__________________________________________________________________________________
(20/01/1921- 20/01/2021)
Cung Thị Lan
Hôm nay, ngày 20 tháng 01 năm 2021, nhân kỷ niệm 100 năm ngày giỗ của nữ thi sĩ, đồng thời là nữ nhà báo đầu tiên của Việt Nam Sương Nguyệt Anh, tôi xin thắp nén hương lòng gửi đến người quá cố, đồng thời xin ôn lại tiểu sử của bà với niềm kính trọng và khâm phục vô biên.
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Nguyễn Thị Khuê, Nguyễn Xuân Khuê, Nguyễn thị Ngọc Khuê hay Nguyễn Xuân Hạnh) sinh ngày 21 tháng 4 năm 1864 tại Ba Tri, Bến Tre.

Trích trong Almanac Người Mẹ và Phái Đẹp- Nhà xuất Bản Hà Nội- 1990
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê là con thứ tư của cụ Đồ Chiểu, tức đại thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu, tác giả của thi phẩm nổi tiếng Lục Vân Tiên đồng thời là tác giả của bài “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc”. Bà có nhiều bút hiệu như Xuân Khuê, Nguyệt Nga và Nguyệt Anh.Vốn dĩ xinh đẹp, lại sinh trưởng trong một gia đình gia phong Nho giáo và thừa hưởng năng khiếu văn thơ của cha, bà ngày càng được nhiều đấng nam nhi có chức quyền quanh vùng để ý muốn cầu thân. Tuy nhiên, bà một mực khôn khéo từ chối vì bà không phải lòng người nào, hơn nữa vì bà phải toàn tâm chăm sóc cha mẹ đang trong tình trạng sức khỏe yếu kém. Năm 1886, khi bà 22 tuổi thì mẹ bà (cụ Lê Thị Điền) qua đời. Hai năm sau, cha bà cũng quá vãng. Trong cảnh côi cút, bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê nhất quyết từ chối lời cầu hôn của tri phủ Ba Tường (Tôn Thọ Tường, người cố gắng chiêu dụ Nguyễn Đình Chiểu qui hàng nhà cầm quyền Pháp nhưng không thành) nên bị Ba Tường dùng quyền thế mưu hại. Để tránh tai ương, bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê đã cùng gia đình anh trai trốn sang Mỹ Tho, rồi lại về Rạch Miễu sinh sống. Tại đây, bà kết duyên cùng ông Nguyễn Công Tính là một vị phó tổng sở góa vợ. Sau đó hai người có một con gái duy nhất tên Nguyễn Thị Vinh. Khi con gái của bà được hai tuổi thì ông Nguyễn Công Tính mất. Trở thành góa phụ một con chưa đầy ba mươi tuổi, Nguyễn Thị Ngọc Khuê vẫn xinh đẹp lại thêm quyến rũ nên được nhiều người mê mệt, hay dùng thơ văn để chọc ghẹo tỏ tình vừa để thể hiện tài văn chương xứng đôi với bà nhưng Nguyễn Thị Ngọc Khuê bút danh Nguyệt Anh một mực khước từ bằng những bức thơ họa hết sức khôn khéo và thông minh. Từ đó, bút danh Nguyệt Anh của bà kèm theo chữ Sương có nghĩa là Góa Chồng Nguyệt Anh. Biệt danh này khẳng định sự thủ tiết thờ chồng nuôi con của bà, nhất quyết không bước thêm bước nữa.
Ảnh hưởng văn chương thi phú của cha từ khi còn trẻ, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh sáng tác nhiều loại thơ khác nhau như Hán, Nôm, thơ lục bát và thơ Đường với nhiều chủ đề khác nhau như tự bạch, giải bày, vịnh hay văn tế…
Sau khi chồng mất, thi sĩ Nguyệt Anh đã trải lòng mình qua những giòng thơ sau:
“Năm canh thức nhắp, năm canh những,
Nửa gối so le, nửa gối chờ.
Vườn én rủ ren trên lối cũ,
Canh gà xao xác giục tình xưa.”
Dù sống trong cảnh cô đơn như thế, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh kiên quyết thủ tiết thờ chồng nuôi con và đã sáng tác nhiều bài thơ họa để đối đáp những bài thơ tỏ tình, tán tỉnh của những người muốn chắp nối cùng bà.
Có thể trích dẫn một số bài họa nổi tiếng còn lưu lại đến ngày nay của bà như sau:
- Bài họa đáp lại bài thơ của ông Hồ Bá Xuyên ở Vĩnh Kim, Mỹ Tho
Tài không sắc sắc không tài, Lá úa nhành khô cũng tiếng mai. Ngọc ánh chi nài son phấn điểm, Vàng ròng há sợ sắc màu phai. Ba giềng trước đã xe tơ vắn, Bốn đức nay tua nối tiếng dài. Dẫu khiến duyên này ra đến thế, Trăng thu bóng xế rạng non đoài. | Trời đất ghen chi chữ sắc tài, Vườn xuân vội úa bảy phần mai. Gương loan đối bóng tuy còn rạng, Nét thuỷ in mày sợ chóng phai. Lăng líu duyên hồng tơ tóc ngắn, Vấn vương phận liễu tháng ngày dài. Bóng đào bao thuở thay đôi lứa, Nỡ để trăng thu xế bóng đoài. Hồ Bá Xuyên ở Vĩnh Kim, Mỹ Tho |
- Các bài họa đáp thơ của ông phủ Học( Tân Trào)
Đường xa vòi vọi, dặm vơi vơi, Nghĩ nỗi mày xanh ngán sự đời! Biển ái nguồn ân còn lắm lúc Mây ngàn hạc nội biết đâu nơi! Một dây oan trái rồi vay trả, Mấy cuộc tang thương há đổi dời! Chước quỷ mưu thần âu những kẻ Gặp cơn nguy hiểm khó đua bơi!Hết lúc trăng đầy đến lúc vơi Doanh hư trong cuộc phải coi đời Ven mây bắn thỏ xa ngàn dặm Đáy nước cung thiềm tỏ khắp nơi. Nột trí đứa gian hiềm vẻ rạng Vui lòng người triết thú đua bơi Khơi dòng hối thực ưng ra mặt Đứng giữa trời xanh tiết chẳng dời!Bể ái sóng ân còn lắm lúc, Mây ngàn hạc nội biết là nơi. Một dây oan trái vay rồi trả, Mấy cuộc tang thương dễ đổi dời. | Phải gần với Nguyệt lúc lưng vơi, Đặng hỏi Hằng Nga nỗi sự đời. Ở hạ mây mưa còn kém sắc, Về thu non nước tỏ cùng nơi. Hay trông Dữu Lượng xây lầu trước, Hoặc đợi Thanh Liên cất chén vời? Vóc ngọc há sờn cơn gió bụi, Tài tình rõ mặt khá đua bơi… ông phủ Học( Tân Trào) |
- Hai bài họa đối bài thơ chọc ghẹo của Thầy Bảy Nguyện (Mỏ Cày,Bến Tre)
Bài1: Chẳng phải tiên cô cũng đạo cô, Cuộc đời dâu bể há chi mô! Lọng sườn dầu rách còn kêu lọng, Ô bịt vàng ròng vẫn tiếng ô. Bài 2: Phải thời cô quả, chịu thời cô, Chẳng biết tuồng đời tính thế mô. Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa, Ngọc lành chi để thẹn danh ô! | Ai về nhắn với Nguyệt Anh cô, Chẳng biết lòng cô tính thế mô? Không phải vãi chùa toan đóng cửa, Đây lòng gấm thé bắt cầu Ô. Thầy Bảy Nguyện (Mỏ Cày,Bến Tre) |
Các bài thơ họa của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đã chứng tỏ bà là một phụ nữ có tấm lòng kiên định son sắt thủ tiết thờ chồng nuôi con. Phẩm hạnh của bà là kết quả tu thân và tuân thủ lễ nghĩa Nho giáo qua sự giáo dưỡng của người cha quá cố, nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu. Lễ nghĩa ấy đã biểu hiện rõ ràng ngay dòng mở đầu trong thi phẩm Lục Vân Tiên nổi tiếng của ông:
“Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”
Dù là thế, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh không phải là người bảo thủ, phong kiến cực đoan. Bà đã từng khuyên con rể Mai Văn Ngọc bước thêm bước nữa sau khi con gái bà qua đời tám năm, qua bài thơ sau:
“Có lúc tòng quyền, có lúc kinh,
Làm trai nào ắt khỏi tiền trình.
Bơ thờ nắng rọi hoa nghiêng nhuỵ,
Lay lắt mưa qua bướm giấu hình.
Ngửa mặt đành cam câu bất hiếu (*)
Nghiêng tai chịu tiếng quỷ vô tình.
Dưới đời ai dứt tình sinh hoá,
Trướng chấn riêng ngươi quạnh một mình.”
( Bình: (*) Một trong các thuyết Nho giáo: “Hiếu vi tiên”, ông ta lấy con gái bà không có con trai nối dõi nên sẽ chịu tội “bất hiếu” với song thân mình; bà Sương Nguyệt Anh khuyên ông nên tái hôn vì ông con rể chung tình có trọn chữ hiếu được sao?)
Hơn thế nữa, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh còn là một nhà văn nữ với giọng văn cứng cỏi mà duyên dáng và là nhà báo nữ – chủ bút đầu tiên của tờ báo Nữ Giới Chung (Tiếng Chuông Nữ Giới). Nữ Giới Chung là tờ báo phụ nữ đầu tiên với nhiều mục phong phú như: Văn Uyển, Xã Thuyết, Cách Ngôn, Học Nghệ, Gia Chánh, Tạp Trở, Thời Đàm và Truyện Ký. Hầu hết các nữ thi sĩ và nữ ký giả thời ấy đã dùng tác phẩm ca ngợi các vị nữ anh hùng Việt Nam như bà Triệu, bà Trưng hay đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội đương thời. Riêng nữ nhà báo Sương Nguyệt Anh lại tập trung vào các xã luận (xã thuyết) với các đề tài về nữ quyền, về trách nhiện của phụ nữ, về sự bình đẳng nam nữ trong ý thức giữ gìn tứ đức Công, Dung, Ngôn, Hạnh, phê phán thói phung phí, lười biếng và đề cao việc đọc sách để phụ nữ nâng cao kiến thức hầu có thể tham gia công sự mà nam giới đang đảm nhiệm.

Báo Nữ Giới Chung rất thành công nhưng chỉ hoạt động trong sáu tháng (1/2/1918-19/7/1918). Hai mươi hai số báo Nữ Giới Chung đã tạo ra tiếng vang rất lớn trong xã hội Việt Nam và ảnh hưởng rất khá sâu sắc đến giới phụ nữ đương thời đã khiến nhà cầm quyền Pháp lo ngại. Họ cho rằng tờ báo chống Pháp một cách khéo léo nên buộc đình chỉ vào ngày 19 tháng 7 năm 1918. Sau khi báo Nữ Giới Chung ngưng hoạt động, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh rất buồn và thất vọng. Cùng lúc ấy, cô Nguyễn Thị Vinh, con gái độc nhất của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh qua đời ngay sau khi sinh bé gái đầu lòng. Bao nỗi buồn dồn dập đã khiến sức khỏe của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh lâm vào tình trạng suy kiệt và đôi mắt bà thường xuyên bị đau nhức. Theo lời khuyên của thầy thuốc, bà dẫn cháu ngoại về Ba Tri ở nhà em trai (Nguyễn Đình Chiêm) để điều trị, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, đôi mắt bà bị mù hẳn.
Từ đấy, bà kiên trì vượt qua tình cảnh cô đơn, mù lòa và bệnh tật, tiếp tục thể hiện rõ vai trò tích cực của phụ nữ trong xã hội; bà theo nghề cha dạy học, bốc thuốc, sáng tác thơ văn… Năm 1922, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh qua đời tại Ba Tri, Bến Tre, nơi bà đưa cháu ngoại về tá túc cùng người em trai, thọ 57 tuổi,(58 tuổi Ta).

Trích trong Almanac Người Mẹ và Phái Đẹp- Nhà xuất Bản Hà Nội- 1990
Nhiều nguồn tài liệu đưa ra thông tin khác nhau về ngày mất của bà. Bách Khoa Toàn Thư Việt nam ghi ngày tạ thế của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh là 20/01/1921, một số tư liệu khác cho rằng bà mất vào ngày 12 tháng 2 năm 1922 năm Tân Dậu, căn cứ theo ngày tạ thế ghi trên bia mộ của bà. Tuy nhiên, cho đến nay không có nghiên cứu chính thức nào giải thích về sự khác biệt này.

Ô bịt vàng ròng vẫn tiếng ô.”
Sương Nguyệt Anh –


Hình do Hải Yến chụp ngày 30 tháng 11 năm 2020
Người viết nhờ cháu Hải Yến, hiện sống tại Mỹ Thạnh, Bến Tre đến khu di tích mộ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, cùng trong khu mộ của thi hào Nguyễn Đình Chiểu và cụ bà Lê Thị Điền ở Ba Tri, Bến Tre, để tìm rõ hư thực. Ngày 30 tháng 11 năm 2020, Hải Yến đến viếng mộ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh và hỏi những người ở trong khu di tích vì sao sử sách ghi bà tạ thế ngày 20 tháng 1 năm 1921 mà trong bia lại ghi ngày 2 tháng 12 năm 1922. Người trong khu di tích nói là ngày ghi trong sử sách là đúng nhất.
Để tránh nhầm lẫn, người viết xin tưởng niệm ngày giỗ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh là ngày hôm nay (20/01/1921). Nữ sĩ- nhà báo Sương Nguyệt Anh là một nữ trí thức tài hoa, đẹp người, đẹp nết. Bà là niềm hãnh diện của dân tộc Việt Nam và là tấm gương cao quý cho tất cả phụ nữ Việt noi theo.
Cung Thị Lan
Tài liệu tham khảo:
- https://www.thivien.net/S%C6%B0%C6%A1ng-Nguy%E1%BB%87t-Anh/author-EZqbUNxr59n6OiIilgqZPw- Nguồn: Quách Tấn, Nét bút giai nhân, NXB Hà Nội, 1977
- http://leminhquoc.vn/hoi-hoa/tu-lieu-le-minh-quoc/1699-nu-gioi-chung-to-bao-phu-nu-dau-tien-cua-bao-chi-viet-nam.html?showall=1
- https://nugioichung.com/bao-nu-gioi-chung/
- Almanac Người Mẹ và Phái Đẹp- Nhà xuất Bản Hà Nội- 1990