MỘT VỊ ẨN SĨ… Vào những năm sau 1954, dưới thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, miền Nam Việt Nam sống trong cảnh no ấm, thanh bình, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác bài “Điệu Hò Miền Nam”, khiến cho rất nhiều người sống ở Miền Nam trong đó có cá nhân tôi vô cùng xúc động: Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về (A li hò lờ, A li hò lợ) Đường về lối bạn không xa, Qua vùng đất đỏ thì ra Biên Hòa (A li họ lờ, a li họ lơ) Quê hương tôi ở tận Hà Tiên, Có hạt tiêu cay, có tình quyến luyến, Đưa em tới miền Cần Thơ, Có hàng dừa cao, trái thơm ngọt ngào… ……. Ngày nào cạn nước Đồng Nai, Ngày nào cạn nước ngoài khơi, Non sông ta xóa mờ, Không ai nghe tiếng hò, Thì lời nguyền mới thôi. Thì lời nguyền mới thôi. Những địa danh của Miền Nam như Đồng Nai, Nhà Bè, Gia Định, Biên Hòa, Cần Thơ, Hà Tiên,v.v…đã đem lại cho tôi một niềm mơ ước đi xa, vào Miền Nam… Sau hiệp định đình chiến tại Đông Dương đã được ký kết giữa Pháp và Việt Minh, ngày 20-7-1954, thường được gọi là Hiệp định Genève (Thủ đô nước Thụy Sĩ), một biến cố chính trị xảy ra tại Quảng Trị vào mùa Xuân 1955 (thường gọi là vụ Đại Việt Ba Lòng…) khiến cho gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, tôi bỏ học đi lang thang hoặc vào thư viện đọc sách, báo, suốt cả năm. Hồi đó, tôi mới 15, 16 tuổi, nhưng đã có nhiều ưu tư về chính trị và thường tiếp xúc với người nầy người khác, nghe bình luận về những tin tức thời sự, nhận xét về những điều đã được ghi chép trong sử sách, đặc biệt là giai đoạn từ 1945 về sau… Tôi thường đến nhà một vị ẩn sĩ, đó là một nhà Nho sinh bất phùng thời, khoa cử lận đận, tự nghiên cứu sách vở nhất là Tướng Số, Tử Vi, Dịch Lý, Phong Thổ, Mồ Mả, Nhà Cửa,v.v…để tiêu khiển. Trước năm 1954, trong thời chiến tranh, ông bị mù cả hai mắt do tai nạn. Có lần tôi tâm sự với ông: Tôi nhận thấy những người làm cách mạng, tranh đấu, đi vào con đường chính trị, khi thất bại phải ở vào thế đối lập với chính quyền. Vì bất đồng chính kiến mà từ bạn ra thù, bị đàn áp, mất việc, bị bắt, bị tù tội, có khi phải chấp nhận những cái chết oan uổng, mờ ám, gia đình vợ con không biết tìm xác ở đâu…Trong số đó cũng có những người bà con dòng họ hay bạn hữu của tôi. Vì thế, sau nầy khi ra đời, tôi muốn làm nhà giáo để sống cuộc đời an nhàn, không liên quan gì đến tranh chấp chính trị…. Hôm đó, vị ẩn sĩ mà tôi đã từng kính trọng như bậc thầy, sư phụ…đã giữ tôi ở lại nhà của ông ăn cơm, nói chuyện đến khuya mới cho tôi về…Ông đã nói về tương lai của tôi dựa trên chỉ tay, tướng học và Tử Vi…Ông khuyên tôi nên vào Nam, vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông nói rằng, dù tôi có quyết tâm học hành dể sau nầy trở thành một nhà giáo đi nữa thì sau nầy cũng bị gián đoạn về công vụ, phải đổi ngành đổi nghề nhiều lần và trước sau gì cũng không tránh khỏi con đường “chính trị”, con đường tranh đấu, làm cách mạng…và có thể phải trải qua gian nan, tù tội. Ưu điểm của con người tôi là lý luận, nói và viết để diễn đạt tư tưởng, để khuất phục kẻ khác…Trong các lãnh vực dạy học, viết văn, tranh đấu, hoạt động chính trị, đấu tranh nghị trường, hoạt động về luật pháp như luật sư, thẩm phán,v.v…chỗ nào tôi cũng có thể có mặt được, nhưng không lâu bền. Chỉ có tôn giáo là con đường tôi nên chọn và nên đi theo con đường đạo đức cho đến hết đời. Ông khuyên tôi nên đi vào miền Nam, nơi đó tôi sẽ gặp được những người ưu tú, những người mà tôi sẽ hợp tác với họ. Ngay từ 1955-1956, ông đã gieo vào đầu óc tôi những tư tưởng về địa lý chính trị, về phong thổ và con người anh hùng. Ông nói rằng nước Việt Nam chúng ta vào thế kỷ thứ 10 là một nơi có ba quốc gia, ba triều đại khác nhau. Từ Miền Bắc vào đến Đèo Ngang (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) là nước Đại Việt. Từ Đèo Ngang vào đến Rừng Lá (Phan Thiết) là nước Chiêm Thành và vùng đồng bằng sông Cửu Long là nước Chân Lạp. Bán đảo Đông Dương có hình chữ “S” như con rồng uốn mình bên bờ Thái Bình Dương, có hai con sông lớn rất quan trọng: Hồng Hà và Cửu Long. Hồng Hà phát xuất từ Vân Nam (Trung Quốc), chảy qua Miền Bắc rồi ra biển với chiều dài 1200 kilômét. Mặc dầu đã đem phù sa ở Vân Nam bồi đắp nên đồng bằng Bắc Việt nhưng sông nầy đã gây nên nhiều trận lụt lớn làm cho đồng bào miền Bắc rất khốn đốn hằng năm. Chiều dài của sông Hồng trên lãnh thổ nước ta cũng không dài lắm so với sông Cửu Long. Do hoàn cảnh lịch sử, người dân miền Bắc luôn luôn chịu áp lực nặng nề của một dân tộc vĩ đại và hiếu chiến là Trung Quốc ở bên cạnh. Các cuộc chiến tranh xâm lăng trong lịch sử từ Bắc phương, đã cho người Miền Bắc nước ta một kinh nghiệm: phải nhẫn nhục chịu đựng và phải biết vâng phục trước sức mạnh của kẻ thù. Trong hoàn cảnh như thế, bọn xâm lăng bảo sao, người dân Miền Bắc đều “vâng, vâng, dạ, dạ” cho qua chuyện để sống. Do đó, người Miền Bắc bề ngoài nói năng ngọt nào, khéo léo, có vẻ ngoại giao…Nhưng trong bụng, họ đang nghĩ gì, đang mưu tính điều gì, khó mà biết được. Các triều đại từ Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê đã cai trị Miền Bắc, đặt thủ đô tại Hà Nội, có tổ chức hành chánh lâu đời; nhiều người đỗ đạt nhờ có học hành, thi cử trải qua hàng ngàn năm. Đất Miền Bắc núi non hùng vỹ, có nhiều danh lam thắng cảnh nên cũng là nơi phát xuất nhiều người có tài văn chương, thi phú. Miền Bắc ở gần Trung Quốc nên cũng chịu ảnh hưởng văn minh, văn hóa từ Trung Quốc truyền sang nhiều hơn các miền xa xuôi khác của nước ta. Khi có họa xâm lăng từ phương Bắc, những người anh hùng từ Miền Bắc, trong nhất thời, chưa kịp tập họp nhau lại nên họ chạy vào Thanh Hóa, Nghệ An nương náu, đợi thời cơ thuận tiện để mưu đồ phục quốc. Do đó, đất Miền Trung là nơi anh hùng tụ hội, nơi xây dựng lực lượng để “ đánh đuổi xâm lăng, giải phóng đất nước, dành lại độc lập cho dân tộc”. Đa số các vị sáng lập triều đại, lãnh đạo toàn dân chống xâm lăng đều từ Nam tiến ra Bắc. Người Miền Trung sống trong một địa thế “nước chảy một chiều từ Tây sang Đông, từ Trường Sơn ra biển Thái Bình” nên tính tình của họ, theo bên nào là dứt khoát một bề. Dân Miền Trung vốn là nơi phát tích các dòng lãnh đạo (Lê, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn) nên họ thích quân sự, chính trị. Dân nghèo, muốn vươn lên phải chịu khó học hành để đỗ đạt, làm quan, giữ vai trò lãnh đạo trong xã hội. Sông Cửu Long phát xuất từ miền địa linh Tây Tạng, nguồn gốc của nhiều tôn giáo, chảy qua Trung Quốc, Miến Điện, Thái, Lào, Miên rồi mới vào Miền Nam Việt Nam. Tất cả những tinh túy của vùng núi non, cao nguyên, rừng thiêng…của các quốc gia nói trên đã theo dòng nước Cửu Long tụ lại tại Miền Nam nước ta. Phần tốt đẹp nhất, giàu có nhất là đồng bằng sông Cửu Long với ruộng đồng phì nhiêu, tôm cá dồi dào, khí hậu ấm áp, mưa thuận gió hòa…là của Trời dành riêng cho dân tộc Việt Nam. Con sông dài 4200 kilômét đó là con sông dài nhất ở vùng Đông Á này và cũng là nơi tụ khí linh thiêng của trời đất, thần thánh dành cho chúng ta. Dân Miền Nam bản chất anh hùng, thấy việc bất bình không thể bỏ qua được, người bình dân mà dám liều thân vì việc nghĩa “kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã” (Thấy điều nghĩa mà không làm là người hèn!). Bất cứ nơi nào ở Miền Nam đều có hạng người như thế. Qua các đợt Nam tiến, các chúa Nguyễn đã quy tụ những người dân có máu phiêu lưu mạo hiểm, có tinh thần tranh đấu, đi dựng sự nghiệp ở đất mới. Những kẻ đối đầu với quân thù, với ma thiêng nước độc, cọp beo thú dữ, cá sấu, rắn rết, muỗi mòng, đĩa đói…để khai khẩn đất hoang, biến những vùng hoang vu ngập nước thành ruộng, vườn. Nếu không sẵn có chí lớn và bản tính anh hùng thì làm sao họ có thể khắc phục được các trở ngại nói trên ? Điều đặc biệt quan trọng đối với Miền Nam là sự phát sinh các “tôn giáo mới”do người Việt Nam sáng lập. Đa số các tôn giáo lớn ở nước ta như Phật, Lão, Thiên Chúa và Nho học đều du nhập từ nước ngoài: Ấn Độ, Trung Quốc hay Âu Châu. Sau khi quân Pháp đánh chiếm Miền Nam, ba tỉnh Miền Đông rồi đến ba tỉnh Miền Tây…Nhiều nhà Nho yêu nước, anh hùng kháng Pháp nổi lên nơi nầy nơi khác, mưu đồ đánh đuổi xâm lăng, dành độc lập…Nhưng các phong trào đó đã thất bại,kẻ thì hy sinh trong chiến đấu, người thì bị bắt, bị tù đày, bị xử tử…Và có một số bỏ xứ ra đi, tìm đến những nơi xa lạ, chốn thâm sơn cùng cốc, những nơi hiểm trở, xa cách với dân chúng, như vùng Núi Sam, vùng Thất Sơn để dựng một mái lều tranh với cuộc sống đạm bạc. Rồi từ đó, thấy xuất hiện những ông “đạo”dưới dạng một nhà tu hành vô danh, đi nơi nầy nơi khác chữa bệnh cho dân chúng, truyền bá những bài thơ ngắn theo thể lục bát, song thất lục bát, hay có khi là thơ bốn câu bảy chữ (thơ tứ tuyệt) hay tám câu bảy chữ (thơ đường thất ngôn bát cú) nội dung thời thế, khuyến khích thích lòng yêu nước, thương nòi…Người ta gọi đó là sấm vãn (vãn: vè vãn, là một bài vè, ca dao, đồng dao thường được phổ biến trong giới bình dân). Ai có lòng thì đón tiếp ông “đạo” vào nhà, lưu lại một thời gian, để được nghe những điều đạo đức, những giáo lý của Phật, của thánh hiền. Nói chung là niềm tin và những gì ông bà tổ tiên chúng ta đã từng truyền dạy cho con cháu. Cách diễn đạt của mấy ông “đạo” ấy rất dễ hiểu và rất hợp với tâm lý và niềm tin của người bình dân. Trong số những ông “đạo” xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, thời Miền Nam được gọi là xứ Nam Kỳ thuộc địa của Pháp, thì Đức Phật Thầy Tây An với Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đã trở thành một huyền thoại trong dân chúng. Về sau, nhiều người vẫn tự xưng là đệ tử chân truyền xuất thân từ chùa nầy. Riêng Cao Đài, Hòa Hảo là do người Việt Nam sáng lập dựa trên niềm tin, phong tục của xã hội Việt Nam, nên chỉ trong một thời gian ngắn mà đã phát triển rất nhanh, rất mạnh, có số tín đồ ngang ngửa với các tôn giáo đã có hàng trăm, hàng ngàn năm. Một triều đại hay một chế độ chính trị, chỉ có thể kéo dài vài trăm năm hay có thể vài chục năm…rồi cũng có ngày tàn. Nhưng khi một tôn giáo đã thành tổ chức, đã có người nhận rằng đó là chân lý và đã tin theo rồi thì dù chính quyền có đàn áp dã man, dù phải mất mạng sống…người ta vẫn không từ bỏ niềm tin của mình. Dưới bất cứ chế độ chính trị nào, tôn giáo vẫn tồn tại. Hai mắt bị mù, vị ẩn sĩ không thấy mặt tôi, nhưng chỉ nghe tiếng nói và qua ngày tháng năm sinh, giờ sinh của tôi cũng như qua bàn tay ông nắm lấy cườm tay của tôi, nghe mạch nhảy qua dòng máu từ tim của tôi phát ra để biết về con người của tôi: quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Suốt ngày, ông theo dõi tin tức thời sự trong nước, ngoại quốc qua đài phát thanh. Có một người trong gia đình đọc báo, đọc sách hoặc tóm lược các tin tức xảy ra cho ông nghe. Tôi cũng thường cho ông biết một số tin tức phát xuất từ các giới hoạt động chính trị hoặc tôn giáo… Ông cũng đưa ra một số nhận xét về chiến tranh và các cuộc tranh chấp, bất đồng trong nội bộ người Việt Nam như sau: Hình thể nước ta giống con rồng, đầu ở Miền Bắc, đuôi ở Miền Nam. Miền Bắc thuộc Thủy, Miền Nam thuộc Hỏa. Thủy và Hỏa luôn xung khắc. Các triều đại Lý, Trần, Lê…đặt thủ đô tại Thăng Long (Hà Nội) thì trên bán đảo hình chữ “S” nầy lúc đó có tất cả ba quốc gia với ba ông vua khác nhau: Miền Bắc của người Việt Nam, Miền Trung là nước Chiêm Thành và Miền Nam là nước Chân Lạp. Khi nhà Lý, nhà Trần bắt đầu cuộc Nam tiến, đến nhà Lê thì người Việt chiếm được Miền Trung cho đến Phú Yên. Nhưng trên thực tế thì vẫn chưa bình định một cách trọn vẹn Miền Trung. Sau đó xảy ra chuyện nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông Nguyễn Hoàng Dụ đem quân Thanh Hóa chống nhà Mạc, rồi Nguyễn Kim (con của Nguyễn Hoàng Dụ) lập Lê Trang Tông, con cháu nhà Lê lên làm vua ở Thanh Hóa để chống nhà Mạc. Như vậy là trên giải đất hình chữ “S” vẫn có ba ông vua: Nhà Mạc ở Miền Bắc, nhà Lê ở Miền Trung và Chân Lạp ở Miền Nam. Năm 1592, Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, dứt được nhà Mạc thì sau đó, Nguyễn Hoàng độc lập ở Miền Trung và chúa Nguyễn Phúc Nguyên (con Nguyễn Hoàng) công khai chống lại vua Lê, chúa Trịnh, tự mình tổ chức triều đình, có quân đội, có lãnh thổ, có dân riêng. Thực tế giang sơn của Chúa Nguyễn là một quốc gia độc lập. Như vậy trên mảnh đất hình chữ “S” nầy vẫn có ba quốc gia với ba ông vua khác nhau: vua Lê-chúa Trịnh, chúa Nguyễn và vua Chân Lạp (Miên). Khi Tây Sơn khởi nghĩa, diệt được họ Nguyễn, rồi kéo quân ra Bắc diệt họ Trịnh (vua Lê) thì nước Việt Nam vẫn có ba ông vua: vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) với lãnh thổ từ đèo Hải Vân ra Bắc. Vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) cai trị từ Quảng Nam đến Bình Thuận (Phan Thiết) và Đông Định Vương (Nguyễn Lữ) ở Gia Định. Nhưng chính trong thời gian Quang Trung xưng đế hiệu, kéo quân ra diệt quân xâm lăng nhà Thanh ở đất Bắc (1789) thì Nguyễn Phúc Ánh đã chiếm lại toàn bộ đất Gia Định (Miền Nam), đuổi Nguyễn Lữ chạy về Quy Nhơn và từ đó Nguyễn Phúc Ánh có lãnh thổ, có dân, có quân đội và triều đình riêng tại Gia Định cho đến ngày chiếm lại Phú Xuân (1801) và thống nhất đất nước (1802). Nhiều người lầm tưởng anh em Tây Sơn đã thống nhất đất nước. Điều đó hoàn toàn sai. Sau khi Gia Long lên ngôi vẫn để cho Việt Nam có ba chế độ riêng biệt: Nguyễn Văn Thành toàn quyền ở Miền Bắc, Lê Văn Duyệt toàn quyền ở Miền Nam. Gia Long đóng đô ở Huế chính là tránh sự xung khắc giữa bắc với Nam, giữa Thủy với Hỏa. Khi Gia Long mất (1819), Minh Mạng kế vị, bãi bỏ chức Tổng Trấn Bắc Thành và Gia Định Thành, đặt các tỉnh trực thuộc trung ương, từ đó loạn lạc nổi lên khắp nơi trong nước: con cháu nhà Lê ở ngoài Bắc, Lê Văn Khôi ở trong Nam… Vị ẩn sĩ nói với tôi: “Thời Gia Long, có một vị ẩn sĩ khuyên Gia Long nên “phân quyền” cho Miền Bắc và Miền Nam, vua ngồi ở giữa theo dõi công việc của hai vị Tổng Trấn…thì nước nhà sẽ được thái bình. Vua nghe theo…” Vua Minh Mạng không tin điều đó nên đất nước mới có loạn lạc! Đến đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, người Pháp xâm lăng nước ta, Toàn Quyền Pháp đặt Trung Ương (Phủ Toàn Quyền) tại Hà Nội. Việt Nam vẫn bị chia làm ba: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ… mỗi xứ có chế độ riêng. Bắc với Nam vẫn khác nhau. Năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, đặt Thủ đô tại Hà Nội, chỉ 21 ngày sau thì Sài Gòn bị quân Anh chiếm đóng, rồi Pháp trở lại Đông Dương… Năm 1949, Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, vua Bảo Đại về nước, chính quyền quốc gia của Quốc Trưởng Bảo Đại tuyên bố chọn Sài Gòn làm Thủ đô…Chỉ mấy năm sau, nước Việt Nam chia hai: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo đặt Thủ đô tại Hà Nội; Việt Nam Cộng Hòa do Bảo Đại (ủy quyền cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm), thủ đô tại Sài Gòn. Vẫn là chuyện Bắc, Nam đối nghịch nhau như Thủy với Hỏa! Cũng trong thời gian nầy, Cộng Sản Miền Bắc lập ra Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để chống nhau với Tổng Thống Ngô Đình Diệm…Như vậy, trên giải đất hình chữ “S” nầy vẫn có ba chính quyền, ba chính phủ, ba quốc gia… Câu chuyện mà vị ẩn sĩ đã nói với tôi tại Huế dưới thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm mãi đến sau ngày 30-4-1975, mặc dù quân Cộng Sản Miền Bắc đã thắng và chiếm đóng Sài Gòn của Miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) và trên thực tế nước Việt Nam đã được thống nhất. Nhưng tôi nhận thấy Bắc Nam vẫn còn phân biệt. Ngay sau khi kéo cờ đỏ sao vàng vào Sài Gòn, Cộng Sản Việt Nam vẫn cho ra đời một chính phủ thứ hai mệnh danh là “Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam Việt Nam” do Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lãnh đạo với Thủ đô Sài Gòn. Qua năm 1976, Cộng Sản Việt Nam tuyên bố giải tán Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam Việt Nam để thống nhất với danh xưng “Cộng Hòa xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” và đặt Thủ đô tại Hà Nội thì một Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn với là cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam trước 1975) đã lớn mạnh tại hải ngoại để chống lại chế độ Cộng Sản Việt Nam và hy vọng có một ngày trở lại quê hương. Câu chuyện của vị ẩn sĩ đã gieo vào tim óc tôi một niềm mơ ước “đi vào Nam”, tạo dựng cuộc sống mới như những người Việt Nam ngày xưa vào thế kỷ 18, 19 đến khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long. Thế rồi mấy năm sau, mùa Thu năm 1958, tôi từ giã xứ Huế leo lên xe đò vào Nam. Tôi đã ghé lại Đà Nẵng rồi qua sông Trà Khúc vào thị xã Quảng Ngãi, đến Sông Cầu, rồi đón xe lửa từ Quy Nhơn vào Nha Trang. Dừng chân ở Cam ranh mấy hôm rồi đáp chuyến tàu đêm vào Sài Gòn. Vào một buổi sáng, tôi bước chân qua chợ Bến Thành, đi tìm người bà con để có chỗ ở tạm lúc đầu… Một hôm, tôi đến Nhà Bè, qua cầu Tân Thuận…chợt nghe giọng hò của một cô gái Miền Nam, trên chiếc thuyền con đang bơi qua sông: Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về… Giọng hò làm tôi xúc động, nhớ nước nhớ non, nhớ công ơn những người ngày xưa đã đổ mồ hôi, xương máu, mở mang đất Gia Định, đồng bằng sông Cửu Long, bàn tay của người dân đã xây dựng nên nhà cửa, ruộng vườn. Với chính sách Nam tiến, các chúa Nguyễn đã tiêu diệt Chiêm Thành, thu phục Thủy Chân Lạp (đồng bằng sông Cửu Long), mở rộng bờ cõi về phương Nam đúng như câu sấm của Trạng Trình: “Hoành Sơn nhất đới, vạn đại dung thân”. Chúa Nguyễn đi trấn nhậm đất Thuận Hóa, củng cố ngai vàng cho dòng họ của mình nhưng đồng thời cũng thi hành một chính sách tốt đẹp cho dân có làng, có nước, có ruộng đất để sinh sống lâu dài. Làm cho dân giàu nước mạnh là công lao của nhiều người, nhưng quan trọng nhất vẫn là người lãnh đạo với sự khôn ngoan và tài ba, được nhiều người ủng hộ, hợp tác, cùng chết sống với nhau trước mọi thử thách… Nước Việt Nam từ thời các vua Hùng lập quốc mà cụ thể nhất là nền độc lập phôi thai vào thế kỷ thứ 10, với Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành…lãnh thổ nước ta cũng chỉ mới từ biên giới Trung Quốc đến Đèo Ngang (Hà Tĩnh, Quảng Bình). Đến đời Lê Thánh Tông (1470) cũng chỉ mới đến Đèo Cả (Phú Yên). Nhưng tình hình ổn định thực sự từ thời Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên (thế kỷ 16, 17) và phát triển mạnh nhất từ thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần đến Nguyễn Phúc Chu (thế kỷ 17-18). Trong cuộc Nam tiến dưới thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1649-1687) đến đầu đời Nguyễn Phúc Chu (1791-1725) toàn bộ đất Chiêm Thành đã thuộc về nước ta (1792). Nhưng người Việt không đi qua Rừng Lá (trên Quốc Lộ I từ Phan Thiết đến Long Khánh ngày nay) mà theo đường biển vào Bà Rịa, Đồng Nai, Biên Hòa, Bến Tre, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên…là đất của nước Chân Lạp (Miên). Vùng Rừng Lá dọc theo Quốc Lộ I ngày nay đương nhiên thuộc về người Việt Nam sau khi vùng Bà Rịa, Biên Hòa, Gia Định đã thuộc về người Việt. Dưới thời chúa Hiền Vương, người Việt tự động kéo nhau vào khai khẩn đất hoang ở Bà Riạ, Biên Hòa…Lợi dụng lúc chú cháu vua Miên là Nặc Ông Chân và Nặc Ông Đài tranh quyền, chúa Hiền lấy lý do bảo vệ người Việt vào khai khẩn đất hoang ở Bà Rịa, Biên Hòa nên ra lệnh cho Nguyễn Hữu Cảnh đem 3000 quân vào đóng ở Bà Rịa, bắt được Nặc Ông Chân, sau đó tha cho về và bắt phải triều cống nước ta. Sau đó Nặc Ông Chân chết, Nặc Ông Nộn và Nặc Ông Đài tranh nhau ngôi vua, Đài qua cầu viện vua Thái Lan, Nộn thì chạy sang cầu cứu với chúa Nguyễn. Quân chúa Nguyễn đánh Nặc Ông Đài tại Sài Gòn, Đài bỏ chạy qua Nam Vang và chết trong rừng. Chúa Nguyễn chia đôi nước Chân Lạp, cho Nặc Ông Thu là con dòng trưởng làm vua một nửa nước và Nặc Ông Nộn làm vua phần còn lại. Hai vua Miên đều dưới quyền của chúa Nguyễn, hằng năm phải triều cống. Người Miên (Chân Lap) dần dần suy yếu, cho đến thời Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) 1790-1800, thì còn lại 12 vị thủ lãnh người Miên chiếm cứ 12 vùng chung quanh Gia Định và tất cả đều đã đầu hàng chúa Nguyễn Phúc Ánh. Trong cuộc Nam tiến, còn có sự góp công của người Hoa thường gọi là người Minh Hương. Dưới thời chúa Hiền Vương (1649-1687) người Mãn Châu xâm lăng nước Tàu, lật đổ nhà Minh, lập ra nhà Thanh. Những người trung thành với nhà Minh đã bỏ nước ra đi trong đó có các tướng Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần An Bình…đã đem quân đội và gia đình đến nước ta xin theo chúa Nguyễn. Họ đã được chúa Nguyễn cho vào khai phá vùng Bến Tre, Mỹ Tho, Chợ Lớn ngày nay. Ngoài ra còn có Mạc Cửu cũng đem binh lính và gia đình đến chiếm đóng vùng Hà Tiên, về sau cũng xin theo chúa Nguyễn. Những người Minh Hương nầy đã góp phần rất lớn trong việc bình định các cuộc nổi loạn của người Miên và khai khẩn, mở mang vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Đến thời Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) thế kỷ 18-19, thì diện tích nước ta đã gấp đôi so với thế kỷ thứ 10. Thời gian Nguyễn Vương ở Gia Định (thập niên 1790) vẫn còn 12 lãnh tụ người Miên sống độc lập, có quân đội, có lãnh thổ riêng. Trong vòng mười năm trước khi lấy lại được Phú Xuân, kinh đô cũ của các chúa Nguyễn, Nguyễn Phúc Ánh đã thu phục toàn bộ lãnh thổ của người Miên chung quanh Gia Định và xây dựng Miền Nam thành một quốc gia hùng mạnh, giàu có rồi. Với sức mạnh kinh tế và quân sự đó, Nguyễn Phúc Ánh đã thắng được Tây Sơn và thống nhất đất nước vào năm 1801-1802. Trước năm 1975, trong lớp học, tôi đã nhiều lần trình bày cho học sinh về cuộc Nam tiến và công lao của những bậc khai quốc công thần nhà Nguyễn, những người đã chỉ huy đào sông, xẻ núi, mở đường, bình định loạn lạc, tổ chức làng xóm, bảo vệ cho dân được an cư, lạc nghiệp…Những người được lập đền thờ hoặc tên đường tại Sài Gòn và các tỉnh, như Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thoại,v.v…Từ ngày 30-4-1975 trở đi, tên tuổi của những người nầy đã bị xóa hết để thay thế bằng những tên mới, tên của những người có công với đảng Cộng Sản Việt Nam. Lịch sử Việt Nam cũng đã được viết lại và dành độc quyền cho đảng Cộng Sản Việt Nam. Cuốn “Lịch Sử Việt Nam” do Hà Nội xuất bản sau năm 1975, đúng hơn là “Lịch Sử của Đảng Cộng Sản Việt Nam”…Các thế hệ sau 1975 chỉ được học về “Lịch Sử của Những Người Cộng Sản, của Đảng Cộng Sản” chứ không biết gì về “Lịch Sử của Dân Tộc Việt Nam”… Với lòng biết ơn vô bờ bến đối với tiền nhân, qua tập sách nhỏ:“NHÀ BÈ NƯỚC CHẢY CHIA HAI” nầy, tôi muốn gom góp lại những điều hiểu biết của mình với những tài liệu và hình ảnh liên quan đến những người đã góp công xây dựng và mở mang “Đất Gia Định” và “Đồng Bằng Sông Cửu Long”, một di sản mà tổ tiên chúng ta đã để lại cho con cháu muôn đời về sau được sinh tồn. Xin chân thành cảm ơn quý bạn đồng nghiệp hiện còn sống ở Việt Nam và tất cả những ai đã giúp tôi sưu tầm hình ảnh, tài liệu và thực hiện tập sách nhỏ nầy. TP Westmisnter, California, ngày 01 tháng 6 năm 2003 (nhằm ngày 02 tháng 5 Quý Mùi) Nguyễn Lý-Tưởng |