MẤT TÍCH-Nguyễn Thị Thanh Dương


           MẤT TÍCH.


(Truyện xóm tôi 30 tháng tư 1975.)
Sau ngày 30 tháng tư 1975 bao nhiêu gia đình gặp cảnh tang thương mất mát. Thành phố đã ngừng tiếng súng, cộng quân đã quản trị thủ đô Sài Gòn.
Người ta lần lượt sớm muộn trở về với gia đình, dù là tấm thân tàn nhiều thương tích, dù lòng còn hằn nỗi đau của người bại trận sau cuộc chiến tranh dài.
Nhưng xóm tôi có bốn người mất tích mà vẫn chưa thấy trở về và cũng chẳng nghe tin tức gì từ họ.
Chồng chị Kim Oanh là lính đóng ở Tây Ninh. Anh không về nhà cha mẹ ruột cũng chưa về với vợ con. Không biết giờ này anh đang ở đâu?
Chị Kim Oanh và hai đứa con nhỏ ngày đêm trông ngóng tin anh.
Chị Hương cũng như chị Kim Oanh, có một con nhỏ và bụng thì đang mang bầu vài tháng. Chồng chị là đại úy đóng quân ngay Long An, chẳng xa Sài Gòn là bao. Chẳng lẽ anh không kịp chạy về với vợ con trong lúc dầu sôi lửa bỏng?
Người thân và hàng xóm của hai chị không ai dám nghĩ tới những xác chết vô thừa nhận, có xác được đắp chiếu, có xác nằm xấp nằm ngửa đầy máu me chẳng rõ mặt mày bên những đống rác, những vật dụng bị đốt cháy ngùn ngụt hay đã cháy xong còn lại một đống tro tàn lửa bỏng ở khắp các tỉnh lộ, ở ngoài đường phố Sài Gòn của những ngày tàn cuộc chiến.
Họ đều lạc quan an ủi và cầu mong rằng biết đâu anh ấy đang lẩn trốn đâu đó chưa dám ra trình diện chính quyền hoặc may mắn hơn đã…xuống tàu ra khơi đi Mỹ..
Trường hợp thứ ba là nhà chị Yên. Thằng Bảo con trai lên 7 và Ngọc đứa con gái lên 5, chẳng liên quan gì đến lính tráng mà cũng biệt tăm biệt tích.
Ngày 29 tháng tư  chị Yên dẫn hai con đến nhà cậu Dũng, người em ruột ở Sài Gòn gần bến Bạch Đằng để bàn tính cùng họ tìm cách xuống tàu chạy trốn khỏi Sài Gòn đang mất vào tay Việt Cộng.
Khi đã quyết định chị Yên để hai con ở lại, vội vã về nhà đợi chồng sẽ từ trại lính trở về cùng sửa soạn hành lý cần thiết tối thiểu để mang theo cuộc hành trình.
Khi vợ chồng chị Yên quay lại nhà Dũng thì cả nhà mới tá hỏa hai đứa con chị Yên đã đi đâu mất rồi, tìm hoài không thấy. Chúng đi chơi đâu đó hay đợi bố mẹ lâu nên sốt ruột ra ngoài đi tìm chăng?
Cả hai gia đình lo lắng tìm con tìm cháu không thấy, chẳng còn tâm trí nào mà ra bến Bạch Đằng mong được lên tàu như dự tính nữa.
Vợ chồng chị Yên đau khổ bao nhiêu thì vợ chồng cậu Dũng cũng khổ đau bấy nhiêu, thêm lòng dày vò ân hận vì không trông nom để thất lạc hai cháu nhỏ trong thời điểm nhà tan cửa nát này.
Sau ngày 30 tháng tư, có người hàng xóm quả quyết với vợ chồng chị Yên là họ thấy thằng Bảo và con Ngọc ở bến tàu Sài Gòn, họ cũng tìm cách chen lấn đám đông để lên tàu nhưng không được.
…………………..
Một năm trôi qua, chị Kim Oanh vẫn không nghe tin tức của chồng nên chị làm bàn thờ chồng, lấy ngày 30 tháng tư làm ngày giỗ.
Chị Yên cũng định lập bàn thờ hai con cho có hương khói ấm lòng nếu chúng đã vong mạng trong cái ngày 30 tháng tư định mệnh đó. Nhưng anh Yên, không biết để an ủi tinh thần vợ hay anh vẫn lạc quan thật sự, anh nói rằng cứ chờ đợi và biết đâu sẽ có ngày tìm được tung tích hai con.
Chị Hương tuy vẫn không có tin tức chính thức của chồng, nhưng chị nghe loáng thoáng từ mấy người lính của chồng chị, kẻ thì  nói rằng  vẫn gặp anh những ngày cuối tháng tư, người thì nói anh đã lên tàu ra khơi.
Những tin tức mong manh đó đã là sự thật. Một hôm chị Hương nhận được thư chồng từ …trại tù cải tạo, chị mới vỡ lẽ ra chồng đã rời Việt nam đến đảo Guam và trở về trên chuyến tàu Việt Nam Thương Tín. Hiện tất cả đang bị giam cầm chứ không được trở về ngay với gia đình như họ đã lầm tưởng đã mong muốn khi quyết định hồi hương.
Thời buổi bao cấp nghèo đói một nách hai con thơ lại phải lo cho người chồng đang tù tội chị Hương đã không thể gồng gánh lâu dài nổi. Chị trách chồng đã đến được bến bờ tự do mà còn đâm đầu quay trở về Việt nam để khổ cho chính bản thân mình và khổ cho cả vợ con. Cha mẹ chồng đều qua đời chỉ còn anh chị em mỗi người một phận dù có thương anh cũng chẳng ai giúp được gì.
Hai năm sau chị Hương bán nhà. Hàng xóm bàn tán là chị Hương lấy chồng cán bộ, chị dọn đi nơi khác để tránh những dèm pha dị nghị của hàng xóm. Có người còn ác miệng kể chi tiết hơn là chị đã gởi trả hai đứa con về bên nội để tự do vui duyên mới.?
Năm năm sau chồng chị Hương ra tù và có về xóm cũ, căn nhà cũ đổi chủ. Anh sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa trẻ đẹp trai oai hùng ngày nào mà chỉ sau mấy năm tù tội cộng sản đã biến hình tiều tụy già nua. Không gặp vợ con, anh quay về làng quê, không biết những người thân của anh còn có ai ? Hai đứa con anh đang ở với mẹ nơi nào ? hàng xóm ai cũng cảm thương và tò mò thắc mắc nhưng không ai biết được câu trả lời.
                 ************
Gia đình cậu Dũng đi Mỹ theo diện HO  tháng hai năm 1992.
Mười bảy năm trôi qua, cả gia đình chị Yên và gia đình cậu Dũng luôn mang nặng nỗi đau đớn trong lòng nhưng họ vẫn hằng mong có dịp tìm ra tung tích hai đứa trẻ thất lạc dù mong manh như mò kim đáy biển. Ở Việt Nam không có tin tức gì của chúng thì biết đâu sang Mỹ sẽ tìm ra manh mối.
Chị Yên gởi Dũng một túi hồ sơ gồm giấy tờ khai sinh và hình ảnh mới nhất so với thời điểm 1975  của thằng Bảo, con Ngọc để sang đến Mỹ cậu Dũng sẽ đăng tin tìm hai cháu.
Sau hai năm nhờ các cơ quan, hội hồng thập tự tại Mỹ tìm kiếm không thành công cậu Dũng đành báo tin cho anh chị. Tình trạng lại trở về như thuở ban đầu, chẳng biết chúng sống chết nơi đâu?
Thế là ba gia đình có người thân “mất tích” hôm 30 tháng tư năm 1975 ở xóm tôi đều đã có những đoạn kết buồn.
Gia đình chị Yên vẫn tiếp tục cố nuôi ngọn lửa hi vọng mỏi mòn suốt mấy chục năm qua hai đứa con còn sống đâu đó trên cõi đời này nhưng họ vẫn thắp nhang cho chúng vào mỗi năm 30- tháng Tư.
Gia đình chị Kim Oanh, chồng chị mãi mãi không một nấm mồ. Nhưng hình ảnh anh trên bàn thờ vẫn hương khói khi tháng Tư về
Gia đình chị Hương. Người chồng đã vì thương nhớ vợ con mà dại dột từ phương trời tự do quay trở về Việt Nam vừa rơi vào tay cộng sản, chưa gặp vợ, chưa nói với vợ  lời vui mừng tao ngộ đã vào vòng tù tội. Gia đình tan nát, tình nghĩa vợ chồng bạc bẽo chia lìa. Bao nhiêu năm qua, vợ chồng con cái họ có dịp nào gặp lại nhau chưa?
Nguyễn Thị Thanh Dương
( March 24, 2023)
 
 
 
 ANH CUẢ BÉ MÙI.

Anh vừa ra trường là tân binh,
Chưa có người yêu chưa gia đình,
Em là con bé nhà hàng xóm,
Bé lắm, nên chỉ là em anh.
 
Lần nghỉ phép anh về thăm nhà,
Thấy anh, em hớn hở chạy qua,
Hai anh em chụp chung tấm ảnh,
Em thấp anh cao trước cửa nhà.
 
Tặng em hình này anh ghi lời:
“ Kỷ niệm một lần về phép vui…”
Nét chữ cứng cỏi mà bay bướm,
Anh ký tên “Anh của bé Mùi “.
 
Bé Mùi tuổi chỉ mới mười hai,
Anh người lính trẻ tuổi đôi mươi,
Tình anh em giữa mùa chinh chiến
Về đâu ? Thời gian sẽ trả lời.
 
Em rất thích lấy hình ra xem,
Người anh hàng xóm nắm tay em,
Anh mặc quân phục trang nghiêm lắm,
Em còn khờ chưa biết làm duyên..
 
Anh là lính trận chốn xa xôi,
Thỉnh thoảng mới về thăm nhà thôi,
Em đã lớn thêm vài tuổi nữa,
Em thấy nhớ “ Anh của bé Mùi “.
 
Anh là lính trận đi khắp nơi,
Áo tân binh ấy đã cũ rồi,
Người tân binh đã quen sương gió,
Em thấy thương “ Anh của bé Mùi “.
 
Anh chẳng hiểu em, anh vô tình,
Trong lòng em ghi bóng hình anh,
Anh và em càng thêm xa cách,
Khi đất nước mình còn chiến tranh..
 
Và đất nước thời cuộc bể dâu,
Tháng Tư bảy lăm anh về đâu ?
Bé Mùi nơi quê người xứ lạ,
Có lẽ không bao giờ gặp nhau .
 
Tấm ảnh ngày xưa đi theo em,
Kỷ niệm này em sẽ không quên,
Dù nét chữ mờ theo năm tháng,
Dù em sẽ gìa theo thời gian.
 
“ Anh của bé Mùi” ngày xưa ơi,
Hình bóng anh quanh quẩn trong đời,
Anh còn sống hay anh đã mất ?
Anh vẫn là “ Anh của bé Mùi “..
 
   Nguyễn Thị Thanh Dương.
         ( July,3, 2016)
Mong rằng “Anh của bé Mùi” vẫn còn sống đâu đó trên cõi đời này. Cám ơn tấm ảnh ngày xưa đã cho tôi đề tài bài thơ.