Quê Hương-Khánh Giao-BS. Phùng Văn Hạnh

Quê Hương
Khánh Giao-BS. Phùng Văn Hạnh
“Quê hương là chùm khế ngọt,
cho con trèo hái mỗi ngày’’
Bài hát ấy văng vẳng bên tai tôi mỗi khi nhắc đến hai chữ quê hương. Song thuở nhỏ tôi hay trèo lên cây ổi
sau nhà hái trái. Kỳ hè thì hay rủ bạn bè trèo lên cây trâm cạnh đình làng , mỗi đứa ngồi trên chạc cây, vừa
nhót những hột trâm tím sẫm, ngọt chát, vừa dùng miếng kiếng nhỏ, phản chiếu nắng vào mắt người đi đường
để chọc ghẹo họ. Trưóc đình là một cây đa có rễ phụ sum sê mà chúng tôi đều sợ không dám leo. Dưới chân
cây đa là một đống ống vôi (những lọ đựng vôi bằng đất nung, đỏ, miệng bé lại vì vôi ăn trầu nhét vào đóng
cứng, như chuyện ông bình vôi của Phan Khôi trong vụ Nhân văn giai phẩm)
Làng Tuý La tôi nhỏ, chừng 1000 dân, nằm sát sông Thu Bồn, Quảng Nam. Giải đất thấp ven sông gọi là biền
hay bùng, mỗi năm sau mùa lụt được bồi lên một lớp bùn đen mới.
Dân làng trồng dâu trên đất màu mỡ ấy để nuôi tằm. Giữa hai hàng
dâu, vào mùa xuân không còn lụt lội nữa, có thể trồng bắp, lúa, đậu,
nhất là bắp để có ngủ cốc ăn suốt năm. Sinh hoạt chính của làng là
làm tằm. Có câu nói dân gian: ‘’làm ruộng ăn cơm nằm, làm tằm ăn
cơm đứng’’. Ý nói là làm tằm rất cực khổ. Nghe nói là nghề nầy truyền
sang xứ ta nhờ thái thú Nhâm Diên, Tích Quang. Cô gái nổi tiếng nghề
nầy là Tây Thi dệt lụa.
Có nhiều giống tằm, mỗi giống có đặc điểm riêng. Trứng tằm là mắc
xích đầu tiên nuôi tằm. Trứng do bướm tằm đẻ ra dính trên giấy bổi,
một loại giấy ngày xưa dùng để viết chữ nho. Trứng đẻ ra màu trắng, sau hai tuần thì đen lại, rồi nở ra tằm
con, nhỏ như sán kim, gọi là tằm lông nhặm. Xắc nhỏ lá dâu, rắc lên tờ giấy bổi có tằm lông nhặm, chúng sẽ
bò lên lá dâu để ăn. Dùng lông cánh gà, phủi trên tờ giấy bổi, đẩy dâu và tằm qua mội cái nia. Cho tằm ăn mỗi
ngày 6 lượt. Chúng lớn rất mau. Sau 3 ngày tằm ngủ lần đầu tiên trong 24 giờ. Thức dậy, tằm được gọi’’ tằm
ăn một’’. Ăn vội vã 3 ngày, ngủ lần thứ hai, cũng 24 giờ, thức dậy tằm trở nên ‘’tằm ăn hai’’. Lại 3 ngày ăn rồi
ngủ. Khi thức dậy là’’tằm ăn ba’’ Từ một nia tằm lông nhặm, tằm ăn ba nằm đầy 10 nong tằm lớn. Chúng ăn
rất bạo, ngày 4 lần, đêm 2 lần. 6 ngày sau đã lớn bằng ngón tay út. Chúng ngừng ăn, ngủ lần chót và khi thức
dậy đã đổi từ màu xanh qua màu vàng óng ánh, có một đường chỉ vàng đậm, nhấp nháy chạy suốt sống lưng.
Mỗi lần ngủ tằm đều thay da. Lần chót thì thay cả màu. Đem tằm rải lên bủa làm bằng cây rang (một loại cây
rừng thấp có nhiều nhánh) ghép lại, để ra ngoài nắng. Tằm chui vào những nhánh rang nhỏ, bắt đầu nhã tơ
làm kén trong một ngày, một đêm. Đêm thì khiêng bủa vào nhà, cứ hai bủa tụm đầu thành chữ V lộn ngược,
rồi đem nồi lửa than để vào giữa, tạo sức nóng như khi ở ngoài nắng.
Có ấm tằm mới tiếp tục nhã tơ không đứt đoạn. Nếu nhả tơ đứt đọan
gọi là’’kén tan’’, lúc ươm tơ, tức là kéo tơ từ kén ra sẽ bị đứt liên miên.
Buổi chiều hôm sau, người ta phá bủa và lột kén ra khỏi nhánh rang gọi
là bắt kén. Kén tốt được giữ lại làm kén giống. Phần lớn bán đi cho
những nhà ươm tơ. Thời Pháp thuộc làng Giao Thuỷ kế cận có hảng
Delignon mở nhà máy ươm tơ đồ sộ (thường gọi là Tiệm Hấp vì Tây
mua nhiều kén, nên phải hấp kén cho nhộng chết đi để ngừa nhộng
hóa bướm, cắn thủng kén, uơm tơ sẽ đứt đoạn), Tiệm Hấp với kỷ thuật
cao, máy móc hiện đại, mua kén làm tơ, xuất cảng về Pháp và Tây Âu
để dệt hàng tơ lụa.
Thủ công nghệ ươm tơ của người Việt đơn giản:Bắt đầu ngâm kén vào nước nóng cho rả chất keo giữa sợi tơ
bao quanh kén. Dùng đủa khuấy kén trong nồi, nhiều sợi tơ quấn vào đũa. Mồi sợi tơ ấy vào một chiếc suốt
xoay quanh để xoắn lại thành một sợi duy nhất. Quàng sợi tơ duy nhất ấy vào trục xa quay. Xa quay cuộn tơ
lại thành lọn. Một đơn vị uơm tơ gồm lò lửa làm bằng đất sét, đặt trên lò là nồi nước nóng, và xa quay. Xa
quay bằng gỗ, gồm con suốt và trục quấn tơ. Con suốt nằm trên nồi nước, có lổ ở giữa cho các sợi tơ xuyên
qua. Mỗi đơn vị ươm tơ có hai thợ: một người khuấy kén trong nồi, mồi tơ vào suốt, một người quay tơ, hai
tay nhuần nhuyễn móc vào tay quay, quấn tơ vào một trục tơ có đường kính độ 50 cm. Tay quay cũng chuyền
vận chuyển xoay tròn cho chiếc suốt bằng một dây chuyền (courroie)
bằng thao. Thợ quay tơ cũng có nhiệm vụ đun củi vào lò. Thuở nhỏ tôi
thường thế chỗ thợ quay tơ khi cần. Đó cũng là dịp vận động giải trí
và giúp công việc gia đình. Khi trục đầy tơ thì tháo ra làm thành một
lọn. Lọn tơ được bán cho các nhà dệt lụa. Một sản phẩm phụ của
ươm tơ là thao. Thao là những sợi tơ gồ ghề, không suông sẻ, quá to,
hoặc kéo ra từ kén tan. Vải thao bền, rẻ tiền cho người lao động mặc.
Lụa thì mắc hơn dành cho nhà giàu. Thời đệ nhị thế chiến, vì giao
thông đường biển bị gián đoạn, vải Tây không nhập cảng, người ta
biến chế thao thành đủi để may âu phục.
Kén xoay trong nồi nước nóng cho hết tơ. Con nhộng tức con tằm đã
biến hình trong ổ kén, rơi xuống đáy nồi. Nhộng ăn ngon và bổ. Nhất là trộn với mít non. Thời Trung cổ, nước
Tàu nổi tiếng về tơ lụa, mà vua chúa, quyền quí Âu Châu ưa chọn, nên có đường buôn tơ lụa nổi tiếng, xuyên
vùng Trung Á. Nhộng ở trong kén giống, biến hình một lần nữa, hóa thành bướm. Bướn cắn thủng kén, bò ra
ngoài đẻ trứng trên những tờ giấy bổi người ta để sẳn. Một vòng biến hóa khác bắt đầu.
Quê hương tôi là kỷ niệm làm tằm. Cho tằm ăn trong đêm khuya khoắc, giữ bủa kẻo chim ăn tằm, giữ lửa
dưới bủa ban đêm hoặc những ngày mưa, làm bủa, bắt kén, ươm tơ, là những kỷ niệm khó quên. Con cái phụ
cha mẹ trong việc tằm tang, khi đi học về, hoặc những ngày nghỉ. Các chị tôi bỏ học rất sớm, để thành thợ hái
dâu, ươm tơ, dệt thao, lụa, làm phát đạt kinh tế gia đình. Con nhà nghèo cũng thế. Ở thôn quê thời ấy, trong
nam khinh nữ: con trai đi học, con gái ở nhà phụ giúp cha mẹ. Nếu các chị tôi được đi học, thì cũng có học
vấn cao. Tội cho các chị vì tập tục mà phải thiệt hại cả một đời. Ơn các chị góp công của cho tôi thành danh,
tôi chẳng bao giờ dám quên và cố gắng đền đáp
Tôi nhớ từng con đường làng, nhà nào của ai. Nhất là con đường chính xuyên qua làng, trên ấy có cống và
cầu ông Xã Định, ông nội tôi. Cống bằng gạch xây vòm cong rất bền và vững chải. Cầu bằng gỗ lim. Ngoài ra
ông còn xây các nhà võ (điếm canh mà dân Quảng gọi là nhà dõ) bằng gạch ngói. Nhà võ là nơi trai tráng
trong làng ngủ đêm canh gác. Nhờ vậy con trai họ Phùng được miễn tạp dịch trong làng. Giữa làng có một
ngã ba, có hai cây bông gòn rất cao. Về mùa đông loại dơi chúa đeo tòn teng trên nhánh trông dễ sợ. Ngã ba
gồm một đoạn đường cao quanh cây gòn, và hai đoạn dốc nối với đường lên xóm trên. Ở giữa là một bãi cỏ
nhỏ tam giác nghiêng, mà trẻ con đẩy nhau trượt.
Bùng dâu là phần đất thấp của làng, không có nhà ở, lụt nhỏ cũng bị ngập, bề ngang chỗ rộng nhất chừng
1000m, bề dài chừng 2.000m. Dâu mọc rậm, cao quá đầu người. Trai gái trong làng hay hẹn hò nhau trong
nương dâu, hoặc hát chòng ghẹo nhau lúc hái dâu. Những câu hò vang vọng trong gió nắng buổi chiều, gây
cảm xúc vui tươi cho người nghe. Một nữ xướng:
Ai đi thơ thẩn ngoài sân
Lấy dây trói lại hỏi dân làng nào
(thơ thẩn trước sân nhà nàng, mong gặp nàng, mà nàng dọa trói)
Một nam đáp ngay:
Dân làng nào cũng thể dân vua
Dân tôi mất mùa, xin xỏ các cô
(chữ xỏ thật hài hước, có thể làm các cô đỏ mặt)
Tuy trai gái gần gụi, tình tứ với nhau “trên bộc, dưới dâu” như cụ Nguyễn Du nói, những đôi lứa ấy thường kết
thúc thành vợ chồng. Nói chung từ sáng sớm đến tối mịt, người trong làng tản mác dưới dâu xanh, lo hái dâu,
trồng tỉa bắp đậu, thu hoạch mùa màng, hít thở mùi thơm lá dâu, hóng gió mát từ bờ sông thổi lên, lòng thư
thái hưởng sự thanh bình an lạc thôn dã. Tất cả nhà dân đều ở trên vùng đất cao mà khi xưa là bờ sông. Từ
nhà ra sông không xa, nên người làng thường ra sông tắm và giặt giũ, dắt theo trẻ em để chúng đùa dỡn dưới
nước hoặc trên bải cát vàng mịn.
Tắm sông để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Dòng sông nhấp nháy dưới nắng, nước trong vắt, mát mẻ,
vỗ về thân thể. Những năm trung học, ở nội trú, tắm dưới vòi sen, phải
chờ đợi đến phiên mình, phải vội vội vã vì thời gian có hạn, nên những
kỳ hè về quê tắm sông là cả sự tự do, thơ mộng, thích thú. Bơi lội thả
dàn, thường là bơi qua bờ sông bên kia, rồi bơi trở về. Mệt thì bu vào
be ghe đò ngang chở khách làm ghe nghiêng đi. Ông lái đò, người làng
Tư Phú bên kia sông, hay dùng sào đẩy tôi ra. Sau nầy lúc làm việc tại
bệnh viện Đà-Nẵng, một hôm tôi thấy ông nằm ở tiền phẫu. Ở vùng
giao tranh, ông bị bắn gảy xương đùi, và trực thăng đã đưa ông về cấp
cứu bệnh viện. Tôi đã chữa lành cho ông và khi xuất viện, ông nghẹn
ngào nói với tôi: ”tôi đã đối xử không tốt với bác sĩ năm xưa, thế mà bác
sĩ tận tình cứu tôi”. Thật ra mình đâu có oán hận gì ông ta đâu. Cứu
người là nỗi vui trời ban cho rồi. Sông Thu là một sông trẻ, nước chảy xiết, cứ 5,6 năm lại đổi dòng, xói lở
những bờ sông thẳng đứng, và bồi vào đáy sông phía dưới, khiến đáy sông trồi lên thành bải đất màu mỡ.
Ông nội tôi đã làm giàu nhờ mua ruộng ở đáy sông với giá rẻ. Đến khi đáy sông trồi lên, trồng trọt thành biền
dâu, lợi tức vô kể. Họ Phùng lập nghiệp ở làng Túy La chừng 7 đời. Trong cuộc ly loạn quá khứ, có một bà mẹ
bồng đứa con trai đến xin tá túc trong làng:
Cậu bé họ Phùng cùng với mẹ,
bơ vơ lưu lạc đất Túy La.
Mấy đời lập nghiệp nên giàu có
Nhà cao, cửa rộng, thật nguy nga
Cháu con đông đúc nên ghi nhớ
Công ơn, lộc phúc của ông bà”.
Đó là lời ghi trên mộ bia nghĩa địa bằng chữ Hán, con bác tôi đã dịch ra.
Lúc tôi 12 tuổi, cả họ tôi chừng 40 người. Ông nội tôi đều cho năm người con trai, mỗi người một cơ ngơi gồm
một nhà ngói khang trang giữa vườn rộng đầy cây trái ngon ngọt, nhất là chuối, thơm và mít.. Chuối ngon có
ba tiêu, chuối sứ, mít ngon có mít nghệ hoặc mít ướt. Riêng ông tôi ở trong một dinh cơ rộng lớn, có cổng vào
bằng ngói, với cửa gỗ lim chắc chắn. Nhà khách gọi là nhà tiền đường, xây lối tây, có hàng hiên chung quanh,
mái bằng phẳng lót gạch như một cái sân giữa trời, mà lúc nhỏ tôi hay rủ bạn bè leo lên đó chơi. Cửa sổ
phòng khách đều lắp kính. Có hai bộ tràng kỷ bằng gụ bóng loáng và chạm trổ công phu, để tiếp khách. Sau
hai cuộc chiến tranh, tất cả đều ra bình địa, nhà cửa đổ nát. Hai bộ trường kỷ được bác tôi mang ra Đà-Nẵng
bán với giá cao. Con cái thì tản lạc 4 phương, Mỹ, Úc, Canada. Trong làng chỉ còn người con chú tôi, bị bệnh
Down, không bình thường, nhưng lanh lợi, trở lại làng cũ với gia đình 5 con, nghèo khó, không có vườn ruộng,
mặc dù chúng tôi đã ký giấy cho nó một bó trích lục thời Pháp thuôc, chứng minh sở hữu 10 héc-ta thượng
đẵng điền. CS đã tước đoạt hết đất đai sở hữu của họ Phùng khổ công gầy dựng.
Xem như sau quốc hận 30-04-75 chút tăm tiếng địa phương, của họ Phùng đất Tuý La chìm dần vào quên
lãng. Ông nội tôi từ một thợ nhuộm nghèo cần cù, bỗng nhiên giàu có, mà dư luận cho rằng ông đã may mắn
đào được hủ vàng Hời (tiếng quê gọi người Chiêm Thành) ở trong vườn. Nhưng một điều thực tế là ông đã bỏ
tiền ra mua đất dưới sông như trên đã nói, và làm giàu nhờ nông tang. Nhưng ông tôi cũng có óc thương mãi.
Ông mua gạo từ Sài-gòn về bán cho dân, và càng giàu thêm. Một năm nước lụt lớn, xà lan của ông chở gạo
từ Đà-Nẵng về, va vào cột cầu hỏa xa ở Cẩm lệ. Trụ cầu đổ và ông phải bồi thường nặng cho hỏa xa. Sau tai
nạn đó ông cũng giảm thiểu buôn gạo. Tuy nhiên ông vẫn còn giàu, và thường phát chẩn mỗi khi mất mùa có
nạn đói. Mẹ tôi kể lại là dân làng Tuý La và lân cận sắp hàng dài để lãnh gạo và cá khô hoặc mắm. Con, dâu
họ Phùng đứng ra tổ chức phát chẩn. Nhưng cũng có người tham lam, lãnh xong lại ra sắp hàng trở lại ở cuối
hàng, để nhận bố thí một lần nữa. Muốn tránh trường hợp gian lận đó, những người phụ trách phát chẩn phải
có sẵn một chén lọ nồi trộn với mỡ, ai lãnh gạo xong, thì bị quẹt lọ nồi trên trán. Bị đánh dấu như thế không ai
dám gian lận nữa.
Mẹ tôi cũng bảo là con cháu họ Phùng được hưởng nhờ rất nhiều về ân đức ông nội để lại. Trước khi chết
ông còn đem hết văn tự vay tiền của đồng bào nghèo trong làng và các làng chung quanh ra đốt và thông báo
cho họ biết. Năm 1945, khi ông biết Cộng Sản đã thành công thiết lập các cơ sở cách mạng tháng Tám, ông
bèn giết bò heo, chiêu đãi cả làng xóm ăn uống trong ba ngày, với dụng ý mua chuộc bọn Cộng sản đối xử tốt
với con cháu họ Phùng. Nhưng ông đã tính sai, vì với người Cộng sản, không có tình nghĩa, họ đã triệt hạ địa
chủ phú hào mặc dù họ được nhà giàu chu cấp đóng góp rất nhiều trong Kháng Chiến.
Kỷ niệm ấu thời không thể không nhắc đến ông Hương Mễ hay dọa trẻ con. Ru con không chịu ngủ thì nhát
nó: “ngủ đi không thì ông Hương Mễ bắt ăn thịt”. Một lần tôi chạy theo mẹ đi chợ, mẹ bảo về nhà, nhưng tôi cứ
đòi theo. Gặp ông hương Mễ, ông múa tay múa chân, dọa bắt, tôi chạy về nhà trối chết. Ông Mễ là hương
dịch trong làng. Khi có chỉ thị cấp trên, ông đi khắp làng, gỏ một hồi mõ cho mọi người chú ý, rồi ráng gân cổ,
mặt đỏ tía, rao truyền lệnh cấp trên. Có bà Đá, không bà con thân thuộc, điên nhưng không phá phách ai,
quanh năm ngủ trong điếm canh, tối vào bếp người ta ăn cắp đồ ăn. Người trong làng biết thế nên thường bỏ
lại ít cơm, canh dưới bếp, gián tiếp cho bà. Năm chiến tranh điếm canh bị cháy, và bà chết trong lửa. Một kiếp
người tối tăm, chết đi trong thảm họa, không bà con thân thuộc, không để lại luyến tiếc cho ai!
Người dân quê làng tôi, cũng có óc hài hước, diễn tả qua những câu hát ngộ nghĩnh:
Hỡi cô gái ở xóm ngoài,
có cái khuôn đúc con nít mượn hoài không cho.
Cô gái xóm ngoài hiền thục thật. Thời nay, nhất là xứ Tây phương, mượn khuôn dễ quá.
Có những câu hát bóng bẩy, mà lúc nhỏ tôi chẳng hiểu gì cả:
Tối tăm không đuốc, không đèn,
đàn ông bận lộn quần đen đàn bà.
Tối tăm bận lộn quần là chuyện thường. Lạ ở chỗ quần đàn bà ở đâu mà có?
Có những câu hát ru em thật thơ mộng:
“làm nhà ở dựa bực sông,
“đêm nghe con cá quậy, ngày trông con chim gù”.
Cũng có những câu hát nghe bác học, chắc do một ông đồ nho sáng tác:
“Cuộc chi vui bằng cuộc ăn chơi
“Không phong lưu cũng trải mùi đời
“Nhân sanh quý thích chí, của ông trời dành cho
“Giàu như Thạch Sùng của chất đầu kho
“Chớ khó như ông đình trưởng có một chiếc đò
“làm nên sư nghiệp vạn thặng trời cho mấy hồi..
Nghe ru em, tôi thuộc vô số câu hát quê hương làm giàu trí tưởng tượng trẻ thơ, tình yêu đồng loại, ý niệm dại
khôn, đối xử ở đời:
người nói to thường lo không phải
nguời nói dại ai cải làm chi
Có những bài hát hài hước:
Ngồi buồn nói chuyện láo thiên
Nói hồi nhỏ tôi có đi khiêng ông trời
Ra đường thấy muổi đớp dơi
Bọ hung đám giỗ đi mời ông vua…
Có bài hát về người con gái đa tình, đa duyên:
Một thương em nhỏ ngón tay
hai thương em bậu vá may yếm đào
ba thương không thấp không cao
bốn thương em bậu miệng chào có duyên
Năm thương má núng đồng tiền
Sáu thương em bậu có duyên đậm đà
bảy thương em số nguyệt hoa
Tám thương em bậu vì ta phải lòng
Chín thương em có má hồng
Mười thương em bậu không chồng có con
Mười một vú hãy còn non
Mười hai vú dậy, vú tròn như vung
mười ba lấy lão đóng thùng
bước qua mười bốn trong lòng đậu thai
mười lăm sinh đặng một trai
bước qua 16 là hai đời chồng
17 em còn ở không
bước qua 18 lấy chồng đang giêng
19 lấy gã đóng thuyền
20 lấy lính quan quyền hầu vua
21 lấy anh câu cua
22 qua chùa lấy lão thầy tu..
Kết cục lấy đủ 100 chồng:
100 năm, 100 tuổi, 100 chồng
mà duyên không lạt, má hồng không phai
(có những năm, lấy 3 chồng).
Nghe ru em, hát ví, tôi nhập tâm và cũng biết cách hát. Giọng hát đất Quảng có những nét đặc biệt khác với
hát quan họ, hò Huế, ca vọng cổ v…v… mà mỗi lần nghe, tâm tư chùng xuống, nhớ thuở hoa niên thắm thiết ở
quê nhà. Vả lại tiếng Quảng có những âm sắc xuề xòa, chất phác, là đầu đề cho các tỉnh khác chế nhạo như
“en không en, tét đèn đi ngủ” (ăn không ăn, tắt đèn đi ngủ). Hò Quảng cũng có những âm sắc ấy.
Kỷ niệm quê hương cũng là kỷ niệm đi học. 6 tuổi, tôi đến trường thầy
giáo Tựu (cũng có tên là giáo Lịnh) để học vở lòng cùng với chị tôi.
Không có sách giáo khoa, thầy giáo viết các chữ cái to lên vở cho học
trò. Hể thuộc thì lên trả bài, và thầy viết chữ mới đem về chỗ học tiếp.
Chị tôi chăm chỉ và học nhanh hơn tôi, nên tôi thường lấy tay chận chữ
trên vở chị tôi không cho học thêm, đợi tôi học thuộc bài rồi hai đứa
mới lên xin thầy viết chữ mới. Vì thương em và sợ tôi khóc, nên chị tôi
chịu nhịn để tôi lấn lướt. Chừng ba tháng thì chúng tôi đã thuộc hết
vận xuôi (như ba, bă, bâ v…v… và vận ngược (ai, aoi, âu v…v… và biết
đánh vần đọc chữ. Thầy lại viết những bài thơ ngắn để đọc và học
thuộc lòng như bài “Công ơn cha mẹ”:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Vì không biết nguồn là gì, khi trả bài cho thầy tôi lại đọc “Nghĩa mẹ như nước trong buồng chảy ra”. Thầy bắt
phải học lại và trả bài lần thứ nhì. Cũng từ đó tôi bị các trẻ em khác nhạo cười, nhất là các chị tôi. Một năm
sau, tròn 7 tuổi, tôi đã biết viết và đọc và 4 phép tính. Cha mẹ tôi vì thấy người con đầu có lẽ vì chứng
hyperactif, không chăm chỉ học hành, phải bỏ dỡ về làm ruộng, nên gửi gắm tôi theo học dượng Tú Tăng là
hiệu trưởng một trường tiểu học công ở Ninh Hòa (ông có bằng thành chung và tốt nghiệp trường Sư phạm
giáo viên tiểu học). Ông thuê một căn nhà lớn, chứa 8 người cháu gửi theo ông để học như tôi, nhưng họ đều
lớn hơn tôi và ăn hiếp tôi quá chừng, bắt tôi hầu hạ và có khi đánh tôi. Tôi đã tóm tắt việc học lúc nhỏ với bài
thơ gửi bạn Lương vĩnh Thành nay định cư ở Atlanta:
Gửi bạn Lương Thành
Chúng mình biết nhau từ thưở nhỏ,
Cùng học thầy Giáo Lịnh, trường làng.
Thuở ấy tên bạn là Lương Tần,
Đi đôi với một bạn khác là Lương Chiến.
Trường tư nghèo nàn, thiếu phương tiện:
Bàn ghế đơn sơ, dưới chái nhà tranh.
Vài chục trẻ em chân đất, đánh vần,
Đứa đứng, đứa ngồi, ê a sớm tối.
Tôi rời trường lúc lên 7 tuổi,
Đọc sách đã thông, biết tính cộng trừ.
Cha mẹ tôi, thất vọng người anh đầu,
Chỉ ngỗ nghịch, học hành dang dỡ.
Muốn cho tôi có tương lai rạng rỡ,
Gửi tôi theo học dượng tú Tăng.
Ông là hiệu trưởng một trường công,
Ở tận Ninh Hòa xa xôi cách biệt.
Ngày tôi lên xe hỏa ga Kỳ Lam mà đâu có biết.
Thấy mình vào căn nhà có bánh xe.
Chen lấn nhiều người, nửa tỉnh nửa mê,
Trong suốt một ngày ngủ gà ngủ gật.
Đến tối ra khỏi xe ở một nơi khác.
Tôi tưởng căn nhà ồn ào ấy đứng yên.
Té ra nó đã hồng hộc chạy như điên,
Trên quảng đường xa xôi lạ hoắc.
Cuộc đời mới của tôi có nhiều nước mắt,
Thường ra sau hè nhà trọ, khóc cô đơn.
Nhớ mẹ cha, anh chị thân thương,
Nhớ lũy tre xanh, bùng dâu xanh ngát,
Nhớ trưa hè tắm sông thoáng mát.
Ở đây giữa kẻ lạ, người dưng.
Ai cũng lớn hơn mình, ăn hiếp quá chừng.
Dượng dì thì quá hững hờ, bận rộn.
Một năm qua mau, tuổi thơ đang lớn,
Ăn, ngủ, đến trường, loáng thoáng qua mau.
Cuối năm lớp năm, vui sướng lên tàu,
Sắp hưởng một mùa hè với gia đình, làng xã.
Cha mẹ tôi ngắm đứa con học xa về buồn bã:
Ốm yếu, da xanh, đầu gối huỷnh ra sau.
Đã chọn bà con gửi gắm, có ngờ đâu.
Họ đã thả nổi con minh không chăm sóc.
Từ biệt Ninh hòa, năm sau tôi học
trường Tám Trinh ở xã Điện Hòa.
Là trường tư kế cận Túy La,
Khoảng cách chừng một cây số.
Tôi với Trần Diên sớm chiều lội bộ,
Bốn mùa mưa nắng đi chân không,
Nón lá, áo tơi, bùn tới gối mùa đông.
Chân vàng bụi mùa hè, chạy đua cùng bạn.
Đôi khi cũng xảy ra đánh lộn
Với học trò Đa Tuý chung đường.
Đến giếng Chùa xóm dưới thì ngừng,
Ghé thăm bạn Chiến Tần gánh nước.
Học hết chữ thầy Tựu, nhà nghèo, nên nghỉ học
Nấu bếp, hái dâu, mới mười mấy tuổi đầu.
Bạn hỏi tôi chuyện trường lớp vài câu,
Rôi hối hả gánh nước về kẻo tối.
Tôi đậu yếu lược năm 10 tuổi,
Vào lớp nhì nhất tiểu học trường công
tận Phong Thử cách nhà vài dặm đường.
Ba năm sau đậu bằng tiểu học,
Rồi ra Huế thênh thang tiến bước.
Vào nội trú trung học Pèlerin.
Năm thứ nhất học chưa hết năm.
Đảo chính Nhật, chạy về quê cũ
Kể từ đó học hành dang dở
Cách mạng tháng 8, rồi kháng chiến chống Tây
Ở quê chăn trâu, lùa trâu đạp nước hàng ngày
Tưởng chôn chặt tương lai vào nương dâu gốc rạ.
Nhưng vận mệnh đã mĩm cười trở lại
Nhiều vận may mở rộng tương lai…
…..
Làng tôi cũng nổi danh dưới triều Nguyễn: “khen ông Thủ Quyển 5 con thi đậu. Đất Tuý La rạng tiếng danh”.
Năm anh em một gia đình đậu tú tài, cử nhân cùng một lúc. Chuyện hãn hữu nầy khác với với “Ngũ phụng tề
phi”, là 5 nhân vật xứ Quảng, xuất xứ từ nhiều quận huyện khác nhau, đậu Tiến sĩ, phó bảng cùng một khoa
thi và được vua khen tặng bảng vàng “ngũ phụng tề phi”.
Như bài thơ trên kia đã nói, tôi đã học vỡ lòng và 6 năm tiểu học dưới thời Pháp
thuộc: lớp năm ở trường công Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), lớp Tư và Ba ở trường tư
Tám Trinh. Ông tên thật là Nguyễn hữu Trinh, chỉ có bằng tiểu học, gọi là bằng ri-me
(primaire). Ông gia nhập đảng CS vào thời ấy và sau nầy đổi tên là Nguyễn xuân
Hữu, Ủy viên Trung ương đảng CS, và có một thời là phó chủ tịch nước, phụ tá Võ
chí Công. Chương trình học đến lớp ba hoàn toàn tiếng Việt. Cuối năm lớp ba đi thi
để lấy bằng yếu lược. Thi đậu bằng yếu lược là đã học qua các sách tập đọc, luân lý,
sử ký, địa dư, do nhóm học giả Trần trọng Kim và Lê Dư soạn, trong đó có những bài
nhớ muôn đời “Ai bảo chăn trâu là khổ”, “ngày tựu trường”,”công ơn cha mẹ”,”thầy
Mẫn tử Khiên”, “Cảnh biệt ly” v…v… Nhiều thế hệ đã được dạy dỗ qua loạt trước tác
“giáo khoa thư” của những học giả nhận trọng trách đào tạo thiếu nhi Việt. Ảnh
hưởng giáo khoa thư in đậm trong tâm hồn tôi, và hướng dẫn tôi xuyên qua thử
thách cuộc đời.
Ở trường tư Tám Trinh, lại học thêm vỡ lòng tiếng Pháp, để chuẩn bị cho lớp nhì nhất. Ba năm kế tiếp tôi học
ở trường tiểu học công lập Phong Thử, môn Pháp văn trở thành quan trọng, mỗi ngày đều học một bài trong
sách “livre unique”, gồm ba quyển. Mỗi quyển dành cho mỗi lớp theo thứ tự lớp nhì nhất, nhì nhị và lớp nhất.
Đó là thời thống chế Pétain đã đầu hàng Đức quốc xã Hitler. Học sinh phải học thuộc lòng các bài huấn thị yêu
nước Pháp của thống chế. Mỗi sáng chào cờ mẫu quốc và cờ vàng chữ ly, đồng ca: “Maréchal, nous voilà.
Devant toi, le sauveur de la France”…Tiếp đó hát bài: “kìa núi vàng, bể bạc. Có sách trời, sách trời định phần”
… Tuy nhiên tuổi nhỏ cũng bị ám ảnh bởi Hitler mà chúng tôi đọc là Hít-Le, và có trò chơi là hỏi bạn đã thấy
Hitler chưa. Khi bạn nói chưa thì hít mạnh vào một cái rồi lè lưỡi ra. Trò chơi nhạt nhẽo thế mà cứ lặp đi, lặp
lại hoài. Đó cũng là thời ham đọc “Tự Lực Văn Đoàn” say mê chàng Dũng bỏ gia đình đi theo lý tưởng yêu
nước, thích tranh trào phúng Lý Toét, Xã Xệ báo Phong hóa, cùng những bài ngụ ngôn Tú Mỡ.
Phong Thử cách nhà 3km. Mấy tháng đầu tôi và một bạn học cùng làng tên Trần Diên
còn lội bộ đi học. Ra đi từ sáng sớm với cơm gói mo cho buổi trưa. Chiều về đi thong
thả hơn. Tối làm bài, học bài dưới ngọn đèn dầu tây vừa hiu hắt, vừa dễ làm bẩn sách
vở. Sau đó cha mẹ tôi phải gửi tôi ở trọ nhà người bà con gần trường, chỉ về nhà vào
cuối tuần. Những đêm ngủ nhà trọ thật buồn và cô đơn, nhất là vào những đêm đông
mưa rả rích, nhớ nhà khóc thút thít, rồi rơi vào giấc ngủ trẻ thơ mà không hay. Những
năm nầy cũng có kỷ niệm đi chơi tập thể thăm tháp chàm Mỹ Sơn bằng thuyền trên
sông Thu bồn, hoặc đi bộ thăm tháp Bằng An, đón đoàn cua rơ xe đạp Ducroix trên
quốc lộ Vĩnh Điện. Trong lúc đi đường hát những bài đã học hát ở trường như: “une
fleur au chapeau, à la bouche une chanson. Un coeur joyeux et sincère. Et c’est tout
ce qu’il faut à nous autres bons garcons…(một đóa hoa cài trên mũ, một bài hát trên
môi, một trái tim vui và thành thật. Đó là những điều thiết yếu cho những đứa em bé ngoan..) Tuổi trẻ vô tư rồi
cũng qua mau, dễ ăn, dễ ngủ, và dễ hòa đồng với bạn bè vui chơi thỏa thích. Thuở nhỏ có những cuộc đánh
lộn tập thể giữa trẻ em xóm giữa và xóm dưới: trên trời trăng sáng vằng vặc, dưới đất từng cặp xáp vào nhau
đô vật hoặc quyền cước, chọn người vô địch. Cũng có những trận xáp lá cà đánh nhau bằng gậy gộc. Nhưng
vẫn sợ bị thương tích, kinh động đến người lớn, nên chỉ đập gậy xuống đất khí thế hung hăng. Phải chăng là
máu nóng của Đinh bộ Lĩnh tập trận vẫn còn rơi rớt trong tâm hồn thiếu nhi Việt.
Đậu xong bằng tiểu học, học sinh có thể ở nhà. Song thầy giáo vẫn còn dạy thêm vài tuần cho hết niên khóa,
chủ yếu là tiếng Pháp để chuẩn bị vào Trung học, nên chỉ học toàn tiếng Tây. Ngoài ra là những buổi tâm tình
kéo dài luyến tiếc giữa thầy trò. Một bửa ăn giữa thầy lớp nhất và học sinh thi đậu tiểu học kết thúc năm học.
Lúc ra về, thầy bắt tay từng em nhỏ, với vài lời khuyến khích. Các em nước mắt lưng tròng cúi đầu chào thầy
rồi chạy biến đi kẻo nước mắt tuôn rơi lả chả.
Cha mẹ tôi đã chuẩn bị cho tôi hành trang vào trung học ở Huế. Trong làng có vài người vào Sài-gòn làm ăn.
Khi có tiền, họ về quê mua đất sinh sống. Họ bán đi những áo quần thành thị của con họ đồng lứa tuổi với tôi
để kiếm thêm tiền. Mẹ tôi đã mua những bộ đồ tây, mà tôi nhớ nhất là bộ đồ thủy thủ trẻ em trắng toát với
những đường viền màu xanh và đôi giày da mới. Vì đi giày không quen, tôi bị sướt gót chân. Đi chân không
thoải mái hơn nhiều! Lại bận thêm áo sơ-mi và quần sọt. Ra đường tôi vừa ngượng nghịu, vừa hãnh diện, khi
các em bé khác nhìn tôi với đôi mắt kinh ngạc. Tôi xem mình như một chàng trai non, nay đã lớn, không còn
lêu lổng chơi đùa nữa, miệng ngâm nga bài thơ của Xuân Tâm từ Huế về quê nghỉ hè:
Sung sướng quá, ngày cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ..
Tôi thua Xuân Tâm, vì chưa có kỳ hè nào được nhảy nhót trọn 90 ngày, vì Cách mạng tháng Tám và chiến
tranh kéo đến, tuổi thơ cũng khổ đau với vận nước điêu linh gây ra bởi những tên bán nước cho Cộng
sản quốc tế . Thi sĩ Xuân Tâm ở cách làng tôi độ 5 km. Sau nầy khi tản cư vào Bình Định gia đình ông ở cận
nhà tôi. Ông là thầy phán tòa Khâm sứ Huế. Thời Kháng Chiến là công chức Hành Chánh Liên khu V. Cũng
như thi sĩ Nam Trân. Họ là những học sinh Quảng ra Huế học, bị chế nhạo là ‘’học trò trong Quảng ra thi, thấy
cô gái Huế bỏ đi không đành’’, nhưng rất mến mộ đất thần kinh, đã để lại cho thế hệ sau hình ảnh ‘’Huế đẹp
và thơ’’. Thời bé ở quê nhà, mặc dù sống dưới thời Pháp thuộc, song tôi chưa hề thấy ông Tây, bà Đầm nào.
Chỉ thấy hương lý mà đại diện là ông Hương Mễ dọa trẻ em. Khi ra Huế thì tôi gặp rất nhiều Tây, Đầm. Ông
hiệu trưởng trường Pèlerin là một ông Tây hiền lành râu dài, áo thụng đen. Các thầy dạy cũng có vài người là
Tây. Họ dạy mình toàn những điều chân thiện mỹ và cả lòng yêu nước như bài ‘’Buổi học cuối cùng’’ của
Alphonse Daudet. Lớp 6ème, chúng tôi học tác giả nầy, với những truyện ngắn trong Lettres de mon moulin
(truyện viết trong nhà máy xay gió), thơ mộng, dịu dàng, say mê. Anatole France với bài ‘’ngày tựu trường’’
đầy cảm xúc. Thế giới tiến bộ, khoa học cũng mở rộng trước mắt cậu nhà quê non nớt, háo hức tiếp nhận.
Nội trú trường Pellerin là cả một thế giới khép kín, kỷ luật, chăm chỉ
học hành. Chuông sáng ngân nga, đánh thức tôi dậy. Phòng ngủ
chung (dortoir) nội trú ở tầng ba của một căn nhà dài với chừng 200
học sinh, bổng ồn ào như ong vở tổ. Các sư huynh trật tự dứng rải rác
các lối đi. Vội vàng đi đến lavabo và nhà vệ sinh ở hai đầu dortoir để
rửa ráy, tắm hoặc đi cầu. Rồi vội vã về bận quần áo, xếp đặt gọn ghẻ
giường nằm. Các sư huynh hướng dẫn xuống nhà ăn (réfectoire). Ăn
xong được ra sân chơi đi dạo 15 phút. Học sinh ngoại trú cũng bắt đầu
vào sân. 8 giờ chuông đổ, ai nấy sắp hàng vào lớp. Trường có lớp từ
6 èm đến lớp 1 ère. Tôi học lớp 6 èm. Với trí nhớ tốt và có khiếu toán,
tôi là một trong những học sinh đứng đầu lớp. Sư huynh Gonzave dạy toán rất thương tôi và hướng dẫn tôi đi
vào đường tu trì. Nếu không có đảo chính Nhật, có lẽ tôi đã vào tiểu chủng viện Nha Trang và trở nên sư
huynh trong tương lai.
Sau hai giờ học đều được ra sân chơi 15 phút. Trưa chuông đổ, đi ăn cơm rồi lên dortoir ngủ trưa (sieste).
Buổi chiều lại vào lớp. Tối đến sau khi ăn tối thì vào phòng học (études). Mỗi phòng có một sư huynh phụ
trách. Trong im lặng và dưới ánh sáng đèn điện, học sinh nội trú chăm chỉ học bài và làm bài trong 45 phút.
Chuông báo giờ ngủ. Lại sắp hàng lên dortoir (phòng ngủ chung học sinh nội trú), 15 phút tắm rửa, đánh răng
rồi vào giường ngủ dưới sự kiểm soát của sư huynh trật tự. Đèn dortoir tắt, chỉ còn ánh sáng mờ mờ của đèn
ngủ (veilleuses). Sư huynh trật tự vẫn kiên nhẫn lặng lẽ đi lại giữa các giường cho đến khi học sinh đã vào
giấc nồng. Có một lần khó ngủ, nghe còi xe lửa ở ga Huế rất gần trường dội lại, nhớ nhà quá, tôi ra cửa sổ
ngó qua ga, đã bị sư huynh trật tự véo tai đắt về giường.
Cha tôi là người chuộng học vấn. Ông dẫn tôi ra Huế để thi vào trường Quốc Học Khải Định vào đầu hè 1944.
Nhưng tôi không đậu vì thí sinh thì đông mà số được chọn thì ít. Ông không nản lòng và dắt tôi ghi tên vào nội
trú trường Pèlerin. Sau đó chúng tôi ra về, chờ ngày khai giảng. Lúc ấy xe hoả bị quân đội Nhật trưng dụng.
Cha tôi phải dắt tôi xuống ga An Cựu trong đêm khuya, và chui vào một gon xe chở than. Nào ngờ sau đó có
một toán công nhân người Việt làm cho Nhật, lên gon xe ấy dành cho họ. Hai cha con tôi ngồi lỳ không xuống.
Tên xếp toán công nhân đã bạt tai cha tôi và xỉ vả. Vì sợ tôi phải đi bộ về quê, ông đã ẩn nhẫn, nhường nhịn.
Ông vốn giỏi võ và cường tráng. Bình thường ông đã hạ đo ván tên ấy. Sau cùng xe hỏa hú còi chạy, nên tên
ấy để chúng tôi yên. Đến sáng chúng tôi xuống ga Kỳ Lam bình yên.
Ngày Nhật đảo chính Tây (09 tháng Ba,1945), ông lo lắng cho tôi và phải đi bộ qua đèo Hải Vân đến Huế,
vượt trên 150 km. Ông vào trường Pèlerin dẫn tôi về, vì trường đóng cửa. Lúc đầu cha tôi định đi đường bộ, vì
hoả xa đã bị Nhật trưng dụng. Nhưng sợ tôi đi không nổi đoạn đường xa, ông đã xuống Gia Hội thuê ghe
buồm ra cửa Thuận rồi về Đà-Nẵng bằng đường biển. Từ Đà-Nẵng về quê trên 40km, chúng tôi đi xe kéo.
Chuyến ấy cha tôi phải cực nhọc, phải trả một số tiền lớn cho ghe buồm và xe kéo. Sư hy sinh, lòng yêu
thương của cha mẹ thể hiện trong những hoàn cảnh đặc biệt, làm cho chúng ta cảm kích sâu xa.
Mẹ tôi thì lo cho tôi từng li, từng tí. Nào sắm áo quần, mua sơ mi, quần sọt như kể trên. Lại sắm cho tôi áo dài,
quần dài bằng lụa. Khi đi học Pèlerin, tôi thích bận đồ lụa hơn, vì vừa mát, vừa rộng rải, thoải mái. Ngoài ra
mẹ tôi đã làm bánh kẹo, bới cho tôi riêng một va li đầy ắp vào dịp khai giảng và dịp Tết, nhất là bánh tổ và
bánh in đậu xanh có thể để lâu được. Cả năm nội trú tôi không khi nào phải đói, vì thường có miếng bánh nhỏ
bỏ túi, đem ra ăn trong giờ chơi và chia xẻ cùng bạn thân. Học sinh nội trú cũng hay ăn cắp bánh kẹo tôi, song
tôi không nói gì vì nghĩ mình may mắn hơn họ.
Sau khi Nhật đảo chính Tây, tất cả người Pháp đều bị Nhật tập trung giam giữ. Ở Huế họ bị giam trong trường
Thiên Hựu (Providence). Nhật giao quyền cho vua Bảo Đại. Vua lập nội các Trần trọng Kim trong đó có
những nhân vật khoa bảng nổi tiếng thời bấy giờ mà CS gọi là chính phủ tiểu tư sản. Nhưng thật ra là
những nhà yêu nước có lập trường quốc gia. Trong một thời gian ngắn chính phủ cho mở trường lại.
Nhóm quốc dân đảng Quảng Nam đã lấy trường Tiểu học Hội An mở trường trung học công lập đầu tiên ở
tỉnh nhà lấy tên là trường Phan chu Trinh, có chương trình học hoàn toàn tiếng Việt, gọi là chương trình
Hoàng xuân Hãn, bấy giờ là bộ trưởng Giáo dục. Cách mạng tháng Tám giải tán chính phủ Trần trọng Kim,
vẫn giữ nguyên qui chế trường, song giữa các giáo sư đã có sự chia rẽ, một bên theo Quốc dân Đảng, cầm
đầu có Hoàng Tăng, Huỳnh Hòa (hiệu trưởng), Vũ Ký v… v… Phía bên CS có Huỳnh Lý, cùng nhiều giáo sư
mới từ Huế vào. Có một lần thầy Hoàng Tăng dẫn sinh viên biểu tình phản đối việc họ Hồ ký sơ bộ cho quân
đội Pháp ra Bắc thế quân Tưởng, thì Huỳnh Lý được lệnh trên chận lại. Hai bên suýt ấu đả trước mặt học
sinh. Cũng thời kỳ này, bạn tôi là Nguyễn văn Báu, sau nầy là nhà văn viết “Đất nước đứng lên” rủ tôi đi rải
truyền đơn Quốc dân đảng. Tôi học Phan chu Trinh niên khóa 1945-46 lớp Đệ lục. Khai giảng 1946 trường
Phan chu Trinh tản cư lên Tân Mỹ, huyện Đại Lộc, rồi khi chiến sự lan tràn chuyển vào Mỹ Khê, Tiên Phước.
Song tôi chỉ học Tân Mỹ được một tháng, rồi bỏ học luôn về nhà chăn trâu làm ruộng.
Thời kỳ thanh bình quê tôi, dân chúng cần cù làm ăn, và vui chơi thỏa thích như vào dịp cúng tế thành hoàng
và dịp Tết với các trò chơi bài chòi, leo cây chuối bôi mở, hát bội, hát chèo v… v… Sau lũy tre xanh, cuộc sống
êm đềm trôi đi, như cuộc sống cô Nhung trong truyện’‘Lạnh lùng’’của Nhất Linh:
‘’Nhung ngắm nghía phong cảnh chung quanh nhà, phong cảnh không bao giờ thay đổi, trong bao năm
nàng nhìn đã quen mắt. Những làn mấy phớt hồng trôi nhẹ sau những thân cau trắng. Mây tuy mỗi lúc
một khác, mà nàng tưởng chiều nào cũng như chiều nào. Cũng vẫn những đám mây hôm qua bay
nguyên ở góc trời cũ. Hình ảnh cuộc đời bằng phẳng của nàng êm ả, nhẹ nhàng trôi theo ngày tháng’’.
Nhưng Cách mạng mùa thu giáng họa trên đầu người nông dân chất phác, chỉ biết nhẫn nhục và vâng
lời. Chiến tranh chống Pháp tiếp theo, gieo tang tóc, đói khổ, tản cư, tiêu thổ, giam cầm. Tai họa kéo
dài đến 30 năm. Có ai còn nhớ lời bài hát « Ngày khởi nghĩa ». Hoặc còn nghe văng vẵng đâu đây:
Ngày khởi nghĩa dân tiển quân đi mùa thu. Sát khí đất mịt mù : dân quân reo hò. Bùng.. bùng..
bùng..dân quân đi xung phong. Trai vùng lên, giáo gươm cùng súng ….Đúng là sát khí tràn lan mịt mù
trên mặt đất, trên quê hương thanh bình, yêu dấu