

Cánh Én Mùa Xuân Có con chim én về đâu đó Gợi nhớ xuân nào nơi cố hương Năm tháng yên bình trong dĩ vãng Bâng khuâng nghe giọng hát lên đường Những khúc bình ca từ cuối ngỏ Ngọt ngào âm hưởng mẹ yêu thương Sông núi bao mùa yên giấc ngủ Chiến tranh ly loạn cõi vô thường Giọt máu anh hùng cho vận nước Chôn vùi xuân với tóc pha sương Cánh én mang niềm vui trở dậy Mùa xuân luân vũ khúc nghê thường Đồng ruộng nào còn trơ gốc rạ Đau lòng chim quốc khóc tha phương Thầm hỏi đêm dài nào gắn bó Trăm con nước đổ lệ sầu vương Cố xứ người về, xuân vẫn đợi Hành trang mờ cả dấu sa trường Dẫu chẳng Kinh Kha soi dấu sử Triệu, Trưng, Phù Đổng với Hùng Vương Lung linh hạt cát trên sa mạc Hay chiếc thuyền con giữa đại dương Ngược thủy triều nước vồ sóng dập Vẫn mơ màng hát khúc ly hương … nguyễn phan ngọc an xuân Nhâm Dần 2022 |
![]() Hoa hồng tặng em Tặng em trăm cánh hoa hồng Nhớ em từ dạo chưa chồng rong chơi Ngày xưa tình vẫn đầy vơi Nắng xuân xanh biếc da trời gấm hoa. Đường xưa vạn nẻo mù sa Nương theo lối nhỏ bóng tà huy bay Sương đêm lạnh buốt đôi tay Lòng như nuối tiếc tràn đầy nhớ thương. Nhớ em áo trắng cổng trường Tung bay tà áo con đường phượng rơi Ngày xưa chung bước dạo chơi Tình còn trong trắng khung trời mộng mơ Lê Tuấn |
Chúc Xuân Tân niên lại đến mỗi gia đình Khai bút làm thơ chúc bạn mình Tài lộc vào nhà vui khấp khởi Bình an gỏ cửa nụ cười xinh Nhà nhà hết sợ con vi rút Chốn chốn mừng vui cảnh thái bình Cuộc sống thanh nhàn ta tận hưởng Nhâm Dần dịch bệnh cũng lui binh Nguyễn thị Thêm |
Ngày Tết Trên Tiền Đồn Nhớ ngày ấy mùa xuân năm bảy bốn Nghỉ Tết nên cô giáo đi thăm chồng Trên tiền đồn chớn chở những hầm chông Chú lính trẻ đưa em vào doanh trại. Anh hành quân phi cơ chưa trở lại. Em buồn hiu nước mắt chảy lưng tròng Xung quanh nhìn sợ quá anh biết không Đó là súng, kia mìn đây lựu đạn. Trực thăng đáp, bụi mù tung tản mạn Anh bước ra giữa chập choạng bóng chiều Áo nhà binh, giày trận bước liêu xiêu Gió xoáy mạnh, máy bay vừa lướt cánh Vòng tay anh ôm em trong nồng thắm Môi tìm môi mặc kệ lính đứng nhìn. Giữa tiền đồn bóng tối vốn đồng tình Mừng sum họp hai vợ chồng mới cưới. Vậy là Tết ăn mừng trong nhà mới Hầm chỉ huy chiếc ghế bố làm giường Em mắc cỡ chẳng dám cho anh thương Sợ lính tráng vào ra quê chết được. Lấy poncho làm màn che sau trước. Được rồi cưng cô giáo của anh ơi! Lính tráng mà, nó đùa phá chút thôi Mai hành quân đụng trận là quên hết. Ngày 28 hỏa đầu quân đi chợ Tết Em theo mua lá, nếp, đậu, thịt heo Gói bánh chưng đỏ lửa nấu một ngày Vớt còn nóng cúng tổ tiên, đất nước. Đêm giao thừa giữa tiền đồn đón Tết Rừng Quế sơn gió lạnh buốt tim gan Mấy thầy trò chúc năm mới vừa sang “Ly Rượu Mừng” anh đàn và em hát. Sáng mồng ba lệnh chuyển quân nơi khác Rầm rập đi cô giáo cũng hành quân Áo nhà binh em nhỏ bé ngại ngần Là vợ lính lần đầu em biết sợ. Tết năm nay Nhâm Dần vào đến ngõ Con gái mình 48 tuổi cọp Quế Sơn Rước anh về mâm cơm cúng buồn hơn Trước di ảnh nhớ ngày nơi chiến tuyến. Nguyễn thị Thêm Tết Nhâm Dần 2022 |
Điệu Blues & Em Người đàn ông da màu với điệu blues nửa đêm Buồn bã như muốn níu những tháng năm cỗi già Từng nốt nhạc tròn trịa réo rắt tôi vỡ vụn Như làn hương của em trộn vị đêm đắm đuối Tôi trải dài cuộc đời suốt con đường sỏi đá Chỉ cố tìm nốt nhạc của hôm qua lỡ mất Tiếng Guitar dang dở như chuyện tình của ta Và câu hát còn đó lời yêu em trao trọn Em là ngày hôm qua là nốt nhạc đã mất Tôi là người du ca nghe điệu Blues thổn thức Ly cà phê còn đó mỗi sớm mai thức tỉnh Mong chờ em ngày mới và sương mai đẫm ướt Nếu còn một ngày vui tôi xin em giữ mãi Một bài Blues nửa đêm trái tim tôi chỉ em Dec 2021 Kim Vũ |
![]() Xuân Nhớ Quê Xưa Mấy mùa xuân trước đã đi qua Những độ mai rơi, gió chuyển mùa Ngọn cỏ nghiêng theo chiều gió chướng Ngày xuân chợt nhớ chuyện xa xưa. Chiều buông tắt nắng bóng sương mờ Xa vắng quê nhà, dạ ngẩn ngơ Thăm thẳm đại dương chong ngóng đợi Lòng buồn tha thiết nỗi bơ vơ. Tiếng vọng tình xuân chợt nhớ nhà Mùa này xa vắng mấy xuân qua Mai già trước ngõ còn đơm nụ Chào đón người về kịp nở hoa. Ngàn dặm lìa xa hồn viễn xứ Chim trời mỏi cánh vội di cư Từ nơi tuyết phủ tìm hơi ấm Tôi đứng trên đồi mộng viễn du. Chân mỏi còn lê trọn kiếp người Từ khi non nước đã thay dời Thời gian cứ tưởng là quên hết Vận nước, âm vang tiếng rụng rời. Nhớ bóng cờ vàng bay khắp nơi Hoa mai đua nở, một phương trời Tự do, hạnh phúc, mừng xuân đến Vật đổi sao rời, nước mắt rơi. Có khóc, lòng đau hận nước non Xin dòng nước mắt chảy vào trong Xuân này xa xứ chưa về được Đau buốt, hồn tan chảy lối mòn. Thì cũng là đau cả giống nòi Riêng gì đau đớn của mình tôi Âm thầm gạt lệ lòng thương nhớ Xuân nhớ tình quê, phận nổi trôi. Lê Tuấn Ngày Xuân nhớ lại thời xa xưa Khi đất nước còn rợp bóng cờ vàng Bài thơ viết lại. 02-09-2022 |

Ngợi Ca Mùa Xuân Đang Về Mùa Xuân Đang đến trong tôi Ngắm Em phơi phới đất trời ngả nghiêng Chào Em bằng tiếng chim khuyên Bằng cung đàn ngọt dịu hiền kém thua Xuân ơi! Thương mấy cho vừa Ta về dệt nốt bài thơ trữ tình … – Vườn xưa hoa bưởi đầy cành Hoa đào hoa cúc hoa chanh hoa Nàng Tóc thơm thoang thoảng một vùng Là Hoa Biết Nói – hẹn cùng xe duyên – Ơi Nàng: Một đoá thuyền quyên Cổ tròn da trắng lại thêm má hồng * Nàng ơi! Anh rất yêu Nàng Ra giêng có cốm Làng Vòng đem Sêu Hẹn Em: Hẹn nhé em yêu Pháo hồng sẽ nổ dòn đều Đón Em Thư Khanh Mùng 1 -Xuân Nhâm Dần ( 2/1/ 2022 ) |
HOÀI VỌNG Đã đành xa mãi quê hương ấy Sao lòng ta vẫn vọng nhớ thương Mặc dù sông núi đang sừng sững Nhưng nhuốm màu tang nỗi đoạn trường Suối chưa cạn sao sầu đáy vực Đất điêu tàn nở nụ héo khô Tuổi thơ lấp bụi hồng năm tháng Có còn xanh lại những ngày mơ Truyện cổ tích bên thềm trăng tỏ Nghe dư âm một cõi xưa về Vọng lại tiếng cười vui thuở đó Áo lụa vàng đưa nhẹ ý thơ Tiếng yêu từ thuở môi còn thắm Tình thơ ngây sao đã muộn màng Em vẫn đứng trông đầy mắt lệ Lòng thiên thu ta hứng đã tràn Còn đó rong rêu bờ ao cũ Bóng hoa xoan rơi nhẹ trước thềm Giọt mưa thu nhỏ từ mái ngói Đêm thơm huyền thoại ánh sao rơi Dặm khách bao la sầu lữ thứ Tóc xanh màu đã độ thu sang Tàn hương bóng đổ xiêu hồn cũ Khói giao thừa trầm lặng mênh mang Dòng sông quê mẹ âm thầm chảy Dưới muôn trùng khóc tiễn con đi Bao giờ hết tủi hờn sông núi Mẹ ơi, con sẽ lại quay về. Lê Mỹ Hoàn |
Một Bình Hoa Xuân Một bình hoa nở hương xuân Đôi gò hé nụ thơm ngần trầm hương Rụng rơi một cánh vô thường Trắng màu hoa tuyết đoạn trường thiết tha. Hạt sương đọng trên lá hoa Áo xưa khép nép tơ ngà sương bay Trời xuân én lượn chân mây Em về hoa nở trên tay nụ hồng. Tình yêu sương khói mênh mông Tuyết rơi phủ trắng cánh đồng trơ vơ Rụng rời nỗi nhớ trong mơ Đợi chờ nơi ấy bãi bờ có nhau. Ngày buồn rồi cũng qua mau Niềm vui lại đến nói câu chân tình Bước chân tìm lại đời mình Ngày xuân uống cạn một bình rượu xuân. Lê Tuấn |
Cánh Bướm Mùa Xuân Anh có biết mùa xuân về rất nhẹ Gió lâng lâng mỗi buổi sáng hừng đông Hơi thở lòng em còn rất khẽ Đợi bước chân anh rộn rã xuân về Anh có biết mùa xuân về rất nhẹ Chim hót vang đánh thức giấc ngủ mơ Em chợt tỉnh và thấy lòng mong nhớ Anh hẹn về mang hoa cỏ mùa xuân Anh hẹn mang về tình tứ cơn mưa Những giọt sương trên mái tóc mây lùa Trải ướt đồi xanh, chim ngàn ca hát Khúc xuân ca tình trổ cánh hoa lòng Đông đã qua em cuộn mình băng giá Cuộn giấc mơ nồng hoa bướm tình xuân Cùng em hoa đã hé nụ hương thầm Mang bao mơ ước tình hồng muôn thuở Xuân đang gọi tiếng lòng em đáp lại Bởi anh là cánh bướm của mùa xuân Xuân đến muôn nơi, xuân của muôn người Nâng chén rượu mừng chúc xuân bất tận. Lê Mỹ Hoàn |
Sáng Tân Niên Sao anh không đến tìm em Rủ đi hái lộc Chùa, trên đường về Mùa xuân thực sự đó tề Tạm quên tâm trạng não nề lưu vong Sống yên nơi Chốn Bụi Hồng Nửa trăm năm đã lạt lòng tha hương Em giờ chỉ có tơ vương Quấn quanh châu thể hoang đường đấy thôi Anh yêu hoàng hạc bên trời Xót thương thân phận cuối đời lênh đênh Sao anh suy ngẫm riêng mình Còn trong tay nỗi u tình ngẩn ngơ Nắng xuân ấm tự bao giờ Cho em khăn áo làm thơ tặng người Đầy trời hoa điểm nụ cười Mùa xuân Trân Quí đón mời tân niên… Cao Mỵ Nhân |
CÁNH BƯỚM MÙA XUÂN Anh có biết mùa xuân về rất nhẹ Gió lâng lâng mỗi buổi sáng hừng đông Hơi thở lòng em còn rất khẽ Đợi bước chân anh rộn rã xuân về Anh có biết mùa xuân về rất nhẹ Chim hót vang đánh thức giấc ngủ mơ Em chợt tỉnh và thấy lòng mong nhớ Anh hẹn về mang hoa cỏ mùa xuân Anh hẹn mang về tình tứ cơn mưa Những giọt sương trên mái tóc mây lùa Trải ướt đồi xanh, chim ngàn ca hát Khúc xuân ca tình trổ cánh hoa lòng Đông đã qua em cuộn mình băng giá Cuộn giấc mơ nồng hoa bướm tình xuân Cùng em hoa đã hé nụ hương thầm Mang bao mơ ước tình hồng muôn thuở Xuân đang gọi tiếng lòng em đáp lại Bởi anh là cánh bướm của mùa xuân Xuân đến muôn nơi, xuân của muôn người Nâng chén rượu mừng chúc xuân bất tận. Lê Mỹ Hoàn |
Lời Chúc Đầu Năm Xin gửi TÌNH YÊU đến từng nhà Chan hoà chiều sớm khúc hoan ca Con trẻ ê a vần sớm tối Ông bà, cha mẹ lòng nở hoa Xin gửi TÌNH YÊU đến từng người Tâm hoa thơm ngát dẫu đơn côi Bác ái, Từ bi lòng rộng mở Hàm tiếu sen hồng mãi đơm môi. Sao Khuê 2-2-2022 |
![]() Hoa Mai Hoa mai ngơ ngác đợi chờ Đường hoa xuân nở bây giờ đẹp không Em đi tà áo lụa hồng Chân son hài đỏ, xoay vòng dáng xinh. Có ai chưa? hay một mình Cho tôi làm kẻ si tình đi theo Đường xuân vàng phố đèn treo Đò tình bao chuyến mái chèo êm xuôi. Chúa xuân nay đã đổi ngôi Em là tiên nữ để tôi yêu nàng Yêu từ ánh mắt dịu dàng Đôi môi nồng ấm, mịn màng da thơm. Lê Tuấn 2-02-2022 |
Kính Chào Mẹ Thiên Nhiên Mẹ Thiên Nhiên mang mùa xuân trở lại Ngàn thông xanh cao vút gió thơm nồng Gót chân son trên cỏ mượt như nhung Em chậm buớc lòng nhẹ nhàng thanh thản -Tiếng đàn cầm nghe tự trong gió thoảng Bầu trời xanh bát ngát tiếng Chân Như Ta mê man cám ơn Trời Phật Chúa -Cám ơn Mẹ Thiên Nhiên nhiều hơn nữa Ngàn lần yêu làn môi chẻ hồng au Vạn lần thương biển lặng mắt thôi sầu Dòng sông tạnh cánh buồm căng lờ lững – Mẹ Thiên Nhiên mang Xuân Về khắp chốn Rừng cây cao đón ánh nắng bình minh Ngàn chim chóc ngợi ca -lời suối ngọt – Nhìn đâu đâu thị thành đều bất chợt Nói cười khoe cuộc sống mới vươn cao … * Mẹ Thiên Nhiên con xin rất Tự hào . Kính Chào Mẹ Mang Xuân Về Khắp Chốn Thư Khanh Seattle Mùng 2 Tết Năm Nhâm Dần -2/2/2022 |
Tôi Là Hạt Bụi Chỉ là hạt bụi bơ vơ Nằm trong sa mạc đợi chờ gió bay Luân hồi chuyển hoá vận may Gió xuân nâng cánh theo mây đón về. Cuộc tình giao hợp đê mê Giọt rơi kết tụ chọn bề ái ân Hạt bụi từ cõi phù vân Hữu duyên tiền định, hoá thân làm người. Hạt bụi mang một phận đời Hồn đâu nhập xác đổi dời phong ba Từ nay hồn ở trong ta Ngao du sơn thuỷ ta bà trần gian. Dường như tiền kiếp thân mang Văn chương, thơ phú, chứa chan đoạn trường Một đời trong cõi vô thường Nhả thơ, viết sách, cúng dường thế nhân. Nhìn kệ sách lòng phân vân Từng chồng bụi bám, tần ngần cơn mê Ngày nay sách vở bộn bề Không ai muốn đọc, buồn tê tái lòng Lạnh hồn ngọn gió phương đông Xót xa cây cỏ ngoài đồng tuyết rơi Xuân thay áo mới da trời Văn nhân cũng muốn đổi dời đường xa. Nào ngờ số phận đào hoa Lụa hồng gió cuốn tơ ngà nhẹ bay Em về hoa nở trên tay Cho tôi ngơ ngẩn tình này trót mơ. Tiếng chim khuyên hót trên bờ Âm vang tiếng gọi bơ vơ thẹn thùng Lời tỏ tình vẫn ngập ngừng Bài thơ đang viết giữa chừng bỏ quên. Từ nay đời biết gọi tên Tình yêu thánh hóa bình yên mộng đầu Cũng từ nay chạm nỗi sầu Tình đời đen bạc thiên thâu dặm trường Tà dương nhuộm tím cung đường Tóc xanh nay đã khói sương bạc đầu Không còn ngần ngại mưa mau Lời thơ đã thảo đôi câu ân tình. Lúc phiêu bạt chỉ một mình Trầm luân chết đứng lặng thinh giữa trời Tiếng nghe tha thiết rụng rơi Ngàn đêm thức trắng chơi vơi đoạ đầy. Giữa trời đất bao đổi thay Mất đi từng mảng sương gầy thịt da Súng buông rơi, chiến tranh qua Đổi dời tranh chấp xót xa phận tù. Người về chọn một đường tu Bể dâu sóng vỗ, cho dù sắc không Sông xưa xuôi chảy một dòng Nửa đời trả kiếp, tấm lòng thuỷ chung. Nhớ nhau ngày hội tương phùng Thời gian hoá độ nghìn trùng cách xa Một đời từng trải phong ba Bây giờ ngắm bóng chiều tà ngả nghiêng. Lê Tuấn Ngày đầu năm khai bút Nhìn lại đời đã cộng thêm một tuổi già Tôi viết vần thơ lục bát để cảm nhận về cuộc đời trong cõi vô thường. Mùng Một Tết Nhâm Dần 02-01-2022 |
MÙA XUÂN VỪA MỚI HẾT Trên đỉnh núi mây hồng Đã tan ra thành suối Mầu hoa đào chập chùng Em gặp anh lần cuối Anh tìm em muộn màng Giữa không gian cô tịch Áo em rực rỡ vàng Đón kỷ nguyên thanh lịch Khi gặp lại người tình Mùa xuân vừa mới hết Mang đi của chúng mình Cành hoa đào cánh kép Chapa bỗng u buồn Đào hoa ươm nỗi nhớ Bước chân sau lưng dồn Đẩy anh vô quá khứ … CAO MỴ NHÂN |
Mùa Xuân Tuổi Thơ Tôi đã có một thời tuổi nhỏ Đếm từng ngày khao khát đợi mùa Xuân Tờ lịch trên tường dường như chậm quá Sao chẳng rơi như chiếc lá ngoài sân? Tôi thích ngắm mỗi lần trời nổi gió Cây soan trước nhà lá rụng lan man Để ao ước thời gian đi nhanh nữa (Chưa biết buồn theo chiếc lá thời gian!) Là mỗi độ Xuân về tôi vẫn biết Lá sẽ khô theo cơn gió cuối năm Chợ sẽ vui những sắc màu ngày Tết Người rộn ràng mua sắm, phố thêm đông Rồi mẹ sẽ may cho tôi áo mới Nồi bánh chưng như cổ tích ngày xưa Tôi hớn hở nhận đồng tiền mừng tuổi Thảnh thơi ăn kẹo mứt, cắn hạt dưa Tôi đã ước mình đừng bao giờ lớn Để suốt đời tôi được đếm thời gian Được tung tăng chạy vui đùa trong xóm Với bạn bè khi thấy gió Xuân sang Để tôi mãi có ông bà, cha mẹ Anh chị em sum vầy, chẳng rời xa Bên mâm cỗ, mùi khói nhang ngào ngạt Đêm giao thừa nao nức chờ pháo hoa Bao năm qua, bây giờ tôi đã lớn Giấc mộng trẻ thơ như quả bóng bay Những cái Tết không đợi chờ vẫn đến (Tôi vô tình khi mộng khỏi tầm tay!) Nhưng xóm nhỏ của tôi vẫn còn đó Tôi đã đi phiêu bạt mấy phương trời Lá vẫn rơi, lại có bao đứa trẻ Ước ao và chờ đợi Tết như tôi?? Edmonton, Xuân Nhâm Dần 2022 Kim Loan |
MÙA XUÂN ĐI RẤT VỘI Xoá mờ đi tất cả Nỗi buồn của hôm nay Để ngày mai hoa lá Tươi mát giữa heo may Mùa xuân mới bắt đầu Mùa xuân không ở lâu Lá hoa kia sẽ héo Theo gió gọi đi đâu Anh xa em hôm qua Một ngày dài chờ đợi Lá rì rào hỏi hoa Bao giờ anh về tới Nhưng khi anh về tới Lại không hề thăm em Mùa xuân đi rất vội Hoa lá rụng ưu phiền … CAO MỴ NHÂN CHIA TAY MÙA XUÂN Khi chia tay mùa xuân Hoa rơi đầy thảm cỏ Nhặt cánh sầu bỡ ngỡ Ép vào lòng bâng khuâng Lối cỏ vàng sắc hoa Mùa xuân không trở lại Tình nhân buồn ái ngại Cánh chim bỏ về xa Lang thang khói trắng bay Tưởng mùa xuân thay áo Mầu tương tư huyễn ảo Trời thả lỏng vạt mây Mùa xuân đi thật rồi Đường dài thêm nỗi nhớ Anh nghe em thổ lộ Thương tiếc buổi chia phôi… CAO MỴ NHÂN |
Xuân Đã Tàn Chưa? Có những mùa Xuân gợi nhớ thương, Hoa mai lả tả rụng bên đường. Nghe trong tiềm thức còn ghi dấu, Một buổi Xuân tàn bao vấn vương. Có những niềm đau, những nỗi buồn dù đã xa xôi bao nhiêu năm tháng cũng không thể nhạt nhòa, phôi phai. Đó là những mối tình buồn, những niềm đau khi mất người yêu dấu, đặc biệt người yêu là lính, nó sẽ sống dậy mãnh liệt khi có một tác động nào đó khơi dậy. Cơn gió Xuân nhè nhẹ làm những cánh hoa đào cuối vườn bay tản mạn đã làm tôi chợt xao xuyến, bâng khuâng hồi tưởng lại những mùa Xuân cũ mà bụi thời gian chưa thể xoá nhòa… Vào một ngày đầu Xuân năm 1970 tôi được mẹ cho xuống thăm anh tôi đang đóng quân ở Bạc Liêu. Ít khi được ra khỏi nhà và vì mong sớm gặp anh mình nên tôi quá vui mừng mà quên rằng giờ giấc khởi hành rất quan trọng. Tôi đi chuyến xe đò lúc 12 giờ trưa chạy tuyến đường Cần Thơ- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau. Khi xe đi đến giữa đường Sóc Trăng- Bạc Liêu thì quốc lộ 4 bị Việt Cộng gài mìn, đắp mô phá đường nên xe cộ không còn lưu thông được nữa. Những hành khách chúng tôi cứ ngồi chờ, chờ mãi… Trời đã bắt đầu ngã bóng, hoàng hôn dần xuống, hành khách phải mướn xe đi ngược về thị trấn Sóc Trăng để tìm chỗ ngủ qua đêm. Một chị ngồi cạnh tôi tay ôm đứa con gái khoảng 5, 6 tuổi tỏ vẻ lo lắng, chị hỏi tôi: Em định đi đâu vậy? Em xuống Bạc Liêu để thăm anh của em vì anh là lính Sư Đoàn 21 Bộ Binh đang đóng quân ở đó. Chồng chị cũng đóng quân dưới đó. Bây giờ không biết tính sao đây? Chị không muốn quay về vì chị từ SàiGòn xuống, đã ghé Cần Thơ một đêm rồi. Tôi nhìn chị thông cảm: Em cũng không biết tính sao. Thôi chờ thêm chừng một giờ nữa xem thế nào rồi mới tìm cách chị ạ! Ngồi đối diện với chúng tôi là một người đàn bà ngoài ngũ tuần, gương mặt hiền hậu dễ có cảm tình, bà lên tiếng: Chắc quốc lộ còn lâu lắm mới khai thông được. Hai cô chịu khó đi bộ một chút đến nhà tôi cách đây chừng vài cây số, gần quận lỵ nên cũng an ninh, mời hai cô đến đó tạm nghỉ đêm nay rồi mai đi tiếp tục. Chồng con tôi đều phục vụ trong quân đội cả các cô đừng ngại, vả lại cũng đã hết xe về Sóc Trăng rồi. Tôi và chị Tâm (tên người đàn bà có đứa con) bàn bạc nhau, không còn sự lựa chọn nào khác nên đành đi theo người đàn bà gọi là bác Năm đó. Chúng tôi đi trên con đê xuyên qua một thửa ruộng và sau đó dọc theo một con lộ đất đỏ, đi một đoạn khá lâu mới đến được nhà bác Năm. Đó là một căn nhà mái ngói, rộng rãi, khang trang. Trước nhà là một cây mai thật to, màu hoa vàng rực rỡ làm nổi bật căn nhà sơn xanh trong buổi chiều yên tĩnh nơi thôn dã. Bác Năm ân cần: Mời hai cô vào nhà, tôi sẽ bảo cháu nấu cơm cho hai cô ăn, đừng ngại gì cả. Tôi bước tới cửa và nhìn vào trong nhà… hai chân tôi bỗng như dính chặt dưới đất không bước đi được, tay tôi run rẩy, một luồng khí lạnh chạy dài từ cổ xuống xương sống. Tôi nắm chặt tay chị Tâm để không bị té ngửa vì…trước mắt tôi, ngay chính giữa nhà là một cái bàn thờ với 5 bức hình lớn của 5 người lính mặc quân phục rằn ri được đặt sừng sững, đèn đuốc, khói hương nghi ngút, vài mảnh khăn tang trắng còn xếp trên đó. Bác Năm nhìn thấy sự sợ hãi của tôi nên nói: Không sao đâu cô ơi! Người chết rồi có làm gì được đâu, chỉ sợ ma sống thôi. Hồi nảy trên xe có nhiều người nên tôi không dám nói là chồng con tôi đã chết, sợ họ biết nhà mình toàn đàn bà góa bụa không được tốt lắm. Tôi lấy lại chút bình tỉnh: Xin lỗi bác, cháu sơ ý làm bác buồn nhưng đó là phản ứng tự nhiên của đứa nhát gan như cháu thôi. Tôi hiểu mà. Bác mời hai chị em tôi vào và lên tiếng gọi: Con ơi, nấu cơm và làm đồ ăn để đãi khách nghe. Có tiếng “dạ” và tôi thấy một người đàn bà trẻ trên đầu còn mang khăn tang tay bế đứa bé chừng một tuổi bước ra, một người khác lớn hơn trong chiếc áo màu tím hoa cà lên tiếng: Để tôi lo cho. Thím Lân cứ bế con đi. Lúc bấy giờ tôi mới dám nhìn trên bàn thờ, tấm hình được đặt chính giữa là người cha, bốn người kia là trai trẻ, sao họ đều chết hết vậy? Một cảnh tượng thương tâm, tang tóc tôi chưa từng thấy. Ôi, chiến tranh tàn khốc và nghiệt ngã quá. Bác Năm giải thích: Chồng tôi đi lính Biệt Động Quân, các con tôi noi chí cha nên đều chọn binh chủng Biệt Động Quân cả, có đứa là sĩ quan, có đứa là lính. Một điều rất đau đớn cho gia đình tôi là trong vòng 3 năm mà 5 cha con đều bỏ chúng tôi đi hết, trong đó có hai đứa còn độc thân. Giờ tôi còn một đứa con trai út 14 tuổi, hai con dâu và ba cháu nội nương tựa nhau mà sống thôi. Nghe bác kể tôi rưng rưng nước mắt. Tôi thật sự thán phục và kính nể bà mẹ Việt Nam nầy. Còn nỗi đau nào hơn khi người chồng yêu mến cùng bốn người con trai ruột thịt của mình đã lần lượt nằm xuống cho quê hương, đã hy sinh vì lý tưởng tự do dân tộc? Họ là những anh hùng đã âm thầm hiến dâng máu xương cho tổ quốc, có mấy người nhớ đến? Có ai biết đến hoàn cảnh của người đàn bà đáng thương, đáng quý nầy? Sức chịu đựng phi thường của bà mấy ai sánh kịp? Bà phải cố ôm nỗi khổ, che giấu niềm đau, tự lấy mình làm điểm tựa cho con cháu bám víu vào mà sống. Ôi, không biết có bao nhiêu người vợ, người mẹ phải nhận lãnh số phận đắng cay trong cuộc chiến nầy như bác Năm? Cơm nấu đã xong, bác mời tôi và chị Tâm vào ăn. Bác nói: Cá tôm là do thằng Út nhà tôi bắt, không phải tốn tiền mua đâu, hai cô cứ ăn tự nhiên nghe. Bữa cơm miền quê khá thịnh soạn: một dĩa tôm càng kho tàu, một dĩa cá trê vàng nướng với nước mắm gừng, một tô canh chua cá lóc nấu với rau muống và một dĩa cải xanh luộc. Đang lúc chúng tôi chuẩn bị ăn cơm thì một anh lính bước vô, bác Năm lên tiếng: Thái về rồi hả ? Vô ăn cơm luôn đi cháu. Anh lính rất tự nhiên: Dạ, cháu qua thăm bác Ba mới về. Thật đúng lúc quá, cháu cũng đang đói đây. Nói xong anh ngồi xuống ngay cạnh tôi không chút ngại ngùng, khách sáo. Anh gật đầu chào chị Tâm và tôi. Anh tự giới thiệu: Tôi tên là Vĩnh Thái, bạn của thằng Lân là con bác Năm đây. Nghe tin bạn mất tôi vội tìm đến thăm nó. Rất tiếc là chỉ nhìn thấy hình nó mà thôi. Đầu anh hơi cúi xuống, có lẽ xúc động nhiều, tôi thông cảm được nỗi lòng của anh. Tôi nhìn anh, một người thanh niên với dáng dấp phong trần dễ mến, có đôi mày rậm, đôi mắt sâu như chứa đựng nhiều nỗi lo âu, phiền muộn. Anh mang hai bông mai đen trên cổ áo và huy hiệu Sư Đoàn 9 Bộ Binh bên vai, huy hiệu nầy tôi đã nhìn thấy.Tôi hỏi anh: Anh là lính thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh à? Cậu tôi cũng cùng Sư Đoàn với anh đó, Trung Đoàn 16 của cậu đang đóng ở Vĩnh Long. Còn anh đang đóng quân ở đâu? Tôi thuộc Trung Đoàn 14, Bộ Chỉ Huy ở Vĩnh Bình, vị Tiểu Đoàn Trưởng cho tôi đi phép đặc biệt hai ngày thôi, chiều mai tôi phải trở về đơn vị. Tôi không dám hỏi gì thêm nữa. Bữa cơm tối với tôi và Thái không mấy gì thú vị, trừ chị Tâm. Sau đó bác Năm dọn chỗ cho chúng tôi nghỉ. Tôi và chị Tâm ngủ ở bộ ván bên trái bàn thờ, Thái nằm trên bộ đi-văng bên phải, chủ nhà ở phòng trong. Đêm đó là một đêm kinh hãi nhất trong đời, tôi làm sao ngủ được, vừa lạ nhà, lạ giường và hình ảnh 5 ông lính mặc đồ rằn ri cứ nhảy múa trước mắt tôi. Chị Tâm và cháu bé vì mệt mỏi nên đã ngủ say, bên kia tôi nghe tiếng thở dài nhè nhẹ của Thái, chủ nhà cũng im hơi, bặt tiếng. Tôi kéo túi xách của tôi lại gần, mở ra lấy cái khăn lông che mặt lại để không nhìn thấy gì hết. Tôi cố sức chịu đựng và mong đêm sẽ qua mau, nhưng đêm như dài vô tận. Bỗng nhiên tôi cảm thấy lạnh và run bần bật, mồ hôi đầm đìa, nhưng đầu thì rất nóng hình như đang lên cơn sốt. Tôi thấy ngộp thở, sợ hãi, căng thẳng đến không thể chịu đựng được nữa, tôi bỗng òa khóc, lay mạnh chị Tâm: Chị Tâm ơi, em sợ quá! Chị Tâm vẫn say ngủ không chịu tỉnh dậy. Từ bên kia Thái vội vã chạy sang: Cô làm sao vậy? Tôi càng khóc lớn hơn: Tôi … sợ quá! Thái bước đến bàn thờ cầm cây đèn dầu, khơi ngọn cao hơn mang đến gần tôi, nhìn thấy tôi khóc anh hỏi: Cô không sao chứ? Hình như tôi bị bịnh rồi. Thái đưa tay sờ trán tôi rất tự nhiên rồi nói: Đúng rồi, cô bị sốt cao. Cô theo tôi ra ngoài sân, ở đây có vẻ ngột ngạt quá. Vừa nói Thái vừa kéo tôi ra trước nhà, đã có sẵn một cái ghế ở đó, Thái bảo tôi: Cô ngồi xuống đây và chờ tôi một chút. Thái lấy cái khăn lông của tôi đi vào trong nhà. Một lúc sau anh trở ra trên tay có ly trà nóng và chiếc khăn của tôi cũng được ngâm nước ấm. Anh đưa khăn cho tôi lau mặt và bảo tôi uống ly trà nóng với viên thuốc anh cầm trên tay. Tôi ngạc nhiên hỏi anh: Thuốc ở đâu vậy? Tôi lấy trong ba-lô tôi vì lúc nào cũng có để phòng thân. Tôi gật đầu cảm ơn anh, anh thật chu đáo. Anh lấy thêm một ghế khác và ngồi cạnh bên tôi, anh bảo tôi nên ngồi ở đây cho thoáng chờ thuốc có tác dụng sẽ khỏe lại. Anh bắt đầu kể chuyện cho tôi nghe, có lẽ anh đánh đòn tâm lý để cho tôi quên đi cơn bịnh đang hành hạ tôi. Anh kể về Lân, bạn anh đang ngồi trên bàn thờ kia độ một tháng nay. Hai người là bạn học ở trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Sau nầy xa nhau anh vào trường Võ Bị Đà Lạt, Lân đi thụ huấn ở trường Bộ Binh Thủ Đức. Mỗi đứa một nơi nhưng vẫn còn liên lạc được với nhau vì vậy anh mới biết tin bạn mình đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Anh buồn bã nói: Hôm nay tôi ngồi đây khóc nó, không biết sau nầy khi tôi nằm xuống ai sẽ khóc cho tôi? Tại sao anh bi quan như vậy? Sao anh không nghĩ đến một ngày anh được thăng quan, tiến chức, anh sẽ là…một Tiểu Đoàn Trưởng, một Trung Đoàn Trưởng hay gì gì đó cao nữa… Thái nhìn tôi: Sao cô rành việc nhà binh quá vậy? Vì cậu tôi, chú tôi, anh tôi đều là lính cả nên tôi thường nghe họ nói vậy mà. Thái nhìn vào trong nhà rồi bảo tôi: Cô hãy ngồi đây, tôi vào nhà nấu cho cô nồi cháo vì buổi tối tôi thấy cô ăn rất ít, giờ lại uống thuốc không tốt đâu. Anh biết nấu sao? Hơn nữa đâu phải nhà anh, đừng làm phiền bác Năm. Không có phiền đâu. Một giọng nói từ phía sau lưng đưa tới làm tôi giật thót người. Nhìn lại là bác Năm, bác nói: Bác đã thức dậy từ lúc nghe cháu khóc, nhưng thấy Thái lo được cho cháu nên bác không bước ra. Thôi bây giờ để bác đi nấu cho một nồi cháo cá. Cháu không dám làm phiền bác. Có gì mà phiền, ngồi đó chơi đi để bác lo. Bác đi rồi, Thái hỏi thăm về tôi, tôi cho Thái biết tôi còn đang đi học, nhà ở đường…Vĩnh Thái cũng là dân CầnThơ, ba mẹ anh có tiệm bán trà bánh, anh chỉ có một đứa em trai. Cơn sốt của tôi đã hạ, tôi cảm thấy khỏe hơn nhiều. Đêm dần sáng, bầu trời không còn tối đen như mực, tôi có thể nhìn thấy cây mai vàng trước nhà với những cánh hoa còn ướt sủng sương đêm, long lanh, lấp lánh như giọt lệ của người con gái trong buổi chia ly. Tôi buột miệng khen: Cây mai nầy thật đẹp! Thái thở dài: Đẹp đến đâu rồi cũng tàn khi mùa Xuân đi qua, cánh hoa sẽ rơi rụng, màu vàng rực rỡ sẽ nhạt phai, làm sao bền vững được mãi. Tôi hiểu được tâm trạng bất an, hoảng loạn của anh trong lúc nầy nên an ủi anh: Anh không nên nghĩ thế. Bây giờ hoa còn đẹp mình hãy chiêm ngưỡng, ca tụng nó đừng nghĩ đến ngày tàn Xuân hoa sẽ tàn theo. Hiện tại anh còn tráng kiện, dũng mãnh, kiên cường hãy tin tưởng, hãy hãnh diện với những gì mình đang có, đừng bi lụy, đừng nghĩ đến ngày phải nằm xuống như bạn anh. Hãy quên những gì đã nhìn thấy hôm nay, hãy giữ hình ảnh oai hùng, kiêu dũng của bạn anh trong tâm tưởng. Thái nhìn tôi giây lát rồi chợt mỉm cười: Cô nói đúng. Tôi là một người lính mà sự suy nghĩ không chững chạc bằng cô bé sợ ma như cô. Cám ơn cô đã đánh thức ý tưởng như mê ngủ của tôi. Cả hai chúng tôi cùng cười vì cảm thấy đã tìm lại tâm trạng bình thản của mình. Bác Năm cũng vừa bước ra: Cháo đã nấu xong rồi hai đứa vào ăn đi cho nóng. Cám ơn bác. Chúng tôi theo bác vào nhà, lúc đi ngang qua bàn thờ tôi không còn thấy sợ sệt nữa mà cảm thấy kính phục họ vô cùng. Tôi đứng lại lấy 3 cây nhang đốt cho 5 người chiến sĩ và khấn vái xin các vị hãy ngủ một giấc thật bình yên trong thế giới không hận thù, không chém giết. Trời đã sáng hẳn, chị Tâm cũng thức giấc. Sau buổi điểm tâm bằng cháo cá, chúng tôi từ giã lên đường. Tuy tôi đã trải qua một đêm kinh hoàng nhưng cũng nhiều lưu luyến nên không nỡ dời chân. Anh Thái tiễn chúng tôi ra tận quốc lộ và đón xe cho chúng tôi, anh hẹn sẽ ghé qua thăm hoặc viết thư cho tôi. Xe chạy xa rồi tôi thấy anh vẫn còn đứng bên vệ đường nhìn theo. * * Ngày tháng trôi qua, mùa Xuân đã hết, những cánh mai vàng tả tơi rơi rụng để nhường chỗ cho những mầm lá non vừa trổi dậy. Tôi chợt nhớ về anh, người trai tôi quen biết trong một đêm kỳ diệu, một sự gặp gỡ tưởng chừng như mộng ảo, huyền hoặc như cơn mơ. Tôi mong đợi có một ngày anh đến thăm tôi, hoặc một lá thư xanh bất ngờ của anh. Tôi thấy mình thật vô duyên, mơ mộng hão huyền, mới gặp người ta một lần thôi vậy mà trông chờ gì đây chứ! Nhưng niềm ước mơ của tôi đã thành sự thật vì một ngày kia anh đã xuất hiện trước cổng trường tôi, ngơ ngác hỏi thăm từng người, chặn hỏi bao nhiêu nữ sinh có ai biết cô Hà Như không? May mà anh gặp được Ngọc Yến bạn tôi nên nó mới kéo anh đến trước mặt tôi lên giọng: “ Ta giao Hoàng Tử lại cho cô nương nè”. Thật quá ngạc nhiên và vui mừng vì tôi không ngờ anh cũng quan tâm đến tôi như thế. Rồi những ngày phép quý báo của anh dành cả cho cô bé mới quen như tôi, anh chiều chuộng tôi mọi thứ, anh mua quà cho tôi thật nhiều. Tôi ái ngại: Anh đừng mua quà cho Hà Như nhiều như vậy, Như không xài hết đâu. Hơn nữa tốn tiền anh quá. Anh cười bảo: Tôi đi hành quân suốt tháng quanh năm, tiền lương của tôi không có dịp xài hết. Những khi dừng quân tôi thường cho mấy chú lính chút ít để họ mua đồ ăn với nhau. Ba mẹ cũng không cần tôi giúp đỡ nên tôi dư tiền, Hà Như đừng lo. Tôi cảm thấy hình như chúng tôi đã đi quá xa tình cảm bè bạn sơ giao. Có một cái gì đó rất đầm ấm, thân thiết ràng buộc chúng tôi không nói được, không diễn tả được. Rồi trước ngày trở về đơn vị anh đã thú thật với tôi là anh đã yêu tôi. Anh nói anh không nhầm lẫn, anh đã đắn đo, suy nghĩ và cuối cùng phải nói thật lòng mình dù tôi có trách móc, giận dỗi hay không thèm nhìn anh nữa anh vẫn phải nói ra. Tôi xúc động trước tấm chân tình của anh: Em không trách phiền anh gì cả. Thật ra từ ngày gặp anh trở về em luôn nghĩ đến anh, nghĩ đến nỗi bâng khuâng, lo lắng, ưu tư của anh mà ái ngại vô cùng. Em muốn được chia xẻ cùng anh, muốn được nhìn thấy anh luôn vui vẻ, lạc quan và em cũng… mến anh. Anh mỉm cười đưa tay vuốt nhẹ tóc tôi, hai đứa cùng nhìn nắng vàng đang trãi dài xuống mặt đường loang loáng xác hoa rơi. Chuyện tình chúng tôi bắt đầu từ đó. Anh đã dẫn tôi về nhà giới thiệu với mẹ anh. Bà quý mến tôi như cô dâu chưa cưới khiến tôi thẹn thùng và cũng cảm động vô cùng. Thời gian nghỉ phép của anh tuy ngắn ngủi nhưng chúng tôi đã có một đoạn tình dài diễm lệ khó quên. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu lời hứa hẹn, bao nhiêu mộng ước tương lai. Anh nói: Anh mong một ngày hết chiến tranh, anh mơ một mái nhà êm ấm bên người vợ hiền và đàn con xinh xắn, ngoan ngoãn. Người vợ ấy sẽ là ai vậy anh? Anh tát nhẹ má tôi và nói: Là cô bé nhát như thỏ đế, sợ ma một cây đó. Ồ, anh chọc em hả? Không thèm chơi với anh đâu. Tôi đấm vào ngực anh thình thịch làm anh la oai oái, chúng tôi thật vui trong niềm hạnh phúc vừa chợt đến. Đêm cuối cùng của kỳ phép đó anh đưa tôi vào một quán café ca nhạc nằm trên đường Nguyễn Viết Thanh, một con đường yên tĩnh hắt hiu sầu với cơn gió đêm trở lạnh. Chúng tôi thả hồn theo những tình khúc chinh chiến buồn lê thê hay những bài hát nói lên niềm ước vọng của những người đang dấn thân trong cuộc chiến. Họ mơ một ngày đất nước thanh bình, được giã từ vũ khí, trở về quê cũ sống đời hiền hoà trên quê hương: “…Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn…Xin trả lại đây bỏ lại đây thép gai giăng với lũy hào sâu, lỗ châu mai với những địa lôi, đã bao phen máu anh tuôn rơi… Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm mộ bia kín trong nghĩa địa buồn, bạn anh đó đang say ngủ yên…Để có một ngày, có một ngày cho chúng mình ta lại gặp ta…” Anh đưa tôi về, chúng tôi lang thang qua những con phố im lìm, vắng lặng. Qua đường Nguyễn Trãi với hai hàng sao cao vút, lá thì thầm khóc chuyện chia ly, qua đường Hòa Bình thênh thang, dài hun hút… chúng tôi cùng ngồi trong công viên Tao Đàn nhìn bầu trời lấp lánh sao đêm. Anh kể cho tôi nghe về cuộc đời chiến binh ngoài trận tuyến, về những niềm vui nỗi buồn của anh em đồng đội. Đêm chia ly thật buồn, đêm tiễn đưa nhạt nhòa nước mắt. Rồi anh trở về đơn vị, những lá thư nồng nàn yêu dấu liên tục bay về. Má tôi hồng thêm, mắt tôi xanh thêm, môi tôi thẹn thùng e ấp…Nhiều đêm sau giờ học, ngồi dưới ngọn đèn khuya tôi cặm cụi viết thư gửi ra chiến tuyến: “ …Ngồi biên thư gửi anh chốn đó, lạnh đêm nay lạnh không phải lạnh vì gió…Thư đến từng nẻo người qua văn non đôi câu vụng về, khi chưa được về đọc thư tình anh nhớ tôi không?…” Lần về phép kế tiếp vội vã, tuyệt vời của anh đã tô đậm thêm, gắn bó thêm cho tình yêu chúng tôi tưởng chừng như thiên thu, bất diệt. Có lẽ chúng tôi có duyên với mùa Xuân nên kỳ phép nầy của anh cũng lại vào tháng Ba. Anh đã đưa tôi đi ra ngoại ô để nhìn hoa mai cuối mùa rụng rơi bay lả tả trên đường. Anh là một người lính đa sầu đa cảm, nhìn hoa rơi, lá rụng cũng thấy bâng khuâng, xao xuyến tâm tư, nhưng tôi mến anh ở điểm đó. Có lần anh nói: – Em đừng tưởng anh lãng mạn, yếu hèn, nhút nhát nhé! Khi đánh giặc anh cũng oai phong lắm đó. Chỗ nào bảo lính không dám vô là anh xung phong vô trước, thế là các chú lính phải chạy theo anh thôi. – Nhìn dáng vẻ của anh ai dám bảo anh không oai phong chứ! Với em anh là người hùng, là thần tượng, là… – Thôi đừng ca tụng anh nữa em ơi!- Anh đưa tay bịt miệng tôi lại và hai đứa cười vang trong nắng đẹp dạt dào ý sống. Đó là khoảng thời gian diễm lệ nhất của tình chúng tôi. Tôi nâng niu từng kỷ niệm, chắt chiu từng lời nói yêu thương. Rồi anh lại ra đi, và tôi mãi là chinh phụ luôn ngóng trông về chiến tuyến. Cho đến một ngày… một ngày đầu năm 1973 tôi ghé qua nhà anh, mẹ anh báo tin anh đã mất tích trong một cuộc hành quân lớn ở quận Tiểu Cần thuộc tỉnh Vĩnh Bình. Trời đất quay cuồng sụp đổ, đầu óc tôi đảo điên, tim tôi nát tan từng mảnh vụn. Điều lo sợ, linh cảm không lành của anh ngày nào đã thành sự thật. Anh sợ mùa Xuân sẽ tàn mau, sợ hoa Xuân không kéo dài theo ngày tháng, sợ tình yêu vỗ cánh bay nhanh, sợ tuổi thanh xuân của anh không được trường tồn, sợ đường binh nghiệp nửa chừng gãy gánh…Tất cả điều lo sợ đó đã xảy ra rồi và tôi cúi đầu nhận lấy phần thua thiệt, nhận lãnh số phận thương đau. Tôi đã mất tin anh từ dạo đó. Tôi đã âm thầm khóc than mối tình đầu suốt bao năm tháng dài phiền muộn. * * * Sau ngày miền Nam thất thủ, tôi mất việc làm vì họ cho là “công chức ngụy”, tôi theo bạn bè ra chợ trời để tìm sinh kế. Cuộc sống quay cuồng, vất vả ngược xuôi nên đôi lúc tôi không còn nhớ mình là ai, không còn nhớ những chuyện gì trong quá khứ trừ niềm đau xót, nhớ thương về anh vẫn âm ỉ trong tim tôi. Có một ngày vào tiết Thanh Minh, được rảnh rỗi đôi chút tôi đến thăm người cô ruột, cô rủ tôi đi về quê để thăm mộ cho vợ chồng người bạn thân.Thật tình tôi không muốn đi nhưng cô cứ nài nỉ mãi, sợ cô buồn nên tôi bằng lòng theo cô một chuyến. Khi tới nơi cô dẫn tôi đến một gia đình có họ hàng với người bạn quá cố của cô và nhờ họ đưa đến nghĩa trang giùm. Đó là một nghĩa trang hiu hắt buồn, cô liêu hoang vắng, chắc không được người nhà quan tâm, chăm sóc lắm. Có nhiều mồ mã bạc màu rong rêu bao phủ, hàng sau cùng có ba nấm mộ, đặc biệt là ngôi mộ thứ ba chắc được xây chưa lâu lắm. Cô tôi ngồi trước một ngôi mộ rồi đưa tay lau nước mắt, ngôi mộ của người bạn cô. Tôi nhìn hình của bà, có cảm giác hơi quen như từng gặp ở đâu nhưng bức ảnh mờ quá không nhận ra là ai. Đến ngôi mộ sau cùng tôi bỗng giật mình, biến sắc, mắt hoa lên khi nhìn bức ảnh và hàng chữ trên mộ bia: “ Hoàng Vĩnh Thái. Sinh ngày 8 tháng 7 năm 1945. Từ trần ngày 9 tháng 1 năm 1978” Tôi qụy xuống nắm tay cô: Cô ơi, đây là bạn của con, sao cô quen biết họ? Anh Thái sao mới chết vậy? Ảnh đã mất tích từ năm 1973 rồi mà. Cô kéo tôi ngồi lại gần hơn, nhìn tôi một lúc rồi chậm rãi nói: Cô là bạn thân với mẹ Thái. Cả bà ấy và cô đều biết chuyện của con và Thái nên khi Thái bị thương mất hai chân bà nhờ cô giữ kín, nói rằng Thái bị mất tích, đó cũng là yêu cầu của Thái. Họ hy vọng thời gian lâu sau con sẽ quên Thái mà vui vẻ cùng người khác. Sau ngày 30- 4- 1975 cậu em của Thái chạy ra nước ngoài, dù cậu ấy đã mất tích trong một chuyến vượt biên, gia đình Thái bị liệt vào thành phần phản động nên họ đã tịch thu hết gia sản. Ông bà buồn rầu, đau khổ, chán nản mà lần lượt qua đời. Một người bà con xa có mang ơn nghĩa với gia đình Thái đã đem cha mẹ Thái về đây an táng và Thái cũng được họ đem về đùm bọc. Cô biết chuyện nên cũng thường xuyên liên lạc giúp đỡ tiền bạc, thuốc men cho Thái. Một năm trước Thái bị chứng bịnh nan y, không đủ tiền chạy chữa, ngay cả cô cũng không giúp được nên Thái đã ra đi hơn hai tháng nay. Cô không dám cho con biết tin nầy sợ con không chịu được, nhưng cuối cùng cô cũng không thể giấu con mãi nên hôm nay cô mới dẫn con đến đây thăm mộ Thái. Tôi đau đớn, bàng hoàng như kẻ rơi xuống từ cung trăng.Thật sự tôi đã khóc và lòng cũng đã để tang cho mối tình mình tự mấy năm nay, nhưng tôi đâu ngờ anh còn sống sót, sống đau khổ, vật vờ trong hoàn cảnh khốn cùng nầy. Tôi ân hận vì đã không được lo lắng, chăm sóc cho anh, không được tâm tình với anh lần cuối, không nói được lời nào với một người mà hình bóng đã khắc sâu tận đáy tim tôi. Anh mơ ước một ngày đất nước thanh bình, anh mơ một mái gia đình êm ấm, một khát vọng bình thường mà không bao giờ tìm thấy. Thượng Đế hỡi, sao đọa đày tuổi trẻ Việt Nam thế nầy? Thái ơi! Từ đây em là kẻ lữ hành trên nẻo đường cô độc. Em sẽ lặng lẽ nhìn những mùa Xuân đi qua, nhìn những cánh mai cuối mùa bay tản mạn để nhớ để thương thật nhiều về những mùa Xuân cũ, những mùa Xuân có anh bên cạnh, mình cùng nhặt xác hoa vàng trong cơn gió nhẹ thoảng đưa. Tôi ngồi bên mộ anh rất lâu, một mình trong không gian vắng lặng của buổi chiều chậm xuống. Tôi không còn biết sợ hãi như ngày xưa, tôi có cảm giác anh đang lo lắng quan tâm cho tôi như một đêm nào trong căn nhà xa lạ: Không ngờ em đã 20 tuổi rồi mà còn sợ ma như cô bé 5 tuổi vậy. Lời anh nói như còn phảng phất trong gió, trong mây. Tôi cảm thấy đau đớn và nhớ anh vô cùng, nhớ tha thiết, nhớ đến tan nát cõi lòng, nước mắt tuôn rơi lả chả. Tôi thấy mình thật cô đơn tội nghiệp, tôi thèm nghe những lời nói âu yếm yêu thương, thèm vòng tay nồng ấm và nụ hôn yêu dấu ngàn đời. Nhưng anh đã xa rồi, vĩnh viễn bỏ tôi giữa dòng đời ngập đầy chông gai, đá sỏi. Trời tháng Ba rồi sao hồng quang không chiếu sáng? Xuân đã tàn chưa mà hoa mai lả tả rụng rơi? Niềm hy vọng của tôi và của anh đã tan rồi, ước mơ đã chìm sâu theo bóng người đi vào thiên cổ. Đâu đây trong gió chiều có tiếng chim kêu sầu lẻ bạn, bơ vơ. Tôi thất thiểu ra về, lạc lỏng một mình trên con đường đất nhỏ buồn tênh… “ … Mất anh rồi xa anh rồi hoa đã tàn nhụy đã phai. Chiều hôm nay trời thanh vắng em âu sầu anh ở đâu? Một người đi một người sầu nhìn hoa úa rụng tàn mau…” Vi Vân Cali |
DỰ TIỆC ĐẦU NĂM Vừa đi làm về đến nhà, chồng tôi báo tin: – Chị Nở mời tụi mình tuần tới đến dự tiệc kỷ niệm 30 năm ngày cưới của vợ chồng chị ấy. Tôi giãy nảy: – Mình từ chối được không anh? – Sao vậy em, mình có bận gì đâu ? – Anh mau quên thật, còn em thì nhớ mãi lần dự tiệc mấy năm trước… – Tưởng chuyện gì! Anh nhớ rồi, thì lần này em phải biết rút kinh nghiệm chứ! Mình không đi thì hơi kỳ, dù sao đây cũng là tiệc mừng hạnh phúc nhà người ta, vả lại đúng dịp Tết nhứt đầu năm tụ tập người quen, cũng vui! Chị Nở không hẳn là người thân thiết với gia đình tôi. Chị là trưởng Hội Con Gái Đức Mẹ trong Nhà Thờ, còn tôi lúc bấy giờ là Thư Ký của Hội Đồng Mục Vụ, nên quen biết nhau qua công việc giáo xứ và tình Kito hữu. Ngoài ra, chị ấy còn là khách hàng quen thuộc của tiệm thuốc của chồng tôi, nên khi chị xây nhà mới (lúc dịch Covid chưa xuất hiện), chị có mời vợ chồng tôi đến chung vui. Tôi hớn hở đi shopping từ buổi sáng để chọn quà tân gia cho nhà chị Nở. Mỗi lần đi mua quà cho ai đó, tôi thường bị tẩu hoả nhập ma, có khi đi cả buổi chẳng mua được gì. Chọn quà tân gia càng khó hơn, tôi đi hết tiệm này qua tiệm khác, suy nghĩ về “gia chủ” để đoán xem họ thích quà loại nào, cuối cùng tôi cũng phải chọn một món khi trời đã quá trưa. Chồng tôi phụ xách đồ vào nhà: – Sao em về trễ vậy, sắp đến giờ đi dự tiệc rồi, mà em đã ăn gì chưa ? Tôi vui vẻ: – Em có ăn chút French Fries và ly cà phê tại khu shopping, anh mang quà ra gói giùm em, rồi chờ em lên tắm rửa thay quần áo. Em cố ý để bụng đói đi dự tiệc đấy, chị Nở nổi tiếng nấu ăn ngon mà! Mọi việc xong xuôi, tôi ngồi vào bàn trang điểm, nhẩn nha chọn loại nước hoa yêu thích. Đi dự tiệc vào những dịp như thế này làm tôi phấn chấn, vì được mặc quần áo đẹp, gặp gỡ người quen và thưởng thức các món ăn. – Xong chưa em ơi?! Tôi nhìn đồng hồ: – Chỉ mới hơn bốn rưỡi mà anh, họ mời 5 giờ, trời mùa đông mau tối! – Anh biết chứ! Nhưng em đã từng ngán ngẩm cảnh đi tiệc cưới phải chờ một vài tiếng mới được ăn, và em cũng lên án “không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam” đấy thôi! – Đúng thế! Em là chúa ghét chuyện đi …quá trễ. Nếu hôm nay mình đến đúng “y boong” 5 giờ như người Canada thì sợ mang tiếng …ham ăn. Thôi tụi mình sẽ chọn giờ …lửng lơ, đến đó khoảng 5 giờ 15, không sớm mà cũng không muộn, coi như phe đến sớm và phe đến trễ đều không có cớ nói xấu mình. Đến nơi đúng 5 giờ 15, chúng tôi bước vào căn phòng ăn rộng rãi, chỉ thấy Cha xứ, mấy Cha khách và một hai cặp vợ chồng khác đang nói chuyện (hoá ra tôi vẫn đến sớm!). Mùi thức ăn từ nhà bếp toả ra thơm nồng, kích thích cơn đói của tôi. Chồng tôi được một vị khách mời ngồi vào bàn với chia bia, tôi cũng tính kéo ghế ngồi xuống thì chị Nở réo tôi từ trong bếp: – Loan ơi, vào đây nếm thử món bánh tôm Tây Hồ của chị nà!! Tôi mừng rỡ chạy vào bếp, bụng đang cồn cào mà có bánh tôm chiên ngon tuyệt vời thì còn gì bằng. Món này của chị Nở nổi tiếng khắp giáo xứ, tôm loại ngon, để nguyên vỏ, còn đủ đầu đuôi sau khi cắt sạch sẽ và nêm nếm, nhúng vào thau bột có sẵn những miếng khoai lang cắt sợi to, rồi chiên trên chảo dầu nóng, ăn với rau sống và nước mắm chua ngọt. Tôi đón lấy miếng bánh mới chiên còn nóng hổi, ăn thử thôi, vì chưa có nước mắm và rau. Lúc bấy giờ tôi mới có dịp nhìn quanh bếp, đồ đạc các thứ còn bày bừa ngổn ngang. Một chị đứng nơi góc Pantry thấy tôi rảnh, liền ngoắc tôi: – Em qua đây giúp chị lặt rau nhe, để chị ra xem nồi súp Cua! Tôi xắn tay áo lên, bắt đầu lặt rau. Lúc này có người lai rai đến, cười nói chào hỏi bắt tay nhau rôm rả ngoài kia. Tôi để rổ rau đã lặt xong, tính chạy qua phòng ăn để góp vui với đám đông thì chị Nở lại bảo: – Ôi, em tiện tay rửa rau giùm chị luôn thể, nhé! Căn phòng bếp rất rộng rãi, ngoài hai cái sinks kế bên dàn bếp gas, còn một cái sink lớn ngay giữa kitchen island Tôi đứng rửa rau, có ai đó mang vào bếp mấy túi trái cây, nào thơm, nào kiwi, thanh long, hồng giòn, rồi bày ra giữa nhà bếp, kẻ cắt người gọt nhộn nhịp. Tôi nhìn ra ngoài kia, mong chồng tôi vào đây …cứu tôi, nhưng hình như anh ấy chẳng nhớ có tôi ở đây thì phải. Anh còn bận rộn cụng ly với người này người kia, ăn mấy món snacks khai vị. Tôi đang tìm cách âm thầm chuồn ra ngoài thì cái chị súp Cua hồi nãy nhìn tôi mỉm cười: – Em ơi, cái chảo bánh tôm đang rảnh, em ra chiên hộ chị hai bịch bánh phồng tôm này để chút ăn gỏi xoài … Trời ơi! Chị Nở đang chạy ra ngoài kia chào khách mới đến, toàn là những vị khách “có máu mặt” trong giáo xứ nên căn nhà bếp để cho chúng tôi tự sai bảo nhau, mà tôi là một trong những nạn nhân. Giờ thì tôi không còn cười được nữa. Tôi diện quần áo đẹp, làm tóc đẹp, sơn móng tay móng chân để đi dự tiệc, để được thảnh thơi ăn uống chuyện trò, chớ đầu phải để làm phụ bếp. Tôi vẫn quan niệm rằng, khi mình mời khách đến nhà, thì mọi việc nấu nướng phải chu toàn trước giờ khách đến, ngoại trừ những món cần các công đoạn cuối cùng cho nóng sốt. Tôi không bao giờ để khách đến với căn bếp bừa bộn vì sự thiếu chuẩn bị của gia chủ. Nếu cần, tôi sẽ nhờ một vài người rất thân quen đến từ sớm để phụ, kể cả các món tráng miệng, trái cây tôi cũng cắt sẵn sàng trong tủ lạnh, tới giờ khách đến là cả chủ lẫn khách đều thoải mái, nên tôi khó chấp nhận việc đi dự tiệc mà bất ngờ trở thành phụ bếp, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp trong các buổi ma chay, hoặc những sự cố đặc biệt khác. Tôi cứ như chong chóng trong nhà bếp, từ những việc có tên đến những việc không tên, thì đến giờ tiệc bắt đầu. Lạy Chúa ôi, bàn ăn ngoài kia đã đầy người, lũ trẻ con và đám thanh niên được vào phòng ăn phụ, còn một số phụ nữ phụ bếp chúng tôi cũng gần chục người phải đứng ngay trong bếp, giỏng tai nghe gia chủ tuyên bố lý do, rồi Cha xứ làm phép thức ăn, xong là chúng tôi xếp hàng lần lượt bưng bê các món ra cả hai phòng ăn phục vụ mọi người. Chị Nở tíu tít chỉ đạo nhóm phụ bếp lo cho khách khứa đầy đủ, rồi quay vào nói với chúng tôi: – Chị em chúng mình chịu khó ăn trong bếp nhe! Số sướng mới được ăn trong đây, vừa ăn vừa đứng nó mới mau tiêu, ăn được nhiều!! Rồi chị cười thích thú, tôi bấm bụng cười theo (méo cả miệng) đáp lễ! Thời đại nào rồi mà còn cái hủ tục ưu tiên cho các đấng đàn ông ăn trên ngồi trước và phụ nữ chúng tôi phải ăn dưới bếp? Mà nào có được yên thân, ăn mỗi món một ít, có món thì nguyên vẹn, có món thì chỉ có đầu thừa đuôi thẹo, đã vậy còn bị réo gọi liên tục, mang thêm chén đũa, lấy tí nước mắm, múc thêm món này món kia, ôi thôi đủ cả! Tôi thấy ghen tị với các chị đến trễ ngoài kia, được ngồi bên cạnh chồng, vừa ăn uống vừa nói chuyện rộn ràng, còn tôi, cũng là khách được mời, nhưng còn kiêm luôn cả chân phụ bếp, dọn rác và bồi bàn. Tiệc cũng sắp tàn, vài người kéo ra phòng kế bên hát karaoke, nhóm đàn ông tản ra ngoài hút thuốc, tôi nhìn mấy cái sinks trong bếp đầy các chén dĩa dơ mà ngán ngẩm. Tôi quyết định đứng lên, chuẩn bị khuôn mặt lạnh lùng, nhủ thầm sẽ không mủi lòng nhẹ dạ với bất cứ người nào mời tôi …ở lại nhà bếp. May quá, chị Nở từ ngoài nhanh nhẹn chạy vào, xua tay: – Ấy ấy! Em ơi, đừng bận tâm chuyện rửa chén, chút chị cho vào máy một loáng là xong thôi mà! Ủa, tôi có định rửa chén đâu chớ! (Xưa rồi …Nở!). Cuối cùng, chồng tôi cũng kịp xuất hiện để giải cứu tôi, chào chủ nhà và xin phép ra về vì mai còn đi làm sớm, dù chị Nở một mực níu kéo ở lại hát karaoke với lý do “hổng có Loan thì karaoke hổng dzui” (chắc chị ấy mỉa mai tôi, chớ ai cũng biết tôi thuộc nhóm người “hát hay không bằng …khoái hát”), nhưng tôi vừa bực bội vừa mệt mỏi, thì còn tâm trí nào để hát xướng ?! Có cho tôi hát mười bài tôi cũng chẳng ham. Chui vào xe, thấy tôi im lặng bơ phờ, chồng nhìn tôi …rụt rè: – Em đói không, mình ghé tiệm nào đó ăn thêm nhe?! – Anh cũng đói à ? – Không, anh quá no vì thức ăn mang lên bàn liên tục, anh nghĩ em ở dưới bếp bận rộn chắc không ăn đủ no… Tôi hờn mát: – Anh no rồi thì đi ăn nữa làm gì! – Thì cho em ăn! – Thú thật với anh, em đói không ra đói, no chẳng ra no, mà chỉ thấy mệt. Anh cho em về nhà tắm rửa, cái áo đầm hàng hiệu của em bây giờ đầy mùi hành tỏi xào nấu. Nếu tối đói bụng em nấu mì, vừa ăn vừa xem phim vẫn ngon tuyệt vời. Nhớ lại cái buổi tiệc đó, tôi vẫn …giận hờn chị Nở, tôi bảo chồng: – Vậy lần này nhất định vợ chồng mình sẽ đến trễ hẳn một tiếng. – Ai lại làm thế ? Như vậy không lịch sự tí nào cả! – Mình sẽ nói trước là tiệm đang mùa chích Flu và booster mũi thứ ba Covid nên không đến đúng giờ được, ai dám trách mình?! Vài ngày sau chồng tôi về nhà, lại báo …tin vui: – Em ơi, khỏi cần lo chuyện đi trễ nữa nhé.. – Chị Nở cancel tiệc hở anh? – Chị ấy bảo hai năm nay vì dịch mệt mỏi, nên chị quyết định tiệc sẽ làm ở nhà hàng, khỏi phải lỉnh kỉnh bếp núc. Vậy em tha hồ mặc áo quần đẹp rồi đến dự tiệc. À mà nè, chị Nở còn đặt nhà hàng lo chuyện âm thanh và dàn karaoke nữa đó, em chuẩn bị dợt lại mấy bài nhạc tủ, nhạc sến của em đi là vừa. Đúng là tin vui tới tấp, nên tôi chẳng thèm cãi lại chồng, rằng tôi cũng yêu thích mê mẩn “nhạc sang” của Phạm Duy, Ngô Thuỵ Miên, Từ Công Phụng, Cung Tiến …nhưng vì giọng “oanh vàng” của tôi chỉ hợp với nhạc bolero thôi chứ bộ! (Dù rằng, đôi khi tôi cũng thấy mình cũng hơi… sến, chả oan gì đâu!) Mà thôi, trước mắt là tôi sẽ đi shopping cho bộ áo đầm mới, chuyện hát hò tính sau! Edmonton, 12/2021 KIM LOAN |