Mẹ Ốm- Nguyễn Thị Thanh Dương


   MẸ ỐM.
Năm ấy tôi khoảng 9-10 tuổi còn đang học tiểu học.
Buổi chiều tôi chơi nhảy dây với mấy bạn ngoài sân, tôi khoe với con Na con Nụ là hôm nay mẹ tôi sẽ làm ruốc cho tôi ăn, món này tôi thích nên tưởng ai cũng biết. Con Na hỏi:
–         Ruốc là cái gì?
Tôi quá quen với món này liền trả lời:
–         Ruốc làm bằng thịt heo, mẹ tao luộc thịt, giã thịt và rang với nước mắm cho đến khi thịt bông lên. Ngon lắm.
Con Nụ gật gù:
–         Tao biết rồi, thịt chà bông.
Đúng lúc này mẹ đứng ở ngưỡng cửa gọi tôi. Tôi bỏ cuộc chơi chạy về nhà,
Tôi thấy gương mặt mẹ bơ phờ và mùi dầu cù là xông lên là biết mẹ đang ốm rồi. Mỗi lần nhức đầu hay cảm cúm mẹ tôi đều bôi dầu cù là. Mới sáng nay lúc tôi sửa soạn cặp vở đi học mẹ còn vui vẻ  nựng nịu tôi:
–  Chốc mẹ đi chợ mua thịt heo về làm ruốc cho con ăn, con gái mẹ ngoan và học giỏi nhé.
Trưa tôi đi học về mẹ chưa làm món ruốc, mẹ thấy mệt nên để chiều mới làm vậy mà bây giờ vẫn chưa xong. Mẹ  bảo tôi:
–         Con giã nốt cho mẹ chỗ thịt heo chốc nữa mẹ sẽ rang ruốc, mẹ nhức đầu quá nằm nghỉ thêm chút nữa.
Mẹ vào giường nằm đắp chăn, thấy mẹ nằm im trong tấm chăn tôi khóc òa sợ mẹ chết, mẹ phải an ủi tôi:
–         Mẹ chỉ nằm nghỉ mệt, chết đâu mà con khóc.
Tôi mang cả cối chày lên gần giường mẹ để giã thịt và canh chừng mẹ, cứ làm như tôi ngồi gần sẽ cứu được mẹ thoát khỏi tay tử thần.
Mẹ lại thò đầu ra giọng mệt nhọc bảo tôi:
–         Mẹ đang nhức cả đầu mà con giã ngay bên đầu mẹ thế này làm sao mẹ chịu được.
Tôi lủi thủi mang cối chày xuống nhà bếp giã thịt.
Khi tôi giã xong chỗ thịt heo thì mẹ xuống bếp để rang thịt, tôi không biết hỏi mẹ đã đỡ chưa nhưng thấy mẹ đi đứng làm việc là tôi vui và nghĩ là mẹ đã khỏi ốm. Thế là tôi lại chạy ra ngoài sân tìm mấy đứa bạn rủ chơi nhảy dây tiếp trong khi chờ món ruốc của mẹ xong để ăn bữa cơm chiều.
Tôi lại hãnh diện khoe với con Na con Nụ:
–         Chốc nữa tao ăn cơm với ruốc, mẹ tao đang làm.
Con Nụ nói:
–         Sao chỉ thấy mày khoe một món ruốc? má tao nấu nhiều món ăn ngon lắm, cá kho tiêu, thịt kho hột vịt..
Tôi bênh vực mẹ tôi:
–         Mẹ tao cũng biết làm đủ thứ, nhưng món ruốc ngon nhất đời tao .
Chơi nhảy dây được một hồi thì mẹ lại ra ngưỡng cửa gọi tôi về, tôi nói với Na và Nụ trước khi hớn hở chạy bay về nhà mình:
–         Tao về ăn cơm với ruốc đây.
Mẹ nắm tay tôi nơi ngưỡng cửa và bảo tôi phải rửa tay chân đi rồi hãy vào ăn cơm. Nãy giờ chơi nhảy dây, hai bàn chân không của tôi tha hồ dính bụi đất. Chẳng những tay chân bẩn mà quần áo tôi cũng chẳng sạch sẽ gì. Tôi chạy vù xuống nhà sau rửa ráy tay chân thật nhanh.
Mâm cơm đã dọn sẵn một tô canh là nước luộc thịt nấu với rau cải xanh, một đĩa đậu hũ chiên và một đĩa ruốc thịt bông lên thơm thơm đậm đà. Tôi biết sáng mai trước khi tôi đi học mẹ sẽ mua ổ bánh mì không nóng giòn và bỏ ruốc vào cho tôi mang đi học. Mẹ biết tôi thích ăn như thế.
Bố đi làm tối mới về, không thấy mẹ đâu tôi mới biết là mẹ lại vào giường nằm vì chưa khỏe. Mặt mẹ vẫn bơ phờ, giọng mẹ yếu hơn thường lệ:
–         Con cứ ăn cơm trước đi, mẹ nhức đầu cần nghỉ ngơi ..
Tôi ngạc nhiên:
–         Nãy mẹ khỏi rồi mà, mẹ đã dậy làm ruốc nấu cơm….
Mẹ âu yếm mỉm cười:
–         Mẹ không dậy làm cơm thì để con và bố nhịn đói à…với lại mẹ biết con đang chờ ăn món ruốc.
Tôi lại buồn:
–         Thế là mẹ vẫn ốm, để con lấy lọ dầu cù là cho mẹ bôi nữa nhé.
Trong đầu óc non trẻ thơ ngây tôi cứ nghĩ càng bôi nhiều dầu cù là mẹ càng mau hết ốm đau. Mẹ lắc đầu:
–         Mẹ bôi đủ rồi, mẹ nằm nghỉ hay tối nay mẹ ngủ một giấc ngày mai mẹ sẽ khỏi ốm thôi.
Nói xong mẹ kéo tấm chăn lên đắp. Hình ảnh mẹ đắp chăn nằm dài trên giường luôn là hình ảnh chết chóc làm tôi lo sợ và đau buồn. Tôi đã thấy hình ảnh này khi bà ngoại tôi qua đời. Thấy tôi vẫn đứng im tại đầu giường mẹ giục:
–         Con ra ăn cơm đi.
Mẹ giục mấy lần tôi mới bước đi mà nước mắt lưng tròng, chỉ sợ khi tôi rời khỏi đây mẹ sẽ chết tôi chẳng kịp nghe mẹ nói năng…
Vừa ăn cơm tôi vừa khóc vì bàn ăn cô độc một mình, vì tôi thương mẹ đang ốm.
Càng nghĩ tôi càng tủi thân thổn thức, nước mắt tôi không biết có rơi trên bát cơm với những sợi ruốc tơi bông thơm thơm mùi nước mắm mẹ làm cho tôi  không?
Sau này khi lớn khôn thêm tôi càng hiểu tình mẹ bao la dù chỉ là một hành động nhỏ, ngay cả khi mẹ mệt mỏi ốm đau vẫn gắng gượng dậy làm tròn bổn phận nấu cho chồng con một bữa ăn ngon..
    Nguyễn Thị Thanh Dương.
     ( May 09, 2021)
 


  CÔ GÁI NHỎ LÀNG CHÀI.
  ( Cảm tác từ bài “Làng chài…” trên báo Trẻ)


Tôi là một cô gái nhỏ làng chài,
Từ thuở lọt lòng đã nghe sóng vỗ,
Biển quê tôi hàng phi lao che gió,
Che những cơn bão cát đến bất ngờ.               
 
 
Biển là trò chơi từ thuở ấu thơ,
Tôi dạn dĩ chạy đùa theo con sóng,
Quà của biển là vỏ sò vỏ ốc,
Rong rêu trôi như thân phận con người.
 
Những ngày thuyền cha đạp sóng ra khơi,
Căn nhà vắng chông chênh như quán trọ,
Mẹ dậy sớm đi làm thuê phơi cá,
Tôi rong chơi với biển với bạn bè.
 
 Lũ chúng tôi những đứa trẻ nhà quê,
 Mặt đen xạm, tóc vàng hoe cháy nắng,
 Da chúng tôi đã thấm mùi biển mặn,
 Như cá vào bờ ướp muối không ươn.
 
Có hôm mải chơi đến lúc chiều buông,
Tôi thấy đói vội chạy đi tìm mẹ,
Một mình tôi trên biển chiều vắng vẻ,
Chợt chạnh lòng tôi nhớ mẹ thương cha.
 
      Bóng mẹ chập chờn ở phía trời xa,
 Đang sải bước về kẻo trời sắp tối,
 Nếu đêm nay có trăng tôi sẽ hỏi,
 Trăng có đầy thuyền, cha bớt cô đơn?
 
Nếu đêm nay gió bỗng thổi mạnh hơn,
Nghe tiếng sóng vọng về trong giấc ngủ,
Tôi sẽ nguyện cầu trời đừng giông tố,
Những người con của biển sẽ trở về.
 
Rồi ngày mai mẹ ra biển đón cha,
Người đàn ông tóc bồng bềnh nắng gió,
Người đàn ông bờ vai to ngực nở,
Bàn tay chai sần vì kéo lưới, giăng câu.
 
Yêu biển, yêu cha, tôi ước mai sau,
Sẽ lấy chồng lớn lên từ xóm biển,
Chàng trai ra khơi với nhiều kinh nghiệm,
( Cũng như cha làm ngư phủ ruỗi rong ).
 
 Nhìn màu nước biển lúc đục lúc trong,
      Biết loài cá nào theo dòng nước đến,
 Nhìn chim biển bay biết mùa gió chướng,
 Biết cơn mưa sẽ đến tự hướng nào.
 
Biển vẫn còn đây với rặng phi lao,
Chứng kiến cảnh dân làng chài lam lũ,
Tôi sẽ làm thuê, đảm đang như mẹ,
Sẽ đón chồng về thuyền đầy ắp cá tươi.
       Nguyễn thị Thanh Dương
               ( June, 2008)