PHỎNG VẤN GS NGUYỄN LÝ-TƯỞNG (do Tâm Hùynh,báo Bút Tre Arizona , thực hiện) 1.Chào giáo sư. Trước hết con xin được cám ơn GS đã nhận lời cho con thực hiện cuộc phỏng vấn lần này. Xin giáo sư gởi lời chào đến qúy độc giả của Bút Tre cũng như giới thiệu một chút về Giáo sư đến với những độc giả chưa có cơ hội biết về Giáo sư. Chào cô Tâm Hùynh, chào quý vị độc giả Bút Tre. Tôi xin tự giới thiệu: tôi là Nguyễn Lý-Tưởng. Trước 1975, tôi là cựu sinh viên Viện Hán Học, Đại học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Huế, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, dạy học, viết văn, viết báo, Dân Biểu VNCH, họat động chính trị…Sau 1975, tôi bị tù cải tạo hai lần tổng cộng 14 năm. Năm 1994, tôi và gia đình đến định cư tại Orange County , Nam California theo diện cựu tù nhân chính trị (chương trình HO). Tôi tiếp tục viết văn, viết báo và đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền và đặc biệt tự do tôn giáo tại Việt Nam … 2. Hiện con đang có trong tay 2 cuốn sách của Giáo sư vừa mới phát hành đầu năm nay, cuốn “Ngày Trở Về” và “Đưa Em Tới Chốn Nhà Hồ”. Trong cúôn “Ngày Trở Về” con thấy có nhiều truyện ngắn và một số bài thơ rất hay. Tuy nhiên con chưa có cơ hội đọc những chuyện ngắn này, xin GS cho con cũng như qúy độc giả được biết GS đã viết về những đề tài gì và tại sao chọn tên sách “Ngày Trở Về” “Ngày Trở Về” là tên một trong 7 truyện ngắn đặc biệt trong đó các nhân chứng kể lại các biến cố lịch sử từ khi Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương (tháng 3/1945) cho đến tình hình miền Trung từ 1966 đến Tết Mậu Thân1968: tiết lộ những điều mà báo chí sách vở trước đây chưa đề cập đến như chiến khu Ba Lòng của đảng Đại Việt tại Quảng Trị năm 1955 đối lập với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm…Ngoài truyện Ngày Trở Về, còn có:-Ánh Đèn Bên Song Cửa, -Ấu Nhi, -Chuyến Đò Chiều Xuân, -Hoa Thủy Tiên, -Mùa Xuân Cho Em và Xóm Giàng. Thi tập “Vùng Hoang Tưởng” gồm 52 bài thơ, in chung với tập truyện Ngày Trở Về. Nhìn lại cuộc đời đã qua với biết bao thăng trầm, trôi nổi, tình cảm khổ đau…chẳng khác nào một giấc mơ dài, con người đang đi vào một “vùng hoang tưởng”. Những hình ảnh thân thương ngày xưa, nay đã thay đổi, mờ nhạt có khi không còn nhận ra được nữa…Cuối cùng, con người trở về nguồn, nơi từ cõi hư vô đã vào đời rồi lại trở về với hư vô nhưng vẫn trong niềm tin yêu và hy vọng… 3. Riêng về cuốn “Đưa Em Tới Chốn Nhà Hồ” thì lúc đầu khi con nhận được sách, con đã tưởng cuốn sách này phải là một cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nói về nhà Hồ, cũng như hình minh họa cho sách là một chiếc thuyền gỗ đang nhấp nhô trên sóng giữa đại dương bao la. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ thì dưới có ghi là “Nghiên Cứu Lịch Sử” quyển II”, vậy xin GS cho biết nhà Hồ đây có phải là nhà Hồ thời Hồ Qúy Ly hay là một ai khác? Có liên quan gì đến lịch sử Việt Nam ? Và tại sao GS lại chọn một chiếc thuyền trôi lênh đênh trên sóng để làm bìa cho sách? Đây là sách nghiên cứu lịch sử, nói về các dòng họ và nhân vật lịch sử xuất thân từ miền Trung, đã đóng góp nhiều công lao cho quê hương, đất nước. Tên sách được gợi ý từ câu ca dao “Đưa em tới chốn nhà Hồ; Em mua trái mít, em bồ trái thơm”. Nhà Hồ tức là Truông Nhà Hồ thuộc làng Hồ Xá, giữa Quảng Trị và Quảng Bình. Truông Nhà Hồ và Phá Tam Giang là hai địa danh nổi tiếng của miền Trung. Ngày xưa người học trò từ miền Bắc, sau khi thi Hương đậu cử nhân thì vào kinh đô Huế để thi Hội (thi tiến sĩ) phải đi qua Truông Nhà Hồ và phá Tam Giang rất nguy hiểm. “Yêu em anh cũng muốn vô; Sợ truông Nhà Hồ ngại phá Tam Giang…” …Đất có linh thiêng mới phát sinh nhân tài, nơi đây cũng là quê hương của những dòng họ lớn, đóng vai trò lãnh đạo quốc gia từ bậc vua chúa đến danh tướng, đại thần, các nhà cách mạng, các bậc khoa bảng, học giả, nghệ sĩ danh tiếng…Và, đặc biệt là đất đã sản xuất những nhà tu hành đạo cao, đức trọng đã từng giữ vai trò lãnh đạo các tôn giáo lớn trong nước. Khi chọn tên sách cũng như chọn các đề tài nghiên cứu, chủ ý của tác giả là gợi lên sự tò mò, tạo nên những thắc mắc để cho người đọc đi tìm câu giải đáp. Năm 2001, chúng tôi xuất bản tuyển tập nghiên cứu lích sử “Thuyền Ai Đợi Bến văn Lâu” với 25 đề tài từ cổ sử đến hiện đại.-Năm 2003, chúng tôi xuất bản tác phẩm thứ hai “Nhà Bè Nứơc Chảy Chia Hai” cũng thuộc lọai nghiên cứu lịch sử, nói về các nhân vật có công mở mang bờ cõi, khai phá miền Nam dưới thời các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn.-Năm 2005, chúng tôi tiếp tục xuất bản tác phẩm thứ ba “Đưa Em Tới Chốn Nhà Hồ” Quyển I với 10 đề tài và năm 2009 tác phầm thứ tư về nghiên cứu lịch sử “Đưa Em Tới Chốn Nhà Hồ” quyển II với 10 đề tài độc đáo về các nhân vật lịch sử xuất thần từ miền Trung. Quyển I với một số đề tài quan trọng như: -Họ Ngọai của Vua Gia Long;-Những Thăng Trầm của Dòng họ Trần Đình Làng Hà Trung (Ngôi Mộ Tổ Phát 18 đời Thượng Thư);-Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài (Cuộc đời chính trị và giai thọai văn chương);-Nguyễn Bá Trác và Bài Thơ Hồ Trường;-Từ việc bức tử Phụ Chính Đại Thần Trần Tiễn Thành…;-Hồng Y Nguyễn Văn Thuận… Quyển II với những đề tài độc đáo:-Bổ Túc Một Số Sử Liệu Về Chiến Thắng Đống Đa của Vua Quang Trung (1789);-Gia Long Bắc Tiến Thống Nhất Sơn Hà 1802;-Vụ Án Tham Nhũng Lớn Nhất Nứơc Thời Vua Minh Mạng (1820); Đi Tìm Ngôi Mộ Bí Mật Của Hai Liệt Sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân;-Những Lễ Tế Quan Trọng Vào Mùa Xuân Dưới Triều Nguyễn (Tế Nam Giao và Tịch Điền);-Nguyễn Hữu Thận: Nhà Toán Học và Thiên Văn Học Số Một Của VN trong thế kỷ 19…Trong phần phụ lục có Hồi Ký “Năm Ngàn Ngày Trong Cõi A Tỳ” của ông Bảo Lộc, Phó Tỉnh Trưởng Thừa Thiên bị Việt Cộng bắt trong Tết Mậu Thân, may mắn còn sống sót, đã kể lại những gì ông đã trải qua… Chiếc thuyền giữa phong ba bão táp là hình ảnh những thăng trầm lịch sử của Việt Nam , đặc biệt là miền Trung… 4. Đây có phải là lần đầu tiên GS ra mắt hai quyển sách cùng một thời gian? Trước đây, được bạn bè giúp đỡ, tôi cũng đã có dịp đi nhiều nơi trong nước Mỹ và Âu Châu để giới thiệu tác phẩm của mình…Năm 2001, lần đầu tiên tôi giới thiệu 3 tác phẩm một lúc tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, TP Santa Ana, Nam California: Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu (nghiên cứu lịch sử), Thu Còn Vương Nắng (truyện) và Tình Khúc Mùa Xuân (Thơ)…Lần nầy, 3/2009, tôi cho in một lúc 3 tác phẩm: Đưa Em Tới Chốn Nhà Hồ (quyển II), Ngày Trở Về (truyện) và Vùng Hoang Tưởng (Thơ) nhưng tôi không tổ chức giới thiệu tác phẩm (ra mắt sách) như các lần trước. Tôi gửi sách trực tiếp đến bạn bè, bà con xa gần và cũng có gửi ở các nhà sách một số ít. Hiện nay, sách in ra cũng đã phát hành hết rồi, không còn lại bao nhiêu. 5.Giáo sư có những thông điệp gì từ những tác phẩm đã phát hành? Từ khi qua Mỹ, tôi nhận thấy giới trẻ, nhất là con cháu chúng ta, có khuynh hướng theo học các ngành chuyên môn về khoa học kỹ thuật như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kiến trúc, vật lý, hóa học, computer,v.v…mà rất ít người chú ý đến các ngành văn hóa như: văn chương, lịch sử, địa lý, triết học, luật pháp, chính trị, tôn giáo,v.v…Hiện nay, rất nhiều ngừơi, kể cả những ngừơi lớn tuổi, rất ít quan tâm về lịch sử, văn hóa Việt Nam . Ngoài ra, phần lớn các sách vở lưu hành hiện nay, viết về lịch sử Việt Nam hoặc do Cộng Sản chủ trương hoặc do thành phần phản chiến, thiên Cộng, không phản ảnh đúng sự thật. Vì thế, tôi dành thì giờ nghiên cứu, viết lại một số tài liệu liên quan đến văn hóa, lịch sử Việt Nam để cho con cháu chúng ta (nếu còn quan tâm đến quê hương đất nước) tìm đọc và có một sự so sánh, đối chiếu với các tài liệu có tính cách tuyên truyền xuyên tạc trước đây. Đó cũng chỉ là một sự đóng góp nhỏ bé trong kho tàng văn học Việt Nam ở hải ngọai hiện nay mà thôi. Sau 19 năm sống dưới chế độ CS (1975-1994) trong đó có 14 năm bị giam giữ trong nhà tù, tôi nhận thấy tuổi đời đã 70, sức khỏe không còn như xưa nên đã dành thì giờ viết lại những gì tôi đã học hỏi ở nhà trường, đã nghiên cứu qua sách vở và đã sống, đã tiếp xúc với các nhân chứng lịch sử…Tôi cho rằng đây là công việc cần làm trước hết trong thời gian còn lại của cuộc đời mình. Tuổi trẻ không có cơ hội học ở trường thì đọc sách để thêm kiến thức. Tôi viết sách cũng lá để giúp các bạn trẻ tự học, đọc sách để mở rộng kiến thức, biết thêm những gì ở trường học của Mỹ không dạy cho mình về văn hóa lịch sử Việt Nam . 6. Giáo sư thích viết văn hay nghiên cứu lịch sử? Trong qúa trình sinh họat văn hóa, văn nghệ, GS đã trở thành nhà văn trước hay nhà thơ trước? Từ tiểu học đến Trung học, tôi học chương trình Pháp ở các trường Công Giáo nổi tiếng ở Huế là Pellerin và Providence (Thiên Hựu) nhưng tôi rất thích văn chương Việt Nam . Mới học lớp 6 (năm thứ I ban Trung học) mà tôi đã đọc các truyện Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm rồi đến Truyện Kiều, thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, thơ mới của các thi sĩ Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Bính… Tôi đọc đi đọc lại một bài thơ nhiều lần cho đến khi thuộc lòng. Năm 13, 14 tuổi tôi đã làm thơ lục bát, tứ tuyệt được rồi. Tôi thích đọc tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn…và các truyện bằng tiếng Pháp của Victor Hugo, Alexandre Dumas. Năm lên lớp 8, lớp 9 (Trung học cấp I), tôi đã đọc hết các sách trong thư viện nhà trường. Ngày nào tôi cũng đến Phòng Thông Tin Huế đọc báo, theo dõi tin tức thời sự và làm thẻ thư viện để mượn sách về đọc. Tôi đọc dủ lọai sách từ thơ, truyện, sách nghiên cứu lịch sử, sách học làm ngừơi, sách nghiên cứu văn học, sách dạy viết văn…Tôi cũng thường đến thăm và hầu chuyện các cụ nhà Nho, giới trí thức đàn anh…qua những vị đó, tôi cũng thu nhận nhiều kiến thức. Tôi cũng đọc các nội san của các tổ chức chính trị, sách huấn luyện cán bộ chính trị, phê bình các chủ nghĩa chính trị…Tôi tự nghiên cứu, tự học hỏi nhiều hơn là học ở trường. Tôi lại sớm dấn thân vào con đường tranh đấu, sinh hoat trong các tổ chức chính đảng chống Cộng nên quen với cách tiếp xúc, giao thiệp với đủ hạng ngừơi, cách tổ chức, sinh họat, điều khiển một buổi họp. Tôi bắt đầu làm thơ rất sớm và gom góp lại chép vào một cuốn tập vở học sinh 200 trang. Tôi vận động anh em trong lớp làm báo cho lớp, cho trường… Năm 17 tuổi (1957) lần đầu tiên thơ và truyện ngắn của tôi được đăng lên báo Mầm Sống số 6 (tháng 6/1957) tại Huế. Đây là tờ nguyệt san của Công Giáo do LM Nguyễn Văn Lập làm Chủ Nhiệm và LM Nguyễn Văn Phứơc (bút hiệu Hùng Anh) làm chủ bút. LM Nguyễn Văn Lập sau nầy là Viện Trưởng Đại Học Đà Lạt (1960-1970). Truyện ngắn “Ông Lão Thức Thời” của tôi trong đó có một bài thơ trào phúng mỉa mai một địa chủ ít học nhưng rất hống hách với đám dân quê nghèo khó, vì ông ta có người con làm lớn ở Sài Gòn. Truyện ngắn và bài thơ đó đã khiến cho tôi gặp nhiều khó khăn với chính quyền tại địa phương và người ta định kiện tôi ra trứơc tòa án…May nhờ có LM Nguyễn Văn Lập bênh vực nên tôi mới được thóat nạn. Tôi bắt đầu tìm đường vào Sài Gòn. Từ mùa Hè 1957 đến đầu năm 1958, Báo Mầm Sống đã đăng tất cả 3 truyện ngắn của tôi. Từ đó, tôi đã gửi thơ và truyện cho các báo ở Sài Gòn đăng. Năm 1958, tôi từ giã Huế, vào Sài Gòn, làm quen với bạn bè trong giới báo chí, văn nghệ. Thời gian nầy tôi làm thơ nhiều hơn viết văn. Từ 1945 đến 1955, cha tôi, anh tôi bị Cộng Sản giết, mẹ tôi chỉ còn một mình tôi là con trai độc nhất, mẹ tôi không muốn tôi đi xa quê nên sau 2 năm sống ở Sài Gòn, tôi phải trở về Huế. Tôi học ở Viện Hán Học 3 năm, vì say mê nghiên cứu lịch sử nên tôi đã thi vào Đại học Sư Phạm (Ban Sử Địa). Tôi và 3 ngừơi bạn khác được GS Nguyễn Phương, trưởng ban Sử tại Đại Học SP trao cho phiên dịch và chú thích sách “Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên” từ Hán văn ra tiếng Việt. Tôi vừa học Sư Phạm vừa học thêm bên Văn Khoa. Nhờ công tác phiên dịch mà anh em chúng tôi đã tiến bộ rất nhiều về môn Hán văn. Sau khi tốt nghiệp ĐHSP, làm giáo sư ban Tú Tài, tôi đã ứng cử và đắc cử Dân Biểu Hạ Nghị Viện VNCH nhiệm kỳ 1967-1971, từ đó, tôi công khai họat động chính trị…Tôi viết báo, làm chủ nhiệm chủ bút một tờ nhật báo tại Sài Gòn (1970). Tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu lịch sử (Tổng Thư Ký Hội Sử Học VN từ 1967-1975)…Sau 1975, gần 13 năm trong nhà tù CS, tôi tự học chữ Hán và học tiếng Pháp, tiếng Anh. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần tác phẩm của Leon Tolstoii “Guerre et Paix” (Chiến Tranh và Hòa Bình), của Victor Hugo “Les Miserables” (Những Kẻ Khốn Cùng),v.v…Tôi tiếp xúc với các nhân chứng lịch sử từ 1945, những người đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền VNCH (Miền Nam ) trước 1975… để thu thập các dữ kiện, hy vọng trong tương lai sẽ viết lại lịch sử Việt Nam một cách trung thực hơn…Các truyện ngắn của tôi vẫn chứa đựng nhiều sự kiện lịch sử. Ngừơi viết văn, làm thơ là nhân chứng của xã hội mình đang sống. Từ những hình ảnh đã thấy, đã gặp, đã biết hoặc đã được nghe kể lại…Họ đã dựng nên những câu chuyện gọi là tiểu thuyết. Trong hồi ký, tác giả là nhân chứng trực tiếp hay gián tiếp. Tác giả đã đem tên tuổi của mình ra làm chứng cho những điều mình viết. Nói tóm lại dù là viết văn (truyện), làm thơ hay nghiên cứu lịch sử thì trong con ngừơi của tôi vẫn đầy dẫy những dữ kiện lịch sử, tôi vẫn làm nhiệm vụ chuyển tải lịch sử cho ngừơi đọc. Tôi phải tự mình tìm ra một phương cách nào đó để trình bày cho ngừơi đọc hiểu về các biến cố lịch sử. Tôi đã thử nghiệm và thấy được những kết quả rất đáng khích lệ: đa số bạn bè và độc giả thích đọc lịch sử qua cách trình bày của tôi. 7. Được biết GS là một trong những hội viên sáng lập Hội Thơ Tài Tử VN hải ngọai. GS cho biết các bạn trẻ có tham gia Hội Thơ TTVNHN không? Đa số hội viên thuộc thế hệ trứơc 1975, tuy nhiên vẫn có nhiều bạn trẻ tham gia. Điều trở ngại đối với các bạn trẻ lớn lên ở hải ngọai là họ không được học tiếng Việt như chúng tôi ngày xưa để có thể đọc và hiểu văn chương Việt Nam, thì làm sao có thể viết văn, làm thơ tiếng Việt được. 8. Những ngừơi trẻ ở hải ngọai muốn viết văn làm thơ tiếng Việt thì phải làm sao? Trước hết, phải chịu khó học tiếng Việt bằng đọc sách báo tiếng Việt, giao thiệp với ngừơi Việt, nói tiếng Việt, xem phim tiếng Việt, nghe hát tiếng Việt. Đọc sách là một phương pháp học tiếng Việt hay nhất. Đọc đi đọc lại nhiều lần, không hiểu thì hỏi. Các cụ ngày xưa học chữ Nho cũng vậy, đọc nhiều lần, học thuộc lòng thì làm thơ được, viết văn được. Tất nhiên cũng phải có năng khiếu về văn chương và thích văn chương thì mới viết văn, làm thơ được. Điều quan trọng đối với một nhà văn là cuộc sống của mình, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, có nhiều kinh nghiệm sống thì mới viết văn hay. Chỉ ngồi ở nhà đọc sách, du có viết văn được cũng không có hồn bằng đã từng trải, đã sống, đã có kinh nhgiệm sống… 9.Giáo sư đã xuất bản được tất cả bao nhiêu tác phẩm? Từ 1957 bắt đầu viết văn, làm thơ…cho đến 1975, tôi chỉ gởi đăng báo mà chưa in thành sách nên không có tác phẩm (ngọai trừ phiên dịch và chú thích sách “Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên” sử nhà Nguyễn do nhà xuất bản Khai Trí Sài Gòn phát hành 1974-1975, sách nầy bị CS tịch thu sau 1975)…Năm 1994, đến định cư tại Hoa Kỳ, tôi đã nghĩ đến xuất bản sách. Từ 1996 đến 2009, tôi xuất bản được 3 tập thơ, 3 tập truyện, 4 cúôn sách nghiên cứu lịch sử và 01 tuyển tập tài liệu về vụ Thảm Sát Mậu Thân ở Huế với nhiều tác giả … -Ba tập thơ: -Theo Dấu Chân Chim;-Tình Khúc Mùa Xuân;- Vùng Hoang Tưởng -Ba tập truyện:-Đàn Bứơm Lạ Trong Vườn;-Thu Còn Vương Nắng;-Ngày Trở Về -Bốn tập sách nghiên cứu lịch sử:-Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu;-Nhà Bè Nứơc Chảy Chia Hai;-Đưa Em Tới Chốn Nhà Hồ (I) và (II) 10. Giáo sư đã có lần nào đến thăm vùng sa mạc Arizona chưa? Tôi có đi ngang qua vùng nầy nhưng chưa có dịp ghé lại vì không có ai mời mọc và đón tiếp. Trong tương lai, nếu có ai đó có nhã ý mới tôi đến Arizona chơi thì chắc chắn tôi cũng phải thu xếp đi một chuyến cho biết. Con rất cám ơn Giáo sư đã cho con thời gian thực hiện cuộc phỏng vấn này. Xin chúc Giáo sư thật nhiều sức khỏe để còn ra mắt thêm nhiều sách và thơ hay nữa. Xin cám ơn cô Tâm. (Nguyễn Lý-Tưởng) Bổ túc: Tác phẩm mới của GS Nguyễn Lý-Tưởng: THÁC LŨ MƯA NGUỒN – 2016 Hồi Ký từ 1945 – 1975. Amazon in ấn và phát hành |