NGUYỄN TƯỜNG NHUNG

Tiểu Sử nhà văn Nguyễn Tường Nhung
sinh 1936, là trưởng nữ của cố nhà văn Thạch Lam (tên thật là Nguyễn Tường Vinh sinh 1910 mất 1942) và là phu nhân của cố Trung tướng Ngô Quang Trưởng nguyên Tư lệnh Quân đoàn IV, Quân Khu IV rồi Quân đoàn I Quân khu I của Miền Nam Việt Nam cho đến tháng 3-1975. Hồi ký ghi lại những thăng trầm của cuộc đời bà, từ trại Cẩm Giàng của dòng họ Nguyễn Tường sau khi cha mất, đến khi kết hôn với Trung úy Ngô Quang Trưởng rồi lưu vong sang Hoa Kỳ.

BỐ TÔI
Ngày bố tôi mất, tôi lên 6 tuổi, em kế tôi 3 tuổi và em út mới sanh được 3 ngày. Cả hai em tôi đều là trai. Bố tôi bị lao phổi, vì thời gian đó làm việc quá sức. Một mình ông phải trông coi nhà in, xuất bản báo, viết bài, viết truyện.




Bố tôi bị bịnh nằm nhà đã mấy tháng, nhưng vẫn tỉnh táo, ngay trước khi mất vài tiếng đồng hồ cũng vẫn tỉnh… thấy bố tôi đau lâu mà không bớt, bà nội và cô tôi đi coi bói về bịnh trạng của bố tôi. Thầy bói nói sợ bố tôi không qua khỏi, nhưng sau khi ông bấm số của mẹ tôi. Mẹ tôi lúc đó đang mang thai người em út gần đến ngày sinh. Ông bảo:

“Nếu bà sinh con gái thì nên làm tiệc lớn ăn mừng, còn nếu con trai thì nên lo trước việc tang lễ, vì đứa con trai này khắc cha mẹ và anh chị em nữa.”

Tuy bà và cô tôi không tin hẳn lời của ông thầy bói, vì bố tôi vẫn còn tỉnh táo lắm, nhưng cả hai đều rất lo lắng. Rồi ngày sinh em của mẹ đã đến. Khi biết là con trai thì bà và cô tôi khóc rất nhiều. Mọi người giấu mẹ tôi vì chuyện đó. Mẹ ở nhà thương được hai ngày thì tối ấy bố tôi hơi trở bịnh mệt hơn. sáng sớm ngày thứ ba thì bà tôi cho người đến đón mẹ về vì muốn bố tôi thấy mặt em tôi. Lúc ấy bà phải nói cho mẹ tôi biết về lời thầy bói nói. Thế là cả ba đều khóc, phải xuống dưới bếp khóc vì sợ động đến bố tôi. Người nào mắt cũng đỏ hoe. Mẹ tôi bế em tôi vào để bố nhìn mặt. Bố tôi bảo đỡ dậy để nhìn em cho rõ hơn. Bố tôi ngắm nghía em rồi khen thằng bé kháu khỉnh và khỏe mạnh rồi quay qua mẹ tôi mắng nhẹ, sao lại bế con về nhà sớm vậy, mới sinh nở còn non nớt, sức khỏe còn yếu, phải nằm lại nhà thương một tuần lễ chứ. Thế là mẹ tôi không cầm lòng được nữa, khóc nức nở. Bố tôi cau mày và nói, tôi đã chết đâu mà khóc.


Đến trưa bố tôi tỉnh dậy và đòi ăn na, thứ na bở mùi thơm ngào ngạt mà bố tôi thích nhất. Ngoài na ra bố tôi còn thích ăn dưa hồng và dưa gang, các thứ dưa đó khi chín cũng tỏa ra một mùi thơm thật nhẹ nhàng. Ăn được một vài miếng thì bố tôi lại đuối sức mệt lả, người nhà vội đỡ bố tôi nằm xuống và bố tôi bắt đầu thiếp dần. Chiều đến thì chú Bảy tôi đến thăm, chú đã ngồi lại trong phòng bố tôi rất lâu. Khi chú Bảy tôi đẩy cửa bước ra thì mọi người trong nhà đều nhìn chú Bảy tôi bằng ánh mắt chờ đợi một hy vọng may mắn do chú tôi đem lại, vì lúc ấy chú Bảy tôi đã đậu xong bằng bác sĩ cho nên chú biết rất rõ về bệnh trạng của bố tôi. Chú bước ra và đi rất vội vàng không nhìn ai cả. Có nhẽ chú sợ làm cho mọi người ruột thịt trong nhà mất hết niềm hy vọng đã đặt vào chú là chú có thể chữa khỏi bệnh cho bố tôi. Vẻ mặt đau buồn và cặp mắt đỏ hoe của chú đã nói lên được sự sắp sửa ra đi của bố tôi. Cho nên chú chỉ nói một câu tiếng Tây ý nghĩa là bệnh của bố tôi không khỏi được và sự ra đi vĩnh viễn của bố tôi cũng gần đến. Vài giờ sau đó thì bố tôi tắt thở.


Ngày đưa đám bố, tôi được ngồi chung xe kéo với mẹ tôi. Trước giờ đưa đám, bà vú bắt tôi mặc áo tang may bằng vải sô thô sơ, lại có dây bằng gai thắt ngang bụng, lại thêm cái mũ mấn chụp vào đầu, kéo miếng vải ở phía trước chụp xuống mắt thì chỉ còn nhìn thấy hai bàn chân mình mà thôi. Tuy còn nhỏ nhưng có lẽ tôi cảm nhận được sự đau buồn qua chiếc áo tang hay có nhẽ vì trông chiếc áo và mũ đó quá xấu và kỳ dị mà tôi chưa thấy bao giờ, cho nên tôi đã khóc và trốn vào trong tủ áo nhất định không chịu mặc khi đưa đám bố tôi.


Nhóm Tự Lực Văn Đoàn

Chiếc xe tang có bốn con ngựa kéo, ngựa được phủ cái choàng màu đen có viền ren trắng, kéo theo chiếc quan tài được phủ bằng nhung đen chung quanh có tua, bốn góc của chiếc xe tang có bốn người thân tay cầm mỗi người một sợi dây từ bốn góc của chiếc quan tài đi chậm chậm theo xe tang. Mẹ tôi mặc áo tang may bằng vải sô, buộc ngang lưng bằng dây gai, đầu đội mũ mấn, tóc xõa ngang lưng, chẳng nhìn thấy mặt mẹ tôi đâu cả. Lúc ấy mẹ tôi mới ngoài 30 tuổi. Bố tôi chết đi để lại cho mẹ tôi 3 đứa con còn quá nhỏ dại, về vật chất thì chẳng có gì, ngoài những cuốn truyện, tiểu thuyết ngắn, dài mà sau này khi chúng tôi khôn lớn, đó là một gia tài vô cùng quý giá và là một niềm hãnh diện cho chúng tôi. Không biết mẹ tôi lúc ấy nghĩ gì và đau buồn ra sao, nhưng tôi chắc mẹ tôi đã đau buồn đến cực độ. (Tôi sẽ viết về mẹ tôi vào một dịp khác.)


Khi quan tài hạ huyệt thật là thảm thiết, bà, cô, chú Bảy cùng bạn bè thân thiết của bố tôi, ai nấy đều quá đau lòng thương tiếc người ra đi còn quá trẻ, khi nhìn cảnh mẹ tôi cứ khóc ngất đi và không còn nói ra lời nữa. Tôi thì cứ nhìn mọi người khóc rồi cũng khóc theo luôn. Em kế tôi khi nhìn thấy có bát cơm đầy, trên có cắm đôi đũa vông và có hai cái trứng gà luộc thì chỉ tay và đòi ăn. Chị em chúng tôi nào đã biết được sự chia ly chết chóc như thế nào đâu.


Tôi còn nhớ rất rõ về hình dạng của bố tôi, bố tôi rất cao, da trắng hồng trông như lai Tây vậy. Bố tôi hay mặc bộ vét màu kem nhạt may bằng hàng vải đũi, đầu luôn đội cái mũ phớt, chân đi giầy tây, lúc nào cũng bóng loáng. Quần áo của bố tôi lúc nào cũng phải là thẳng tắp, bố tôi rất ngăn nắp thứ tự và rất quý sách. Bố tôi có một tủ sách bìa mạ chữ vàng được xếp rất ngăn nắp. Có một lần cô Năm tôi sang thăm, cô tôi có dẫn theo hai người con trai đang ở tuổi nghịch phá, và họ đã vào phòng sách và lục sách của bố tôi. Bố tôi nói ngay với cô tôi: “Lần sau chị đến thăm em thì chị đến một mình, đừng dẫn theo mấy cháu nữa.” Cô tôi đã quá quen thuộc với tính nói thẳng của bố tôi cho nên không bao giờ giận bố tôi cả. Ngày bác Ba tôi có người con bị chết, bác Tư gái không đến chia buồn được, cô tôi nói với bố tôi về chuyện đó, bố tôi bảo: “Nếu chị Tư không đến đưa đám con chị Ba thì khi nào con chị Tư chết thì chị Ba cũng không phải đến.” Tuy cô tôi đang buồn về việc cháu mất cũng phải phì cười vì câu nói của bố tôi. Cô chỉ lầm thầm một mình: “Ai mà muốn con mình chết bao giờ.” Cô tôi và bố tôi rất thân và thương nhau vì lúc nhỏ khi các bác tôi đi học ở xa nhà chỉ còn có ba chị em mà chú Bảy thì lại còn nhỏ, bố tôi chỉ kém cô tôi có một tuổi. Khi cô tôi đi lấy chồng, bà tôi cũng bắt đầu ngấm nghé vợ cho bố tôi.

Bà rất ưng ý một cô con của bà bạn thân, nhà rất khá giả và cô cũng đẹp. Bà cô có đánh tiếng và nhà gái bằng lòng chỉ chờ bố tôi đi xem mặt. Bà tôi thúc giục bố tôi mấy lần, nhưng lần nào bố tôi cũng tìm cách từ chối khéo, giằng dưa mãi cả gần năm trời, nhà gái thấy bố tôi vẫn chưa động tĩnh gì bèn nhờ người sang dò hỏi bà tôi một lần chót để bà quyết định vì có người khác muốn đi hỏi cưới cô con gái bà. Bố tôi biết tin ấy bèn thưa với bà tôi là: “Mẹ bảo cô ấy đi lấy chồng đi.” Thế là từ đó bà tôi không đả động gì đến chuyện cưới vợ cho bố tôi nữa. Khi gặp mẹ tôi, bố mẹ tôi đã yêu thương nhau ngay. Bố tôi về thưa chuyện với bà tôi để cưới mẹ tuy lúc đầu bà có hơi ngần ngại vì chưa biết mặt mẹ tôi và gia thế như thế nào. Bà và cô tôi có bàn với nhau về chuyện đó, nhưng bà tôi biết tính của bố tôi, khi đã quyết định chuyện gì thì khó có ai mà lay chuyển đổi ý được, phần nữa tính của bố tôi rất khó chiều. Sau cùng bà và cô tôi đã chấp nhận mẹ tôi rất vui vẻ, bà và cô tôi nói với nhau “thế là từ nay mọi chuyện của bố tôi đã có mẹ tôi gánh lấy, mẹ con mình được thảnh thơi”. Mẹ tôi hơn bố tôi vài tuổi, bà tuy hơi thấp so với bố tôi, nhưng bà rất đẹp và rất khéo chiều bố tôi. Bà hiểu rõ rất tỉ mỉ từng chi tiết, những sở thích của bố tôi và tôn trọng tất cả những gì mà bố tôi quyết định. Cà phê mà bố tôi uống mỗi buổi sáng phải chính tay mẹ tôi pha.


Cà phê mua thứ thượng hạng nguyên hột đem về nhà xay lấy. Khi bố tôi vừa ở tòa soạn về thì đã có sẵn một chậu nước nóng ấm và một cái khăn mặt để sẵn để bố tôi lau mặt. Thay quần áo ra, sau khi tắm xong thì cơm nước đã dọn sẵn. Ăn cơm xong bố tôi có thói quen ra ngồi ngoài hiên trước nhà để ngắm cảnh, tuy đã về chiều nhưng cũng còn một vài chiếc thuyền, trên chở những cặp tình nhân họ chèo thật chậm nhìn ngắm mặt trời lặn và thủ thỉ những lời âu yếm. Bố tôi lúc nào cũng rủ mẹ tôi ra cùng ngồi và trò chuyện tâm tình cùng mẹ. Bố tôi ít nói, nhưng khi nói thì đã diễn tả hết ý mình, mẹ tôi rất thích được nghe bố tôi nói chuyện, đó là những giây phút sung sướng của mẹ tôi.


Bố tôi viết văn, viết báo, và có nhà in riêng do một nhóm anh em và bạn bè chung vốn, bố tôi rất bận rộn với công việc. Sáng sớm đã rời nhà để lên tòa soạn làm việc, chiều mới về. Khi về, bố tôi đi tắm thay bộ áo ngủ, trong lúc bố tôi tắm thì mẹ tôi đã sửa soạn bữa ăn tối, thức ăn bố tôi không đòi hỏi phải nhiều thịt, cá hay thịnh soạn, nhưng món gì cũng phải thật tinh khiết, sạch sẽ, và bày cho gọn và đẹp mắt. Bố tôi thích những món ăn thanh như canh giò sống nấu rau ngót, cải xanh nấu cá rô, rau muống luộc, đậu hũ chiên tẩm hành lá hay cá chép rán vàng, và tuyệt đối không bao giờ được dọn món ăn mà đã dọn ăn ngày hôm trước. Có một lần mẹ tôi kho một nồi cá thật công phu định để làm món mặn ăn mấy ngày. Ngày đầu dọn cá kho ra bố tôi thích lắm vừa ăn vừa khen và ăn hết gần một khúc cá kho. Qua ngày hôm sau mẹ tôi lại dọn cá kho ra nữa bố tôi hỏi mẹ tôi “Cá này là cá gỗ phải không?” và không đụng đũa vào dĩa cá nữa nên từ đó trở đi không bao giờ mẹ tôi dọn thức ăn đã ăn ngày hôm trước nữa. Nhà cửa thì lúc nào cũng phải sạch sẽ gọn gàng. Trước giờ bố tôi về, mẹ tôi luôn coi lại nhà cửa tuy lúc nào cũng dọn dẹp cho sạch rồi nhưng nhà có trẻ con thì không thể giữ được gọn gàng như ý muốn. Chỉ một chiếc guốc hay dép hoặc đồ chơi của trẻ con vứt ở giữa nhà thì cả nhà bị mắng ngay. Bố tôi rất khó tính và ít khi cười nhưng lại rất thương người. Có thời gian nhà có một anh phu xe để kéo xe cho bố tôi đi làm hàng ngày nhưng khi trời mưa thì bố tôi bảo mưa ướt tội nghiệp, khi nắng thì bố tôi cũng bảo nóng quá kéo xe mệt, và thấy anh kéo xe đổ mồ hôi thì cũng không đành. Rút cuộc bố tôi lại đi xe ngoài để đi làm, anh phu xe chẳng mấy khi được kéo xe cho bố tôi cả, quanh quẩn ở nhà phụ việc lặt vặt với mẹ tôi.

Bà Nguyễn Tường Nhung là phu nhân của Tường Ngô Quang Trưởng

Bố tôi rất yêu tôi, tối nào sau khi ăn cơm xong bố tôi cũng gọi tôi vào phòng sách chỗ bố tôi ngồi hàng đêm để viết văn. Trên bàn viết của bố tôi ngoài những giấy, bút, đặc biệt có một lọ kẹo tây. Những viên kẹo đủ màu sắc hồng lạt, đỏ, xanh, trắng, đựng trong chiếc lọ bằng thủy tinh trông thật đẹp mắt và thật là muốn ăn. Bố tôi mở nắp lọ, mùi kẹo bay thật thơm. Bố tôi lấy ra cho tôi một cái, chỉ một cái thôi không bao giờ bố tôi cho thêm, tôi biết như vậy nên cũng không bao giờ dám xin thêm. Tôi ăn viên kẹo đó thật chậm, chỉ ngậm chứ không dám nhau, khi chất ngọt của kẹo đã tàn gần hết bên trong có một hạt hạnh nhân tôi cắn tan và nhai thật kỹ, vừa ròn vừa bùi.


Ngày tôi còn bé bố tôi bảo mẹ may một cái yếm dãi cho tôi lúc nào cũng đeo ở trước ngực có thêu chữ “Đừng hôn tôi”. Chắc bố tôi sợ mọi người thấy tôi mũm mĩm dễ thương thì hay hôn lên má tôi như vậy không vệ sinh và có thể lây bệnh. Khi trời trở lạnh mẹ tôi nói để mua mũ cho tôi đội thì bố tôi bảo tóc con nó dầy và đen nhánh không cần đội mũ trông xấu xí. Khi mẹ tôi có thai tôi thì bố đã chọn tên sẵn con đầu lòng thì đặt là Bạch kế là Đằng rồi Giang, lấy tên một dòng sông. Đến khi tôi chào đời là gái bố tôi ngại khi lớn lên tôi đen đúa cho nên đổi tên khác cho tôi, nhưng sau vẫn giữ hai tên đã chọn sẵn cho hai em tôi. Có lẽ cũng là số mệnh đã định sẵn cho nên bố tôi đã chỉ chọn có ba tên.


Bố tôi không thích tiếp khách ở nhà, ngay cả bạn thân cũng vậy. Chỉ có chú Đinh Hùng và bác Thế Lữ thỉnh thoảng đến có một lần. Chú Đinh Hùng có lần uống rượu say nôn mửa tung tóe, mẹ tôi lấy vôi rồi bôi vào gan bàn chân của chú. Chú trẻ hơn bố tôi vài tuổi, người thấp và bé nhỏ, tóc để dài và chải ngược về phía sau và lúc nào cũng bôi brillantine bóng mướt.


Khi còn sinh thời (sống) bố mẹ tôi ở tại đầu làng Yên Phụ trong một căn nhà nhỏ nhưng rất thơ mộng. Nhà ở ngay cạnh hồ Tây có cây liễu rủ, tàn liễu xà xuống gần mặt nước hồ có cái cầu bằng gỗ đưa ngoài xa. Tôi hay ra cầu đó ngồi thả đôi chân xuống nước rồi đung đưa đôi chân dưới lần nước thật mát. Đường từ ngoài vào làng toàn lót bằng gạch đỏ, trên đường đi chỗ nào cũng nhìn thấy nước hồ, đi qua một cái đình lớn là tới nhà bố tôi. Đi sâu vào trong làng rất đẹp, hai bên là những dàn hàng rào trồng bằng cây duối, được cắt thật bằng phẳng khi tới mùa quả duối chín vàng trông xa như những sợi tơ tằm óng ánh, ăn thì thật thơm và ngọt. Trừ một vài gia đình từ xa đến ở thuê phần đông làng Yên Phụ sống bằng nghề trồng hoa, đủ các loại từ thược dược tím, đỏ, tía, cúc vạn thọ vàng ươn, đại đóa vàng mơn, lay ơn trắng hồng, huệ trắng thơm ngào ngạt, v.v… Buổi sáng sớm các tay buôn hoa từ các nơi đều đến vườn hoa để mua buôn về bán lẻ lại tại chợ hoa và các chợ trong thành phố. Một số gia đình có đông người thì họ tự cắt hoa rồi đem ra chợ bán như vậy họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Sau khi bố tôi mất, bà nội tôi đã đón mẹ tôi và chị em chúng tôi về lại Cẩm Giàng ở với bà. Từ đó tôi chưa có dịp trở về lại làng Yên Phụ nữa.


Thấm thoát bố tôi đã ra đi hơn chục năm rồi, hàng năm đến ngày giỗ bố khi mẹ tôi còn sống năm nào bà cũng làm giỗ thật trang trọng dù lúc đó nhà nghèo bà cũng xoay xở để có đủ tiền mua gà, vịt, xôi chè, và các thứ cần thiết cho việc cúng bái, nhất là hoa sen và hoa cẩm chướng hai thứ hoa mà bố tôi thích nhất và thạch trắng thái nhuyễn thả vào trong chén nước đường có thả hoa nhài màu thạch long lanh trông như những mảnh vụn thủy tinh và mùi thơm của hoa nhài, cộng thêm mùi trầm hương của cúng tỏa ra từ trên bàn thờ, tôi có cảm tưởng qua làn khói mỏng đó, bố tôi đã hưởng được và ẩn hiện đâu đây để vui cùng con cháu. Mẹ tôi mất cũng đã hơn hai chục năm qua, chị em chúng tôi cũng vẫn cúng giỗ bố tôi y như hồi mẹ tôi còn sống, năm nào cũng có cô tôi và các cháu của bố tôi tham dự. Năm nay lại sắp đến ngày giỗ của bố tôi, tôi viết bài này để dâng lên hương hồn của bố tôi và để tưởng niệm một nhà văn đã được khen là người viết truyện ngắn hay nhất của đầu thế kỷ thứ 20.
Nguyễn Tường Nhung
Hạnh Phúc Mong Manh
Tiếng ve sầu râm vang  một khoảng không gian khá rộng  quanh  vùng Nhã cư ngụ,  chúng từ lòng đất chui lên  bay lượn hòa đồng cất tiếng hát nghe như một dàn hòa tấu vĩ đại đều đều chung một điệu. Tiếng vang  như lời tán tỉnh gọi ái tình của giống đực mời  các cô nàng đến để cùng hưởng thú ái ân. Loại ve sầu 17 năm mới chui lên từ lòng đất chờ  lột vỏ ngoài mới có đủ hai cánh để trưởng thành.  Thân dài  tròn,  khoảng hai đốt ngón tay,  đuôi nhọn,  hai cánh  màu nâu nhạt mỏng manh như hai mảnh xiêm y lấp lánh viền vàng, ấp e che phủ nửa thân mình,  hai con mắt to màu đỏ.  Khi  cô cậu đã thành một cặp, chúng bám vào  những cành cây,   trên thảm  cỏ,  bên   gốc  cây  Đỗ Quyên  Nhã thấy một cặp  cánh màu vàng cam thật đẹp.  Tò mò Nhã ngồi xuống  nhìn cho rõ  hơn, chúng đang quấn chặt vào nhau.  Nhã   nghe kể lại loài ve tuy nhỏ bé nhưng việc ái ân của chúng kéo dài khá lâu và sau khi thỏa mãn xong là chàng bay vụt đi chỗ khác,  còn lại nàng bò loanh quanh như luyến nhớ  dấu vết một cuộc tình đã biến nàng thành đàn bà để rồi mang trong cơ thể sự kết tinh truyền giống.Trứng chui vào lòng đất chờ 17 năm sau.     
Loài người khi chết  đi vào lòng đất,  ngược lại loài ve sống trong lòng đất, trồi lên rồi chết trên mặt đất.
Nhã hay suy tư về sự chết và tự hỏi chết là hết và có linh hồn hay không. Linh hồn sẽ đi về đâu,  có thế giới bên kia như người đời thường nói và có sợ chết hay không,  nhưng có sợ chết thì cũng không sợ bằng khi người thân của mình ra đi trước.
 Đời người trước sau gì cũng trải qua niềm thương đau ấy, nhớ lại khi bố chết Nhã còn là đứa trẻ thơ chưa thấu hiểu nỗi đau mất đi một người than, đến khi bà Nội mất Nhã rất buồn nhưng bận rộn với bao công việc, với đàn con còn nhỏ dại và bà cũng đã tám mươi ngoài tuổi.
Mẹ bị ung thư bao tử, đã cắt bỏ một phần, từ đó mỗi bữa bà chỉ ăn độ nửa bát cơm, khoảng hơn vài  năm sau bệnh tái phát. Mỗi ngày thân thể gầy yếu dần, mặc dù cậu em ( BS ) đã tận tình chạy chữa, chăm sóc chu đáo. Ngày bà ra đi,  Nhã đang mang thai đứa con út được hơn 7 tháng. Vì ở xa tận miền Trung,  không về dự tang lễ được. Tình thương nhớ mẹ lại thêm sự ân hận không thể tiễn đưa mẹ lần cuối,  càng làm tăng thêm sự đau buồn, Nhã chỉ biết khóc. Sau khi sinh con vài tháng, trở về đứng trước huyệt mộ lòng đau quặn,  chỉ biết khấn vái cầu linh hồn Mẹ siêu thoát. Mỗi lần về Sài Gòn Nhã ở tại căn nhà riêng trong cư xá mà mẹ vẫn ở đó với người làm. Thiếu bóng mẹ,  chiếc ghế ngoài phòng khách mẹ vẫn thường ngồi và trên chiếc bàn bên cạnh, cái kính trắng cũ để trên tờ báo mẹ thường đọc hình như vẫn còn đây.  Nhìn ảnh mẹ trên bàn thờ qua làn khói mỏng,  Nhã nghe như tiếng mẹ dặn dò ’’con đi mau mau về’’ . Lần nào Nhã có việc như đi thăm họ hàng,  bạn bè, hay mua sắm v v… mẹ cũng nhắc.  Nhã dạ cho mẹ vui, chứ đã là mẹ năm đứa con, đi đâu cũng có xe và tài xế lái, mà mẹ vẫn tưởng như Nhã còn là cô bé thuở nào. Mẹ là vậy đó,  không cần biết Nhã bao nhiêu tuổi, lúc nào cũng  vẫn lo lắng,  nhắc nhở. Khi đã có con, Nhã mới thấu hiểu lòng mẹ bao la. Bước vào buồng ngủ,  mùi dầu hiệu Con Hổ mẹ hay dùng như còn phảng phất đâu đây, tự nhiên Nhã thấy mắt cay cay.  
Ngày giỗ đầu mẹ, Nhã lên chùa xin Thầy tụng kinh cho mẹ,  Nhã làm vài món mà khi sinh tiền mẹ vẫn thích, các con còn nhỏ, chỉ có Nhã và chồng, cúng mẹ xong ngồi nhắc lại những kỷ niệm của mẹ. Buồn và nhớ mẹ vô cùng. Nỗi buồn thương mẹ chưa nguôi thì một hung tin lại đến.  Đứa con trai lớn của Nhã đã tử trận. Khi chú quản gia báo tin, lòng Nhã như xoắn lại, cổ họng như bị bóp nghẹn, cặp mắt khô cứng không một giọt nước mắt nào. Nỗi đau làm cho toàn thân tê dại, Nhã ngồi bất động cả thân người như dính chặt vào chiếc ghế.
Tiếng chú quản gia làm Nhã thức tỉnh ‘’mời bà sơi miếng nước trà cho nóng’’ nói rồi chú nhìn Nhã ái ngại không nhớ bao lâu sau đó Nhã mới bình tĩnh lại để nghe chú quản gia nói về cái chết của con. Nỗi đau đớn mất con làm Nhã tự trách mình và  thầm trách chồng. Đứa con này là con riêng của Nhã, bố nó đã chết. Khi chung sống với anh Nhã đã ảnh hưởng rất nhiều từ  chồng. Cách thức anh làm việc, những quyết định theo quan điểm của anh trong quân ngũ, những  kỷ luật chung trong quân đội, anh nhất quyết làm theo.  Anh thường nói,  con người ai cũng có mẹ cha, cũng có thân nhân, cũng đau xót như nhau.  Anh xem các binh lính cũng như  những người thân ruột thịt,  nếu ai cũng lo cho con cháu mình về hậu cứ,  trốn tránh trận mạc thì còn ai phải chiến đấu ngoài trận tuyến.  Vì vậy anh đã bị gia đình trách oán, bây giờ  Nhã cũng oán trách tuy không nói ra .  Nhã đã nằm liệt giường hai ngày,  chỉ uống nước cầm chừng.  Nhã  đóng cửa buồng riêng lại,  để các con cho chị người làm và người chị họ đến ở lo cho chúng. Nỗi đau xót mất con là nỗi đau tận cùng của sự đau, không thể diễn tả nổi. Khi mẹ chết Nhã tưởng nỗi đau mất mẹ đã là một sự đau không thể nào đau buồn hơn, nhưng khi đứa con từ lòng mẹ là tâm huyết trong dòng máu của mình,  đứa con ra đi, hầu như tất cả các bộ phận trong con người mình  đồng loạt nổi lên hành hạ cơ thể tim óc mình.  Ôi thật là một nỗi đau khủng khiếp, một nỗi đau không thể chữa lành mà phải mang theo suốt đời.  Sau những ngày vật vã khóc thương,  Nhã như người ốm nặng. Các con thấy mẹ nằm mãi trong phòng im vắng,  chúng cảm nhận được một điều gì đó nhưng không giám hỏi. Nhìn các con ngơ ngáo,  Nhã tự nói với chính mình phải dìm sự đau buồn vào một góc nào đó vì trách nhiệm và bổn phận.  Người mẹ, người vợ, phải can đảm vì cuộc sống còn dài. Chồng Nhã rất mừng khi thấy Nhã đã bình tâm sinh hoạt trở lại thường ngày.
Làm vợ chiến binh trong thời chiến loạn, sự đe dọa luôn vây quanh, ngày ngày biết bao chiếc khăn tang trên đầu người vợ trẻ cùng bầy con thơ không có ngày mai. “Ôi Thời Chiến Chinh Mấy Người Đi Trở Lại” Nhã vì  buồn lẫn lo sợ người gầy ốm hẳn đi, lại thêm bệnh đau bao tử, đêm đêm thao thức nhìn lũ con còn non dại thơ ngây.  Những khi con đau ốm,  một mình vò võ ôm con. Mỗi khi nghe tiếng  chó sủa đêm cùng tiếng gió lao sao,  tiếng vạc bay vỗ cánh , tiếng mưa tí tách trên máng nước,  tiếng mèo gọi đực, nỗi nhớ anh lại càng day dứt,  lo anh đang  ở chốn hiểm nguy.  Nhớ  những đêm trăng sáng,  đúng  lúc anh mới từ trận chiến  trở về được vài ngày nghỉ phép. Anh thích trải chiếu trên sân gạch ngoài sân để ngắm trăng, anh nói anh thích nhìn em dưới ánh trăng và cũng để nhớ khi anh ngoài trận chiến, nếu thấy trăng là nhớ đến em, nghe anh nói thế Nhã vui lắm nhưng trong đầu lại nghĩ : Anh đang đối diện với kẻ thù ngay trước mặt,  tâm trí đâu thấy trăng mà nhớ em. Sơ sẩy  một chút là hiểm nguy cận kề ngay.
’’ Em nghĩ gì thế’’ nghe tiếng anh Nhã xua vội  ý nghĩ không vui,’’em cũng  đang nhìn theo hình như trăng đang chạy trốn’’.  Nhã đi  về phía cây Dạ Lý Hương  đang nở hoa,  bẻ một cành, ‘’em thích mùi hoa này’’  Chung quanh mé vườn sau,  hàng rào trồng hoa giấy,  dàn hoa  ti gôn leo trên hàng rào buông từng chùm màu tím hồng, màu trắng sữa, mấy cây  hoa sói, hoa nhài  được  trồng trong những chậu bằng sứ  trạm trổ hoa văn con rồng con bướm để trong sân,  về phía góc vườn cạnh bụi trúc vàng   một pho tượng hình người Chàm Cổ, bụi dạ lý hương, vài cây bưởi cây chanh,  khi thoảng tiếng gió thổi  những ngọn trúc chạm vào nhau  nghe xào xạc, thoáng hương thơm mùi dạ lý.  Đêm thanh  vắng, anh ghì  chặt Nhã vào hai cánh tay rắn chắc,  một luồng hơi nóng chạy khắp thân thể,  Nhã mềm người nằm gọn trong vòng tay anh,   im lặng để tận hưởng những  giờ phút hạnh phúc bên nhau sau  bao ngày khao khát. Trăng chênh chếch khi tỏ khi mờ, làn gió vô tình đưa đẩy cụm mây bay ngang che mờ một khoảnh  trăng tạo thêm  cảnh vật mơ hồ,  anh hôn vội bên má Nhã, một cử chỉ như chàng trai mới yêu hôn lên má người tình. Anh là người chồng toàn vẹn, người tình lãng mạn đam mê. Niềm vui, nỗi xúc động làm mặt Nhã ửng hồng.  Trăng khuya bốn bề im vắng,  liễu rủ đong đưa mùi hoa bưởi hoa cau thoảng hương thơm.    Nhã muốn níu  giữ  giây phút  thần tiên, niềm  hạnh phúc tận cùng  này mãi mãi. Sương đêm bắt đầu thấm lạnh,  anh đòi bế Nhã vào nhà.  Anh định qua phòng bên thăm các con đang say ngủ, Nhã như người chưa ra khỏi cơn say,  say tình, say ân ái,  kéo vội anh những nụ hôn như thèm khát như đợi chờ như chưa đủ.
Ngày anh trở về đơn vị, đêm trước Nhã gần như thức trắng, không muốn anh phải lo, Nhã vờ như đã ngủ.  Nhã rất muốn được cùng anh thức trọn đêm. Nhã tiếc thời gian ở gần anh,  nhưng muốn cho anh được giấc ngủ êm. Trời chưa sáng xe đang đợi , anh đã mặc bộ đồ lính trận. Nhã cố dằn hít hơi thở sâu cố không để nước mắt rơi.  Anh hôn Nhã rồi bước vội ra cửa.  Nhã biết anh tránh giây phút tạm xa nhau này, Nhã trở lại phòng ôm chặt gối vào lòng và cứ để nước mắt rơi không kềm hãm, hơi hướng anh còn đây, chăn gối còn chưa lạnh, bộ áo ngủ anh còn ấm mà anh đã đi rồi.  
Ngày ngày Nhã vẫn sống trong nỗi âu lo,  nhớ và buồn cùng với niềm hãnh diện. Người chiến binh luôn đối đầu trước kẻ thù,  bên súng đạn,  vậy mà có lúc phải nhờ làn mây vô tình bay ngang che lấp ánh trăng khuya mới dám hôn trộm má người vợ trẻ như chàng trai mới biết yêu lần đầu.
Nhã thì thầm: em yêu mình, chàng lính chiến tình tứ lãng mạn của em.
                                                                                                                               TƯỜNG NHUNG