MIỀN NAM MẾN YÊU Dù chỉ được sống trong chính quyền Việt Nam Cộng Hoà vỏn vẹn 9 năm, nhưng ký ức về khung trời tuổi thơ yên vui tươi đẹp, của Miền Nam mến yêu vẫn sống mãi trong tâm tưởng của tôi. Thuở ấy, đầu thập niên 1970s, tôi là cô bé tí tẹo, với mái tóc fashion… “muỗm dừa hồi đó”, cái trán dồ và nick name Bé Tẹt (vì cái mũi tẹt). Căn nhà mặt tiền của gia đình chúng tôi dùng làm quán nước giải khát do Má và chị Cả quán xuyến, vì Ba tôi là Cảnh Sát Quốc Gia đi làm cả ngày. Phía trước nhà là Trại Đoàn Dư Khương, tức là Trại Quân Cụ (Lục Quân Công Xưởng) của chính quyền VNCH. Đối diện Quân Cụ là một Club Mỹ giữa khu dân cư và hai trại gia binh. Chỉ trong đoạn đường hơn một cây số, đi từ trại Quân Cụ, còn có Trại Truyền Tin, Quân Nhu, Quân Trang là gặp ngã ba. Nếu rẽ trái là đến Thành Cổ Loa, Khu Thiết Giáp, và rẽ phải gặp ngã năm là Kho Đạn, Trại Quân Khuyển mà bà con gọi là Ngã Năm Chuồng Chó. Hướng ngược lại từ nhà của chúng tôi, đi vài trăm mét là ngã ba Thông Tây. Rẽ phải đi lên Xóm Mới, còn rẽ trái đi thêm sẽ gặp Nhà Thờ Hạnh Thông Tây, đi nữa sẽ thấy Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp (không phải Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà), cạnh Làng Trẻ Mồ Côi SOS. Nếu quý vị chưa mỏi chân, thì cứ đi tiếp lên Chợ Cầu, Trung Chánh và đến Quân Trường Quang Trung của những ngày cuối tuần rộn ràng “ hôm nay ngày chúa nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh”. Đến tuổi đi học, tôi học tiểu học trường Nguyễn Công Trứ, nằm trong khuôn viên Khu Quân Trang, hiệu trưởng là một Sĩ Quan (Thiếu Tá) VNCH. Vì là trường học thuộc quân đội, nên lũ “học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau” chúng tôi cũng được hưởng chế độ viện trợ của Mỹ. Cứ ba lần trong tuần, có xe chở sữa đẩy đến cửa từng lớp học, đến lớp nào thì cô giáo lùa học sinh ra xếp hàng, mỗi em được một ly sữa tươi và một lát bánh mì mà chúng tôi gọi là “bánh mì Mỹ”. Tôi còn nhớ đó là sữa hiệu Foremost để vào ly nhựa màu xanh lá cây, có in chữ f màu trắng thật to. Ông anh Năm của tôi, lớn hơn tôi vài tuổi, buổi sáng hay dúi vào tay tôi cái bao đựng cơm sấy của quân đội (đã dùng xong), dặn dò: “ Nếu em uống sữa không hết, nhớ bỏ vào bao đem về cho anh, nghe chưa! Sữa Mỹ thơm lắm, bỏ uổng!”. Lần đó, năm học lớp Ba, chúng tôi được Giáo Sư Nhạc Sỹ Lê Văn Khoa đến trường dạy một vài tiết mục múa hát để quay trên Tivi. Tôi nhõng nhẽo đòi Má sắm cho tôi đôi giầy Bata mới toanh, mua thêm cái váy xanh áo trắng để tôi …lên sóng. Đến ngày lên Đài Truyền Hình, thầy Hiệu Trưởng cho một chiếc xe cam nhông chở cả đoàn diễn viên nhí tới Đài, cho ăn uống bồi dưỡng trên xe, thật vui. Buổi chiều thâu hình xong, xe chở về lại trường, mấy anh lính ra bế từng đứa xuống xe, có phụ huynh chờ sẵn. Riêng tôi chưa thấy người nhà thì thầy Hiệu Trưởng nắm tay tôi: “Bé Tẹt em cô Thanh bán cà phê đây mà, để chút Thầy đưa về!”. Tôi bé tí, nhưng cũng biết bắt chước mấy người lớn trong xóm, trả lời: “Dạ, cám ơn chú…Thiếu Tá!” Miền Nam bị “giải phóng” khi tôi chưa đầy 9 tuổi, nhưng những kỷ niệm ngọt ngào của những ngày tháng thanh bình (trong thời loạn) chưa hề phai nhoà. Bên cạnh những ký ức êm đềm khi đi học như vừa kể ở trên, còn là những ngày nghỉ hè, tôi đòi Má cho dậy sớm lúc 4 giờ sáng, để xem Má đổ sữa đặc vào từng ly, khoảng vài chục cái như vậy, rồi bỏ cà phê vào vợt, chuẩn bị đón những vị khách đầu tiên. Họ là những công nhân hoặc lính tráng của những trại lính xung quanh. Là những ngày Tết nắng rực vàng, tôi mặc quần áo mới, đứng khép nép nơi bàn Ba tôi uống trà ăn mứt với khách, đợi tiền lì xì, rồi chạy xuống bếp tìm món thịt đông và chè kho, chạy qua phòng khách còn nghe tivi đang mở bài ca Xuân bất hủ: “ Chúc người binh sĩ lên đàng, chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành, mừng người vì nước quên thân mình ..” Là những buổi chiều, lũ trẻ con chúng tôi được người khách quen của quán, trong bộ quân phục oai hùng của quân lực VNCH, đưa cả đám lên xe chiếc Jeep còn vương bụi bặm hành quân hoặc bùn lầy thao trường, chạy một vòng quanh khu phố. Là những người lính đủ cấp bậc, đủ màu da (vì còn có lính Mỹ, Đại Hàn, Philippines …) vào quán nhà tôi uống bia Con Cọp, điếu thuốc Capstan trên tay, với ánh mắt buồn vui bất chợt mà đứa trẻ đa sầu đa cảm như tôi cũng mơ hồ hiểu được. Và chẳng hiểu sao tôi vẫn nhớ như in, buổi trưa hôm ấy, tôi theo Má trên chuyến xe lam đi Chợ Cầu dự đám tang gia đình một người quen vừa có người con tử trận tại trận địa Phước Long. Chiếc xe lam dừng tại Trung Chánh đón khách, trong tiếng ồn ào hỗn độn mời chào mua bán, một giọng hát ma mị từ chiếc radio của quán nước gần đó, rót vào hồn tôi và ở lại cho đến tận bây giờ, đầy cảm xúc chơi vơi: “Mùa hè năm nay, anh sẽ đưa em rời phố thị đôi ngày …”. Có lẽ đó là chút gam màu xám buồn trên bức tranh rực rỡ “Miền Nam Mến Yêu” của tuổi thơ, tôi nguyện sẽ ôm ấp suốt cuộc đời này! Tháng Tư Đen 2021 KIM LOAN (Chú thích tấm hình: KimLoan làm MC trong chương trình 40 Năm Quốc Hận tại Edmonton Canada) THƯ GỬI CHỒNG CẢI TẠO Anh ạ, từ khi anh vắng nhà Hộ khẩu bốn người, nay còn ba Gạo châu củi quế, đời vất vả Thương lắm con thơ, tội mẹ già Sổ lương thực, mỗi người 9 ký Vừa gạo, vừa khoai, vừa bo bo Qua ngày đoạn tháng đời dâu bể Em chạy chợ trời, cũng tạm no Mua miếng thịt, mớ rau, khúc củi Xếp hàng cả ngày, vã mồ hôi Cô mậu dịch bán hàng phách lối Mặt xỉa mày sưng. Khổ thêm thôi Chắt chiu, dành dụm chờ thăm nuôi Tóp mỡ, tôm khô, nếp nấu xôi… Lệnh đổi tiền bất ngờ giáng xuống Mất hết gia tài rồi anh ơi Bạn bè, người thân ít gặp nhau Vì ai cũng đang mang nặng sầu Thỉnh thoảng nghe tin người “đi thoát” Mừng giùm họ, em lại ước ao Đánh tư sản, rồi kinh tế mới Xô đẩy bao thân phận lao đao Chết tức tưởi trên rừng dưới suối Em ngậm ngùi lo sợ mai sau Công an khu vực, mắt cú vọ Tạm trú tạm vắng, rình ngày đêm Mỗi tháng hội họp tổ dân phố Khủng bố tinh thần đám dân đen Chân yếu tay mềm, nào yên thân Phải đi thuỷ lợi, phải đào kênh Con khóc, con đau cũng đành chịu Bởi vì “lao động là quang vinh” Mẹ già héo hon, rồi đổ bệnh “Xuyên tâm liên” uống mãi chẳng lành Mẹ xuôi tay một chiều mưa lạnh Hơi thở sắp tàn, kêu tên anh Và còn bao nhiêu điều khác nữa Em không thể kể hết ra đây Địa ngục trần gian đang vây bủa Đồng bào Miền Nam trong đắng cay Anh đọc thư này cẩn thận nha Công em dấu kỹ trong gói quà Quản giáo bắt được thì mệt đấy: Vợ phản động! Chồng đi mút mùa! Mai mốt em lại gửi thư “chui” Nói hết những cảnh khổ khắp nơi Anh cứ làm bộ “học tập tốt” Chờ đọc thư em kể chuyện đời! Edmonton Tháng 4 Đen 2020 KIM LOAN Ý HỢP TÂM ĐẦU LÀ ĐÔI TA Nhận thư anh, em đọc một mạch Chưa kịp cảm ơn người đưa tin Dân mình mến thương tù “cải tạo” Nhiệt tình chuyển giúp dù không quen Ý hợp tâm đầu, là đôi ta “Giải phóng” vào, tan cửa nát nhà Anh trong tù nhỏ, đành câm nín Tù lớn ngoài đời, em xông pha Tai hoạ ập xuống khắp Miền Nam Nào đâu một mình em gian nan Lá ngọc cành vàng, em đã trải Giờ phải đổi thay, em sẵn sàng Nên em đảm đang lắm anh ơi Sáng cơm nước xong, chạy chợ trời Bám trụ Nguyễn Thông, Huỳnh Thúc Kháng Vài hộp thuốc tây bán kiếm lời Họp tổ dân phố, em có mặt Gật gù “đường lối” với “chủ trương” Giơ tay “nhất trí” và “đồng ý” Tranh cãi làm gì. Thời nhiễu nhương Thuỷ lợi đắp đê, em không ngại Đạt “chỉ tiêu” vỡ đất, đào kinh Người ta làm sao, em làm vậy Để khỏi bị “kiểm điểm, phê bình” Đêm đêm giấc ngủ chưa tìm đến Em mở băng cũ nghe nhạc vàng Những tình khúc lãng mạn thời chiến Một thuở Sài Gòn em với anh Ngày mai trở dậy, lại lo toan Chầu chực mua gạo, mua khoai lang Anh đừng lo sợ em vất vả Em đã biết “Cả Ngày Xếp Hàng” Em vui vì biết anh nơi ấy Không cúi đầu, không làm “ăng-ten” Không bán anh em, không nịnh bợ Giữa cuộc đổi đời, trắng thay đen Phút nghỉ ngơi trong giờ lao động Nhìn mây trời thương nhớ vợ, con Anh đã nuốt vào lòng tiếng khóc Buồn riêng và buồn chung nước non Khinh thường bọn quản giáo, cán ngố Dốt đặc cán mai, giỏi trả thù Ngạo mạn cười lũ khỉ lên phố Anh ung dung giữa chốn lao tù Đợi em nhé, lần thăm nuôi tới Mình lại gặp nhau, lén trao thơ Anh cứ giả vờ “học tập tốt” Thế giới bên ngoài để em lo Chồng ở một nơi, vợ một nơi Vẫn gần dù khoảng cách xa xôi Vẫn nhắn nhủ nhau cùng “phản động” Hai đứa mình thật là xứng đôi! Edmonton, Tháng Tư Đen KIM LOAN |