Phụ Nữ Việt Lái Xe Thúy Messegee Lái hay không lái? Chà, câu hỏi có vẻ nghiêm trọng như thời hoàng tử Hamlet trầm ngâm triết lý: “To Be or not To Be? That is the question!” Trong đời sống Mỹ, lái xe nằm ngay mấu chốt chính yếu của cuộc sống, nó chi phối hằng ngày của đời ta. Không giải quyết nó là ta mãi mãi đứng trước ngả ba đường, lúng ta lúng túng như thợ vụng mất kim, chẳng làm nên chuyện gì cả. Người ta bảo rằng phát minh vĩ đại nhất của loài người là chiếc bánh xe, từ 4500 năm trước công nguyên. Vâng, thật vậy, con người tiên khởi săn bắt rồi đóng khung gỗ hì hục kéo lôi con mồi về làng. Sau này họ chế ra chiếc bánh xe hình tròn có thể quay vòng vòng gắn vào khung gỗ. Voilà! Chiếc xe đầu tiên chuyển bánh lăn bon bon chuyên chở chiến lợi phẩm thay vì phải kéo lê nặng nhọc. Từ đó bánh xe gắn chặt với cuộc sống con người, giúp ta di chuyển từ điểm A sang điểm B nhanh gọn và còn chuyên chở thêm vật dụng cồng kềnh. Ngày bé đi học, sau khi “tốt nghiệp” trường tiểu học gần nhà đi bộ vài block là đến, đời học sinh bắt đầu gắn liền với…cái bánh xe, từ vận dụng cơ bắp (xe đạp) đến sử dụng cơ khí (xe gắn máy). Nhiều thế hệ biểu diễn ngựa phi đường xa trên con chiến mã hai bánh: xe đạp Peugeot, Vélo Solex, Mobylette, Honda, Suzuki, Dream, Cup, đủ cả. Sang đến Mỹ, tay nghề hai bánh gặp phải con bốn bánh thì chùn lại. Kinh nghiệm lạng lách bao năm đều vứt xó. Con bốn bánh chẳng cần ta khéo léo giữ thăng bằng, cứ ngồi vào ghế là chắc chắn vững vàng. Vấn đề là làm sao lạng lách con bốn bánh này trên đường phố, từ đường làng mỗi bên một lằn xe đến xa lộ hiện đại 7, 8 lằn xe mỗi chiều. Khi người Việt chân ướt chân ráo sang xứ Mỹ, việc làm đầu tiên gia đình hay các ân nhân bảo trợ làm cho ta là đưa đến cơ qua an sinh xã hội xin số social security, sau đó là đi xin căn cước tạm, và thứ ba là học lái xe. Nhiều ông đã có bằng lái xe ở Việt nam, có xe riêng, hay khi phục vụ trong quân đội đã từng lái Jeep vun vút đó đây, thế mà đi thi bằng lái Mỹ rớt cái độp, đôi khi năm lần bảy lượt mới xong. Các bà vợ thấy chồng không ăn ớt thế mà cay bỗng chột dạ chùn bước. Ngân sách gia đình trong bước đầu thường chỉ cho phép tậu một xe trước, nên các bà càng bị ém tài, phải đợi đến khi nào tiền bạc dư dả. Nhưng rồi cơm áo gạo tiền đã ngày ngày đẩy các bà leo lên con bốn bánh ra đường, ngược xuôi kiếm đồng tiền bát gạo phụ chồng nuôi con. Bị bắt buộc thì các bà phải lái, nhưng việc “nuôi nấng chăm sóc” con ngựa bốn bánh thì các bà phó mặc cho “bật mã ôn” (chức vụ của Tôn Ngộ Không trên thiên đình trước khi bị Ngọc Hoàng Thượng Đế phạt cho núi đè): đổ xăng, thay nhớt, thay dầu thắng, quạt nước, bơm bánh, v.v. Luật bất thành văn trong nhà là xe mới, xe xịn là để cho bà đi, xe cũ xe xấu có thể hư hao nằm ụ ngoài đường là của ông. Cứ như là thời mẫu hệ ngày xưa! Tuy nhiên, cũng có một số các bà vẫn còn trốn tránh “quyền lợi và nghĩa vụ” lái xe. Quyền lợi và nghĩa vụ đóng thuế thì không trốn đi đằng nào được, ông nhà lước sẽ no cho ta ngay. Lái xe thì tùy thương thuyết hòa giải trong nội bộ gia đình. Điển hình là mẹ tôi, được bảo lãnh sang ở tuổi 63. Bà cứ tưởng sang đây thì ở nhà lo cơm nước cho con để nó được cơm nóng canh sốt sau một ngày làm việc mệt nhọc. Thế là đủ. Ngày nghỉ nó có rảnh đưa bà đi đó đây cũng tốt, không rảnh cũng không sao, bà không đòi hỏi. Nhưng không! Con nó không những không hứa hẹn lái xe đưa bà đi đây đó, mà nó còn… buộc bà phải học lái xe nữa cơ! Thôi đi! Bà không học đâu. Để làm gì cơ chứ? Để khi cơ nhỡ, nửa đêm con ngã bệnh lăn đùng ra thì bà ngồi đó nhìn nó ….lìa đời à? Nó giấu bà không cho bà biết dịch vụ 911, làm bà thấy tội quá không muốn để con chết oan uổng chỉ vì bà không biết lái xe. Nó vừa khuyến khích vừa giảng luân lý giáo khoa thư cho bà nghe: “người ta học 3 tháng thì biết lái, mình chậm chạp thì học 3 năm, bao giờ biết lái thì thôi!” Thôi thì bà đi học lái. Tôi nghiệp ông con rể hì hục tập cho bà, nhiều hôm bà leo lên lề, sợ cứng người, không biết làm sao đành…ăn vạ, thôi không lái nữa đâu, hu hu! Ông rể phải lái đưa bà về. Nhiều lần sau khi đưa học viên về nhà, ông giáo sư dạy lái lẳng lặng pha một cốc cà phê thật đậm ngồi thở dốc, nhâm nhi từng ngụm để hòan hồn lại. Cuối cùng thì bà cũng có bằng lái trong tay, hình như độ 6-7 tháng chứ không đến 3 năm! Từ đó bà là lão niên duy nhất trong nhóm bạn bè quen biết có thể tự lái xe đi chợ, đi bác sĩ, đi đón cháu khi nó đổ bệnh tại trường không bắt mẹ nó phải bỏ việc chạy từ sở về. Thậm chí đến mùa Noel bà còn lẳng lặng lái xe ra mall bí mật mua quà cho con cháu, không cho đứa nào thấy được bà mua gì. Thừa thắng xông lên, tôi dốc tâm “cải tạo” cô giáo của tôi. Cô là một trí thức con nhà trâm anh thế phiệt chính gốc Hà nội. Cô sang Paris học tại đại học Sorbonne rồi gặp gỡ và kết duyên cùng thầy. Hai vợ chồng trở về miền Nam phục vụ đất nước sau khi tốt nghiệp. Thầy làm khoa trưởng một khoa, và cô là trưởng ban một bộ môn ở khoa khác cùng trường tại Sài gòn. Sau khi tôi tốt nghiệp với mảnh bằng đại học sau 75, tôi cũng tập tễnh đứng lớp. Hằng tuần tôi mang xấp bài vở đến nhà cô nhờ cô giúp đỡ thêm. Cô tận tâm chỉ từng ly từng tý, mang hết cả chục bộ tự điển để la liệt trên bàn, cầm tay “mớm” cho tôi từng muỗng. Nhà cô bị choáng gần hết diện tích vì “chưng bày vật cổ”: chiếc xe hơi của thầy cô tậu lúc trước, được kê trên bốn khúc gỗ, bốn bánh xe đã tháo ra bán để mua gạo! Sau này cô dẫn đứa con trai duy nhất đi vượt biên, thầy còn ở lại chăm sóc mẹ già và làm hậu phương vững chắc phòng khi cô xộ khám. Thầy trò gặp lại nhau trên xứ người mừng mừng tủi tủi. Trong tuần cô đón xe buýt đi dạy bậc trung học, cuối tuần tôi đến đưa cô đi chợ búa. Từ cô tôi nghiệm ra là phụ nữ không lái xe chia ra hai hạng: A và B. Hạng A dù không lái xe nhưng rành 6 câu đường đi nước bước, thường xuyên “lái tài xế” dõng dạc như thống soái điều binh khiển tướng. Hạng B đã không lái thì không thèm nghe, không thấy, không nói gì sất như ba cụ khỉ được tạc tượng, lên xe cứ hồn nhiên ngồi 888 thoải mái đến khi nào tới thì thôi. Tôi không rành khu vực nhà cô, bằng lái mới thi đậu nên còn lọng cọng, xe mới toanh chỉ mới trả tháng đầu tiên trong số 60 tháng cam kết. Đôi khi đang nói chuyện huyên thiên cô bỗng giật mình: – Thôi chết rồi! Lúc nãy tôi quên bảo chị quẹo phải. “Lúc nãy” đây là… 2 miles ago! Thế mới biết câu chuyện cô say sưa kể dài ít nhất 2 miles! Một lần nữa tôi hỏi: – Chợ ở đâu cô, sao chưa thấy? – Lạ nhỉ? Mọi lần nó ở đây mà, sao hôm nay không thấy? Cô làm như cái chợ có chân di chuyển như du kích trong rừng, nửa đêm rút chốt sang phục nơi khác! Một hôm ngày lành tháng tốt tôi bỗng nảy sinh ý định “cải tạo” cô, buộc cô phải lái xe mới được. Cô là trí thức có ăn học, sách cả bồ cô còn tiêu thụ được, nhằm nhè gì cuốn sách luật lệ đi đường 50 trang! Tôi cũng áp dụng bài học kinh điển đã áp dụng với bà cụ nhà tôi: “Việc gì người ta làm được thì mình cũng làm được, người ta học 3 tháng thì mình học 3 năm, v.v.” Chiến dịch khủng hoảng tâm lý khiến cô hãi sợ và mặc cảm phải làm theo. Mà thật ra trong thâm tâm cô rất sợ lái xe, hoàn toàn không muốn chút nào. Sau vài tháng vất vả, cuối cùng cô thú thật với tôi: – Thôi tôi đành chịu thua chị ạ. Hôm nọ tôi đang tập lái vòng vòng trong khu xóm thì một bà cụ người Mỹ chặn xe tôi lại bảo: “Tôi xin bà đừng lái xe nữa, vì an toàn tính mạng cho bà và cả cho khách bộ hành như tôi!” Tôi nghe kể thấy thương cô quá, đúng là mình áp dụng “tough love” quá nghiệt ngã. Ngược lại cũng có những nữ anh hùng xa lộ oai phong lẫm liệt. Có lần tôi đi chợ Á đông khu Oakland, California. Các chơ Á đông thì cứ hồn nhiên như mình vẫn còn “tắm ao ta” bên nhà, mặc sức bày biện hàng họ lấn ra lề đường. Khách bộ hành bị lấn đất phải giạt xuống lòng đường mà đi, còn xe cộ thì lớn xác nhưng bị bắt nạt tận cùng, ráng mà lách cho lọt, chớ để chẹt chết người là tù mọt gông! Hôm đó tôi thấy một xe tải hạng trung bình chở rau quả từ miệt vườn lến bỏ mối cho chợ. Hai ông bà nông dân da sạm nắng, khỏe mạnh rắc chắc trông giống y như những bác Bảy, thím Tư bên nhà. Bà vợ đứng trước xe ra dấu hướng dẫn ông chồng đậu parallel vào bên đường. Ông hì hục toát mồ hôi mà vẫn không đạt. Bà nóng lên quát to: “Ông xuống đi, Để tui!”. Thế là bà nhảy phóc lên ghế tài xế. Oạch, oạch, oạch, 3 cái “oạch” là xe nằm gọn sát lề. Tui phục lăn luôn! Ngày nay thì mẹ tôi đã già, mắt kém không thấy rõ, đi ra xe còn phải dẫn, nên việc lái xe chỉ còn là một huyền thoại quá khứ. Phần cô giáo của tôi thì vướng bệnh Parkinsons đã hơn hai chục năm nay, trong nhà đi lại còn không được, nên dĩ nhiên lên xe ngồi có người lái cũng không! Thời gian đã xóa nhòa mọi thành tích của mọi người không chừa ai! Ngẫm nghĩ đến thân phận mình, tôi cũng biết chẳng chóng thì chày “tay nái nụa” là tôi cũng đành rửa tay gát kiếm. Tôi đã định sẵn cho tương lai của mình: cuối đời tôi sẽ tậu xe lái tự động. Mình chỉ việc ngồi vênh hưởng nhàn, muốn đi đâu là ra lệnh cho con bốn bánh đưa mình đi. Chỉ không biết lúc đó mình có năn nỉ: “Cho ngộ lái chút đi! Không cho ngộ lái thì ngộ lái ra xe bây giờ!” Thúy Messegee 3/2021 |