Một Thuở… Phượng vẫn đấy trơ gan cùng tuế nguyệt Áo trắng nhầu biệt biệt mãi quê xa Đã bao mùa mưa nắng với can qua Lòng viễn xứ ngóng trông về biển cả Phương trời cũ thiết tha bao kỷ niệm Dẫu trường xưa mất dấu chẳng nhòa phai Lật từng trang ký ức nhớ nhung hoài Bao lưu luyến chép bài thơ đầy vở Gửi đến ai mối tình đầu một thuở Mỗi độ hè trăn trở phượng hồng rơi Những mong nương theo gió đến bên người Cùng kể lể thôi ngậm ngùi nuối tiếc Kim Oanh 2021 ————- |
GIỌT NẮNG QUÊ HƯƠNG Mùa hè ở Mỹ nắng chang chang Ngọn cỏ cành cây cũng héo vàng Xơ xác bên đàng hoa rũ cánh Chán chường đàn bướm chẳng bay sang Mùa hè lý tưởng chút nào đâu Nóng nực như điên nhức cả đầu Nóng nực bực mình hay nổi cáu Tại trời nào phải tại em đâu Anh về bên ấy cho em nhắn Em nhớ em thương giọt nắng vàng Trải giữa làng quê hương mộc mạc Ấm tình cô lữ ấm xuân sang Anh về bên ấy cho em gửi Ðôi cánh tay em với nụ cười Rực rỡ bên trời hồng sức sống Vòng tay ôm trọn bóng quê hương Anh về bên ấy cho em nhớ Những lũy tre xanh vạt lúa vàng Vi vút thông reo chiều gió lộng Nhớ mùa phượng vĩ lúc hè sang Anh về bên ấy nhớ dùm em Ðón gió quê hương với nắng vàng Ôm cả bầu trời trong ánh mắt Mang về đất khách tặng cho em nguyễn phan ngọc an – mùa hè California 2021 |
VE SẦU XÁC NHỆN Có những tiếng ca buồn đứt ruột xé gan đã tan biến vào đêm tối mênh mông vô tận không bến bờ nguồn cội không hẹn hò một lần trở lại đón đưa. Có những nốt nhạc lời thơ u uất bi phẫn trường hận thiên thu đã quyện vào gió núi mưa rừng lận đận hoang vu không tuổi không tên để những chấn động dữ dội còn mãi sững sờ sông biển trút lá cỏ cây đổi màu cát bụi bàng hoàng đất đỏ ngơ ngác đá xanh. Đời sống có khi bỗng như mất hết chỗ an bình nương náu cuối cùng. Rồi từ đó còn gì che chở ủi an ru nhớ dỗ dành những số phận những cảnh đời hẩm hiu dang dở những mảnh tình trái ngang tuyệt vọng những oan hồn yểu mệnh lang thang vất vưởng cô đơn lạnh lẽo bơ vơ xứ lạ quê người. Xin đâu đây còn được chút bình yên trời xanh mây trắng hoa nắng gió hiền sao cười trăng điệu thực ấm áp tình người trọn vẹn cao quí bao dung cho cô đơn một nơi trọ nhờ qua đêm sa cơ thất thế lỡ bước cùng đường. Lẽ nào tất cả rồi cũng đành… Chỉ còn như một vết bụi mờ trôi nổi, một làn khói xám quá hắt hiu mong manh mơ hồ ẩn hiện xa xôi,một thoáng ngừng trong hạt nước bốc hơi như còn lãng đãng chút bóng hình “ve sầu xác nhện rã rời gió mưa…”(LTâm) Trôi sông ru nhớ cõi buồn Trôi buồn ru nhớ ngọn nguồn lẻ loi Trôi ta ru nhớ không người Trôi người ru nhớ không cười trôi ta Trôi mây ru nhớ quê nhà Lỡ quên dòng nhạc tình ca không lời Ngừng trong hạt nước bốc hơi Nghe ta muối mặn nghe người lệ cay Ta vẫn tỉnh người chưa say Rủ nhau sờ soạng tìm mai Sàigòn Phép mầu sương núi rêu non Tiếng chim bạc má mỏi mòn ăn năn Người đi để lại bóng trăng Cho ta bớt lạnh cũng bằng trả ơn Ta đi để lại tiếng đờn Không dây không phím buồn hơn tình buồn Lá đau hồn ruộng phách vườn Ta đau không thịt không xương không hồn Trăng còn soi bóng cô đơn Đờn còn không tiếng lên cơn chống Trời Lá còn theo nước nổi trôi Ve sầu xác nhện rã rời gió mưa… MD 05/22/06 LuânTâm (Trích trong TT “HƯƠNG ÁO”.MinhThư xb,MD/USA.2007,tr.73-74) |
Vấy Mực Vô Tình ![]() Mực tím đậm màu pha lấy Áo trắng ngày nào anh vấy lỡ tay Vô tình tim nhảy nhịp sai Làm em hồi hộp giữ hoài màu mơ Rót tình thắm mực chép thơ Từ đêm đến lúc tờ mờ hừng đông Em nắn nót chữ tỏ lòng Cánh thư lặng lẽ… vẫn trong hộc bàn. Vì người pha mực chẳng màng … Áo trắng lỡ vấy vết loang ….. tím sầu Kim Oanh |
YÊU THẦM Tình dấu trong tim…tình không dám tỏ Dẫu từng đêm ao ước được tao phùng Hơn nửa đời, biết yêu là sẽ khổ Nhưng người ơi, sao ngăn được tim mình ! Không gặp mặt từng giây nghe khắc khoải Thế nhưng khi gặp gỡ lại làm ngơ Thà chỉ riêng ta niềm đau ôm mãi Mộng sẽ không tròn…tình phải bơ vơ… Ðôi mắt đa tình, nhìn ta thắm thiết Một lần thôi…se sắt cả tâm can Một lần thôi…để ta vừa chợt biết Chữ tình yêu sống dậy giữa hồn hoang Ta ngụp lặn giữa biển đời sóng gió Trái tim yêu đã lạnh với thời gian Người từ đâu…như vầng trăng sáng tỏ Cho ngọn lửa lòng, bừng dậy hoang mang Ta sợ tình yêu…người ơi, có biết Sâu thẳm trong hồn mơ ước chung đôi Như tự cõi nào, nghiệp duyên tiền kiếp Gặp một lần, lưu luyến mãi không thôi ! Ta sẽ tìm quên trong niềm câm lặng Bởi yêu thầm đâu dám tỏ người ơi Xin gửi tình ta theo mây trời lãng đãng Theo vết bụi hồng…theo gió chơi vơi … nguyễn phan ngọc an – mùa hè California 2021 |
Màu Hạ Nhớ![]() Liên trường họp mặt mùa hè Cô trò có dịp đi về gặp nhau Thời gian cứ vội qua mau Nâng niu giây phút ngày sau nhớ nhiều Dưới trời nắng Hạ thương yêu Bên cô Tiểu Bích mỹ miều tươi duyên Tiệc tùng vui vẻ huyên thuyên Chớp hình lưu niệm hồn nghiêng thuở nào Bóng cây nắng Hạ chong chao Thắp lên màu nhớ xôn xao …một thời Ngày xưa áo trắng lụa ngời Mái trường Thành Nội bên đời tuổi xanh Chừ đây cũng có nắng hanh Mà tình Phượng Vỹ đã thành chiêm bao Minh Thuý |
TÌNH HÈ TIỂU-THU Một tay xách câu liêm, một tay cầm dao phay đi ra vườn dừa, Thiên định giựt ít trái dừa xiêm xuống uống nước. Bữa nay trời nóng gắt, chim chóc trong vườn chắc cũng mỏi mệt cũng chẳng buồn hót. Tiếng sáu Lương kêu ơi ới: – Thiên, Thiên, đi đâu đó? Chờ chút coi. Thiên quay lại. Sáu Lương mặc quần đùi màu cứt ngựa, áo thun trắng ngắn tay bỏ vô quần, chân mang săn đan da, đang bương bả đi tới. Sáu Lương là em bà con chú bác ruột với ba của Thiên. Ông nội Thiên thứ ba, ông già Sáu Lương tới thứ tám. Lương con út nên chú cháu cách nhau có ba tuổi. Sáu Lương hăm mốt, Thiên mười tám. Hai chú cháu cao sắp xỉ nhau, nhưng sáu Lương ốm yếu, dáng bạch diện thư sinh, trong khi Thiên vạm vỡ, tràn đầy sinh lực. Thiên học trên Sàigòn, Lương học collège Mỹ- Tho. Dịp Tết hay bãi trường, hai chú cháu thường gặp nhau, vì hai nhà chỉ cách nửa cây số. Thiên cười: -Chú đi đâu mà mặt mày đỏ ké vậy? Cháu định ra vườn móc vài trái dừa uống cho mát. Mắt sáu Lương sáng rỡ: – Ờ thì đi. Tao đang khát khô cổ đây. Đứng dưới gốc cây dừa xiêm sai oằn, Thiên vừa đưa câu liêm lên giựt, vừa nói: – Coi chừng cái đầu chú đó. Không cứng bằng trái dừa đâu nghen. Sáu Lương dặn: – Đừng hái dừa dán cháo nước chua lè, cũng đừng cứng cạy quá nước lạt nhách nghen mậy. Một chùm dừa bốn năm trái rớt xuống cái ào. Thiên lấy dao phay vạt miệng rồi đưa cho chú. Hai chú cháu ngửa cổ uống hết bốn trái dừa một cách khoan khoái. Hết nước, Thiên bổ đôi trái dừa, vạt một miếng vỏ nho nhỏ rồi dùng như cái muỗng nạo cơm dừa ăn luôn. Cơm dừa trắng nõn, mềm mại, vừa ngọt vừa béo, trôi tới đâu mát rượi tới đó. Sáu Lương bỗng đề nghị: – Bây giờ chú cháu mình đạp xe xuống chợ Tân Thuận chơi. Thiên nhìn ông chú với ánh mắt nghi ngờ: – Lại xuống đóng trụ dưới quán chú Sềnh, trước tiệm Mỹ Trà để ngắm cô Út chớ gì? Thôi chú ơi, ông già cổ khó chịu thấy mồ. Mỗi lần bị ổng chiếu tướng, cháu có cảm giác như bị kim châm. Còn cô ta thì tưởng mình là công chúa Phương Dung hay Phương Mai gì đó hổng bằng!… Sáu Lương vổ vai thằng cháu đang phun ra toàn những lời bất mãn: -Ậy, có chiến thắng một cách khó khăn mới vinh quang chớ mậy. Dễ quá đâu còn quí báu gì nữa. Theo tao, nội cặp mắt bồ câu với hai cái núm đồng tiền trên má cổ đã đáng ngàn vàng rồi mày ơi… Thiên vẫn lắc: -Thôi chú chịu khó đi một mình đi. Nói chú đừng buồn, rủi cổ thấy cháu đẹp trai quá lại “chịu đèn” cháu rồi tính sao. Hổng lẽ hai chú cháu mình đánh lộn? Nói xong Thiên cười hăng hắc. Sáu Lương cú đầu thằng cháu rắn mắt: -Cái thằng miệng còn hôi sữa mà đã bày đặt giở giọng “song tàn”! Cho thằng cháu mày hay, hôm qua lần đầu tiên cổ đã đáp lễ cái gật đầu chào của tao bằng một nụ cười, tươi còn hơn đóa hồng nhung vừa hé nở buổi sáng sớm … Thiên phá lên cười: -Rồi nụ cười mê hồn đó đã biến chú thành thi sĩ ngang xương? Sáu Lương cũng cười: -Tình yêu vạn năng mà mậy. Tao nghĩ là cá sắp cắn câu rồi đó Thiên. Chợt nhớ ra chuyện gì, sáu Lương vỗ vai cháu: – Thôi tao nhớ ra rồi. Thằng Ban nói mày đang tán con Thu Hương con ông tám Triệu bên sông phải không? Thiên cười lỏn lẻn: – Cái thằng quỷ miệng thèo lẻo! Sáu Lương cười cười: – Coi chừng nghe cháu. Con Thu Hương còn nhỏ xíu. Lạng quạng ông già nó qua bắt đền thì mày lúa đời. Thiên cãi: -Nhỏ gì. Cổ cũng mười bảy rồi chớ bộ. Mấy đứa con gái khôn giàn trời chú ơi. Chú hổng thấy con Hồng Trang (em kế Thiên), nhỏ hơn cháu hai tuổi mà tối ngày cứ lên mặt dạy đời cháu đó sao? Sáu Lương gật gù chớ có biết ất giáp gì đâu. Là con trai duy nhứt, ở trên có bốn bà chị, mấy bà này cưng chiều ông em như trứng mỏng, muốn gì được nấy…Anh chàng ngồi dựa lưng vô gốc dừa thiệt thoải mái rồi nói: -Thôi bữa nay không xuống chợ Tân Thuận. Ở nhà nghe chuyện mày với nhỏ Thu Hương. Kể đi. Thiên cười mím chi. Cặp mắt trở nên xa vắng như chìm vào cõi mộng: – Tuyệt lắm chú ơi. Lần đầu tiên cháu gặp riêng cổ ở sau hè, bên gốc cây chanh giấy đó. Cháu cầm tay cổ mà run quá trời. Cổ cũng để yên, mắt nhìn xuống đất, thỉnh thoảng mới liếc cháu một cái…Nhưng cháu chưa kịp thổ lộ tâm tình, cổ đã giựt tay lại, ngó dáo dác rồi nói thôi để Hương vô nhà. Rủi ai gặp kỳ chết! Sáu Lương ngắt lời: -Ờ, con gái hay làm bộ làm tịch lắm. Mà sao mày quen con Thu Hương? – Cổ là bạn học với con Trang nhà mình. Cháu thấy mặt cổ hôm Tết dưới chùa Đạo Nằm. Rồi tốn bộn tiền cho nhỏ Trang mới quen được Thu Hương đó chú. Trước khi về nghỉ hè, cháu phải mua một tá chỉ D.M.C đủ màu cho nó thêu khăn với áo gối. Nó rủ Thu Hương qua nhà chơi thì ông bà tám Triệu…yên lòng hơn! Sáu Lương gật gù: – Mầy cũng khôn tổ đó chớ bỏ bê gì. Rồi sao nữa? -Cách đây hai bữa, Thu Hương qua chơi. Ông bà nội với ba má cháu đều ngủ trưa. Cháu có bàn trước với nhỏ Trang, nên ba đứa nhè nhẹ ra khỏi nhà, thẳng tiến ra mộ bà Tư ngoài vàm. (BàTư là em gái của ông nội Thiên và là cô ruột sáu Lương. Bà kết duyên với ông Hội Đồng Hòa, sanh được hai người con thì mất vì bịnh sản hậu. Lúc đó bà mới gần bốn mươi tuổi. Ông Hội thương vợ cho xây một ngôi mộ thiệt lộng lẫy. Cột kèo đều chạm trổ rồng phụng, mấy bức tường được họa sĩ vẽ cảnh non bồng nước nhược màu sắc rực rỡ. Vì vậy ngôi mộ có dáng vẻ là một ngôi đền nho nhỏ. Nên dù ngồi trong mộ mà không ai có cảm giác sợ sệt. Xung quanh là một vườn sa bô chê lớn có sẵn từ trước. Tới mùa trái chín, trong họ ai cũng có thể tới hái ăn. Nếu không chim chóc hợp với lũ dơi cũng sẽ thanh toán hết. Hai người con bà Tư ở Sàigòn, còn ông Hội có dinh cơ dưới chợ Cao Lãnh ít khi về. Hơn nữa ông đã tái giá, nên tình cảm đối với bên vợ trước cũng phai lạt nhiều…) Cháu nói nhỏ Trang ra vườn hái sa bô chê. Còn cháu với Thu Hương ngồi trong nhà mồ cho…kín đáo. Lần nầy cháu quyết đánh mạnh nghen chú. Kể tới đây Thiên nín ngang. Cặp mắt mơ màng, miệng cười chúm chím một cách khoái chí. Sáu Lương thúc cùi chỏ: -Tiếp đi mậy. Tự nhiên tới chỗ gay cấn lại ngưng ngang. Thiên như chợt tỉnh cơn…mộng lành: -Mới đầu Thu Hương mắc cở đòi đi theo nhỏ Trang. Cháu phải nắm tay cổ kéo ngồi xuống gạch rồi nói thôi ngồi đây với…anh chút xíu. Ai có làm gì đâu mà sợ? Tuy nói vậy chớ cháu cũng kín đáo quàng tay qua vai cổ kéo sát lại gần, để mái tóc dài thơm ngát mùi sà bông Cô Ba dựa lên vai mình. (Hương có chị lớn tên Thu Lan lấy chồng Thiếu Tá, làm việc trên Sàigòn, thỉnh thoảng về thăm nhà, đem đủ thứ quà cáp hiếm quí cho ba má, Thu Hương và thằng em tên Đạt mới mười bốn tuổi) .Chú biết hôn, khác với cô Út Trà, người đẹp của chú đó, Thu Hương “mát da mát thịt” lắm nghen. Mới mười bảy thôi mà, xin lỗi chú, nếu cổ “mặc” bộ đồ của bà Evà lúc mới được Chúa tạo dựng, thì cháu cam đoan cổ hổng khác gì tượng thần Vệ Nữ bằng thạch cao đâu đó! Sáu Lương nghe tới đây bỗng vỗ đùi cái đét: – Trời đất, không ngờ mày tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi đó nghe Thiên! Thiên liếc ông chú trẻ một cái sắc như dao: – À há, hồi nào tới giờ chắc chú nghĩ chỉ có chú là “bảnh” thôi phải hôn? Cho chú hay, cháu ở trên Sài gòn với chú sáu Tuân (em ruột ba Thiên. ông này lớn hơn Thiên tới sáu tuổi, đi làm ngoài nhà dây thép chánh, sau khi đậu bằng Đíp lôm), chú sáu chỉ cho cháu nhiều chiêu ác lắm nghen. Sáu Lương cằn nhằn: – Cái ông này giỏi tài đầu độc con nít! Lớn như tao ổng không chỉ, lại đi dạy cho mày. Anh hai (ba Thiên) mà biết được chắc… Thiên lật đật cắt ngang: -Chết, chú đừng tiết lộ cho ba cháu biết. Ổng mét ông nội thì chú sáu dám bị cạo đầu khô tô dầu rái lắm à. Thôi hổng thèm kể chú nghe nữa đâu. Sáu Lương cười xòa trấn an thằng cháu: -Chọc mày chơi thôi. Hai chú cháu mình cũng…sêm sêm mà! Thôi kể tiếp đi. Tao hồi hộp quá rồi nè. Thiên nói chú hứa chắc nghe. Sáu Lương ừ. Thiên kể tiếp: – Sau đó cháu mới cầm bàn tay cổ đưa lên mũi hun nhẹ…Rồi xuất kỳ bất ý quay qua hun lên má cổ một cái. Chắc lần đầu bị con trai tấn công nên cổ cũng run dữ, lại mắc cỡ, hai gò má đỏ hồng coi thiệt dễ thương hết sức! Sáu Lương hỏi dồn: – Bộ nó để yên cho mày…tung hoành như vậy sao? Thiên cười: – Chắc lúc đó nội lực cổ cũngbị…tiêu tan, nên tuy có đẩy cháu ra, nhưng mà yếu xìu hà! Cháu định tấn công tiếp thì…Nói tới đây Thiên chắc lưỡi, thở ra đầy vẻ tiếc nuối… Sáu Lương thúc hối: -Thì sao, thì sao? Mày sao có cái tật ngưng ngang kỳ cục quá! Thiên cười hì hì: -Đừng nóng. Đừng nóng. Chú biết hôn, đúng lúc đó con Trang bước vô, tay xách một giỏ sa bô chê, miệng tía lia: – Mấy người làm gì trong này mà lâu quá vậy? Tui hái cả giỏ sa bô chê chín mùi đây nè. Có ai muốn ăn hôn? Thu Hương bẻn lẻn đưng bật dậy, mặt mũi đỏ nhừ. Thiệt lúc đó cháu muốn bóp cổ con Trang cho chết luôn!.. Sáu Lương phụ họa: – Ừ, thiệt đồ phá đám. Đi vô không đúng lúc chút nào. Rồi sao đó thì sao? Thiên thở dài: -Còn sao với trăng gì nữa! Ba đứa kéo về nhà. Nhỏ Trang chia cho Thu Hương một mớ sa bô chê đem về ăn lấy thảo. Hương về rồi, cháu cự con Trang một trận. Ai ngờ nó còn trợn mắt la lại cháu: – Trời đất ơi, tui không ngờ anh mới bây lớn mà đã quỉ quái quá trời. Bà nội với má dặn là nam nữ thụ thụ bất thân. Trai gái đụng nhau là có bầu. Đàng này anh chẳng những ôm mà còn hun con người ta nữa. Vậy thì chết chắc rồi! Sáu Lương bật cười: – Rồi mày trả lời sao? Mày có tin chỉ hun nhau thôi rồi con Thu Hương mang bầu hông? Thiên háy ông chú trẻ: – Trời, chú làm như cháu là con nít còn hỉ mũi chưa sạch! Cho chú hay, chú sáu Tuân đã giải thích cho cháu biết hết trơn rồi nghen. Cháu nói nhỏ Trang yên chí đi, bạn nó không có bầu khơi khơi vậy đâu. Bà nội với má nói “đụng” là nghĩa khác chớ hổng phải đụng tay hay chạm chân gì đâu mà sợ. Lúc đó nhỏ mới hơi yên tâm. Rồi cháu phải năn nỉ nó thiếu điều gãy lưỡi, hứa sẽ mua bất cứ thứ gì nó thích, nó mới chịu hứa hẹn sẽ rủ Thu Hương qua chơi cuối tuần này. Sáu Lương nhìn thằng cháu lắc đầu: – Vậy là mày qua mặt thằng chú mày cái rụp rồi đó (thở dài não nuột!). Đâu mày đem mấy cái tuyệt chiêu của anh sáu Tuân, dạy lại cho tao để tao đối phó với cô út Trà coi. Thiên dựa lưng vô gốc dừa, đưa mắt nhìn lên bầu trời xanh, vẫn vơ vài cụm mây trắng đang lười biếng trôi, ra dáng suy nghĩ lung lắm. Lát sau, sáu Lương sốt ruột lên tiếng: – Sao mậy, nghĩ được kế gì chưa? Thiên ngồi thẳng dậy búng tay cái tróc: -Có rồi. Tuy nhiên kế này hơi tốn tiền một chút. Nhưng mà tiền bạc đối với chú nhằm nhò gì phải hôn? Mình sẽ nhờ nhỏ Trang xuống tiệm Mỹ Trà may quần áo, nhưng mục đích chánh là làm chim xanh cho chú. Chớ tối ngày chú đạp xe lượn qua lượn lại trước tiệm cổ thì ăn cái giải gì! Chú về viết thơ liền đi. Mai mình bắt đầu. Bảo đảm sẽ thành công mỹ mãn. Sáu Lương, con trai ông Hương hào Thạnh. Đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu chớ bộ…ấy sao? Nói xong Thiên cười hì hì. Sáu Lương cũng cười theo: – Mày thuộc loại hậu sanh khả…ố đó nghen cháu! Thôi trăm sự nhờ tụi bây. Chú mà “được” cô Út sẽ thưởng trọng hậu. …Hồng Trang để ông chú với ông anh năn nỉ ỉ ôi một hồi mới làm ra vẻ miễn cưởng nhận lời, với điều kiện cô nàng muốn lựa, muốn may thứ gì tùy ý. Ông chú mừng quá gật đầu lia lịa.Hôm sau cô nhỏ mặc quần sa teng tuyết nhung đen mướt, cái áo bà ba soa màu hột gà có thêu những nụ hồng nho nhỏ thiệt nhã nhặn. Chân mang đôi guốc sơn đen quai nhựa trong vắt. Đầu đội chiếc nón lá Gò Găng có thêu hoa lá cành mặt trong. Đạp xe độ bốn cây số, tới bến đò qua chợ Tân Thuận. Trang dắt xe đạp dựng trước cửa tiệm Mỹ Trà, rồi lột nón lá cầm tay bước vô trong. Cô Út đang cắt áo, thấy khách vô liền ngưng tay, bước ra chào. Út Trà năm nay mười chín tuổi. Từ năm mới mười lăm, cô đã theo học nữ công, gia chánh với người dì ruột có trường nữ công Mỹ Ngọc dưới Sađéc. Tốt nghiệp rồi cô trở về mở tiệm thêu, may tại chợ Tân Thuận, lấy tên Mỹ Trà. Hồng Trang vốn có quen sơ với cô Út, vì đã từng theo mẹ tới đây may quần áo vài lần. Nhận ra Trang, cô đon đả chào. Chiếc miệng cười tươi, hai má lúm đồng tiền. Nước da trắng hồng như đóa phù dung buổi sáng, càng làm tăng vẻ đẹp của đôi mắt bồ câu đen long lanh. Cặp mày tằm đẹp tự nhiên không tỉa. Hàm răng trắng ngần, nhỏ rức. Đôi bàn tay với những ngón thon dài mới đẹp cách gì. Bữa nay nhìn kỹ cô Út, Hồng Trang không khỏi tấm tắc khen thầm: Hèn chi ông chú mình mê mệt cổ cũng phải! Sau khi chọn một xấp cẩm nhung màu hồng phấn để may áo bà ba, Trang mở lời: -Chị Trà biết hôn, em có ông chú học ở collège Mỹ Tho, mỗi lần về nghỉ hè hoặc ăn Tết, đều xuống chợ Tân Thuận này chơi đều đều. Ổng nói hay đạp xe ngang qua tiệm của chị nữa đó. Cô Út hỏi: -Chú của em có phải cái người cao cao, ốm ốm, đi chiếc xe đạp màu xanh dương.. Cô Út đang nói chợt thấy mặt nóng ran khi nhớ tới cái anh chàng cao ốm đó, hay ngồi bên tiệm nước chú chệt Sềnh, tay cầm ly nước chanh muối, hay xá xị con cọp gì đó, mà cặp mắt cứ ngó châm bẩm qua tiệm cô, khiến đôi khi cô cảm thấy nhột nhạt cách gì!…Trang nghe cô Út hỏi vậy thì reo lên: – Đúng chú sáu Lương của em rồi đó! Cô nhỏ ngó quanh quất thấy má cô Út đang ngồi luông áo dài ở nhà trong, cô bèn hạ giọng: – Không dấu gì chị Trà. Chú sáu em từ khi thấy mặt chị thì đâm ra…ăn ngủ không yên, ra ngẩn vào ngơ. Không biết cách gì làm quen, mới làm gan nhờ em chuyển cho chị cái này. Nói vừa dứt, cô nhỏ móc túi lấy cái thơ dúi lẹ vô tay Út Trà. Cô Út sợ bà mẹ thấy, nên tuy ngạc nhiên tột độ, cô cũng lật đật cho bức thơ vô hộc bàn máy may đóng lại cái rột. Mặt cô hơi ửng hồng miệng ấp úng nói thiệt chị không biết nói sao… Hồng Trang nói vội: -Chị đừng ngại, chú em ngưỡng mộ chị thiệt tình đó. Ổng tuy còn trẻ mà đàng hoàng lắm. Nếu được chị nhận làm bạn, chú em sẽ mừng lắm lắm. Thôi em về. Hai bữa nữa sẽ xuống lấy áo nghen chị. Cô Út gật đầu. Đọc thơ sáu Lương cô Út cảm thấy bối rối, nhưng không kém phần … sung sướng. Bởi lẽ ngoài dáng dấp dễ coi, so về gia thế lẫn học lực cô đều thua sút cậu sáu. Sau khi suy nghĩ thiệt chín chắn, cô liền viết ít giòng trả lời cho cậu. Cô không hứa hẹn chi cả, chỉ mong hai người sẽ là bạn thuần túy thôi. Khi Hồng Trang trở xuống lấy áo, cô Út để cái thơ trong áo, cho vô túi giấy đưa cho Trang, rồi nói nhỏ: – Chị có viết mấy lời cho anh Lương, để trong áo của em. Hồng Trang gật đầu cười tươi, chào cô Út ra về, không quên nói lớn cho bà mẹ cô Út ngồi ở phòng trong nghe thấy: -Cám ơn chị. Chắc vài bữa nữa em lại xuống lựa vải may áo dài. Tháng tới này đám cưới con bạn thân của em. Ngọc Nữ gần chùa Đạo Nằm đó, chị Út biết hôn? – Té ra cô đó là bạn em. Chị đang may áo dài cưới cho cổ đây. Uả sao bạn em lấy chồng sớm vậy? Hồng Trang giải thích: – Ngọc Nữ tuy là bạn nhưng lớn hơn em hai tuổi. Năm nay nó mười tám rồi đó. Thôi em về nghen chị. Nhận được thơ trả lời của cô Út, sáu Lương mừng hết lớn. Vội vã thảo ngay một bức thơ tràng giang đại hải để kể lể nỗi lòng. Kỳ này nhỏ Trang làm eo: – Thôi chú ơi, cháu xuống hoài sợ ba má cổ nghi. Để lâu lâu đi. Sáu Lương nhăn nhó như khỉ ăn gừng: -Trời ơi, để lâu chú sống sao nổi?! Hơn nữa mùa hè qua lẹ lắm. Chú phải trở xuống Mỹ Tho… Hồng Trang chu mỏ nói ừ …ừ để coi. Sáu Lương bèn trổ miệng lưỡi Tô Tần: – Ráng giúp đi, rồi Tết chú sẽ dẫn thằng bạn thân của chú về giới thiệu cho. Thằng Đức dân Bến Tre, con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai không thua gì… chú sáu bây đâu! Trang mắc cỡ nguýt chú: – Xí, bạn chú già thấy mồ, cháu hổng thèm đâu! Sáu Lương trợn mắt: – Trời đất, tụi tao mới có hăm mốt cái xuân xanh mà bây chê già? Tuổi đó mới là lý tưởng đó cháu. Hồng Trang vẫn ngúng ngẩy: – Chú dẫn bạn về đây cháu sẽkêu bằng…chú cho coi! Sáu Lương cười xòa: Con nhỏ này rắc rối thấy mồ. Thôi để ở giá luôn cho biết thân! Hồng Trang đấm thình thịch lên lưng chú, miêng cười như nắc nẻ. Hai tuần sau cô nhỏ rủ được cô Út Trà lên nhà chơi. Rồi bổn cũ soạn lại. Ba người lại xách giỏ đi hái sa bô chê!!! Nhưng lần này, hái một lúc, Hồng Trang lấy cớ nhức đầu nên xin vô trong mộ bà Tư ngồi nghỉ và đọc cuốn truyện do ông chú thân mến cho mượn. Nhưng vội vàng làm sao, ông chú lại đưa cho cô cháu cuốn truyện của…Bồ-Tùng-Linh! Đọc xong mấy chuyện, ngó quanh quẩn, hình như chỗ nào cũng có bóng dáng của vài con …hồ ly tinh! Hồng Trang đâm sợ, gấp sách lại đi ra vườn kiếm hai người kia. Đang đi xăng xái, Trang chợt ngưng lại, nép mình sau gốc cây sa bô chê già cành lá sum xuê. Tiến thối lưỡng nan, nên dù không cố ý Trang vẫn bắt buộc phải chứng kiến cảnh…rủ rỉ rù rì của hai người. Cô Út Trà đứng dựa lưng vô gốc cây, mắt ngước lên, cặp môi hồng he hé như đang say sưa theo dõi những lời lẽ mà Trang đoán chắc chắn là tẩm đầy…đường và mật (!) của chú sáu Lương. Chú cao hơn cô Út gần một cái đầu, một tay chú chống lên thân cây, tay kia đặt nhẹ lên bờ vai cô Út, đầu hơi cúi xuống vừa nói nho nhỏ, vừa cười tủm tỉm. Chợt Trang giựt nẩy mình, trống ngực đập thình thịch, đưa tay dụi mắt vì sợ nhìn lầm. Rõ ràng chú sáu Lương đang cúi xuống đặt môi mình lên cặp môi đang hé mở của cô Út Trà! Cô nhỏ tự hỏi không lẽ chú sáu muốn “cắn” môi cô Út? mà sao không thấy cô la hay kêu đau đớn gì cả, trái lại cặp mắt đang mở to bỗng từ từ khép lại mới kỳ!!! Nhân lúc hai người còn đang bận rộn với cái “chiện” quái lạ kia, Trang vội vàng thối lui vô mả bà Tư. Chuẩn bị sẵn sàng, nhỏ vừa bước ra vừa kêu lớn: -Chị Trà, chú sáu ơi, có hái được nhiều sa bô chê hôn? Trang tiến tới chỗ hai người đang đứng. Chú sáu nhìn Trang, nháy mắt rồi cười tươi ơi là tươi! Trong khi đó cô Út không dấu được vẻ ngượng ngùng, cặp má còn đỏ ửng, tay vân vê chéo áo. Trang giả đò nhìn xuống cái giỏ để dưới đất rồi kêu lên: – Ủa, sao có mấy trái quèn vầy nè? Út Trà càng mắc cỡ, sáu Lương vội đỡ liền: -Tại tuần rồi tụi thằng Thiên với con Thu Hương hái hết rồi. Lứa này chín chưa kịp. Thôi để vài hôm nữa mình trở lại mặc sức mà hái. Trà đồng ý hôn? Cô Út đáp lí nhí: -Dạ, anh sáu tính sao cũng được… Trang muốn bật cười lớn mà không dám, sợ ông chú…quở! Ba người trở về nhà Trang, rồi chú sáu Lương lấy xe đạp chở cô Út tới bến đò Tân Thuận cho cổ về nhà. Trang thắc mắc mãi về cái hành động lạ lùng của chú sáu đối với cô Út hôm nọ. Sau cùng chịu không nổi bèn đem ra hỏi Thiên. Khi nghe Trang nói thấy chú sáu “cắn” cô Út, Thiên cười lăn lộn: – Nhỏ khờ ơi, cái đó không phải cắn mà là hun kiểu Âu Mỹ. Trang tỏ dấu nghi ngờ: – Sao anh biết? Thiên trả lời chắc nịch: -Sao hổng biết, chú sáu Tuân dẫn tao đi coi hát bóng, tao thấy tụi Tây Đầm hun nhau kiểu đó hà rầm… Trang nhăn mặt nói ghê thấy mồ! …Thấy tình hình ngày một sáng sủa, sáu Lương bèn òn ỉ với hai bà chị kế để hai bả xuống may áo đưới tiệm Mỹ Trà. Có”xi nhan” trước nên cô Út tỏ ra lịch thiệp, ngọt ngào đặc biệt với hai người khách mới này. Qua vài lần tiếp xúc, cô tư Hà và cô năm Phụng không tiếc lời khen ngợi, cả nhan sắc lẫn tính tình và tài thêu may của cô Út. Sau khi biết được thân thế của chú sáu Lương, cái ông- già- khó- thương của cô Út cũng rất hoan hỉ đón tiếp “cậu” sáu tới chơi trong suốt thời kỳ nghỉ hè…Chú có nói với Trang Tết này sẽ xin ông bà Tám, ba má chú, xuống hỏi cô Út cho chú. Sợ để lâu, phần chú ở xa, lỡ có người “dớt” cô Út mất. Hè năm tới chú thi xong Tú tài sẽ làm đám cưới. Mộng của chú rất bình thường: lấy vợ, sanh con, xin một chưn đi dạy dưới Cao lãnh để sớm hôm gần gũi, săn sóc ông bà già. Mấy bà chị trước sau gì rồi cũng khăn gói theo chồng… Trang chọc : -Chắc gì cô Út chịu về làm vợ chú? Sáu Lương trợn mắt: -Nhỏ này coi thường chú nó quá. Cho bây hay, cá đã cắn câu không cách chi gỡ ra nổi nữa! Nói tới cá Trang nhớ lại hôm năm người (có cả Thiên vàThu Hương) hẹn nhau đi câu. Con kinh nối làng Tân An với Mỹ Nghĩa có rất nhiều cá. Đám cá rô rất tham ăn. Trong khi Thiên, Thu Hương và Trang say sưa giựt cá, cười giỡn ỏm tỏi, thì cặp Lương- Trà biến đâu mất tăm. Ngó dáo dác chợt thấy cây rơm cao nghiệu đằng mương cá, Trang cười thầm, chắc mẽm hai người đang “tâm sự lòng thòng” đằng đó. Với tánh tình lí lắc, ngây thơ của một thiếu nữ mới lớn, Hồng Trang định tới “hù” cho hai người giựt mình chơi. Ai ngờ lúc tới gần chợt nghe có tiếng phản đối (rất yếu ớt!) của cô Út từ phía bên kia cây rơm đưa lại “Anh…đừng anh”… Tiếp theo là tiếng chú sáu Lương “Không sao đâu mà”…thì cô nhỏ hồn vía lên mây, vội thối lui về vị trí cũ! Lát sau, hai người từ phía sau cây rơm tà tà đi ra. Trên mái tóc dài của cô Út còn vương vấn vài cọng rơm nho nhỏ! Đúng là cá đã cắn câu hết phương cứu gỡ! Cuộc tình của chú sáu Lương trơn tru như vậy, thì thằng cháu lại không may mắn chút nào. Cả ba đứa đều không biết rằng cách đây hàng chục năm, hai gia đình có chuyện tranh chấp về ruộng đất tuốt trong Đồng Tháp Mười, nên trở nên thù nghịch. Một hôm ông chú ruột của Thu Hương gặp ba đứa đang ngồi ăn hủ tiếu trong nhà lồng chợ Cao Lãnh, bèn lật đật về tâu liền cho ông anh hay. Thu Hương bị một trận đòn nhừ tử và để chắc ăn hơn, ông tám Triệu sai vợ sửa soạn quầo áo, đưa Thu Hương lên Sàigòn ở nhà chị Thu Lan, để đi học nữ công gia chánh. Vậy là cuộc tình đứt đoạn trong nước mắt (may mà không có máu!). Thiên buồn bã, bần thần như người mất hồn. Hồng Trang lại được dịp chứng tỏ cái câu “con gái khôn dàn trời”. Cô nhỏ lý luận : – Nếu hai người có duyên nợ thì lo gì sẽ không gặp lại. Nghỉ hè rồi anh trở lên Sàigòn học tiếp mà. Nhưng theo em nghĩ, nếu hai nhà đã nghịch nhau, thì sau này dù anh với con Thu Hương có thành vợ chồng cũng khó mà tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Nhứt là ông tám Triệu lại có đầu óc hẹp hòi, cố chấp. Em nghe nói gái Sàigòn đẹp lắm mà. Nhứt hạng là mấy cô trường Áo Tím. Thiên nghe em nói cũng có lý, nhưng vẫn buồn và cu cậu trút mối hận tình của mình lên đầu lũ chim và lũ cá. Mỗi ngày Thiên xách cần câu theo chú Tư Đẩu đi câu cá lóc, cá bông hoặc buồn buồn xách giàn thun ra sau vườn bắn chim… Sáu Lương thấy thằng “quân sư quạt mo” của mình buồn bèn an ủi: – Thôi thua keo này ta bày keo khác Thiên à. Nếu trong tương lai mày không kiếm được người vừa ý, chú sẽ nhờ cô Út giới thiệu cho mày đứa cháu gái của cổ bên Long Xuyên. Nghe nói cũng đẹp thần sầu và khéo không thua gì cô Út nghen mậy. Thiên thở ra: – Kế bên đây còn chưa thành, nói gì tuốt bên Long Xuyên! Sáu Lương chắc lưỡi: – Ậy, hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng là vậy đó. Trên đời này con gái thiếu gì, sợ mày không đủ sức để “hưởng” đó chớ! Nghe giọng nói đầy tính chất lạc quan của ông chú, Thiên cũng thấy lên tinh thần, dù nụ cười trên môi chàng hãy còn …méo xẹo! Thiên nhìn nét mặt chú Sáu Lương, tuy cố làm ra vẻ buồn buồn cho hợp với tình cảnh cuả thằng cháu, nhưng vẫn không dấu được niềm hạnh phúc, nghĩ thầm :Đời thiệt lạ. Cùng một mùa hè mà hai mối tình kết thúc trái ngược nhau. Nhưng mà chú sáu có lý, thua keo này ta bày keo khác! Tiểu Thu |
Những Ngày Xa Xưa Ấy Đỗ Dung Cầm quyển lưu bút trong tay, giở hộp hình cũ, nhìn lại những khuôn mặt thân thương, những dòng chữ quen thuộc…Lòng tôi thấy bâng khuâng với bao kỷ niệm của thời xa xưa. Nhớ ơi là nhớ! Những cánh hoa sao xoay tít trên không, bầu trời xanh thẳm cao vút của con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm như đang hiện ra trước mắt tôi, những khuôn mặt ngây thơ của một bầy chim non chập chững, ngơ ngác bước vào cổng trường Trưng Vương năm đệ thất, những cô bé còn e lệ, thẹn thùng với thày cô mới, bạn mới, còn lúng túng, ngượng ngập, vướng vít với vạt áo dài… Năm ấy chúng tôi được sự dạy dỗ rất kỹ của bà Kỷ, bà Tuyết, Cô Trinh, cô Hồng Diệp…Giờ ra chơi chúng tôi vẫn còn nhảy dây, nhảy lò cò, chơi đánh chuyền, chơi trồng nụ trồng hoa và hay nhặt những cánh hoa sao ném tung lên để nhìn chúng xoay tít, xoay tít, những tia nắng xuyên qua kẽ lá trên cao thành những vệt nắng dài… Năm đệ ngũ chúng tôi lập ra Họ Nhà Tí gồm bảy Tí Cô Nương. Đứng đầu là Tí Bố Vũ Thị Thanh cao lêu nghêu, dí dỏm. Tí Lớn Đỗ Dung, hỗn danh Dung Lu vì có da, có thịt nhất bọn. Tí Nhỡ Chi Nga, “ngon như cục mỡ, sạch như quyển vở”, mặt lúc nào cũng khinh mạn. Tí Con Mộng Diệp dịu dàng. Tí Ti Hồng Trinh ướt át hay khóc. Tí Tẹo Cẩm Tú nghịch ngợm. Tí Cu Kim Anh, khểnh răng cửa hay pha trò. Họ Nhà Tí làm thơ, ăn quà, nghịch ngợm, phá phách nhưng cũng chăm chỉ học hành. Tuổi mười ba, tuổi của mộng mơ, chúng tôi bắt đầu yêu cô giáo, mỗi đứa trồng cây si một cô và ca tụng, bênh vực triệt để thần tượng của mình. Đứa nào đụng chạm đến “người yêu” là sẽ biết nhau ngay! Nàng của tôi là cô Xuân Sanh, môn chính cô dạy là Pháp Văn nhưng vì trường thiếu giáo sư nên cô dạy chúng tôi môn Địa Lý. Ngày đầu tiên cô bước vào lớp tôi đã choáng váng, ngất ngây, có một cái gì đó như nhập vào hồn. Tôi yêu giọng Huế nũng nịu, dáng vẻ dịu dàng, thanh thoát như một búp Ngọc Lan. Mỗi lần cô nói “Có phải không nạ!” là cô lại nhìn tôi. Có một hôm chả hiểu sao cả buổi cô chẳng nhìn tôi. Tôi tủi thân quá, cúi xuống gầm bàn làm thơ: Xuân Sanh, Xuân Sanh Người tôi đang yêu quý Người tôi đang ước mơ Cô giáo nhỏ ngây thơ Như con chim thờ ơ Không nhìn tôi không nói Tôi cảm thấy bơ vơ! Vì yêu cô tôi làm thơ, vì yêu cô tôi chăm đi tập vũ cầu, chăm đi tập thể dục thẩm mỹ với cô Vĩnh ở sân Phan Đình Phùng và mỗi chủ nhật lại chịu khó đi họp Hướng Đạo vì nhà cô ở Phan Đình Phùng, ngay trước cửa sân vận động. Nhà cô toàn đàn bà, bà mạ, bà dì, ngũ long công chúa, Xuân Sanh, Hồng Vân, Thanh Vân, Túy Vân và Bạch Vân. Tôi yêu cô nên yêu cả gia đình cô, tôi cũng gọi các em cô bằng tên ở nhà, chị B, chị C, Chuột, Nhỏ. Đến nhà cô tôi tìm được những phút giây êm đềm. Có những hôm tôi ngồi hàng giờ nhìn cô ngồi trên đi văng may áo dài. Thế rồi ngày cô lên xe hoa tôi đã khóc, đã để đầu trần đi trong mưa. Cảm giác mất mát thật đớn đau. Tôi gậm nhấm thú đau thương (!) Những ngày thơ ấu thật lãng mạn và cái lãng mạn thật là hồn nhiên. Hồng Trinh mảnh mai, tóc dài mướt như lụa, cặp mắt to đen láy, thật thông minh nhưng hay ướt. Tí Ti… Sao đời lắm sầu bi Cười lên cho vui chứ Lau nước mắt lẹ đi… Chi Nga làm thơ hay hơn, người lớn hơn, tôi còn nhớ vài câu: ……. Gục mặt xuống bàn mắt ướt luôn Nhưng sao tôi hỏi em không nói Có phải vì tôi lệ ngọc tuôn…… Chúng tôi làm nhiều thơ lắm, tôi có một quyển sổ con ghi lại những vần thơ sầu, thơ tếu, thơ con cóc của tuổi mười ba nhưng quyển sổ nhỏ quá, lại dọn nhà bao phen nên thất lạc, thật tiếc! Năm đệ tứ tôi được miễn tập thể thao vì lý do sức khỏe (bà bác sĩ nói là tim to (!)) Oái oăm thay tôi lại là lực sĩ chủ lực của trường! Đội vũ cầu chúng tôi tập rất đều đặn, ngày nghỉ lại đem vợt đến sân Phan Đình Phùng hoặc đến nhà Hồng Trinh ở Lý Trần Quán tập tiếp. Ngày đi thi đấu giải liên trường, khi đấu đôi Trinh cặp với Tú còn tôi đứng với Hảo. Hai đứa đánh rất ăn ý, Hảo là vua bỏ nhỏ còn tôi có cú đập rất tới, ngay sau khi giao cầu, Hảo thủ nửa sân trên, tôi bao nửa sân dưới. Khi đấu đơn, qua vòng bán kết, vào chung kết tôi bị hạ bởi Lam Thảo của Nguyễn Bá Tòng, cô nàng vừa đẹp vừa dễ thương. Tôi chạy thi tiếp sức với Lệ Tâm và Thu Hà. Bố tôi cứ cười mãi và nói:” Người thì lùn, chạy lạch bạch mà cũng là lực sĩ điền kinh!”. Còn nữa, cô Hiền còn cử tôi đi thi ném tạ, cả năm chẳng tập, chỉ dượt có vài tuần mà tôi ném rất khá, nhưng ở nhà thì nhất mẹ nhì con, ra sân đấu tôi đụng ngay Phạm Thị Thục Nữ của trường Thiên Phước, nàng ta to, cao và khỏe như con beo, nàng phá kỷ lục năm đó và chắc chắn về sau không ai phá nổi kỷ lục của nàng. Đến ngày kỷ niệm Hai Bà, trường cử Bích Loan, Lưu Mỹ và tôi… đi thi văn chương phụ nữ . Để sửa soạn, chiều nào Bích Loan cũng đến đón tôi đi đến các tòa báo và thư viện để nghiên cứu tài liệu. Năm đó dinh Độc Lập bị oanh tạc nên chúng tôi không được vào dinh Tổng thống để lãnh quà. Phần thưởng và giấy chứng nhận được gửi thẳng về trường. Hè năm đệ nhị, Hoa Tâm đến nhà xin phép cho tôi đi dự trại hè học sinh sinh viên toàn quốc ở Đà Lạt. Dân Trưng vương có Phương Trà, Minh Châu, Ngô Thị Ngân, Lan Trân, Lệ Hà, Hoa Tâm và tôi. Chúng tôi có một tuần lễ thật vui. Ban ngày sinh hoạt ngoài trời, làm công tác xã hội, xây một cây cầu và đắp một con đường cho dân địa phương. Buổi tối sinh hoạt văn nghệ hoặc hội thảo với các thày Minh Châu, Thiện Minh, Thiên Hoa. Qua năm đệ nhất, chúng tôi đã bắt đầu có những nỗi buồn vu vơ, cảm giác sắp phải xa trường, xa bạn. Tâm trạng chúng tôi lúc đó đầy mâu thuẫn. Khi thì ngồi lặng bên nhau, buồn muốn khóc. Lúc lại xúm nhau đùa giỡn, nghịch ngợm, trêu chọc bạn bè, phá phách thầy cô. Chúng tôi như muốn níu kéo, giữ lại một cái gì. Chúng tôi lập Đảng, lúc thì gọi là Đảng Loạn Ngôn, lúc thì cho là Đảng Vô Ý Thức còn cô Ninh gọi chúng tôi là Đảng Nhộn. Đảng chúng tôi gồm Đảng Trưởng Mai Oanh, nhỏ nhắn, xinh xắn, hàm răng khểnh rất có duyên, phát ngôn thoải mái. Đảng Phó Cẩm Tú bò khô, ngang tàng. Đảng viên có đại bác học Dương Thị Mai, tức Giang Mai, chuyên môn phát minh những khí cụ tối tân để bảo vệ hòa bình, phi công Trần Thị Ngọc to con, nhiệm vụ vác bom đi oanh tạc, thày dùi Vũ Thị Lệ trông hiền như Ma Sơ, chuyên viên nghịch ngầm, anh hùng dân tộc Dung Lu bạo gan, bạo phổi, chả sợ thằng tây đen nào, được Tú gọi là Má, Lệ gọi là Tía còn em Tú Khanh nhất định gọi là Chồng. Ngoài sáu đứa trong đảng, chúng tôi cũng chơi thân với những bạn khác trong lớp như Hảo, Chinh, Liễu, Ngọc Anh, Tú Khanh,Hoa Tâm, Năm, Kim Liên, Vượng, Vân, Thể… Bọn chúng nó không nghịch và không có gan nên không vào đảng, chỉ cười hùa. Nghĩ lại thấy thời tuổi trẻ thật vui, đôi khi tàn ác, cứ giờ toán thày Giảng là bắc cái ghế đẩu nhỏ để lên bục rồi cười rúc rich. Giờ thày Tẩm nhiều chuyện vui nhất, vì thế mà chúng tôi dễ thuộc bài hơn vì mỗi bài học lại có chuyện bên lề để nhớ. Chẳng hạn như hôm thày vẽ về bộ máy tuần hoàn, quả tim thật đẹp với những đông mạch, tĩnh mạch chằng chịt. Có đứa kêu lên: – Phấn của Thày vẽ con gà chắc là đẹp lắm! – ??? – Thưa thày, con gà chân vàng, thày… Chả là hôm ấy thày đi giày “jaune”, diện với áo xanh ve, quần màu nâu. Giờ Triết, hôm thày Lộc giảng về ý thức và vô ý thức, có đứa nghịch gắn vào thắt lưng thày một cái đuôi chồn, thày không biết cứ đi qua, đi lại với cái đuôi ve vẩy ở đàng sau. Cả bọn cố ôm bụng, bậm môi lại mà nuốt tiếng cười. Chợt một giọng nói cất lên: – Thầy đúng là “vĩ nhân”! Thế là một tràng cười vỡ tung, không đứa nào nhịn được, cười nghiêng, cười ngả… Thầy thật hiền, khi biết lý do chỉ cười xòa: – Các chị nghịch quá! Nhờ bài giảng của thầy nên ngay ngày hôm sau, khi thầy Tẩm tặng cho lớp câu “Vô ý thức” Dung ta bèn đứng lên vặn vẹo thầy. Đúng là ngựa non sáo đá! Đảng chúng tôi nghịch vậy đó nhưng không bị thầy cô ghét vì chúng tôi vừa nghịch, vừa chơi, vừa học giỏi (sic!) lại vừa hoạt động. Hôm bầu ban đại diên toàn trường chúng tôi chiếm ngay ba ghế, Dương Mai ban học tập, Cẩm Tú ban thể thao còn tôi ban báo chí. Gần ngày thi lục cá nguyệt chúng tôi phải bảo nhau ngưng chương trình nghịch ngợm để lo học. Cứ nước đến chân mới nhảy nên lần nào cũng phải chạy nước rút, học bở hơi tai, học xanh cả mặt, học héo cả người. Thấy học mệt quá lại bảo nhau từ nay phải học cho đàng hoàng. Thi xong thì chứng nào tật nấy. Đến lúc gần thi đệ nhị lục cá nguyệt lại vắt giò lên cổ, mỗi đứa phải chui vào một xó để nhai vạn vật, tụng Lý Hóa, nuốt Luận Lý, Đạo Đức, Tâm Lý…Chúng tôi hối hận quá, hứa với nhau sẽ chăm chỉ học hành và cái điệp khúc ấy, cứ hối hận rồi hứa hẹn, hứa hẹn để rồi lại hối hận theo chúng tôi cả thời kỳ học đại học. Hè năm ấy, sau hơn một tháng cấm cung, nín thở để học thi, kết quả chúng tôi cùng thi đỗ và cùng lên đại học nhưng phân tán mỗi đứa một phân khoa, Lệ, Ngọc vào Sư Phạm, Mai đi Luật, Oanh Văn Khoa, Tú học Nông Lâm Súc còn tôi cắp sách vào trường Dược. Rồi lần lượt từng đứa, từng đứa lên xe hoa để bước vào cuộc sống mới, bận bịu với công việc làm, với chồng, với con… Mỗi đứa một định mệnh, mỗi đứa một cuộc đời. Các thầy cô kính yêu, hôm nay, những đứa học trò nhỏ bé, nghịch ngợm ngày xưa đã gần bẩy mươi. Đã có dâu, có rể, có cháu nội ngoại… Các thầy cô có người đã ra đi vĩnh viễn (thầy Giảng, thầy Lộc), các thầy cô còn ở nơi nào trên quả địa cầu này, nếu vô tình đọc được những dòng chữ này thì xin thầy cô hãy nhận nơi đây tấm lòng biết ơn và ngàn lời tạ lỗi! Đỗ Dung |