LỊCH SỬ

Lịch sử Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại
Thành lập:  Ký giả Đạo Cù Trần Tam Tiệp,  Minh Đức Hoài Trinh,  Nguyên Sa  Trần Bích Lan

1978-1979: Chủ tịch Minh Đức Hoài Trinh   
1980-1983: Chủ tịch Nguyễn Văn Hảo
1984-1988: Chủ tịch Trần Thanh Hiệp
1989-1990: Chủ tịch Nguyễn Ngọc Ngạn
1991-1992: Chủ tịch Trang Châu Lê Văn Châu
1993-1995: Chủ tịch Viên Linh Nguyễn Nam
2001-2002: Chủ tịch Minh Đức Hoài Trinh
2003-2005: Chủ tịch Phạm Quang Trình
2008-2010: Chủ tịch Nguyễn Đăng Tuấn
2011-2017: Chủ tịch Vũ Văn Tùng
2018-2020: Chủ tịch Vịnh Thanh Dương Thành Lợi




_________________________ Ω ______________________________________________________________


1957:  Tiền thân của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Hội Bút Việt (sau đổi thành Văn Bút Việt Nam) được Đại Hội Đồng Văn Bút Quốc Tế (PEN International Congress) lần thứ 29 tại Tokyo thâu nhận.  Văn Bút Việt Nam chính thức có giấy phép hoạt động như một tổ chức văn hóa vào ngày 21-10-1957 tại Sài Gòn, Việt Nam Cộng Hòa.
Sau 30-4-1975 Văn Bút Việt Nam bị nhà nước CSVN khai tử.
 
Chủ tịch Vũ Hoàng Chương
(1916-1976)
Văn Bút Việt Nam hãnh diện có vị Chủ tịch trứ danh từ văn tài đến sĩ khí là Thi bá Vũ Hoàng Chương.  Chủ tịch Vũ Hoàng Chương đã từ chối lời đề nghị làm thơ ca tụng lãnh tụ CSVN cũng như công khai phê bình thơ của văn nô là “tiếng khóc tuyên truyền.”  Hà Nội bỏ tù Thi bá  Vũ Hoàng Chương vào ngày 13-4-1976.  Ông chỉ được CSVN thả khi nhiễm bạo bệnh nằm liệt giường.  Năm (5) ngày sau khi được phóng thích, Chủ tịch Vũ Hoàng Chương qua đời vào ngày 6-9-1976 tại Sài Gòn hưởng thọ 60 tuổi (1916-1976).  Người đã đi rồi, thác là thần phách nhưng khí tiết trung nghĩa mãi còn lưu danh.
 
1978:  Trước tình trạng đàn áp nhân quyền khốc liệt tại Việt Nam, vài cựu hội viên VBVN tị nạn tại Âu châu đứng đầu là Ký giả Đạo Cù Trần Tam Tiệp tích cực vận động tái lập Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Lưu Vong (sau này đổi thành Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) và chính thức ra mắt vào ngày 25-6-1978 tại Paris, Pháp quốc.  Vào năm sau (1979) Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại được Đại Hội Đồng Văn Bút Quốc Tế kỳ 44 thâu nhận.
Ký giả Đạo Cù Trần Tam Tiệp
(1928-2009)
Công tác của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại trong thập niên đầu chú trọng lên tiếng phản đối chính sách đàn áp nhân quyền của nhà nước Hà Nội và quyên góp gởi quà về trợ giúp văn nghệ sĩ bị bức hại tại Việt Nam. Văn hữu Trần Tam Tiệp đã kiên trì thực hiện công tác cứu trợ quan trọng này suốt nhiều năm; sau này một trong vài chục văn nghệ sĩ từng nhận quà của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại có tường thuật lại như sau:
“Tổng thư ký của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Trần Tam Tiệp có nhắn về là Hội có quyên góp được một ngân khoản của bà con nước ngoài, có thể dùng  khoản này để giúp các nhà văn nào đang đói rách ở quê nhà mỗi người một chút. Sau khi được một bạn văn cho địa chỉ, tôi viết thư cho Trần Tam Tiệp xin được giúp đỡ. .. Trần Tam Tiệp trả lời vui vẻ, nhận lại bạn bè và dĩ nhiên tôi bắt đầu nhận được những gói thuốc nhỏ, khoảng chừng 2 lbs. Ngoài tôi, khoảng 20 nhà văn nhà thơ khác cũng được tương trợ như vậy, trung bình mỗi người 2 gói. ..  khi ngân khoản của Hội đã cạn, anh (TTT) đã lấy tiền riêng gởi cho tôi hai lần nữa và hai lần này là những gói nặng ký hơn.  Chuyện Văn Bút hải ngoại tương trợ văn hữu quê nhà này, không một ai nghĩ rằng sau này sẽ bị coi như tội phản quốc và gián điệp cho ngoại bang cả. Bởi thế không ai che giấu gì nội vụ.” (Thế Uyên, 1988).
Đối diện nỗ lực quốc tế vận và công tác cứu trợ văn nghê sĩ bị bức hại của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, nhà nước CSVN lo ngại đến nỗi “Một chuyên án đấu tranh với hoạt động trên của Trần Tam Tiệp được xác lập .. dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Lãnh đạo Tổng cục An ninh và sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục và sự nỗ lực của Công an TP” (theo báo CAND của Hà Nội trong bài Kẻ “thọc gậy bánh xe”).
Trước khi thành lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, giới cầm bút Việt Nam sinh hoạt trong Trung Tâm Những Người Cầm Bút Tị Nạn (Writers in Exile) của PEN International chứ không có Trung tâm Văn Bút riêng cho văn thi sĩ Việt Nam.

Thông lệ hoạt động trong giai đoạn đầu của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Tổng Thư Ký phụ trách toàn diện và Chủ tịch chỉ phụ trách phương diện ngoại giao.  Vào lúc đó VBVNHN chưa có Điều Lệ hay Nội Qui do đó chỉ sinh hoạt theo thông lệ tự định hình do vai trò tích cực của Tổng Thư Ký Trần Tam Tiệp. 
‘Giai đoạn đầu, chủ tịch “Văn bút Việt Nam hải ngoại” đã 3 lần thay đổi (Minh Đức Hoài Trinh tới Nguyễn Văn Hảo, rồi Trần Thanh Hiệp). Song, vị trí Tổng thư ký vẫn chỉ một mình Trần Tam Tiệp.
Sở dĩ Trần Tam Tiệp được “Văn hữu hải ngoại” lúc đó tín nhiệm bởi mấy lý do sau:
– Cây bút Trần Tam Tiệp bỗng dưng nổi cộm nhờ mấy tờ báo gọi là “phương tiện” của tổ chức văn bút. Ở Pháp có tờ “Hồn Việt”, “Cách mạng Dân tộc”, “Con ong tị nạn”…; ở Mỹ có tờ “Nhân bản”, “Nhân chứng”… Trần Tam Tiệp “múa bút chống Cộng” với hàng chục bút danh như Đạo Cù, Tam Tê, Vịt Đực, Lê Kim, Mai Khuê, Trần Tiết Trực, Ánh Sáng, Trần Khánh Vân Châu, Võ Văn Anh, Kẹ Râu…
– Lý do thứ hai là nội dung các bài viết của Tiệp “đa dạng, phong phú, sống động”… khiến các “văn hữu” nể trọng mà hầu hết là những tin tức từ quê nhà, phản ánh cái gọi là “nỗi thống khổ của trí thức, văn nghệ sĩ và đồng bào quốc nội dưới chế độ Cộng sản hà khắc…”. Cố nhiên, nguồn cung cấp là những người “cùng hội cùng thuyền” từ trong nước gửi ra.’   (Kẻ “thọc gậy bánh xe”).

Ngoài công tác chính (cứu trợ) do VH Trần Tam Tiệp chịu trách nhiệm, VBVNHN hầu như không có sinh hoạt khác về lãnh vực đối ngoại hay đối nội (ngoài vài cuộc gặp gỡ văn thi hữu Việt Nam có tính cách cá nhân thăm viếng xã giao).         
Thông lệ hoạt động trong giai đoạn đầu không thể tiếp tục khi Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại phát triển ra khỏi khu vực Tây Âu (Paris) đến Bắc Mỹ do đó cần đến Điều Lệ và Nội Qui để phân định trách nhiệm rõ ràng.  Thông lệ Tổng Thư Ký phụ trách toàn diện và Chủ tịch chỉ phụ trách phương diện ngoại giao thay đổi trong nhiệm kỳ cûa Chủ tịch Trần Thanh Hiệp (1984-1988) với chủ trương năng động chỉ đạo và tích cực cống hiến trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại.
 
Chủ tịch Minh Đức Hoài Trinh
(1930-2017)
1978-1979:  Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh.  Chủ tịch Minh Đức Hoài Trinh tham dự Đại Hội Đồng VBQT kỳ 44 khi VBVNHN được thâu nhận trở thành một Trung Tâm Văn Bút (PEN Centre) chính thức.
 
Chủ tịch Nguyễn Văn Hảo
1980-1983:  Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Nhà văn Nguyễn Văn Hảo.  Văn hữu Nguyễn Văn Hảo là vị lãnh đạo có lòng công chính bất vụ lợi theo lời “bạn vong niên” Luật sư Trần Thanh Hiệp.

 Chủ tịch Trần Thanh Hiệp
1984-1988:  Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Nhà văn Trần Thanh Hiệp.  Luật sư Trần Thanh Hiệp đạt được hai thành quả cụ thể và quan trọng:
(A) hợp pháp hóa VBVNHN với giấy phép hoạt động như một tổ chức văn hóa; và
(B) phát triển VBVNHN ra khỏi khu vực Tây Âu (Paris).  Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại có thêm bốn Vùng lúc đó gọi là trung tâm: California (Viên Linh), Miền Đông (Nguyễn Ngọc Bích), Quebec (Trang Châu) và Ontario (Nguyễn Ngọc Ngạn).
 
 Chủ tịch Nguyễn Ngọc Ngạn
1989-1990:  Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.  Chủ tịch Nguyễn Ngọc Ngạn là Đệ Nhất MC và là tiểu thuyết gia có nhiều tác phẩm được hâm mộ tại hải ngoại.
Điều Lệ VBVNHN được thực hiện lần đầu trong Đại Hội VBVNHN kỳ II tại Montreal, Canada.  Đại Hội VBVNHN kỳ I tại Washington do Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích tổ chức vào năm 1988 để hợp thức hóa bốn Vùng VBVNHN tại Bắc Mỹ và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Ban Chấp Hành trong Đại Hội VBVNHN kỳ II vào năm 1989 qua phương thức Đại Biểu bỏ phiếu (mỗi Vùng có năm Đại Biểu).

Chủ tịch Trang Châu
1991-1992:  Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Nhà thơ Trang Châu.  Bác sĩ Lê Văn Châu (Trang Châu) đoạt giải Giải Nhất Văn Chương Toàn Quốc năm 1969 với bút ký Y Sĩ Tiền Tuyến.
Điều Lệ VBVNHN được tu chính gia tăng nhiệm kỳ của Ban Chấp Hành lên 3 năm theo đề nghị của Chủ tịch Trang Châu.
 
Chủ tịch Viên Linh
1993-1995:  Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Nhà thơ Viên Linh.  Chủ tịch Viên Linh Nguyễn Nam đoạt giải Giải Nhất Văn Chương Toàn Quốc năm 1974 với tiểu thuyết Gió Thấp.
 
1996-2000:  Sinh hoạt Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại lắng tịnh do Điều Lệ VBVNHN kém minh bạch.  Cựu Tổng Thư Ký Nguyễn Đức An – từng là thụ ủy liên danh ứng cử bên Chủ tịch Viên Linh – trở thành hội viên có công lớn nhất đã đóng góp tài chánh và sáng kiến cho nỗ lực phục hoạt VBVNHN qua Đại Hội kết hợp được ông tổ chức vào tháng 3/2000 tại Orlando để đề cử Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh trở thành chủ tịch lâm thời cho đến Đại Hội Tái Lập (Re-establishing Constitutional Convention) vào tháng 3/2001 tại Virginia.
Điều Lệ VBVNHN được tu chính với mục đích xác định các Vùng trong VBVNHN.
 
2001-2002:  Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh.
 
Chủ Tịch Phạm Quang Trình
2003-2005:  Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Nhà văn Phạm Quang Trình.
 
2006-2007:  Sinh hoạt Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại lắng tịnh do Điều Lệ VBVNHN thiếu tinh thần dân chủ trong việc bầu cử.  VBVNHN tu chính Điều Lệ cho phép hội viên VBVNHN được trực tiếp bầu Ban Chấp Hành VBVNHN thay vì phương pháp Đại Biểu đầu phiếu như trong quá khứ.  Đại Hội VBVNHN kỳ VII vào năm 2007 tu chính Điều Lệ nhưng không có bầu cử Ban Chấp Hành VBVNHN.
 
Chủ tịch Nguyễn Đăng Tuấn
2008-2010:  Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Nhà thơ Nguyễn Đăng Tuấn
Việc tu chính Điều Lệ VBVNHN được bàn luận gay gắt nhưng kết quả tu chính chỉ bổ sung Ủy Ban Định Chế với vai trò pháp giải và hòa giải.  Từ năm 2008 trở về sau Ban Chấp Hành VBVNHN được toàn thể hội viên trực tiếp bỏ  phiếu bầu thay vì phương pháp Đại Biểu đầu phiếu như trong quá khứ.
 
Chủ tịch Vũ Văn Tùng
2011-2017:  Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Nhà văn Vũ Văn Tùng.  Qua hai nhiệm kỳ Dược sĩ Vũ Văn Tùng đạt được hai thành quả cụ thể và quan trọng:
(A)  thực hiện đều đặn các đặc san VBVNHN phổ biến sáng tác của hội viên VBVNHN từ nhiều Vùng khác nhau, và
(B)  vận động thành công cho VBVNHN trở thành Charitable Foundation, quy chế pháp lý giá trị trong xã hội Hoa Kỳ.
 
Chủ tịch Vịnh Thanh
(Toronto 2018)
2018-2020:  Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Nhà văn Vịnh Thanh.   Luật sư Dương Thành Lợi (Vịnh Thanh) hoạt động xã hội từ thời sinh viên (sáng lập Tổng Hội SVVN Ontario) và giúp đỡ nhiều hội đoàn, tôn giáo, cứu trợ tị nạn, thâu thập tài liệu bảo vệ nạn nhân như mạng lưới dữ kiện formosavictims và là tác giả của bộ sử The Boat People: Imprints on History (Thuyền Nhân: Ấn Tích Lịch Sử) được giới nghiên cứu tham khảo viện dẫn.
Chủ tịch Vịnh Thanh gầy dựng Kỷ nguyên Thanh Lịch cho Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại với viễn kiến thực tế và kế hoạch khả thi:
(A)   Điều Lệ VBVNHN được tu chính nhằm (i) hiến định “biểu tượng tinh thần của hội viên VBVNHN là quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa được hiển dương nhằm vinh danh các quyền tự do căn bản trong đó có quyền tự do sáng tác của người cầm bút” và (ii) chấm dứt tình trạng tự tiện thâu nhận hội viên để tránh tệ nạn bất cẩn trong quá khứ.  
(B)  Chấm dứt tình trạng vi pháp và ngôn từ khiếm nhã trong khi đề cao thân tình quý báu giữa văn hữu hội viên qua sinh hoạt gắn bó như Vạn Nhật Thi Đồ – Dự án Nghìn Ngày.
(C)  Thực hiện văn đàn PENVietnam.org để “hiển dương những Tiếng Nói của Lương Tâm và các Tiếng Lòng Vang Vọng của người Việt Nam khắp thế giới”với chủ trương giới thiệu hội viên VBVNHN đa tài và các sáng tác đặc sắc trên toàn cầu cũng như lưu trữ vĩnh viễn cho thế hệ tương lai thưỡng lãm và nghiên cứu.
(D)Song song với công việc vận động bảo vệ nhân quyền cùng PEN International, tổ chức nhiều sinh hoạt nhằm tạo cơ hội cho văn thi hữu và thân hữu kết giao tri tâm như Tao Ngộ Bằng Hữu tại Orlando hay Trại Hè Văn Bút đầu tiên được Thị trưởng TP Houston Sylvester Turner tuyên dương ba ngày trại là “Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Days in Houston, Texas.”
(E)Gầy dựng niềm hãnh diện cho toàn thể hội viên VBVNHN qua các quan hệ song hành với chính quyền, các tổ chưc quốc tế và nhiều sinh hoạt quan trọng như Văn Bút Tao Đàn vào năm 2019 và Đại Hội Kỷ Niệm 40 Thành Lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại được tổ chức trang trọng tại Washington, D.C., vào ngày 31-3-2018.  Trưởng Ban Tổ Chức là VH Hồng Thủy, Đệ Nhất Phó Chủ tịch VBVNHN/Đông Bắc Hoa Kỳ.  Điều Hợp Viên là VH Nhất Hùng, Đệ Nhất Phó Chủ tịch VBVNHN.
Thủ hiến tỉnh bang Ontario Kathleen Wynne thay mặt chính quyền tỉnh bang đã gởi công văn chúc mừng Ban Chấp Hành Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại cũng như:
“Thay mặt Chính Quyền tỉnh bang Ontario, tôi … cảm ơn Ban Chấp Hành và hội viên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại về sự tận tụy bảo dưỡng những tiếng nói và các câu chuyện xuất chúng của cộng đồng Việt Nam.”  (“On behalf of the Government of Ontario, I .. thanks the Board and members of the Vietnamese Abroad PEN Centre for their contribution to nurturing the extraordinary voices and stories of our Vietnamese community”).

2020: Đại Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại kỳ XII sẽ được long trọng tổ chức tại Washington, D.C.  Luật sư Dương Thành Lợi xác nhận là sẽ không tái ứng cử Chủ tịch VBVNHN bởi vì Kỷ nguyên Thanh Lịch được gầy dựng thành công trường kỳ cho Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Chủ tịch Cung Thị Lan
( Hoa Thịnh Đốn)
2021- 2023:  Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là Nhà văn Cung Thị Lan.
– Điều hành trang website VietPEN https://vietpen.org/
– Thực hiện Văn Nhân Lục Anh Việt đầu tiên trong lịch sử Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.
– Cộng tác với Văn Bút Quốc Tế và Văn Bút Anh Quốc vân động tự do cho nhà văn Phạm Đoan Trang.
– Tham dự Hội Nghị Thường Niên của Uỷ Ban Nữ Văn Sĩ của Văn Bút Quốc Tế và Hội Nghị của Uỷ Ban các Nhà Văn Bị Cầm Tù của Văn Bút Quốc Tế.
– Tổ chức Đêm Thắp Nến cho các Văn thi sĩ bị Cầm Tù và Nạn Nhân COVID-19
– Tổ chức Tưởng Niệm 100 năm Ngày Giỗ của nữ nhà báo, chủ Bút Sương Nguyệt Anh.
– Tham dự Hội Nghị lần thứ 88 của Văn Bút Quốc Tế tại Thuỵ Điển.
– Ủng hộ và lên tiếng bênh vực các nhà văn, nhà báo bị cầm tù tại Việt Nam và trên Thế Giới.