NGUỒN GỐC BÁNH TÉT TT-Thái An Từ đời nào, xa xưa lắm lắm, dân Việt Nam đã được dạy về sự tích bánh dày bánh chưng, rằng vào thời vua Hùng Vương thứ 6, không biết nên truyền ngôi cho đứa con nào vì vua có nhiều con trai quá. Vì thế vua truyền cho các con xem con nào làm ra món ăn ngon, có ý nghĩa để làm cỗ tết thì vua sẽ truyền ngôi cho. Thời đó, nước Việt Nam được gọi là Văn Lang, chứ chưa có cái tên Việt Nam như bây giờ. Kết quả là hoàng tử Tiết Liêu, người con thứ 18 của vua nhờ có vị thần mách bảo dùng gạo nếp làm ra hai thứ bánh hình tròn và hình vuông tượng trưng cho trời và đất. Tiết Liêu làm theo và được vua cha truyền ngôi cho. Từ đó bánh dầy hình tròn và bánh chưng hình vuông ra đời. Dân gian cứ thế noi theo làm hai thứ bánh này để cúng và để ăn trong dịp tết. Riêng những sắc tộc thiểu số miền Bắc như dân tộc Thổ, gói bánh Tày để ăn tết, vật liệu làm bánh giống y như bánh chưng nhưng gói hình chữ nhật, trông như cái gối. Thời xa xưa đó, đất nước Văn Lang chỉ mới có một chút ở phía bắc, vì thế bánh chưng chỉ phổ biến ở phía Bắc mà thôi. Cho đến ngày nay, thế kỷ tứ 21, trong những ngày tết, bánh chưng vẫn hiện diện trong các gia đình Việt Nam từ phía bắc sông Bến Hải trở ra Bắc sát biên giới nước Tàu. Bên này sông Bến Hải, từ Quảng Trị đến Huế, cũng còn vài gia đình làm cả hai thứ bánh chưng và bánh tét, bánh chưng thì bầy cúng trên bàn thờ dù sau khi cúng xong cũng đem xuống ăn, bánh tét thì để ăn suốt cả tuần lễ tết. Nhưng từ Đà Nẵng đến mũi Cà Mau, phía Nam , dân chúng chỉ còn làm bánh tét để ăn tết. Bánh dầy thì chẳng thấy ai làm để ăn trong dịp tết, chợ cũng chẳng thấy bán. Loại bánh dầy bán rong trên hè phố hay trong các chợ hằng ngày chỉ nhỏ bằng đường kính một quả cam, đủ một người ăn, không phải loại bánh kích thước to như cái bánh chưng để bầy trên bàn thờ. Năm 1069, nước Việt Nam lúc bấy giờ được gọi là Đại Việt. Vì vua nước Chàm (Chiêm Thành) là Chế Củ kết nạp với nhà Tống bên Tàu đánh phá Đại Việt, vì thế vua Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt tiến đánh kinh thành Phật Thệ của Chiêm Thành (ở Bình Định ngày nay) bắt được vua Chế Củ định đem về Thăng Long thì Chế Củ liền dâng tặng 3 châu: Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh để thế mạng. Thế là nước Đại Việt được mở mang bờ cõi thêm về phía Nam cho đến tỉnh Quảng Bình ngày nay. Chắc chắn đoàn dân Đại Việt được nhà Lý đưa di cư vào phần lãnh thổ mới có đem theo tục lệ gói bánh chưng để ăn trong dịp lễ tết. Năm 1306, nước lại có tên gọi là Đại Việt, bỏ tên Đại Cồ Việt từ thời nhà Đinh và nhà Tiền Lê. Khi vua Trần Nhân Tông gả Huyền Trân Công Chúa lúc đó 19 tuổi, cho vua Chàm là Chế Mân thì vua Chiêm dâng cho nhà Trần hai châu, châu Ô và châu Lý để làm sính lễ cưới vợ. Hai châu này chạy từ phía bắc tỉnh Quảng Trị đến đèo Hải Vân. Như thế nước Đại Việt được nới rộng thêm đến tỉnh Thừa Thiên ngày nay. Thời điểm này, dân Đại Việt từ các tỉnh phía Bắc sông Bến Hải theo quân sỹ nhà Trần di cư qua vùng đất mới chắc chắn có đem theo tục lệ gói bánh chưng để ăn tết. Năm 1471, dưới thời Hậu Lê, lại lấy tên nước là Đại Việt, bỏ tên Giao Chỉ của thời nhà Trần. Vua Lê Thánh Tông phát động cuộc chiến đưa quân vào đánh Chiêm Thành vì trước đó vài thập niên đôi bên đã giao tranh nhiều lần. Nhà Hậu Lê muốn dẹp yên giặc phương Nam trước để rảnh tay lo đối phó giặc phương Bắc là Tàu Hán. Kết quả chiến thắng lớn, vua Lê lấy đất Chiêm Thành từ đèo Hải Vân đến Đà Nẵng, đèo Cù Mông, đến Phú Yên sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Dân Đại Việt từ phía Bắc lại được nhà Lê đưa di cư vào vùng đất mới chiếm của Chiêm Thành. Chắc chắn thời kỳ này cái bánh chưng cũng được dân chúng cho di cư theo vào. Năm 1653, vua Chiêm là Bà Thấm đem quân đánh Phú Yên. Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần đưa quân vượt đèo Cả sang đánh. Bà Thấm thua, dâng vùng đất Kauthara để xin hàng. Hiền Vương nhận rồi lập thành phủ Diên Khánh (trong đó có Nha Trang ngày nay). Dân Đại Việt được Nguyễn Phúc Tần đưa di cư vào vùng đất mới chiếm. Tục lệ gói bánh chưng vào dịp tết chắc chắn còn được dân Đại Việt mang theo vào. Năm 1692, vua Chiêm Thành là Bà Tranh đem quân tấn công phủ Diên Khánh. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai tướng Nguyễn Hữu Cảnh đến chống trả. Qua năm sau, Cảnh bắt được Bà Tranh giải về Phú Xuân. Chúa Nguyễn Phúc Tần lấy đất Chiêm Thành còn lại đến tỉnh Bình Thuận ngày nay. Như thế nước Chiêm Thành không còn nữa. Dân Đại Việt lại được chúa Nguyễn Phúc Tần đưa di cư vào vùng đất mới tiếp thu của Chiêm Thành. Cái bánh chưng lại được theo chân người Đại Việt di cư vào. Thời kỳ này, nhiều người dân Đại Việt bỏ dải đất miền Trung sỏi đá mới lấy của Chiêm Thành, tự ý di cư xuống phương nam vùng Bà Rịa, Đồng Nai, Sài Gòn vốn là đất của Chân Lạp nhưng không gặp phản kháng gì của người Chân Lạp. Chúa Nguyễn đã cử một đội quân mạnh đến giữ an ninh, đặt các quan cai trị và thu thuế. Đoàn người tự ý di cư xuống phía nam có còn đem theo bánh chưng để ăn tết nữa không? Có thể vài năm đầu, kiếm được cơm để ăn, chỗ để ngủ là quý lắm rồi. Lo mà trồng lúa để có gạo nấu cơm cái đã, lo dựng cái chòi để che nắng đụt mưa cho cả gia đình cái đã. Nếp thì từ từ, khi nào ổn định hãy nghĩ đến trồng nó. Có lẽ vì thế mà các thứ bánh làm bằng nếp vắng mặt một thời gian đầu khi vừa mới đến canh cư. Sau đó, những người lớn tuổi có người không biết gói bánh chưng, có người già yếu, chẳng còn sức ngồi gói bánh, những người sanh ra trên vùng đất mới không còn biết gói bánh chưng, bù lại, họ học cách gói bánh tét của dân Miên, dân Chân Lạp địa phương. Vì thế bánh tét đã tự nhiên thay thế bánh chưng trong miền đất phương nam. Năm 1658, vua nước Chân Lạp mất, nội bộ lục đục vì tranh dành ngôi. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã giúp một hoàng thân Chân Lạp là Barom Reachea VIII lên ngôi. Đáp lại, vị vua mới của Chân Lạp ký hiệp ước triều cống chúa Nguyễn hàng năm và cho phép người Đại Nam được làm chủ vùng đất mà họ đã khai hoang là Bà Rịa, Đồng Nai và Sài Gòn. Năm 1697, có quan nhà Minh gồm Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến ở Quảng Tây, Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình ở Quảng Đông, Trung Quốc không chịu đầu phục nhà Mãn Thanh, đem 3,000 người cùng 50 chiếc thuyền sang xin ờ làm dân Đại Việt. Chúa Nguyễn Phúc Tần nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp, bèn cho họ vào ở đất Đông Phố (Gia Định). Những người này cùng với những lưu dân Đại Việt chia nhau ở đất Đồng Nai, Biên Hòa, Mỹ Tho. Những người Tàu và người Việt ở đây đều thuộc về sổ bộ nước Đại Việt của chúa Nguyễn. Có lẽ khi người Quảng Đông và Quảng Tây di cư đến vùng đất mới có đem theo tục lệ gói bánh ú mặn để ăn trong dịp tết Âm lịch, họ đọc theo âm tiếng Quảng hay tiếng Tiều là Ba Chằng, mà người Việt đọc trại ra là bánh Bá Chạn. Bánh bá chạn gói bằng nếp xào với xì dầu cho bánh có màu nâu, nhân là một miếng thịt heo kho, một cái nấm hương, một cái lòng đỏ trứng mặn. Nếu là người Tiều thì thêm đậu phọng trong nếp, nếu là người Quảng Đông thì thêm chút đậu xanh và tôm khô trong nhân. Năm 1680, Mạc Cửu, một người Quảng Đông, không đầu phục nhà Mãn Thanh, đã cùng gia quyến bỏ chạy sang Chân Lạp khai khẩn vai cai quản 7 xã gồm toàn lưu dân Việt và Tàu, gọi là Hà Tiên. Mạc Cửu mở rộng đất đai của mình gồm vùng đất Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc khi đó đang thuộc Chân Lạp. Năm 1708, để tránh áp lực của Xiêm La (Thái Lan) thường xuyên sang cướp phá, Mạc Cửu dâng đất khai phá xin nội thuộc về chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn đổi tên thành trấn Hà Tiên, phong cho Mạc Cửu làm chức Tổng binh cai quản đất Hà Tiên. Khi Mạc Cửu chết, con là Mạc Thiên Tứ lại được làm chức đô đốc, tiếp tục cau quản Hà Tiên. Năm 1735-1739, Mạc Thiên Tứ mở rộng đất đai kiểm soát của mình sang bán đảo Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ. Đưa thêm các vùng đất mới này vào trấn Hà Tiên thuộc lãnh thổ Đàng Trong. Năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Chu tiến chiếm vùng đất ngày nay là Vĩnh Long, Bến Tre, dựng dinh Long Hồ trực thuộc phủ Gia Định. Nam 1755, biết vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thông sứ với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài để lập mưu đánh chúa Nguyễn. Nguyễn Phúc Khoát sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên. Năm 1756, Nặc Nguyên thua bỏ thành Nam Vang chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ, rồi xin dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (nay là Tân An và Gò Công) cho chúa Nguyễn để cầu hòa. Năm 1757, Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận dâng hai phủ Trà Vinh và Ba Thắc (Sóc Trăng) xin chúa Nguyễn Phúc Khoát phong cho làm vua Chân Lạp. Sau đó Nặc Nhuận bị người con rể là Nặc Hinh giết và cướp ngôi. Quan tổng suất là Trương Phúc Du sang đánh Nặc Hinh. Chúa Nguyễn cho lập Nặc Tôn, con Nặc Nhuận lên làm vua. Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tương ứng với Châu Đốc và Sa Đéc) để tạ ơn chúa Nguyễn. Đất miền Nam ngày nay tước kia là của Chân Lạp (Miên). Tuy nhiên trước kia vùng đất này của nước Phù Nam từng tồn tại từ thế kỷ thứ 1- thế kỷ thứ 7, bị Chân Lạp chiếm và xóa bỏ bản đồ nước Phù Nam. Năm tôi học lớp đệ ngũ, tôi có một ông thầy dạy sử địa rất hay. Tôi quên mất tên ông, nhưng còn nhớ rõ ông gốc người Quy Nhơn, Bình Định. Lúc đó ông khoảng ngoài 40 tuổi, giọng nói hùng hồn và nhất là gương mặt rất đẹp trai. Ca sỹ Quang Dũng, gốc Bình Định có nét hao hao giống ông khiến tôi liên tưởng đến ông. Không biết Quang Dũng có phải là hậu duệ của ông hay không. Ông giảng bài lưu loát, nhấn mạnh từng biến cố quan trọng, rất có hồn, khiến chúng tôi nghe say mê. Tôi không còn nhớ tất cả những bài ông đã giảng, nhưng có một bài tôi không bao giờ quên, đó là khi ông giảng về vua Quang Trung, thân thế và sự nghiệp. Có lẽ vì ông cùng quê với vua Quang Trung nên ông đã giảng về vua Quang Trung thật tỉ mỷ, bằng một sự trân trọng tận đáy lòng. Theo thầy giảng, vua Quang Trung tên thật là Hồ Thơm, con cháu mấy đời của Hồ Quý Ly. Sau khi Hồ Quý Ly thua nhà Minh của Tàu, con cháu nhà Hồ phải bỏ trốn vào đàng trong để tránh bị quân nhà Minh truy lùng. Vì phải dấu tung tích, nên con cháu nhà Hồ đổi thành họ Nguyễn, nhưng gia phả vẫn ghi họ HỒ. Thế nên Hồ Thơm mới có tên Nguyễn Huệ. Đầu năm Kỷ Dậu 1789, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc đánh tan quân Mãn Thanh chỉ trong vòng 5 ngày, đó là trận Ngọc Hồi, Đống Đa, gần thành Thăng Long. Theo thầy giảng, thì vua Quang Trung là người phát minh ra bánh tét. Vì bánh tét dễ buộc lại từng bó cả chục đòn, treo vào hai đầu quang gánh, gánh theo cho lính ăn tết và cũng làm lương thực cho lính ăn dọc đường trên đường tiến quân ra Bắc. Cũng cần lưu ý, bánh tét của miền Trung khác bánh tét của miền Nam ở chỗ nó có rất ít đậu xanh, có người không cho nhân đậu xanh và thịt, chỉ có nếp mà thôi, giống như cơm nếp nắm vậy. Và có kích thước dài hơn bánh tét trong Nam cả gang tay. Có lẽ Nguyễn Huệ ra lệnh đem theo bánh tét cho lính ăn dọc đường là loại bánh không nhân. Gánh theo củ cải khô dầm nước mắm để ăn chung với bánh tét là đủ no bụng rồi. Thời đó chắc chưa có món gọi là dưa món gồm củ cải, cà rốt (vì thời này người Pháp chưa đưa cà rốt đến Việt Nam để trồng), xu hào, dưa leo, củ kiệu ngâm chung với nước mắm. Vì dưa món của người Huế chỉ xuất hiện sau này, khi các vua nhà Nguyễn đã xây dựng xong kinh thành của mình tại Phú Xuân (Huế). Lúc đó lũ học sinh chúng tôi tin ghê lắm, rằng vua Quang Trung phát minh ra bánh tét. Bánh tét có lẽ đã được theo đoàn quân của Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc chuyển quân từ vùng đất mới phương nam ra Bình Định và theo đến Thuận Hóa. Và bánh tét cũng được di cư theo các chúa Nguyễn ra miền Trung khi đoàn quân của các chúa Nguyễn di chuyển từ miền Nam ra Phú Xuân. Vì thế, bánh tét chỉ đi đến tỉnh Quảng Trị ngày nay thì dừng lại. Nhưng nhiều năm sau, nhìn thấy những người Miên (bây giờ gọi là người Kampuchia) đang sống tại Mỹ cũng như tại quốc gia của họ và người Việt gốc Miên đang sinh sống tại các tỉnh miền Nam thảy thảy đều làm bánh tét để ăn trong các dịp tết của Kampuchia vào tháng 4 dương lịch, và các lễ dân tộc của họ. Không những làm ăn ở nhà, mà họ còn đem lên chùa để cúng trong dịp tết và lễ lớn. Vì thế, vào các dịp lễ và tết Kampuchia, các chùa ở Kampuchia tràn ngập bánh tét do dân chúng đem đến cúng. Bánh tét của người Miên khác bánh chưng và bánh tét của người Việt miền Trung ở chỗ họ ngâm nếp với nước cốt dừa qua nửa ngày hay một đêm rồi mới gói bánh. Bên trong cũng nhân đậu xanh và thịt heo. Cách gói cũng dùng lá chuối và dây lạt. Có người Việt gốc Miên nói rằng bánh tét phải ngâm nếp với nước cốt dừa thì khi gói bánh nếp sẽ dẽ chắc hơn là xào nếp với nước cốt dừa rồi gói bánh, vì nếp xào với nước cốt dừa cho nở trước khi nấu thành bánh, bánh sẽ không dẽ chặt nữa. Việc này thì cũng giống như nấu bánh chưng ở Mỹ, có một số người bán bánh sợ tốn ga, tốn điện nên đã nấu nếp với nước cho nở trước, khi gói thành bánh đem luộc thì bánh mau chín, đỡ tốn ga, tốn điện. Nhưng ăn loại bánh này thấy khác ngay bánh làm theo kiểu truyền thống gói bành nếp sống. Người Kampuchia định cư ở Philadelphia khá đông. Họ là những người sinh đẻ tại nước Kampuchia, không biết tiếng Việt Nam đâu. Họ đã vượt thoát chế độ diệt chủng của cộng sản dưới sự lãnh đạo của Pol pot đến tị nạn ở Mỹ. Cứ đến mùa hè, họ rủ nhau bán hàng trong công viên vào hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật dù bị cấm bán thức ăn trong công viên. Vì họ không đựng thức ăn trong tủ lạnh, không bảo đảm an toàn cho người tiêu thụ. Nhưng cảnh chỉ đến bắt một lần vào đầu mùa cho có lệ. Khi thấy cảnh sát đến, họ báo cho nhau hay để cất dọn kịp thời. Khi cảnh sát bỏ đi, họ lại bầy hàng ra bán. Họ bán các thứ rau củ họ trồng được ở nhà. Rau họ trồng giống như rau của người Việt Nam hay ăn như rau muống, dọc mùng (bạc hà), mướp đắng (khổ qua), mướp hương, bầu, rau quế, rau om, ngò gai v v. Vì cùng một giải đất Đông Nam Á, phong thổ và khí hậu từa tựa như nhau nên rau củ cũng có như nhau. Thức ăn làm sẵn thì có gỏi đu đủ ba khía, giống y như gỏi đu đủ ba khía của Thái Lan, nghĩa là cho tỏi, ớt, chanh, đường, mắm ba khía vào cối đá giã dập rồi cho đu đủ xanh đã bào sợi và cà chua thái miếng vào giã chung cho thấm gia vị. Họ bán bánh bò nước dừa, bánh da lợn. Họ bán bánh tét chuối gói từng cái nhỏ y như bánh tét chuối người miền Nam bán ở chợ mỗi ngày. Riêng bánh tét mặn thì gói to như bánh tét người Nam gói ăn tết. Họ gói bánh tét trong lá nylon có màu xanh lá cây và vẽ sọc lá như lá chuối. Như thế, bánh tét đối với người Khờ Me rất phổ thông, đến nỗi họ làm cả lá chuối giả bằng nylon để gói bánh. Có lẽ nhiều người Việt Nam ở gần đó hay ghé đến mua hàng cho họ nên có người Kampuchia học được vài câu tiếng Việt như “Hai đồng, năm đồng. Mua đi bán rẻ cho, một cái hai đồng, ba cái năm đồng. Cám ơn ông, cám ơn bà!” Ở Sài Gòn trước 1975, bánh tét bầy bán ở các chợ tết không thấy có nước cốt dừa. Tôi dám tin chắc như thế vì mẹ tôi hay mua bánh tét bán sẵn ở chợ, nếu ăn thử thấy ngon thì mẹ mua. Mẹ tôi không ăn được nước cốt dừa vì khiến bà đầy bụng, khó tiêu, nên sẽ không mua nếu có nước cốt dừa bà sẽ biết ngay. Nhưng từ hai thập niên của cuối thế kỷ trước, hầu như bánh tét trong Nam thảy thảy đều xào nếp với nước cốt dừa rồi mới gói bánh. Đây có phải do ảnh hưởng của bánh tét của ngời Khờ Me? Vì người Khờ Me ngâm nếp với nước cột dừa một đêm rồi mới vớt ra để gói bánh. Năm 1777, năm 1785 Nguyễn Huệ đã từng đem quân vào vùng đất mới lấy của Miên để đánh quân của chúa Nguyễn Ánh. Lúc này các cư dân Việt trên đất mới có lẽ đã học được cách làm bánh tét của người Miên, dễ gói, không cần khuôn, nhân phía trong cũng là đậu xanh và thịt heo. Từ đó bánh tét đã thay thế cho bánh chưng. Vì bánh chưng nếu không biết gói tay cho vuông vức thì phải có khuôn. Không phài ai cũng có thể làm ra cái bánh vuông vức mà không cần khuôn. Có lẽ Nguyễn Huệ đã có cơ hội ăn bánh tét ở vùng đất mới phía nam nên đã nghĩ ra cách đem theo bánh tét cho lính ăn dọc đường khi tiến quân từ miền Trung ra Đống Đa, phía Bắc nước Đại Việt để đánh đuổi quân Mãn Thanh. Bây giờ thì tôi không còn nghĩ vua Quang Trung là người phát minh ra bánh tét. Ông mượn cách làm bánh tét của người Miên để đem theo cho lính ăn tết dọc đường vì nó gọn gàng, dễ gánh theo. Khi muốn ăn, chỉ cần cắt bánh ra từng khoanh còn nguyên lá rồi phát cho quân lính bốc tay. Ai ăn thì tự bóc lá ra rất tiện và sạch. Đem theo bánh tét cho binh sỹ ăn dọc đường tiện hơn đem theo gạo và nồi, lửa để nấu cơm. Có lẽ Nguyễn Huệ và các chúa Nguyễn khi chuyển quân từ Nam ra Trung, họ kêu gọi dân chúng góp nếp, góp lá. Phần làm bánh thì quân lính phải phân chia nhau mà làm, nhóm cắt lá chuối, nhóm lau lá, xếp lá và nhóm gói bánh, nhóm luộc bánh. Đông người làm chung, một ngày có thể làm năm, sáu trăm cái bánh mỗi cái dài nửa thước tây dễ dàng. Chính đoàn quân của họ khi trở về miền Trung đã dạy lại cho dân làng cách làm bánh tét. Vài năm nay bánh tét lại cựa mình biến chuyển thêm. Ngày xưa chỉ có một màu nếp trắng, có chút màu xanh của lá chuối viền quanh bánh. Ngày nay, các lò làm bánh tét để bán tết lại chế thêm ra bánh tét ba màu để cạnh tranh trên thương trường, nếu ai cũng làm giống nhau thì khó tăng thu nhập lắm. Họ lấy nước lá cẩm ngâm nếp tạo màu tím tươi, nhân trái gấc tạo màu cam, nước lá dứa tạo màu xanh lá cây. Ngoài ra, nhân còn thêm trứng vịt muối. Tại sao có thêm trứng muối? Chủ một lò bánh tét trả lời rằng vì chung quanh có nhiều khách hàng người Tiều yêu cầu cho thêm nhân trứng muối vào. Còn người Miên thì yêu cầu cho nước cốt dừa vào nếp. Thế nên, vì chiều theo khẩu vị của khách hàng nên lò bánh tét của bà đã nổi tiếng với bánh tét ba màu và có thêm nhân trứng mặn. Có thể có nhiều người Việt không đồng ý rằng bánh tét có nguồn gốc nguyên thủy từ người Miên. Nhưng cứ suy gẫm xem cái đã. TT-Thái An 12/15/2019 Tài liệu tham khảo về lịch sử lấy từ Wikipedia và Tại Sao Hai Nước Chiêm Thành & Chân Lạp Biến Mất Trên Bản Đồ Thế Giới của Phan Hưng Nhơn |