
Tiểu sử: Quê quán: Nhơn Ái, Phong Điền, Cần Thơ Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Cần Thơ Sang Mỹ từ năm 1992 Hiện định cư ở Maryland Cộng tác với các báo: Làng Văn (Canada), Đẹp, Trầm Hương, Kỷ Nguyên Mới, Tiền Phong, Thư Quán Bản Thảo, Đa Hiệu |
Tác phẩm đã xuất bản: 1. Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi 2. Từ Biệt 3. Từ Mẫu 4. Thâm Tình ![]() |






Còn Thương Lá Biếc Thèm nghe người nói một lần Những yêu thương cũ của phần đời xưa Hình như cho đến bây giờ Có gì u uẩn, người chưa tỏ bày Thì thôi hãy ngồi xuống đây Nói đi cho cạn những ngày khổ đau Em đây: hương nhạt, hồn sầu Có gì đáng bận lòng nhau cả đời ! Dẫu là người nói cho vui Lời không thật. Cũng tạ người. Thâm ân Cho em một chút ân cần Chút vui trễ muộn. Chút tần ngần khuya Chút gì như núi sông chia Như hoa tàn rụng, lá lìa cành thu Chút gì, tịch mịch hoang vu Mà lay động cả hồn mù mịt xưa Nghe chừng thuở ấy chưa qua Sắc hoa tím cũ trên tà áo thơ Tóc dài buông mượt lầu hoa Đường không vạn dặm mà ra nghìn trùng Chiều ai thả khói mông lung Chiều ta mòn mỏi ngóng từng bóng qua Mấy con đường, có bao xa Mà nghe cả một Ngân Hà cách chia! Thôi thì người hãy nói đi Ba mươi năm ấy, giữ gì trong tim? Vì đâu chẳng thể nguôi quên Vì đâu ôm mãi niềm hoài vọng câm Một đi là đã trăm năm Ái ân chi cũng một lần đó thôi! Giữ cho nguyên nỗi ngậm ngùi Càng thêm chua xót cho người long đong Tiếc thay! khi hiểu được lòng Là hoa kia đã theo dòng nước trôi Ba mươi năm đã qua rồi Biết bao đất lở, sông bồi. Tang thương Biển xưa dâu đã đầy nương Giấc tan Hồ Điệp, còn vương mộng vàng Đã bao năm tháng thu tàn Còn thương lá biếc những hàng cây xưa Thương người đao phủ ngây thơ Nhát dao vô ý, đâu ngờ mạng chung Chuyện xưa nhắc lại mủi lòng Giá như tro cũ ta đừng bới lên Dẫu gì nắng cũng qua hiên Dẫu gì đời cũng đôi miền trần ai Thì đi cho hết kiếp này Mặc cho hệ lụy đã đầy vai mang Một lời như thể giải oan Không thôi sầu tủi chắc ngàn đời vương Nhưng sao dường ngậm ngùi hơn Phải chi không biết, chắc còn bình an Bây giờ khói cũ mang mang Bũa ta ngọn sóng của tràng giang xưa Chuyện lòng nhắc nhở thuở ngây thơ Ngó nhau đầu bạc, buồn ngơ ngẩn buồn Lãm Thuý |
Bài Thơ Pha Lệ Kính Tặng Từ Phụ Khi xưa mất Mẹ, còn Cha Giờ Cha cũng khuất, bao la cõi sầu Con về nhà cũ còn đâu Nền xưa, biệt thự trắng màu đèn soi Chao ôi! lộng lẫy tuyệt vời Mà sao nghe tủi, bùi ngùi gì đâu! Song song hai nấm mồ cao Là đây cốt nhục đã vào hư vô Nay con về lại bơ vơ Mẹ cha yên nghỉ, lệ mờ tiếc thương Nhớ ngày gần gũi vấn vương Nuôi Cha bệnh viện, tưởng còn trông mong Ngờ đâu thuyền đã xuôi dòng Tử sinh như mộng. Đời không khứ hồi Tiếc thương rộng cả một trời Cũng đâu níu được bóng người thân yêu! Bài thơ pha lệ ít nhiều Kính dâng Từ phụ vạn điều thiết tha Ngàn đời ghi tạc bóng Cha Ân sâu, nghĩa nặng Không nhòa Không phai Lãm Thúy |
Mẹ Ơi Vĩnh Biệt Mẹ ơi, con về không kịp Giấc dài mẹ đã hôn mê Ðôi mắt thân yêu đã khép Mẹ đâu hay biết con về! Con đi đầu non, cuối bể Mấy mươi năm, mẹ vẫn chờ Giờ sao lạnh lùng quá thể Gọi hoài, mẹ vẫn trơ trơ! Mẹ ơi, lòng đau như cắt Chuyến phà đêm chở xác về Có một tinh cầu vừa tắt Lạnh lùng sông chảy dòng khuya… Sáng nay, người ta khâm liệm Áo quan đóng nắp lại rồi Từ đây muôn đời, vĩnh viễn Ðâu còn thấy nữa, Mẹ ơi! Thân xác vùi trong lòng đất Mẹ nằm giữa một đồi hoa Mẹ ơi, mộ vừa mới lấp Từ đây đất lạnh là nhà! Từ đây tuyệt vô hy vọng Quê hương mất dấu thiên đường Mẹ mang theo niềm vui sống Lấp cùng dưới đáy mồ chôn! Mẹ ơi, xác thân yêu dấu Vùi trong đất lạnh đời đời Hồn con không nơi nương náu Biết tìm đâu nữa, Mẹ ơi! Lặng nhìn bàn thờ nghi ngút Di ảnh mờ trong khói hương Thấm nỗi đau buồn tang tóc Còn gì mà tiếc, mà thương! Mẹ ơi, tử sinh chia biệt Một lần cho đến thiên thu Nghĩa là muôn đời, muôn kiếp Hết mong gặp Mẹ nhân từ! Lãm Thuý |
Lãm Thúy Nhắn gì trong ca dao ( Ngựa hồng đã có tri âm Cổ tay đã có người cầm thì thôi ) ( Ca dao ) Nhắn gì trong ấy _ ca dao Thì thôi để lỡ đời nhau _ muộn màng! Ngựa hồng đã buộc yên cương Thiết hài đã chặn những đường quanh co Qua sông, trễ một chuyến đò Thì thiên thu cũng đôi bờ nhân duyên Đôi ta, tình chẳng ước nguyền Tóc tơ chẳng hẹn, đời riêng đã đành Có gì đâu để điêu linh Chỉ là bất chợt đồng thanh…tương cầu Chỉ là chung một cõi sầu Phân vân chẳng biết vì sao nợ nần Vì sao vương vấn, bâng khuâng Hỏi lòng trăm bận, trăm lần u mê! Hình như lâu lắm, chưa hề Trái tim ta được vỗ về, nâng niu Đắng cay, tan nát đã nhiều Đời vô vọng chẳng mang điều ước mong Lâu rồi, từ thuở thanh xuân Hình như cũng có đôi lần đắm say Chút tình hư ảo như mây Bay qua, để khoảng trời đầy tiếc thương Khi đời dâu bể, tai ương Những mơ mộng cũng vùi chôn lâu rồi Từ tang tóc phủ lên đời Ta đâu còn biết niềm vui là gì Hoa tàn, hương mật phai đi Trái tim nguội lạnh, xuân thì mù tăm Cổ tay dù có người cầm Đời ta cũng đến trăm năm muộn phiền. Lãm Thúy |
Kỷ niệm của Lãm Thuý với nhà thơ tài hoa Phạm Ngọc Lư VỀ THĂM PHẠM NGỌC LƯ Ta về thăm Phạm Ngọc Lư Thấy trong tao ngộ dường như bẽ bàng Đường chiều mưa ướt lối sang Tâm tư trĩu nặng như ngàn cân treo Duyên Thơ, tình cũng ít nhiều Xót lòng ngó dáng Anh tiều tụy sao! Hồn không ai dập mà đau Tâm nào có ai vùi đâu, nát nhừ! Siết tay nhau, nói giã từ Mà lòng thắt thẻo buồn như cuối cùng! Trời mưa qua suối, qua rừng Qua đèo qua dốc rưng rưng nỗi niềm Chút gì ứ nghẹn trong tim Nguyện cầu còn được gặp thêm đôi lần! Khi về dạ cứ tần ngần Lẽ nào đầu bạc thi nhân chẳng chờ? Lãm Thúy Đà Nẵng, 2016 Lãm Thúy viết bài thơ này khi từ Hoa Kỳ về Việt Nam cùng nhà thơ Viêm Tịnh vào Đà Nẵng thăm Phạm Ngọc Lư đang còn điều trị trong bệnh viện. |
Cảm Xúc Cứ như là thuở ban đầu Khi ta đứng nép vào nhau. Chụp hình Chạm nhau rất khẻ. Vô tình Mà trong tim – máu vỡ thành tiếng ngân Nghe chừng nắng rọi đầy sân Như xưa dại dột. Có lần… Ồ ! Không… Lâu rồi, ai nhớ mà mong Ai thương mà đợi. Ai trông mà về ! Lạnh lùng như thuở xưa đi Không dưng gặp lại . Chẳng vì ước mơ Thực ra. Chỉ tại tình cờ Nói chi như thể tình xưa vẫn nồng Nhớ làm chi một bờ sông Buổi đưa tiển ấy. Nhắc. Lòng còn đau Không thương sao nhỏ lệ sầu Không thương sao để vì nhau mỏi mòn? Có người tóc bạc. lòng son Đã thành quá vãng vẫn còn bâng khuâng Nói gì như mấy mươi năm Nỗi rung động ấy vẫn thầm trong ta Nhắc gì tóc chải năm xưa Soi gương chung bóng còn chưa quên người Nhớ chi cho tội một đời Đã muôn trùng vậy, ngậm ngùi mà chi! Nói gì trong mắt ngày đi? Tay còn chưa chạm, đường thì xa xôi Người về nhớ nữa hay thôi Ta sang bên ấy, một trời hoài mong Lãm Thúy |
MỪNG MẸ LỄ NÀY Biết rồi Mẹ cũng phải đi Lá vàng thì rụng, buồn chi cũng đành Mà trong mộng cũng giật mình Sợ hoa hồng thắm đổi thành hoa tang! Ngày xa mỗi lúc một gần Biết ai níu được thời gian lại giùm Nào ai quét sạch lá rừng Nào ai van gió cho đừng rung cây. Mẹ rồi như cánh hạc bay Khuất nơi vô tận, nhớ- đầy hồn con Mẹ đi như nước xa nguồn Xuôi ra biển rộng, bờ thương rạt rào Mỗi ngày, sức Mẹ mòn hao Dầu khô, bấc lụn, con đau lòng nhìn Chín cây , lắt lẻo trên cành Gió ơi ! Nhẹ bớt. Mỏng manh kiếp người! Mỗi ngày đếm tấm lịch rơi Cầu sao cho Mẹ sống đời, ở đây Năm nay mừng Mẹ lễ này Năm sau đâu chắc còn ngày vui chung! Thương kính tặng chị Mã Tuyết Khanh với niềm cảm thông sâu sắc. Lãm Thúy 11/5/07 |
Chúc Xuân Người chúc ta vạn điều như ý Muốn gì cũng được tuổi tân niên Nào ta có ước chi quyền quý Chỉ muốn song thân sống hiện tiền Muốn đứa con yêu còn thơ dại Suốt ngày quanh quẩn cạnh chân ta Muốn ngôi nhà cũ thời xưa ấy Nắng soi, mưa dột, sống chan hòa Muốn bờ sông cũ, gốc me già Năm tháng xin đừng _ Chớ vội qua Để đàn em nhỏ hoài thơ dại Rau cháo mà vui. Tình thiết tha Muốn sống bên nhau dẫu đói nghèo Lưới chài vất vả buổi gieo neo Mà sao đầm ấm, thân yêu quá Rộn tiếng cười vui những sớm chiều Muốn người em gái kia đừng lớn Đừng vội lấy chồng bỏ xóm quê Để rồi một buổi mưa buồn lắm Có chiếc xe tang chở xác về! Muốn Cha thơ thẩn trong vườn cũ Ngắm trái, thăm hoa, bước nhẹ nhàng Em ta chưa vội về thiên cổ Cùng tưới vườn khuya ngập ánh trăng Muốn ta không phải sống tha phương Vẫn dạy nơi kia dưới mái trường Sớm tối đi về chân nhịp bước Hàng cây xanh lá rợp con đường Muốn Mẹ còn kia, sớm quét sân Âm vang tiếng chổi vẫn nghe gần Nhớ ra thiên cổ người đi biệt Suối lệ chan hòa câu chúc Xuân Lãm Thúy |
CUỐI NĂM MÀ CHẲNG THẤY XUÂN Mười năm qua vội như chiêm bao Mẹ bỏ con đi tự tối nào Ôi! Chuyến phà đêm về chở xác Còn mãi trong tim nỗi nghẹn ngào Con nhớ lần ly biệt cuối cùng Đò dọc neo chờ ở bến sông Mẹ ngồi một góc nhà hiu quạnh Không khóc mà thương cảm lạ lùng! Con xuống đò đi, lại trở lên Mẹ hỏi có gì con bỏ quên Rằng quên ôm mẹ thêm lần nữa Ôi! Nghẹn ngào,Đau xót mông mênh Giây phút rời đi, lòng tái tê Niềm đau thắt ruột, lệ đầm đìa Lần đó coi như lần vĩnh biệt Con về lần nữa mẹ hôn mê! Hẹn mẹ về ăn tết cùng nhau Mà xuân từ đó chỉ Xuân sầu Mẹ đi thế giới thành hiu quạnh Đời có bao giờ vui nữa đâu! Mười năm mà lệ có vơi đâu Chất chứa bao nhiêu nỗi thảm sầu Nhớ mẹ nhiều khi như đứt ruột Tiếc đời như mộng đã qua mau! Nhớ mẹ thương sao thuở đói nghèo Một mình vai mẹ gánh gieo neo Mẹ về thiên cổ, nay sung túc Xót mẹ gian lao thuở chống chèo Trời cuối năm rồi, chẳng thấy xuân Chỉ còn tưởng nhớ, chỉ rưng rưng Tuyết rơi thêm lạnh trời đông bắc Nhớ xót xa lòng mẹ biết không? 11/2/2021 LÃM THUÝ |
Biết đổi gì đây? Con biết đổi gì để được nghe Những lời Mẹ nói lúc đêm khuya Khi con về lại căn nhà cũ Rộn ràng Mẹ dậy, nỗi mừng chia Biết đổi gì quay ngược thời gian Để được ôm thêm Mẹ một lần Nói con thương Mẹ thêm lần nữa (Những lời đã nói suốt nhiều năm!) Biết đổi gì có Mẹ một ngày Để thương từng phút, tiếc từng giây Cận kề bên Mẹ cho lòng thoả (Ôi! Có bao giờ thoả được đây!) Biết đổi gì cho một sát na Được cùng Mẹ nói tiếng chia xa Chắc câu vĩnh biệt đau lòng lắm Sao nói cho cùng nỗi thiết tha? Dốc cả lòng cho Mẹ được vui Chẳng còn chi để tiếc trong đời Mà con vẫn muốn dài thêm nữa Khoảng đời có Mẹ, Mẹ yêu ơi! Ăn chẳng còn ngon, sống chẳng vui Ngẩn ngơ từ lúc Mẹ qua đời Mắt không khô lệ, lòng cay đắng Nghe trái tim mòn đau, tả tơi! Con trải niềm đau khắp thế gian Để ai còn Mẹ hiểu cho rằng Họ có một gia tài quý giá Chớ để Mẹ buồn đau, tủi thân! Xin hãy làm cho Mẹ được vui Tặng Mẹ hân hoan những nụ cười Hãy yêu thương Mẹ, nâng niu Mẹ Chớ để bao giờ lệ Mẹ rơi! Hãy về ôm Mẹ giữa vòng tay Để thấy lòng dâng hạnh phúc đầy Rồi xót cho bao người bất hạnh Không còn có Mẹ để vui vầy! Ta gửi người thông điệp thiết tha Những ai còn Mẹ với còn cha Giữ gìn báu vật kia, người nhé! Đời chẳng dài đâu. Xin hiểu ra! Lãm Thúy |
BUỒN TRONG NGÀY LỄ MẸ Năm kia đến ngày lễ Mẹ Gom chung sinh nhật một lần Con tặng món quà nhỏ bé Mang trái tim con ân cần Trong trái mãng cầu màu tím Chiếc nhẫn kim cương sáng ngời Mẹ chợt nghe lòng chết lịm Chẳng vì quí giá mà vui. Món quà như lời trăn trối Sợ không còn dịp tỏ bày Sợ không còn nhiêù cơ hội Trao tình mẫu tử qua tay! Năm rồi, bệnh tình tái phát Con nằm liệt chiếu, liệt giường Còn thiết chi ngày sinh nhật Với ngày Mẫu Tử yêu thương. Năm nay, Con về thiên cổ Rưng rưng lễ Mẹ ngậm ngùi Đời đã dập vùi bão tố Lễ gì cũng hết còn vui ! Nhớ con trong ngày lễ Mẹ Con xa, có hướng tâm về? Hương thắp bàn thờ con trẻ Gọi con. Nước mắt đầm đìa. Lãm Thuý 8/5/05 |
MỪNG MẸ LỄ NÀY Biết rồi Mẹ cũng phải đi Lá vàng thì rụng, buồn chi cũng đành Mà trong mộng cũng giật mình Sợ hoa hồng thắm đổi thành hoa tang ! Ngày xa mỗi lúc một gần Biết ai níu được thời gian lại giùm Nào ai quét sạch lá rừng Nào ai van gió cho đừng rung cây . Mẹ rồi như cánh hạc bay Khuất nơi vô tận, nhớ- đầy hồn con Mẹ đi như nước xa nguồn Xuôi ra biển rộng , bờ thương rạt rào Mỗi ngày, sức Mẹ mòn hao Dầu khô, bấc lụn, con đau lòng nhìn Chín cây, lắt lẻo trên cành Gió ơi! Nhẹ bớt. Mỏng manh kiếp người ! Mỗi ngày đếm tấm lịch rơi Cầu sao cho Mẹ sống đời, ở đây Năm nay mừng Mẹ lễ này Năm sau đâu chắc còn ngày vui chung ! Lãm Thuý |
HỆ LỤY CỦA NGÀY 30-4 TRONG THƠ LÃM THÚY Lãm Thúy “ Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ! “ Câu thơ bất hủ ấy, chinh phụ nào không biết, ngay cả nhà thơ Hữu Loan cũng còn viết: Lấy chồng đời chiến binh Mấy người đi trở lại ? Bởi vậy, khi chấp nhận làm người chinh phụ, Lãm Thuý đã chuẩn bị sẵn cho mình những tình huống’ đau thương: Nếu Anh chết khi chúng mình chưa cưới Em mang thân đi phục vụ cho đời Dạy học trò: “Quê hương mình lửa khói Các em lớn lên nối lại tình người .” Nếu Anh chết khi chúng mình mới cưới Cho em xin một viên đạn chung tình Dù với Mẹ Cha – Em thành trọng tội Với đàn em – Không trọn nợ gia đình ! Nếu Anh chết khi con chưa chào đời Em sẽ nén lòng nuốt lệ làm vui Nói với con thơ còn trong bụng mẹ: “Chưa biết Cha – Con đã mất cha rồi !” Nếú Anh chết khi con còn trong nôi Em sẽ buồn đau đê’n suốt kiê’p người Nhưng còn có con, là còn lẽ sống Nó như hiện thân của kẻ qua đời Chiến trường giết dần những người tuổi trẻ Súng đạn còn hơn định mệnh khắt khe Nếu phải bỏ lại một phần thân thể Em vẫn thiết tha mong đón Anh về . Vậy mà Lãm Thuý đã lầm, những người chiến sĩ ấy không chết giữa sa trường mà bị đày đoạ trong chốn ngục tù đói lạnh, để người vợ trẻ mòn mỏi trong nỗi nhớ thương, đau xót: Từ ta thôi mặc áo len Để cơn lạnh nhắc đừng quên có người: Aó không đủ ấm đêm dài Cơm không no dạ những ngày lao lung … Những người đàn bà trẻ ấy mới hơn hai mươi tuổi, lòng đầy mộng mơ, cơn quốc biến cuốn người chồng đi vào nơi rừng sâu núi thẳm, tù ngục đoạ đày, để lại đám con thơ. Nàng vừa nuôi con, vừa nuôi chồng, vừa chịu đựng nỗi cô đơn, vừa chống chọi với những nỗi cám dỗ. Đêm đêm nằm nghe thanh xuân trôi đi …: Dẫu không thể chờ nhau mà hoá đá Thì mười năm đâu phải chỉ vài đêm Bao nhan sắc cùng thanh xuân tàn tạ Lòng xót xa từng buổi nắng qua thềm ! Thời gian nào mà chẳng vô tình với nhan sắc của phụ nữ, cho nên: Dẫu chưa bạc tóc thề xưa óng mượt Nhưng thời gian đâu phải chẳng vô tình Những năm tháng cách xa và chờ đợi Chắt cạn đời ta trọn vẹn xuân xanh ! Chờ đợi, chờ đợi trong vô vọng, không mong có ngày về, không mong còn tương phùng, thế nhưng vẫn chờ vì dù thân phận đàn bà, chẳng biết gì về chính kiến, nhưng có một điều những “NGỤC PHỤ” ấy không bao giờ quên. Đó là chồng nàng chiến đấu cho lý tưởng QUỐC GIA và nàng đứng cùng chồng trên một chiến tuyến. Cũng chính lý do đó, khi đang dạy học dưới mái trường “Xã hội chủ nghĩa”, Lãm Thuý_dù sức yếu thế cô, bị tru` dập phũ phàng vì lý lịch, cũng đã đứng lên hùng dũng đính chính rằng: “Chồng tôi bị bắt ngoài mặt trận, chồng tôi là TÙ BINH chứ không phải HÀNG BINH !” Và người cô phụ ấy luôn luôn nghĩ về nỗi đói’ lạnh, nỗi đoạ đày cuả chồng mình: Chăn chiếu vô tình không đủ ấm Làm sao chia bớt lạnh phương Người ? Thay chồng để nuôi dạy con thơ, người đàn bà nhiều lúc quá yêú mềm, không đủ uy dũng để làm cho con nghe lời, đã phải giả lời nhắn nhủ cuả chồng để dạy con ngoan hơn: Con ơi ! Con ở lại nhà Nghe lời Mẹ dạy, cho Cha vui lòng Cha đi cách núi, xa sông Nói con Thuý Trúc nó không có lỳ Cha đi, mai mốt Cha vê` Mua bánh, aó đẹp đủ đầy cho con. Vậy mà có kết quả mới hay chư’ ! Rồi thì “Cách Mạng” cũng “Khoan hồng”, trả người về. Nhưng đó hoàn toàn là một người mới. Con ngươi` mới này nếu không bệ rạc về thân xác thì cũng chán chường về tinh thần, không yếu đau bênh tật thì cũng ngơ ngẩn, yếm thế và ngườìvợ sau bao nhiêu năm daì thăm nuôi, chơ` đợi đã phải thất vọng mà than rằng: Có những lúc gặp nhau ta phải đổi Nghìn gian nan đường dịu vợi, sơn trường Hơn ai hết, ta tưởng mình sẽ hiểu Thế nào là giá trị của trùng hoan Nhưng cuộc sống những con người thất chí Sự moỉ mòn chai san. với đau thương Đã biến chúng ta thành người ích kỷ Và đánh mất đi những nỗi dịu dàng Chính cuộc sống chung đầy ngỡ ngàng ấy đã khiến ngươì vợ tự hỏi : Có thật lòng vẫn yêu như ngày cũ ? Rất ngọt ngào từng tiếng nói, bàn tay Hay ta đã tặng nhau nghìn thác lũ Những đắng cay, hằn học của cuộc đời ? Và rồi nàng chợt hiểu: Hệ lụy cuả ngày 30-4, hệ luỵ của cuộc đổi đời là trùng trùng đổ nát, tang thương. Đổ vỡ tận tâm hồn ! Rồi đến cuộc tái định cư sang Hoa Kỳ, thêm một cuộc đổi đời nữa, lần này thì xa lắc, xa lơ. Nỗi hệ lụy vươn dài cánh tay bi đát. Người Anh hùng xưa, với tháng năm đoạ đày.với niềm đau tủi khôn nguôi của kẻ chiến bại, với lòng ngao ngán, chán chường, dường như không thể nào thích ứng được với cuộc sống mới, người vợ, thay vi` là người được bảo bọc, che chở, lại phải cố gắng biến mình thành vững mạnh, một sức mạnh mà mình không hề có, để nâng đỡ cho chồng, nương nhau mà sống qua những năm tháng khó khăn, lạ lẫm giữa xứ người bơ vơ: Em biết Anh nhiều đêm không ngủ Giấc mơ còn đói lạnh, gian nguy Em biết Anh xứ người thua thiệt Sống như người câm điếc mà đi ! Em biết Anh một đời bất toại Anh hùng mạt lộ đứng chôn chân Công danh, lý tưởng thành mây khói Tâm sầu bạch phát, hận muôn năm Chính sự cảm thông sâu sắc ấy làm trái tim người vợ xót xa vô hạn : Em nghĩ trên đời này nếu có Một người cảm hiểu được hồn Anh Thì em chắc hẳn là người đó Thương Anh đến xót cả tim mình ! Em muốn làm sao bù đắp lại Những gì Anh để mất trong đờì (Mười năm cô phụ sầu tê tái Trái tim em cũng héo khô rồi ! ) Nhưng cái hệ lụy đau thương ấy bi thảm ở chỗ nó làm cho mọi thứ trở thành khô héo, lạnh lùng, chai sạn: Mà khổ nỗi lòng em nguội tắt Tấm thân khô giờ cũng mỏi mòn Ngọn lửa cũ đã không còn thắp Trái tim buồn nhịp đập héo hon ! Em nói đây thay lời tạ lỗi Đã vô tình làm tủi buồn Anh Biết làm sao khi lòng đã nguội Đêm xuân tàn đã lạnh gối chăn ! Sống với những đa đoan hệ lụy, những cay đắng ngậm ngùi như vậy, nơi mà: Quanh đi quẩn lại bốn bề người dưng thực cuộc sống cũng chẳng biết lấy chi gọi bằng thú vị. Xa quê hương, như đàn chim thiên di, bỏ lại quê nhà có cha mẹ già mong đợi, có bầy em nhỏ ngóng trông: Ta bỏ đời giông bão Bay tìm trời tự do Bỏ quê nghèo nương náu Khói lam vương giọng hò Cha mẹ già mong đợi Đàn em thơ mong chờ Chán đời ra nông nổi Bỏ thâm tình bơ vơ Nỗi đau xót, nhớ thương ấy biết làm sao nói hết. Đó là nỗi ước mơ: Cuối một đời luân lạc Ta lại về quê xưa Như thuở còn ấu thơ Vùi trong lòng từ mẫu Hay đó là niềm lo sợ khôn nguôi: Tưởng tượng một ngày con trở lại Không còn Mẹ đợi bến sông xưa Trước ngõ, bùi ngùi con đứng mãi Nghe lạnh trường giang tiếng gió lùa Hay là sự ám ảnh thường xuyên: Tưởng tượng con quì bên mộ vắng Lòng đau khôn tả, lệ như mưa Mơ hồ nghe lá âm thầm rụng Lặng người con tưởng bước chân xưa Cũng chính bởi sống cuộc đời lưu lạc tha hương, nên niềm hướng vọng quê nghèo thật quá đổi thiết tha, nồng ấm: Xin gửi qua giùm chút nắng Xuân Bên này đã lạnh thuở thu phân Bây giờ trời đất tràn băng giá Không biết làm sao để ấm lòng?… Và có lẽ nỗi nhớ quê quá mãnh liệt, nên lòng có sự bất công chăng? Gió Bấc quê mình – Lạnh dễ thương Có đâu tàn nhẫn – Sắc như gươm Hay là ta vốn luôn thiên vị Bạc lòng nguyền rủa gió tha hương? Không biết nữa, chỉ biết nhớ quá, nhớ đến quặn lòng: Nhớ gửi giùm qua: Âm vang Xuân Tiếng Mẹ cười rung tối cuối năm Nghìn phương thực chẳng hề mơ ước Quê nghèo một hướng nhớ rưng rưng. Nói làm sao cho hết niềm nhớ thương. Ca dao có câu: Chiều chiều ra đứng ngõ sau Trông về quê Mẹ, ruột đau chin chiều Lãm Thuý, sống xứ người, nhà không có ngõ sau, nên: Quê hương ngàn dặm còn xa Ngõ sau không thấy, nhớ nhà đứng đâu? Đỗ Quyên khản giọng kêu sầu Những hồn ứa máu còn thâu đêm chờ Và dù không có ngõ sau, nỗi nhớ cũng chin chiều đau tủi: Chín chiều đau khúc phân ly Bờ sông, cố quận, trời chia nghìn trùng … Như thế, niềm hệ lụy vẫn rộng khắp, khôn cùng: Vẫn là ta – với riêng ta Nói – Hay không nói – Cũng là vậy thôi Đành thôi. Xứ lạ, quê người Xót thân lưu lạc, lệ ngùi đêm Xuân ! Nỗi nhớ âý không đo, không lường, không biên giới: Vô cùng, vô tận, vô biên Nỗi thương nhớ gửi về em, quê nhà Nhớ quá, cả những điều rất nhỏ nhặt, rất tầm thường : Còn xanh lá những con đường Hoa cau, hoa bưởi sau vườn còn thơm? Con đò neo bến chiều hôm Còn nghe tiếng gọi bên vàm sông xưa? Vậy đó, nhớ cả những điều không đáng nhớ, có khi chỉ là tiếng gió lùa : Người có nghe buồn tiếng gió qua? Chốn đây phòng kín, gió không luà Vậy mà đôi lúc ta nghe rõ Tiếng gió reo buồn vọng cõi xưa ! Trong cõi nhớ mênh mông đó, có ngươì cha già bên vườn Cam hoa nở trắng : Ta nhớ vườn xưa hoa nở trắng Chiều thơm ngây ngất dịu hương Cam Cha ta thơ thẩn qua từng nhánh Gõ nhẹ cho rơi những cánh tàn Sống giữa đời bon chen, vật chất, nhiều khi thèm một chút hương quê : Dẫu về không kịp mùa hoa nở Vườn xưa còn trắng đến thiên thu Ở đây đời sống bon chen quá Ta thèm về lại góc vườn xưa Năm tháng đã qua đi, bỗng giật mình nhớ lại : Thương cha tuổi bảy mươi rồi, Hiểu câu tóc bạc, da mồi mà đau … Nhớ, thèm,…dù chỉ là một tiếng gáy gà trưa, dù chỉ là một câu Mẹ hát, dù chỉ là một lời vu vơ cha nói: Thèm nghe tiếng gáy gà trưa Thèm nghe Mẹ hát ầu-ơ ví dầu Thèm nghe cha nói vài câu … Nỗi mơ ước thường xuyên đeo đuổi, làm mình tưởng như mọi thứ vẫn còn nguyên đó : Những bông hoa tím trong vườn cũ Nở từ dạo đó đến nay chăng? Ở giữa hôm nay và quá khứ Dường như chẳng có mấy mươi năm Và thương nhớ những đoá hoa tím trong vườn xưa, là thương nhớ nhà cũ, bờ sông, là nhớ Mẹ, nhớ Cha, nhớ em … Vẫn tưởng như ta còn ở đó Sông chiều ráng nhuộm tím hoàng hôn Và: Dường như ta chẳng hề đi khỏi Vẫn ở nhà xưa mái lá nghèo Mẹ quét sân chiều vang tiếng chổi Đàn em cười nói điệu vui reo Cứ tưởng chỉ cần ta gọi khẽ Vẫn tiếng thân yêu Mẹ đáp lời Chao ôi ! Cách biệt nhau là thế Nhớ xót xa lòng quá, Mẹ ơi ! Xa xôi quá, xa đến nỗi đứa em gái qua đời cũng không kịp về vuốt mắt : Chị không về bởi mịt mù Mà em đi vội không từ tạ nhau Để rồi lòng cứ hôí tiếc mãi : Cái giờ chị gọi nửa đêm Biết tin đất lạnh vùi em đời đời Lửa từ đâu dậy lửa ơi ! Tim ta cháy bỏng một trời đớn đau ! Cứ hối tiếc, cứ đớn đau như vậy và rồi đành phải tự an ủi mình : Cứ hối tiếc, cứ “Giá như …” Cũng không gọi được em về từ mộ sâu Vậy mà vẫn tiếc làm sao Giá như còn được với nhau một lần ! Nỗi hệ lụy của ngày 30 tháng 4 trải dài khắp quê hương đất nước, trên bao số phận con người, số phận của hàng triệu đồng bào bỏ xác ngoài biển Đông, trong đó có những chiến sĩ can trường, những giai nhân trinh liệt, những trẻ thơ vô tội,…: Hỡi ơi ! Chiến sĩ đời ngang dọc Tiếc chẳng phơi thây giữa chiến trường Máu chẳng nhuộm màu cờ tổ quốc Mà lại pha hồng sóng đại dương Đâu những hồn ngây thơ non dại Tay bạo tàn cũng đẩy ra khơi Những linh hồn nhỏ hồn nhiên ấy Đã bặt thiên thu những giọng cười ! Xương trắng đã vùi sâu lớp lớp Mà trang chiến sử máu còn hoen Ai nghe biển động ngoài sông nước Còn rền trong gió tiếng oan khiên ! Những cái chết đau thương oan khuất ấy, đã biến biển Đông thành một ngôi mộ khổng lồ, thành một THỦỶ MỘ QUAN , như tên gọi của nhà thơ Viên Linh : Ngậm ngùi trong Thủy Mộ Quan Có muôn dòng lệ chảy ngàn năm xưa Ở đó; Mơ hồ trong Thuỷ Mộ Quan Trùng trùng máu lệ mang mang hải tần Và : Những hồn ma dậy biển đông Trăng tàn thuỷ huyệt ngậm dòng thơ đau … Xưa người nát ngọc trầm châu Giờ kinh thiên địa nhịp cầu máu xương . Nói lên tất cả những hệ lụy ấy là bao tâm huyết đã đổ ra, là bao đớn đau đã trải, bao ngậm ngùi đã mang, Lãm Thuý thành tâm gửi đến quí thân hữu như một tiếng than ai oán khi nhớ về những kỷ niệm đau buồn chung của thân phận lưu vong. Xin chân thành đa tạ ông anh Dương Quân kính mến đã gợi ý cho Lãm Thúy viết bài này. LÃM THÚY Uploaded: May 02nd, 2007 |