Tản Mạn Về Mùa Xuân 2022 Louis Tuấn Lê Hưởng ứng lời mời gọi từ Văn Thơ Lạc Việt – Ban Biên Tập Đặc San Xuân Nhâm Dần 2022. Cũng như mọi năm tôi thường viết bài tham dự trong đặc san mùa xuân, năm nay cũng như thường lệ, tôi xem lại những bài thơ đã viết cho mùa xuân, thì nhận thấy rất nhiều thơ đã viết cả cũ lẫn mới, riêng bài viết thì vẫn còn ít. Tôi tự tìm cho mình một chủ đề mới để viết về mùa xuân, không gì bao la hơn đó là chủ đề: Tản Mạn Mùa Xuân, từ ngữ tản mạn khiến tôi phải tìm hiểu thêm một chút về từ ngữ này là gì? Tôi vào Google Search trong tự điển bách khoa “Wikipedia” và tìm hiểu từ ngữ tản mạn vậy mà cũng tràng giang đại hải, thôi thì xin ngắn gọn lại cho dễ hiểu. Theo tự điển Văn Học. Tản mạn hay tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, mang tính chất chấm phá không nhất thiết đòi hỏi phải có cốt truyện. Tản mạn là bài viết dài ngắn tuỳ ý, cách thể hiện đa dạng, không bị gò bó, thậm ᴄhí đã nới rộng ranh giới thể loại, ᴠà làm phong phú đề tài ᴄhủ đề. Tôi thử vào tự điển tiếng Anh (English) để tìm hiểu thêm nghĩa chữ tản mạn, vậy mà tiếng Anh cũng rất phức tạp, có rất nhiều từ để mô tả, chỉ riêng chữ (Scattered) có lẽ là phù hợp, bởi nghĩa chính là rải rác, tản mạn, mỗi nơi một chút. Thôi thì dựa theo ý tưởng này tôi phân loại bài Tản Mạn Mùa Xuân qua nhiều góc cạnh khác nhau: 1- Năm Nhâm Dần 2022. Con Cọp tại sao gọi là Ông Ba Mươi. 2- Câu chuyện cổ tích về Phạm Nhĩ một nhân vật thần thoại giống như Tề Thiên Đại Thánh. Truyện cổ tích tại sao có mùa xuân. Mẹ kể chuyện ngày xửa ngày xưa 3- Những ca khúc biểu tượng cho mùa xuân 4- Những bài thơ kinh điển tượng trưng cho mùa xuân 5- Những vần thơ của tôi viết cho tình yêu và mùa xuân Bấy nhiêu tiết mục cũng đủ cho bài viết này khá dài, xin mời quý độc giả cùng tôi bước vào từng tiết mục và đọc cho vui nhé. Trước nhất xin tìm hiểu một chút về năm 2022. Năm 2022 mệnh gì? Theo ngũ hành, năm 2022 theo Âm lịch là năm Nhâm Dần (Thiên Can là Nhâm, Địa Chi là Dần), là năm con hổ (con cọp) – con giáp thứ ba trong 12 con giáp. Năm Nhâm Dần 2022 bắt đầu vào ngày 01/2/2022 và kết thúc vào ngày 21/1/2023 theo Dương lịch. Năm 2022 thuộc mệnh Kim, Kim Bạch Kim – vàng pha bạc Ngày mùng một Tết năm 2022 là thứ 3 Ngày 1 tháng 2 năm 2022 theo dương lịch, như vậy năm nay đối với người Việt tại Hải Ngoại thì không thuận tiện cho lắm vì rơi vào ngày thường trong tuần, mọi người còn phải đi làm, phải đợi đến cuối tuần (Weekend). Là thứ 7 Ngày 5 tháng 2, 2022, tức là mùng 5 Tết Nguyên Đán. Do đó kém phần vui hơn. Hơn nữa tình trạng Corvids 19 qua biến thể mới Omicron còn lây lan nhanh hơn, ra ngoài đường hay đi đâu cũng phải mang khẩu trang (mask), mất đi niềm vui ngày Tết. Thôi thì chúng ta tổ chức vui xuân tại nhà, hội họp chung vui với gia đình hay bạn bè. Thế giới đã biến đổi quá nhiều trong năm 2021, và hẳn là những thay đổi trên toàn cầu sẽ không chậm lại trong năm tới, ngay cả trong viễn cảnh lạc quan nhất là đại dịch CORVIDS-19 giảm bớt để trở thành bệnh đặc hữu có thể kiểm soát như nhiều chuyên gia kỳ vọng. Các tổ chức y tế thế giới đã hạ thấp niềm hy vọng tiêu diệt Virus Corona, vì nó như loại bệnh cúm, họ nhấn mạnh rằng việc tiêm phòng và các biện pháp khác, chỉ nhầm mục đích biến dịch bệnh trở nên ít đe doạ hơn, chúng ta vẫn tiếp tục cuộc sống bên cạnh con Virus Corona, như chúng ta đã sống bên cạnh bệnh cúm trong bao năm qua. Kỳ vọng kinh tế Năm 2022 sẽ bắt đầu với sự hy vọng mạnh mẽ về hồi phục kinh tế và sự thận trọng đi kèm. Dù Omicron có thể khiến nhiều người bi quan về việc mở cửa lại, nhưng việc phân phối vắc xin ngày càng rộng và việc các nước tăng cường đầu tư cho y tế sẽ hứa hẹn có thêm vắc xin và thuốc điều trị CORVIDS-19. Những loại thuốc chủng ngừa tăng cường liều thứ 3 và hiện tại đang có xu hướng tăng cường thêm liều thuốc thứ 4 để chủng ngừa các chủng loại của con Corvids 19 Sự lạc quan cho năm mới 2022 đang tăng lên khi nhiều nước vạch ra lộ trình mới hướng tới tương lai và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Việc mở lại biên giới và các chuyến bay quốc tế giúp phục hồi đầu tư xuyên biên giới, giao dịch thương mại cũng như hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, một diễn biến quan trọng của năm 2022 là hợp tác kinh tế của 15 quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực vào ngày đầu năm 2022. RCEP hiện là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới bao gồm 30% dân số thế giới, với khối lượng kinh tế và thương mại cũng chiếm 30% toàn cầu. Nhìn chung tình hình kinh tế chính trị thế giới năm 2022 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi 2 yếu tố chính: đại dịch CORVIDS-19 và sự cạnh tranh căng thẳng Mỹ – Trung. Cũng như sự đối đầu giữa Nga – Mỹ. Tất cả điều này xảy ra khi lực lượng của Nga đang tập trung đông ở khu vực biên giới Ukraine, và Trung Quốc đang ngày càng lớn tiếng về việc chiếm lại Đài Loan bằng vũ lực trong trường hợp cần thiết. Các xung đột nhỏ trong khu vực vẫn nổ ra trên khắp thế giới. Ethiopia xảy ra nội chiến, xung đột ly khai ở Ukraine đã giết chết hơn 14.000 người kể từ năm 2014, tình trạng nổi loạn ở Syria tiếp tục bùng phát và nhóm Nhà nước Hồi giáo IS đang hoành hành khắp châu Phi. Riêng những cơn thịnh nộ của trái đất thì không thể trình bày hết. tất cả những thiên tai gần như mỗi năm đều xảy ra và càng nặng nề hơn. Sóng Thần, động đất, bão lụt, núi lửa, ngập lụt, hoả hoạn xảy ra khắp mọi nơi. Thôi thì nắng mưa là chuyện của trời Yếu nhau là chuyện của tôi với nàng. Đời sống vốn dĩ là vô thường, có gì tồn tại mãi mãi. Thôi thì chúng ta hãy tạm quên những lo âu trong đời sống để tâm hồn được bình an, đem dòng suy tư vào lãnh vực văn học, âm nhạc, thơ phú. Cho đời sống thăng hoa đầy lãng mạn. ![]() Xin mời quý vị cùng tôi trở về những câu chuyện cổ tích xa xưa, ông bà kể chuyện cho con cháu nghe. Năm Nhâm Dần chúng ta nói chuyện về con Hổ (Cọp). Tại sao gọi Hổ là Ông Ba Mươi. Tôi tìm hiểu về câu chuyện này thì nhận ra. Trong truyền thuyết dân gian của người Việt Nam. Chúng ta cũng có ông Phạm Nhĩ, sức mạnh vô song, quyền phép cũng ngang bằng trời. Ông đã quậy tới bến lên tận trời đánh phá lung tung khiến cho Ngọc Hoàng Thượng Đế phải sợ hãi cầu viện tới Phật Tổ Như Lai. Câu chuyện này không thua gì Tề Thiên Đại Thánh đại náo Thiên Cung, cuối cùng nhà trời cũng phải nhờ đến Phật Tổ Như Lai mới trị được. Xin mời quý vị cùng tôi bước vào câu chuyện Ông ba mươi. Ngày xửa ngày xưa, ở trên Trời có một người khỏe lạ lùng. Những việc dời núi lấp biển, đội đá bẻ cây ông làm băng băng không một ai bì kịp. Ông còn có tài thần thông biến hóa vượt xa nhiều vị thần trên Thiên Đình. Đặc biệt ông có hai vành tai dài và rách, vì lúc nhỏ ông thường dùng hai tai cho nhiều người móc vào mà đu, rồi xoay họ như chong chóng. Cũng vì thế người ta quen gọi ông là Phạm Nhĩ. Ông vốn tính hay nghịch ngợm và hung hăng quen thói từ hồi trẻ, Phạm Nhĩ không mấy khi ngồi yên. Ông thường hay gây sự đánh nhau với những kẻ mà ông thù ghét. Nhưng người ta đều tránh né ông, chẳng mấy ai dám đọ sức, vì đã từng có bao nhiêu anh hùng hảo hán không chịu nổi một cú đấm, cái gạt của ông. Thấy mọi người đều thua tài, Phạm Nhĩ ngày một kiêu căng tự phụ. Ông cho rằng các vị thần xung quanh Ngọc Hoàng chẳng có tài nghệ và sức khỏe gì. Ông lấy làm bực mình vì danh tiếng mình nổi như cồn mà vẫn không được Ngọc Hoàng trao cho một chức vị xứng đáng. Mỗi ngày lòng kiêu căng tự phục của ông một lớn thêm mãi. Cho đến lúc Phạm Nhĩ đâm khinh thường cả Ngọc Hoàng, tự nghĩ mình nên làm vua nhà Trời mới phải. Thế rồi, ông tụ tập quanh mình một số bộ hạ cũng có sức khỏe và tài phép hơn người, thành một đội quân bất trị. Đội quân này ngày một đông, đã từng gây náo loạn ở Thiên đình. Cuối cùng, Phạm Nhĩ cầm đầu đội quân của mình tiến đến thiên cung đòi hạ bệ Ngọc Hoàng để mình trị vì thiên hạ. Quân đội Nhà Trời vốn đông như kiến cỏ, nhưng kéo ra bao nhiêu bị diệt bấy nhiêu, cuối cùng bỏ chạy toán loạn như ong vỡ tổ. Thừa thắng, Phạm Nhĩ thúc quân, tiến lên vây chặt Thiên cung. Thấy thế Ngọc Hoàng hết sức lo lắng. Ngọc Hoàng vội sai Bắc Đẩu cầu cứu Đức Phật. Nghe tin cấp báo, đức Phật sai Chuẩn Đề đi bắt Phạm Nhĩ. Nhưng đức Phật không ngờ Chuẩn Đề tài phép cao cường là thế, cũng lại bị ăn đòn nặng nề của Phạm Nhĩ đến nỗi lê lết chạy về, xiêm giáp tả tơi. Cuối cùng đức Phật đành phải ra tay. Trong lúc Phạm Nhĩ đương hung hăng múa may, chửi bới Ngọc Hoàng và bọn triều thần bất tài bất lực, thì đức Phật đã xuất hiện. Phạm Nhĩ vội xông lên toan dùng sức đánh, không ngờ sa ngay vào túi thần của đức Phật, toàn thân co rúm không cử động được nữa. Thế là Phạm Nhĩ bị bắt. Phật Tổ Nghe lời tâu xin của Ngọc Hoàng, xin tha tôi chết, Phật Tổ và Ngọc Hoàng nhận thấy dù sao Phạm Nhĩ cũng là người tài nên nê ra lệnh cắt đôi cánh của Phạm nhĩ và đầy ông xuống trần gian làm Hổ giữ chúa tên sơn lâm. Kể từ đó Hổ sống trong rừng và làm chúa tể một vùng sơn lâm. Tại sao gọi Hổ là Ông Ba Mươi? Đó là vì khi có người nào săn được hổ thì nhà vua có lệ thưởng cho ba mươi quan tiền vì đã trừ được cho loài người một con thú hung ác. Nhưng vua cũng bắt người đó phải chịu 30 roi để cho vong hồn Phạm Nhĩ được thỏa mà không tác quái nữa. Người xưa có câu: “Trời sinh hùm đã có vây, Hùm mà có cánh, hùm bay lên Trời” để nhớ đến cuộc náo động Thiên Cung của Phạm Nhĩ xưa kia. ![]() Tiếp theo một câu chuyện thứ hai: Sự tích Mùa Xuân. Ngày xửa ngày xưa khi ấy trời đất chỉ có 3 mùa. Hạ – Thu – Đông. Từ mùa đông băng tuyết lạnh cóng, bất ngờ chuyển qua mùa Hạ nóng bức, sự thay đổi đột ngột làm cho con người và muôn thú không kịp đáp ứng gây nên bệnh hoạn cảm cúm rất khó chịu. Có một chú Thỏ sống trong khu rừng xanh nọ với mẹ. Mỗi lần chuyển mùa, mẹ của Thỏ lại bị ốm. Thương mẹ quá, Thỏ con liền bàn với bác Khỉ già thông thái: – Bác Khỉ ơi, hay là chúng ta hãy cùng nhau làm một chiếc cầu vồng thật đẹp để đón cô mùa Xuân đến với chúng ta? – Nhưng làm bằng cách nào? – Bác Khỉ già đắn đo hỏi lại. – Cháu sẽ rủ các bạn trong rừng góp những chiếc lông đẹp nhất để làm chiếc cầu vồng thật nhiều màu sắc. Bác Khỉ đồng ý với Thỏ. Tin tức lan truyền đi khắp nơi. Muôn thú trong rừng đều muốn gặp mùa Xuân dịu hiền, ấm áp nên vui vẻ góp những màu sắc đẹp nhất. Nào là màu nâu của Gấu, màu vàng tơ của Hươu sao, màu xám của Sóc… Rồi chim Công, Vẹt, Vành Khuyên cũng góp những chiếc lông sặc sỡ của mình. Bầy cá cũng cử cá Chép mang đến một túi đầy vây cá lấp lánh sắc cầu vồng. Chim Sâu khéo tay bắt đầu kết nối những mảng màu với nhau để làm chiếc cầu vồng. Trong khi đó, Thỏ lên đường đi tìm các loài hoa. Thỏ đi khắp nơi, băng qua hết khu rừng này đến khu rừng khác để gặp từng loại hoa, thuyết phục các loài hoa nở cùng một lúc để đón mùa Xuân về. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Thỏ dành cho mẹ, các loài hoa đều đồng ý sẽ tích tụ dưỡng chất để chờ chị Gió báo tin đồng loạt nở. Một buổi sáng cuối mùa Đông, chim Sâu đã dệt xong những mảng màu cuối cùng. Chiếc cầu vồng xuất hiện làm muôn loài trên mặt đất xôn xao. Chị Gió nhanh chóng báo tin cho các loài hoa. Như đã hẹn, những nụ hoa lần lượt vươn lên, nở muôn màu rực rỡ. Cả mặt đất lộng lẫy sắc màu. Nàng mùa Xuân xinh đẹp đã đến với trái đất. Từ đó trên trái đất có đủ bốn mùa Xuân, Hạ , Thu, Đông. Nếu để ý, các bé sẽ thấy các loài hoa đều khoe sắc rực rỡ khi những làn gió xuân nhè nhẹ thổi về. Còn riêng chú Thỏ đáng yêu thì đã được mùa Xuân tặng một chiếc áo trắng tinh, mềm mại vì tấm lòng hiếu thảo và đã biết đoàn kết các bạn muông thú cùng các loài hoa để cùng nhau đón mùa Xuân về. Hai câu chuyện nghe Mẹ kể ngày xửa ngày xưa, như gợi nhớ tuổi thơ hồn nhiên trong sáng như thiên thần. ![]() Xuân đang tới thật gần, hương xuân lan tỏa khắp không gian, khoe dáng đẹp lung linh muôn màu sắc, hương thơm. Mùa xuân là lúc cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, là mùa của những sự bắt đầu, sự khởi đầu cho một tâm hồn mới, một cuộc sống hay một tình yêu mới. Khi không gian ngập tràn sắc xuân cũng là lúc cảm xúc con người trở nên thổn thức, dễ rung động và đón nhận tình cảm nhiều hơn. Rất nhiều câu chuyện tình yêu có điểm khởi đầu vào mùa xuân. Hạnh phúc vốn dĩ rất mong manh, dễ vỡ. Nhưng mùa Xuân chính là thời điểm để con người chăm chút, bồi dưỡng thêm năng lượng cho hạnh phúc, cho tình yêu, cùng chắp đôi cánh để thăng hoa, vì tình yêu vẫn là một ân huệ, một nguồn ân sủng trong tận đáy tâm hồn, tình yêu ấy vẫn nguyên vẹn và lớn lên từng ngày. Là sự nảy mầm vào mùa Xuân, cuồng nhiệt vào mùa Hạ, tha thiết vào mùa Thu, sưởi ấm bên nhau vào giữa mùa Đông”. Hãy bỏ lại quá khứ của những ký ức đau thương mệt mỏi, của những lo toan miếng cơm manh áo, của những bệnh tật tuổi già. Chúng ta hãy mở tung cánh cửa thời gian đề bước vào nằm dài trên thảm cỏ xanh mướt mùa xuân, để ngắm hoa xuân và thưởng thức những hương vị thơm ngát của mùa xuân. Không gì vui hơn, xin quý độc giả cùng tôi đi vào vườn hoa âm nhạc, cùng thưởng thức nhữ giai điệu mùa xuân, thật hay thật êm dịu, đó là những ca khúc kinh điển tượng trưng cho mùa xuân. Xin giới thiệu ca khúc đầu tiên. ![]() Nhạc sĩ Hoài An (1929) tên thật của ông là nguyễn Đắc Tịnh. Câu chuyện đầu năm được ông viết lâu rồi, ông cũng viết rất nhiều ca khúc về mùa xuân, để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người trên khắp mọi miền quê hương. Như: Ngày xuân thăm nhau – Tâm sự ngày xuân – Thiên duyên tiền định. Riêng ca khúc Câu chuyện đầu xuân, hai câu mở đầu nhạc sĩ đã viết: Trên đường đi lễ xuân đầu năm Qua một năm ruột rối tơ tằm. 2- Ước nguyện đầu xuân: Nhạc sĩ Hoàng Trang (1938 – 2011). Ông sáng tác rất nhiều ca khúc với nhiều tác phẩm gắn liền với tên tuổi như Nếu Đời Không Có Anh… Bài hát có không khí vui tươi, sinh động nói về tâm tư của người con gái khi mùa xuân đến với nhiều mộng ước. Mở đầu ca khúc Ước nguyện đầu xuân: Một chùm hoa mai nở Một bầy chim én bay cao Chúa xuân giáng trần thật xinh . . . 3- Mùa xuân đó có em. Nhạc sĩ Anh Việt Thu Ông tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, sinh năm 1939 và bút danh Anh Việt Thu có nghĩa là “Anh của Việt Thu” vì em trai của ông có tên là Việt Thu. Ông sáng tác rất nhiều như: Đa tạ, Người ngoài phố, Tám điệp khúc, Hai vì sao lạc. vân vân Là bài tình ca (Mùa xuân đó có em) mang bóng dáng những khuôn mặt người yêu hẹn hò gặp nhau trong mùa xuân. Nếu chiều nay lỡ hẹn không về Thì xuân năm nay xuân sẽ buồn …. 4- Cánh thiệp đầu Xuân – Minh Kỳ Đặc biệt nhạc sĩ Minh Kỳ được coi là cháu 5 đời của vua Minh Mạng, ông sinh năm 1930 mất năm 1975. Ông thường viết nhạc chung với Lê Dinh. Là bài hát ra đời từ cách đây hơn 50 năm, Cánh thiệp đầu xuân là một sáng tác đầy ăn ý của bộ đôi nhạc sĩ Minh Kỳ – Lê Dinh. Lời ca khúc được viết nên bằng những ca từ mộc mạc, bình dị, dễ nhớ, cùng với đó là giai điệu vui tươi góp phần tạo nên không khí đầy háo hức cho ngày đầu năm. Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng Xuân đến rồi đây nào ai biết không…. 5 -Đón xuân này nhớ xuân xưa. Nhạc sĩ Châu Kỳ Mùa xuân là thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, là lúc để mọi người quên đi những sầu muộn trong quá khứ để hướng về những gì vẹn toàn trong tương lai. Thế nhưng trong không khí xuân đầm ấm và thiêng liêng ấy chúng ta lại không khỏi có chút bồi hồi nhớ về những mùa xuân ngày cũ. Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa Một chiều xuân anh đã hẹn hò…. 6- Xuân đã về – Minh Kỳ Ca khúc ra đời từ cuối thập niên 1950 nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác, là một ca khúc viết cho mùa xuân, tồn tại mãi theo thời gian, trải qua nhiều thế hệ cho đến tận ngày nay, vẫn là một ca khúc phổ biến nhất trong dịp Tết đến xuân về. Xuân đã về xuân đã về Kìa bao ánh xuân hồng tràn lan mênh mông….. 7- ![]() Xuân này con không về Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân sáng tác vào khoảng thập niên 1960. Lời hát và giai điệu của ca khúc chậm buồn, diễn tả tâm trạng của người con xa nhà vào dịp Tết, không về sum họp được với gia đình, không được gặp mẹ, không được gặp các em. Đó là lúc mai đào nở vàng, là lúc có nồi bánh chưng nghi ngút khói, là lúc có tiếng pháo nổ với đàn trẻ thơ, thế nhưng, người trai đó lại ở tận nơi phương trời xa và chạnh lòng nghĩ tới cảnh đoàn viên. Bài hát này khi trình bày lần đầu tiên, lúc đó đa số anh em chúng ta những cựu quân nhân còn đang trong quân đội, thành thử nghe rất xúc động, bởi vì nó chuyên chở được tâm trạng nỗi lòng, tâm sự của bất kỳ người lính nào đang xa nhà, ngay thời điểm đó đều đang nhớ về quê nhà của mình và nhất là nhớ về hình ảnh người mẹ già. Con biết bây giờ mẹ chờ tin con Khi thấy mai đào nở vàng bên nương. . . 8- Đón Xuân – Phạm Đình Chương Đón xuân của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được sáng tác năm 1953 và sống mãi theo thời gian bởi mỗi ca từ, mỗi nhịp điệu đều tươi vui, rộn rã như đang nhảy múa, mừng một mùa xuân mới. Còn gì tuyệt vời hơn khi được lắng nghe bài hát này mỗi khi mùa xuân đến. Những câu ca rộn rã như làm cho bất kỳ ai cũng cảm thấy vui tươi và yêu đời hơn bao giờ hết. Xuân đã đến rồi Reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời … 9- Đoản Xuân ca – Thanh Sơn Đoản xuân ca được sáng tác sau năm 1975 bởi cố nhạc sỹ Thanh Sơn. Với giai điệu sôi động, rộn ràng đậm chất Tết, bài hát là một lời tình mang đến trong lòng mỗi người nghe sự rộn ràng, vui tươi và hy vọng mới khi những giai điệu reo vang khắp nơi. Mỗi lần Đoản Xuân Ca vang lên là mỗi người nghe đều thấy Tết đã thực sự về trong lòng mình Nghe xuân sang thấy trong lòng em chứa chan Tiếng pháo vui vang đó đây nghe rộn ràng … 10- Ly rượu mừng – Phạm Đình Chương Nhắc đến sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người ta không thể không nhắc đến ca khúc Ly Rượu Mừng được ông sáng tác từ đầu những năm 1950. Bài hát này đã có thời bị chính quyền cộng sản cấm biểu diễn. bởi vì ca khúc đã một thời rất thịnh hành ở miền Nam. Vào thời khắc Giao thừa, trong tiếng chuông nhà thờ đổ ngân dài, tiếng pháo nổ là giọng hát của danh ca Thái Thanh cùng ban hợp ca Thăng Long. Nó thân thuộc tới nỗi, ngày Tết mà chưa nghe “Ly Rượu Mừng” là chưa thấy không khí xuân về. Theo thông tin mà gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương gửi cho Phương Nam Film thì bản nhạc vốn trích ra từ một tập sách nhạc Phạm Đình Chương ấn hành ở Mỹ. Trong đó ghi rõ: Ca khúc “Ly Rượu Mừng” được viết tại Sài Gòn năm 1953 để đăng trên số báo Tết, báo Đời Mới, thể theo yêu cầu của cụ Trần Văn Ân và nhà văn quá cố Nguyễn Đức Quỳnh – hai người chủ của tờ báo. Theo tôi đây chính là ca khúc kinh điển, tiêu biểu nhất cho mùa xuân. Khi chúng ta nghe tiếng nhạc vang lên, ngay lập tức chúng ta nhận ra mùa xuân đã trở về. Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi Người thương gia lợi tức Người công nhân ấm no Thoát ly đời gian lao nghèo khó … Ngoài ra tôi còn để ý đến ca khúc Mùa Xuân đầu tiên, nhạc sĩ Văn Cao viết vào dịp tết Bính Thìn năm 1976. Đây là ca khúc đầu tiên của ông sáng tác và được phổ biến, sau 20 năm kể từ lần cuối cùng Văn Cao tuyên bố gác bút, từ bỏ sự nghiệp sáng tác và kể từ khi ông bị cô lập, theo lệnh của Tố Hu4u, sau khi ông tham gia vào nhóm Nhân Văn Giai phẩm Văn Cao đã tìm cho mình một góc thăng hoa riêng để viết ra Mùa xuân đầu tiên với mong muốn khép lại một thời chiến tranh mà ông đã mô tả trong Tiến quân ca. Ca khúc này chính tôi cũng thường hay hát trong thời gian tù đày (tập trung cải tạo) tại miền bắc, mỗi khi mùa xuân về. Trong quyển hồi ký Đội Đập Đá trại 6 Nghệ Tĩnh, có đoạn mô tả về mùa xuân trong tù, tôi đã đổi lời ca khúc này: Giờ người tù ngồi đây xem én về Trời mịt mù đường xưa xa lối về Mùa xuân mơ ước ấy nay có về đâu Với nhớ mong yêu thương, về nơi chốn xưa yêu thương Một tia nắng vui hôm nay mênh mông. Ca khúc này nhạc sĩ Văn Cao viết theo điệu valse, dập dìu yêu thương rất hay, lời bài hát cũng mượt mà trải rộng tâm tư tình cảm con người trước mùa xuân. Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về Mùa bình thường mùa vui nay đã về Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông Một trưa nắng cho bao tâm hồn. Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về Người mẹ nhìn đàn con nay đã về Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh Niềm vui phút giây như đang long lanh. Ca khúc này cùng tên với một ca khúc (Mùa Xuân đầu tiên), của nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác vào năm 1966. Đây là một trong những ca khúc xuân khá nổi tiếng ở miền nam Việt Nam vào thời điểm đó. Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em Bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa Xuân vừa đến Em ơi hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương Lòng nhớ tới em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn. ![]() Âm Nhạc Và Thơ Ngôn ngữ trong thơ là những giai điệu mang tính âm nhạc, mỗi đoạn thơ có một nhịp điệu mang âm hưởng của tiếng lòng, âm thanh của phong cảnh, của mưa gió, sông núi của hoa lá thay mùa, tất cả tạo nên một cảm xúc đó cũng là tâm hồn của thi sĩ, thật lãng mạn và trữ tình. Âm nhạc là những giai điệu được sáng tạo từ sự rung cảm của tâm hồn nhạc sĩ, biết đưa những âm điệu để hoà nhập gắn liền với hình ảnh, cảm xúc của ngôn ngữ, nội dung của tư tưởng mà nhà thơ muốn nhắn gửi. Âm nhạc sẽ chấp cánh cho những câu thơ bay cao bay xa hơn và đi vào lòng người. Thơ và âm nhạc đều lấy tính chất lãng mạn, trữ tình để làm thăng hoa cho cuộc sống. Thơ gợi cảm hứng cho người nhạc sĩ, nhạc gợi cảm hứng cho người nghe. Nhờ phong phú về nhịp điệu, những tiết tấu được viết hoà âm, người ca sĩ trình bày qua tiếng hát ngọt ngào tình cảm, nhờ thế âm nhạc đã đưa lời thơ bay cao và bay thật xa. Tóm lại ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ giàu tính nhạc hơn bất cứ ngôn ngữ ở những thể loại nào khác. Trở lại với chủ đề chính của bài viết Tản Mạn Mùa Xuân. Tôi xin nêu ra một vài bài thơ gần như đã trở thành một biểu tượng của ngày Tết. Bài thơ Ông Đồ là một điển hình mà không ai trong chúng ta lại không biến đến. Nhà thơ Vũ Đình Liên đã sáng tác bài thơ này, để bày tỏ niềm xót thương, luyến tiếc với hình ảnh những ông đồ một thời, mỗi khi Tết đến vẫn được mọi người thuê viết chữ, câu đối để đem về nhà trang trí cho ngày Tết. Nhưng từ khi chế độ Vua chúa, tính cách thi cử theo thời xưa đã bị quân lãng, chữ Nho không còn được coi trọng, từ đó không ai thích chơi chữ, không còn ai thuê Ông Đồ thảo bút viết những khuôn chữ rồng bay phượng múa, rồi cũng kể từ đó đã vắng bóng Ông Đồ già bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua. Trước khi đi vào chi tiết bài thơ, chúng ta cũng nên nhắc lại một chút về tiểu sử nhà thơ Vũ Đình Liên. Vũ Đình Liên (1913-1996) quê của ông tại Hải Dương, nhưng ông đã sinh sống và lập nghiệp tại Hà Nội. Ông là một trong những nhà thơ đầu tiên của phong trào thơ mới. Thơ của ông mang nặng lòng thương người, mang tính chất hoài cổ, tưởng nhớ lại một thời xa xưa. Ngoài những sáng tác thơ văn, ông còn nghiên cứu, dịch thuật, và ông cũng là giáo sư dạy văn học. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Ông Đồ – Lòng ta là những hàng thành quách cũ – Luỹ tre xanh – Nhớ Cao Bá Quát. Vân vân.. Ông Đồ ![]() Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bày mực Tàu, giấy đỏ Bên phố đông người qua Bao nhiêu người thuê viết Tấm tắc ngợi khen tài: “Hoa tay thảo những nét Như phượng múa, rồng bay” Nhưng mỗi năm mỗi vắng Người thuê viết nay đâu? Giấy đỏ buồn không thắm Mực đọng trong nghiên sầu Ông đồ vẫn ngồi đấy Qua đường không ai hay Lá vàng rơi trên giấy Ngoài trời mưa bụi bay Năm nay đào lại nở Không thấy ông đồ xưa Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ? Tôi thử tìm hiểu thêm về những ca khúc phổ nhạc bài thơ Ông Đồ, tôi nhận thấy cũng khá nhiều, kể cả bộ môn cải lương, nhưng có một bài hát Ông Đồ mà tôi thấy hay nhất đó là Nhạc Sĩ Võ Tá Hân đã phổ nhạc bài thơ Ông Đồ. Ngoài ra nhạc sĩ Vinh Sử cũng đã phổ nhạc bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên, nhạc sĩ Vinh Sử đã đổi tên ca khúc là (Mỗi năm Hoa Đào Nở), riêng lời thơ nhạc sĩ vẫn giữ nguyên ý thơ. ![]() Có một bài thơ rất hay và bài thơ này đã trở thành một biểu tượng của ngày Tết, đó là bài Chùa Hương thơ Nguyễn Nhược Pháp. Hôm nay đi Chùa Hương, Hoa cỏ mờ hơi sương. Cùng thầy me em dậy, Em vấn đầu soi gương. Trước khi đi vào chi tiết bài thơ Chùa Hương, cũng như tìm hiểu thêm về tiểu sử tác giả Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Chúng ta hãy tìm hiểu thêm một chút về địa dư và lịch sử khu vực Chùa Hương. “Theo tự điển bách khoa Wikipedia” “Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ở ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Mọi người thường cho rằng chùa Hương có từ cuối thế kỷ 17 nhưng thực ra Chùa Hương có lịch sử từ thế kỷ 15. Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17, sau đó bị hủy hoại trong kháng chiến chống pháp năm 1947, sau đó được phục dựng lại năm 1988 do Hòa thượng Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hoà thượng Thích Thanh Chân. Khi xưa vua Lê Thánh Tông đi tuần thú qua đây lần thứ 2 vào tháng giêng năm Đinh hợi, niên hiệu Quang thuận thứ 8 (1467) đã đóng quân nghỉ lại ở thung lũng này và cho quân lính thổi cơm ăn, vua xem thiên văn thấy vùng này lâm vào địa phận của sao Thiên Trù, (một sao chủ về sự ăn uống và biến động) nên nhân đấy đặt tên là chùa Thiên Trù. Ba vị Hòa thượng đời vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đã tìm thấy động Hương Tích và dựng lên thảo am Thiên Trù. Kể từ đó động Hương Tích được gọi là chùa Trong, Thiên Trù gọi là chùa Ngoài, rồi người ta lấy tên chung cho hai nơi và cả khu vực là chùa Hương hay “Hương Thiên Bảo Sái”.” Đó là một đoạn trích dẫn về địa lý và lịch sử Chùa Hương, để chúng ta có cái nhìn tổng thể hơn về di tích thắng cảnh đó là quần thể Chùa Hương. ![]() Nơi đây tuy là chốn tôn nghiêm nhưng lại có phong cảnh làm lay động lòng người. Cảnh vật hùng vĩ, núi non trùng điệp, sông nước hữu tình là nguồn cảm hứng cho biết bao thi sĩ, nhạc sĩ khi bước chân đến thăm viếng địa danh này. Chính nhờ những bài thơ, áng văn hay những ca khúc viết về Chùa hương mà Hương Sơn đã đi vào lịch sử thi ca. Có một tác phẩm rất nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ biết đến chính là ca khúc “Em đi chùa Hương” của nhạc sĩ Trung Đức được phổ từ bài thơ Chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp. ![]() Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938), ông là con trai của nhà báo, dịch giả, học giả Nguyễn Văn Vĩnh, mẹ ông là bà Phan Thị Lựu (vợ thứ của ông Nguyễn Văn Vĩnh). Mẹ ông qua đời khi ông mới được 2 tuổi, nên ông đã mồ côi mẹ, phải sống với Mẹ cả (Tức vợ cả của cha ông). Tên gọi Nguyễn Nhược Pháp, được cha ông đặt, dựa theo lịch sử năm 1914 quân đội Pháp bị quân Đức đánh cho thê thảm, cha ông đã nhìn thấy sự suy nhược của nước Pháp, do đó ông đặt tên cho con trai mình là Nhược Pháp. Cũng chính cái tên ấy như vận vào cuộc đời ông, mang vóc dáng nhỏ con và một vẻ ngoài rất thư sinh yếu đuối. Tuy nhiên ông rất thông minh, đẹp trai, học giỏi có đầu óc tổ chức, nhiều sáng kiến. Năm 14 tuổi thi đỗ lớp 6 Trường trung học Albert Sarraut, năm 20 tuổi đỗ tú tài phần nhất, 1935 đỗ tú tài phần hai, ông vào đại học luật khoa Hà Nội. Từ năm 1930 trở đi, kinh tế gia đình ông lâm vào cảnh túng thiếu, khó khăn. Nguyễn Nhược Pháp vừa đi học để thi tú tài, thi đại học Luật, vừa làm ở tòa báo An Nam mới, từ đó ông viết thơ gửi cho các báo, để có tiền nhuận bút, giảm bớt chi tiêu của gia đình cho mình. ![]() Thêm một giai thoại vui về hoàn cảnh sáng tác bài thơ (Chùa Hương). Vào những năm 1930 người Hà Nội xưa có 4 cố tiểu thư nổi tiếng xứ Hà Thành, mà người ta mệnh danh là “Tứ Mỹ Nhân Hà Thành” gồm có: Cô Síu ở Cột Cờ Hà Nội Cô Phượng ở Hàng Ngang Cô Nga ở Hàng Gai Cô Bính ở Hàng Đẫy. Trong 4 cô gái xinh đẹp này, Cô bính lại lọt vào mắt xanh của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Nhà thơ đã thầm yêu trộm nhớ cô Bính Hàng Đẫy. Lê Thị Bính sinh năm 1915, trong gia đình nề nếp, gia giáo tại Hà Nội. Bản chất thông minh, thanh lịch nhưng được giáo dục trong môi trường khép kín, nên tiểu thư Lê thị Bính hội tụ đầy đủ tố chất công dung ngôn hạnh của người phụ nữ Hà Nội. Cô Bính sống khép kín trong ngôi biệt thự xây ba tầng lầu, thiết kế theo kiểu kiến trúc Pháp, ngôi biệt thự được bao quanh một lớp hàng rào. Cô Bính được cha mẹ rất thương yêu, đã dành riêng cho con gái một tầng lầu để làm phòng đọc sách và phòng học. Thuê riêng gia sư về dạy học. Khi ấy nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đang làm việc tại tòa báo (L’ Annam nouveau) ngày nào ông cũng kiếm cớ đi ngang qua khu nhà cô Bính ở, chỉ để được ngắm nhìn giai nhân cho thỏa lòng mong nhớ. Qua ánh mắt ấy cô Bính cũng cảm nhận được tình cảm mà Nguyễn Nhược Pháp đã dành cho mình. Trước vẻ đẹp thanh thoát, trong sáng của giai nhân, làm chàng thi sĩ nhỏ nhắn đã gởi gắm tất cả những yêu thương vào vần thơ của mình thể hiện qua 12 thi phẩm qua thi phẩm “Ngày Xưa”. Trong đó có bài thơ “Em đi chùa Hương” thể hiện sự tinh nghịch, trẻ trung của cô gái tuổi 15 xuân thì, ngây thơ trong sáng và rất hồn nhiên. Sắc đẹp của nàng đã làm ngẩn ngơ bao chàng thi sĩ trong đó có Nguyễn Nhược Pháp. Nhưng cuộc tình đẹp này lại đầy ngang trái. Nguyễn Nhược Pháp qua lại với cô Bính, hai gia đình cũng đã biết chuyện. Sau ngày gia đình ông lâm vào cảnh tán gia bại sản, ông trở thành kẻ trắng tay. Vốn lòng tự trọng rất cao nên ông đã chấp nhận rút lui khỏi cuộc tình này. Từ sau khi chị gái của ông là Nguyễn Thị Nội đang theo học Luật năm thứ ba, chị lâm trọng bệnh rồi mất năm(1933), tiếp theo cha ông là Nguyễn Văn Vĩnh mất năm (1936), và tin anh trai Nguyễn Hải mất trong Nam. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đau buồn rồi mắc bệnh lao hạch và mất năm 1938 khi mới 24 tuổi. Có một cơ duyên sau này bài thơ “Em đi chùa Hương”. Nhạc sĩ trung Đức khi đọc bài thơ “Em đi chùa Hương” cảm thấy thật sự rất yêu thích bài thơ này nên ông đã phổ nhạc. Trong thời gian đó Trung Đức đang sinh hoạt văn nghệ tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, với hy vọng sẽ đưa được bài hát này vào trìbnh ày tại nhà hát, nên ông đã trình ca khúc lên nhà hát để duyệt. Nhưng vì ông chỉ là ca sĩ, không phải nhạc sĩ nên bài hát đã không được hội đồng nhà hát để ý đến. Đánh liều ông gởi thêm lần nữa, nhưng lần này ông ký giả danh Trần Văn Khê lên tờ nhạc (một nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian nổi tiếng, là giáo sư, cư trú tại Paris). Nghĩ rằng bên trời Tây xa xôi Trần Văn Khê sẽ không biết đến việc này. Quả nhiên nghe danh Trần Văn Khê nhà hát đồng ý ngay, và ông xin được hát bài “Em đi chùa Hương” trên sân khấu. Sau khi bài hát trở nên nổi tiếng ông cũng đính chính lại tác giả chính là ông, và cũng đã xin Trần Văn Khê thông cảm vì không muốn bỏ phí một bài nhạc ấy. Với giai điệu vui nhộn nhạc sĩ Trung Đức đã thể hiện được sự hồn nhiên, nhí nhảnh mà Nguyễn Nhược Pháp đã hướng tới. Khi được hỏi làm như vậy không sợ ông Trần Văn Khê “kiện” sao? Trung Đức nói nói: “Sẽ phải xin lỗi ông ấy. Nhưng chắc ông ấy sẽ tha thứ việc “mượn râu hùm” này, cũng chỉ vì muốn một bài hát không bị bỏ phí mà đành phải làm vậy”. Sau này, Trung Đức chưa một lần gặp Trần Văn Khê. Nghe nói ông cũng dễ dàng cho qua, không có ý kiến gì vì đến nay tên tác giả đích thực đã được phục hồi. Có thể nói Trung Đức đã phổ bài thơ hoàn toàn do cảm xúc, cộng với việc tìm kiếm được một giai điệu rất phù hợp với nội dung bài thơ mà bỏ qua những yếu tố kỹ thuật cần thiết. ![]() Tôi tìm hiểu thêm về bối cảnh tình tiết về bài thơ (Chùa Hương) theo lời kể của Nguyễn Vỹ (người bạn thân của nhà thơ) Bài thơ Chùa hương là bài hay nhất trong tập thơ Ngày Xưa của Nguyễn Nhược Pháp. Có một chi tiết kha ly kỳ không ngờ. Trong chuyến đi Chùa Hương ngày hôm ấy. Nguyễn nhược Pháp cùng đi với tôi (Nguyễn Vỹ) và hai người bạn là hai cô nữ sinh, hai cô mang theo máy ảnh chụp hình. Nhược Pháp và tôi thì đi tay không. Chúng tôi trèo lên đến rừng mơ, bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường đi leo dốc gồ ghề lởm chởm, do đó bà cụ vừa đi vừa niệm Phật “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”. Cô gái quê con gái bà cụ, cũng đang niệm Phật theo mẹ, bất ngờ cô ngước lên trông thấy hai chúng tôi là hai chàng trai đang nhìn cô trân trân, cô bẽn lẽn và ngưng không niệm Phật, bỏ lửng câu kinh mà cơ vừa niệm “Nam mô cứu khổ cứu nạn..” rồi cô im lặng , đôi má co chợt ửng đỏ cúi mặt xuống. Hai đứa chúng tôi hỏi: Tại sao trông thấy chúng tôi , cô không niệm Phật nữa. Cô gái quê tỏ vẻ bối rối muốn khóc, không ngờ hai cô bạn nữ sinh đưa máy ảnh chụp vội tầm hình, hai đứa tôi đang nói chuyện với cô gái. Chúng tôi mải mê nói chuyện với cô gái quê, mà quên đi hai cô nữ sinh đi cùng, hai cô đã bỏ đi lúc nào không biết,, cũng chẳng nói gì với chúng tôi. Chợt nhớ lại hai cô bạn nữ sinh, chúng tôi vội đi tìm nhu7gn hko6ng theo kịp. Hai cô đã đến chùa Ngoài, rồi lên chùa Tiêu Sơn. Đêm hôm ấy chúng tôi ngủ lại trong chùa Hương, sáng hôm sau đi về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn nữ sinh đồng hành. Chúng tôi phải xin lỗi mãi. Nguyễn Nhược Pháp thì cứ tủm tỉm cười không nói. Về Hà Nội, hai hôm sau Nguyễn Nhược Pháp đem đến khoe cho tôi đọc bài thơ Chùa Hương, mà trong bản thảo đầu tiên nhà thơ đề là Cô Gái Chùa Hương. Nhà thơ Nguyễn nhược Pháp đã lấy bối cảnh cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với cô gái quê làm đề tài và tưởng thêm ra thành bài thơ rất đẹp, từ ngữ ngây thơ giống như cô gái quên gặp gõ trên đường đi chùa Hương. ![]() Hoa cỏ mờ hơi sương. Cùng thầy me em dậy, Em vấn đầu soi gương. Khăn nhỏ, đuôi gà cao, Em đeo dải yếm đào; Quần lĩnh, áo the mới, Tay cầm nón quai thao. Me cười: “Thầy nó trông! Chân đi đôi dép cong, Con tôi xinh xinh quá! Bao giờ cô lấy chồng?” Em tuy mới mười lăm Mà đã lắm người thăm Nhờ mối mai đưa tiếng, Khen tươi như trăng rằm. Nhưng em chưa lấy ai, Vì thầy bảo người mai Rằng em còn bé lắm, (Ý đợi người tài trai)… Em đi cùng với me. Me em ngồi cáng tre, Thầy theo sau cưỡi ngựa, Thắt lưng dài đỏ hoe. Bài thơ này rất dài, xin trích lại vài đoạn ngắn. Ngày xuân chúng ta ôn lại những câu chuyện xa xưa, tìm hiểu thêm vài bản nhạc xuân và những bài thơ nổi tiếng viết cho mùa xuân. Khi tháng mười hai mùa đông về trên thung lũng hoa vàng, miền bắc Cali, những cơn gió lạnh thổi về, những cơn mưa giăng mắc trên vùng trời phố núi. Ngoài trời một màu sương trắng che mờ, nhìn cảnh vật đẹp như một bức tranh thuỷ mặc. chợt nghe trên youtube một ca khúc phát ra từ cái laptop, đó là bài (Em đi chùa Hương) phổ thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Tôi chợt nghĩ tại sao không viết một bài thơ Em đi Nhà Thờ. Vì tôi là người theo đạo công giáo, tôi chưa thấy bài thơ nào viết về chủ đề này. Từ ý tưởng đó, tôi đã viết bài thơ (Em đi lễ nửa đêm). ![]() Em Đi Lễ Nửa Đêm Tháng mười hai giáng sinh Lòng vương vấn chân tình Ngoài kia trời gió lạnh Ánh đèn màu lung linh Em mặc áo len hồng Khăn quàng cổ quấn vòng Giợy cổ cao nhung ấm Em đi vào mùa đông Mọi người vẫn nhìn trông Em thấy thẹn trong lòng Tiếng người khen xinh quá Gió lay nhẹ lá thông. Mẹ cười nghe lời khen Em nhìn theo ánh đèn Những sắc màu lóng lánh Giáo dân mừng Noel. Thánh đường tiếng chuông ngân Vinh danh Chúa giáng trần Bình an nơi trần thế Xoá tan lòng phân vân Hôm nay đến nhà thờ Màn sương trắng che mờ Chúa đóng đinh! Thập giá Giang tay như đón chờ. Dải sương trắng lững lờ Đẹp như là trong mơ Em làm dấu thánh giá Lòng hân hoan đợi chờ. Giáo đường lễ nửa đêm Mỗi lúc một đông thêm Trang nghiêm vào thánh lễ Hoa tuyết rơi bên thềm. Đêm hiển thánh vô cùng Lòng người hoà nhịp chung Ca đoàn vang tiếng hát Rực sáng cả vương cung. Cây thông mừng giáng sinh Ánh đèn sáng lung linh Quả châu treo rực rỡ Em chụp vài tấm hình. Em chắp tay nguyện cầu Chúa giáng sinh nhiệm mầu Xuống trần gian cứu chuộc Loài người mối tội đầu. Xin Chúa ban bình an Những ân tình chứa chan Thoát bao cơn dịch bệnh Loài người hết gian nan. Em đi lễ nửa đêm Tâm hồn em yếu mềm Xin Chúa ban sức mạnh Vượt qua những nỗi niềm. Lê Tuấn Tản mạn mùa xuân là một bài viết do tôi biên khảo, sưu tầm nhiều tài liệu trên hệ thống Google Search và trong bách khoa tự điển toàn thư Wikipedia, tôi đọc những tài liệu này và ngồi viết lại. Gửi đến ban biên tập đặc san xuân Nhâm Dần 2022. Đóng góp thêm bài vở cho đặc san thêm phong phú. Lê Tuấn Mùa Xuân Năm Nhâm Dần 2022 |