Những Mùa Hoa Phượng Đỏ- Cao Minh Hưng

Những Mùa Hoa Phượng Đỏ- Cao Minh Hưng
Có những thứ xung quanh chúng ta thường gặp hàng ngày nên chúng ta nghĩ rằng sự hiện diện của chúng là điều tự nhiên do tạo hóa ban phát cho. Đến một lúc nào đó, bổng nhận ra chúng không còn ở quanh ta, chúng ta mới bắt đầu cảm thấy nhớ, nuối tiếc và lưu luyến với những kỷ niệm về chúng. Điều đầu tiên tôi muốn nói đến là loài hoa phượng đỏ hay còn gọi là phượng vĩ của mùa hè.
 Trời cuối tháng sáu với cái nắng oi bức của mùa hè ở miền khí hậu nhiệt đới, vừa lái xe ra khỏi phi trường Ft. Lauderdale ở Florida, tôi đã bật lên tiếng reo vui khi nhìn thấy “nó”. Tôi quay sang hỏi vợ tôi để chắc chắn tôi đã không nhìn lầm:
“Em nhìn kỹ xem có phải là hoa phượng vĩ giống như ở Việt nam của mình không””
Tôi lái xe thật chậm như muốn chiêm ngưỡng hết không bỏ sót một cây hoa phượng nào mặc cho những chiếc xe khác đang bấm còi inh ỏi phía sau. Trước đây tôi đã đến Florida một vài lần, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đến vào mùa hè. Có lẽ đã hơn hai mươi năm kể từ lần cuối cùng tôi được ngắm nhìn hoa phượng đỏ trên mảnh đất quê hương tôi. Lần đầu tiên cây hoa phượng ấy đã để lại trong tôi một kỷ niệm thật khó quên, hay nói đúng ra nhờ nhánh cây hoa phượng đã “cứu” tôi khỏi bị phạt trong những năm học cấp hai.
Số là không biết nhân lễ kỷ niệm gì dành cho các thầy cô giáo mà mỗi ngày trong lớp học phải có một bình hoa đặt trên bàn của thầy cô . Hôm ấy đến phiên tổ tôi được phân công để mang hoa đến cắm vào bình. Không biết có lẽ do mải lo chơi với đám bạn bên những con dế lửa hăng đá vừa mới bắt được qua những cơn mưa rào vào đầu mùa hạ hay không mà tôi quên mất nhiệm vụ “thiêng liêng” của mình. Sau khi ăn qua loa bữa cơm trưa, tôi ôm cặp vội vàng rảo bước đến trường, tuy mắt vẫn dáo dác nhìn quanh những dãy hàng rào phía trước những ngôi nhà xây dọc theo con đường đến trường. Thời buổi “kinh tế xã hội chủ nghĩa” còn đang “quá độ” nên nhiều nhà chỉ thấy toàn trồng khoai mì và những hàng bắp để bù cho bữa ăn thiếu cơm thay vì trồng những khóm hoa đầy hương sắc. Sắp đến trường mà tôi chẳng thấy một cành hoa nào thập thò ra khỏi những dây kẽm gai hàng rào để tôi ngắt trộm. Chẳng nhẽ bẻ hoa bắp chưng trên bàn cô giáo chủ nhiệm hôm nay thì kỳ quá. Đã thế hôm nay lại có thầy hiệu trưởng xuống lớp dự giờ. Kiểu này chỉ có nước chết. Chẳng nhẽ cái “thiên đàng chủ nghĩa xã hội” mà hàng ngày tôi được học ở trong lớp lại thiếu hoa đến như vậy sao. Ngày xưa lúc bà tôi còn sống, những buổi trưa hè nằm trên chiếc võng đu đưa, tôi thường được nghe bà kể những câu chuyện cổ tích, có những ông bà tiên cho những người làm việc thiện sau khi chết được lên thiên đàng. Trong trí óc non nớt của tôi lúc đó, thiên đàng là nơi có đầy hoa cỏ thật đẹp, với những đám mây trắng dật dờ trôi trong ánh nắng nhè nhẹ. Tôi luôn nguyện ước khi lớn lên, tôi sẽ làm thật nhiều công việc thiện cho đời để sau này cũng được lên cái thiên đàng ấy, tránh cái địa ngục mà ai cũng sợ phải bị đày xuống đó khi làm nhiều điều ác.
Vậy mà cái “thiên đàng” nơi tôi đang bước đi giờ này không có lấy một nhánh hoa ra hồn để tôi mang vào lớp học. Trời mùa hè với cái nóng hầm hập làm mặt đường như có những làn hơi nước tỏa lên, vậy mà lưng tôi đang toát ra những giọt mồ hôi lạnh ngắt. 
“Hay là giả bộ bệnh để bỏ về nhà”” Tôi vừa đi vừa thầm nghĩ. Nhưng chắc không được vì buổi sáng mới vừa chơi xong với mấy thằng bạn trong lớp ở cùng xóm. Thế nào tụi nó cũng mét lại với cô chủ nhiệm.
Đang miên man suy nghĩ, tôi đã bước đến cổng trường từ lúc nào. Tôi bước những bước nặng nề như kẻ phạm tội sắp bước lên đoạn đầu đài, khác hẳn với những bước chân còn đùa giỡn tinh nghịch với đám bạn lúc ban sáng. Tôi thầm trách “đứa nào” bày trò cắm hoa trong lớp học. Tôi cũng rủa thầm cái “thiên đàng” nghèo xơ xác nơi tôi sống.
“Bộp!”
Một cái gì đó chợt rơi trúng cái đầu với mái tóc cháy nắng của tôi. Tôi vốn ghét đội nón vì có lần má tôi nói tôi có mái tóc giống như tài tử nào đó ở Hollywood nên tôi áp dụng câu nói “tốt khoe, xấu che”, đến nỗi mái tóc của tôi bị cháy nắng vì không đội nón giống như tóc “hilight” của mấy bà, mấy cô thường thấy ở bên Mỹ. Tôi đưa mắt nhìn quanh xem đứa bạn nào dám cả gan chọc phá tôi vào lúc này. Đến lúc đưa tay sờ lên đầu , tôi mới vỡ lẽ thì ra đó là một cánh hoa phượng vừa mới rơi xuống còn vướng lại trên mái tóc. Tôi chợt ngẩng đầu nhìn lên cây phượng đỏ trồng bên cổng trường mà bấy lâu nay tôi không mấy để ý đến, trừ những lúc cùng đám bạn ra cặm cụi quét dọn đám lá và những tàn hoa rụng đỏ cả một góc sân trường.
“Sao mình không bẻ đại một nhánh phượng mang vào lớp chưng””


Vừa suy nghĩ xong thì tôi đã trèo thoăn thoắt lên cây và cố với tay bẻ một nhánh cây có nhiều hoa nhất. Tiếng kẻng vào lớp chợt vang lên làm tôi quýnh quánh tuột xuống cây thật vội đến nỗi bị một nhánh cây khô đâm vào tay để lại một vết sẹo dài trên cánh tay còn in dấu cho đến bây giờ. Vậy mà hôm đó từ thầy hiệu trưởng đến cô giáo chủ nhiệm đều trầm trồ khen ngợi tôi có “sáng kiến” chưng hoa phượng trong lớp học là một việc làm hết sức… ý nghĩa như “mang cả một khung trời mùa hè vào lớp học”. Tôi thì đang lo xuýt xoa với cánh tay đau nên nghe câu được câu mất. Dù sao kể từ hôm đó, tôi nhìn cây hoa phượng đỏ với ánh mắt nhiều thiện cảm hơn và ít bực dọc khi phải gò lưng với cây chổi trong tay để thanh toán đám hoa rơi.
Nếu nói thêm về những kỷ niệm sau đó với cây hoa phượng vĩ thì cũng không có bao nhiêu. Tôi vẫn nhớ mấy câu hát trong bài “Phượng hồng” của nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thơ của thi sĩ Đỗ Trung Quân với “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu. Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám, thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…”. Tuy nhiên tôi thầm “chê” ông thi sĩ này phải đợi đến năm mười tám tuổi mới dám mượn cánh hoa phượng để nói về một mối tình đầu thầm lặng. Tôi thì “tuổi trẻ tài cao” nên không phải chờ đến năm mười tám tuổi mới có mối tình đầu, mà cuối năm cấp hai (lớp 9) đã biết vương vấn một bóng hồng.
Đó là những tuần lễ học “bồi dưỡng” văn để chuẩn bị dự thi vòng toàn quốc vào năm đó (trong cái “thiên đàng xã hội chủ nghĩa”, lúc nào người ta cũng nghĩ đến miếng ăn trước, nên thay vì gọi là trau dồi thêm kiến thức văn chương, người ta gọi là đi “bồi dưỡng”).
Đó là dịp tôi được thoát ra cái ngôi trường nhỏ bé để làm quen với năm người bạn từ những trường khác đến, với hai cô giáo được tuyển chọn từ các trường trong tỉnh để thay phiên nhau dạy chúng tôi để chuẩn bị cho cuộc thi.
Đó là nơi đã ghi lại mối tình đầu với cánh hoa phượng đỏ tôi nhặt vội trong sân trường ở giờ nghĩ giải lao và để lại trên chiếc bàn học của cô bạn mới, như một lời tỏ tình thì thầm. Và cũng bởi vì cánh hoa không biết nói, nên “lời tỏ tình chẳng có người nghe” và cũng thoáng bay qua đời tôi như một cơn gió nhẹ cuốn trôi theo những cánh hoa rơi vương vãi trong sân trường…
Những năm học ở trung học thì trường không có một cây phượng vĩ nào nên không để lại một nét thơ mộng nào trong tôi cho tuổi học trò vào mùa hè với những quyển lưu bút chuyền tay nhau. Tuy nhiên ở cái lứa tổi 17, 18 đầy nhiệt huyết của người thanh niên mới lớn, tôi bắt đầu nhận thức nhiều hơn những trái ngang, bất công trong cuộc sống xung quanh và trên thế giới. Trong tôi luôn có một bầu máu nóng đầy nhiệt huyết do thừa hưởng tính oai hùng của người lính chiến Quốc gia mang nhiều lý tưởng mà chưa thực hiện được của ba tôi. Tôi không bao giờ muốn mang cái mặc cảm là “con của người lính nguỵ” để phải cúi đầu im lặng trước những điều trái tai gai mắt ở xung quanh. Xui cho tôi là cô giáo dạy văn năm lớp 12 cũng là bí thư đoàn của trường. Tôi còn nhớ những giờ văn trong lớp là lúc tôi và một thằng bạn khác tên K. thay phiên nhau đứng lên chất vấn cô này về những vấn đề chính trị đang diễn ra bên ngoài xã hội trái ngược với những gì chúng tôi được học ở trong trường. Đại khái những câu hỏi như “nếu cô nói xã hội chủ nghĩa là ưu việt, và xã hội tư bản có cảnh người bốc lột người, thế tại sao Trung Quốc theo chủ nghĩa xã hội mà lại mở cửa mời các nhà tư bản nước ngoài vô đầu tư kinh tế””
Tất nhiên là cô giáo mang tiếng bảo thủ này bị một phen lúng túng tìm câu trả lời còn đám bạn học thì xì sầm thích thú. Kết quả cho những lần chất vấn của tôi là bài luận văn đầu tiên cho đứa học trò hay “nổi loạn” trong lớp, tôi bị điểm 5 vì tôi dám “cả gan” viết thêm những điều bất công trong xã hội vốn bị coi là cấm kỵ lúc bấy giờ. Những năm học trước, tôi thường tự hào với những bài văn của mình thường được điểm cao và được đọc cho cả lớp nghe. Lần này với bài luận văn bị phê là “lạc đề”, bài văn chỉ được đám bạn tò mò lén lút chuyền tay nhau coi. Vì quá bất mãn nên tôi không còn hứng thú với văn chương vào lúc đó, vì mỗi lần cầm bút tôi chỉ muốn viết với tất cả tâm tình của mình. Tiếc thay xã hội Việt Nam lúc đó và cho mãi đến bây giờ luôn cấm đoán và muốn bẻ cong ngòi viết của những người muốn viết lên sự thật. Nếu không có cơ hội đến được cái thiên đàng thật sự ở nước Mỹ này, tôi không biết tương lai của tôi sẽ đi về đâu với một kẻ hay chống lại những bất công, ngang trái trong xã hội như tôi.
Thế là hơn hai mươi năm sau, tôi được nhìn lại những hàng cây phượng vĩ khi tôi đưa gia đình đến Florida để chuẩn bị cho chuyến đi cruise ở Carribean. Không thể viết hết những nỗi bồi hồi, xúc động khi tôi chợt nhìn thấy hàng cây phượng vĩ lúc  lái xe rời khỏi phi trường Ft. Launderdale. Nếu ai đó vẫn còn đang sống ở Việt Nam hay ngay ở tiểu bang Florida này, hàng ngày được nhìn những hàng cây phượng vĩ chắc hẳn sẽ ngạc nhiên trước những cảm xúc chợt dâng trào trong tôi. Trong phút chốc, tôi nhìn lại vết sẹo trên cánh tay với kỷ niệm của ngày nào trèo lên cây để bẻ vội một nhánh hoa chưng trong lớp học. Một chút thoáng buồn khi tôi thấy màu hoa phượng vĩ không được đỏ chói như ở quê nhà mà nó có một màu cam đậm. Chắc loài hoa phượng vĩ khi đến đây cũng bị “Mỹ hoá” một phần nào như những người Việt tị nạn của chúng ta chăng”
Mãi đến vài ngày sau khi đã lênh đênh trên mặt biển và dừng lại ở một vài đảo nhỏ, tàu chúng tôi mới ghé lại Nassau, thủ phủ của Bahamas. Nơi đây tôi tìm lại được màu sắc nguyên thủy của loài hoa phượng đỏ. Vì chúng mà bà vợ tôi đã phải mệt nhoài với những tấm hình chụp ông chồng đủ kiểu đứng, ngồi, nằm bên những gốc cây phượng đỏ cho bù lại những tháng ngày xa nhớ.
***
Gặp lại cây hoa phượng đỏ sau bao năm xa cách, tôi đã viết ở trên là chúng ta thường cho mọi thứ có sẵn quanh mình là một điều tự nhiên, không tỏ thái độ trân trọng và yêu quý những thứ mình đang có.
Đất nước Bahamas có 85 phần trăm dân số là người da đen. Kể chuyện cây phượng đỏ trong xứ da đen này không thể không viết về sự công bằng trong xã hội.
Người tài xế đón chúng tôi ở bãi đậu xe để chuẩn bị chuyến du hành vòng quanh đảo Nassau là ông Phil. Ông trạc tuổi bốn mươi lăm với giọng nói mang nặng âm hưởng của xứ Ăng lê. Chiếc áo sơ mi trắng làm nổi bật nước da đen bóng của ông với chiếc mũ lưỡi trai đội lệch.
“Chào các quý vị. Welcome quý vị đến Nassau, thủ đô của đất nước Bahamas với hơn 300 hòn đảo lớn nhỏ. Tôi là một trong 175 ngàn người dân sống ở Naussa. Tên tôi là Phil. Quý vị có biết Phil có nghĩa là gì không””
Không có tiếng trả lời. Chắc mọi người đang bận rộn ngắm cảnh lạ ở chung quanh với những bãi biển cát trắng muốt và nước trong xanh in bóng những đám mây trắng lững lờ trôi. Những hàng dừa thẳng tắp trồng trên bãi biển với những khách sạn sang trọng quay mặt ra biển để đón những luồng gió mát từ Đại Tây Dương thổi vào. Riêng tôi thì đang mải mê dõi mắt theo…những hàng phượng đỏ.  Không nghe ai trả lời, Phil nói tiếp:
“Phil có nghĩa là niềm vui. Hôm nay tôi sẽ cố mang đến niềm vui cho quý vị bằng cách đưa quý vị đến những thắng cảnh, những di tích lịch sử cũng như đi qua những nơi giàu nhất, trung bình và nghèo nhất ở trên đảo.”
Trong khi xe lăn bánh, ông Phil bắt đầu nói về lịch sử của thủ phủ Nassau từ ngày lập quốc đến giai đoạn bị đô hộ bởi Tây Ban Nha, rồi Anh Quốc cho đến ngày dành được độc lập vào ngày 10 tháng 7. Thỉnh thoảng ông kể sơ lược về thân thế của mình. Theo ông, những trẻ em da đen thuộc thế hệ của ông chỉ được đến trường cho đến lớp 6 rồi bị đẩy ra ngoài xã hội để lao vào kiếm sống. Khi nghe ông kể đến đây, trong lòng tôi chợt dâng trào một niềm xúc động cảm thông khi tôi liên tưởng đến những trẻ em ở Việt nam đang bị đồng cảnh ngộ như ông, chỉ khác là cách thức những kẻ cầm quyền thi hành. Ở quê hương Việt nam, tuy không trực tiếp đẩy các em học sinh ra khỏi trường học, nhưng bao nhiêu chi phí cho học đường đang là gánh nặng khiến cho nhiều trẻ em nghèo phải bỏ học rất sớm, và phải lăn lóc vào đời phụ giúp cha mẹ kiếm kế sinh nhai. “Con vua thì lại làm vua” là câu nói rất đúng cho xã hội hiện nay, trong khi những trẻ em nghèo không có đủ điều kiện ăn học thì mãi mãi sống một kiếp đời không có tương lai. Thật là một chính sách “ngu dân” thật tinh vi để dễ dàng cai trị.
Khi ông Phil giới thiệu về những cây phượng vĩ được trồng rải rác khắp nơi trên đảo và nở vào mùa hè từ tháng năm đến tháng chín, tôi hơi tò mò muốn biết xem hoa phượng vĩ ở đây có gắn liền với tuổi học trò như ở Việt nam không. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe ông Phil nói:
“Có chứ. Tôi cũng đã từng rất thích loài hoa nầy vì nó như chiếc đồng hồ báo cho bọn nhỏ tụi tôi biết đã sắp được nghỉ hè.” Giọng ông chợt trầm buồn. “Chỉ hơi tiếc là mấy đứa trẻ da đen không có học được bao lâu để có những ngày nghỉ hè vui bên những mùa hoa phượng đỏ…”
Khi xe đến khu downtown của Nassau, tôi hơi bị bất ngờ khi nghe ông nói tiếp:
“Đây là khu downtown sang trọng của đảo Nassau. Mặc dù người da đen chiếm hơn 85 phần trăm dân số trên đảo, nhưng họ không được phép sống chung với người thiểu số da trắng ở đây. Bahamas chủ yếu sống nhờ kỹ nghệ du lịch và ngân hàng. Những công ty du lịch do những người da trắng làm chủ. Những người da đen chỉ được thuê để lái taxi, làm hướng dẫn viên hoặc gác cửa cho những ngân hàng…”
Tôi thôi không còn hứng thú ngắm nhìn những hàng cây hoa phượng phượng đỏ vô tri, vô giác được trồng dọc bên đường mà lúc nãy ông Phil vừa kể về những kỷ niệm ngắn ngủi của ông với tuổi học trò. Tâm trí tôi vẫn còn sửng sốt trước những gì mình vừa mới nghe được từ ông Phil. Cái tính “nổi loạn” thấy sự bất bình rút đao (quên, không có đem theo vì không được mang theo vô phi trường) tương trợ của tôi chợt nổi lên. Đợi đến lúc xe dừng lại ở một trạm nghỉ, tôi mon men đến gợi chuyện với ông Phil:
“Sao người dân da đen chiếm đến hơn 85 phần trăm mà họ không đứng lên đòi quyền đối xử công bằng trong xã hội như ở bên Mỹ vậy. Ông có nghe về ông mục sư Martin Lurther King không”


“Chúng tôi có được học về ông và rất ngưỡng mộ về những việc tranh đấu của ông cho người da màu ở nước Mỹ trong thập niên 60.” Đôi mắt ông Phil sáng lên khi nhắc đến vị mục sư khả kính này. “Tuy nhiên có lẻ người dân ở đảo và dân Bahamas có bản tính bẩm sinh là hiền hòa nên họ bằng lòng với những gì mình đang có, cũng như không muốn những cuộc đấu tranh về màu da làm xáo trộn xã hội và ảnh hưởng đến kỹ nghệ du lịch ở đây.”
Có lẻ sống ở Mỹ đã lâu với những tự do, và công bằng trong xã hội mà mình đang được thừa hưởng, tôi không đồng ý với cách suy nghĩ của ông Phil. Người Việt tị nạn chúng ta đến sau năm 1975 có được cái may mắn là chế độ đối xử kỳ thị về màu da đã bị xoá bỏ. Sống trong một đất nước dân chủ và bình đẳng đôi khi chúng ta không bày tỏ lòng biết ơn đầy đủ đến những người da đen như mục sư Martin Luther King đã tranh đấu để mang đến sự đối xử bình đẳng không chỉ riêng cho người Mỹ da đen gốc Phi Châu, mà cả những người Mỹ da vàng gốc Á Châu của chúng ta. Hãy thử tưởng tượng nếu chúng ta đến định cư ở Mỹ vào những năm 50 hay 60, những cụ già phải bị dồn ngồi ở phía sau mỗi khi lên xe bus hay những người mới đến Mỹ không hiểu tiếng Anh có thể bị đánh đập hay bị phạt nếu chẳng may đi vệ sinh mà vào lầm nhà vệ sinh chỉ dành riêng cho người da trắng. Ở những trường trung học, chắc chúng ta sẽ không thấy những cái họ Việt nam được đứng thủ khoa nhiều như bây giờ. Và có lẽ cộng đồng chúng ta không có được cơ hội để phát triển về nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị và xã hội như hiện nay nếu trong xã hội vẫn còn sự phân biệt kỳ thị chủng tộc.
Nhìn thẳng vào đôi mắt của ông Phil, tôi nắm chặt bàn tay như là đứa học trò đang hùng biện trước cô giáo “bí thư” năm nào:
“Ông Phil à. Ông có nhắc đến kỹ nghệ du lịch ở đây, mà phần lớn được vận hành bởi những người da màu như ông. Ông có biết câu chuyện của bà Rosa Park không””
Ông Phil lắc đầu tỏ ý không nhớ hay không biết. Tôi nói tiếp:
“Bà Rosa Park là người phụ nữ da đen đầu tiên dám chống lại người da trắng bằng cách không nhường ghế của mình trên xe bus, để sau đó dẫn đến cuộc tẩy chay của người da đen làm tê liệt cả hệ thống giao thông của Mỹ lúc đó. Đó cũng là một tấm gương về hành động đấu tranh bất bạo động dẫn đến sự xóa bỏ bất công đối xử về màu da ở Mỹ. Nếu ông và những người lái xe taxi ở đây làm một cuộc đình công trên toàn quốc, biết đâu có thể làm thành một làn sóng nhận chìm sự đối xử bất công về màu da ở đây không chừng…”
“Cám ơn thật nhiều về lời khuyên của bạn.” Ông Phil chợt nắm chặt lấy cánh tay tôi, trước khi nói tiếp. “Tôi hứa sẽ bàn với các bạn đồng nghiệp về chuyện quan trọng nầy.”
Những người khách trong đoàn du lịch đã lần lượt kéo lên xe nhưng ông Phil vẫn còn đứng đó suy nghĩ đăm chiêu dưới tàn một cây phượng vĩ. Một cánh hoa phượng rơi xuống vướng trên mái tóc đã chớm bạc của ông, nhưng ông cũng không buồn đưa tay lên nhặt lấy. Tôi thầm mong cánh hoa phượng rơi này sẽ giúp cho ông và những người bạn của ông chợt thức tỉnh để đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ ông và những thế hệ da màu mai sau trên đất nước Bahamas xinh đẹp này. Lát nữa đây khi đưa tay nhặt lấy cánh hoa phượng rơi trên mái tóc, ông sẽ nhìn nó kỹ hơn và nó sẽ nhắc cho ông nhớ về những mùa hè ngắn ngủi của tuổi học trò của ông. Nó sẽ giúp cho ông thêm nghị lực để đấu tranh cho những thế hệ con cháu của ông có những quãng đời học trò dài hơn của ông trong một xã hội bình đẳng.
“Cánh phượng ơi, ngày xưa ngươi đã rơi trúng đầu tôi để cứu tôi khỏi bị phạt đứng ở sân trường. Mong sao ngươi có phép nhiệm màu cứu giúp cho những người dân da màu ở đây”. Tôi thầm cầu mong. “Mong sao cho mùa phượng đỏ năm nay sẽ như ngọn đuốc thắp sáng niềm tin đấu tranh cho tự do, dân chủ ở ngay chính quê hương tôi, để người dân không bị phỉnh lừa trước chút vật chất dư thừa mà bọn tư bản “đỏ” đang ban bố cho họ, để họ bằng lòng trước cuộc sống vật chất hiện tại mà quên đi có những thứ quan trọng hơn trong cuộc sống: Đó là một xã hội tự do và dân chủ khi con người thật sự được làm người, được cất lên tiếng nói và viết lên những điều mình muốn viết mà không ai cấm cản hay cho là “lạc đề”.
Tôi không kịp hỏi họ của ông Phil. Nhưng biết đâu vài chục năm sau khi tôi trở lại đất nước này với những đứa cháu, chắt, sẽ có một quảng trường hay một công viên nào đó được mang tên của ông. Và những công ty du lịch, những ngôi biệt thự sang trọng, những tòa nhà ngân hàng sẽ có những chủ nhân là người da đen. Lúc đó chắc chắn tôi sẽ xin chính phủ Bahamas trồng thêm một cây phượng đỏ cạnh bên bức tượng khắc tên ông, để những mùa hoa phượng đỏ mai sau có thêm nhiều ý nghĩa.
Cao Minh Hưng