Hên Xui Ngày Tết -Diễm Châu (Cát Đơn Sa)

Hên Xui Ngày Tết
Diễm Châu (Cát Đơn Sa)
 Năm nay không biết là năm con gì? hình như là Nhâm Thìn, con Rồng thì cũng như mấy con vật khác thôi, nhưng bà Bốn đã nghiêm trọng nói:
–       Sáu mươi năm mới có một Nhâm Thìn.
–       Thì đã sao?
–       Tui thấy năm nào cũng như năm nào, hết hên tới xui, đủ cả… cuộc đời xoay vần, thế thôi.
–       Nên nhớ có kiêng có lành.
Cô Tình nhỏ tuổi nhất đám, mới lấy chồng thắc mắc:
–       Nghe nói ngày Tết không được cãi nhau phải không mấy dì?
–       Ai cãi ai? Nhà mày ai làm chủ?
–       Dĩ nhiên là con rồi!
–       Cha, nói nghe ngon dữ ha, bữa trước chính mắt tao với bà Thúy thấy mày bị chồng nó dộng cho một bạt tai ngay chỗ “parking lot” chợ Von, đúng không?
Tình tiu ngĩu:
–       Sao mấy dì biết?
–       Đã nói là tụi tao thấy, nhưng có điều vợ chồng thì phải biết nhường nhịn nhau! mày thì mê đánh bài, cứ tò tò theo mấy con trong khu West đi sòng bài, có ngày bán cả nhà cửa mà ăn, con ạ, nó đánh cho là phải!
Bà Thuý xen vô:
–       Dì thấy mầy sướng quá, chồng đi làm, chỉ có ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa lại không lo, cứ đeo theo mấy con “ngựa” đó, có ngày hư thân mất nết, tiền mất tật mang, chồng mày đánh là phải! Dì mà còn xốn mắt nữa là!
–       Con chỉ thua có ba trăm mà ảnh đánh con!
–       Tiền  bây giờ đâu có dễ kiếm ra, thua bao nhiêu cũng là thua! Mầy thua ba trăm nầy đâu phải lần đầu! cứ mò tới sòng bài riết sinh nghiền, tan nhà nát cửa. Mà chồng đánh vậy mầy có sợ không? Có muốn tới sòng bài nữa không?
–       Cũng hơi sợ, nhưng con thích kéo máy quá dì ơi… nhiều khi cũng trúng chứ đâu phải thua hoài!
Bà Thúy buông một câu:
–       Con nầy hỏng! Kiếm bạn tốt mà chơi, đừng đi sòng bài nữa!
–       Người ta nói đúng, cái xấu thì không cần học, chẳng ai dạy nó cũng rành! Con Tình mới qua có bốn tháng, chưa biết nhiều chuyện ở Mỹ, duy chỉ có chuyện vô sòng bài nó rành đường đi nước buớc dữ!
Bà Bốn đứng lên:
–       Thôi về. Nầy Tình, dì Thúy nói đúng đó, mấy dì không ghét mầy, nhưng biết mầy đang đi trên con đường xấu, thì khuyên mầy lui bước còn lo cho tương lai, chồng con mầy nữa! đi riết có ngày bán thân con ơi! Phải tìm hiểu rõ bạn mầy là ai trước khi chơi!
Tình nhìn xuống cái bụng hơi nhô ra dưới làn vải áo. Con còn sáu tháng nữa chào đời, nếu cô hưá với mấy Dì nầy rồi không kềm chế được bản thân, lại mò vào sòng bài thì e sẽ mang tiếng xạo!
Tình cúi đầu như hối lỗi. Họ tan hàng ra về, để còn sửa soạn làm dưa hành mắm muối đón Tết sắp đến, và buổi họp mặt của nhóm bạn được chỉ định tối ngày thứ sáu đầu năm, mỗi người sẽ mang một món ăn đóng góp.
Ra xe, bà Bốn lục bóp mãi vẫn không thấy xâu chìa khóa đâu. Bà lại chạy vào trong quán tìm ở chỗ mình ngồi. Kia rồi, xâu chìa khoá mà bà lấy ra để dùng cái cắt móng tay đang nằm trên nệm ghế. Bà mừng húm, lẩm bẩm:
–       Mình hậu đậu quá, cầm gì quên nấy! Già lẩm cẩm!
Bởi bà biết bà đã già, nên lúc sau nầy bà rất cẩn thận, làm cái gì cũng từ tốn, không lanh lẹ hay gắng sức như trước, sợ hư đồ mà thiệt thân, vì tay chân đầu cổ của bà đụng đâu đau nấy, có khi trẹo tay cả tuần mới hết!
Bà Bốn vừa vào nhà, gặp ông chồng không bao giờ cười của bà ngay cửa:
–       Đi đâu giờ nầy mới về, có cơm chưa, đói quá rồi!
–       Đi chợ tôi đã mua sẵn con vịt quay và đồ chua, nồi cơm điện thì bắc lúc nãy rồi, hai đứa nhỏ về chưa?
–       Tụi nó trong phòng.
Bà Bốn lấy chồng muộn, nên giờ hai ông bà đã năm mươi lăm, mà con mới có mười bốn và mười sáu tuổi, đang học trung học.
–       Ông kêu chúng nó ra phụ mẹ dọn bàn.
Ông Bốn không nói không rằng, đi tới từng phòng gõ cửa và tằng hắng rõ to, vậy mà thằng Cu và con Bé ra ngay, chẳng dám chần chờ như mọi khi mẹ gọi giống đưa đò, mà chẳng thấy mặt mũi tăm hơi chúng đâu!
–       Bé vào bếp phụ mẹ, Cu dọn phòng khách cho sạch.
Con vịt quay màu vàng đậm màu mỡ trông thật ngon. Bà Bôn đang tính cột cái yếm ngang người để chặt thịt, thì con Bé cản:
–       Mẹ để con chặt cho, lần trước mẹ chặt không đứt, con dao lại văng xuống đất, xém tí nữa cắt đứt mấy ngón chân!
Nghe con nói, bà Bôn lẳng lặng đưa cho con cái yếm. Tay chân con gái tuổi nầy thì sức lực có thừa. “Con gái 17 bẻ gãy sừng trâu”. Con Bé tuy chưa tới 17, nhưng nó mạnh hơn mẹ là cái chắc! Bà Bôn tới bên quầy bếp, cẩn thận bưng vĩ trứng vịt lộn cất ở góc bếp, nhưng con Bé đã xua tay:
–       Mẹ dang ra cho con chặt, bỏ mấy thứ đó chỗ khác để con còn bày mấy cái đĩa, ở đây chật chội mẹ còn để đồ làm gì cho vướng!
Vĩ trứng nầy, bà tính luộc cho cả nhà ăn trước khi ăn cơm, nhưng ông hối quá, nên bà sẽ để dành cho ngày mai. Bà nhìn quanh, có chỗ nào để không bị bể trứng. À, thôi bỏ vào góc phòng “family room” vậy. Trong nầy ít ai lai vãng!
Bà để vĩ trứng xuống đất, lấy thùng báo chắn bên ngoài, rồi sẵn trên tay đang cầm cái khăn lông, bà quẳng lên trên, mà không biết là mình mới thảy cái khăn chỗ nào! Đúng là già ngớ ngẩn!
Dọn chén đũa và nồi cơm lên bàn xong, con Bé bưng ra hai đĩa thịt vịt thơm phức, cả đĩa đồ chua ướp kiểu kim chi đại hàn cay cay, nhưng cũng ngon. Ông Bốn ăn xong hai chén cơm, mới cất tiếng:
–       Nầy, Tết năm nay trong nhà phải vui vẻ, bố mẹ nói gì là hai đưá nghe lời ngay, không có cãi cọ nghe chưa, nhất là ngày mồng một.
–       Dạ.
–       Ông nói thế thì chính ông cũng phải cười lên mới vui.
Nghe mẹ nói, hai đứa nhỏ hưởng ứng:
–       Phải, bố cười cho hên đi bố. Mấy đứa bạn con nó nói bố mầy có cái mặt giống mấy ông công an hình sự!
–       Thấy chưa, đến tụi con nít mà cũng biết! Sao ông không cười vậy?
–       Cha mẹ sinh ra tôi như thế nào thì nó thế ấy.
–       Đừng có đổ thừa! Muốn cho hên, vui thì phải tươi cười mặt mày, lúc nào cũng khó đăm đăm như con khỉ già thì chán lắm!
Thấy cha mẹ cà khịa nhau, hai đứa con nháy mắt , rồi bưng chén bát của chúng nó bỏ vào bồn, xong lẩn mất! Bà Bốn không thích cái mặt của ông, chẳng bao giờ thấy tươi tắn cả. Nhưng lâu ngày thành quen, bà nghĩ chắc tại ông xấu trai, nên mặt mày mới như vậy!
Bà biết cả hai ông bà đều muốn ngày Tết trong nhà phải ngăn nắp sạch sẽ, thức ăn phủ phê dư thừa, không phải là phí phạm, mà để cho cả năm dư dả tài lộc, mọi việc hanh thông.
Vì vậy bà Bốn đi chợ Việt Nam mua bánh chưng, mức dừa mức bí, mức sen trần, hột đưa và không quên chậu hoa lan màu hồng nở rực, mua trong Costco thì rẻ hơn mua ở ngoài chợ hoa.
Bà còn cẩn thận đưa hai con đi “shopping”, lựa quần áo mới để diện ngày mồng một chúc Tết mẹ cha. Nhà bà không nghĩ Tết, nhưng mọi thứ sẽ bắt đầu lúc bốn giờ chiều mồng một, vì tết năm nay nhằm ngày thường.
Mới đó mà đã đến buổi tối giao thừa, hai đứa con đi ngủ sớm để mai còn đi học như mọi ngày. Ông bà ngồi bên tách trà bốc khói nhìn ra ngoài đón Xuân. Tiểu bang nầy mùa đông không có tuyết, chỉ lạnh chút thôi, đôi khi có mưa.
–       Lấy một chút mứt hạt sen mình nhâm nhi đi bà.
–       OK, sen nầy tôi chọn thứ hảo hạng ông thấy không, nó mềm, màu vàng nhạt và chỉ có chút đường đóng quanh hạt sen, ăn thơm và ngon!
–       Chắc giá cũng mắc hơn mấy hiệu sen khác nhiều, phải không?
–       Đúng vậy. Một hộp gần hai mươi đồng, mắc nhưng ngon.
–       Tiền nào của nấy.
Bưng tách trà sen lên miệng, hương sen tỏa ra ngào ngạt. Nhâm nhi một hạt mứt sen, chút ngọt, chút thanh, đúng là hạnh phúc tha hương!
Trên bàn, bà Bốn cũng có bày sẵn chả lụa, nem chua và tré Huế để hai ông bà thưởng thức trong lúc chờ đợi năm mới đến.
–       Ờ ông ơi.
Bà thoáng nghĩ một cái gì đó, rồi lại quên ngay!
–       Cái gì?
Bà Bốn nhíu mày:
–       Tôi tính nói cái gì mà quên mất, thôi chút nhớ ra tôi nói!
–       Bà sao chưa già đã lẫn!
–       Ai bảo ông tôi chưa gìa? Năm mươi lăm rồi còn gì!
–       Bên Mỹ năm mươi lăm là tuổi hoa niên!
–       Ờ, vậy ông làm tuổi hoa niên đi, còn tôi thì là hoa héo!
–       Vớ vẩn, thôi mặc áo lạnh vào, rồi đi ra ngoài hái lộc, chút qua mười hai giờ mình trở về đạp đất cho nhà mình.
–       Ai đạp?
–       Bà đạp.
–       Sao lại tôi?
–       Năm nầy tốt với bà.
–       Ơ hay, tôi với ông cùng tuổi, thì tốt cả hai chứ!
–       Nhưng tôi không thích đạp đất.
–       Ông phải đạp!
–       Bà nói mặt tôi nhăn nhó, thôi bà đạp đi, cho nhà cửa vui vẻ.
–       Ông mà cũng biết vậy à!
Nghe chồng tán, bà Bốn quên cả ngại ngùng để sau khi một vòng cùng ông, tìm những cây hoa ngoài đường hái mỗi người một cành, cầm về nhà và xông pha bước vào nhà mình khi kim đồng hồ chỉ 12 giờ 15 sáng. Tối hôm đó, hai ông bà ngủ một giấc ngon lành.
Sáng hôm sau ông Bốn dậy sớm, hôm nay là sáng mồng một tết. Tuy đi làm, nhưng trong sở ông có vài người Việt, nên ông chủ cũng ưu đãi cho nhân viên thoải mái trong ngày đầu năm.
Đánh răng súc miệng xong, ông Bốn ra khỏi phòng, và bất chợt ông kêu lên:
–       Cái gì thế nầy?
Nghe ông kêu to, bà Bốn cũng giật mình thức dậy. Không nghe ông trả lời, nhưng bà thấy ông hình như đi cà nhắc.
–       Cái gì vậy? Sao vậy ông?
–       Tôi đạp phải cái gì ướt ướt trên thảm!
–       Đạp cái gì?
–       Bà bật đèn lên coi.
Ánh đèn sáng chan hoà, Ông Bốn đứa chân lên:
–       Cứt bà ơi!
–       Cái ông nầy, ở đâu ra?
Ông không muốn nói tiếng “cứt” thứ hai, sợ xui, cũng không biết ở đâu ra mà ướt nhèm như vầy.
Nhưng lúc đó, bỗng ông bà nghe thấy tiếng kêu:
–       Chíp chíp chip…
–       Con gì vậy?
Cùng lúc đó, hai ông bà thấy một con vịt con màu vàng bé tí xíu ló đầu ra từ dưới gậm bàn.
–       Trời ơi, vịt ở đâu ra trong nhà mình vậy bà?
–       Vịt, chắc là con Bé lại mang về rồi! tôi đã không ưng nó nuôi con gì trong nhà nầy cơ mà! Bé ơi, ra đây mau.
Một lúc, con Bé nhắm mắt mắt mở đi ra:
–       Dạ.
Mồng một Tết, bà Bốn không dám la, chỉ trách một lèo, nhẹ nhàng:
–       Mẹ đã nói con không được nuôi con gì trong nhà, sao lại dám mang vịt về nhà mà không xin phép? Con có biết vịt nó kêu “cạp cạp” xui lắm, nghĩa là cạp đất mà ăn… con vịt đại diện cho nhà nghèo con biết không! ở Việt Nam mua vịt rẻ rề, gà mới có giá, bây giờ nó lại ị trên thảm nhà mình!
–       Mình đâu có ở Việt Nam mà mẹ nói, bên đây rau muống còn mắc hơn thịt có phải không! Mà con vịt nầy con đâu biết, chắc của thằng Cu!
–       Cái gì cũng nói cho được, không phải của con thật à? vậy kêu Cu em ra đây.
Thằng Cu đi ra, nó là đứa thích súc vật, thấy con vịt là tỉnh ngủ, xà ngay xuống , đưa tay vuốt lia lịa:
–       Đẹp quá, ở đâu mà nhà mình có vịt vậy mẹ? Của chị Bé hả?
–       Con đừng có vờ, không của con thì của ai?
Chưa trả lời mẹ, thì Cu nhìn xuống dưới gầm ghế xa lông, reo lên:
–       Ô, còn hai con nữa nè mẹ, con “xí” được.
Ông bà chưng hửng nhìn nhau, kiểu nầy là không phải vịt của hai đưá rồi. Nếu của chúng , thì chúng giấu trong phòng, chứ không thả cho chạy rông cùng nhà kiểu nầy! Tìm khắp nơi trong phòng khác, tất cả có ba chú vịt. Sau đó, mọi việc bàn cãi sôi nổi về mấy chú vịt nổ như pháo, chỉ ngưng khi bà Bốn vỗ tay lên trán:
–       Thôi chết, tôi nhớ ra rồi!
Bà chạy vào phòng family room, ông Bốn và hai đứa con chạy theo… Vĩ hột vịt lộn chục cái mấy ngày trước để dưới đất nay đã nở bốn con, sáu cái trứng khác vẫn còn nguyên. Bà Bốn cau mặt phân bua với chồng:
–       Tôi đã bảo họ bán cho hột vịt nhỏ con, mà nó bán cho mình trứng vịt già!
–       Mua rồi sao chẳng nhớ gì cả! Tại bà hết chứ ai!
–       Lỗi đâu phải tại tôi!
–       Còn ai trồng khoai đất nầy? Mua về không chịu luộc lên ăn là xong chuyện, bây giờ nó nở ra thế nầy rồi làm sao? Bà đưa thả ngoài đường à? Còn 1 con nữa, bà phải kiếm cho ra, nếu không nó chết dí đâu đó là thúi ùm cả nhà!!!
Nghe chồng hăm, bà Bốn trợn mắt:
–       Đầu năm đầu tháng ông ăn nói phỉ phiu! Nói tầm bậy tầm bạ không! Chết chết cái gì!
–       Ừ, tầm bậy tầm bạ mà trúng tùm lum tà la! Con vịt chết chứ gì nữa! Thôi, bà ở nhà mà giải quyết mấy con vịt của bà đi, tôi chở con đi học rồi đi làm đây.
Bà Bốn ở nhà, nguyên một buổi sáng chổng mông chui xuống gầm bàn, gầm ghế, gầm giường, quyết tìm cho ra con vịt còn lại, nhưng chẳng biết nó trốn phương nào mà tìm hoài không thấy?
Bà suy nghĩ lung tung, sợ nhà mình sẽ bị thúi, sợ con vịt bị đói tội nghiệp, sợ không hên cho năm mới nầy vì tiếng kêu “cạp cạp” khó nghe!
Mãi cho đến buổi chiều, khi ông Bốn đi làm về thay quần áo, xỏ chân vô đôi giày chiến màu nâu của ông để chuẩn bị cho mấy đứa con chúc tết, thì mới phát giác ra chú vịt nằm trong cái ổ giày đó! Lúc nầy bà Bốn mới thở phào nhẹ nhõm. Bà bỏ con vịt vào trong thùng giấy với ba con kia, định vài ngày nữa sẽ đem ra ngoài hồ công viên thả cho tụi nó muốn đi đâu thì đi. Tạm thời bà đút cho lũ vịt cơm nguội trộn với nước lạnh!
Đầu bà cứ nghĩ sao kỳ cục quá, mấy con vịt “cà chớn” đầu năm tự đến không ai mời! Không biết năm nay có xui xẻo gì không? Lo cho vịt xong, bà vội vã vào phòng thay chiếc áo dài nhung màu xanh đậm mới may. Bà mạng mộc hợp với màu nầy. Mấy cái phong bao lì xì lớn bà đã dành sẵn chẳng biết sao còn có một cái! Tìm kỹ vẫn chỉ có 1 cái! Hay là bà bỏ đâu? phải hai phong bao mới đủ, vì bà sẽ cho mỗi đứa con 1 tờ hai chục đồng.
Tìm không ra, bà tới hộc tủ đựng áo gối định tìm mấy phong thư thường để dựng tiền cho xong! Tay bà bươi lung tung lên, rồi bà thấy 1 bao thư có vẻ dày dày rớt ra. Bà mở bì thư thì thấy một xấy giấy trăm nằm trong đó.
–       Tiền ở đâu vầy nè?
Dù chưa biết là tiền của ai, nhưng mắt bà cũng sáng lên, rồi bà lẩm nhẩm đếm…
–       Một ngàn hai trăm đồng! Toàn là tờ 1 trăm.
Nhà chỉ có ông bà ngủ trong phòng, chẳng lẽ các con bà đem vô đây cất! mà tụi nó đâu có tiền! Hay là của ổng? Hay là ăn trộm bỏ quên? Giả thuyết cuối bị bác bỏ ngay, bởi chẳng có thằng trộm nào ngu làm chuyện đó cả! Bà cầm tiền chạy ra ngoài tìm ông:
–       Ông có để tiền trong hộc tủ đựng áo gối không?
–       Không, sao?
–       Tôi kiếm được một ngàn hai.
Ông tỉnh bơ:
–       Thì tiền của bà chứ của ai mà hỏi!
–       Sao ông biết tiền của tôi?
–       Tôi đoán, cách đây nửa năm mình tính đi “cruise” chơi với gia đình cậu Dũng, bà lấy tiền ra từ nhà băng để đưa cho cậu ấy mua vé, sau mình bận không đi nữa. Chắc là tiền đó chứ gì? Bà cất kỹ quá rồi quên luôn phải không?
Nghe ông nhắc, bà sực nhớ lại ngay, đúng rồi, vậy mà bà quên bẵng có số tiền nầy! Hên quá… bà lầm bầm:
–       Ờ há, ông nói tôi mới nhớ!
Bà mỉm cười ngồi xuống ghế. Hai đứa con nghe chuyện ồn ào:
–       Mẹ kiếm được tiền chuà thì nhớ lì xì cho tụi con nhiều nhiều đó nha!
Nghe con nói, bà mắng yêu:
–       Cha bây, chuà đâu mà chùa, tiền của mẹ chứ bộ!
–       Mà mẹ đâu có nhớ, may không mất rồi!
–       Nhờ mấy con vịt mà mẹ mới hên, có tiền trong năm mới.
Ừ, thằng Cu nói chắc đúng, may không mất rồi.
Ông Bốn thấy vợ thừ người thì ông mỉm cười. Ông có kinh nghiệm vụ nầy vì đã từng thâu tóm được tiền của bà vài lần, mỗi lần một hai trăm, bà cất giấu đâu đó rồi quên!
Mà bà có tật hay cất tiền tùm lum, rồi chẳng nhớ, nói hoài mà không nghe. Sau đó trong nhà hễ ai tìm được tiền, thì cứ lẳng lặng xài, bà đâu có biết mà càu nhàu!
Khi các con chúc Tết và lì xì xong, vào bếp dọn thức ăn lên bàn, bà chợt nghe tiếng mấy con vịt con kêu chip chip. Bà chạy lại gần cái thùng giấy, nhìn vào rồi buột miệng âu yếm:
–       Tụi bây đói rồi hả? đợi một chút mẹ cho ăn nghe. Thì ra vịt đến nhà cũng đâu có sao! Cám ơn tụi bay.
Lúc nầy thì bà đang sung sướng nghĩ nhờ mấy con vịt mà bà vớ được tiền từ trời rơi xuống!
Nghĩ cũng buồn cười, sự việc xảy ra như vậy khiến cho bà Bốn vui, rồi thay đổi quan niệm đã có: “Vịt kêu cạp cạp trong ngày đầu năm là xui”, mà còn cho rằng vịt đến nhà là hên.
Mấy con vịt có thể sẽ được ở lại đây, không bị đưa ra dục ngoài bờ hồ như bà tính lúc trước nữa…
2012
 Diễm Châu (Cát Đơn Sa)