Lửa Gần Rơm- Lê Thị Nhị

Lửa Gần Rơm 
Lê Thị Nhị
Bà Tâm chuẩn bị bữa cơm đón tiếp chàng rể tương lai tóc vàng mắt xanh với một tâm trạng không vui. Bà loay hoay trong bếp cả ngày nấu những món ăn mà chồng con thường ưa thích nhưng cuối cùng bà vẫn không vừa ý: soupe hơi mặn, thịt nướng hơi khô, chả giò thiếu tiêu…Bây giờ bà chỉ còn phải trang trí bàn tiệc cho đẹp mắt nữa là xong.
Đã từ lâu lắm, kể từ ngày Nhã Anh có bồ Mỹ, gia đình bà chưa có một ngày vui. Sự chống đối quyết liệt của ông Tâm khiến cho không khí trong gia đình lúc nào cũng nặng nề, khó thở. Có lúc, bà tưởng như bà đang sống trên miền Bắc Cực lạnh lẽo. Có lúc, bà tưởng như bà đang sống trong vùng Trung Đông hừng hực những mầm mống chiến tranh.
Nhã Anh thì đi về như một cái bóng và tìm cớ vắng nhà luôn. Ông Tâm thì vẻ mặt lúc nào cũng hầm hầm mỗi khi gặp hoặc nhắc tới con gái mình, nhất là lúc Nhã Anh có người yêu đến đón.
Mặc dù Nhã Anh và Bill đã yêu nhau hơn hai năm, nhưng hình như chưa lần nào ông Tâm nói chuyện hoặc nhìn thẳng vào mặt anh chàng tóc vàng mà con gái ông đã yêu mến. Đối với ông, việc con gái có bồ Mỹ là một điều đại vô phúc! Nhiều lúc ông đã gay gắt với con:
– Bước qua xác chết của bố rồi hãy lấy chồng Mỹ, con ạ.
Và cũng biết bao lần ông cằn nhằn vợ:
– Cũng chỉ tại em chiều con quá nên nó hư thân mất nết đi. Ở đây, con trai Việt Nam cả đống mà con gái cưng của em đi ôm một thằng Mỹ. Thật chẳng ra cái thể thống gì hết!
Bà Tâm cũng cảm thông với sự buồn bực của chồng nên chỉ nhỏ nhẹ nhận lỗi, một cái lỗi mà cả hai vợ chồng bà cùng có trách nhiệm:
– Thì cũng tại em bận làm ăn quá nên không có giờ gần gũi với con nên mới ra nông nỗi này. Em cũng giận con lắm, nhưng anh đã la mắng con nhiều rồi nên em phải nhẹ nhàng một chút đó thôi.
Bà Tâm nói vậy để cho vui lòng chồng, chứ thực ra bà cũng thấy việc con gái có bồ Mỹ là điều không thể tránh được. Bà bỗng thấy vợ chồng bà làm đầu tắt mặt tối để kiếm tiền cho Nhã Anh đi học trường tư là một điều sai lầm rất lớn. Vì ở các trường tư, ít có học sinh và sinh viên Việt Nam để cho con bà kết bạn, nói chi đến chuyện tìm chồng.
Tuy bà Tâm không như chồng ra mặt phản đối mối tình của con nhưng có lẽ bà buồn hơn ông gấp trăm lần. Mỗi khi nghĩ tới Nhã Anh lấy chồng Mỹ, bà lại sụt sùi khóc một mình. Thế là bà sẽ chẳng có cơ hội để yêu thương săn sóc những đứa cháu ngoại tương lai vì những đứa cháu tóc vàng mắt xanh sẽ vô cùng xa lạ với bà. Vợ chồng bà sẽ sống rất cô đơn nơi viện dưỡng lão với những cụ già đồng cảnh ngộ. Và điều bà lo lắng nhất vẫn là sự đổ vỡ sẽ đến với con vì sự khác biệt về văn hóa và người Mỹ có thói quen thay vợ đổi chồng như thay áo.
Nhiều lần Nhã Anh đã trấn an mẹ:
– Đâu phải vợ chồng Mỹ nào cũng bỏ nhau hả mẹ? Còn nói về khác biệt văn hóa con cũng không đồng ý. Trong con, có một tí văn hóa Việt Nam nào đâu? Con sống và suy nghĩ như một người Mỹ mà mẹ.
– Không phải thế đâu con! Dù con có nói tiếng Mỹ làu làu, dù con có sống và suy nghĩ như người Mỹ, con vẫn không thể là một người Mỹ được đâu. Sau này con sẽ thấy lời mẹ nói hôm nay là đúng.
Nhã Anh cười hì hì đáp lời mẹ:
– Sau này hãy hay, bây giờ mẹ cho con sống theo ý con thì mới hợp lý. Thời nay, đâu con cái cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nữa. Theo con, lấy người mình yêu và yêu mình là được rồi. Con không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo gì hết.
Ngoài mặt, bà Tâm cố giữ vẻ thân thiện với con, nhưng trong lòng, bà vẵn ngấm ngầm chống đối. Bà tụng kinh niệm Phật hằng ngày, cầu xin cho Nhã Anh dứt tình với anh chàng Mỹ và kiếm được một người chồng Việt Nam. Bà “âm mưu” sắp đặt những cuộc gặp gỡ các bạn trai Việt Nam cho Nhã Anh với một niềm hy vọng mong manh. Bà thường khuyên nhủ con:
– Con ơi! Con mới quen và thân với Bill thôi, có chắc đâu đó là tình yêu hay chỉ là thói quen? Theo ý mẹ, con nên thử quen biết thêm một vài người nữa, để con biết rõ lòng mình, con nhé.
– Mẹ ơi! Con hai mươi hai tuổi rồi. Con biết thế nào là tình yêu chứ. Hôm nọ, mẹ bắt con đi chơi với anh Dũng, con của bạn mẹ, con thấy không hợp chút nào hết. Có lẽ là con không có số lấy chồng Việt Nam. Thôi, mẹ đừng gán ghép con cho ai nữa.
– Mới gặp một lần làm sao con biết được là không hợp? Người Việt Nam tỏ tình một cách kín đáo, tế nhị chứ đâu có tối ngày nói “honey, darling, I love you” như người Mỹ đâu con.
– Tỏ tình kín đáo thì làm sao con biết được? Suốt buổi đi chơi với anh Dũng, anh ấy cứ lầm lầm, lì lì, lâu lâu mới nói được một hai câu. Nhẩy đầm với con thì anh ấy không tình tứ gì hết, chán chết!
– Đó mới là người đàng hoàng con ạ. Mới gặp mà đã xuồng xã thì chỉ là những người không đứng đắn.
– Con nói thật với mẹ, con đã quyết định lấy Bill rồi. Con mong mẹ hiểu cho con và năn nỉ bố giùm con.
– Thì dĩ nhiên mẹ hiểu con rồi. Mẹ vẫn năn nỉ bố đấy chứ. Nhưng bố chưa chịu thay đổi lập trường. Từ từ, thế nào rồi bố cũng chiều theo ý con mà.
– Bố cũng lạ thật! Con lấy chồng chứ bố có lấy chồng đâu mà bố lo. Bố làm con hết muốn ở nhà.
Khuyên nhủ con không xong, bà Tâm thuyết phục chồng:
– Chúng nó quyến luyến nhau lắm, mình có ngăn cản cũng chẳng được đâu. Coi chừng chúng nó đổi đi tiểu bang khác rồi lấy nhay thì mình lại mất luôn cả con anh ạ.
– Vẫn biết thế, nhưng cũng phải tỏ thái độ chứ. Hơn nữa, cứ kéo dài thời gian, có khi chúng nó lại bỏ nhau ngay đấy mà.
Lời tiên đoán và cũng là niềm mong mỏi của ông Tâm vẫn mãi chưa xảy ra. Sự chống đối của ông càng ngày càng yếu ớt dần. Cho tới tuần trước, ông Tâm thở dài nói với vợ:
– Thôi, trời chẳng chịu đất thì đất chịu trời vậy. Tuần sau em bảo Nhã Anh đem thằng bồ của nó đến ăn cơm gia đình.
Bà Tâm nuốt niềm đau, an ủi chồng:
– Duyên số cả anh ạ. Cưỡng cũng không lại được ý trời.
Bà Tâm hài lòng ngắm nghía bàn tiệc. Bình hoa cúc trắng nổi bật trên nền khăn trải bàn màu xanh dương đậm. Những món ăn bày biện khéo léo trên đĩa lớn màu ngà có viền vàng sang trọng. Bốn chén ăn cơm sắp ngay ngắn bên những đôi đũa ngà trạm trổ tinh vi. Trên bàn không có dao, nĩa, vì ông Tâm bảo:
– Nhập gia tùy tục, nó muốn lấy vợ Việt Nam thì nó phải biết ăn cơm bằng đũa.
Bà Tâm mỉm cười:
– Anh khó dễ nó vừa thôi! Coi chừng cưới được Nhã Anh rồi, nó “nghỉ chơi” với mình đó.
Ông Tâm cũng cười:
– “Biết rồi, khổ lắm,nói mãi!”. Hôm nay mình còn “oai” được thì hãy cứ “oai”, tội gì!
Sau câu nói của ông Tâm, hai ông bà cùng cười gượng gạo. Hai nụ cười ấy chợt biến mất khi Nhã Anh và Bill đẩy cửa bước vào nhà. Một giây yên lặng qua đi, rồi ông bà Tâm và Bill tươi cười nói với nhau những lời chào hỏi.
Bill đưa cho bà Tâm một bó hồng nhung đỏ thẳm:
– Cảm ơn ông bà đã cho tôi tới ăn cơm tối. Tôi xin biếu bà bó hoa, Nhã Anh cho tôi biết là bà thích hoa hồng phải không?
– Vâng, cảm ơn cậu, hoa đẹp quá!
Bà Tâm nhận hoa, mang vào bếp cắm vào lọ rồi mang ra bày trên bàn nhỏ nơi phòng khách. Ông Tâm thoáng đưa mắt nhìn Bill: anh chàng hơi cao so với Nhã Anh nhưng khá đẹp trai với mái tóc bồng bềnh, đôi mắt xanh biếc và nụ cười thậ tươi, thật hồn nhiên. Ông nghĩ thầm “Hèn chi mà Nhã Anh cãi bố, cãi mẹ, đòi lấy nó cho bằng được”.
Bây giờ thì ông mới biết ông đã hoàn toàn bại trận trong cuộc đấu tranh chống lại mối tình của con gái.
Mọi người ngồi vào bàn, ông Tâm cố lấy giọng vui vẻ, nói chuyện với Bill một cách thân mật. Khuôn mặt rạng rỡ của Nhã Anh khiến ông Tâm bực bội. Ông tưởng như Nhã Anh đang hãnh diện với chiến thắng của mình và cười cợt sự chiến bại của ông. Do đó bữa cơm diễn ra trong bầu không khí thật kỳ lạ: Lúc thì vui vẻ, lúc thì lặng lẽ.
Thái độ của ông Tâm thay đổi bất thường như nắng mưa tháng Sáu. Nhã Anh và Bill say sưa thưởng thức những móa ăn của bà Tâm. Trái lại, ông Tâm ăn rất ít. Cổ họng ông nghèn nghẹn, nuốt không trôi những món ăn mà ông vẫn thường ưa thích. Bà Tâm nhìn chồng, nhìn con với ánh mắt thông cảm. Thỉnh thoảng, bà đưa mắt quan sát chàng rể tương lai. Bà hơi yên tâm vì thấy Bill có vẻ hiền lành. Bà thầm cầu mong cho con gái được hạnh phúc bền lâu với chàng trai con bà đã chọn.
Cơm nước xong, Nhã Anh và Bill nhanh nhẹn dọn bàn và tráng bát đĩa cho vào máy rửa chén, rồi xin phép bố mẹ đi khiêu vũ. Nhìn Nhã Anh lộng lẫy xinh đẹp đi bên Bill, ông Tâm nén tiếng thở dài, than:
– Chỉ phải mỗi cái tội nó là Mỹ!
Bà Tâm cười dễ dãi:
– Thôi, kệ chúng nó, anh. Chúng nó yêu nhau là được rồi.
Ngừng một lúc, bà Tâm tiếp:
– Kể ra người Việt Nam mình kỳ thị còn hơn cả Mỹ nữa đấy anh nhỉ? Bên gia đình thằng Bill đâu có phản đối con họ lấy vợ Việt Nam.
Ông Tâm phân trần:
– Không phải là cái chuyện kỳ thị. Mà vì mình biết những cuộc hôn nhân dị chủng không bền, không hạnh phúc nên không muốn con mình dấn thân vào mà thôi.
Bà Tâm cố lấy điểm cho Bill:
– Nó học cũng khá đấy chứ. Hơn Nhã Anh ba tuổi mà đã xong Tiến sĩ rồi. À, lúc nãy em nghe loáng thoáng thì bố nó cũng là Giáo sư đại học phải không anh?
– Ừ, mẹ nó dạy dương cầm. Nó có việc ở California nhưng nó chưa nhận lời.
Nghe ông Tâm nói Bill có việc ở California, ánh mắt bà Tâm lóe lên một tia hy vọng. Nhưng bà vội dập tắt ngay vì bà cảm thấy có lỗi với con gái. Bà tự hứa, từ nay bà sẽ cố gắng thân thiện với Bill để đền bù cho Nhã Anh khoảng thời gian hai năm vừa qua nàng đã phải sống trong sự lạnh nhạt của bố mẹ. Bà Tâm cũng ân hận vì đã đề nghị Thức, con của một người bạn ở Texas lên đây ở tại nhà bà để tập sự Luật sư. Mục đích thầm kín của hai bà mẹ không thể thành tựu vì vợ chồng bà đã chính thức chấp nhận Bill. Bà Tâm băn khoăn không biết sẽ phải ăn nói làm sao với bạn và thầm tiếc cơ hội kén rể Việt Nam của mình. Nghĩ tới đây, bà Tâm cất tiếng hỏi chồng:
– Mình có nên nói sự thật để thằng Thức nó đừng lên đây nữa không anh?
Ông Tâm cười thành tiếng:
– Em rõ vớ vẩn. Thằng Thúc nó lên đây vì công việc chứ có phải vì con gái của em đâu!
– Nhưng mà em có bàn với mẹ nó về việc cho hai đứa quen nhau.
– À, thì ra thế! Như vậy em chỉ cần nói sơ với mẹ nó là được rồi.
– Giá nó lên đây sớm hơn mấy năm thì hay biết mấy.
Lần này, đến lượt ông Tâm an ủi vợ:
– Thôi, xong việc rồi, em đừng nghĩ ngợi nữa mà đổ bệnh ra đấy.
*****
Sau ngày Bill được đến nhà ăn cơm với bố mẹ, Nhã Anh vui vẻ hẳn lên. Nàng ở nhà nhiều hơn và thỉnh thoảng lại phụ mẹ làm cơm cuối tuần để mời Bill đến ăn cơm gia đình. Càng ngày Bill càng được ông bà Tâm quí mến. Nhã Anh thầm cảm ơn mẹ đã khéo léo ngăn cản được sự đổ vỡ của gia đình, vì tuy Nhã Anh thương kính bố mẹ, nhưng hôn nhân là việc hệ trọng cả một đời nên nàng không thể chiều lòng bố mẹ.
Mọi việc diễn tiến một cách tốt đẹp. Trước khi đi California nhận việc, lễ đính hôn của Bill và Nhã Anh được tổ chức trong vòng thân mật với sự tham dự của hai bên gia đình và một số bạn bè. Hai người cũng đã đi đặt nhà hàng cho tiệc cưới vào năm tới.
Tuy xa nhau, nhưng tối nào Bill và Nhã Anh cũng nói chuyện điện thoại nên Nhã Anh cũng vẫn cảm thấy gần gũi với người yêu.
Những ngày cuối tuần, Nhã Anh đi phố lo chọn áo cưới và sắm sửa những thứ cần thiết cho tổ ấm tương lai. Ông bà Tâm dường như cũng
*****
Từ ngày có sự hiện diện của Thức thì ông bà Tâm lại càng vui hơn. Ông Tâm thường nói chuyện với Thức rất là tâm đắc. Bà Tâm thì rất vui mỗi lần Thức tấm tắc khen bà nấu ăn ngon. Trước đây Nhã Anh rất khó nói chuyện với con trai Việt Nam. Nhưng với Thức thì khác hẳn: Thức cởi mở và khéo nói chuyện nên chẳng bao lâu hai người đã trở nên thân thiết. Thức coi Nhã Anh như một cô em gái bé bỏng, chiều chuộng nàng đủ thứ . Nhưng mỗi khi Nhã Anh nói hoặc làm điều gì sai thì Thức vẫn nghiêm chỉnh phê bình. Những lần như vậy Nhã Anh không giận mà còn cảm phục Thức vì sự thẳng thắn và hiểu biết cùa anh.
Tối nào nói chuyện điện thoại với Bill, Nhã Anh cũng kể về Thức cho Bill nghe và ngược lại, Thức cũng được biết nhiều về Bill qua những lần trò chuyện với Nhã Anh. Bill và Thức cũng đã nói chuyện với nhau qua điện thoại rất vui vẻ. Bill cảm ơn Thức đã săn sóc Nhã Anh trong khi chàng ở xa và nhờ Thức thỉnh thoảng đưa Nhã Anh đi dự tiệc dùm chàng.
Khi biết được việc này, bà Tâm nói đùa với chồng:
– Thằng Bill đúng là ngốc quá! Ai lại “giao trứng cho ác” bao giờ.
Ông Tâm cười:
– Thằng Bill biết thừa là Nhã Anh mê nó, nó đâu có lo. Vả lại, còn mấy tháng nữa là đám cưới rồi.
Bà Tâm vẫn không đồng ý với chồng:
– Biết đâu đấy! “Lửa gần rơm” mà anh.
Ông Tâm hỏi vợ:
– Em vẫn mong như vậy à?
Bà Tâm lắc đầu:
– Không phải vậy đâu anh. Em chỉ lo hai đứa lộn xộn với nhau thì lại tội thằng Bill. Đằng nào mình cũng nhận nó là rể rồi.
Ông Tâm thở phào nhẹ nhõm:
– Anh cũng nghĩ như em. Thằng Bill đã là rể của mình.
Bà Tâm ngập ngừng:
– Làm sao ngăn cản được Nhã Anh và Thức bây giờ hả anh?
Ông Tâm lắc đầu nhìn vợ:
– Em lại lẩm cẩm nữa rồi. Hai đứa nó có gì đâu mà em định ngăn cản.
– Chờ khi chúng nó có gì rồi thì làm sao mà ngăn với cản? Giống như hồi Nhã Anh với Bill vậy đó.
– Ngày trước em đã bảo “Cưỡng cũng khộng lại được với ý Trời”, mà sao em vẫn nghĩ quẩn nghĩ quanh vậy?
Bà Tâm cười xòa:
– Ừ thôi, mình chờ xem Trời định làm sao, mình theo vậy, anh nhé.
*****
Ông bà Tâm không phải chờ lâu thì đã biết được ý Trời.
Một buổi sáng Chủ nhật, Nhã Anh nằm lì trong phòng không ra ăn sáng và ăn trưa. Bà Tâm lo lắng hỏi han thì Nhã Anh chỉ nói vọng ra:
– Con hơi mệt và buồn ngủ, mẹ đừng lo. Lúc nào con đói, con sẽ ăn.
Tuy Nhã Anh nói thế, nhưng linh tính của một người mẹ cho bà biết con gái bà có chuyện không vui. Bà ước mong được con gái gục đầu vào vai bà mà tâm sự. Nhưng cửa phòng nàng vẫn đóng im ỉm. Bà vẫn biết bà nên tôn trọng sự riêng tư của con. Nhưng thỉnh thoảng bà cũng phải giả vờ hỏi Nhã Anh một vài câu để được nghe tiếng con trả lời thì bà mới yên tâm.
Mãi chiều tối Nhã Anh mới ra khỏi phòng với đôi mắt đỏ hoe. Bà Tâm hỏi Nhã Anh với một giọng trìu mến, lo âu:
– Có chuyện gì vậy con?
Nhã Anh ôm mẹ, òa khóc:
– Bill có bồ mới rồi mẹ ơi! Bill đòi hủy bỏ lễ đính hôn.
Bà Tâm lặng người đi, ôm chặt lấy con, như muốn chia sẻ niềm đau, như muốn truyền cho con lòng can đảm. Nước mắt Nhã Anh tuôn trào như suối chảy, ướt đẫm bờ vai mẹ.
Bà Tâm ôm con thật lâu để mặc cho con thổn thức. Vì bà nghĩ, bao nhiêu lời khuyên nhủ lúc này đều dư thừa. Chỉ có nước mắt mới có thể làm vơi đi sự khổ đau của con bà.
*****
Nỗi khổ đau nào rồi cũng qua đi. Nhất là ở vào lứa tuổi của Nhã Anh và sống trong một xã hội vội vã như ở xứ Mỹ này. Bên cạnh đó, Nhã Anh lại có Thức luôn luôn săn sóc và chiều chuộng nên chẳng bao lâu hình ảnh của Bill đã nhạt nhòa trong tim nàng.
Nhã Anh đã trở lại với cuộc sống của một cô gái trẻ thời đại: ham làm, ham học, ham vui. Hàng ngày, Nhã Anh đi làm, buổi tối, đi học thêm chương trình cao học. Cuối tuần thì nàng theo Thức tham dự những sinh hoạt của giới trẻ Việt Nam trong vùng.
Nhã Anh bắt đầu tìm thấy nơi những người bạn Việt Nam nhiều điểm tương đồng và thật dễ mến. Nàng cũng nhận ra rằng, Thức không chỉ như một người anh, mà một tình yêu nhẹ nhàng, đằm thắm đang xâm chiếm tâm hồn nàng.
Những lúc nhìn Nhã Anh vui vẻ, quấn quít bên Thức, ông Tâm âu yếm nói với vợ:
– Chúng mình tuân theo ý Trời, em nhé!
Bà Tâm gật đầu nói như reo:
– Đó, anh thấy không, em đã bảo “Lửa gần rơm” mà!
Hai vợ chồng nhìn nhau mỉm cười mãn nguyện.
Lê Thị Nhị