cười thầm và nhớ tới câu” “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi” trong truyện Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Bệnh viện như một mái nhà thứ hai của tôi bởi những cuộc giải phẫu khó khăn và những tháng ngày ra vào thường xuyên để hóa trị, xạ trị. Thường xuyên đến nỗi tôi có thể biết từ nhà tôi đến bệnh viện phải qua bao nhiêu con đường? Bao nhiêu cái đèn xanh đỏ? Góc phố nào có trạm xăng, hiệu ăn, siêu thị… Và lần nào tôi cũng phải lái xe vòng đi vòng lại trên những con đường rợp bóng cây gần bệnh viện để tìm cho được một chỗ đậu xe miễn phí. Rồi những bước chân nhỏ bé của tôi, đưa tôi vào bệnh viện Georgetown nổi tiếng của nước Mỹ để gặp vị bác sĩ có cái miệng lún phún ria mép và đôi mắt xanh biếc, hiền từ, qua cặp kính trắng. Đôi mắt xanh biếc, hiền từ ấy, đã bao lần biểu lộ sự lo lắng, xót thương cho một bệnh nhân quen thuộc. Cái miệng lún phún ria mép ấy, đã có lần mỉm cười, nói với tôi bằng một giọng nói thật dịu dàng:
Bà phải giải phẫu gấp. Càng sớm càng tốt! Không thể chờ khi các con bà nghỉ hè được đâu!
Mỗi lần bóc một tờ lịch, tôi lại thấy đời mình mong manh như lá mùa thu. Nhưng thay vì buồn đau tôi lại quẳng  gánh lo đi để sống thật vui, thật trọn vẹn với các con. Theo tôi, chỉ có những người cận kề với cái chết mới biết sự sống là quý giá. Chỉ những kẻ đói khát mới nhận ra giá trị của bát cơm, chén nước.
Ngày qua ngày lại…Cây Anh đào nơi cổng bệnh viện Geogetown vẫn nở hoa hồng thắm mỗi độ Xuân về. Con đường George Washington Park Way vẫn rực rỡ lá vàng, lá đỏ khi mùa Thu tới. Cây cầu Key vẫn đứng lặng lẽ ngắm dòng sông Potomac êm đềm và để mặc cho từng chiếc xe lăn bánh trên thân mình suốt ngày đêm, vào ra thủ đô nước Mỹ. Những mùa hè âu lo, những mùa đông giá lạnh của mẹ con tôi cũng trôi qua.  Vị bác sĩ hiền từ, chữa trị cho tôi, nay tóc đã bạc phơ. Con gái út của tôi  Bích Thuận sau bảy  năm xa cách đã được sang đòan tụ với mẹ và anh chị. Tôi đã già, đã thắng được căn bệnh ung thư hiểm nghèo bằng một phép lạ, bằng một sự phấn đấu với cuộc sống khó khăn.
Và hôm nay, trong căn phòng ấm cúng này, tôi nghe lòng mình rộn rã reo vui khi nghĩ tới mai đây, các con tôi sẽ giã từ trường lớp để bước vào đời với những bước đi thật vững vàng và một tâm hồn trong sáng.  Xin cảm ơn  người Mỹ đã mở rộng vòng tay đón người tỵ nạn Việt Nam và những người ty nạn đến từ khắp năm châu.  Đối với tôi, nước Mỹ, đã từ lâu không còn là “xứ lạ, quê người” mà là quê hương thứ hai của tôi, của gia đình tôi. Một quê hương không có “chùm khế ngọt” nhưng đã cho gia đình tôi và tất cả những người tỵ nạn một cuộc sống no đủ, tự do và hạnh phúc.
Tôi nghe các con nói chuyện léo nhéo, rồi Bích Thu mở cửa phòng tôi, ló mặt vào, hỏi:
Sáng nay, ăn gì hả mẹ?
Cả nhà sửa soạn rồi đi ăn phở 75 ở đường Wilson trước khi đến trường con dự lễ.
Không kịp đâu mẹ ơi! Con phải đến trường sớm mà. Con đi xe riêng, cả nhà đi sau.
Cả nhà đi sớm cùng với con, có sao đâu! Vả lại đi sớm mới có chỗ ngồi tốt.
Nhưng đi với con thì lại sớm quá. Mà con cũng không có thời giờ để đi ăn phở đâu.
Tôi thoáng ân hận:
Sáng nay mẹ định dậy đổ bánh bèo cho cả nhà ăn, nhưng mệt quá, lại nằm” nướng”, và định sẽ đi ăn phở nên bây giờ chẳng có gì ăn cả.
Bích Thu vui vẻ:
Mẹ đừng lo, con ăn mì gói cũng được mà.
Mì gói cũng hết rồi con ạ.
Bích Thu chạy vào bếp, tôi cũng đi theo. Tôi mở ngăn đá, lấy lon nước bún bò nấu sẵn, nói với Bích Thu:
Mẹ luộc bún, con ăn bún bò nhé?
Bích Thu lục lọi một lúc rồi reo lên:
A, còn gói mì cuối cùng đây rồi! Con không ăn bún bò đâu mẹ.
Tôi nhìn con, mỉm cười:
Ừ, con ăn thêm một gói mì nữa cũng chẳng sao. Mai kia đi làm, con sẽ không phải ăn mì gói nữa đâu!
Bích Thu cười hồn nhiên:
Mẹ làm như ăn mì gói là khổ lắm ấy. Con thấy mì gói Thái Lan, chua chua, cay cay, ngon lắm chứ!
Tôi cười:
Mẹ biết mì gói Thái Lan, bánh mì Hương Bình và phở 75 nuôi con ăn học thành tài rồi. Con khỏi cần phải quảng cáo nữa.
Bích Thuận đang ngồi xem truyền hình ngoài phòng khách, góp chuyện:
Chị thu cứ ăn cái kiểu ấy và mặc kiểu mấy người vô gia cư, mai mốt đi làm, không biết chị ấy sẽ để tiền ở đâu mẹ nhỉ?
Bích Thu la oai oái:
Cái con nhỏ này, bộ tưởng chị khùng sao ? Chị ráng học bởi vì chị thích tiêu tiền mà. Mai mốt những hiệu ăn ngon, những hiệu bán quần áo đẹp sẽ…chết với chị.
Tôi cười, nói :
– Đúng là chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng.
Thái ở trong phòng đi ra nói :
– Mẹ nói sai rồi. Chị Thu đã đỗ bà Nghè rồi mà, lát nữa chỉ việc thề thốt và lãnh bằng thôi
– Nhưng mà chị con chưa có tiền để đi ăn hiệu và mua quần áo đẹp !
Thái choàng tay ôm mẹ :
Mẹ ơi là mẹ ! Mẹ có biết rằng mấy nhà băng nó gửi cho chị con thẻ tín dụng tới tấp rồi không ?
Thuận la lên :
Không công bằng, tại sao mấy nhà băng không gửi thẻ tín dụng cho em ?
Thái nói :
– Thì em kiện họ về tội kỳ thị !
Cả nhà cùng cười sau câu nói của Thái.
Tôi nhắc các con :
– Thôi, Thu ăn mì đi rồi tới trường kẻo trễ, Thái, Thuận cũng sửa soạn đi thì vừa.
Tôi nhìn theo Thái và Thuận đi vào phòng,  khi quay lại thì đã thấy Thu ngồi bên bát mì nóng hổi, một tay cầm đũa, một tay cầm thìa. Thỉnh thoảng, Thu bỏ thìa xuống, cầm quả ớt đỏ chót, nhỏ xíu, cắn một miếng rồi xuýt xoa :
– Ớt cay, ngon quá mẹ ơi !
Niềm hạnh phúc đơn sơ như đang  tràn ngập trong căn nhà nhỏ. Ngoài kia, những con chim truyền từ cành này sang cành khác, ríu rít hót ca. Thỉnh thoảng, từ trong lùm cây xanh, một vài con chim  vút bay trong nắng tháng năm dịu dàng lóng lánh. ..
Lê Thị Nhị