Mừng Thọ Bách Niên (100 tuổi)NHÀ VĂN DOÃN QUỐC SĨ (1923-2022)

                                                     Mừng Thọ Bách Niên (100 tuổi)
                                              NHÀ VĂN DOÃN QUỐC SĨ (1923-2022)
 
(Trích bài của N.L.T báo Xuân Đại Việt, Nhâm Dần 2022 tr. 273 xuất bản tại Westminster, CA 92683)
     Chúng tôi vừa được tin vui nhà văn, nhà giáo Doãn Quốc Sĩ (sinh 17-2-1923 tức Mùng Hai Tết Quý Hợi tại xã Yên Hạ Quyết tỉnh Hà Đông) đã mừng Sinh nhật 100 tuổi vào ngày 4 tháng 2 năm 2022 (Mùng 4 Tết Nhâm Dần).
     Nhân dịp nầy, xin nhắc lại một kỷ niệm, cách nay gần một phần tư thế kỷ (1/4), vào ngày 18/12/1998, NLT đã tổ chức giới thiệu tập truyện đầu tay “Đàn Bướm Lạ Trong Vườn” tại Houston và được Giáo sư, nhà văn, nhà thơ Doãn Quốc Sĩ nhận lời sẽ tham gia và sẽ phát biểu trước quan khách về tác phẩm nầy.
     Nguyễn Lý-Tưởng rất vui và đã cho người cháu lái xe đi đón “cụ” Doãn Quốc Sĩ nhưng đợi mãi không thấy Doãn Quốc Sĩ đâu hết nên Ban Tổ Chức yêu cầu khai mạc đúng giờ. Về sau mới biết, trên đường đến nhà Giáo sư, nhà văn, nhà thơ Doãn Quốc Sĩ thì người cháu của Nguyễn Lý-Tưởng bị tai nạn giữa đường, trễ mất 2 giờ đồng hồ, và kết quả “cụ” Doãn Quốc Sĩ không đến được.
     Trong bài phát biểu trước quan khách, NLT đã nói:”Thưa quý vị, người xưa thường nói “Rừng nào thì có thú đó, giang sơn nào thì có anh hùng đó”. Houston vốn là nơi địa linh nhân kiệt, anh hùng tụ hội, nơi tiềm long, hổ phục…Nhưng vì nhớ bà con, bạn bè lâu ngày không gặp nên NLT tôi mới can đảm tìm đến đây để một lần gặp nhau cho biết mặt, biết tên. Nay tôi có “một đàn bướm lạ” xin góp mặt…”
     Sau đó, NLT nhận được bài phát biểu đã chuẩn bị trước: “DOÃN QUỐ SĨ: đọc “ĐÀN BƯỚM LẠ TRONG VƯỜN” của NGUYỄN LÝ-TƯỞNG”, ký tên Doãn Quốc Sĩ, Houston ngày 18/12/1998 với nội dung như sau:
     “Với Đàn Bướm Lạ Trong Vườn, tôi đã thích thú ngay khi đọc truyện đầu tiên HẠT SƯƠNG CÒN ĐỌNG TRÊN ĐÓA HẢI ĐƯỜNG”. Tôi thích không khí rờn rợn màu LIÊU TRAI CHÍ DỊ, nhưng vẫn mang sắc thái thời đại của Việt Nam trong bối cảnh mới.
     Linh, chàng sinh viên Toán-Lý-Hóa tại Đại Học Huế làm gia sư dạy kèm Hải Đường, một cô gái vừa tới tuổi dậy thì, lãng mạn. Cô yêu chàng gia sư. Chàng thì hết sức tránh điều tai tiếng đó nên mỗi khi ôn bài của chính mình, chàng đã phải tìm một chỗ kín đáo trong khu lăng mộ cuối vườn nhà Hải Đường. Chàng ngồi khuất lấp ở đấy bên cạnh cây hải đường thật lớn, hoa nở rất đẹp – màu hồng đậm. Lần đó, sau khi ôn bài, tâm trí đã tới lúc mệt rã rời, chàng tựa lưng vào bia mộ nhắm mắt nghỉ ngơi một lát cho khỏe người. Chàng đã mơ thấy được gặp hồn hoa. Nàng nói cho chàng hay,xưa nàng đã là cung tần của vua Minh Mạng. Nhưng từ khi được tuyển vào cung cho đến khi mất, nàng vẫn còn là trinh nữ. Nàng cũng mang tên Hải Đường. Khuôn mặt nàng cũng có nét hao hao giống nàng Hải Đường kiếp này mà chàng đang là gia sư.
     Lời nàng Hải Đường trong mộng đượm màu triết lý Lão Trang:
      -Tôi là người mà cũng là hoa. Hoa hay người chũng chỉ là một. Đời là mộng thôi!
       Và tôi đã tiếp tục đọc ngay sang truyện ngắn thứ hai: CẦU NGÓI THNANH TOÀN!
      Sang chuyện Cầu Ngói Thanh Toàn tôi được thưởng thức những nhận xét tinh tế về tâm tình vời vợi của một chàng trai:
       “Hồi đó Trung chưa yêu ai và cũng chưa ai yêu chàng. Nhưng chàng vẫn cảm thấy có một hình bóng nào đó ở Huế đang trách móc, đang chờ đợi, đang nhớ nhung mình” (trang 20). Không khí Liêu Trai ở chuyện này rờn rợn tỏa ra ngay từ khi có người đàn bà đứng dưới cột đèn nhờ giúp một tay đưa xác chồng về.
       Sau cùng, đoạn kết Cầu Ngói Thanh Toàn đã tỏa ra một tình cảm tin có Trời, có Thượng Đế, tin có thế giới bên kia, do đó giúp ta luôn biết cảnh giác hướng đời sống tâm linh vào những hành động vi tha cao quý.
       ĐÀN BƯỚM LẠ TRONG VƯỜN
      Tuy nhiên, tôi đặc biệt chú ý đến truyện ĐÀN BƯỚM LẠ TRONG VƯỜN vì đây là truyện được tác giả dùng để mang tên cho toàn tập gồm 25 tiêu đề. Đó là truyện hai chú cháu: chú Cường và cháu gái Cầm – tuy là chú cháu nhưng tuổi cách nhau như anh em thôi. Hai chú cháu thoát học cùng trường, nhưng rồi chú Cường lên tỉnh học, hai chú cháu xa nhau, phải đợi đến Tết chú Cường mới về, hai chú cháu mới được gặp lại nhau.
      Mùa Xuân năm đó, bươm bướm không biết ở đâu kéo về đầy vườn. Cả nhà ngất ngây trước cảnh đẹp hàng vạn cánh bướm phấp phới ngập vườn.
     Rủi bị đau ruột thừa, Cầm được chở vào bệnh viện; bác sĩ người Pháp mổ gấp mà không cứu kịp. Cường đã đọc kinh cầu nguyện cho cháu, nhưngCcầm vẫn tắt thở! Cầm chết vào năm mới có 9 tuổi. Cầm được chôn cất bên mộ cụ Cố nơi mà thầy địa lý gọi là huyệt đầu rồng.
     Sau khi Cầm chết, đàn bướm lạ hàng vạn con đã bay bỏ đi nơi khác, cây cối trong vườn đã tàn lụi héo mòn chết dần.
     Mẹ đã thu xếp cho Cường lên tỉnh học. Một lần trở về trên chuyến đò ngang sông, Cường đã ngước nhìn nơi có ngôi mộ Cầm trên khoảng huyệt đầu rồng. Cường đã ghé thăm mộ cháu Cầm và ngồi đấy cho đến khi mù mịt bóng tối mới chịu đứng dậy theo đường về nhà. Tình trạng đó đã kéo dài trong mấy năm. Thỉnh thoảng cháu Cầm vẫn hiện về trong giấc mơ của Cường.
   Thưa quý vị, trên đây tôi vừa lược thuật để giới thiệu cùng quý vị ba truyện ngắn điển hình trong tập Đàn Bướm Lạ Trong Vườn của văn hữu trẻ Nguyễn Lý-Tưởng, qua lăng kính thưởng ngoạn của riêng tôi.
Tôi không quên ngay trong bài mở đầu của tác giả Nguyễn Lý-Tưởng đã nêu ý:
“Đàn Bướm Lạ Trong Vườn hư hay thực xin để cho người đọc tự tìm lấy câu giải đáp.
Người trong cuộc thì:
Một mình mình biết, một mình mình hay.
Với người ngoài cuộc thì:
Mua vui cũng được một vài trống canh.
(Đàn Bướm Lạ Trong Vườn tr.6)
Thưa quý vị, theo thiển ý của tôi:
Với tài năng đã thể hiện được ĐÀN BƯỚM LẠ TRONG VƯỜN như vậy, tôi chỉ xin tác giả Nguyễn Lý-Tưởng hãy vững tâm tiếp tục hành trình sáng tạo! Vững tâm như Tản Đà xưa đã tự nhủ trong bốn câu thơ:
Giang sơn còn nặng gánh tình,
Trời chưa cho nghỉ, thì mình cứ đi
Bao giờ trời bảo thôi đi
Giang sơn cất gánh, ta thì nghỉ ngơi
Houston ngày 18-12-1998
Doãn Quốc Sĩ