Khi Cửa Nhà Thờ Mở Ra…GS Nguyễn Lý-Tưởng

Khi Cửa Nhà Thờ Mở Ra…
GS Nguyễn Lý-Tưởng
Khi cửa nhà thở mở ra thì mọi người, không phân biệt giàu có, sang hèn, trí thức hay ngu dốt, địa phương hay quốc tịch, màu da hay sắc dân, kể cả lập trường chính trị… đều được mời gọi “đến với Chúa” trong tinh thần thống hối và yêu thương.
Trước khi bước lên bàn thờ để dâng Thánh Lễ, vị Linh Mục đã sấp mình cùng mọi người hiện diện trong nhà thờ, tỏ lòng ăn năn thống hối vì không một ai dám cho rằng mình hoàn hảo, chưa hề mắc phải lỗi lẫm hay sai trái…Với tư cách là “thừa tác viên”, được Giáo Hội ủy quyền thay mặt mình để cử hành nghi thức phụng vụ có tính cách thuần túy tôn giáo, vị Linh Mục được tín nhiệm và có đầy đủ tư cách để đại diện Giáo Hội và không ai đặt vấn đề trong qúa khứ vị Linh Mục đã có những sai lỗi gì” Cũng không ai đặt vấn đề lập trường chính trị hay đời tư của vị Linh Mục, đã có những lỗi lầm nào. Với con mắt Đức Tin, người tín hữu đạo Công Giáo đến nhà thờ là đến với Thiên Chúa chứ không phải đến với cá nhân Linh Mục. Trong đạo Công Giáo, chức Giám Mục là chức Thánh, là người kế vị của các Tông Đồ (có 12 vị Tông Đồ của Chúa Giêsu). Giáo Hoàng cũng là Giám Mục nhưng là Giám Mục trên hết các Giám Mục, là người đứng đầu và lãnh đạo toàn thể Giáo Hội. Hồng Y cũng là Giám Mục, nhưng có vai trò đặc biệt đối với Toà Thánh Vatican, ngoài nhiệm vụ Giám Mục là Chủ Chăn trong Giáo Phận (diocese) của mình. Linh Mục là người được Giám Mục ủy quyền để làm nhiệm vụ của người mục tử trong địa phương của mình (vì thế còn gọi là thừa tác viên).
Theo luật của Giáo Hội Công Giáo, người tín hữu giáo dân mỗi năm phải đi xưng tội và rước lễ (tức rước bánh Thánh còn gọi là Mình Thánh Chuá), tối thiểu là một lần trong  mùa Lễ Phục Sinh. Mùa Chay hay Mùa Lễ Phục Sinh, bắt đầu từ ngày Lễ Tro (một hình thức sám hối bằng cách bỏ tro trên đầu để nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về với tro bụi) cho đến Lễ Phục Sinh là 40 ngày và kéo dài thêm 10 ngày sau đó nữa. Tại các giáo xứ (xứ đạo hay họ đạo) ngày xưa, mỗi lần vào Mùa Chay thì người ta khuyến khích nhau đi xưng tội và dọn mình trong sạch để đón mừng Lễ Phục Sinh. Xưng tội là một hình thức tuyên xưng đức tin của người tín hữu. Nếu không có đức tin cao thì con người không thể đến với Linh Mục, để nói ra tất cả tội lỗi của mình đã phạm. Người nào chấp nhận Phép Giải Tội (hay còn gọi là Bí Tích Hoà Giải) là người có Đức Tin và đã tin những điều Chúa Giêsu dạy và Giáo Hội, người đại diện Chúa Giêsu ở trần gian truyền lại.


Tôi còn nhớ một câu chuyện cảm động đã xảy ra trong một giáo xứ ở miền quê trước năm 1945, giữa một Linh Mục người ngoại quốc và vợ chồng một nông dân như sau:
Trong một giáo xứ nọ, có một vợ chồng nông dân kia, vì bất mãn với vị Linh Mục người ngoại quốc, nên ông chồng đã dẫn bà vợ, đang mang thai, đến trước cổng sân nhà  Linh Mục, để nguyền rủa với những lời lẽ nhục mạ thậm tệ. Trong lúc bà vợ đang đứng trước sân la lối, chửi mắng thì ông chồng đứng ngoài đường nhìn vào như để hỗ trợ việc làm của vợ  mình. Các chức sắc trong giáo xứ, thấy bà kia có những lời nói và hành vi lỗ mãng như vậy, liền họp nhau, quyết định sẽ có biện pháp trừng trị người đàn bà hỗn xược kia. Nhưng vị Linh Mục đã đến và nói với họ: “Tôi là một Linh Mục thuộc Hội Truyền Giáo Ba Lê…Tôi tình nguyện bỏ cha mẹ, anh chị em, thân thuộc họ hàng và cả quê hương nữa, để đến phục vụ cho người Việt Nam, cho Giáo Hội Việt Nam, cho giáo xứ nầy…Tôi chấp nhận cuộc sống đơn sơ, nghèo khó để chia sẻ với anh chị em giáo dân trong giáo xứ nầy. Nếu gặp trường hợp đạo Công Giáo bị bách hại như thời xưa, dưới triều đại các vua chúa Việt Nam…tôi cũng phải chấp nhận cái chết để được phước “tử vì đạo”…Vì thế, tôi xin mọi người hãy bỏ qua và tìm cách khuyên bảo người đàn bà ấy…xin đừng cáo buộc hay xử phạt họ…”
Lúc bấy giờ đang là Mùa Chay, và sắp sửa vào Tuần Thánh, kỷ niệm Chúa Giêsu chịu khổ hình thập giá và chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh… Những người trong giáo xứ đã khuyên vợ chồng người nông dân kia, hãy đến xin lỗi vị Linh Mục, và hãy đi xưng tội, để dọn mình trong sạch mừng Lễ …Nhưng hai người đó không nghe. Thế rồi, vào một buổi sáng, người ta thấy vị Linh Mục Chánh xứ đến trước sân nhà vợ chồng nông dân kia, qùy gối, chấp tay và đọc kinh cầu nguyện… rồi nói: “Xin anh chị hãy đến với Chúa, hãy hòa giải với Chúa…Hãy đi xưng tội vào Mùa Chay theo luật của Giáo Hội…”
Vị Linh Mục đã qùy từ sáng cho đến chiều tối, mà vợ chồng nông dân kia vẫn trơ trơ như đá, không trả lời. Khi trong nhà người nông dân đã lên đèn, vị Linh Mục mới biết rằng trời đã tối, và còn nhiều việc phải làm tại nhà thờ, nên đã đứng lên và tự động rút lui.
Sáng hôm sau, trước khi Linh Mục bước lên bàn thờ dâng Thánh Lễ, ngài thấy vợ chồng nông dân kia đến nhà thờ, ngồi xa xa ở hàng ghế cuối cùng…Thánh Lễ kết thúc, mọi người sắp hàng trước toà cáo giải để chờ xưng tội. Vị Linh Mục thấy vợ chồng người nông dân kia cũng có mặt trong số những người đứng  cuối cùng trước toà giải tội!
01 tháng 4/2010.