Để tưởng nhớ chị Yến Chi
![]() Năm mươi năm trôi qua như một giấc mộng. Nghe thì có vẻ sáo nhưng thật đúng như thế. Mới ngày nào chúng tôi phải từ giã trường Đồng Khánh, ngôi trường đã chứng kiến chúng tôi thoát xác, thay đổi hình hài, từ những em bé tiểu học xinh xinh đến các thiếu nữ vừa tuổi dậy thì, ríu ra ríu rít, cứ tưởng mình đã trưởng thành rồi vì giáo sư vẫn hằng ngày nhắc nhở ‘các chị lớn nhất trường’ – ngày đó trường chỉ có đến lớp đệ Tứ – rồi thi đậu thành chung. Viễn ảnh học cùng con trai ở trường Khải Định làm chúng tôi lo sợ lắm. Chị họ tôi sợ quá phải xin lên Đà Lạt học. Tôi còn nhớ ngày cuối ở Đồng Khánh, trời đã chiều mà chúng tôi, tất cả lớp đệ Tứ, vẫn tần ngần trước cửa lớp ngoài sân, lượm những xác phượng đỏ, trao nhau địa chỉ, dặn dò nhau lần cuối sẽ viết thư cho nhau, sẽ nhớ nhau. Không ai muốn dứt ra về trước thì được tin mẹ Vân sinh con trai. Vậy là ba đứa chúng tôi: Vân, Nguyệt, Quỳnh Hoa vội đi về thăm ‘mạ’ và em bé. Rồi những ngày hè dài cũng lặng lẽ trôi qua và ngày tựu trường sắp đến. Ba đứa chúng tôi vẫn thường gặp nhau và cùng lo lắng hồi hộp. Lo lắng không biết chương trình đệ Tam có khó không, không biết mình học có hơn con trai không. Chúng tôi vẫn chiếm bảng danh dự ở Đồng Khánh trong bốn năm Trung học đệ Nhất cấp. Hồi hộp không biết ‘tụi con trai’ sẽ cư xử như thế nào. Không nhớ rõ ai, hình như Ngô Vân, nói rằng mình phải lo học thuộc bài luôn chớ thầy kêu lên bảng mà không thuộc thì dị với tụi con trai. Nguyệt nói tụi hắn cũng như mình, sợ chi! Ôi chao, bao nhiêu lo lắng viễn vông. Không biết mấy anh chàng có lo lắng khi phải học với con gái không. Rồi ngày tựu trường cũng êm đềm đến, êm đềm đi mà giờ đây tôi không nhớ gì thì chắc không có biến cố chi quan trọng, chỉ nhớ đại khái là Khải Định còn học nhờ ở khuôn viên trường Đồng Khánh, đệ Tam ở tầng dưới cùng. Con gái chiếm hai dãy bàn đầu. Chúng tôi ngồi bàn thứ nhì, dãy gần cửa lớp. Chừng vài tuần thì mấy anh đệ Nhị, đệ Nhất bắt đầu để ý đến bọn con gái Tam C làm chúng tôi cũng hơi mơ màng. Chị Duy Thạnh (đệ Nhị B ở lầu ba) mách mỗi khi thấy tôi ở dưới lầu một là có anh ngâm nga: “Quỳnh Hoa chiều đọng nhạc trầm mi.” Đối với con trai cùng lớp thì chúng tôi hết sợ rồi vì chúng tôi coi họ như ‘đàn em’ và bắt đầu phá phách. Hồi đó có mấy thầy trẻ như thầy Phò, thầy Tế, thầy Mục không nhiều tuổi hơn chúng tôi bao nhiêu nên chúng tôi lo học bài của mấy thầy nhiều hơn, sợ không thuộc bài thì ê lắm! Chúng tôi – chừng 10 đứa – hay rủ nhau mặc áo cùng một màu, ngày thì màu xanh da trời, ngày màu vàng, màu hồng. Có ngày thì cả bầy mặc áo đen như bầy quạ. Các thầy cũng biết chúng tôi đùa nghịch nhưng cứ tảng lờ. Có một hôm, không hiểu sao mấy ả ngồi bàn đầu nghỉ học hết. Tôi ngồi đong đưa hai chân đụng vào băng ghế của bàn đầu và bỗng nghĩ là nếu đạp mạnh, băng ghế ngã ra thì chắc vui lắm. Nghĩ xong là đạp liền. Khi nghe ghế ngã đánh đùng tôi mới thấy sợ, vội co chân lại, mặt mày tỉnh bơ, vờ nhìn quanh như thầm hỏi ai là thủ phạm! Thầy Phò đang giảng bài, giật mình khi băng ghế ngã xuống nhưng Thầy vẫn bình tĩnh vừa tiếp tục giảng bài vừa đi đến nhấc băng ghế lên mà tuyệt nhiên không hề điều tra thủ phạm. Xin cám ơn Thầy. Cho đến bây giờ mỗi khi bắt gặp học trò tôi nghịch ngợm, tôi lại nhớ đến Thầy và cố gắng giữ bình tĩnh không la mắng. Lại một hôm, có một ông nghịch ngợm viết bài thơ Hán văn chữ thật lớn rồi dán bên hông mặt bàn của giáo sư. Ai lên đứng trên bục đọc bài cũng có thể nhìn thấy mà thầy không biết. Cụ Đệ (dạy Hán tự?) rất vui vì ai cũng thuộc bài thơ Hán văn rất khó nhớ. Nhưng rồi, một anh chàng không rõ quên kính cận hay sao mà cứ rườn người tới gần bàn thầy chăm chăm nhìn bài thơ mà vẫn ấp a ấp úng đọc không xuôi! Cuối cùng Cụ đâm nghi. Cụ bước ra ngoài và thấy bài thơ dán bên hông mặt bàn. Cụ tức giận lắm mà chúng tôi thì vừa buồn cười, vừa lo, vừa ái ngại Cụ buồn. Sau đó thì cả lớp bị consigne ngày thứ bảy. Hình như từ năm sau trở đi thì không có giờ Hán tự nữa. Dạo đó có hai, ba người con trai cùng lớp hay đến nhà tôi học bài chung. Tôi cũng nói cười lớn tiếng như họ. Cô tôi thường gọi vào phòng trong và nhắc: “Em nói lớn quá. Con gái phải ăn nói nhỏ nhẹ một chút.” Tôi dạ dạ nhưng nghĩ bụng mấy thằng bạn học cùng lớp chứ có phải ai xa lạ đâu! Hồi ấy chị tôi, Hoàng thị Yến Chi, đổi qua ban C nên học chung với tôi. Chị hơn tôi ba tuổi, vẫn coi tôi trẻ con và vẫn để ý chăm sóc. Ngày ngày chị vẫn ôm sách vở đến trường cho tôi như hồi còn ở Đồng Khánh. Chị thừa hưởng chiếc xe đạp nhôm của Ba nên chị về nhà ăn cơm trưa, còn tôi thì ở lại trường. Một hôm, ăn cơm xong, tôi và bạn Hoàng Yên Chi (gấn giống tên chị tôi) đang đi đi lại lại dọc hành lang để học bài, bỗng nghe mấy người con trai xì xào: “Dữ, dữ, con gái gì mà dữ quá. Không ưng thì thôi, lại đi mách Hiệu Trưởng.” Lúc đầu tôi cũng không để ý nhưng sau hễ thấy chúng tôi đến gần thì họ lại xì xầm. Tôi quay sang Yên Chi: “Họ nói ai vậy? Có phải họ nói Yên Chi không?” Yên Chi ngần ngừ rồi nói: “Vậy Quỳnh Hoa thật sự không biết? Tụi nó nói Quỳnh Hoa đó.” Tôi ngẩn ngơ. Yên Chi vội vàng giải thich là có một xừ trong lớp viết thư cho tôi và gởi bảo đảm về trường, bị ông Hiệu trưởng kêu lên la rầy. Anh chàng tưởng tôi mách nên hậm hực lắm, kể hết với mọi người. Tôi ức quá chạy vào lớp vừa khóc vừa phân bua là tôi không hay biết gì cả và lớn tiếng yêu cầu Yên Chi dạy cho tôi cách chửi thề để chửi cho hả giận. Yên Chi vốn có tiếng chanh chua hay chửi thề. Lúc ấy sắp đến giờ vào lớp. Chị tôi vừa bước vào cửa, thấy tôi bù lu bù loa, vội la lớn: “Ai chọc nó khóc vậy?” Mấy người con trai vội vàng: “Không ai chọc ghẹo gì đâu, vì hiểu lầm thôi,” rồi hướng về tôi năn nỉ: “Thôi đừng khóc nữa. Như vậy là biết oan rồi. Thầy sắp vào lớp rồi, đừng khóc nữa mà tụi tôi bị la.” Chị tôi cùng mấy bạn gái dìu tôi ra bến Thừa Phủ rửa mặt. Đó là lần đầu tiên trong đời – và chắc cũng lần cuối – tôi khóc trước đám đông. Ngày hôm trước, ông Hiệu Trưởng, thầy Huỳnh Hòa, kêu tôi lên và biểu ký vào sổ biên nhận để lãnh một bức thư bảo đảm. Nhưng thầy không đưa thư cho tôi mà lại xé phong bì lấy thư ra. Vừa xé thầy vừa nói: “Ngoài phong bì thì để tên một học sinh Đồng Khánh nhưng thầy nghi lắm, để thầy coi trước.” Khi thấy nội dung bức thư, thầy phán: “Thôi, chị khỏi đọc, về lớp đi.” Và tôi bước ra khỏi phòng vui mừng vì cứ tưởng bị la, bị phạt gì. Tôi cũng không thắc mắc ai là tác giả bức thư, sao lại gởi bảo đảm. Tôi chưa hề nhận thư bảo đảm nên cũng ú ớ. Vân và Nguyệt lo sợ giùm khi tôi bị gọi lên phòng Hiệu Trưởng và mừng rỡ thấy tôi trở về lớp tươi cười. Tôi cũng chỉ nói là có ai gởi thư bảo đảm nhưng thầy Hiệu Trưởng đọc rồi giữ luôn lá thư. Thầy Huỳnh Hòa cũng ở Kiệt Hai Âm Hồn, xế cửa nhà tôi và biết gia đình tôi. Chắc vì vậy mà Thầy không cho tôi đọc lá thư tình ấy. Khi tôi kể chuyện cho cô tôi nghe (cô Kim Cúc) thì cô mới cho hay là hồi tôi còn học ở Đồng Khánh, cũng có nhiều cậu viết thư về trường nhưng cô Tham tôi (bà Tổng Giám thị trường Đồng Khánh) xé thư hết. Bà nói với cô Cúc: “Nó còn non nít. Đừng cho nó biết!” Hồi ấy, Quế Hương, Võ thị Nguyệt, và tôi được con trai gán cho biệt hiệu là ‘Ba Cái Frigidaire’. Chắc tại chúng tôi không trả lời thư ai, không hẹn hò với ai, mà cũng không biết thẹn thùng e lệ nghiêng nón nhìn trộm ai. Còn con tim của Ngô Vân thì đã bắt đầu biết thổn thức rồi, nhưng thổn thức một cách ngây thơ vô tội vạ. Ai đời, gần 20 tuổi rồi mà “ăn một mâm ngồi một chiếu” là lo sợ mang bầu mà không dám hỏi ai! Nhà Vân có làm một cái chòi sau vườn, giới trẻ thường lên đó trải chiếu ngồi ăn cơm cho mát, mới có vụ ngồi cùng chiếu. Mấy năm sau gặp nhau tại Đại học Sư Phạm, Sài Gòn thì Vân cưới chồng rồi. Có nhiều buổi đẹp trời, ba đưa chúng tôi đã đến cổng trường nhưng quyết định trốn học, lên chùa Sư Nữ chơi. Chúng tôi mượn một chiếc chiếu, ra vườn sau trải chiếu dưới bóng mát của cây nhãn, vừa nằm nói chuyện gẫu vừa nghe kinh. Trưa được ăn bữa cơm chay thanh đạm mà sao ngon quá. Chúng tôi kháo nhau nếu ăn chay mà ngon như thế này thì chắc tụi mình tu được. Nguyệt lắc đầu: “Nhưng phải dậy từ 5 giờ sáng mỗi ngày để tụng kinh thì chắc dậy không nổi đâu.” Mỗi khi nói chuyện đi tu thì tôi nhớ chị Chi tôi. Chị thường nói: “Tau đi tu được, dậy sớm tụng kinh cũng được, ăn chay cũng được, nhưng lâu lâu cho ăn dĩa bánh bèo.” Chị thích bánh bèo, thích ăn bún lá với nước mắm ớt tỏi chanh, thích chè. Ngày nào đi chợ về, chị người làm cũng mua cho chị một tô chè trôi nước. Chị khỏe mạnh nên ăn uống dễ dàng, người có da có thịt. Còn tôi thì cứ èo ọp vì không ăn được, không ngủ được với cái nóng của Huế, cỏm rỏm chỉ 35 kí-lô. Chị vẫn thường trêu: “con T (tên cúng cơm) không cần mặc soutien. Hắn có chi mô mà nịt!” Tôi trả đũa ngay: “Còn mập như chị thì không anh chàng nào có thể nhớ chị mà hát: “Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy…” và chị tức lắm, đuổi tôi chạy cùng nhà. Ước chi chúng tôi có thể sống lại những chuỗi ngày êm đềm ấy. Khi tôi lên đệ Nhị thì chị tôi đi lấy chồng. Rõ ràng chị lấy người chị chọn, vậy mà ngày rước dâu chị khóc quá, chắc là điềm không hay. Khi đưa dâu về đến nhà trai, bà mẹ chồng dẫn chị vào phòng tân hôn rồi khóa cửa phòng và bỏ chìa khóa vào túi bà. Hỏi thì bà nói phong tục xưa là vậy, cô dâu không được phép ra tiếp khách. Đến khi họ nhà gái ra về, bà mới mở cửa phòng để chúng tôi chào chị. Chị níu áo tôi khóc ngất làm tôi cũng nức nở và bực mình gắt: “Ai ép chị đi lấy chồng đâu mà khóc quá vậy. Hay chị đi về nhà với tụi em đi.” Bà mẹ chồng vội vàng kéo tôi ra khỏi phòng và khóa cửa lại. Bà rất quý chị nhưng bà quá cổ lổ sĩ nên chị tôi khổ. Ba tôi nhát gan không cho chúng tôi đi tắm sông. Tôi năn nỉ người anh họ, anh Bửu Trí, xin giùm. Anh Trí bảo đảm sẽ tập cho chúng tôi bơi và chăm sóc chúng tôi cẩn thận. Thế là những ngày nghỉ học, một đoàn gồm Diệu Tâm và các anh của Tâm, Diệu Hạnh – là fiancée của anh Trí hồi ấy – anh Trí, chị Yến Chi và tôi sáng sớm đạp xe về Cồn tập bơi. Ở bên Cồn, nước cạn mà sạch. Mấy anh là thầy dạy. Tụi con gái chúng tôi không ai biết bơi. Sau một thời gian ngắn thì ai cũng biết bơi trừ tôi! Diệu Hạnh chỉ bơi brass thôi, mà lạ một điều là cô nàng không hề ướt tóc vì lúc nào cũng ngóc đầu lên khỏi mặt nước, bơi đi bơi lại hoài không mệt. Diệu Hạnh nói không bơi crawl được vì không thở dưới nước được. Chị Chi tôi cũng học rất nghiêm túc. Diệu Tâm bơi được cả brass lẫn crawl. Tôi không muốn ướt tóc nhưng không thể nào ngóc đầu lên như Diệu Hạnh được nên đành tập bơi crawl, nhưng làm biếng tập thở nên thường hay nằm yên trên phao rồi nhờ mấy anh đẩy đi chơi! Sau này sang Mỹ, tôi có học bơi ở YWCA mà cũng chỉ bơi được hết chiều dài của hồ bơi thôi. Hơn 50 năm qua rồi mà những hình ảnh ấy vẫn còn rõ ràng trong trí nhớ tôi. Chị tôi đã từ giã chúng tôi nhiều năm rồi. Cô Cúc tôi và anh Bửu Trí cũng ra đi từ lâu. Nghe đâu người con trai viết thư bảo đảm cho tôi năm đệ Tam cũng không còn. Bạn Diệu Hạnh thì mới phiêu diêu miền vĩnh cửu năm rồi (1998). Sau khi rời trường Khải Định, tôi được dịp về thăm Huế năm 1965. Diệu Hạnh đã chở tôi và Nguyệt đi chơi suốt một ngày. Tôi bị sốt thương hàn cuối hè năm đệ Nhị. Khi tựu trường năm đệ Nhất, ông Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Hai giao cho tôi tổ chức buổi lễ chào cờ có Tổng Thống Ngô Đình Diệm tham dự. Ông nói: “Tôi biết chị chưa được khỏe lắm, chị đừng ra sân, chỉ ghi xuống họa đồ chỗ đứng của các lớp thôi.” Nhưng tính tôi cẩn thận và thấy không mệt nên muốn ra sân xem lại lần cuối trước khi Tổng Thống đến. Vừa ra giữa sân thì trời bắt đầu đổ mưa và mưa thật lớn. Về nhà hôm đó tôi bị sốt lại. Thầy Hai cho ban Xã Hội đem cam tới thăm và rất ân hận vì lo cho công tác của Thầy mà tôi bị relapse. Tôi không trách Thầy, chỉ nghĩ là số bị bệnh thì đành chịu thôi! Và tôi phải nghỉ học gần nửa năm. Khi đã khỏe, tôi xin đi học lại vì ở nhà buồn quá. Ba tôi bắt hứa là đi học cho vui nhưng không được học bài! Tôi còn nhớ giờ Lý Hóa của thầy Tôn Thất Tắc, tôi không hiểu bài, đặt câu hỏi thì Thầy bảo: “Thôi, chị mới đau dậy, tôi có giảng chị cũng không hiểu đâu.” Và Thầy không giảng! Bài luận triết đầu tiên của Cha Luận tôi không biết làm. Một anh bạn cùng lớp tận tình chỉ cho tôi cách học và cách làm bài. Bài luận triết học đầu tiên ấy tôi được 14 điểm. Có một mầm non văn sĩ mà tôi quên tên rồi chỉ được một điểm. Anh lên kiện Cha nói làm sao mà điểm giữa hai bài có thể chênh lệch như vậy. Cha cho đọc hai bài cho cả lớp nghe. Bài của tôi không văn hoa nhưng lý luận gãy gọn. Bài của ảnh thì văn chương bay bướm nhưng không vào đề. Chúng tôi học ban C, ngày nào cũng có hai giờ Triết, khô khan buồn ngủ lắm. Chúng tôi mới tìm cách đi chơi. Tôi xin Cha đi ra ngoài, lần lượt Vân và Nguyệt cũng xin ra. Ba đứa chúng tôi qua trường Đồng Khánh ăn bánh bột lọc, bánh bèo, đậu hũ của chị Bụi. Một thời gian sau thì Cha cũng biết nhưng không rầy la gì. Khi tôi xin ra khỏi lớp Cha cũng cho, nhưng khi Vân lên xin ra thì Cha nói chờ QH vào đã, và tôi chờ mãi không thấy ai ra thì cũng biết cơ mưu bại lộ nên đành trở vào lớp thì thấy Cha cười tủm tỉm. Thế là từ đó không được đi ăn quà nữa. Những năm tháng cuối cùng ở Khải Định thật êm đềm. Tôi không lo lắng gì chuyện thi cử, chỉ đi học cho vui thôi. Các thầy ở trường cũng không bắt làm bài. Cha Luận hay cho tiền ăn kẹo. Gần cuối năm, mấy anh con trai xúi chúng tôi xin tiền Cha đi ciné Cha cũng cho. Tôi còn nhớ mấy ông chọn phim ‘Salaire de la peur’. Phim quá hồi hộp làm bọn con gái chúng tôi sợ quá, nhắm mắt không dám xem! Khi ra về, chúng tôi rủa mấy ông quá. Mua vé vào rạp để sợ hãi hai tiếng đồng hồ, thật là dại. Đến kỳ thi Tú tài Hai, tôi cũng nộp đơn đi thi vì thi viết chỉ có ba bài luận văn: một Pháp, một Anh và Việt (Triết). Vào phòng thi hứng chí hay sao mà tôi làm được ba bài luận văn suông sẻ và đậu đợt thi viết. Nguyệt cũng đậu. Hai đứa chúng tôi đi tìm xin Maxiton uống để thức học bài thi vấn đáp. Cả đời học trò của tôi, tối hôm ấy tôi uống viên thuốc thức ngủ lần đầu. Tôi ở lại nhà Nguyệt. Ăn tối xong thì hai đứa quyết định mỗi môn chỉ học một bài thôi và sẽ thức suốt đêm. Đến chừng một giờ rưỡi khuya, chúng tôi ra sân định rửa chân tay cho mát thì thấy chuột chạy, sợ quá hai đứa vào phòng đóng cửa ngủ luôn! Chín giờ sáng hôm sau, mẹ Nguyệt – là bà của tôi vì là em ruột bà nội tôi – đấm cửa phòng bảo: “Hai đứa không sửa soạn đi thi sao mà giờ này còn ngủ.” Và chúng tôi chạy vội đến trường. Năm đó, chắc tử vi tôi có sao hóa khoa, hồng hỷ hay sao mà vào môn nào thầy cũng hỏi đúng bài tôi mới học. Thế là tôi đậu luôn kỳ thi vấn đáp. Nhưng đậu rồi thì lại gặp rắc rối là Ba không cho đi Sài Gòn học đại học vì chưa được khỏe lắm, cần tỉnh dưỡng thêm. Ba phán nếu không muốn ở nhà thì ghi tên học Dược vì năm dự bị (stage) có thể học tại Bệnh viện Huế. Tôi đành ghi tên để đi học cho vui thì gặp Lê Liên cũng học stage ở nhà thương. Hình như có Hoàng Thị Hạnh nữa vì ba chúng tôi có chụp chung một bức hình năm đó. O Nguyệt cũng bị ép học Dược nhưng phải vào Sài Gòn. Hồi đó tôi không biết Lê Liên đã phải lòng thầy Phò. Hai người chắc cũng đã toan tính gì rồi nên Liên cũng không chú ý đến việc học mấy. Ngày ngày Liên đạp xe vào nhà tôi trong thành nội. Nếu đẹp trời thì hai đứa đạp xe qua nhà thương, thay áo trắng, pha pha chế chế dưới sự chỉ dẫn của chị Tôn Nữ Hà, dược sĩ trưởng phòng. Hôm nào trời mưa thì hai đứa chui vào chăn ấm nói chuyện gẫu. Có mấy lần Lê Liên có vẻ muốn tâm sự, nhưng cứ rào trước đón sau: “Không biết tau có nên nói cho mi nghe chuyện ni không. Mi phải thề giữ kín…” và tôi sợ không giữ kín được nên gạt phắt: “Nếu mi sợ rứa thì đừng nói. Tau cũng không muốn biết chuyện bí mật của mi.” Vì vậy mà tôi không hay biết gì về chuyện yêu đương giữa thầy và trò. Tôi và Lê Liên cùng vào Sài Gòn để thi cuối năm nhưng Lê Liên đã bỏ về Huế trước kỳ thi để lo đám cưới! Chắc bạn đọc thắc mắc tại sao tôi lại chọn đầu đề “Khải Định Nịnh Đồng Khánh”. Hồi còn học ở Đồng Khánh, chúng tôi thường trêu các chú, các anh bà con học Khải Định rằng chúng tôi oai hơn vì Đồng Khánh là cha Khải Định! Thì mấy ông la lên: “Oai gì! Đồng Khánh (tức học trò Đồng Khánh) gánh cứt trâu.” Nói cho có vần chơi thôi, tiếng Mỹ gọi là nonsense rhyming mà con nít thường nói. Chúng tôi cũng không chịu thua nói lại liền: “Khải Định nịnh Đồng Khánh. Khải Định nịnh Đồng Khánh.” Và từ đó hễ nghe tên hai ngôi trường này là tôi không thể nào không nghĩ đến hai vế theo sau. Khải Định đi liền với Đồng Khánh cũng như Chu Văn An đi liền với Trưng Vương và Gia Long đi liền với Petrus Ký vậy. Cám ơn Ngô Vân đã gọi điện thoại, viết thơ, giục tôi đóng góp bài vở cho anh Nhâm nên tôi phải viết cho bạn vui, và nhờ thế, tôi có dịp nhớ lại những kỷ niệm xưa, những năm tháng không lo âu ở thành phố Huế, thành phố của hằng ngàn, hằng vạn cựu học sinh Khải Định và Đồng Khánh. Hoàng thị Quỳnh Hoa |