Mừng Ngày Lễ Cha

Sáng tác: letamanh – Hợp âm: Hữu Tư – Ca sĩ: Tuyết Nhung

Ca khúc:  Cha Già
Thơ:  PhamPhanLang
Nhạc:  Vĩnh Điện
Ca sĩ:  Hương Giang
Hòa âm:  Giang Đông


https://www.youtube.com/watch?v=3HM8_b9IvYg&list=PL-PjETWb5ityLtGOIuZ7MsDJpRCxtoSHq&index=1
Tình Cha Con
Cha già dạy dỗ nuôi con
Đi qua gian khổ vượt cơn bão đời
Tóc con xanh thẳm mây trời
Tóc cha bạc trắng ngàn khơi sóng buồn.
 
Tự nhiên nước mắt con tuôn
Kiếp nhân sinh ngắn say cuồng dòng mê
Tình Cha soi sáng lối về
Cha ơi! Thắp nén nhang thề dâng hương.
 
Nhớ khi xưa lắm đoạn trường
Tay cha dẫn lối chỉ đường con đi
Lời cha ấm áp thầm thì
Bây giờ hương khói khắc ghi trong lòng.
 
Tế Luân
Ngày lễ Cha
06-19-22
Cha già
Ngọn liễu buồn ủ rũ
Rặng tre làng kẽo kẹt đong đưa
Cha bạc đầu tựa cửa
Bàn tay đầy xước đau
Cha đếm sẹo hằn sâu tháng ngày
Mái tranh nghèo xiêu vẹo
Ba gian nhà cột kèo hư hao
Cha nằm nghe mối mọt
Ngày bước đi chầm chậm
Hàng cau già cúi đầu lặng câm
Bếp tro tàn leo lét
Cha đói lòng vùi vội củ khoai
Đêm đông trời buốt rét
Tiếng cú rúc sau hè
Cha giật mình ngỡ tiếng bom xa
Mưa chợt tuôn xối xả
Buồng cha nằm lã chã giọt mưa
Nhớ những ngày binh lửa
Phiêu bạt khắp sông hồ
Nay khóc hận cơ đồ nát tan…
phamphanlang
NHỚ NGÀY GIỖ CHA
Mười ba… đã quậy tưng Trời!
Răn đe, Cha phải dùng lời của roi…
Bây giờ gần tám mươi rồi
Nhớ về dĩ vãng bồi hồi tiếc thương
Dù Cha an giấc miên trường
Lời xưa Cha dạy còn vương vấn hồn…
Một vai gánh vác giang sơn
Một vai Cha đã vì con… nhọc nhằn!
Thương Cha lưng mỏi gối chùng
Cha luôn vẹn giữ tín trung với người
Được, không… chẳng nói hai lời
Khó nghèo, Cha vẫn một đời thẳng ngay
Cha còn sống, con kém may
Bươn theo cơm áo hằng ngày nuôi con…
Bây giờ, con cháu lớn khôn
Không còn cầu thực trên đường tha phương
Ngóng về Mồ Mả Quê Hương
Mẹ Cha yên nghỉ như thường ước mơ…
Nhớ Cha, lệ nhỏ thành thơ
Thương Mẹ, chỉ biết tủi cho phận buồn!
Giỗ Cha kính thắp tâm hương
Thân con viễn xứ… dặm trường cách xa!
Thanh Song Kim Phú
CHA LÀ NÚI CAO
Con không Cha như nhà không có nóc
Cha qua đời, con khóc mấy mươi Năm.

Tuổi đời của tôi nay đã một trăm
Tôi cố gắng làm một người Cha tốt
Là một cái nóc nhà không bị dột
Để con tôi vui ngày lễ của Cha.

Trăm Năm trong cõi người ta
Mẹ là Biển rộng, Cha Là Núi Cao.

     Trần Công/Lão Mã Sơn
CHÚC MỪNG
NGÀY TỪ PHỤ

 
CHÚC ngày tháng Sáu rộn ràng nha!
CHÚC khắp nhà nhà mở tiệc hoa
CHÚC thọ Father dâng mỹ tửu
CHÚC an Từ Phụ hiến Tiên trà
CHÚC lòng trung hiếu luôn bền vững 
CHÚC chữ nghĩa nhân mãi hiệp hoà 
CHÚC hãy đừng quên ơn dưỡng dục
CHÚC toàn chốn chốn thảy mừng CHA

MỪNG Cha luôn được sống an nhàn

MỪNG kính Phụ thân thọ tuổi vàng 
MỪNG chúc niềm vui thêm chất ngất 
MỪNG mong hạnh phúc mãi đầy tràn
MỪNG trong gia đạo nhìn con hiếu 
MỪNG chốn học đường thấy cháu ngoan
MỪNG Lễ Father’s  xin ước nguyện
MỪNG chờ ngày lấy lại giang san….
Phương Hoa – Father’s Day 2022
 

TÂM SỰ NGÀY LỄ CHA…
(Tứ tuyệt trường thiên,
điệp tự thi cách)


Hoa tươi trong nắng đóa hoa tươi
Mãn khai rực rỡ mãn khai cười 
Cha đã không còn, vì Cha đã…
Hạc vút trời mây…hạc vút trời!


Tầng tầng lớp lớp từng tầng lớp
Trùng khơi công đức tựa trùng khơi
Nuôi con lao nhọc nuôi con trẻ
Công ơn chưa đáp công ơn người 


Mười Chín tới đây, Mười Chín tới
Lễ Cha Mỹ đón Lễ Cha rồi
Giọt tủi con trào tuôn giọt tủi
Mồ côi đắng chát phận mồ côi


Viễn khách thêm sầu thân viễn khách
Quê người xót dạ chốn quê người 
Mãi ngóng mồ Cha con mãi ngóng
Bóng trăng lặng lẽ bóng trăng soi…

Thanh Song Kim Phú
CA. June/15/2022

NHỚ NGÀY TỪ PHỤ  (2)

Tha phương đoài đoạn ngóng quê nhà
Dõi bóng chim trời khuất nẻo xa
Cuối hạ trao sầu nương tiếng cuốc
Đầu thu gởi tủi lắng canh gà
Tưởng cha vóc hạc vun giàn mướp
Vọng mẹ hình mai bón chậu hoa
Mồ mả song thân giờ quạnh quẽ
Tâm hương khấn nguyện mắt mi nhòa 

                   Thanh Song Kim Phú


           ÂN TỪ PHỤ


Kính nhớ thương đến Bậc Từ Phụ 
            của chúng con.


Tình nghĩa cha như núi Thái Sơn,
Bao năm gian khổ vẫn không sờn.
Công Cha nghĩa Mẹ đền sao vẹn
Từ phụ thâm tình cao tựa non.
Được Cha cưng chìu khi ấu thơ,
Cưỡi trên lưng Cha vui hàng giờ.
Tiếng cười con trẻ theo ngày tháng,
Dư âm còn mãi đến bây giờ.
Ngày con đến lớp buổi đầu tiên,
Dại khờ bối rối đứng bên thềm.
Cha đưa vào lớp ngày thơ ấu
Đưa đón nhiều năm, con lớn thêm..
Tóc con ngày một mượt xanh đầy
Tuổi trưởng thành như ánh nắng mai.
Gian khổ ba đào Cha Mẹ trải
Tóc người giờ bạc trắng màu mây.
Con qua bao biển lớn sông dài,
Hạnh phúc ngày thơ chưa nhạt phai.
Một kiếp nhân sinh như gió thoảng
Cha về Bến Giác, biệt trần ai!!
Con lặng lẽ tìm hình bóng Cha,
Khói hương nhoà nhạt, lệ hoen mờ.
Tấm lòng từ phụ bao la sóng
Ghi nhớ lòng con suốt tuổi thơ.
Dáng núi chở che: tình nghĩa Cha
Một đời vững chảy con nương nhờ.
Lồng lộng biển trời cơn gió cả,
Ghi khắc lời Cha mãi đến giờ.
Cha dạy: làm người trọng Nghĩa Nhân,
Trọn tình vẹn nghĩa với Quê Hương.
Con giữ trong tâm từ dạo đó
Nguyện sống ngay lành, trả thảo ân…
UYÊN THUÝ LÂM
CON NGỒI NHỚ CHA

            Cha ơi hạ đã tới rồi
            Con ngồi sắc đỏ rạng ngời tim cha
            Trái tim nồng ấm bao la
            Đã cho con vượt phong ba cuộc đời
            Con thương những lúc chiều rơi
            Trong con dào dạt một trời dấu yêu
            Cha ơi, thoáng hạ đìu hiu
            Mà nghe nỗi nhớ nơi đâu ngập tràn
            Những ngày thơ ấu vàng son
            Vẫn còn ẩn hiện trong vòng tay cha
            Tre già ru gió đong đưa
            Ru con trẻ ngủ giấc trưa thơ nồng

            Ru con một giấc hạ hồng
     Ru ngàn xanh ngủ mộng tròn bình yên
            Ru thiên thu lắng ưu phiền
     Cho con trẻ dại lớn khôn thành người


            Có dòng sông chảy mênh mông
     Có người vững lái chèo trong cuộc đời
            Đó là cha của con thôi
            Đó là cha, một bầu trời yêu thương
            Hôm nay gió rớt bên đường
   Chân con bước lạc trên phương trời buồn
            Sao trời lặng lẽ trong đêm
            Có nghe trong mắt con đầm lệ rơi


            Long đong suốt một biển đời
            Có cha bên cạnh bao lời nhẹ khuyên
            Lời khuyên qua những nương dâu
            Dù con tóc đã bạc màu hoa râm

            Sương ngàn trắng phủ núi non
            Thái Sơn vời vợi trong con nỗi lòng
            Thời gian như mãi vọng trông
     Nhưng sao vẫn bóng hư không trở về
             Lê Mỹ Hoàn
 
NHỚ SÀI GÒN – NHỚ BỐ TÔI

Tôi đi tôi nhớ Sài Gòn ,
Nhớ mưa vừa tạnh Cầu Vồng lại lên .
Bảy mầu hiện phía Thủ Thiêm ,
Bên này em đứng ngắm xem tuyệt vời .
Bạn bè vài đứa rong chơi ,
Gọi ly đậu đỏ  vui cười cùng nhau .
Ngắm Trời bát ngát một mầu ,
Ngắm sông- bình bát trôi mau về nguồn .
 Nhớ Sài Gòn ! Ôi nhớ sài Gòn ,
Mẹ cha chờ bữa … con còn rong chơi !
Bao lần về trễ thế rồi ,
Để canh  mẹ nấu, cơm ôi …
bố cằn nhằn .
Cằn nhằn nhưng bố vẫn ăn ,
Con phải xin lỗi mấy lần mới xong …
 Con gái bố, bố rất là cưng ,
Tháng nào xuống hạng đừng hòng bố tha .
 Cái roi mây  dựng sẵn xó nhà ,
Đừng hòng bố sẽ bỏ qua  nếu lười !
 Con biết tính bố thế rồi ,
Nên “ Ngoan “ luôn đạt điểm mười bố cưng .
Nay thì ….Xa cách Ngàn Trùng ,
Nhớ Sài Gòn, nhớ Bố trong lòng khôn nguôi .
Nhớ nhiều, đành gọi  Bố Ơi ,
 Nhớ Sài Gòn, ôn lại những lời  bố răn  .
THƯ KHANH Seattle 6/11/2022–
 Nhân Ngày Father Day sắp tới -Kính gửi Bố tôi .
 
ÂN TỪ PHỤ


Kính nhớ thương đến Bậc Từ Phụ 
            của chúng con.


Tình nghĩa cha như núi Thái Sơn,
Bao năm gian khổ vẫn không sờn.
Công Cha nghĩa Mẹ đền sao vẹn
Từ phụ thâm tình cao tựa non.
Được Cha cưng chìu khi ấu thơ,
Cưỡi trên lưng Cha vui hàng giờ.
Tiếng cười con trẻ theo ngày tháng,
Dư âm còn mãi đến bây giờ.
Ngày con đến lớp buổi đầu tiên,
Dại khờ bối rối đứng bên thềm.
Cha đưa vào lớp ngày thơ ấu
Đưa đón nhiều năm, con lớn thêm..
Tóc con ngày một mượt xanh đầy
Tuổi trưởng thành như ánh nắng mai.
Gian khổ ba đào Cha Mẹ trải
Tóc người giờ bạc trắng màu mây.
Con qua bao biển lớn sông dài,
Hạnh phúc ngày thơ chưa nhạt phai.
Một kiếp nhân sinh như gió thoảng
Cha về Bến Giác, biệt trần ai!!
Con lặng lẽ tìm hình bóng Cha,
Khói hương nhoà nhạt, lệ hoen mờ.
Tấm lòng từ phụ bao la sóng
Ghi nhớ lòng con suốt tuổi thơ.
Dáng núi chở che: tình nghĩa Cha
Một đời vững chảy con nương nhờ.
Lồng lộng biển trời cơn gió cả,
Ghi khắc lời Cha mãi đến giờ.
Cha dạy: làm người trọng Nghĩa Nhân,
Trọn tình vẹn nghĩa với Quê Hương.
Con giữ trong tâm từ dạo đó
Nguyện sống ngay lành, trả thảo ân…
UYÊN THUÝ LÂM
SỐNG BÊN CHA

Hoa tím, hoa vàng giải lối đi
Bên mầu trinh tuyết giữa pha lê
Nắng gương soi trọn niềm vui nhỏ
Vội vã tin thơ đã trở về
Tứ mới tôi tìm trong sắc hoa
Hương thiên thu ngát nụ cau già
Bàn tay ngăn ngắt trên giàn lý
Tôi thích mầu xanh lấp áo cha
Đất mẹ hoang mang mây trắng vương
Rừng Chapa nhớ thủa lên đường
Xuân Viên e ấp môi từ khép
Nấp vú cha hiền bao mến thương
Rồi mấy năm về chốn đế đô
Những con đường mộng khép trong mơ
Xe bon, mắt biếc trời vui mở
Nở thắm mầu hoa dậy ý chờ
Ngày ấy hôm nay trên lối đi
Vẫn mầu trinh tuyết giữa pha lê
Soi gương, gỡ tóc, Cha cười bảo:
” Làm dáng, con tôi đón nắng về …” 
( Những ngày Mẹ mất, ở với Cha xưa ) 
 CAO MỴ NHÂN
Father’s Love- Tâm Minh Ngô Tàng Giao
NHỚ NGÀY TỪ PHỤ  (1)

Bức ảnh đầu đời chốn bể dâu
Cười toe giữa nắng dãi mưa dầu
Đời dù vạn nẻo lòng in đậm
Kiếp dẫu trăm đường dạ khắc sâu
Bóng dáng nhân từ Cha vẫn đó
Hình dung hiền thục Mẹ còn đâu
Đau thương há chỉ Ngày Từ Phụ
Thắt thẻo tàn canh ngấn lệ sầu

               Thanh Song Kim Phú
NHỚ NGÀY TỪ PHỤ  (3)

Phụ mẫu từ khi biệt chốn trần
Gia đường quạnh vắng cả ba gian
Bao lam màn trướng sương vờn rủ
Liễn đối  hoành phi khói tỏa lan
Khắc khoải mồ cha lồng gió nội
Băn khoăn mộ mẹ phủ mây ngàn
Tha hương quặn thắt lòng con nguyện
Cõi Niết song thân mãi hưởng nhàn

                     Thanh Song Kim Phú
                              (Họa Vần)

Nhớ ơn Cha
              Tình cha hơn cả Thái Sơn
          Công cha sâu thẳm còn hơn đất trời
               Dạy con khôn lớn thành tài
          Nêu gương nặng gánh đêm ngày lo âu
                đắp bồi cho cả gia đình
          Năm qua tháng lại một mình không than
                Mẹ cho tiếng hát ngọt ngào
          Cha mang cơm áo làm giàu tương lai
                Không gì có thể đo lường
           Con luôn luôn nhớ trên đường con đi
Hồng Vân
NGẬM NGÙI
TIỄN CHA

Từ ngày
con bỏ đi xa
Trôi theo vận nước bôn ba xứ người
Thương Cha nhớ Mẹ rối bời
Và quê hương cả khung trời thân thương
Một chiều
đơn độc riêng con
Tiếng chuông điện thoại reo lên từng hồi
Đầu dây tiếng khóc sụt sùi
Rằng Cha con đã …mất rồi…đêm qua
Quanh con
trời đất nhạt nhoà
Đây là cõi thực hay là chiêm bao
Nghẹn ngào nước mắt mưa mau
Cha không còn nữa nỗi đau ngút trời
Cha ơi !!!
Đã khuất xa rồi
Khăn tang quấn vội ngậm ngùi tái tê
Ngày dài một chuỗi lê thê
Tin Cha nhắm mắt não nề lòng con
Một đời
Cha tựa núi non
Vượt bao giông bão nuôi con thành người
Ơn Cha vời vợi cao dày
Trong tim con mãi suốt đời có Cha
@ LÊ HỮU MINH TOÁN
– Houston- June. 16, 2022
Ngày Lễ Cha xứ người
 
* © Lê-Ngọc Châu
 
                                                                  
Hằng năm, hầu hết trên toàn thế giới, con cái thường làm lễ mừng cha mẹ là những người đã sinh và nuôi dưỡng mình khôn lớn. Người Việt chúng ta nói riêng xưa nay không có ngày Lễ mừng Cha hay Mẹ riêng biệt mà chỉ lấy ngày Đại Lễ Vu Lan, được tổ chức rất trọng thể vào ngày 7 tháng 7 âm lịch để tưởng nhớ đến đấng sinh thành. Nhân ngày Đại Lễ này, con cái thường đi Chùa lễ Phật cầu an hay cúng vái, tưởng nhớ đến Cha Mẹ, nếu đã khuất núi.
 
Tuy nhiên, sau tháng tư đen 1975, hàng triệu người Việt rời bỏ quê hương đi tìm Tự Do, lưu lạc khắp năm châu và định cư tại nhiều quốc gia khác nhau như Anh, Pháp, Áo, Vương Quốc Bỉ, Mỹ, Gia Nã Đại, Úc, Thuỵ Sĩ, Đức, Hòa Lan, Na Uy … Nhập gia thì phải tùy tục cho nên với giòng thời gian chúng ta từ từ hội nhập vào đời sống, xã hội  của quốc gia tạm dung, cũng theo phong tục người bản xứ tổ chức những ngày lễ giống như họ. Trước hết là Ngày Lễ Mẹ, hay theo người Việt mình được gọi với cái tên âu yếm, dễ thương hơn là Ngày Hiền Mẫu, được tổ chức vào tháng 5. Sau đó là Ngày Lễ Cha, nhằm vinh danh người cha mà truyền thống Á Châu mình ví như là rường cột của gia đình (ghi chú thêm của người viết: Quan niệm này đối với người Việt chỉ có giá trị tương đối vì sau 30.4.1975, khi mà  người cha bị Cộng Sản bắt đưa đi học tập cải tạo thì người mẹ một mình đã phải tảo tần nuôi đàn con dại, thăm nuôi chồng cho đến ngày người chồng may mắn được về đoàn tụ cùng gia đình, vợ con!).
 
Trong khi khắp nơi trên toàn thế giới tổ chức Ngày Lễ Mẹ đồng loạt vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng năm thì ngược lại, ngày Lễ Cha tùy theo địa phương được tổ chức, ít ra cũng có ba  ngày khác nhau, vào ngày Lễ Thăng Thiên, ngày chủ nhật thứ hai của tháng sáu và ngày chủ nhật thứ ba của tháng bảy. Trong khuôn khổ bài này, người viết xin được giới thiệu khái quát với quí độc giả Ngày Lễ Cha tại vài quốc gia mà người viết sưu tầm được từ Internet.
 
Hiện tại có nhiều quốc gia trên thế giới còn duy trì và tổ chức Ngày Lễ Cha.
 
* Âu Châu
 
Ai-len: Quốc gia chủ yếu là Công giáo và ngày của Cha là 19.06. Cho mục đích này, đặc biệt từ vài tuần trước đó đã được trang trí với những món quà cho đàn ông trong nhiều siêu thị .
 
Aó: Khác với Đức, ngày Lễ Cha tại nước Áo được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng sáu và đặc biệt thường được tổ chức giữa những người có đức tin nên mang tính cách tôn giáo nhiều hơn. Tương tự như Ngày Lễ Mẹ, đây là dịp mà con cái người Áo đi mua bông, mua quà nho nhỏ để tặng Cha. Lần đầu tiên ngày Lễ Cha được tổ chức vào năm 1956 tại Áo.
 
Ba Lan : Ở Ba Lan, Ngày của Cha ( Dzień Ojca ) được tổ chức vào ngày 23 Tháng Sáu .
Bỉ : Chủ Nhật thứ hai trong tháng sáu ( ngoại trừ tại Antwerp ) là Ngày của Cha tại Bỉ.
Bồ Đào Nha : Bồ Đào Nha tổ chức Ngày của Cha (Dia do Pai ) vào ngày 19 Tháng Ba .
Bulgaria : Ngày của Cha được tổ chức Ngày 26 tháng Mười Hai tại Bulgaria.
Croatia : Croatia tổ chức Ngày của Cha ( Očev dan)  vào ngày 19 Tháng Ba .
Đan Mạch : Tại Đan Mạch, Ngày của Cha được tổ chức vào 05 tháng 6 , cũng là ngày của Hiến pháp Đan Mạch .
 
• Đức :
Ngày Lễ Cha tại Đức được tổ chức vào ngày Lễ Thăng Thiên (Ascension), ngày thứ năm thứ hai trước Lễ Ba Ngôi (Whitsun / Pentecost) và còn được dân Đức đặt tên là ngày Lễ đàn ông. Ngay vào thời trung cỗ (middle ages) người ta đã tổ chức những buổi diễn hành, để khánh hạ người Cha DIO. Hình thức tổ chức mừng Ngày Lễ Cha như hiện nay đã có từ cuối thế kỷ thứ 19 và vẫn còn được giới đàn ông Đức ưa thích, duy trì cho đến bây giờ. Đặc biệt là tại vùng Bắc Đức, được tiêu biểu qua những buổi liên hoan (Party) dành cho người đàn ông. Họ đi bộ, có người ngồi trên xe ngựa, đi xe đạp, xe đẩy (wheel barrows)  hay trắc-tơ (tractors) nối đuôi nhau kéo ra cánh đồng xanh vui chơi, ăn nhậu và sau đó trở về nhà nhưng ai nấy đều say túy toé. Lắm người uống quá nhiều nên mãi đến sáng hôm sau mới mò về nhà được. Với thời gian, nhất là giới trẻ, nhiều bà cũng tham dự Ngày Lễ Cha chung vui với chồng, kết quả của nền văn minh hiện đại „nam nữ bình quyền“.
Vì tiêu thụ khá nhiều rượu bia và càng ngày càng có nhiều người đàn ông (ngay cả những người chưa có con!) tham dự nên theo thống kê thường xảy ra lộn xộn, người ta hay đánh nhau trong Ngày Lễ Cha cho nên vì vậy ngày lễ này bị tai tiếng nhiều, được mang thêm cái tên là „ngày lễ uống say và đánh lộn“, buồn cười là đàn bà lại đánh nhau trong ngày lễ đàn ông, ngoài tai nạn lưu thông do quý ông say rượu gây ra đã làm cho cảnh sát và các cơ quan cứu cấp làm việc tới tấp trong dịp này.
 
Hòa Lan: Ngày Lễ Cha được du nhập vào Hòa Lan kể từ năm 1936. Tại đây, những người cha tụ họp lại tổ chức buổi tiệc dành riêng cho đàn ông có ca nhạc và nhảy múa. Ngày của Cha ( vaderdag ) ở Hòa Lan đã được tổ chức kể từ thập niên 70er/80er vào ngày Chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu. Trong ngày này thường thì người Cha được mang đồ ăn sáng đến tận giường, nhận những “Quà Tặng điển hình cho đàn ông ” (ví dụ , Cà-Vạt, vớ , xì gà , dao cạo râu , đồ điện  hoặc thậm chí quà tặng tự làm làm bằng tay) . Một số người cha ly dị lợi dụng cơ hội này để bênh vực, bảo vệ cho phong trào “Cha 4 Tư pháp”.
 
Hungary : Tại Hungary, Ngày của Cha được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu. Tuy nhiên trong xã hội, trái ngược với Ngày của Mẹ được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên trong tháng Năm, và nhiều hơn nữa cho ngày Phụ nữ 08 tháng 3, không quan trọng.
Liechtenstein Ngày của Cha , được tổ chức vào ngày 19 tháng 3, giống như ở Ý. Ngày này cũng chính thức là Ngày Thánh Giuse (St Joseph), là ngày lễ của địa phương.
Lithuania: Ngày của Cha được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên trong tháng Sáu , bốn tuần sau Ngày của Mẹ ( Ngày Từ Mẫu, ngày chủ nhật đầu tiên trong tháng Năm ) .
Luxembourg (Lục Xâm Bảo): Ở Luxembourg người ta kỷ niệm Ngày của Cha (Pappendag) vào ngày Chủ nhật đầu tiên trong tháng Mười. Trẻ em tặng cha hoa hay những món quà nhỏ hoặc thủ công. Trong trường tiểu học , một số bài hát cho Ngày của Cha được chuẩn bị và sau đó trình bày ở nhà.
Na Uy : Đọc Thụy Điển .
Nga : Ngày 23 tháng Hai là ngày của người đàn ông nhưng không chính thức .
Pháp : Ngày của Cha được tổ chức từ năm 1952 vào ngày Chủ Nhật thứ ba trong tháng Sáu.
Phần Lan : Ở Phần Lan, Ngày của Cha được tổ chức vào ngày Chủ Nhật thứ hai trong tháng Mười Một.
Romania : Ngày của Cha được chính thức tổ chức vào ngày 05 tháng 5 kể từ năm 2008 . Quyết định năm 2007, bởi các sáng kiến ​​của hãng sản xuất bia Interbrew SA Romania với thương hiệu “bia núi”.
Slovakia : Ban đầu, Ngày của Cha tại Slovakia được tổ chức vào ngày Thánh Giuse là ngày 19 tháng Ba. Tuy nhiên về sau được chuyển thể theo Mỹ. Bây giờ, Ngày của Cha được tổ chức vào Chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu.
 
Tây Ban Nha : Vào ngày 19 tháng Ba, người Tây Ban Nha ăn mừng Ngày của Cha El Día del Padre Đây là ngày đã được lựa chọn bởi vì đó là Joseftag, ngày Saint José (cha của Chúa Giêsu) . Tại Tây Ban Nha , phong tục là người cha nhận được quà tặng của trẻ em, thường sơn hoặc làm thủ công trong trường. Tạo ra ngày lễ hội này là giáo viên Manuela Vicente Ferrero với trường học của bà ta gần Madrid. Lễ hội tại trường học đã được tổ chức năm 1948 trong đó người cha của học sinh được “giải trí”. Lễ hội này là một sự cân bằng đối với Ngày của Mẹ (Ngày Từ Mẫu) hầu xoa dịu sự ” ghen tị ” của những người cha.
 
Thụy Điển : Ngày của Cha (fars dag) được tổ chức vào Chủ Nhật thứ hai trong tháng Mười Một. Năm 1931, từ Mỹ truyền đến Thụy Điển và lần đầu tiên được tổ chức vào tháng Sáu. Nhưng sau đó, Ngày của Cha theo yêu cầu của cộng đồng thương mại Bắc Âu dời lại vào ngày trên Chủ Nhật thứ hai trong Tháng Mười Một hầu tạo cho đàn ông một tình trạng so sánh với mẹ . Ngày của Cha được tổ chức khắp nơi ở Scandinavia và Estonia cùng ngày, với ngoại lệ của Đan Mạch, nơi  sẽ được tổ chức vào ngày 05 tháng 6 .
 
Thụy Sĩ: Khá phức tạp khi đề cập đến ngày Lễ Cha tại Thụy Sĩ vì ngày lễ này không mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với dân Thụy Sĩ. Năm 2007, Ngày Lễ Cha và Ngày hành động đã được “du nhập” không chính thức vào Thụy Sĩ và được tổ chức trên toàn quốc vào ngày chủ nhật đầu tiên trong tháng Sáu.
Đặc biệt, những buổi tiệc vui hay sinh hoạt như tổ chức du ngoạn nhân ngày Lễ này thường được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ hai hay thứ ba của tháng sáu.
Theo những người khởi xướng phong trào Ngày Lễ Cha của Cha Thụy Sĩ là để bày tỏ ước tính giá trị giao ước (Engagement) cho người cha. Không giống như  ở các nước khác Ngày Lễ Cha trước hết là một ngày hành động giữa cha – con và cũng là nhằm vào một chiều hướng chính trị: các điều kiện khung cho trách nhiệm đối với cha trong nghề nghiệp, gia đình và xã hội được cải thiện.

• Vương quốc Anh : Ngày của Cha ở Vương quốc Anh được tổ chức vào Chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu, không phải là một ngày lễ chính thức .
• Ý : Tại Ý, đại đa số là Công giáo thì Ngày Của Cha là Ngày Thánh Giuse 19 tháng Ba. Không giống như ở Đức, tại Ý Ngày của Cha không phải là ngày cho các trò chơi của người đàn ông hay ” ngày dành cho nam giới ” , nhưng là ngày Lễ gia đình bắt rễ sâu, được tổ chức và quan sát như là một đối tác với Ngày của Mẹ . Trẻ em thực hiện hoặc mua các món quà nhỏ cho người cha , cũng như tìm hiểu những bài thơ hay trình diễn ở trường mẫu giáo và trường học những màn kịch ngắn.
 
* Úc Châu :
 
• Úc : Ở Úc, Ngày của Cha được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên trong tháng Chín.
New Zealand : Tại New Zealand, Ngày của Cha , giống như ở Úc được tổ chức vào chủ nhật đầu tiên trong tháng Chín.

* Á Châu:
 
·         Cộng hòa Trung Quốc (Republik China)::
Tại Cộng hòa Trung Quốc Đài Loan, Ngày Lễ Cha được tổ chức vào 08 tháng Tám . Điều này là do ” số tám” ở Cộng hòa Trung Quốc ( 八, Hán Việt bā ) được phát âm là ba, và ngày thứ tám của tháng Tám, từ đó hình thức gọi ngắn hạn là baba, phát âm tương tự như ” Cha ” . Ngoài ra, số 8 cũng là một biểu tượng cho sự may mắn .
 
Hồng Kông: Ngày của Cha , bất kể Trung Quốc được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu.

Iran : Tại Iran, Ngày của Cha tổ chức vào ngày kỷ niệm sinh nhật của Shia Imam đầu tiên , Ali . Đây là ngày có thể thay đổi do lịch Hồi giáo và âm lịch hàng năm .
 
Nam Hàn: Tại Nam Hàn không có ” Ngày của Cha “, nhưng ngày Lễ Cha 05 tháng Năm còn được gọi là ngày trẻ con (children’s day) và cũng là ngày Quốc Lễ, nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho người cha đùa chơi tại những công viên (parks) hay có thì giờ để chung vui với con cái.

Nhật Bản : Ngày của Cha được tổ chức vào chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu. Ở Nhật Bản ngày này còn được gọi là ” chichi no hi”  và không phải ngày nghỉ lễ.
 
• Philippines : Ngày của Cha được tổ chức vào chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu
 
Thái lan: Người Thái gọi ngày Lễ Cha là „Wan Phor“ và là ngày quốc lễ, dân chúng được nghỉ làm vì đó cũng là ngày sinh nhật của Vua Bhumibol Adulyadej, mồng năm tháng 12. Trong ngày Lễ này Thái vinh danh những người Cha gương mẫu của toàn nước Thái. Trong năm 2004 có đến 327 người Cha được vinh danh. Nếu ngày 5.12 là ngày chủ nhật thì Thái, không liên quan gì đến ngày sinh nhật Vua, sẽ dời ngày Lễ này sang ngày thứ hai kế tiếp.

Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày của Cha (” babalar günü” ) được tổ chức vào Chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu. Và cũng giống như nước Áo, không phải là ngày thuần túy cho đàn ông, tổ chức tương tự ngày Lễ Mẹ.
Trung Cộng : Ngày của Cha được tổ chức vào chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu.
 
* Châu Phi

• Nam Phi: Ở Nam Phi, Ngày của Cha được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu.
 
* Mỹ Châu
 
·         Mỹ:
Tại Mỹ, ngày Lễ Cha tương đối được trọng vọng, không thua gì ngày Lễ Mẹ và được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng sáu. Trọng điểm của ngày lễ này là người cha mà biểu tượng chính cho ngày Lễ Cha tại Mỹ là Cà Vạt, xe hơi (càng chạy nhanh càng tốt) và những hoạt độ thể thao như đánh Golf hay đi câu cá.
 
Lần đầu tiên, vào năm 1909, Bà B. Dodd nảy ra ý kiến tổ chức Father’s Day để vinh danh Cha của bà, ông William Smart, là một cựu chiến binh trong cuộc nội chiến vào những năm 1861-1865. Mẹ của bà ta bị chết sau khi sanh xong đứa con thứ sáu và ông Smart đã một mình nuôi đứa con vừa lọt lòng cũng như lo chăm sóc cho năm đứa con dại khác tại một nông trại thuộc miền Đông tiểu bang Washington. Vì thế bà B. Dodd muốn vinh danh người cha đã có nghị lực nuôi dưỡng sáu người con. Ngày Lễ Cha đầu tiên được tổ chức vào ngày 19.06.1910 tại Spokon/Washington. Cùng thời điểm nhiều thành phố khác trên nước Mỹ cũng tổ chức ngày lễ vinh danh những người cha. Ngày lễ thành công đến độ Tổng Thống Calvin Coolidge năm 1924 lên tiếng hổ trợ và đề nghị chọn một ngày Lễ Cha chung cho từng tiểu bang nước Mỹ. Với thời gian, hầu hết mọi giới người Mỹ đều chấp nhận ngày lễ này.
 
Và trong năm 1966, Tổng thống Lyndon Johnson đã ký một tuyên bố rằng tuyên bố chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu cho Ngày của Cha. Vào năm 1974, Tổng thống Richard Nixon , bởi Công Luật 92-278 , đã tuyên bố chính thức chấp nhận ngày lễ Cha làm ngày quốc lễ và chọn ngày chủ nhật thứ ba của tháng sáu làm Ngày Lễ Cha của Mỹ. Tại Mỹ, con cái mua bông hoa, làm thơ, mua quà tặng cho người Cha. Riêng trong năm 1997 đã có hơn 90 triệu thiệp mừng được bán nhân ngày lễ này. Giống như ở Đức, vì được xem như là ngày lễ dành riêng cho đàn ông nên ở Mỹ, người cha cũng thường hay ngồi xe ngựa diễn hành để vui mừng ngày lễ cho chính mình, ngoài những buổi du ngoạn chung giữa cha con và đây chính là kỷ niệm mà hầu hết „những người đàn ông Mỹ“ sau này khi lớn lên họ không khi nào quên được.
 
Tổng thống Mỹ George W. Bush công bố vào ngày 13 Tháng Sáu 2003, ” Ban hành Ngày của Tổng thống Cha („President’s Father’s Day Proclamation“) !” .

Argentina : Ở Argentina họ ăn mừng ” Dia del Padre ” hàng năm vào ngày chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu.

Bolivia : Kỷ niệm Ngày của Cha ” Dia del Padre ” vào ngày 19, Thánh Giuse ( San José ) .

Brazil : Ngày của Cha được tổ chức hàng năm vào ngày Chủ Nhật thứ hai trong tháng Tám.

Cuba : Cuba kỷ niệm Ngày của Cha (Dia de los Padres ) vào ngày chủ nhật thứ 3 trong tháng Sáu. Ngày này có được là do sáng kiến ​​của nhà văn Dulce María Borrero, đã vận động cho một ngày quốc gia tưởng nhớ đến người cha. Lần đầu tiên Ngày của Cha ở Cuba đã được tổ chức vào ngày 19 tháng Sáu năm 1938 .

Panama, Paraguay, Peru và Venezuela: Ngày của Cha được tổ chức hàng năm vào ngày chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu.
 
Người viết tóm lược nguồn gốc Ngày Lễ Cha xứ người để giới thiệu cùng độc giả và hy vọng qua đó người Việt tỵ nạn cộng sản, nếu đang định cư tại một trong những quốc gia kê trên biết thêm (nếu chưa) được chút ít phong tục tập quán của người bản xứ hầu từ đó có thể dễ dàng hội nhập hơn vào xã hội xứ lạ.
 
Vì tính cách tổng quát của bài viết chắc chắn còn nhiều thiếu sót, mong quý độc giả thông cảm và bổ túc thêm. Đa tạ !.
 
·         © Lê-Ngọc Châu
·          (Tháng 5-2014, Nhân ngày Father’s Day = Le jour de père = Vatertag)
·         Tài liệu tham khảo : Internet
BÓ HOA “FATHER’S DAY ”     
 
Có tiếng gõ cửa nhẹ nhàng…
Con chó Minet nhà tôi gầm lên, chạy ra nhà trước, nó hửi hửi bên trong cánh cửa, coi thử phải người quen không. 
Tôi cũng ngạc nhiên, ở Hoa Kỳ từ 1/4 thế kỷ nay, chưa thấy ai tới nhà mà không hẹn trước. 
Tôi lén xuống bếp, từ cái view ngó ra cửa sổ, thấy một bà Mỹ trắng ôm bó hoa đẹp lắm, đủ mọi thứ hoa, nhưng toàn thể mầu vàng đủ độ đậm lạt …
Phân vân vài phút, tôi mở cửa gỗ lớn, nói qua cửa lưới sắt hỏi bà tìm ai, nếu tôi có thể giúp bà. 
Bà Mỹ cũng thuộc giới cao niên, nhưng khá duyên dáng, trang điểm tương đối kỹ càng . 
Bà nói: ” Con gái tôi nhờ tôi mang hoa tới đây, trao cho  Mr. Don, tôi muốn gặp ông Don, please…” 
Tôi ngạc nhiên quá, nhà tôi có ai tên Don, gọi là Mr. Don, ông Đông, ôi có phải ông ” sông Đông êm đềm ” không đây ? 
Don hay Đông đều không có ở đây, chưa nghe ai nói tới tên đó, ở đây . 
Tôi xin lỗi trả lời bà lầm nhà, nhà tôi toàn người VN, không có ai tên Don cả. 
Bà Mỹ lại giới thiệu thêm:” Tôi tên Nancy, hàng xóm nhà này, bà giơ tay chỉ về phía đầu đường Gerkin. 
Rồi tiếp lời : con gái tôi mở tiệm hoa trên down town, hình như mấy lâu nay, vẫn có ai đặt bông như thế này, bà cúi xuống bó hoa vàng tuyệt đẹp, rồi nhỏ giọng hơn : Hay là bà cứ nhận dùm, chắc người nhà đặt mua, ghi đúng địa chỉ đây.
Không, tôi không dám nhận, bà nên mang về trả con gái bà, cô ấy sẽ hiểu mọi chuyện thôi. 
Bà Mỹ đành phải ra xe, sau khi đưa cho tôi tấm card nhỏ của tiệm hoa ở tận đường ” Mặt trời mọc ” Los Angeles. 
Tôi bâng khuâng với chuyện lạ, và cái tên ông Don nào đó . 
Hôm nay, lại cũng đúng giờ đó, 11:00 am, lại có tiếng gõ cửa, tôi lại làm đúng những cử chỉ sáng qua. 
Lần này không phải bà Mỹ trắng nữa, mà là một phụ nữ chắc phải 30 tuổi rồi. 
Tôi mở cửa : ” Vẫn lại bó hoa à ? Sao cứ tới nhà tôi ? “ 
Cô gái xưng tên, rồi nói: ” Bởi vì có lời hứa, là mỗi dịp Father’s
day, cô ấy sẽ tặng cho ông Don một bó hoa mầu vàng thế này ” . 
Nói rồi , cô Hanna mở cái điện thoại ra, cho tôi coi tấm hình người đàn ông châu Á đứng trước tiệm hoa, cô ngần ngừ : “Mr . Don đã liên tiếp mua hoa ở tiệm cô từ hơn 10 năm trước, trả hết tiền rồi, năm nay là năm thứ 10, không thấy ông Don đến , nên cô có ý đưa hoa tới tận nhà, cho ông ngạc nhiên ” . 
Tôi chẳng biết Mr.Don nào ngạc nhiên, mà chính tôi đang ngạc nhiên. Ông Don châu Á, lại lấy địa chỉ nhà này là sao ? 
Tôi xin lỗi cô Hanna đó, và xin được coi lại tấm hình . 
Cô bán hoa có vẻ mừng, cho tôi xem lại ông Đông ba vạ nào chẳng biết. 
Tôi cứ nhìn và nhìn mãi, vì tấm hình trong Iphone cô ấy rất mờ, có lẽ là hình chụp lại từ một tấm hình ở ngoài . 
Cô ấy cứ quan sát tôi, và tôi cứ nhận ra từ từ …
Tôi nhìn lại cô Hanna, như cố nén tiếng thở dài : 
” Tôi thấy có vẻ quen quen người này “ 
Cô Hanna hét lên mừng rỡ : 
Bà biết ông Don này chứ, ông ấy ở căn nhà này, mỗi sáng đi bộ ngang qua nhà chúng tôi, để ra cái tiệm cafe Starbucks ngoài ngã tư kia . 

Một dịp tình cờ vào ngày Father’ s day năm đó, tôi gặp ông ở Starbucks down town, tôi thấy ông buồn buồn, thì ra ông ở Mỹ mấy chục năm, mà chưa hưởng được một ngày Father’ s day, ông muốn có cảm giác ấy. 
Sẵn gia đình tôi mở tiệm hoa, nên tôi có vẻ thích cái cảm giác được tặng hoa cho một người đang ao ước có kỷ niệm về  
Father’ s day. 
Sau đó không gặp ông, nhưng mỗi năm vẫn có người tới lấy hoa về cho Mr. Don , 
Năm ngoái không thấy ai tới nhận hoa. 
Năm nay chúng tôi thử đi tìm xem Mr.Don đang thế nào ? Đúng lúc 2 hôm nay bà đã thấy chuyện đó . 
Tôi cười hiu hắt : 
” Quả là ông Đông ấy ở nhà tôi, nhưng ông đã mất 10 năm nay rồi . “ 
Hanna lại hét vừa đủ cho cô và tôi kinh ngạc : 
Trời , hoá ra Mr. Don không còn nữa, thế mà chúng tôi không được biết .
Thì chúng tôi, là tôi đây, không biết chuyện ông Đông tự đặt tiền mua hoa đó cho ông.
Thôi xin lỗi, cho tôi nhận bó hoa này . 
Tôi thấy hình như cô Hanna đó khóc, nước mắt chảy ra . 
Cô lắc đầu, rồi vùng ôm bó hoa phiêu lưu 2 ngày vừa qua, lủi thủi ra xe cô đậu ở sát lề nhà tôi . 
Tôi không biết nói gì hơn, ngày Father’s day cuối cùng năm 2006, ông xã tôi có ăn bữa ” Ngày của cha ” lần …sau chót ở nhà cùng với chúng tôi . 
Thì ra, ông Mr. Don đó là ông D . Cũng tên vần D, nên đã phiên âm cho bà Nancy và cô Hanna là Don cho tiện . 
Ông xã tôi có thói quen ít nói, và rất nhiều tình sử, nên tôi không lạ khi tình cờ được nghe hay được thấy một nghịch cảnh nào, nó có vẻ như chuyện ở ngoài đường, không liên hệ tới mình mới lạ. 
Song, làm sao biết được những gì xẩy ra trong câu chuyện đã kể đâu đó, hoặc vừa đây. 
Điều chỉ biết đối với tôi, từ xưa rồi, không phải mới hôm nay, 
là tôi luôn luôn được đặt trước một hoàn cảnh vô cùng lãng mạn, trữ tình …
Hay có thể nói là những cuộc tình thơ đẹp lạ lùng, có thể anh không chấp nhận sự nhẹ dạ, mơ mộng, nhưng chính anh huyễn hoặc, cũng như Mr. Don, đã từng thấy tôi tiếc nuối nhưng không than van bao giờ . 
Và nhất là, phải có anh cho tôi thổ lộ …tâm tình huyễn ảo của mình. 
Anh mỉm cười lạ lắm, giống như nụ cười của người vô rừng hoang dã, chợt thấy một bông ngải trầm, rất đẹp, rất thơm, nhưng lại sợ hương độc của loài hoa nha phiến nào đó chưa được khám phá …
                                                                                                             CAO MỴ NHÂN
 

                                        –1/-BÀI HỌC CHO MỌI NGƯỜI.

Cậu con trai đưa người cha lớn tuổi đến nhà hàng ăn tối. Cha rất già yếu nên khi ăn làm rơi vãi thức ăn đầy cả vào áo quần. Thực khách ngồi gần đó nhìn ông với vẻ không mấy thiện cảm, khinh miệt, trong khi người con lại rất bình tĩnh.

Sau khi Cha ăn xong, cậu con không tỏ vẻ gì là ngượng ngùng, từ tốn đưa cha vào phòng vệ sinh, lau thức ăn vụn trên áo, chùi rửa vết ố, chải lại tóc cho cha, và chỉnh sửa mắt kính lại cho ông.

 Khi họ bước ra phòng ngoài, tất cả mọi người đều nín thở nhìn họ , không hiểu được lý do tại sao họ không hề bối rối khi đến nơi công cộng như thế.
Người con thanh toán hóa đơn và chuẩn bị đưa cha ra cửa.

Ngay lúc đó, một người đàn ông lớn tuổi đến chỗ người con và hỏi anh ta:
” Này cháu, cháu nghĩ rằng cháu có để quên cái gì không?
Người con trả lời:  ” Dạ thưa chú cháu không quên gì đâu ạ.”
Người lớn tuổi đáp lại,  ” Có đó cháu à! Cháu đã để lại một bài học cho tất cả những người con trai và niềm hy vọng cho tất cả những người Cha, cháu ơi” …

 ( Nguồn tài liệu: Quora) TháiLan dich

============================

                                     2/- BA  CỦA  SIMON – 
Guy de Maupassant  – TL dịch – 4001 ch

Chuông báo hiệu giờ tan học. Cửa trường vừa mở, bọn nhóc chen chúc nhau để ùa ra cho nhanh . Nhưng thay vì như ong vỡ tổ để bay khắp nơi rồi nhanh nhẹn về nhà ăn cơm như mọi hôm, chúng lại tụm năm tụm bảy , và thì thầm to nhỏ với nhau.
Chỉ bởi vì sáng nay là ngày đầu tiên mà bạn Simon đến trường. Cậu bé là con của mẹ Blanchotte.  
Tất cả bọn chúng đều đã nghe ba mẹ chúng nói đến Blanchotte; và cho dù dân làng đều niềm nỡ khi gặp cô ấy, các bà mẹ cũng có thương cảm cô ta nhưng cũng có chút khinh bỉ , và việc này cũng ảnh hưởng đến bọn trẻ, mà ngay cả chúng cũng không hiểu lý do.
Còn về Simon thì chúng không hề biết đến thằng nhóc, vì nhóc chẳng bao giờ ra khỏi nhà và cũng không hề chạy lang thang khắp đường phố hoặc bờ sông cánh đồng. Bởi thế nên chúng chẳng ưa gì cu nhóc; thế là bọn chúng đón chào thằng bé một cách vui thích pha lẫn một chút ngạc nhiên, rồi chúng truyền miệng từ đưa này sang đứa kia thông tin từ một thằng lớn hơn, cỡ mười bốn mười lăm tuổi có vẻ như rành đời, nó vừa nói vừa nháy mắt một cách tinh ranh:
– Này, bọn mày biết không… cái thằng Simon đó…nó không có cha.
Rồi chúng nhác thấy con trai của Blanchotte vừa ra đến cổng trường.
Nhóc có vẻ như khoảng bảy hoặc tám tuổi. Da mặt nó hơi xanh xao, ăn mặc rất tươm tất, có vẻ rụt rè, gần như vụng về.
Nó đang quay lại để về nhà mẹ, bỗng đám bạn vẫn vừa thì thầm và nhìn nó bằng ánh mắt tinh quái và ác độc của loại trẻ con đang mưu tính một vố xấu xa nào đó – chạy đến bao quanh thằng bé và dần dần khép nó trong một vòng vây thật chặt. Thằng bé đứng đó , rất ngạc nhiên và tỏ vẻ lúng túng, không biết chúng sẽ dở trò gì đây.
 Nhưng rồi cái tên đã đưa thông tin hất giọng hỏi, nghênh ngang vì đoán trước thành quả sẽ có được:
– Này nhóc, mi tên gì?
Cậu bé trả lời:- Simon.
 .Simon rồi gì nữa? tên kia lại hỏi.
– Cậu bé lập lại một cách bối rối:  “Simon.
– Tên nhãi kia hét to:  “Phải tên Simon gì chứ…như vậy không hẳn là cái tên..Simon cụt lủn”.
Thế là cậu bé tội nghiệp nước mắt chực trào ra, lập lại lần thứ ba: – Tên tôi là Simon.
Bọn nhóc cười phá lên. tên phá hoại nói tỏ vẻ tự đắc: – “Bọn bây thấy chưa, nó không có cha.”
Bỗng dưng mọi vật trở nên im phăng phắc. Bọn trẻ kinh ngạc khi biết được sự việc kỳ quặc, vô lý, ghê gớm ấy,- một thằng bé mà không có cha ư;- rồi tất cả bọn chúng nhìn chòng chọc vào nó như thể nó là một hiện tượng, một vật thể siêu nhiên, và rồi chúng cảm thấy dâng lên trong lòng sự khinh miệt của mẹ chúng đối với cô Blanchotte, một thứ cảm nghĩ mà cho đến hôm nay không thể nào giải thích được.
 Còn Simon, nó  phải đứng tựa vào một thân cây để khỏi bị ngã xuống; và nó cứ đúng như thế, như bị chôn chân vì một tai họa không thể nào cứu vãn được. Nó tìm cách để giải thích. Nhưng nó không thể tìm bất cứ điều gì để trả lời bọn kia, và cãi chính cái điều kinh khủng rằng nó không có cha. Sau cùng, gương mặt trở nên trắng bệch, nó nói to lên, nói đại cho rồi:  “Có chứ, tôi có cha mà!”.
– Ông ấy đang ở đâu? cái thằng ranh con lại hỏi vặn.
Simon không trả lời; nó thật sự không biết. Bọn trẻ rú lên cười, thật sự hứng thú; và rồi trong thâm tâm bọn con nhà nông dân ấy nổi lên ý muốn tàn ác: như là bọn thú trong sân gia cầm thúc giục tất cả bọn gà phải tận diệt một con trong đàn khi nó đã bị thương. Simon bỗng nhớ đến một đứa hàng xóm, con của một bà góa, nó vẫn luôn thấy bạn ấy cũng sống một mình với mẹ nó.  – Này, bạn này cũng vậy, bạn không có cha giống tớ nè.
– Có chứ, tôi có cha chứ, thằng bé trả lời.- Thế thì ông ấy ở đâu?-  Simon hỏi lại.
– Ông ấy mất rồi, thằng bé tuyên bố một cách hãnh diện,  -Ba tôi ở trong nghĩa trang ấy.


Tất cả bọn chúng lại nhao nhao lên tán thành, làm như thể sự việc có cha ở nghĩa trang làm cho bạn của chúng có ưu thế hơn rất nhiều để đè bẹp cái thằng không có ông cha nào hết. Rồi những đứa mất dạy ấy, mà đa số người cha của chúng đều hung dữ, say sưa tối ngày, trộm cắp, và rất thô bạo với vợ, bọn chúng chen chúc nhau để siết chặt vòng vây hơn nữa, như thể chúng là những đứa hợp pháp đàng hoàng, đang muốn bóp nghẹt cái thằng ngoài vòng pháp luật kia.
Rồi bỗng dưng cái thằng nhóc đứng gần Simon nhất lại thè lưỡi ra với vẻ ranh mãnh và hét lên:
– Đồ không cha! Đồ không cha!


Simon dùng hai tay kéo tóc thằng nhóc và đá liên tục vào ống quyển nó, thằng nhóc thì cắn vào má Simon một cách tàn bạo. Rồi bọn chúng ẩu đả nhau. Hai kẻ chiến đấu bị tách ra, Simon bị đánh đập, áo quần rách nát, thân mình bầm tím, lăn tròn dưới đất, ngay giữa vòng vây của bọn nhãi con đang vỗ tay reo hò  chiến thắng. Khi nó loạng quạng đứng lên, vừa lấy tay phủi bụi đất dơ bẩn trên áo, có một đứa nói to: – “Giỏi thì về méc ba của mày đi”.


Simon bỗng cảm thấy mọi việc như hoàn toàn sụp đổ trước mặt. Bọn chúng mạnh hơn nó rất nhiều, và đã cho nó một trận nhừ tử, nhưng nó không thể nào trả lời chúng được, vì nó biết rằng thật sự nó không có cha. Nó thu hết can đảm, và hãnh diện cố gắng không để nước mắt đang ứ nghẹn trong cổ họng tràn ra. Nó bị nghẹt thở, rồi nó bắt đầu nấc lên từng hồi , rồi thầm lặng khóc.
Khi thấy nạn nhân của mình như vậy, đám kẻ thù của chú bé cảm thấy vui lên, một niềm vui ác độc, và rồi cũng như bọn thú hoang khi vui một cách kinh khiếp, chúng nắm tay nhau, vừa nhảy vòng tròn quanh cậu bé, vừa lập lại như một điệp khúc:
-” Đồ không cha! Đồ không cha!”


Nhưng rồi bỗng nhiên Simon ngưng khóc. Bây giờ nó nổi điên lên. Nó nhặt những hòn đá dưới chân rồi thu hết sức mạnh ném vào bọn ác độc. Hai ba đứa bị ném trúng, chúng phải vừa la vừa bỏ chạy; và rồi cậu bé trở thành như một cao thủ, khiến bọn kia hoảng sợ. Chúng trở nên hèn hạ cũng như một đám đông khi đứng trước một người phẫn kích, chúng tan hàng và bỏ chạy tán loạn.


Còn lại một mình, đứa bé không cha liền bỏ chạy về phía cánh đồng, có một sự việc nó vừa mới nhớ ra và khiến nó đi đến một quyết định quan trọng.
 Nó muốn trầm mình xuống dòng sông.
Thật vậy, nó bỗng nhớ rằng cách đây tám ngày, có một người khốn khổ phải đi ăn xin để sống qua ngày đã phải tự tử vì ông ấy chẳng còn xu nào để sống nữa. Khi họ vớt ông ta lên thì Simon có mặt ở đó; và người đàn ông tội nghiệp ấy, ngày thường trông thấy đã thảm thương lắm rồi, xấu xí, bẩn thỉu, lúc ấy sao trông ông ta rất yên phận, vẻ mặt trắng bệt, hàm râu dài ướt sũng và đôi mắt mở to, rất bình thản. Mọi người quanh đó đều nói:  “Ông ấy chết rồi”. Có ai đó lại nói thêm: -“Bây giờ thì ông ấy hạnh phúc rồi.”


 Và Simon cũng vậy, nó muốn tự vẫn, bởi vì nó không có cha, cũng như gã đàn ông khốn khó kia không có tiền bạc.
Nó đến gần mé sông, và nhìn nước đang chảy. Vài chú cá đang bơi lượn rất nhanh trong dòng nước trong vắt, đôi khi nhảy lên cao để ngoạm lấy bọn ruồi đang bay là là trên mặt nước. Chú bé ngưng khóc để nhìn đám cá, vì nó bỗng nhận thấy động tác đùa chơi của chúng rất hay. Nhưng rồi cũng như lúc tạm ngưng sóng gió của một cơn bão, bỗng dưng những trận cuồn phong nổi lên làm gãy đổ cây cối rồi lại tan biến đi ở cuối chân trời, ý nghĩ buồn chán lại nổi dậy trong tâm trí nó một cách đau nhói:  “Ta sẽ trầm mình xuống đây bởi vì ta không có cha”.

Bầu trời nóng ấm, và thật dễ chịu. Ánh dương dịu nhẹ làm cho cỏ cây thật ấm áp. Mặt nước sáng bóng như tấm gương soi. Rồi Simon bỗng cảm thấy những khoảnh khắc thật phúc lạc xâm chiếm hồn mình, rồi cảm giác uể oải lờ đờ khi nó vừa mới khóc xong, khiến nó ao ước làm sao có thể ngủ một giấc ngay nơi này, trên cỏ, trong nắng ấm.


Rồi một con nhái xanh màu lá nhảy trên cỏ. Nó muốn bắt chú nhái kia. Con vật nhảy đi. Simon chạy theo, rồi chụp hụt ba lần liên tiếp. Sau cùng cậu chụp được hai cẳng sau của con vật và bật cười to lên khi thấy con nhái cố vùng vẫy để thoát. Nó chụm hai chân lại, rồi bỗng nhanh chóng xoải dài ra, thẳng tắp; đôi mắt tròn to, hai cẳng trước ngọ nguậy như hai bàn tay. Nhìn con vật nó lại nhớ đến món đồ chơi cũng làm bằng những thanh gỗ nhỏ chéo nhau có thể nhúc nhích như vậy làm cho chú lính gắn bên trên cử động theo.Thế rồi nó nhớ đến nhà của mình, đến mẹ nó, và trở nên buồn tủi , nó lại khóc. Toàn thân nó bỗng run lẩy bẩy; nó quỳ gối xuống và thầm đọc kinh như nó vẫn làm trước khi ngủ. Nhưng nó không thể nào đọc hết lần kinh được, vì nó cứ nấc nhiều hơn, to hơn, làm xáo trộn đầu óc nó.


Nó không suy nghĩ gì được nữa, không nhìn thấy bất cứ gì chung quanh nữa, và chỉ khóc và khóc.
Bỗng dưng một bàn tay to mạnh đặt lên vai nó và một giọng nói ồm ồm hỏi nó:
 – ” Tại sao mà cháu buồn dữ vậy, cậu bé kia?”
Simon quay đầu lại. Và nhìn thấy một người thợ cao lớn với bộ râu và mái tóc đen quắn đang nhìn nó với vẻ thiện cảm. Nó trả lời ông ta, mắt vẫn còn đầy ngấn lệ và cổ vẫn còn nghẹn ngào:
– Da chúng nó đánh đập cháu… bởi..vì..cháu không ..không ..có..cha..cha..
– Cháu nói sao được, người nào cũng có cha chứ, ông ta vừa nói vừa cười.
Rồi đứa bé nói một cách khó khăn trong những tiếng nấc đau khổ: – “Nhưng cháu ..cháu..thì ..không”
Người thợ bỗng trở nên nghiêm trang; ông ta nhận ra đây là con trai của cô Blanchotte, và cho dù mới đến làng này không lâu, ông ta đã biết câu chuyện của nhà đó một cách mơ hồ.
– Nào, nào, nguôi giận và bớt buồn đi cháu, bé con của ta à, và đi với ta về nhà gặp mẹ con xem nào. Nếu con muốn, con sẽ có… một người cha nhe con. 

Rồi hai người cùng đi, người lớn cầm tay người bé, và ông ấy lại mỉm cười nữa, bởi vì ý nghĩ được đến gặp Blanchotte cũng làm cho ông ta vui chứ, nghe đâu cô ấy là một trong những cô gái đẹp nhất vùng; và ngẫm nghĩ rằng, một tuổi trẻ nào đó đã lầm lỗi lại cũng có thể phạm sai lầm nữa…
Hai người đến trước một ngôi nhà nhỏ màu trắng, rất gọn gàng sạch sẽ. 
– “Thưa chú, ở đây nè”, rồi nó kêu lên”  “Mẹ ơi!”.


Một người đàn bà bước ra, và nụ cười bỗng vụt tắt trên môi người thợ, vì ông ấy hiểu rằng không được đùa giỡn với cô gái dáng vẻ cao gầy đang đứng với vẻ mặt rất nghiêm nghị, làm như thể cô muốn ngăn cản không cho người đàn ông nào bước qua ngưỡng cửa này nữa, nơi mà trước đây đã có một người phản bội cô ta .
Trở nên rụt rè, ông ấy cầm cái nón trên tay, và một cách chậm rãi, ấp úng nói:
  – Thưa bà, tôi mang cậu bé về cho bà đây, cậu bé bị lạc đường cạnh bờ sông.
Nhưng Simon nhảy tót lên bá vào vai mẹ và vừa nói vừa khóc:
– Không phải mẹ ơi, con muốn tự vẫn bởi vì bọn chúng đã đánh đập con.. đánh con..bởi vì con không có cha.


Người phụ nữ cảm thấy đôi mà mình đỏ hồng lên, và đau đớn tột cùng cho đến tận xương tuỷ, bà vội ôm hôn con rất mạnh trong khi những dòng lệ lăn nhanh xuống má. Người đàn ông đứng đó, xúc động, nhưng không biết làm thế nào để bỏ đi. Bỗng dưng Simon chạy đến bên ông ta và nói:
  – Chú ơi, chú có muốn làm cha của cháu không?
Không một ai nói lời nào. Cô Blanchotte, không biết phải nói gì và tâm hồn bị dằn vặt vì xấu hổ, đứng tựa vào tường, hai tay để trên ngực. Cậu bé thấy không ai nói gì mình, lại tiếp tục:
 – Nếu chú không muốn,  cháu sẽ trở lại sông tự vẫn cho xem.
Anh thợ nghĩ rằng cậu bé nói đùa chơi nên vừa cười vừa trả lời :
– Tất nhiên rồi cháu à, ta muốn lắm chứ.
– Vậy thì tên chú là gì vậy, để khi tụi nó hỏi thì cháu biết trả lời tên của chú chứ?
–  Philippe, ông ấy nói. Simon im lặng giây lát để cho cái tên ấy in hẳn vào tâm trí mình, rồi nó dang hai tay ra, như thế đã được an tâm rồi, và nói:  – A, như vậy thì chú Philippe à, chú là ba của cháu đấy nhé.  
Người thợ đưa hai tay ra ốm chú bé lên cao, rồi bỗng dưng hơn vào đôi má nó, rồi sãi những bước thật dài và bỏ chạy đi.

Và rồi sáng hôm sau, khi đến trường, thằng nhãi ranh hôm qua lại cười chế nhạo nó một cách ác độc nữa; đến khi tan học, nó lại có ý trêu chọc nữa, nhưng Simon hét vào tai nó, như thể ném cục đá vào người nó:  ” Này, ba của tôi tên là Philippe”!
Thế là một tràn tiếng hét vui mừng vang lên cùng khắp:
-Philippe gì?. Philippe rồi thêm gì nữa?.. Philippe cụt lủn nghĩa là gì?..Mày moi cái tên đó ở đâu ra vậy?
Simon không thèm trả lời;  và với lòng tin vững chắc không gì có thể lay chuyển được, cậu bé nhìn chúng với vẻ thách thức, sẵn sàng để bị hành hạ nữa chứ không bỏ chạy trước mặt chúng.
Ông hiệu trưởng đến giải thoát cho nó và cậu bé đi về nhà.


Trong suốt ba tháng sau đó, anh thợ Philippe cao lớn thường đi ngang qua nhà cô Blanchotte và đôi khi anh còn đánh bạo gợi chuyện với cô ta khi anh thấy cô ngồi khâu vá bên cửa sổ. Cô ấy trả lời anh rất lịch sự, lúc nào cũng rất nghiêm trang, không bao giờ cười đùa với anh, và không mời anh vào nhà. Tuy nhiên, với tính hơi tự phụ như tất cả quý ông, anh nghĩ rằng cô ấy hay đỏ mặt e thẹn hơn thường ngày khi cô nói chuyện với anh.
Nhưng sự đời, một khi mà thanh danh đã bị tổn hại thì rất khó mà trở lại như xưa, giờ đây trở nên quá bấp bênh, và hậu quả là cho dù Blanchotte cố giữ gìn ý tứ để không bị chú ý, miệng thế gian cũng đã bàn tán xôn xao trong vùng rồi.


Về phần Simon thì cậu bé rất yêu người cha mới của mình, và thường đi dạo với ông mỗi chiều sau khi ông xong việc. Nó rất chăm chỉ đến trường và mỗi khi đi ngang trước mặt bạn thì vẻ mặt nó trở nên rất chững chạc, và không bao giờ trả lời chúng.


Nhưng rồi, một ngày nọ, thằng nhãi ranh trước đây đã tấn công nó lại nói:  
– Mày nói dối, mày không có cha tên là Philippe.
– Tại sao vậy? Simon hỏi, có vẻ chạnh lòng.  
Thằng nhóc xoa hai tay vào nhau, và nói:
– Bởi vì, nếu như mày có cha, thì ông ấy đã là chồng của mẹ mày rồi.
Simon cảm thấy thật bối rối khi nghe sự lý giải rất đúng ấy, nhưng rồi nó vẫn trả lời:  -” Tuy vậy ông ấy vẫn là cha của tôi mà”.
– Cũng có thể là như vậy, nhưng ông ấy chưa hẳn là cha của mày, – tên ác ôn ấy lại vừa cười khẩy vừa nói .
Cậu bé con của Blanchotte bèn cúi mặt và vừa đi vừa mơ màng về phía xưởng rèn của già Loizon, Philippe là thợ ở đó.


Cửa hàng đó bị lấp phía sau hàng cây cao. Trời đã sẩm tối lắm rồi; ta chỉ thấy ánh sáng đỏ rực của một lò lửa đang chiếu rọi năm người thợ rèn đang cùng gõ nhịp với tiếng khua đập vào đe một cách đinh tai nhức óc. Tất cả họ đều đứng, cánh tay trần, khí thế sung sức như ác thần, đôi mắt chăm chăm vào miếng sắt nóng rực mà họ đang hành xử: mọi suy nghĩ nặng nề của họ bay lên cao rồi giáng xuống cùng với tiếng búa gõ.
Simon bước vào mà không ai nhìn thấy cậu bé, và cậu đến kéo tay áo người bạn lớn của mình. Ông ấy quay đầu lại. Rồi thì mọi người bỗng đều ngưng việc, và tất cả họ đều chăm chú nhìn hai người. Và trong cái thinh lặng bất thường ấy, giọng nói yếu ớt của cậu bé vang lên.
-Chú Philippe này, lúc nãy bạn nhóc con nhà Michaude nói với cháu rằng chú không hẳn là cha của cháu kìa.
– Tại sao vậy? anh thợ hỏi nó.


Cậu bé trả lời tỉnh bơ, một cách vô cùng ngây thơ:
  – Bởi vì chú không phải là chồng của mẹ cháu.
Không ai còn có thể cười được nữa. Philippe đứng đó, áp đầu vào đôi tay vạm vỡ đang cầm cái búa đang chĩa xuống cái đe. Anh ta đang mơ màng. Bốn người bạn đồng nghiệp nhìn anh ta, và Simon tội nghiệp thật nhỏ bé ở giữa những anh chàng khổng lồ ấy đang chờ đợi, lo âu. Và bỗng dưng một anh thợ như đoán được suy nghĩ của cả bọn, nói với Philippe:
– Nghĩ cho cùng, cô Blanchotte ấy là một người phụ nữ tốt, rất can đảm, mạnh khỏe và nền nếp , đã tự vươn lên cho dù phải chống chọi với khổ đau của mình, cô ấy sẽ là một người vợ thật xứng đáng cho một người đàn ông trung thực.
– A, điều này thì thật là đúng, ba người kia thêm vào.
Người thợ tiếp tục:
– Đâu phải lỗi cô ta đâu, nếu như cô ta chưa có được một gia đình đàng hoàng? Họ đã hứa là sẽ cưới cô ta, và tôi cũng có biết một trường hợp như thế, ở đây ai cũng quý trong cô ấy, và cô ấy cũng không làm gì sai trái kia mà.
– Ồ, thật đúng như vậy, ba người còn lại cùng nói .
Rồi người thợ lại nói tiếp:  “Cô ta thật cực khổ biết bao, thật tội nghiệp khi phải tự mình nuôi con như thế, hẳn cô ta đã khóc thật nhiều từ dạo ấy, và chỉ đi ra ngoài để xem lễ ở nhà thờ, chỉ có Chúa lòng lành hiểu được thôi. 
 – Thật chính xác, những người kia trả lời.
Rồi ta chỉ còn nghe tiếng ống bễ lò rèn đang quạt cho lửa rực sáng thêm. Bỗng dưng Philippe quay qua nói với Simon:
– Cháu về nói với mẹ là chiều nay ta sẽ đến nói chuyện với cô ấy.
Nói xong, ông đẩy cậu bé ra ngoài sân.


Ông trở lại làm việc, và ngay tức khắc, năm chiếc búa cùng nện vào đe. Bọn họ đập mạnh vào miếng sắt như thế cho đến khi màn đêm buông xuống, những người thợ mạnh mẽ, sung sức, thật vui vẻ như những cái búa đầy sức sống. Nhưng trong những tiếng nện râm vang ấy, tiếng búa của Philippe át hẳn tiếng ồn của các bạn, gõ đập nhịp nhàng xuống từng phút giây, thật chói tai, như tiếng chuông lớn vang lên trong những ngày lễ hội, chế ngự tiếng ngân của tất cả những chuông khác. Và anh ta, với đôi mắt sáng linh động đang làm việc một cách hăng say giữa những tia lửa rực sáng trên bầu trời đêm.


Bầu trời đầy sao sáng khi ông ấy đến gỡ cửa nhà cô Blanchotte. Ông ấy diện bộ vét ngày chủ nhật, áo sơ mi tươm tất ,  râu cằm nhẵn nhụi. Thiếu phụ trẻ bước ra đến ngưỡng cửa và nói với ông ta, giọng không vui :
-“Thưa ông Philippe, ông đến vào chiều tối như thế này thật là không tốt chút nào đâu ạ”.
Ông ta định trả lời, nhưng rồi lắp bắp điều gì và trở nên bối rối khi đứng trước mặt cô ấy.
Cô ấy lại tiếp:
– ” Ông cũng thừa biết là không nên để mọi người bàn tán xôn xao về tôi nữa .”
Và rồi , ông ấy bỗng dưng can đảm lên:
–  Có sao đâu, nếu như cô bằng lòng làm vợ của tôi!


Cậu bé không nghe tiếng trả lời, nhưng trong bóng tôi có thể nghe được tiếng thân mình khụyu xuống. Rồi ông ấy lách người vào rất nhanh; Simon lúc đó đang nằm trên giường nghe tiếng một nụ hôn và tiếng mẹ nó thì thầm rất nhỏ.


 Thế rồi, bỗng dưng nó thấy mình được nhấc lên cao trên tay người bạn to lớn của nó, rồi ông ấy vừa bế nó trên đôi tay lực sĩ vừa nói thật to:
– Ngày mai con nói với bạn của con, là ba của con tên là Philippe Rémy, chú thợ rèn, và ông ta sẽ đến véo tai đứa nào làm cho con đau nhe.  


Sáng hôm sau, trường thật đông đủ học trò, và khi cô giáo bắt đầu dạy học, cậu bé Simon đứng lên giữa lớp, gương mặt xanh xao vì xúc động và thốt lên bằng một giọng run rẩy:
” Cha của tôi tên là Philippe Rémy, người thợ rèn, và ông ấy báo trước là bạn nào làm tôi đau thì sẽ bị ông ấy véo tai đó!  
Cậu ta tuyên bố thật rõ ràng như thế.


Bây giờ thì không ai còn dám cười nhạo nữa, bởi vì mọi người đều biết cái ông Philippe Rémy , cái ông thợ rèn ấy, và rồi nói đến ông thì họ cũng biết ông ta là một người cha không thể chê vào đâu được, một người cha mà ai cũng đều rất hãnh diện được làm con của ông. 
1879 – Guy de Maupassant  – TL dịch

          Tâm Sự Chồng Tôi

 (Viết tặng chồng Ngày QLVNCH)
 
Hơi sương rơi nhẹ nhấp rượu nồng
Tâm tư người lính chuyện núi sông
Bao năm chiến đấu đời phiêu bạt
Nhắc lại ngày xưa thấy chạnh lòng
 
Việt Nam vời vợi Bắc Bán Cầu
Mưa chiều Tháng Sáu chợt qua mau
Nhớ thương sâu lắng tình non nước
Còn mất bao nhiêu mãi lo âu
 
Bôn ba đi khắp bốn phương trời
Đấu tranh rong ruổi nửa cuộc đời
Ngày về đất mẹ dù chưa tới
Áo nhà binh giữ chẳng buông rơi
 
Mong như làn sóng của đại dương
Hậu sinh luôn tiếp nối con đường
Cha ông ngang dọc vì tổ quốc
Tinh thần trách nhiệm đó làm gương
 
Mai này ca khúc hát hồi hương
Nắng mới reo vui khắp nẻo đường
Giữ vững niềm tin nuôi hy vọng
Khải hoàn sẽ đến nhé người thương
 
Dương Việt-Chỉnh      
12 Tháng 6, 2022
Văn xuôi:
1. BỐ TÔI- Nguyễn Thị Thêm

              Nhưng Không Được
 
Anh muốn đặt hình em vào trang sách
Lúc học bài ngồi ngắm mắt em mơ
Nhưng không được lỡ anh nhiều sách vở
Em sẽ buồn trong những cuốn bỏ lơ
 
Anh muốn đặt hình em lên khung cửa
Để buổi chiều cảm hứng những dòng thơ
Nhưng không được nhỡ hôm trời mưa đổ
Em lạnh rồi mắt ướt khóc bơ vơ
 
Anh muốn đặt hình em đầu giường ngủ
Để ru anh trong suốt những canh dài
Nhưng không được anh thường hay về trễ
Em giận hờn và biết nói cùng ai
 
Thôi em nhé đặt hình nơi phòng khách
Sẽ lắm người khen đôi mắt nai tơ
Ở nơi này luôn có nhạc và thơ
Em không dỗi đợi chờ anh lúc vắng
 
Dương Việt-Chỉnh
NHỚ SÀI GÒN – NHỚ BỐ TÔI

Tôi đi tôi nhớ Sài Gòn,
Nhớ mưa vừa tạnh Cầu Vồng lại lên.
Bảy mầu hiện phía Thủ Thiêm,
Bên này em đứng ngắm xem tuyệt vời.
Bạn bè vài đứa rong chơi,
Gọi ly đậu đỏ  vui cười cùng nhau.
Ngắm Trời bát ngát một mầu,
Ngắm sông- bình bát trôi mau về nguồn.
 Nhớ Sài Gòn ! Ôi nhớ sài Gòn,
Mẹ cha chờ bữa … con còn rong chơi!
Bao lần về trễ thế rồi,
Để canh  mẹ nấu, cơm ôi…
bố cằn nhằn.
Cằn nhằn nhưng bố vẫn ăn,
Con phải xin lỗi mấy lần mới xong …
Con gái bố, bố rất là cưng,
Tháng nào xuống hạng đừng hòng bố tha.
Cái roi mây  dựng sẵn xó nhà,
Đừng hòng bố sẽ bỏ qua  nếu lười !
Con biết tính bố thế rồi,
Nên “ Ngoan “ luôn đạt điểm mười bố cưng.
Nay thì ….Xa cách Ngàn Trùng,
Nhớ Sài Gòn, nhớ Bố trong lòng khôn nguôi.
Nhớ nhiều, đành gọi  Bố Ơi,
 Nhớ Sài Gòn, ôn lại những lời  bố răn.
THƯ KHANH Seattle 6/11/2022–
 Nhân Ngày Father Day sắp tới -Kính gửi Bố tôi.
BỐ TÔI

Gia đình tôi nghèo lắm, cả mấy mạng người sống trong một ngôi nhà lụp xụp ven sông của khu Khánh Hội. Căn nhà tranh, vách che chắn bằng những là dừa nước đan lại với nhau. Trong nhà một cái giường dùng cho cả gia đình, một cái bàn nhỏ để bình trà và vài cái cốc uống nước cùng cái tẩu thuốc lào của bố. Kế đó là cái chạn cũ kỹ, cái bếp có ba ông táo ngồi châu mặt với nhau buồn vì đã lâu không thấy sơn hào hải vị. Trên cái dĩa đã mẻ miệng, một nải chuối nho nhỏ với ba cây nhang đã tàn cắm trên một cái lon sữa bò. Cả gian nhà trông tội nghiệp như lời khấn nguyện thật thà của người đàn bà chủ nhân gian bếp. “Xin cho con hôm nay bán đắt để mau hết nồi bánh canh.”
Cũng may nền nhà được tráng xi măng, nên chị em tôi cũng có nơi để ngủ. Đây là căn nhà bố tôi mua lại của một ông cụ lượm ve chai trong xóm. Khi ông mất, con ông cụ bán rẻ lại lúc bố con tôi trôi dạt về nơi này. Đất Sài Gòn là nơi quy tụ người tứ xứ, một chái nhà tranh cũng đắt đỏ với những kẻ tha hương. Bố mẹ tôi đã vét đến đồng xu cuối cùng mang theo để trả lần đầu và liên tục 3 năm trả dần mới có được căn nhà chính thức của mình. Bố mẹ tôi thường nói: ‘Người Sài Gòn tốt bụng, không nơi nào con người có tấm lòng hào phóng như dân Sài Gòn”
 
Bố tôi làm nghề dân biểu (Bố hay đùa như thế mỗi khi có ai hỏi đến nghề nghiệp của mình) Xe xích lô cũng thuê để chạy nên tiền kiếm được phải trả cho chủ xe theo quy định. Lúc đầu, bố tôi chạy từ sáng đến tối mà không có khách. Tiền nộp cho chủ xong chẳng còn lại được bao nhiêu. Dần dần ở lâu quen biết, bà con nghèo ở khu Khánh Hội thương nên mỗi khi đi chợ đều gọi bố tôi. Bố thật thà lại giá cả phải chăng nên lâu dần thành những mối quen. Sáng bố chở bạn hàng ra chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối rồi ghé rước về. Ngặt nỗi Cầu Ông Lãnh con dốc thật cao, lần nào bố tôi cũng đẩy hết sức lực, mồ hôi ướt đầm cả lưng áo mới lên tới đỉnh cầu. Xong ngồi kéo thắng để chạy xuống dốc. Vì vậy lưng bố tôi đau thường xuyên, bệnh nghề nghiệp cứ hành hạ bố tôi ngày này qua ngày khác.
Buổi sáng khi bố tôi đẩy xe ra khỏi nhà là mẹ tôi đã nấu gần xong nồi bánh canh bán rong trong xóm. Dân lao động nghèo nên chẳng cần thịt, tôm nhiều cho lắm, chỉ phiên phiến cho có để thêm vị ngọt. Bánh canh nóng, tí hành ngò, tiêu ớt điểm tô lên trên. Điểm tâm buổi sáng giá rẻ, ấm lòng để cật lực một ngày lao động. Kẽo kẹt vòng vòng trong xóm cho hết nồi bánh canh là mẹ đi về. Trên đường về nhà, mẹ ghé chợ trong xóm (không biết chợ thành hình từ lúc nào mà bán từ sáng tới tối) mẹ mua ít thức ăn về nhà cơm nước. Bố chạy hết các mối buổi sáng ghé về nhà lua ba hột cơm rồi chở mẹ đi chợ. Buổi chiều, mẹ lại ra ngồi ở cái chợ xóm nghèo đó bán cóc, ổi, mía ghim.
Có lẽ không ai ở Sài Gòn lại không biết quận tư với khu Khánh Hội. Một địa danh thật nghèo có lịch sử lâu đời. Nơi đây có cây cầu Khánh Hội còn được gọi là Cầu Cống với Bến Chương Dương nơi tàu ngoại quốc ra vào sầm uất. Ngoài ra còn có cầu Ông Lãnh và cầu Calmette cũng đi về khu Khánh Hội.  Khánh Hội nổi danh là nơi có nhiều tay anh chị hùng cứ, băng nhóm du đãng khiến người ta sợ lẫn khâm phục vì có nghĩa có tình, cái tình nghĩa lạ kỳ của những anh hùng Lương Sơn Bạc. Một số tài tử, nhà văn nổi tiếng cũng xuất thân từ nơi này. Có lẽ những phức tạp của khu Khánh Hội là nguồn cảm xúc của những tâm hồn nghệ sĩ.
Nhà tôi ở trong hẻm Hãng Phân nằm trong khu Khánh Hội. Cái xóm nghèo đông đúc và chật chội nhưng đầy tình người. Đi qua khỏi cư xá Vĩnh Hội, nằm bên trái ngôi chùa (nơi trú ẩn tạm dung của khách lạ bốn phương) là con đường nhỏ thành hình bằng những tấm xi măng nối tiếp nhau là đi vào xóm của tôi. Cái xóm nghèo đủ thành phần Bắc, Nam Trung quy tụ trên bờ con sông Sài Gòn của khu Khánh Hội. Họ làm đủ nghề tay chân để mưu sinh: khuân vác bến cảng, công nhân hãng Ba Son, công nhân hãng thuốc Tây, chạy xe ba gác, xe xích lô, khuân vác mướn và còn có những tay anh chị bụi đời.
Những căn nhà tạm thời cứ mọc ra một cách tự nhiên và bám trụ luôn ở đây. Phía sau nhà là rạch nước dẫn đến từ con sông Sài Gòn. Nước ở dưới đục ngầu, rác trôi lềnh bềnh hôi hám. Dòng nước tù túng như đám dân đen thiếu khí trời thiếu đất sống. Mỗi nhà đóng cọc bên dưới và làm một cái sàn dùng để tắm giặt và …đi cầu, nhất cử lưỡng tiện. Cứ thế, sau khi giải quyết vấn đề quan trọng nhất nhì của con người, cứ việc xối vài gáo nước là cái nợ đời từ từ trôi đi và ghé nơi đâu không ai cần biết.
Nơi mà cả xóm được chính thức được sử dụng để giải quyết bầu tâm sự, là một cái nhà cầu công cộng xa cuối con đường hẻm mà dân chúng gọi là Cầu Tũm. Đó là một cái ao nuôi cá tra của một gia đình nào đó không rõ. Một dãy nhà cầu dài, không phân biệt dành cho Nam hay Nữ. Ai tới trước cứ việc vào. Bước vào cầu tũm phải đi qua một cây cầu dài được hình thành bằng ba đoạn cây tròn tròn ghép lại. Mùa hè thì khô ráo, nhưng mùa mưa trơn trợt bởi đây là khu đất thấp trồng hoa màu bỏ mối cho chợ. Trước mỗi ngăn nhà cầu là một tấm ván đóng lưng chừng để người bên ngoài không thể nhìn thấy phần dưới, nhưng người nào ngồi ở trong ấy thì người bên ngoài rõ mặt mười mươi.
Ai mới đi lần đầu thì ngượng lắm, nhưng mãi rồi quen. Đành thôi, dân xóm nghèo lao động mọi việc đều được chấp nhận một cách vô tư lẫn hài hước. Thực ra đi cầu cá cũng có cái vui của cầu cá. Bọn trai gái rủ vài đứa đi chung, thế là vừa ngồi râm ran tâm sự chẳng buồn để ý tới tiếng rơi của mồi và tiếng đớp của những con cá háo ăn. Chuyện đời cũng có những điều nghịch lý vì nơi đây cũng là nơi hò hẹn tâm sự của biết bao cặp trai gái yêu nhau. Cha mẹ cấm giao du trai gái nhưng không thể cấm cái mục đi cầu. Thế là nhìn nhau mãi cũng quen, gặp nhau nói chuyện hoài nên xa nhau thì nhớ. Tình yêu vụng trộm thăng hoa đã tặng cho thế gian những đứa con sinh ra bất đắc dĩ, cùng tiếp nối kiếp nghèo của những người lao động chân tay vất vả.
Bố mẹ tôi bỏ xứ tha phương cầu thực với mơ ước một ngày con cái đổi đời thoát kiếp khuân vác, đạp xe xích lô hay bán hàng rong. Trong nhà ngoài chị cả, tôi là con trai lớn phải cố gắng học hành và giúp các em tôi tiếp nối. Tôi đi học với chiếc xe đạp đã cũ nay tuột sên mai xẹp lốp. Đoạn đường đi về qua dốc cầu Ông Lãnh chỉ đẩy lên chứ không dám đạp vì sợ đứt sên, tuột con chó. Rạp hát Nam Tiến chiếu phim cao bồi bắn đùng đùng tôi nghe mê lắm nhưng chưa một lần đến xem. Con nhà nghèo cúi mặt để lượm chữ nghĩa nhét đầy sách vở. Cũng may Saigon dễ thương không câu nệ hay kỳ thị xuất xứ. Ở phương nào không biết, đến đây sống ở đây là thành dân Sài Gòn.
Sài Gòn đẹp như một cô gái điệu đà sang trọng. Sài Gòn khí phách, ngang tàng của những tay anh chị bắt chước anh hùng Lương Sơn Bạc. Sài Gòn cũng là nơi cho tao nhân mặc khách tô điểm cho đời những áng văn kiệt tác, những bản nhạc để đời. Sài Gòn sáng trưng đèn điện và cũng lờ mờ lung linh mờ ảo cho những cô thiếu nữ cất tiếng oanh ca. Sài Gòn cao ngất nhà lầu với những người giàu có nhất nhưng Sài Gòn cũng là nơi dung thân cho những con người nghèo khổ khốn cùng chen chúc nơi đây. Ai cũng là dân Sài Gòn và được hít thở không khí vừa hổn độn vừa tự do thân thiết. Chúng tôi bây giờ là dân Sài Gòn thứ thiệt, từ cách nghĩ, cách sống và hình như tiếng nói cũng pha đớt đớt dễ thương của người Sài Gòn.
Một ngày, trên đường về với một chiếc xe đầy hàng hóa, khi xuống dốc Cầu Ông Lãnh bố tôi bị tai nạn. Cả người bố và xe lật nhào khi bánh xe bị bể. Hàng hóa lăn long lóc và bố tôi bị thương.  Một chân bị gãy thêm những cơn đau lưng từ trước khiến ông phải nằm nhà không thể đạp xe kiếm tiền. Từ ngày ấy bố tôi đổi tính. Ông lầm lì, cộc cằn và nghiện rượu.
Quán cà phê đầu ngõ là nơi bố tôi ngồi gần như thường trực. Buổi sáng cà phê, thêm vài ly đế. Bố về nhà ngả lưng ngủ một giấc trưa. Thức dậy là kêu em tôi ra quán mua cà phê. Ly cà phê đen được đun bằng cái ấm như kho, trong đó có cái vợt đen thùi lùi dùng từ ngày này qua tháng khác. Ly cà phê đánh thức những dây thần kinh còn mê ngủ của bố để bố có dịp gắt gỏng mẹ về từng câu nói, cái nhìn hay thức ăn quá đạm bạc. Nói chán ông lê đôi dép, mặt mày cáu gắt, mặc quần đùi ra quán để làm cử rượu chiều. Quán cứ bán ghi sổ nợ, bố cứ mua và tiền mẹ tôi phải trả.
Mẹ tôi bận bịu và vất vả kiếm tiền thế nào dường như ông không cần biết. Chỉ cần buổi tối về nhà có tí đồ nhắm để ông ngồi đối ẩm với xị rượu để quên đời tha hương. Sài Gòn vẫn là nơi ông chọn dừng chân là đúng nhất, bởi chẳng ai dòm ngó hay can thiệp chuyện riêng tư. Không giống như quê ông…Rượu vào ông lè nhè kể về cái làng quê nghèo ven con sông Hồng. Cứ mỗi năm nước đổ về làm cả làng lụt lội, no thì ít, đói triền miên. Họ hàng làng nước bắt chẹt nhau từng câu nói, từng cái chào. Ông nói về ngôi đình làng và tuổi thơ. Ông kể rồi ông khóc. Biết bao giờ còn trở lại bến sông xưa. Mà làm sao về được với cái chân gãy và một tấm thân tàn phế. Ông gục xuống, đôi mắt lạc thần và ông rơi vào giấc ngủ.
Một ngày nọ chị tôi về nói với bố mẹ là chị không đi bán rong ở các bến xe nữa, chị đi làm. Người thuê chị là một thương gia. Ông có đứa con gái nhỏ tuổi cần một người chăm sóc. Chị nói họ trả trước cho chị 2 tháng lương để đem về cho bố mẹ. Mỗi tháng chị sẽ về nhà một hai lần vào cuối tuần để thăm. Chị rưng rưng nước mắt đưa tiền cho mẹ rồi xách bịch đồ ra đi. Bịch đồ thì nhẹ tênh mà chắc trong lòng chị tôi ngổn ngang nhiều thứ. Hỏi chị làm ở đâu, chị nói ở khu Tân Định. Họ đã cho người đến đón chị theo hẹn. Chị ôm tôi vào lòng và dặn chăm sóc bố mẹ và em Hải. Chị sẽ về thăm và mua quà cho tôi. Năm đó chị tôi 18 tuổi, tuổi con gái dậy thì xinh đẹp nhất.
Thời gian đầu, chị tôi hàng tháng về nhà thăm và đưa tiền cho bố mẹ. Bố tôi vẫn rượu uống tì tì, mẹ hàng ngày vẫn hai buổi chợ. Thỉnh thoảng tôi được chị cho quà và cho tiền để mua sách vở. Chị bảo tôi ráng học, nhà chỉ có tôi để làm rỡ ràng dòng họ, còn chị đời đã như xong. Tôi chẳng biết làm sao để rỡ ràng và tại sao đời chị đã xong. Tôi chỉ biết thương và nhớ chị mỗi sáng mỗi chiều, Chị đã chăm sóc và lo cho chúng tôi từ khi chị còn là đứa bé con ốm nhom đen đúa.
Một lần, chị về nhà đưa cho mẹ tôi một số tiền khá lớn. Chị nói để sửa nhà cho khang trang một chút rồi chị ra đi. Mẹ cầm tiền chị khóc rấm rứt: “Tội thân con tôi! Thôi về nhà với mẹ mẹ con mình buôn bán sống qua ngày”Chị cười buồn an ủi mẹ:” Con đang làm việc yên ổn mà mẹ. Ông chủ tốt với con lắm. Mẹ đừng lo” Chị đi rồi mẹ tôi từng bước sửa lại mái tranh, che vách nhà và mua lại một cái giường cũ cho tôi và em trai.
Một thời gian sau chị tôi lại về thăm. Lần lần này chị đã thành một cô gái Sài Gòn trong lối phục sức tân thời . Người ta đồn đoán với nhau chị tôi làm đĩ hoặc làm me Mỹ mới ăn diện như thế. Mẹ tôi thì mặc thiên hạ nói gì. Chị tôi vẫn là con gái rượu của mẹ. Mẹ thương chị nhiều hơn không phải vì tiền chị mang về mà chị đã gánh vác tất cả khó khăn gia đình trên đôi vai bé nhỏ. Bố tôi ghét chị ra mặt, gặp mặt là chửi và xua đuổi chị đi khỏi nhà. Bố nói chị tôi làm nhục gia phong, bố chẳng còn mặt mũi nào gặp họ hàng làng nước. Chị chỉ khóc và nhét vội cho bố ít tiền uống rượu. Chưa khi nào chị về ở qua đêm. Cả nhà không biết chị làm gì và ở đâu. Sài Gòn nhiều ánh đèn màu đã cuốn hút chị tôi trong đó. Chị có phải là con thiêu thân đốt cháy bản thân mình hay chị đang làm việc đứng đắn. Trong nhà không ai biết, hàng xóm đồn thổi khi trà dư tửu hậu mỗi lúc chị về thăm, nhưng người Sài Gòn dễ dãi, mau quên  không quá bận tâm tới chuyện người khác. Ai có công việc đó, mỗi người mỗi hoàn cảnh.
Chị về nhà lần cuối với cái bụng chửa vượt mặt. Mẹ bảo chị ở nhà sinh nở mặc ai nói gì thì nói. Chị cười buồn và đưa cho mẹ một số tiền bảo mở tiệm bán buôn tại nhà, đừng bán rong cực khổ. Chị bảo chị theo chồng đi xa từ nay không thể về thăm được. Chị ôm lấy tôi dặn dò. Nước mắt chị nóng hổi ướt một bên má tôi. Chị lên xe xích lô ra đi, tôi nhìn theo tự nhủ: “Đàn ông không thể khóc” nhưng nước mắt tôi đã ràn rụa lúc nào.
Từ ngày chị tôi rời nhà với cái thai khá lớn, bố tôi như mang thêm trong lòng một gút mắc không thể tháo ra. Bố càng ngày càng nghiện rượu nặng. Từ ba cử một ngày, bố uống bất kể lúc nào thèm rượu. Mỗi lần say bố lôi mẹ và chị tôi ra chửi. Không biết mẹ mắc nợ bố từ kiếp nào mà mẹ cứ là nạn nhân của bố. Ông chì chiết, mắng mỏ làm như mẹ tôi là nguyên nhân làm ông tàn tật. Những cơn say mỗi ngày kéo lại gần hơn Tôi đôi lần muốn bỏ nhà đi như chị, nhưng nhìn mẹ, nhìn em tôi không thể rời xa.
 
Rồi tôi yêu. Một thằng vừa đói vừa nghèo như tôi mà dám yêu cũng thật lạ. Em là con gái nhà giàu vừa đẹp vừa kênh kiệu. Em nhìn tôi bằng nửa con mắt vì gia cảnh tôi không xứng đáng với gia đình và sắc đẹp của em. Thế nhưng mỗi lần gặp tôi, em vẫn ném cho tôi một cái nhìn ma mị và quyến rũ. Tôi lẽo đẽo theo em mỗi sáng đến trường trong câm nín. Tôi bỏ quên sách vở, quên chị dặn dò, quên mình phải cố gắng học tập. Hình ảnh em hiện ra chồng lên những bài học nuốt không trôi, đôi mắt mời gọi như có như không đã làm tôi mê muội. Kết quả tôi chưa một lần nắm tay em tỏ tình thì con dốc đời đã kéo tôi xuống tận đáy và mất em vĩnh viễn. Tôi thi rớt tú tài và bị gọi nhập ngũ. Tôi cười như mếu vì tôi đã thoát ra khỏi gia đình một cách hợp pháp. Tôi hả hê một cách ngu dại và phẫn nộ chính mạng số của mình. Hai bàn tay trắng và một ít chữ nghĩa, tôi bước vào cuộc đời binh nghiệp. Bố tôi có thêm một thằng con không ra gì để chửi rủa và để say. Tội nghiệp mẹ tôi chỉ khóc. Chiến tranh đang khốc liệt và thêm một đứa con phải bước ra khỏi vòng tay bảo bọc của bà.
Tôi tốt nghiệp quân trường và nhận đơn vị chiến đấu. Khi đối diện chiến tranh, với cái chết cận kề tôi thấy mình trưởng thành, gan góc bất cần đời hơn. Dường như trong tôi có thêm một con người mới. Tôi yêu những người dân nghèo chơn chất giữa hai bên ranh giới Quốc Cộng. Tôi không còn bi thảm hóa cuộc sống của mình vì dù có nghèo thế nào chăng nữa gia đình tôi vẫn ở giữa Sài Gòn phồn hoa, văn minh và an toàn. Khi đối diện với kẻ thù tôi trở nên cuồng nộ và bi phẫn. Tôi đã có gì, được gì và mất gì. Tôi nhớ mẹ tôi bằng sự oán hận những cơn say của bố. Tôi nhớ chị tôi bằng những buổi tối say vùi sau một trận càn. Tôi nhớ em bằng cách dày vò thân xác những ả buôn hương. Tôi dốc cạn tiền lương ít ỏi của lính bằng sự ích kỷ bản thân và bất cần mạng sống mỗi khi xung trận.
Sau một lần giao tranh tôi bị bị thương nặng.Vết thương đã làm tôi phải rời xa đồng đội và được về hậu cứ làm việc. Tôi có thời gian gần gũi gia đình. Tôi về nhà để thấy những nhọc nhằn của Mẹ và thịnh nộ của bố. Em trai tôi đang lần theo vết chân tôi để thở dài:” Em muốn bỏ học đi lính” Tôi khuyên em mà thương cho nó. Gia đình không khí nặng nề vì đói sự yêu thương chăm sóc của cha. Mẹ tôi đã già nhiều để tôi biết mình bất hiếu.
Tôi bắt ghế ra ngồi trước cửa, phì phà điếu thuốc để nhớ chị tôi da diết. Cái xóm nghèo vẫn không thay đổi. Tôi không tìm được cho mình một tình yêu, một gương mặt để thay thế những vấp váp ngày xưa. Mẹ hối tôi kiếm vợ, mẹ mong có cháu: “Thời buổi chiến tranh, anh cũng phải tính cho mình, cho bố mẹ” Tôi thả những khoanh khói thuốc xoáy vào không trung ngẫm nghĩ đến một người đàn bà bước vào đời tôi. Tôi không hiểu cô gái ấy sẽ sống thế nào với những cơn nghiện rượu của bố. Bố sẽ chửi cô ta ra sao khi cô ấy không vừa ý bố. Tôi không muốn làm thêm một người đàn bà nữa bị nhục trong cái gia đình này.
Mặc dù có tôi hiện diện trong nhà, bố tôi vẫn tì tì uống rượu. Dường như rượu làm những cơn đau của bố giảm đi, nhưng làm cho thần kinh bố càng căng thẳng. Bố không lôi tôi ra chửi vì biết tôi sẽ sẵn sàng bỏ đi ra khỏi nhà khi bố chửi đến hồi hai. Tôi không còn là thằng con trai hiền như ngày trước. Chết chóc, đạn pháo đã làm tôi căng thẳng và nổi loạn. Tôi vẫn yêu bố nhưng bố không làm tôi phục. Bố khiến tôi nghĩ đến một người cha vô trách nhiệm. Một người chồng ngoan cố và dã man.
Mẹ mãi mãi là nạn nhân của bố. Tất cả những bực dọc của bố đều trút lên người của mẹ. Mẹ nhận lấy, chịu đựng và phục tòng.
Người mà bố tôi ghét cay ghét đắng và chửi nhiều nhất vẫn là chị tôi. Bố chửi thậm tệ, chửi bất kể lúc nào bố say. Chửi một mình hay chửi khi nào có ai nhắc đến chị.
Rồi Sài Gòn trong cơn bão loạn. Sài Gòn thức giấc trong cơn động đất chiến tranh. Người nơi xa chạy về Sài Gòn, người Sài Gòn hoảng loạn đứng ngồi không yên. Nhà tôi trong xóm nghèo biết chạy đi đâu. Bước ra khỏi nhà là con đường chỉ có mấy tấm đan xi măng hẹp té, xe xích lô chạy vô muốn chiếm hết con đường, người trong xóm cứ ra trước hàng hiên nhà láo nháo, lo sợ và bàn tán .
Như có phép màu, lúc này bố tôi tự dưng tỉnh rượu. Những cơn thèm rượu thưa dần. Bố ở nhà nhiều hơn. Bố cuống cuồng, lo lắng:
– Cái thằng chết tiệt Cộng Sản mà thắng thì mày chết chắc con ơi! Cả cái gia đình này cũng không yên với chúng. Trời ơi! tôi chạy đến đây vẫn không thoát khỏi chúng là thế nào.
Bố hỏi mẹ có tin tức gì từ chị, bố không tin chị bỏ hẳn gia đình. Bố nói mẹ tìm cách kêu nó về đây, nó có làm đĩ bố cũng không chửi, không đuổi đi nữa. Mẹ hỏi bố ông không còn sợ sỉ nhục hay mất mặt với xóm giềng à. Bố trả lời:
-Cộng Sản vào đây thì chết cả lũ. Con với cái khổ thân tôi. Làm sao tìm được nó bây giờ.
Tôi là lính, tôi từng giao tranh với Cộng Sản, từng chết sống, từng bị thương, nhưng tôi không thù ghét và sợ Cộng Sản bằng bố. Bố tôi bị ám ảnh những ngày ở miền Bắc mà sợ Cộng Sản đến kinh hoàng, sợ đến quên cả rượu. Bố bảo tôi hãy dò tìm đường chạy thoát đi con. Chạy để được sống còn. Cộng Sản ác lắm.
Một chiều gần cuối tháng tư, chị tôi về vội vã. Chị bảo cả nhà thu vén ít quần áo đi theo chị. Mẹ hỏi đi đâu. Chị nói đi di tản, chồng con đã chờ sẵn. Mỹ bỏ Việt Nam rồi. Cộng Sản sắp làm chủ tình tình. Mình phải đi ngay kẻo không kịp. Mẹ tiếc cái nhà, tiếc mọi thứ không chịu đi. Bố quát to, lần quát này con cái thấy bố quyết định chính xác nhất, có uy nhất:
– Bỏ tất! Cộng Sản vào chả có gì là tồn tại. Tôi đã sống và đã sợ lắm rồi. Đi ! Đi ngay kẻo trễ.
Thấy mẹ còn đứng bịn rịn căn nhà, bố ôn tồn nói với mẹ.
– Đi phải rời khỏi đây ngay bu nó ạ. Con trai mình đi lính, con gái lấy Mỹ Cộng Sản nó không tha đâu. Chết cả lũ, tù cả lũ đấy.
Rồi bố nhìn chị đôi mắt dịu lại và đầy biết ơn
– Bố xin lỗi.
Chị tôi dẫn cả nhà ra khỏi xóm. Chiếc xe Jeep đã đậu sẵn chờ. Lâu nay chị lấy chồng Mỹ nhưng vì sợ bố tôi chị không dám về nhà. Chị thường lén cung cấp tiền cho mẹ nuôi bố và các em. Lần này hai vợ chồng chị đem cả gia đình tôi di tản trước khi Cộng Sản chiếm trọn miền Nam.
Bố tôi là ông bố say xỉn hư đời nhưng nghe tới Cộng Sản là bừng cơn say. Ông từng là nạn nhân nên ông biết rõ cuộc sống người dân cực khổ khốn nạn thế nào. Lần này ông đã có một quyết định đúng nghĩa của một người chủ gia đình.
Bao nhiêu giận hờn và coi thường bố trong tôi không còn. Ông đã trở lại là một người bố sáng suốt không bị cơn nghiện dày vò. Ông bước khập khiễng nhưng đầy cương quyết sau chị tôi. Chúng tôi theo ông ra xe và may mắn thoát khỏi thiên đường Cộng Sản.
 
Nguyễn thị Thêm
Viết theo lời kể của L.


–                                                              Chuyện Cha Và Chú

            Chủ nhật 19 tháng 6  là ngày “Lễ Cha” (Father’s Day), đồng thời các vị cựu quân nhân Việt Nam cũng tổ chức Kỷ Niệm Ngày Quân Lực VNCH. (19/6).
Năm 1975, khi Sài Gòn đổi đời. Cha tôi đi “tù cải tạo” hơn một năm về, cả gia đình bị buộc phải đi kinh tế mới. Cha dẫn mấy đứa em ra đi. Mẹ và tôi cố thủ, lây lất tại thành phố. Lúc đó là giai đoạn đói rách kinh khủng ăn toàn sắn ngô và bo bo, nhưng dầu sao ở thành phố vẫn đỡ hơn chút xíu so với kinh tế mới, nên Mẹ tôi luôn bòn nhặt các thứ từ bột ngọt mua cửa hàng, đường thẻ hay quần áo còn mới, dồn lại đem lên tiếp tế cho các em tôi.
Trước ngày có dự định đi vượt biên, tôi quyết định lên khu kinh tế mới thăm Cha một lần.  Tôi còn nhớ thời gian đó Cha tôi bị bệnh sốt rét, đêm ngày nằm rên hừ hừ, nhiều đêm cả nhà ngủ say, tôi nằm thao thức nghe tiếng ông rên, thì thào:
– Có ai còn thức không cho xin miếng nước.
Tôi vội lên tiếng:
-Dạ để con đi lấy.
Tôi chui ra khỏi mùng đi lấy nước cho ông mà nước mắt ràn rụa. Khi lên đó gia đình dặn tôi đêm ngủ phải cẩn thận đừng để hở mùng sẽ bị muỗi chui vô, không biết có phải vì mấy đêm tôi chui ra ngoài muỗi độc chích, mà khi trở về nhà tôi đã bị sốt rét phải nằm bệnh viện chữa trị một thời gian. Có cơn đau hành hạ như thế tôi càng thương Cha nhiều hơn nữa.
Tôi lao đao theo chuyện vượt biên sáu năm trời, có lúc tổ chức bể chạy thoát về được, có lúc bị tù, nhưng rồi cũng trót lọt đến định cư ở Mỹ. Sau đó tôi gởi quà đều đều cho Cha đến ngày ông chết vì bịnh áp huyết và tim, tôi đau đớn biết thật sự đã mất Cha trên cõi đời này. Người ta nói “mất cha, còn chú”. Ở Mỹ may tôi cũng có người Chú quen biết rất thân,  Chú Long. Tôi xin kể về Chú như người Cha thứ hai nhân tuần lễ “Father’s Day.”
          Vào khoảng 1995, ba chồng tôi bảo trợ liên tục các chú, bác HO qua Mỹ, chở lên hội IRC, cơ quan trợ cấp xã hội (welfare) làm thủ tục cũng như những công việc cần thiết khác. Ba chồng tôi thuê nhà giùm trong khu apartment tôi đang ở vùng Fremont (Bắc Cali) càng lúc càng đông trên dưới mười gia đình. 
          `Biết các chú đi tù Cộng Sản về tôi rất có cảm tình, nên thỉnh thoảng ngày cuối tuần rảnh, tôi nấu nồi bún bò và nhắc chồng mời mọi người đến nhà ăn sáng uống cà phê. Nhìn các chú quây quần, chồng tôi lăng xăng pha cà phê tiếp sau tô bún bò được dọn lên, tự dưng tôi đón nhận niềm hạnh phúc vô cùng, các chú ngồi thưởng thức, ôn chuyện ở tù, tiếng cười tiếng nói chan chứa tình đồng hương nơi xứ người. Tôi đặc biệt thương chú Long hơn hết, vì chú mất vợ sau khi ra tù được vài tháng, nên nhiều bữa ăn chiều thường mời Chú qua dùng.
Trong trận Hạ Lào chú bị trúng đạn nơi chân nặng không lết được, lính thương cố gắng cõng Chú thoát được nguy hiểm. Vì vết thương nặng nên phải mổ lắp xương vít vào, từ đó chú đi hơi cà nhắc, sau Chú được đưa qua “Uỷ Ban Quân Sự Bốn Bên “ làm việc văn phòng giao dịch với Mỹ.
Chú kể:
­            – Lúc trở về biết vợ đã nhiễm ung thư phổi giai đoạn cuối nhưng chú không được kề cận, vì còn phải đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi hai con. Từ lúc vợ mất đêm nào chú cũng thức dậy ngồi khóc một mình.
Những ngày đầu trên đất Mỹ cùng hai con, chú làm đủ mọi việc từ dọn vườn, phụ sơn nhà cửa, quăng báo ca hai giờ sáng. Các con chú vào college học, cuối tuần làm part time ở  Mcdonald. Cha con đùm bọc qua ngày, sau giờ bỏ báo chú về ngủ bù, dậy lo cơm nước cho con, ai gọi đâu làm thêm đó. Chú tìm niềm vui khi thấy các con chịu khó học hành.
            Lần lượt con trai ra trường theo ngành Public Health tại đại học Berkely; con gái tốt nghiệp ngành Accounting tại San Jose State. Hôm đó Chú order vài món và mời chúng tôi đến mừng chung với các em.  Nhìn bàn thờ thím được chưng bày mâm thức ăn, đèn sáng loáng, bông hoa tươi tắn càng thấy quý mến Chú vô cùng.
Chú ngậm ngùi nói:
– Chú sống được nhờ em Hạ, em Quân tiếp sức về mặt tinh thần, chứ từ khi mất nước, rồi bị tù hơn 13 năm trời tại miền Bắc, nếu không nghĩ vợ con nhiều lúc chú chẳng muốn sống. Trở về số phận lại chia lìa âm dương cách trở, nhà cửa bị tịch thu, nhìn các con nên tình phụ tử bắt chú phải mạnh mẽ lên, làm bóng mát che chở, mới mong tương lai con tốt đẹp được.
Giọng chú như muốn khóc, tôi đè nén cảm xúc muốn phá tan bầu không khí ảm đạm nên đổi đề tài vui hỏi Chú
– Sao qua đây Chú không kiếm người nâng khăn sửa túi cho bớt cô đơn?
Chú gãi gãi đầu nói e dè:
-Nghèo rớt mồng tơi, lại vừa điếc vừa mờ một con mắt, ai mà thương đây!
Quân và Hạ cũng tấn công:
-Tụi con càng ngày càng có nhiều sinh hoạt bên ngoài, có nhiều niềm vui, rất mong ba có bạn già cho vui để các con cũng đỡ áy náy. Sao ba không về Việt Nam kiếm vợ dễ dàng hơn?
Chú vừa nghe đã giãy nảy:
– Ôi…VN bây giờ làm sao mà dám tin …ai cũng mơ ước thiên đàng Mỹ, mượn cửa qua đây, thân ba liệu có được yên ổn núp bóng …hiền phụ hay không?
Chú bỗng cười ha hả nói tiếp:
-Mà không được đâu, tai ba nghễnh ngãng, lỡ họ nói thương ba, ba trả lời “tôi vẫn có da thịt chứ đâu ốm dơ xương. Họ hét lên “đồ điếc”, ba trả lời “tôi đâu tiếc gì với cô”. Chưa hết, còn nữa …con mắt nhấp nhem đêm khuya thức dậy đi restroom, vô lộn phòng em vợ, Ba sợ họ sẽ la lên “á…á…á…bây giờ em đã là người của anh” thì khổ đời (bắt chước phim Tàu).
Ai cũng bật cười không ngờ Chú có máu tếu như vậy. Vừa ăn Chú vừa kể:
– Rất nhiều người muốn giới thiệu, mai mối mấy bà giàu có bên VN, chú từ chối hết con ơi. Chú không thích kiểu làm quen như vậy, tuy nghèo nhưng Chú chỉ quý đồng tiền của mình làm ra. Các con thấy đó, Chú cắc ca cắc củm từng đồng để lo cho các con, gởi về VN tu sửa nhà Từ Đường họ Lê ở bên làng, giúp bà con khổ cực đôi chút, đó là niềm hạnh phúc của Chú, Chú không mơ gì hơn nữa, trí óc Chú bây giờ chỉ bận tâm về chuyện đất nước, nghe ngóng tình hình, tin tức xảy ra là hàng đầu, vì nghĩ tới là nỗi đau vẫn cuồn cuộn chảy trong từng thớ thịt, trong máu …
            Ngày tháng trôi đều trên đất Mỹ. Quân đã lập gia đình với bạn người Tàu tên Vivian, chị Hạ thì chọn bạn Mỹ tên David. Hai con Chú may mắn được job có đồng lương cao, cuộc sống vươn lên nên chúng không cho Chú đi bỏ báo hoặc làm gì khác. Chú ghi danh trường Chabot College với lớp Anh Văn và computer để học hỏi thêm, cũng là thú tiêu khiển. Không bao lâu sau, chú được thăng chức ông nội, ông ngoại với các cháu Alice, Paul, Robert, Hilary, Tom…
Có lần tôi mời Chú tới dùng cơm với món cá kho, canh rau, Chú buột miệng nói:
-Ngon quá con ơi, chú thèm cá kho lắm nhưng ngại David chịu không nổi mùi này, nên nhịn thèm.
Tôi mở mắt lớn ngạc nhiên:
-Vậy em Hạ không ăn món Việt hở?
Chú lắc đầu:
– Từ ngày lấy chồng Mỹ thì ăn theo chồng.
 
Nét mặt Chú thản nhiên:
– Không quan trọng đâu con, Chú sống sao cũng được, chỉ ao ước con mình sống hạnh phúc là niềm vui lớn lao đối với Chú. Chú ngại nhất có những lần vợ chồng hơi lớn tiếng tranh luận, tim Chú thoi thóp cứ thấy lo âu xa xôi. Còn nói về em Quân… có thời em nhờ Chú đến nhà trồng hoa sửa sang khu vườn, Chú ghé chợ mua con cá nhờ chiên luôn, đem về cha con cùng ăn, không ngờ nó nói “Cha con mình ăn nhanh kẻo vợ con sắp về nó không thích ngửi mùi này trong nhà”. Lúc đó Chú đang ăn nhưng mắc cười quá “Cha mày …vợ Tàu tưởng Á đông ai dè cũng sợ mùi này ..” Hai Cha con vừa ăn vừa chọc nhau vui vẻ.
Tôi im lặng không biết chen câu gì để an ủi Chú, Chú nói tiếp : 
– Con biết không, hai đứa con rất thương Chú, biết Chú thích ăn cá nên thỉnh thoảng Hạ hoặc Quân thường chở Chú ra tiệm Việt Nam gọi những món cá kho tộ, canh chua cá, chả cá Lã Vọng… Chú cũng rất thông cảm ngôi nhà mới, sang rộng nhưng dân bản xứ thường ưa ăn Kentucky, Fried Chicken, Hamburger, còn soup có các lon đồ hộp, tủ lạnh có cheese, mì lát …hi…hi… Cái bếp nhà chúng nhìn to đùng và luôn có nắp đậy lại. Bọn trẻ giờ hình như mê làm hơn mê ăn, nhất là phụ nữ cứ luôn sợ mập, như con gái chú bới lunch buổi trưa bằng trái táo…
Vừa kể chú vừa cười rung cả người, tôi ngẫm nghĩ đề tài này cũng thấy mắc cười nên góp thêm chuyện:
– Hèn chi chị bạn con thường hay nói “lúc nào muốn giảm cân chị qua nhà con gái ở, vì lục tủ lạnh không có gì ăn hết. Con rể đi công tác nước ngoài liên tục, con gái làm theo group trong bệnh viện, nửa đêm nửa hôm nghe gọi là chạy vào theo những ca sinh nở baby, hễ thấy mặt chỉ nghe chúng nó nói thèm ngủ chẳng hề nghe nói thèm ăn món gì…
Buổi cơm với đề tài thực tế này đã cho chúng tôi ngon hơn vì vừa ăn vừa cười.
            Hai năm sau Chú Long xin được nhà housing. Ngẫm nghĩ sống xứ Mỹ này thật sung sướng, người già ăn tiền trợ cấp hay tiền hưu thấp đều được chính phủ nâng đỡ, Chú tâm sự :
– Hạ và Quân buồn Chú lắm, không ngờ Chú âm thầm xin nhà housing, nhưng Chú cũng nói để hai em bớt buồn rằng “Các con rất có hiếu,  lo từng li từng tý cho ba, chưa kể luôn đóng góp tiền để ba thực hiện việc giúp đỡ họ hàng hay lo về mồ mả, ba không hề buồn chi cả mà rất hãnh diện về các con của ba nên người, hiếu thảo, các cháu rất ngoan. Sở dĩ ba muốn có nơi sống riêng là vì thương các con làm việc quá cực nhọc, nhất là David sau này lại làm việc ở nhà, ba muốn các con có không gian riêng để nghỉ ngơi, phần ba lại mong thỉnh thoảng có bạn già đến bàn thời sự uống trà, nên mới ra riêng đó thôi.”
Tôi nghe Chú kể lòng rất cảm động về người Cha luôn chú ý tâm lý, công việc, đời sống thực tế của tuổi trẻ ở đây, luôn giữ gìn hạnh phúc cho con… rồi ông trời và nước Mỹ cũng giúp Chú đạt ước mơ.                
Tuy ở riêng, nhưng Chú Long vẫn giúp công việc đưa các cháu nội ngoại đến trường và đón về. Mỗi chiều thứ sáu Chú cho các cháu $50 chở chúng đến tiệm MCDonald, chú ngồi ngoài xe để chúng tự do ăn uống nói chuyện tạo không khí thân mật giữa chị em họ với nhau. Chú có thời gian nghiên cứu thơ Đường luật đủ các thể thơ và thường họa những bài trên các diễn đàn chính trị, Chú luôn khuyến khích tôi học làm thơ, để tìm cho mình thú vui riêng cũng như trí óc hoạt động. Chú rất quan tâm đến Thương Phế Binh ở quê nhà, hay tham gia những cuộc hội họp về lính, nhất là ngày 30 tháng tư và ngày 19 tháng sáu lễ Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, vợ chồng tôi đi dự lúc nào cũng găp Chú trong bộ quân phục Thủ Đức, tôi thấy Chú như mạnh mẽ hăng hái lên với niềm tin về đất nước ngày mai. Chú chia sẻ :
– Qua Mỹ, may có những buổi gặp mặt bạn tù, bạn đơn vị, bạn Thủ Đức, chú thấy an ủi phần nào nỗi đau mãi đè nén trong lòng.
 
Tôi an ủi Chú:
– Dù vận mệnh đất nước đổi thay, nhưng không ai có thể quên ơn những người lính đã hy sinh chiến đấu, ngày đêm gian khổ ngoài trận địa cho miền Nam với 20 năm được sống trong tự do, no ấm. Chúng con có giấc ngủ bình yên, được đi học và sống thoải mái… cho nên bây giờ dù sống trên đất Mỹ này có bận rộn cỡ nào cũng tham gia những tiệc lính khi có người quen mời.
Chú nghe tôi nói, rực lên niềm vui trên mặt.
– Đúng rồi con ơi, những người già như Chú từ từ rụng lần, có những buổi họp mặt như vậy an ủi các chú về mặt tinh thần rất nhiều. Các chú muốn sống lại thời làm người lính chiến tròn vai với tổ quốc, muốn mặc lại bộ quân phục lính, muốn được kể, được nghe, được ôn bao nhiêu chiến tích …đó là những phút hạnh phúc của người lính Việt Nam Cộng Hoà dù nó đã trở về quá khứ mấy chục năm qua…
Ngày tháng như thoi đưa, thoáng chốc đã mấy chục năm sống tha hương trên xứ người. Chú cháu thỉnh thoảng vẫn có những buổi cơm cá kho rau luộc đạm bạc ở nhà tôi. Nhưng rồi một ngày chú lái xe vượt đèn đỏ, một ngày lái xe về nhà nhưng chạy lên Oakland, một buổi không nhớ đường về khi đang lên nhà con trai, vặn lò nấu nước để khô queo cháy ấm alarm kêu inh ỏi…Con cái lo lắng muốn đưa Chú về nhà ở, không cho Chú lái xe. Chú cứ lẩn thẩn, bạn bè thăm, Chú nói sai tên lộn người, có hôm Chú trốn ra ngoài đi gần ngày trời gặp người quen dẫn về dùm, Chú đã thật sự mắc bệnh Alzheimer (mất trí nhớ) rồi.
          Tuổi già cũng giống cái xe chạy đã quá 200 ngàn miles, khó tránh khỏi bệnh tật ào đến, Chú lại vương mang thêm bệnh Parkinson (run tay chân), khám bác sĩ cũng kèm cao mỡ, cao máu đi theo. Hạ và Quân hùn tiền thuê người đến chăm sóc, nhưng người làm cũng thất thường, thay đổi mãi. Ban đêm nhiều khi Chú thức dậy đi quanh nhà làm Hạ cũng nhọc theo. Chị em bàn lui tính tới, cuối cùng chỉ còn giải pháp đưa Chú vào Nhà Dưỡng Lão (Nursing home) để có người cho uống thuốc đúng giờ, té ngã có y tá túc trực giúp đỡ…
Hôm nay lễ Father’s Day, cũng trùng với tổ chức kỷ niệm Ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (19/6), tôi tham dự lễ QLVNCH xong ghé Nursing home Valley House Rehabilitation Center nằm trên đường Clyde thuộc vùng Santa clara thăm Chú Long.
Vào phòng thấy Chú nằm nhìn lên trần nhà miệng cười cười, tôi cầm tay Chú lắc nhẹ, Chú nhìn cũng cười. Tôi đoán có lẽ con Chú vào thăm buổi sáng. Tôi mở phone khoe Chú hình ảnh chụp được trong buổi lễ với đủ các binh chủng đi diễn hành cùng rừng cờ vàng tung bay, lá cờ mà ngày trước khi Chú chưa biết lái xe đã đi ba chuyến xe bus để đến thấy màu cờ thân yêu. Tôi kể huyên thuyên, tôi còn khoe chụp hình chung với cựu chiến binh Mỹ đến tham dự. Chú nhìn và miệng vẫn mỉm cười không nói câu nào, nét mặt Chú hiền từ, ánh mắt ngây thơ như đứa trẻ lên ba vô tội, tôi hỏi “ chú hiểu không?” chú chỉ tiếp tục cười…
Yên tâm vì đã để chú thấy lại hình ảnh những chiến binh VNCH một thời, tôi ngồi bóp tay chân Chú. Lát sau, y tá bước vô cho biết có buổi hoà nhạc đặc biệt cho ngày Father‘s Day, cần dời Chú lên xe lăn đẩy đến phòng ăn, chúng tôi cũng đi theo.
            Phòng ăn được trang trí thật sáng sủa với những bình bông xinh đẹp. Ban nhạc đợi tập trung đầy đủ thì bắt đầu trình diễn. Những bản nhạc Pháp cũ thập niên 70 như Love is Blue, Bang Bang, C’est la vie, Après Toi, Paloma… trổi lên tuyệt vời, người nhạc sĩ thổi kèn trumpet đi đến trước mặt từng cụ, những cụ già Mỹ mặt mày ngớ ngẩn, có người nghẻo đầu, có người ngủ gục. Lúc họ đến trước mặt Chú, tôi thấy mắt Chú lạc thần xa vắng, đầu dựa vô tường, tôi tự hỏi không biết Chú có nhớ chút gì? Chú có mơ về thời của người lính Cộng Hòa xa xưa? !!!
Buổi chiều, nắng nhạt dần, lái xe về mắt tôi như mờ đi, màu hoàng hôn xuống từ từ, như đang phủ mờ dần phần đời già nua của những bậc cha chú mà tôi đã yêu quý…
Minh Thúy Thành Nội