Những Mối Tình Thơ Tiếng đồng hồ gọi giấc khuya, màn đêm in qua khung cửa kính tranh tối tranh sáng từ ngọn đèn hắt ra. Mùa Xuân đang ngự trị. Cái lạnh se se vào da thịt, mặc thêm áo choàng, bỗng dưng tôi thèm uống tách trà nóng và thực hiện ngay. Vừa thổi vừa hớp những ngụm nước nóng. Tinh thần thư thái, kỷ niệm từ khi nào bỗng kéo về thời tuổi ngọc. Những tưởng cảm giác đó đã qua rồi, đã xếp lại ngủ yên theo mái tóc điểm sương. Lạ lùng thay, bây giờ nó lại tái diễn như giọt tình yêu trong máu. Tưởng quên rồi lại nhớ… tôi phóng tầm mắt nhìn bóng đêm. “Đêm là khoảng thời gian tuyệt vời nếu ai muốn trải lòng suy nghĩ. Đêm là người bạn đồng hành dễ chịu biết lắng nghe…” Tư tưởng hay đã đọc nơi đâu đó, tôi mơ màng để ký ức diễn lại quá khứ từ những ngày xa xưa… Khoảng tuổi “Khi xưa đôi ta bé ta chơi”, tôi có nhiều bạn vẫn luôn đùa vui hằng ngày. Chúng tôi gồm Hậu, Quyền, Phong, Dung, Ngọc, Hảo, Hương trong xóm chơi thân nhau từ nhỏ đến lớn, tuy có ba tên con trai nhưng bọn con gái cứ tưởng như cùng phái nữ. Phong là con nhà giàu luôn hào phóng đãi chúng tôi đi xin nê, hoặc ăn chè Cồn. Bạn nào cũng mến đức tính tốt của Phong hay giúp đỡ nhiều chuyện khác nữa. Có lần, Phong đem chocolate tới cho, mọi người định mở kẹo ăn, bạn chợt nhớ đến gia đình kia gồm bà mẹ cùng chín người con chạy từ quê lên lánh nạn CS, che góc sau nhà bà con sinh sống như một cái hầm tối om không có ánh sáng (trước mặt nhà Dung). Phong thâu kẹo lại nói “tụi bây nên nhịn cho họ”, cả bọn vui vẻ hăng hái gom lại nghĩ tới hoàn cảnh được so sánh như nhân vật chị Dậu trong tác phẩm “Tắt Đèn” của Nguyễn Tất Tố đã được học khi lớn lên. Cha mẹ nhìn cả lũ chơi thân từ nhỏ đến lớn nên hễ nhà có đám giỗ thường để dành một mâm cho các bạn của con sau cùng lúc khách đã về hết. Lúc lớn lên biết mê phim mê nhạc, sau khi xem xong thường có buổi hội nghị bàn tròn điểm phim say mê. Nhiều lần đêm trăng sáng cả bọn tập trung chơi cầu Cơ. Quyền mua bánh kẹo thắp nhang đèn, tôi làm con Cơ, Hậu đọc khô cổ bài cầu Cơ nhưng chẳng thấy Cơ lên, tôi bắt đầu tinh nghịch nhích bàn tay di động trên mặt chữ, Dung, Hảo dành hỏi không cho ai xen vô, mấy tên con trai phân bua qua lại, tôi mắc cười quá phá lên cười, vậy là cả bọn xúm tôi la ó, hết trò chơi đó tôi bày trò tập làm thơ chung nhau mỗi đứa một câu đầy thích thú. Còn nhớ phim “La Valse dans L’ombre” đã làm tôi đau khổ theo câu chuyện bi thảm với sự diễn xuất của cặp tài tử Vivien Leigh và Robert Taylor. Về nhà thẫn thờ chẳng muốn ăn uống, thích yên tĩnh một góc riêng để hồi tưởng lại câu chuyện phim, một tuần sau đạp xe qua phố, thấy rạp cine còn để phim, tôi như người bị thôi miên, gởi xe mua vé vô rạp xem nữa, đó là lần duy nhất trong đời đi xem phim một mình giấu cả bọn. Căn bệnh tương tư vẫn tiếp tục rất nhiều phim sau đó như “Le Doctor Zhivago” do Omar Sharif cùng cô Julie Christie đóng, tôi đã ghiền ngẫm câu tựa đề đầu tiên của tác giả Boris Pasternak “Con người sinh ra để sống chứ không phải sống để tranh đấu” đưa dẫn tâm hồn tôi tìm ra được hình ảnh nhẹ nhàng của cuộc sống, của con người, như hình ảnh những em bé chiều chiều thả diều trên cánh đồng lúa xanh rì rào, trời mây thoáng đạt bình yên. Tôi cũng từng ngây ngất theo các phim Love Story, Meurtres au Soleil (Tình thù rực nắng), First love (Natalie wood đóng), Romeo & Juliet cho tôi những cảm giác của một tình yêu mới lớn đầy mơ mộng, lãng mạn và đau khổ khôn cùng. Xem phim chưa đủ, tôi còn nhịn tiền ăn sáng mua những tác phẩm đã được xem phim như Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà, Kiều Giang, Nữ Hoàng Cleopatra…v..v… Văn chương như máu chảy về tim, như người tình muôn thuở, tôi từng ngất ngư theo những truyện dịch của Shakespeare (Hamlet, Othello) Victor Hugo và còn nhiều truyện dịch nữa. Tâm hồn tôi cũng say mê theo ngòi bút Mai Thảo, Nhật Tiến, Tự Lực Văn Đoàn, Dương Nghiễm Mậu, Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn thị Hoàng v..v…Tôi mơ có tủ sách để dành đọc từ từ nhiều lần, vì nếu bạn cho mượn thì phải đọc gấp rút, thế nên tôi đã mua được khá nhiều, ngày nào cũng ngắm nghía tủ sách như một gia bảo cần phải giữ gìn cẩn thận. Nói về âm nhạc, tao đàn giống như hơi thở cần thiết cho sự sống, nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Đặng Thế Phong, Văn Cao, Nguyễn Hiền, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng v…v…đi vào tâm hồn tôi dịu dàng tha thiết biết bao, lời nhạc như bể thơ ngọt ngào hoà quyện âm thanh du dương đã giúp tinh thần tôi sảng khoái góp phần hạnh phúc vào cuộc sống. Ngoài ra cũng còn số nhạc sĩ và nhà thơ đã bị mai một thay đổi sự yêu thích khi nghĩ đến con người họ về quan điểm chính trị, về cách sống. Lũ bạn trong xóm cùng lớn lên, cùng thi đua học hành, trò giải trí hợp nhau nhưng nhiều lúc tụi nó cũng lắc đầu thấy sự đam mê của tôi về thơ văn , âm nhạc, ngâm thơ tột đỉnh khi mỗi chiều chủ nhật nếu có mục gì khó thể dụ tôi đi đâu, vì tôi luôn chực bên chiếc radio nghe giờ tao đàn của cô Hồ Điệp ngâm thơ Đinh Hùng như “Xin Hãy Yêu Tôi”, hoặc Hồng Vân, Hoàng Oanh ngâm thơ của TTKH, Thâm Tâm, Hàn mặc Tử, Quang Dũng, Xuân Diệu ..v..v.. Năm 1975, năm của sự tan nát đau thương miền Nam. Năm của niềm uất hận khóc than. Mọi người cùng chạy giữa đêm khuya, lòng người chết lặng, lòng tôi hoang mang. Mẹ tôi có hai bác bạn thân, bác Sự ở gần nhà và bác Lý ở ngoài thành gần sân ga, người lớn bàn tính thuê chung xe tải vào Đà Nẵng. Đầu óc tôi lúc đó chỉ nặng trĩu với tủ sách yêu quý, dù chưa đọc hết, nhưng an tâm với tài sản trong tay, sẽ đọc thong thả sau này. Mẹ và chị tôi hối hả dọn ít thứ cần thiết, thấy tôi loay hoay đống sách truyện, Mẹ la mắng cấm cản không cho đem theo.Tôi buồn héo hắt, đến nhà bác Lý thấy tập trung gần mười gia đình, người ta thông báo cho biết xe tải chiều tối mới đến được. Tâm tư tôi chỉ nghĩ đến tủ sách, như người yêu bị đoạn lìa xa cách. Tôi liều mình trốn về lại nhà, chọn lọc số sách bỏ vào thùng rồi thuê xe thồ chở đi với hy vọng xe tải rộng lớn sẽ mang theo được. Đem đến nơi lại thất vọng vì xe quá trọng tải phải hạn chế đồ đạc, tôi đành gởi lại nhà bạn của Mẹ. Hình ảnh khó quên của chuyến chạy loạn, xe chạy đêm nhưng đường xá kẹt cứng, trời hừng sáng mới bò lên đèo Hải Vân. Dòng người lũ lượt tay bế tay bồng vác vai, có người gánh bằng đôi gióng đặt cụ già ngồi cuối thúng, con nhỏ đầu thúng đi bộ trên đèo chẳng biết mệt, dân Quảng Trị chạy vô Huế, Huế chạy vào Đà Nẵng, điều đó đủ chứng tỏ người dân miền Nam sợ hãi CS đến mức độ nào. Tôi còn nhớ rõ… lúc VC vào đến Đà Nẵng, Mẹ mặt mày tái nhợt, gọi tôi ra góc riêng móc tiền đưa và mếu máo nói “Con cầm tiền mua thứ gì ngon mà ăn, rồi sau đó ghé tiệm thuốc Tây mua mấy ống thuốc rầy về ba mẹ con cùng uống, Mẹ đã từng sống với CS nên biết rõ, mình không sống nỗi với tụi nó đâu”, tôi muốn khóc theo Mẹ nhưng cố đè nén trấn an “Kệ cứ sống thử xem sao?” Gia đình tôi trở lại Huế, điều đau khổ tột cùng của người dân miền Nam VN bị mất nước, tôi chỉ còn chút hy vọng tìm lại thùng sách. Tôi bồn chồn qua nhà bác Lý sớm. Tới đầu ngõ, tim đập mạnh như sắp gặp người yêu, nhưng tôi đã hoa mắt lên, tay chân run rẩy vì thấy những tờ truyện “Thềm Hoang” của Nhật Tiến bị xé rải đầy lối. Tôi vội vã vào tìm thùng sách chỉ còn số ít, tôi thấy như đời đứt ngang rồi và nỗi đau cứ âm ỉ mãi…Số sách còn lại tôi vẫn giấu, dù bao nhiêu lần công an khu phố ra thông báo “Thâu hồi sách truyện văn hoá đồi trụy, có lúc họ đi từng nhà tra gạn như muốn lục soát. Tôi vẫn trơ lì không chịu nạp, Mẹ khổ sở năn nỉ tôi, giọng trầm giọng bổng hết lời mong muốn được sống yên thân với họ. Cuối cùng vì giọt nước mắt, vì tiếng thở dài trong đêm thâu của Mẹ mà tôi phải buông bỏ. Ba của Phong đi tù ngoài miền Bắc, nhà cửa bị cướp, gia đình Phong giã từ thành phố Huế thân yêu vào Nam tìm đường sinh sống. Hôm đưa tiễn bạn, lòng tôi nghe tơi tả như sắp mất một nửa con người. Trong thâm tâm tôi luôn coi Phong là thần tượng, vì càng tiếp xúc với bạn, càng khám phá quá nhiều đức tính tốt. Trên đường về, mắt tôi mờ đi vì những giọt nước mắt rơi lã chã. Tôi thấy cõi lòng hoang vắng bơ vơ, nhìn đường phố thờ ơ lạnh lùng …Rồi Hậu cũng đi kinh tế mới, Quyền vào miền Tây, tất cả đều là sinh viên nhưng chán học và bỏ học, chưa kể Dung, Hảo đang học nửa chừng bị đuổi về vì cha đi ở tù, chỉ có mình Ngọc ngành luật bị bãi bỏ, buồn tình thi vào sư phạm một năm, ra dạy trường làng mỗi ngày đạp xe đi về sáu tiếng đồng hồ, được vài tháng bỏ chạy luôn, Hương đi buôn hàng chuyến Sài Gòn Huế, lần lượt Dung Hảo cũng vào Nam, sau nghe Quyền bị tai nạn xe tải cướp mạng, nước mắt tôi ràn rụa không biết bao nhiêu lần “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua. Tìm đâu những ngày xinh như mộng …” Từ đó tôi sống như người mộng du, nhớ thương các bạn nên bị u uất tình cảm, chỉ biết sống bằng kỷ niệm, nhất là kỷ niệm sáng tác thơ chung. Cuộc đời có lúc không là mơ, tôi nhớ đến câu nói của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn “Đôi khi đời không là bài thơ cho tôi, và không là bài hát cho em” trước những khó khăn của thực tế. Biến cố mất miền Nam xảy ra, gia cảnh quá nghèo. Mẹ tôi, người đàn bà hiền hậu vẫn được quý Bác đặt cho cái tên “Bụt” đã xoay sở tìm kế sinh nhai đủ mọi việc, nhưng Mẹ quá thật thà vẫn luôn thua thiệt với cuộc đời muôn mặt. Hoàn cảnh gia đình hẩm hiu chỉ có ba Mẹ con, xóm làng luôn bị công an phường, phối hợp với tổ trưởng khu phố hội họp ép bức đi kinh tế mới. Từng đợt lần lượt bị đưa tên lên danh sách, gia đình tôi thoi thóp, hồi hộp nhìn ba gia đình trong xóm bị đi trước, viết thư về than khóc muốn chết. Trong lòng tôi chỉ hướng về chuyện vượt biên với ý nghĩ “một là chết giữa sông giữa biển, hai là thoát khỏi cảnh khủng bố, bị kiểm soát và nghèo khổ cùng tận”. Tôi đã để mất cơ hội vài lần khi bạn bè rủ trốn thoát. Rồi một ngày cơ hội đến, vì bạn trai đã vượt biên lọt, nhờ mẹ giúp cho tôi “học nghề” (tiếng lóng thay từ “ vượt biên”), tôi bay vào Sài Gòn tìm đường hướng. Vì không có mặt trong cuộc bầu cử ở Huế, bị Công an đến nhà tra hỏi, rồi họ tự động cắt hổ khẩu. Tôi không còn lý do trở về Huế, hộ khẩu không có ở Sài Gòn, tôi trốn chui nhủi nhà bà con và bạn Dung nhận áo dài cho tôi thêu. Tôi đeo đuổi chuyện vượt biên gần sáu năm trời. Có những chuyến thoát thân trong rừng tìm đường về, cũng có vào tù tội ở kinh làng thứ ba vùng Rạch Sỏi (Kiên Giang), ra tù bị thâu hồi thẻ CMND, tôi thành người ở lậu bất hợp pháp. Với sự cố gắng và kiên trì theo đuổi mục đích, cuối cùng tôi cũng được đến bến bờ tự do. Bắt đầu chạy theo đời cơm áo lo toan, tôi làm việc quần quật tới ba job vì chồng bị laid off, bởi nợ nhà, nợ xe như bao nhiêu người, thêm gánh nặng bên quê nhà. Con người giống bộ máy cày và chỉ thèm giấc ngủ, thơ văn như chôn hẳn, như rời xa vời vợi… Một lần lái xe đi làm, tình cờ nghe đọc truyện từ radio “Trận đánh cuối cùng của một kẻ sĩ”, của nhà văn Nhật Tiến, tôi như được thông cảm nỗi đau vì bắt gặp chiếc bóng mình thấp thoáng trong tác phẩm đó, ôn lại tháng ngày sau 75 đã vật vã khổ sở theo tủ sách truyện. Tôi theo dõi chương trình đọc truyện trên đường về sau giờ làm việc. Hạnh phúc và hồi hộp vô cùng mỗi chiều nôn nao chờ đợi nghe hồi ký “Thép Đen” của Đặng Chí Bình, nghe với lòng ngưỡng mộ sâu sắc, say mê theo dõi từng bước sống của ông ngoài miền Bắc với biết bao nhiêu gian khổ miệt mài của vai trò người lính tình báo Nhảy Toán. Tình cờ bạn gởi bài thơ của cô Trần Mộng Tú, chỉ hai câu thơ “Gió mùa Đông Bắc làm em khóc. Hà Nội anh ơi phố rất gầy”, lòng tôi mềm nhũn theo tâm trạng buồn, cách kết cấu của câu thơ đầy rung cảm, ám ảnh trong trí tưởng hình ảnh người con gái sầu mộng với cõi lòng hun hút nỗi đau… tôi bị tương tư nên mở trang web tìm hiểu về Cô, ngơ ngẩn xúc động theo cuộc đời tác giả trải qua thời cô phụ chít khăn tang. Thơ đã ru ngủ tôi đầy mê hoặc và lâng lâng cảm giác không rượu mà say men dịu vợi: Tình mất vui khi đã vẹn câu thề Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa (Hồ Dzếnh “Ngập Ngừng”) *** Nếu có ngày mai anh trở gót Quay về thăm lại bến thu xa Thì đôi mái tóc không xanh nữa Mây trắng đêm vàng sẽ thướt tha (Hoàng Cầm “Nếu Anh Còn Trẻ”) *** Đưa người ta không đưa qua sông Sao có tiếng sóng ở trong lòng Bóng chiều không thắm không vàng vọt Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong * Mây thu đầu núi, giá lên trăng Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm Ngừng ở ven trời nghe tiếng khóc Tiếng đời xô động, tiếng lòng câm.( Thâm Tâm “Tống biệt hành”) *** Tôi đã từng chờ những chuyến xe Đã từng đưa đón kẻ đi về Sao nhà ga ấy sân ga ấy Chỉ để cho lòng giấu biệt ly? (Nguyễn Bính “Những Bóng Người Trên Ga”) *** Xa quá rồi em người mỗi ngã Bên này đất nước nhớ thương nhau Em đi áo mỏng buông hờn tủi Dòng lệ thơ ngây có dạt dào? (Quang Dũng “Đôi bờ”) *** Em không nghe mùa thu Dưới trăng mờ thổn thức? Em không nghe rạo rực Hình ảnh kẻ chinh phu Trong lòng người cô phụ? Em không nghe rừng thu Lá thu kêu xào xạc Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô? (Lưu trọng Lư “Tiếng Thu”) *** Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều, Để nghe dưới đáy nước hồ reo. Để nghe tơ liễu run trong gió, Và để xem trời giải nghĩa yêu (Hàn mặc Tử “ Đà Lạt Trăng Mờ”) *** Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây, Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến. (Xuân Diệu “Cảm xúc”) *** Tôi muốn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt mất Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi (Xuân Diệu “Vội Vàng”) *** Tôi lánh trần ai đi rất xa Bâng khuâng sao lạnh ánh trăng tà Ngày mai hứa hẹn bừng hương cỏ Tôi sẽ say nằm ngủ dưới hoa (Đinh Hùng “Tiếng Em”) *** Em tự ngàn xưa chuyển bước về Thuyền trên sóng mắt dẫn trăng đi Những dòng chữ lạ buồn không nói Nét lửa bay dài giấc ngủ mê (Đinh Hùng “Đường Vào Tình Sử “ ) Cuối năm 2013 chị Xuân Ba tìm kiếm nối kết cựu nữ sinh trường Nữ Thành Nội (chi nhánh trường Đồng Khánh, lý do học sinh Đồng Khánh quá đông không đủ lớp học, nên Ty giáo dục xây thêm ngôi trường nằm trong thành, cô Tôn Nữ Tiểu Bích giáo sư trường ĐK được điều động về làm hiệu trưởng.) Khi liên lạc được nhiều bạn học cũ, Chị Xuân Ba quyết định tổ chức họp mặt Thầy Cô và cựu nữ sinh. Nhờ tài điều hành và chị quen với anh BT giỏi làm tranh thơ, chị muốn có trang tranh thơ của trường nên kêu gọi chị em sáng tác thơ. Tôi như được trở về giòng sông xưa để tắm gội thơ văn. Tôi bắt đầu làm thơ lại nhưng không còn nhớ luật lệ, say sưa theo kiểu có vần mà tự do. Một số cựu nữ sinh gồm tôi, Mai, Tuyết, Đặng và chị Xuân Ba tràn thơ nhiều nhất, được anh BT làm tranh thơ ngày đêm tối mặt, từ đó chúng tôi kết nghĩa anh em,và gọi anh BT là anh Hai, đặc biệt chị Xuân Ba có giọng ngâm thơ quá tuyệt vời thường hay ngâm nga những sáng tác mầm non của chúng tôi. Sau mùa họp mặt vào tháng 7_2014, chúng tôi vẫn tiếp tục sáng tác và nhờ anh BT làm tranh thơ. Tôi được hiểu về cuộc đời anh là một sĩ quan QLVNCH, ở tù hơn 13 năm, qua Mỹ chưa được thảnh thơi ngày nào thì người vợ hiền đã ra đi nghìn thu khi tuổi đời còn dưới 60. Anh gởi chúng tôi xem mộ vợ có tấm bia để hình người đã chết và người còn sống thật cảm động. Bài thơ đầu tiên tôi được đọc khiến tâm hồn bi lụy bởi bệnh chuyên thương vay khóc mướn chuyện thiên hạ, cảm giác nhói buốt thấm sâu vào hồn theo lời thơ mộc mạc đầy tha thiết: Xuân Buồn Đã mấy xuân buồn rơi rụng qua Lại mùa tuyết lạnh phủ hồn ta Biết tìm đâu nữa hương ngày cũ Em ở nơi nào em đến đâu Sao nhớ vòng tay em ấm mềm Nhớ từng hơi thở nhẹ từng đêm Nhớ nghe tiếng nhủ êm bên gối Nhớ mãi dáng em đứng trước thềm Có phải em về lại cõi xưa Trần gian em bỏ một đêm mưa Em đi như mộng tàn hư ảo Ta chỉ còn đây kiếp sống thừa Bảo Trâm Tôi biết thêm thời gian ở tù anh BT từng bị ngồi xà lim, từng tự nhổ răng đau đớn nhưng vẫn bị bắt đi lao động. Anh không an phận với cuộc sống hiện tại, bởi luôn nặng lòng về đất nước, về những tệ trạng đang xảy ra, những bất công, những khốn khổ mà người dân chịu đoạ đày, và sâu hơn nữa là nỗi buồn của người lính mất nước. Anh đã trên cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nếu không nói là thọ vì sắp bước tới 80, bệnh hoạn đầy mình, lại bị điếc sau ngày ra tù, đã trải qua cơn thập tử nhất sanh bị heart attack nằm mê man nhiều ngày, bác sĩ dự trù rút ống nhưng số mạng anh còn lớn hoặc phép lạ từ đâu tới nên anh tỉnh lại. Có lẽ anh tìm được sự đồng cảm với các em qua những ưu tư về đất nước, về quan điểm, đứng chung chiến tuyến, nên anh hay nói chuyện thời sự chính trị mỗi khi có biến động trong nước. Ban đầu thì anh còn tế nhị chỉ làm tranh thơ, sau thân thiết anh bắt đầu phê bình thẳng thắng những bài thơ chúng tôi làm, như vị Thầy chấm điểm, dùng mực đỏ phê bình những đoạn sai hoặc tối nghĩa, không du dương, trật luật. Anh muốn chúng tôi học thêm nhiều thể thơ như thơ Đường, các bạn làm thơ rất hay nhưng có lẽ quá bận việc, hoặc không kiên trì nên cuối cùng chỉ còn mình tôi học. Anh gởi các luật thơ chỉ dẫn cặn kẽ, ban đầu tôi học Tứ tuyệt, thơ năm chữ, tám chữ, Song Thất Lục Bát. Giai đoạn đó tôi cũng may mắn được nhà thơ Hàn long Ẩn (thầy Thích Thiện Long) trú trì chùa Thiên Trúc chỉ dạy trực tiếp tại San Jose mỗi khi tôi có dịp viếng Chùa, còn anh BT ở tiểu bang xa bên FL chỉ dạy bằng email. Bên Trăng Vầng nguyệt lạnh ai giăng tình cô lẻ Mảnh hồn hoang phiêu bạt giữa trời không Những tinh cầu lưu lạc cõi tang bồng Xin thắp sáng đời mơ bừng ngọn lửa Xây lối mộng trần gian tìm điểm tựa Lá vàng rơi trải lối ngập khôn cùng Tiếng lòng vang biển sóng giữa muôn trùng Ly sầu nhấp lệ chung vào quên lãng Đêm khẽ gọi hồn thu buồn tản mác Vén màn sương ảo giác gởi mông lung Bóng thời gian sao vẫn mãi lạnh lùng Giây vọng tưởng say trăng mùa hương cũ. Minh Thúy (Thành Nội) |