Pháo Bông Đêm Giao Thừa Lê Thị Nhị Từ ngày dọn đến khu chung cư này, ông Trình chẳng hề quen biết những người hàng xóm, ngay cả gia đình người Việt Nam ở sát vách nhà ông. Ông làm hai job! Khoảng 5 giờ chiều, sau khi làm job thứ nhất, ông ghé về nhà, ăn uống qua loa, nghỉ một lúc rồi lại ra xe, đi làm job thứ hai, từ 7 giờ tối đến 12 giờ khuya. Ông chỉ nghỉ một ngày trong tuần, đó là ngày thứ Năm. Thực ra, với cuộc sống độc thân và cách sống đơn giản, đáng lẽ ra, ông không cần làm việc nhiều như thế. Nhưng từ ngày đến Mỹ, ông đã lao vào công việc để tìm quên một dĩ vãng, và ông đã thành công trong việc trốn chạy này. Ông sống như một người máy, một người máy biết ăn, ngủ, biết làm việc. Cuộc sống của ông cứ lặng lẽ trôi… Cho đến một buổi sáng thứ Năm, khi ông xuống đường đổ rác, tình cờ, ông gặp một cô bé độ mười tuổi với đôi mắt đen láy. Đôi mắt ấy mở lớn nhìn ông một cách lạnh lùng. Đôi mắt ấy làm ông bối rối vì nó giống một đôi mắt mà ông muốn quên một cách lạ lùng! Khi bình tĩnh trở lại, ông mỉm cười thân thiện hỏi cô bé: – Em là người Việt Nam phải không? Cô bé nhỏ nhẹ đáp “Dạ vâng”, trong lúc bước chân cô xa dần. Những ngày sau đó, ông cố ý xuống đường nhiều hơn để mong được gặp cô bé, nhưng cô bé vẫn biệt tăm! Một hôm, ông bỗng nghĩ ra một cách để tìm cô bé. Buổi sáng thứ Năm được nghỉ làm, ông xuống đường vào lúc xe buýt tới khu chung cư để đón trẻ em đi học. Đúng như dự đoán của ông, lẫn trong đám trẻ gồm đủ mọi sắc dân đứng chờ xe buýt, ông đã lại gặp cô bé có đôi mắt đen láy, lạnh lùng ấy. Những tuần sau đó, sáng thứ Năm nào ông cũng đứng quanh quẩn ở nơi các học sinh đợi xe buýt với mục đích làm quen cô bé. Những lần đầu, cô bé vẫn có ánh mắt lạnh lùng và lẩn trốn cái nhìn của ông Trình. Ít lâu sau, cô bé đã bắt đầu mỉm cười chào ông hoặc trả lời những câu hỏi với sự dè dặt. Ông Trình chính thức được làm quen cô bé vào một buổi sáng khi cô bị trễ xe đi học. Thấy vẻ lo lắng của cô, ông đến bên hỏi: – Ba má cháu có ở nhà để chở cháu tới trường không? – Ba cháu đi làm, chỉ có má cháu ở nhà, nhưng má cháu thì không có xe mà cũng không biết lái. – Chú đề nghị thế này nhé, cháu đưa chú về nhà, hỏi má, nếu má cháu bằng lòng, chú có thể chở cháu đến trường giùm. – Chú là người lạ, không biết má cháu có chịu không? – Chú cũng ở trong chung cư này mà! Minh là hàng xóm, có phải người lạ đâu.Thôi, ta cứ về hỏi má cháu xem sao. Nghe ông Trình giải thích, cô bé vui hẳn lên: – Dạ, nếu má cháu bằng lòng thì cháu đỡ mất một buổi học. Nhất là hôm nay lại là ngày thi nên cháu không muốn vắng mặt. – Chú nhất định là má cháu sẽ để cho chú chở cháu đi học mà. – Tại sao chú lại nhất định là như thế? – Tại vì…trông chú không giống người xấu và má cháu cũng không muốn cháu mất một buổi học. Cô bé mỉm cười: – Cháu cũng đoán như thế! Thấy vẻ láu lỉnh của cô bé, ông Trình hỏi: – Thì ra cháu cũng nghĩ chú không phải là người xấu à? – Dạ, tại vì nếu cháu nghĩ chú là người xấu thì cháu đã không nói chuyện với chú! – À, từ nãy mải nói chuyện, chú quên hỏi tên cháu là gì nhỉ? – Thưa chú, tên cháu là Dạ Thảo, còn chú tên là gì? – Tên của chú không được hay như tên cháu, tên chú là Trình. – Cháu thấy thường thì chỉ có tên đàn bà con gái là hay thôi, đàn ông ít người có tên hay lắm. Nhìn vào đôi mắt đen láy của cô bé, ông Trình bỗng hỏi: – Thế tên me cháu là gì ? – Dạ, tên mẹ cháu là Bảo Trâm. Bảo Trâm, cái tên này chẳng liên quan gì đến ông, ông Trình nghĩ thế ! Và rồi đúng như sự tiên đoán của ông Trình và Dạ Thảo, bà Bảo Trâm đã nhờ ông Trình đưa con bà đi học sau khi được biết địa chỉ và số điện thoại của ông. Bà ân cần nói với ông Trình : – Xin cảm ơn ông nhiều lắm ! Chiều nay nhà tôi đi làm về, tôi sẽ nói anh ấy sang thăm ông để nhận bà con hàng xóm nhé ! Ông Trình vui vẻ : – Vâng, thưa bà, thế thì vui quá ! Từ ngày đến đây, tôi bận đi làm nên cũng chẳng hề quen biết ai, kể cả người Việt lẫn người Mỹ. Từ hôm đó, ông Trình có thêm những người bạn mới : bé Dạ Thảo, bà Bảo Trâm và ông Chu. Những người bạn mới này đã khiến ông Trình thoát ra khỏi cái vỏ ốc cô đơn của ông lúc nào ông cũng không hề biết. Thoạt đầu, ông chỉ qua lại gia đình ông Chu khi được mời sang uống cà phê hay ăn tô bún bò, bún riêu, bún ốc…Lâu dần, ông qua lại thường hơn và thỉnh thoảng cũng cùng đi chợ Việt Nam hoặc đi phố với cả gia đình ông Chu. Tình thân của họ ngày càng thêm đậm đà vì tính tình và sở thích của ông Chu và ông Trình rất giống nhau. Cả hai cùng thích đọc sách báo, nghe nhạc và chơi cờ tướng. Bên cạnh đó, bà Bảo Trâm hiền hậu, luôn luôn có những món ăn đặc biệt để cho chồng đãi khách và bé Dạ Thảo vui tươi, láu lỉnh đã là nguồn vui mà ông Trình may mắn bắt gặp trong đời sống tha hương buồn tẻ này. Một buổi tối, ông Chu mời ông Trình sang uống rượu. Vừa bày đĩa khô mực nướng thơm phức lên bàn, ông Chu vừa nói : – Mực Nha Trang đấy ! Bà bạn nhà tôi ở Cali vừa về việt Nam gửi sang cho, mời ông sang nhậu lai rai để nhớ thành phố nên thơ của ông. – Sao lai là thành phố nên thơ của tôi ? – Thì ngày xưa ông là dân Hải Quân đóng ở Nha Trang, thế nào chả có những mối tình thơ mộng nhớ đời nơi miền quê hương cát trắng đó, phải không ? Ông Trình cười : – Ông đoán sai rồi ! Đối với tôi, Nha Trang là một thành phố chết, một thành phố mà tôi không bao giờ muốn nhớ tới nữa. – Ồ ! Thế ra vô tình tôi đã khơi lại niềm đau dĩ vãng của ông rồi phải không ? Xin lỗi ông nhé – Không sao ông ạ, tôi đã ‘’ hóa đá’’ rồi. Không còn buồn, vui, nhớ, thương vớ vẩn nữa ! Ông Chu mơ hồ nhận thấy giọng nói của bạn như cưu mang một quá khứ đớn đau khôn cùng. Ông không nói gì thêm, chỉ lẳng lặng rót thêm rượu cho bạn và cũng nâng ly rồi nhai những sợi khô mực ngọt ngào. Một lúc sau, ông Trình lên tiếng, phá tan đi bầu không khí yên lặng : – Này, ông tuổi gì nhỉ ? Tại sao ông tốt số thế ? Vợ đẹp, con ngoan ! Mấy người mà được như ông ? – Tại ông không muốn đấy chứ, nếu ông muốn, bây giờ lập gia đình cũng đau có muộn ! Ngừng một lúc, ông Chu tiếp : – Tôi hỏi thật ông nhé, ông có ý định lập gia đình không ? Nếu có, tôi nói bà xã tôi làm mai cho. Bà bạn cho khô mực này, bà ta khá đẹp và cũng đang sống độc thân như ông vậy đó. Ông Trình cười lớn : – Lấy vợ ư ? ý kiến hay đấy ! Nhưng ông liệu bà ấy có chịu lấy cái thân tàn ma dại của một người nghèo rớt mồng tơi như tôi không ? – Làm gì mà bi quan quá như thế ? Trông ông vẫn còn phong độ chán ! Bà bạn nhà tôi được cả người lẫn nết, nhà tôi lại ‘’mát tay ‘’, ưa làm mai, thế nào cũng xong, ông đồng ý nhé ? Thấy vẻ thành thật của ông Chu, ông Trình từ chối : – Thôi, cảm ơn ông, tôi sống độc thân quen rồi, không muôn vướng bận vợ con gì nữa cả. Thỉnh thoảng ông cho tôi hưởng ké cái không khí ấm cúng của gia đình ông là tôi vui rồi. Ông Chu nhìn bạn, thân mật hỏi : – Bộ ông bị mấy bà, mấy cô hành dữ quá nên bây giờ sợ hả ? – Ừ, bị đời đá lên đá xuống như trái banh, bây giờ còn chưa hoàn hồn đấy ! – Thì ra là như vậy ! Nhưng khi nào ông đổi ý thì cứ cho tôi biết nhé. Tôi vẫn nghĩ, nếu ông gặp bà bạn nhà tôi, thế nào ông cũng chịu cho mà xem. – Thôi, bỏ qua chuyện mối mai đi, chúng mình uống cho say cái đã ! Lâu lắm tôi mới có bạn hiền và rượu ngon, lại có cả khô mực Nha Trang dai thật là dai như hôm nay. Khi cả hai đã ngà ngà say, ông Chu ngồi lắng nghe ông Trình kể lể : Sau biến cố năm 1975, tôi phải để lại người vợ trẻ mới cưới được hai tháng để đi trình diện với chính quyền mới và tôi đã sống những tháng năm dài đằng đẵng trong cảnh tù tội mà những kẻ chiến thắng gọi là ‘’Học Tập Cải Tạo’’. Những nỗi khổ nhục, nhọc nhằn của những thằng tù như chúng tôi, chắc ông nghe kể đã nhàm tai, tôi thấy không cần kể nữa. Nhưng tôi sẽ kể cho ông nghe những chuyện xảy ra cho riêng tôi từ sau ngày tôi được ra khỏi nhà tù. Thực ra thì phải nói là từ khi tôi được ra khỏi nhà tù nhỏ mới đúng, vì theo tôi, cả đất nước Việt Nam từ sau 1975 chỉ là một nhà tù lớn. Tôi được thả trong dịp Tết Nguyên Đán năm 1980 khi niềm hy vọng đã tắt lịm trong tôi. Hôm ấy, tôi tưởng như ngủ mơ khi nghe tên mình trong danh sách những người được thả về thành phố do anh chàng cán bộ đọc dõng dạc trước hàng ngàn tù binh. Tôi muốn hét lên vì vui mừng, nhưng tôi kịp kìm hãm lại được khi nhìn những nét buồn bã, thất vọng hằn lên khuôn mặt các bạn đồng tù. Hôm sau, tôi tặng các bạn của tôi tất cả những gì tôi có và chỉ mặc bộ quần áo rách rưới nhất để ra đón xe trở về thành phố. Anh không thể tưởng tượng được rằng lúc đó tôi sung sướng đến như thế nào. Tôi như người trở về từ cõi chết. Tôi thấy cuộc đời sao à tươi đẹp quá ! Trời xanh, mây trắng, nắng vàng, gió mát…Ôi ! Tôi thấy xung quanh tôi cả một trời hạnh phúc. Tôi nghĩ, tôi sắp được gặp lại người vợ tôi thương yêu. Tôi sắp được trở về ngôi nhà xưa với muôn vàn kỷ niệm…Tôi mỉm cười với chính tôi, tôi mỉm cười với con đường quê đất đỏ bụi mù, tôi mỉm cười với bất cứ ai mà tôi gặp gỡ. Những người đó, họ thường ném cho tôi những cái nhìn thương hại làm tôi rất bực mình. Ô hay ! Tôi đang hạnh phúc ngập tràn, tại sao lại thương hại tôi ? Tôi muốn hét vào tai họ như thế ! Khi tôi về đến Nha Trang thì trời đã tối. Tôi đi bộ từ bến xe về đến nhà mất một tiếng đồng hồ vì tôi chỉ mang theo đủ tiền mua vé xe đò, số tiền nhỏ nhoi còn lại, tôi đã để lại cho bạn bè. Đứng trước cửa nhà trong đêm tối, nước mắt tôi ứa ra. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc ông ạ. Tôi run run đưa tay gõ cửa. Tôi chuẩn bị dang đôi tay ra để ôm lấy vợ khi nàng ra mở cửa. Tôi liếm môi chờ đợi nụ hôn nồng nàn sau bao năm thiếu vắng. Tôi lo lắng tự hỏi, không biết trải qua bao gian khổ, mình có còn là một người đàn ông bình thường ? Thời gian lúc đó như ngưng đọng lại. Đèn trong nhà được bật sáng và cánh cửa mở ra. Tôi lùi lại mấy bước khi thấy người đàn ông đứng trước mặt. Anh ta hất hàm, lạnh lùng hỏi bằng một giọng của người miền Bắc : – Anh hỏi ai ? Tôi chưa kịp trả lời thì vợ tôi đã từ bên trong chạy ra với bộ áo ngủ lụa màu ngà. Thấy tôi, mặt nàng tái đi. Nàng nói với người đàn ông : – Đây là chồng em. Quay sang tôi, nàng bối rối : – Anh về bao giờ thế này ? Mời anh vào nhà. Nhìn vợ, nhìn người đàn ông, tôi chợt hiểu. Cả thế giới như quay cuồng trước mắt tôi. Tôi nói nhanh và định quay đi : – Xin lỗi, tôi sẽ đi tìm nơi khác tá túc. Vợ tôi, nước mắt đầm đìa : – Không ai dám chứa anh đâu, hộ khẩu của anh ở đây mà ! Người đàn ông đứng bên cạnh vợ tôi cũng nói : – Cô ấy nói đúng đấy, không ai dám chứa anh đâu, anh cũng không thể ngủ đường ngủ chợ vì công an sẽ bắt anh. Thôi, anh vào đây rồi mình nói chuyện. Thái độ kẻ cả của hắn làm mặt tôi nóng bừng lên. Tôi muốn đấm vỡ mặt hắn ra cho hả dạ. Nhưng chợt nghĩ đến thân phận mình, tôi cố làm ra vẻ thản nhiên, bước vào nhà. Đồ đạc trong phòng khách lạ hoắc, không còn một dấu tích của ngày xưa. Hắn chỉ vào chiếc ghế sa lông da màu đỏ gụ, nói như ra lệnh : – Mời anh ngồi. Quay sang vợ tôi, hắn tiếp : – Em vào trong mang nước trà và bánh ngọt ra mời khách. Tôi nhìn hắn, nhìn vợ tôi với đôi mắt tóe lửa : – Cảm ơn ông, tôi ăn cơm tối rồi. Mình cũng chẳng có gì cần nói với nhau. Nếu ông bà vui lòng. Tôi sẽ ở lại đây qua đêm, mai sáng sẽ ra phường khóm trình diện và tìm chỗ ở khác. Hắn cười, nụ cười có vẻ chế nhạo : – Không dễ dàng như anh tưởng đâu. Hộ khẩu anh ở nhà này, dù muốn dù không anh cũng phải ở lại đây thôi. Đối với tôi, việc anh ở đây thì không có vấn đề gì cả. Phải, đối với hắn thì không có vấn đề gì thật. Có thể hắn còn thích thú nữa là đằng khác. Nhưng đối với tôi, hoàn cảnh ấy, tôi thấy còn khủng khiếp gấp trăm nghìn lần những ngày bị tù tội nữa. Cứ nghĩ, ngày ngày phải đối mặt với vợ mình, nay đã thành vợ hắn. Rồi đêm đêm, nằm lăn qua, lăn lại một mình, tưởng tượng ra cảnh ái ân của vợ mình với kẻ thù ở ngay căn phòng bên cạnh là tôi muốn điên lên rồi. Ý nghĩ giết người rồi tự hủy, lướt nhanh trong đầu. Nhưng tôi không vội vã. Tôi phải có kế hoạch cẩn thận. Tôi ở trong cái địa ngục trnầ gian ấy được một tuần. Một hôm, đang lang thang ở chợ trời đường Nguyễn Thông thì tôi gặp một tên đệ tử cũ. Hắn rủ tôi đi vượt biên không tốn tiền vì chủ tàu đang cần thêm một người thủy hủ, họ lại cho tôi đem theo một người. Tôi nhận lời ngay và tôi nghĩ sẽ rủ vợ tôi cùng đi. Trong thâm tâm, tôi vẫn yêu cô ấy và nghĩ rằng cô ấy lấy anh chàng cán bộ vì bị ép buộc. Nhưng khi tôi đề nghị thì vợ tôi nhìn tôi bằng một ánh mắt lạnh lùng. Cô từ chối và xin lỗi tôi vì cô đã lỡ yêu anh cán bộ rồi. Lúc ấy, tôi nổi nóng lên, không tự chủ được nữa. Tôi nhào tới bóp cổ cô ta cho hả giận. Nếu không có bà hàng xóm bất ngờ mở cửa vào để mượn mấy lon gạo thì hôm đó tôi đã là kẻ giết người rồi. Và nếu thế, thì không có ngày hôm nay, ngồi ở đây uống rượu và nói chuyện với ông. Ông Trìnhrót thêm rượu vào ly, uống ừng ực một hơi, rồi gục đấu xuông bàn. Ông Chu đặt tay lên vai ông Trình như muôn chia sẻ nỗi mất mát, đớn đau của bạn. Hai người yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Bỗng ông Trình cười lớn : – Vợ tôi bỏ tôi đi lấy kẻ thù mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn yêu cô ấy ông ạ. Ông bảo tôi có điên không chứ ? Ông Chu nghĩ ngợi một chút rồi đáp : – Tôi nghĩ là ông không điên vì có lẽ ông chưa tin hẳn vợ ông đã là người tệ bạc như thế. – Tin chứ, tôi tin chứ ! Chính miệng cô ấy nói ra mà. Nếu không, cô ấy đã cùng đi vượt biển với tôi. – Ở đời, có nhiều khi…nói vậy mà không phải vậy ! Biết đâu chừng vợ ông có một nỗi khổ đau thầm kín nào đó. – Ông nói để an ủi tôi đấy à ? Không cần thiết đâu, tôi đã bảo, tôi ‘’hóa đá’’ rồi mà ! – Đá cũng có lửa ông ạ. Tôi thấy ông vẫn còn tình rơi, tình rụng đấy. Ông kể về người vợ phụ bạc mà tôi thấy mắt ông sáng long lanh vậy đó. Thôi, khuya rồi, ông về ngủ đi để mà…nằm mơ thấy tiên ! Từ giã ông Chu, trước khi về nhà, ông Trình còn đi bộ một vòng khu chung cư. Gió đêm lành lạnh, hàng cây bên đường đứng im lìm, những chiêc xe nằm sát bên nhau ngủ yên. Trên bầu trời tối đen, ông thấy một vì sao sáng ở xa thật xa… Hôm nay là ngày cuối năm dương lịch ! Ông Trình vẫn đi làm như thường lệ. Đối với ông, những ngày lễ lạt trong khi thiên hạ vui thì ông thật buồn. Ông cố tình đi làm để quên đi nỗi cô đơn của mình. Nhưng rồi nửa khuya, ông vẫn phải trở về căn nhà trống trải lạnh lẽo đến rợn người ấy. Mở cửa, bật đèn, ông Trình để nguyên cả quần áo, nằm vật xuống cái ghế dài nơi phòng khách. Mắt ông mở lớn nhìn lên trần nhà như thể có một cái gì lạ lùng lắm ở trên ấy. Ông muốn trở dậy để lấy rượu uống, nhưng đầu ông nặng trĩu không nhấc lên được. Ông vừa nhắm mắt lại định đi tìm giấc ngủ thì có tiếng oang oang của ông Chu ngoài cửa : – Ông Trình ơi ! sang nhà tôi ăn tiệc đón giao thừa chứ, chúng tôi đợi ông mãi ! Hôm nay chúng ta tha hồ mà say vì có cả món khô mực Nha Trang nữa ! Ông Trình cố gắng trở dậy, mở cửa : – Tôi nhức đầu quá không ạ, chắc không sang nổi đâu, cảm ơn ông. Ông Chu la lên : – Ý, đâu có được ! Ông có mệt tôi cũng phải bồng ông sang nhà tôi để đón mừng năm mới chứ ! Đêm đông lạnh lẽo thế này, ông ở nhà một mình, buồn chết ! Tôi cho ông ‘’ké’’ cảnh gia đình đầm ấm của nhà tôi đấy ! Biết bạn thương mình, ông Trình cảm động : – Vâng, thế thì xin tuân lệnh ! Biết đâu rượu và khô mực Nha Trang sẽ làm tôi khỏi bênh. Hai người bạn vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ. Vào đến nhà ông Chu, thấy phòng khách bày hoa rực rỡ và trên bàn ăn có bày thức ăn và bát chén đẹp đẽ, ông Trình hơi ngạc nhiên : – Tôi tưởng chúng mình cùng nhau nhậu như thường lệ thôi, ai dè ông bà làm tiệc linh đình thế này ? Ông Chu mỉm cười : – Đêm Giao Thừa mà, phải tiệc tùng đàng hoàng chứ ! Ngừng một lúc, ông Chu thì thầm : – Chẳng nói giấu gi ông, hôm nay bà xã tôi nhất định làm mai cho ông bà bạn ở Cali sang chơi đấy. Ông Trình cười : – Thế thì ông hại tôi rồi ! Sao không nói trước để tôi còn sửa sang sắc đẹp ? Trông tôi thảm thế này, ông bà không được ăn đầu heo lại bảo tại sao xui. – Tôi đã bảo ông còn phong độ lắm mà, đừng có lo ! Thấp thoáng trong bếp, ông Trình thấy dáng dấp của hai người đàn bà, khi ấy ông mới biết là ông Chu không đùa. Lòng ông bỗng thấy xôn xao nhè nhẹ. Ừ nhỉ, tại sao ta lại chẳng có được cái hạnh phúc như ông Chu ? Nghe tiếng cười nói của hai ông, bà Bảo Trâm và người bạn gái cũng quay ra. Ông Trình giật mình, đứng sững như bức tượng. Thúy, người vợ mà ông yêu thương và thù hận từ bao năm nay đang đứng kia, với khoảng cách thật gần. Ông Chu đặt tay lên vai bạn : – Sự thật đấy, ông không ngủ mơ đâu ! Thôi, ta vào ăn tiệc mừng hội ngộ và năm mới rồi ông sẽ được nghe bà ấy kể chuyện xưa, tích cũ. Bữa cơm trôi qua trong sự gượng gạo, lúng túng của ông Trình và bà Thúy. Sau khi bé Dạ Thảo đi ngủ, ông bà Chu, ôngTrình và bà Thúy ngồi chuyện trò nơi phòng khách. Trước mặt họ là chai rượu Champagne và bốn cái ly cao cổ trắng trong. Trên màn ảnh truyền hình, người xướng ngôn viên đếm từng giây trôi qua trước khi bước qua năm mới. Khi chiếc đồng hồ lớn ở Times Square, tiểu bang New York, chỉ đúng 12 giờ thì từng tràng pháo bông muôn màu, muôn sắc nổ tung trên nền trời đen thẳm. Tiếng reo hò của đám đông, tiếng hát bài Auld Lang Syne vang vang gieo vào hồn người một cảm giác nao nao nhè nhẹ. Những ly rượu được nâng lên. Rồi bên ánh lửa bập bùng của lò sưởi, bà Thúy nghẹn ngào kể cho chồng nghe những nỗi gian truân của mình từ ngày đổi đời 1975… Hồi ấy, sau khi anh đi trình diện thì em mới biết là mình có thai. Em vô cùng mừng rỡ. Em mong ba tháng học tập của anh qua nhanh để anh có thể trở về, cùng em chuẩn bị đón đứa con đầu lòng của chúng mình. Ba tháng rồi sáu tháng…anh vẫn còn ở trong tù, không biết đến bao giờ mới được về. Em sinh bé Dạ Thảo xong thì bị hậu sản, tưởng chết. Em xin anh chị Chu khai sinh bé Thảo làm con anh chị và nuôi nấng giùm em vì em biết anh chị hiếm muộn mà lại là người rất tốt. Như anh đã biết, việc ấy chẳng khó khăn gì, anh chị Chu chỉ cần chi một số tiền là xong ngay. Sau một tháng thì em khỏi bệnh nhưng sức khỏe cũng rất yếu, không biết sống chết lúc nào. Vả lại, đã nhờ anh chị Chu nuôi con và làm giấy khai sinh nên em quyết định cứ để anh chị nuôi luôn. Nhưng ngày ngày em vẫn đến nhà chị Chu trông con để chị Chu đi bán chợ trời. Rồi năm 1978, em bị tịch thu nhà và đuổi đi vùng kinh tế mới. Xa con, xa những người thân thích, em kinh hoàng đặt chân lên vùng đất khô cằn, sỏi đá. Em tưởng như mình vừa đến một hành tinh lạ. Họ dựng cho em một túp lều nhỏ và từ đó, em phải cuốc đất trồng khoai, trồng rau mà sống. Bàn tay em trở nên nứt nẻ, trầy trụa. Nắng mưa làm da mặt em đen xạm và nhăn nheo. Cơm không đủ ăn, ốm không có viên thuốc mà uống. Nhiều lúc em muốn tự tử mà chết cho rồi. Nhưng nghĩ đến con, nghĩ đến anh, em lại ráng sống cho qua ngày. Ở vùng kinh tế mới được vài tháng thì bà con cùng đến với em, lần lươt trốn về thành phố hoặc đi vượt biên. Số còn lại rất ít, trong số đó có em. Thấy hoàn cảnh đơn chiếc của em, một tên công an thường la cà đến giúp em những việc lặt vặt rồi dở trò tán tỉnh sàm sỡ. Em sợ quá, bỏ trốn về Nha Trang. Anh chị Chu cho em tá túc, thế là em lại được gần con. Nhờ kiếm được một số tiền khá lớn qua việc chạy thuốc tây, anh chị Chu tổ chức vượt biên và cho em đi cùng. Nhưng không may, mấy tên xếp sòng công an mà anh Chu mua chuộc bị thuyên chuyển mà mình không hay nên tầu vừa ra khơi là bị bắt ngay. Anh Chu bị ở tù, còn chị Chu, em và bé Dạ Thảo được thả về. Hai chị em đang bơ vơ thì em gặp Huy, một người bạn cũ của anh em hồi còn ở Hà Nội. Chức vụ của Huy khá lớn nên Huy đã cho chị Chu, em và bé Thảo ở nhờ một thời gian trong khi chờ anh ta can thiệp đòi lại nhà cho em. Sau đó, anh Chu được thả ra và anh chị lại lo vượt biên nữa. Lần này, không có tiền nhưng anh chị Chu giới thiệu được nhiều người đi nên chủ tầu họ cho anh chị và bé Thảo đi miễn phí. Anh chị Chu cố năn nỉ họ cho em đi rồi sang bên ấy trả tiền nhưng họ không chịu. Anh chị Chu thấy em phải ở lại, định không đi, lấy một ít tiền hoa hồng rồi chờ chuyến khác. Nhưng em khuyên anh chị đừng bỏ lỡ cơ hội của anh chị và bé Thảo, còn lại một mình em sẽ tính chuyện đi sau. Anh chị Chu đi rồi, em gặp nhiều khó khăn trong việc buôn bán, lại đau ốm luôn. Huy đã như một ngườii anh, giúp em mọi thứ. Rồi vì cô đơn quá nên sau một trận ốm nặng, em đã đáp lại tình cảm của Huy. Thực ra nói em yêu Huy thì cũng không đúng. Em chỉ biết, có một lúc, em đã ngã gục trước nỗi cô đơn và khó khăn của cuộc sống. Và lúc đó, Huy là điểm tựa duy nhất của em. Cũng may, dù là cán bộ, nhưng Huy rất ghét chế độ, chẳng qua vì hồi 1954 bị kẹt lại ở Hà Nội đó thôi. Nghe nói bố Huy cũng dính dáng đến vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Do đó, giữa em và Huy không có sự cách biệt lắm. Khi anh trở về, Huy cho biết Huy đã yêu em quá rồi, không thể trả lại em cho anh được nữa. Huy đề nghị sẽ lo cho anh vượt biên và em đã nhận lời. Sau khi anh đi được hai năm thì em bị vợ Huy từ Hà Nội vào đánh ghen và bảo em phải xa Huy, nếu không bà ta sẽ sai người giết chết. Em không dám cho Huy biết chuyện này mà chỉ âm thầm lo tìm đường vượt biển. Sang đến Cali, em vừa đi học, vừa đi làm. Dò la tin tức của anh chị Chu mãi, tới năm ngoái mới liên lạc được với anh chị Chu. ở đây. Mấy tháng trước anh chị Chu cứ nói đùa là sẽ làm mai cho em một ông hàng xóm. Em không ngờ người mà anh chị Chu làm mai cho em lại là anh. Nghe tới đây, ông Chu nói chen vào : – Hôm ông Trình say rượu, tâm sự với tôi, tôi thấy chuyện ông kể, có đôi chỗ giống chuyện của bà Thúy, nhưng không chắc lắm nên tôi không dám nói với ai cả, chỉ lo thu xếp mời bà Thúy qua đây xem sao. Vì thực ra, hồi đó, cái cảnh chồng đi tù về, đã có một anh cán bộ lù lùbở trong nhà, săn sóc cho vợ mình, đâu có thiếu gì. Ông Trình thăc mắc : – Thế tại sao hồi anh ở tù về, em không nói với anh về bé Thảo và anh chị Chu ? – Anh nhớ lại đi ! Hồi đó anh có thèm nhìn mặt em đâu mà bảo em nói chuyện nói trò ? Hơn nữa, em cũng không ngờ là Huy lo cho anh đi vượt biên gấp như thế ! Câu chuyện của bà Thúy đến đây kể như chấm dứt. Ông Chu cười vang : – A ha ! Thế là phen này vợ chồng tôi được ăn đầu heo rồi nhé ! Ông Trình âu yếm nhìn vợ :- – Cho anh nói muôn ngàn lời xin lỗi vì bao năm nay anh đã hiểu nhầm em ! Rồi quay sang ông bà Chu, ông nói : – Cái ơn của ông bà đối với gia đình tôi như trời bể ! Tôi không thể tìm được một ngôn từ nào có thể nói lên lòng biết ơn của tôi, xin ông bà cảm thông cho tôi nhé ! Bà Chu gạt đi : – Chúng ta là người một nhà cả vì chúng ta có cùng một cô công chúa Dạ Thảo thật dễ thương. Ông Trình, bà Thúy cảm động trước tấm chân tình của bạn, đôi mắt họ long lanh ngấn lệ. Những giọt lệ tin yêu và hạnh phúc như những tràng pháo bông trong đêm giao thừa nơi đất lạ quê người. Lê Thị Nhị |