NHỚ CHIẾN TRƯỜNG XƯA Chơn Thành là một quận thuộc tỉnh Bình Long (nay là Bình Phước vì ghép hai tỉnh Bình Long và Phước Long làm một). Quận Lỵ nằm ở ngã tư Quốc Lộ 13 và Liên tỉnh lộ đi về Đồng Xoài và Dầu Tiếng.Tôi có duyên với con đường số 13 xui xẻo này, từ Bù Đăng Bù Đốp về Lộc Ninh, An Lộc, Tân Khai, Suối Tàu Ô, Bàu Bàng,Lai Khê, Bến Cát tới Phú Lợi, Phú Văn rồi Lái Thiêu nơi nào cũng có kỷ niệm.Mỗi năm cứ tháng Ba trở về thì tôi nhớ Chơn Thành, nơi đó, ngày 16 tháng 3 năm 1975, nếu không có Ơn Trên phù hộ thì tôi đã không còn. Tháng Ba năm nay tình hình thế giới nghẹt thở, thương cho Ukraina quá, thấy bom đạn tàn phá mà ghê, lại nhớ đến thân phận mình 47 năm trước.Nhiều chiến hữu năm đó nay đã không còn, lòng ngậm ngùi muốn viết ra cho cạn bớt tâm tư. Tháng Ba Di Tản Chiến Thuật.Cố Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 được lệnh chỉ huy cuộc rút quân từ An Lộc về Lai Khê.Lực lượng đồn trú tại An Lộc gồm hai Liên Đoàn Biệt Động Quân và các Tiểu Đoàn Địa Phương Quân thuộc Tiểu Khu Bình Long của cố Đại Tá Phúc.Công Binh Sư Đoàn 5 được trực thăng vận xuống An Lộc để phá hủy các trang thiết bị quân sự sau khi các đơn vị đã rút quân, nhận phần nguy hiểm nhất vì phải rút lui sau cùng. Tôi cùng Bộ Tư Lệnh Hành Quân SĐ5 do Đại Tá Trần Văn Thoàn, Tư Lệnh Phó chỉ huy được trực thăng vận xuống căn cứ Lê Lai của Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân tại thị trấn Chơn Thành.Tại đây tôi gặp được hai vị Đại Tá Biệt Động Quân đáng kính phục là Đại Tá Chuẩn, Bộ Chỉ Huy BĐQ Quân Khu 3 và Đại Tá Biếc,Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 5 BĐQ cũng là Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Lê Lai. Giai đoạn một là rút quân từ An Lộc qua Tân Khai về Chơn Thành. Giai đoạn hai là từ Chơn Thành về Lai Khê Ngày đầu tiên tương đối thuận lợi, dọc QL13 từ An Lộc qua Tân Khai về tới Chơn Thành chỉ chạm sung lẻ tẻ, không có thương vong.Tập trung quân tại quận lỵ Chơn Thành. An Lộc, nơi bao nhiêu năm chiến trường ác liệt mà tôi đã từng trải qua trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Đồi Gió, Đồi 69 bao nhiêu máu xương đồng đội, phi trường Hớn Quảng,nhà ga Xe Lửa Hớn Quảng ( nơi có Cà Phê Cô Năm Tử Thủ mà ngày nào từng mang áo giáp, nón sắt đi dưới giao thông hào đến đó chỉ để uống một ly cà phê ngọt đắng đậm mà nghe do cô Năm pha, và anh em đặt cho cô cái tên Cô Năm Tử Thủ, vì dân chạy hết, một mình cô ở lại pha cà phê cho lính uống). Ngày 15 tháng 3, có lẽ kế hoạch rút quân đã bị lộ,nên địch bắt đầu pháo kích vào quận lỵ Chơn Thành và căn cứ Lê Lai.Đêm 15 rạng 16 tháng 3 địch pháo kích hàng ngàn quả đạn đủ loại vào căn cứ Lê Lai và cuộc tấn công từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa.Trong căn hầm của Trung Tâm Hành Quân (TOC),tình hình căng thẳng đến nghẹt thở, có tới bốn vị Đại Tá trong hầm chỉ huy: Đại Tá Thoàn, Đại Tá Chuẩn, Đại Tá Biếc và Đại Tá Phúc ( Tỉnh Trưởng Bình Long vừa mới rút quân về).Bên ngoài có tới 6 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân thiện chiến và nhiều Tiểu Đoàn Địa Phương Quân thuộc Tiểu Khu Bình Long và Chi Khu Chơn Thành chống trả mãnh liệt.Lực lượng địch gồm Sư Đoàn Công Trường 9,một Trung Đoàn Độc Lập ,Một Trung Đoàn Pháo Hỏa Tiễn và một đơn vị xe tăng…Căn hầm Trung Tâm Hành Quân của Đại Tá Biếc được xây rất kiên cố, phía trên được lót bằng những thanh sắt đường rầy xe lửa, có nhiều tầng bao cát nên chịu đựng được đạn hỏa tiễn 122 ly, nhờ thế mà không sụp.Đến 12 giờ trưa thì tất cả ăng ten trên nóc hầm không còn xử dụng được nữa.Mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn ở Lai Khê và Quân Đoàn ở Biên Hòa.Chỉ còn liên lạc với các đơn vị bên ngoài bằng máy C25.Tôi với Thiếu Tá Th.(Biệt Động Quân) ngồi song song cạnh nhau trong căn hầm chật hẹp ấy để cập nhật tình hình lên Bản Đồ Hành Quân từ 4 giờ sáng tới 12 giờ trưa như thế.Nhưng có điều lạ là ngay giờ phút ấy, tôi quay ngược lại, dựa lưng vào bản đồ, đối diện với Thiếu Tá Th.,hình như chỉ một hai phút gì đó, thì một quả đạn pháo 122 ly rơi xuống ngay góc phải, nổ chát chúa, sập một góc hầm, tôi bất tĩnh một lúc, mơ màng nghe anh em gọi…Đại úy Đ…Đại úy Đ…, tỉnh lại thấy rát mặt nhưng sờ người không thấy máu, trong lúc đó Thiếu Tá Th. rên la rất đau đớn, anh em xúm lại dìu anh Th. qua phòng cấp cứu.Tôi rất bàng hoàng…đáng lẽ cái luồng mảnh đạn pháo ấy vào bên phải người tôi chứ không phải Thiếu Tá Th… Ai xui khiến tự nhiên tôi xoay người lại? Thật may cho tôi mà lại xui cho anh Th. chuyện này tôi cứ nhớ hoài, anh Th. hai ngày sau trực thăng mới xuống tản thương được.Tôi không biết sau đó đã ra sao, cho tới 30 tháng Tư. Một điều kỳ diệu : Trong tình hình đang nguy cấp, tiếng xe tăng T54 của địch đang vào gần tới vòng rào giây kẽm gai, tất cả đều rút xuống căn hầm chót của Đại Tá Biếc,Súng lên đạn cầm tay, tôi bỗng nghe thấy tiếng Đại Tá Tường trên máy C25 (Cố Đại Tá Nguyễn Văn Tường,Phụ tá Tư Lệnh Hành Quân), ngực tôi đang như có cục đá năng ngàn cân được trút xuống, thở phào nhẹ nhõm.Tôi trao máy cho Đại Tá Thoàn. Đại Tá Tường đang trên phi cơ L19 quan sát trận địa và lập tức điều động phi cơ F5 từ Phi Trường Biên Hòa bay lên kịp lúc ném bom xuống ngay vòng rào căn cứ Lê Lai. Liên tục 21 phi tuần oanh tạc, nhiều xe tăng địch cháy bỏ xác ngay tại hiện trường, cứu nguy quân bạn.Chuyện này có tin tức trên TV chiếu ngày hôm sau.Quân ta thắng trận. Nếu Đại Tá Tường bay lên không kịp ngay lúc đó thì tất cả chúng tôi tiêu rồi.Chiến trường tiếp tục sôi động cho tới tối.Có một xe tăng T54 của địch chạy lạc loanh quanh trong thị trấn Chơn Thành, anh em BĐQ tranh nhau rượt đuổi như trong phim hành động, cuối cùng T54 cũng bị bắn cháy ngay gần chợ Chơn Thành. Quân ta thắng lợi hoàn toàn. Hai hôm sau cuộc hành quân mới khởi sự giai đoạn hai : Chơn Thành-Lai Khê phải đi qua hai nơi nguy hiễm đó là Chốt Chặn Suối Tàu Ô và Bàu Bàng. Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn 5, Công Binh, thành phần chuyên môn của Biệt Động Quân và Tiểu Khu Bình Long… được trực thăng vận về Lai Khê trước. Các Tiểu Đoàn BĐQ và ĐPQ hành quân đường bộ về sau.BTL Hành Quân SĐ chia làm hai toán, một theo Đại Tá Tư Lệnh Phó và một theo tôi.Phi trường Chơn Thành bị pháo liên tục nên trực thăng không xuống được, do đó lính Biệt Động Quân phải cưa cây cao su để dọn bãi đáp dã chiến cho trực thăng xuống. Chuyến đầu khi trực thăng đáp xuống,toán của tôi ngồi lại chờ chuyến sau để toán của Đại Tá Tư Lệnh Phó lên trước. Bất ngờ Đại Tá Thoàn ra lệnh : “Toa lên trước, Moa lên chuyến sau”. Tôi không chịu,nhưng Đại Tá la to (vì tiếng phi cơ cánh quạt gió khó nghe lắm): “ Toa phải lên trước, chuyến sau bãi đáp bị lộ, có thể bị pháo kích.Còn có Moa ở dưới này phi công nó liều xuống bốc, Toa ở lại chuyến sau là nó bỏ Toa luôn”, rồi Đại Tá đẩy tôi lên trực thăng, tôi nhìn xuống Đại Tá đang vẩy vẩy tay mà hai hàng nước mắt tôi chảy ròng ròng…( Đại Tá Thoàn gốc Dân Tây nên thường nói chuyện Toa, Moa rất thân mật với thuộc cấp). Giữa chiến trường, một vị Đại Tá đã nhường sự an toàn cho một Đại úy nhỏ nhoi. Chúng tôi đều có gốc từ Sư Đoàn 18 qua SĐ5 nên Đại Tá luôn coi tôi như đứa em. Về tới Lai Khê, tôi rất nóng ruột ngồi chờ Đại Tá tại phi trường, khi chuyến trực thăng thứ hai đáp xuống tôi chạy ra,Đại Tá ôm lấy tôi mừng quá, đã hoàn thành nhiệm, cùng lên xe Jeep đang chờ sẳn, chạy vào căn cứ Lai Khê. Năm vị Đại Tá trong trận này thì Đại Tá Phúc về làm Tỉnh Trưởng Long Khánh một tháng cuối cùng rồi bị tử trận ở Xuân Lộc,( trong lúc rút binh bị phục kích ở Cẩm Mỹ).Đại Tá Tường qua Mỹ, tu thiền tại gia và mất ở Cali nhiều năm trước.Đại Tá Biếc ,tôi có nghe tin qua Mỹ và đã cách nay vài năm.Đại Tá Thoàn bị đi cải tạo về được gia đình bảo lãnh sang Pháp. Còn Đại Tá Chuẩn tôi không biết tin. Bốn mươi bảy năm qua rồi, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn xúc động như mới ngày hôm qua.May mắn lắm mới còn sống sót tới bây giờ. Tôi viết ra để nhớ ơn những người đã khuất.Viết ra cho nhẹ lòng.Có những điều gì khiếm khuyết xin bạn đọc thông cảm bỏ qua cho. Maryland,16 tháng 3 năm 2022 Đăng Nguyên |