Mẹ Vẫn Còn Đây Lê Mộng Hoàng Mẹ hiền yêu dấu, Thế mà đã 3 năm hơn kể từ ngày Mẹ ra đi trong giấc ngủ yên bình (3-29-2007); năm nay NGÀY CHO MẸ nhằm vào ngày Chủ Nhật 9 tháng 5. Bây giờ con không dám tham dự các buổi văn nghệ, dạ tiệc tổ chức để mừng Mẹ vào dịp Mother’s Day nữa. Con cảm thấy xấu hổ khi khóc ròng trước mặt nhiều người; mặc dù với riêng con “Mẹ Vẫn Còn Đây” vẫn luôn theo dõi, dắt dìu con trong mỗi việc làm, lời nói, cử chỉ của con; nhưng đối với mọi người con là “đứa mồ côi” cả ba lẫn mẹ. Năm nay ngày giỗ Mẹ 3 năm ( Đại tường); các em thì vẫn muốn cúng ở nhà với thức ăn mặn, còn con thì tiếp tục xin lễ Cầu Siêu ở chùa như hai năm trước, thành thử ngày thứ Bảy 3/27 cúng tại chùa Hoa Nghiêm kèm theo lễ Trai Tăng và cúng dường các Thầy và Sư Cô, và Chủ Nhật 3/28 cúng tại nhà Sói-Thư có mời bà con tham dự. Con nghĩ rằng: “Với tấm lòng vị tha, luôn giúp đỡ người khác, nhất là các người nghèo khó của Mẹ, với hạnh Hiện Thân – ai cần gì Mẹ thì Mẹ đến – và Hiến thân vui vẻ chăm sóc chồng con của Mẹ thì giờ nầy Mẹ đã được siêu thoát thảnh thơi ở một cõi lành nào đó, không còn trở lại kiếp làm người khổ sở nữa. Mẹ biết không? Tháng 3 vừa qua, con và anh H. đến California, thành phố Santa Ana để tham dự cuộc Hội Ngộ Cựu học sinh trường Trần Qúy Cáp Hội An Quảng Nam, con đã gặp rất nhiều người quen ngày xưa ở phố Hội; đặc biệt là bà Năm Dung (Liên Seng) trên đường Nguyễn Thái Học và con gái bà ta. Bà Năm Dung vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và nhắc đến Mẹ. Điều khiến con sung sướng, vui mừng nhất là ai nấy đều thương Mẹ, khen ngợi lòng tốt của Mẹ. Có cô Tuyết Mai (em cô cậu với Ba) đã kể cho con nghe chuyện “ tính cả tin” của Mẹ mà cách đây 45 năm Cô ấy đã “không hiểu vì sao chị Khuyến lại dễ tin người khác như vậy?” và cô Tuyết Mai đã hơi tức giận nên cô nhớ hoài chuyện ấy. Theo lời cô Tuyết Mai “Ngày trước cô làm việc ở ty Học Chánh Quảng Nam, Mẹ thì làm Thanh Tra, có đôi khi Mẹ đi khám trường rủ cô Tuyết Mai cùng đi; một bữa kia có bà cụ già—khoảng 60 tuổi—đón đường xin Mẹ giúp đỡ vì con gái bà cụ mới mất vì bệnh để lại 3 đứa cháu cho bà nuôi; bà cụ mong Mẹ cho một số tiền để bà làm vốn mua gióng thúng nấu khoai lang đi bán rong. Mẹ vui vẽ đưa tiền cho bà cụ và chúc bà may mắn. Tuần lễ kế tiếp, cô Tuyết Mai đi về cùng với Mẹ lại gặp bà lão đón đường xin tiền nữa. Bà ấy nói: “Số tiền bà Đốc cho tôi mua gạo cho các cháu ăn nên hết sạch rổi, thôi bà mở lòng giúp thêm lần nữa.” Mẹ lại vui vẽ mở ví lấy tiền, nhưng cô Tuyết Mai cản lại ”Em nhớ tuần trước chi đã cho bà nầy tiền đủ để đi buôn khoai rồi mà, sao bây giờ còn xin nữa!” Cô Tuyết Mai ngạc nhiên vì sao Mẹ có thể quên được? Tuy nhiên Mẹ ôn tồn nói với bà lão: “Thôi được rồi, tôi giúp thêm lần nữa, bà cố gắng buôn bán để nuôi cháu” Khi bà lão đi rồi, Mẹ giải thích với cô Tuyết Mai: “Chỉ vì họ nghèo quá nên khi có tiền thì lo mua gạo ăn trước đã, nếu mình đã có ý giúp họ thì nên tin họ để bà cụ khỏi tủi thân.” Con ngồi nghe cô Tuyết Mai kể chuyện mà lòng xúc động đến ứa nước mắt! Con vẫn luôn nhớ lời Mẹ dặn dò: “Nhớ dạy con cái phải ‘Làm điều lành tránh điều dữ’ và ‘Của cho không bằng cách cho.’ Trong ngày Hội Ngộ trường Trần Quý Cáp ấy, con có cảm tưởng như mình đang trở về Hội An và đứng ở sân trường cũ. Con có gặp chị Na Phước—vợ anh Nguyễn Như Thọ, con dì Trí, bạn của Mẹ—Chị Na Phước nhắc đến Mẹ mà rơm rớm nước mắt và dặn dò con: “Khi về lại Viriginia chị nhớ thắp nén hương trên bàn thờ của Dì Khuyến và thưa với Dì là của em; ngày trước Dì thương em lắm, lo lắng cho em đủ điều” Mẹ ơi, con rất may mắn được làm con của Mẹ, một bà Mẹ tuyệt vời, giàu lòng nhân ái, giàu tình thương yêu, luôn dịu dàng hòa nhã với con cháu và mọi người. Mẹ cũng là Cô giáo tuyệt vời dắt dẫn con những bước đầu chập chững tập đi, tập nói, tập đọc, tập viết và bây giờ—giai đoạn cuối cùng của đời con—những lời Mẹ dạy, con vẫn hằng ngày tâm niệm thực hành và hằng đêm con vẫn tiếp tục nguyện cầu chư Phật, đức Quan Thế Âm Bồ Tát và hương linh Ba Mẹ độ trì cho con luôn giữ đi đúng đường Mẹ đã vạch ra” “Làm điều lành, tránh điều dữ Sớm cho người thêm niềm vui Chiều giúp người bớt khổ” Và Sống ngay thẳng thành thật Như suốt đời Mẹ đã làm. Mẹ đã từng nói: “Đừng để lại nhà cửa tài sản nhiều cho con cái mà nên cho chúng học hành đến nơi đến chốn và tập cho chúng biết làm việc thiện, cho người nghèo, giúp người đói từ lúc còn nhỏ dại” Bây giờ đã 70 tuổi đời, nhìn chung quanh thấy cảnh anh chị em, con cái của các gia đình giàu có tranh dành, ganh tị để chia gia tài hoặc bị sung công, phá sản, con mới hiểu lời dặn của Mẹ là chí lý, sâu sắc. Ba và Mẹ đều là “nhà giáo tỉnh lẽ” lương hướng ít ỏi mà lại đông con (8 đứa) nên lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn đã là quá chật vật khổ cực rồi. Sau biến cố 1975, ba mẹ không còn được lãnh tiền hưu trí, rồi có lẽ vì lo buồn mọi sự đổi thay dâu bể, Ba con đột ngột qua đời ở tuổi 65 (1980), Mẹ giống như người bị “té xuống giếng.” Mẹ đau khổ tột cùng và ngã bịnh nằm liệt giường luôn 3 tháng, biếng ăn biếng nói, chỉ có niềm tin vào Phật Quán Thế Âm là còn sống động trong lòng Mẹ cùng với Tình Thương yêu đàn con của Mẹ. Giai đoạn nầy, con và bé Lina ở xa nên con không biết rõ, sau nầy nghe các em kể lại cả nhà lo sợ Mẹ sẽ đi theo Ba thì thật là tuyệt vọng khốn cùng! Nhưng cùng năm ấy, sau 5 năm định cư tại Mỹ, con được trở thành công dân Hoa Kỳ và lập hồ sơ bảo lãnh tất cả gia đình thì Mẹ đã gượng lại, lo theo các em đi học Anh Văn với thầy Biện. Mẹ học rất chuyên cần siêng năng để qua Mỹ còn nói chuyện với cháu ngoại, với hàng xóm. Mẹ đã làm gương chăm học cho các cháu từ ngày đó; sau nầy qua Mỹ, Mẹ vẫn tiếp tục học Anh văn nên lúc thi quốc tịch Mẹ được 100 điểm, được bà nhân viên sở Di Trú bắt tay khen ngợi vì đã già 81 tuổi mà viết và nói tiếng Mỹ rành mạch lưu loát. “Bà Ngoại là học sinh xuất sắc của thầy Biện,” cháu Tuấn đã kể cho con nghe chuyện vui về bà ngoại mà mấy chục năm rồi con vẫn chưa quên: “Ông thầy Biện đọc một trang sách tiếng Anh kể lại buổi tối của một chàng thanh niện độc thân, trước khi lên giường ngủ, cậu này gọi điện thoại cho 3 cô bồ khác nhau để chúc họ ngủ ngon, mộng đẹp. Bà Ngoại nghe thầy đọc như vậy bực mình, giơ tay xin đi ra ngoài để không nghe hết câu chuyện khiến đám học trò trẻ tuổi cười ồ lên.” Thật là ngộ nghĩnh! Mẹ luôn giữ quan niệm “Nam nữ thọ thọ bất thân” Và “Chồng ta áo rách ta thương, Chồng người áo gấm xông hương mặc người Ngày nay các cháu của bà đều học rất giỏi và thành tài, con nghĩ là cũng nhờ chúng có “giòng máu siêng năng, chăm chỉ và thích học hỏi” của Mẹ đó. Lúc còn sinh tiền, Mẹ thích hôn các con, các cháu, nói chuyện qua điện thoại với các cháu ở xa Mẹ luôn kết thúc bằng câu: “Bà hôn con nha!” Còn con hễ đi làm về—dù đã già đầu trên 60 tuổi vẫn thấy sung sướng bớt mệt nhọc khi chạy vào phòng chào Mẹ và ôm hôn trên chiếc miệng móm của Mẹ. Ước gì Ngày Cho Mẹ năm nay, con sẽ nằm mơ thấy Mẹ và con sẽ ôm Mẹ hôn lên miệng mom mem của Mẹ thêm lần nữa! Hỡi các bạn đang may mắn “Còn có Mẹ” khi đọc đến đây, xin các bạn hoan hỹ biến ước mơ của tôi thành sự thật bằng cách ôm mẹ của bạn và hôn lên đôi má nhăn nheo hoặc vẫn còn đầy đặn của mẹ thật lâu và nói nhỏ bên tai mẹ “Mẹ ơi! Con thương mẹ lắm, chúc Mẹ một ngày vui” Cho dù trước đây bạn có bị mẹ giận, mẹ la rầy, hoặc mẹ bất đồng ý kiến về chuyện tình lứa đôi, việc học hành của bạn thì với nụ hôn chân thành ấy, mẹ cũng sẽ hỷ xã bỏ qua và vui vẽ cười với bạn ngay! Xin hãy thử thực hành đi, tôi sẽ cầu nguyện Trời Phật cho bạn được Mẹ tha thứ và yêu thương hoài cho đến hơi thở cuối cùng giống như Mẹ của tôi vậy. Xin cầu chúc cho tất cả các người con may măn “Còn có Mẹ” biết tận hưởng gia tài quý giá mà Trời Phật đã ban cho bạn : TÌNH THƯƠNG BỀN LÂU, BẤT TẬN, VÔ ĐIỀU KIỆN CỦA MẸ trong Ngày Cho Mẹ năm nay. Lê Mộng Hoàng Ngày Cho Mẹ 9 Tháng 5 Năm 2010. ![]() |