
Tên và bút hiệu: Tạo Ân Bút hiệu khác: Ta Sinh quán: Bình Hòa, Thủ Đức Trú quán: Orlando, Florida Chủ tịch Văn Bút Vùng Đông Nam Hoa Kỳ |
Gã Ôm Đàn Bên sông cô tịch gã ôm đàn Đò vắng lơi chèo đợi khách sang Văng vẳng lời buồn theo sóng bạc Chơi vơi đàn hận mấy cung vàng Quảng Lăng u oán sầu bia mộ Lưu Thủy dòng đời nhẹ bước thang Nước chảy về đâu đời lữ thứ Hồ trường ta rót mấy canh tàn Tạo Ân |
Bài Họa Lữ Khách Sầu Trương Phố vắng bên sông vọng tiếng đàn Chiều nghiêng lặng lẽ gió đưa sang Hình như oán khúc đời đen bạc Có lẽ tương tư giấc mộng vàng Nhớ thuở Trương Chi buồn ẩn dật Mỵ Nương tuyệt sắc mấy cung thang Du dương giọng sáo sầu cô độc Lữ thứ tha hương cạn chén tàn. Đình Duy Phương |
Xuân Cảm Xuân sang mai nở trước thềm nhà Hương thắm gió đưa trà với ta Én lượn đuổi mây trời bát ngát Cá tung cưỡi sóng nước bao la Tình xuân phơi phới bình minh sớm Lòng héo tàn phai bóng xế tà Khoảnh khắc cuộc đời bay vội quá Ngày vui chớp mắt đã bay xa. Ta |
XUÂN QUANG TRUNG Trận chiến lừng danh đến mọi nhà Quân Thanh đại bại, thắng về ta. Ngọc Hồi tre chẻ rền non nước Nhật Tảo tan hàng dậy tiếng la. Nghi Đống vận cùng treo mệnh bạc Quang Trung uy dũng diệt gian tà. Phú-Xuân vang động lời sông núi, Xuân thắm cành đào tiệp báo xa. UYÊN THÚY LÂM |
XUÂN BĂNG GIÁ Họa Vận thơ VH Tạo Ân Tuyết đóng thành băng nghẽn ngõ nhà, Cản đường thân hữu đến cùng ta. Về quê đón Tết cùng hầu, khỉ? Ở lại đi cày giống ngựa, la. Ráng giữ tình khi vào tuổi hạc, Đừng xa bạn lúc sắp chiều tà. Da mồi tóc bạc soi gương thấy, Thấp thoáng thanh xuân khuất nẻo xa. Nông gia hai lúa NJ |
Đôi Nét về Cái “Ta” trong Bài Thơ Ta Về của TÔ THÙY YÊN Tạo Ân Sự hình thành của bài thơ Ta Về là duyên nghiệp. Duyên nghiệp ở đây đúng theo giáo lý Phật Giáo, cái quả hôm nay bắt nguồn từ cái nhân ngày trước. Do đó, có thể nói là nếu không có chiến tranh Việt Nam và những hệ lụy của nó sẽ chẳng có bài Ta Về. Bài thơ được viết sau khi tác giả ra tù lần thứ nhất (cuối năm 1985). Bài thơ khá dài, tổng cộng 124 câu. Dài như là thông lệ và đặc tính của thơ Tô Thùy Yên (TTY), nhưng ở đây cần yếu tố dài để đủ trải lòng. Khởi hành từ con “đường lớn” sau cổng tù, tác giả miên man tự truyện, ngậm ngùi cho số phận, vượt trèo qua những “truông cùng phá”, chạnh lòng trên hoang tàn đổ nát, giải bày với mẹ cha, mừng tủi với người xưa, và sau cùng, tự cởi bỏ xích xiềng nặng trĩu tâm hồn. ooOOoo Cũng trong cái nhìn nhân quả và sự hình thành, chúng ta hãy đi ngược lại thời gian để quan sát một TTY khăn gói tư tưởng lên đường với chữ nghĩa. Cùng với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, TTY có chân trong nhóm Sáng Tạo. Mặc dầu không lâu, chỉ được khai sinh sau cuộc di cư 1954, nhưng nhóm này đã có ảnh hưởng lớn trong văn học miền Nam thời bấy giờ, và chúng ta cũng hãnh diện rằng đây là sản phẩm văn hóa riêng biệt của miền Nam. Nổi bật hơn hết là đường hướng mới trong nghệ thuật thi ca từ tư tưởng cho đến cách diễn đạt. Chúng ta hãy nghe TTY cảm nhận: “Thơ là phản nghĩa của sự bình thản, dửng dưng, lạnh nhạt, quân bình và tự nhiên, nó là một cách khiến người ta từ chối những gì đã chấp nhận trước để tạo một thăng bằng chông chênh.” (Tô Thùy Yên, “Nói Chuyện Về Thơ Bây Giờ.”) Tương tự như phép biện chứng của Hegel gồm chủ đề, phản đề, rồi dẫn tới hợp đề. Gạt bỏ những thuật ngữ mông lung nhà nghề vốn có của thi gia, chúng ta chỉ cần để ý đến kết cuộc “tạo một thăng bằng”, sẽ thấy tính tương tranh nhị nguyên trong cái nhìn mới về thơ của TTY. Để “phản nghĩa” trước hết phải có cái “nghĩa”, rồi mới sinh ra cái “cân bằng”. Thi gia lại nhấn mạnh là “cân bằng chông chênh” để đón mời những thách đố mới. Cá nhân tôi không cho là tác giả chủ trương hoàn toàn ly khai cái cũ, nhưng thách thức chúng ta nhìn sự việc khác hơn lối suy diễn truyền thống. Vì vậy, trong bài Ta Về ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy cái vóc thơ mới còn đậm nét cũ. Đó đây tác giả chọn cũ để tô mới khi khéo léo đệm vào những hình ảnh ca dao, thành ngữ quen thuộc như: thơ đề vạt áo, truông cùng phá, ngựa đá qua sông, lá rơi về cội, máu chảy ruột mềm, thất bát, chớp bể mưa nguồn, bèo mây, vàng đá, hè nhà bụi chuối, tào khê, tinh đẩu. Độc giả sẽ thích thú như được nhấp rượu mới rót ra từ cái bình cũ; cái vị cay sè, mạnh mẽ, mới mẻ được cân bằng với cái quen thuộc, ngọt ngào hương xưa. TTY có làm qua những thể loại thơ khác: thể tự do như bài “Chiều Trên Phá Tam Giang” khá nổi tiếng, đã được phổ nhạc; thể ngũ ngôn như bài “Đêm Qua Bắc Vàm Cống” ; nhưng tâm đắc nhất phải nói là thơ bảy chữ. Với hình thức này, TTY ung dung làm chủ ngôn ngữ, điệu thơ hùng tráng tung hoành, âm thơ sóng vỗ, sét gầm, và ý thơ u trầm sâu sắc. Ngòai bài Ta Về phải kể thêm Trường Sa Hành, Góa Phụ, Cánh đồng Con ngựa Chuyến tàu đáng gọi là tiêu biểu cho phong cách TTY. ooOOoo Hai chữ Ta Về được tác giả dùng làm tựa cho bài thơ và, như một công thức, được lập đi, lập lại đến mười sáu lần cho mỗi tám câu; cứ thế, mỗi tám câu gói một ý thơ, cần cù điểm danh từng nét hoang phế, thanh thoát ứng xử xúc cảm trong mọi tình huống. Chỉ một điểm này thôi, chúng ta cũng thấy được sự trình bày có suy nghĩ, cân nhắc của tác giả. Đại danh từ ta trong bài thơ là cái tôi khách thể, đóng vai ngôi thứ ba (được/bị nói về); và người kể chuyện (đang nói) là cái tôi chủ thể, nói về cái tôi tổng thể. Còn một cái tôi nữa vô hình nhưng hữu thức (đang lắng nghe). Hiện tượng này loài người vẫn thường làm và gọi đó là tự thoại.Gọi mình là ta để khái quát cái tôi–gồm cả thể, tâm, thức. Dĩ nhiên độc thoại cũng là một thói quen khó bỏ của mười năm tù. Vì là độc thoại cho nên không có nhân vật thứ hai, chỉ có thân ta in bóng giữa đất trời trong nét cô quạnh, tang thương đến tận cùng. Nét hoang tàn-bi hùng trong bài thơ đắp thêm bề dầy cho tâm lý nhân vật, nhìn cảnh mà thấy não lòng: Ta về như tứ thơ xiêu tán Trong cõi hoang đường trắng lãng quên Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách Nhện giăng, khói ám, mối xông nền Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ Nhà thương-khó quá sống thờ ơ Giậu nghiêng, cổng đổ, thềm um cỏ Khách cũ không còn khách mới thưa Thụy Khuê rất thi vị khi khoác cho TTY cụm từ “hành giả của cô đơn.” Trong bài Ta Về, cô tịch là khung vải nền cho thi sĩ vung bút. Chỉ bốn câu đầu thôi đủ để nói lên sự cô đơn bao trùm không gian. Vẻ phong trần, coi thường thế sự, đạp trên hoang tàn mà đi, nói lên phong cách của nhân vật. Ta về một bóng trên đường lớn Thơ chẳng ai đề vạt áo phai Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay. Ngậm ngùi vì sự thay đổi tâm lý quá lớn. Qua suy thoái hình hài, hậu quả của 10 năm chung sống với những sinh vật có thủ đoạn đẩy lùi loài người về thời tiền sử, tác giả dí dỏm: “Ta hóa thân thành vượn cổ xưa.” Nhưng không phải vậy. “Ta vẫn là ta”. Như đóa hoa khô cố gắng vươn lên giữa khe đá, tráng sĩ trở về sau trận phong ba, trái tim tưởng chừng chai sạm, vậy mà vẫn “ngẩn ngơ trông trời đất cũ”, cảm thán vô thường, xót xa cho phận người, phận mình, cho thiếu sót (hay sai phạm) của chính mình, của lịch sử. Đạt Ma Tổ Sư sau chín năm bích diện để lại Dịch Cân Kinh. Bậc hành giả sau mười năm “tọa thiền” bất đắc dĩ cũng ngộ ra mấy chữ nhân-sinh-biến-chuyển. Ta về như bóng chim qua trễ Cho vội vàng thêm gió cuối mùa Ai đứng trông vời mây nước đó Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ Một đời được mấy điều mong ước Núi lở sông bồi đã mấy khi Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động Mười năm, cổ lục đã ai ghi. Phong cách của hành giả thì khỏi nói, thật đúng là đáo bỉ ngạn của nhà Phật, pha chút vô vi của Lão Trang; vì phải đi tới tận cùng của đau khổ mới cảm thấy được chân hạnh phúc. Niềm hạnh phúc khó diễn tả của người leo núi, sau khi lên tới đỉnh cao, nhìn xuống dưới, đảo mắt chung quanh, mới ngộ ra rằng vách núi cheo leo vất vả kia thật nhỏ bé so với những gì ta đang thấy. Ta về cúi mái đầu sương điểm Nghe nặng từ tâm lượng đất trời Cảm ơn hoa đã vì ta nở Thế giới vui từ nỗi lẻ loi. Và cứ thế nhiều lần như vậy trong bài thơ, tác giả cho thấy bến bờ chân lý luôn ẩn hiện trong dòng nghiệt ngã. Trong tận cùng đau khổ là hạnh phúc. Trong thất vọng người lại tìm thấy hy vọng. Những lúc cần bám víu, dĩ vãng có thể là nơi nương tựa. Một trong những cái phao đó là tuổi thơ êm đềm, để trong phút giây oan khiên nhất, nó giúp ta vượt qua đau khổ. Lời thơ bình dị, trong sáng, đẹp lạ lùng hoa bướm. Ta về như giấc mơ thần bí Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui Và tự khẳng định về tính hiện hữu thủy chung của nhân vật, đượm chất hồn nhiên, đơn sơ, nhỏ bé nhưng vẫn ngang tàng, khí phách. Con dế vẫn là con dế ấy Hát rong bờ cỏ giọng thân quen. Có một đoạn không biết vì vô tình hay cố ý, tác giả cho mình như đứa con hoang đàng trong Thánh Kinh, phung phá cho tới khánh kiệt mọi bề, rồi trở về trong tiếng ăn năn. Một hình ảnh khá ấn tượng, nhiều thi tính–một lần nữa–để ngậm ngùi cho canh bạc thua cháy túi. Ta về như đứa con phung phá Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu Mười năm, con đã già trông thấy Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu Con gẫm lại đời con thất bát Hứa trăm điều một chẳng làm nên Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên Ta về–chắc chắn về“dẫu phải đi chân đất”– để đuổi bắt quãng thời gian hoang phí sau cánh cửa nhà, để “mừng giàn giụa mắt ai sâu”, để “nghe như máu ân tình chảy”, và trong lúc mừng mừng tủi tủi đó sẽ nói với người vợ yêu rằng chúng ta giống nhau trong khốn khổ: Đau khổ riêng gì nơi gió cát Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm Như Kiều của Nguyễn Du mười lăm năm phong trần, tác giả phải trải qua mười năm đoạn trường; chắc chắn là một dấu ấn khó quên trong ký ức mười năm tắm gội dâu bể: Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay… Mười năm mặt sạm soi khe nước… Mười năm thế giới già trông thấy… Mười năm chớp bể mưa nguồn đó… Nhưng cuối cùng: Mười năm ta vẫn cứ là ta Cái ta chung thủy để đối với thế giới quay cuồng. Cái ta của một bản ngã vượt ra ngoài thời gian để nối kết và tập hợp thành cái ta tổng thể. Cái ta màu trắng hoa sen nở ra trên vũng bùn đen hận thù. Chỉ có cái tâm như vậy mới ngộ được cái đạo đất trời. Có lẽ thăng hoa nhất trong bài thơ là hai câu sau này: Ta về cúi mái đầu sương điểm Nghe nặng từ tâm lượng đất trời Nghe như tiếng khánh ngân trong gió chiều, lời thơ bình hòa, trong sáng để gióng lên hồi chuông tỉnh thức cho những con người còn đắm chìm hận thù. Vào những năm 70/80, cả nước Việt Nam như một âm ty địa ngục khổng lồ, nhốn nháo đủ loại âm binh đầu trâu mặt ngựa. Ta về không phải để trả cái thù 10 năm theo kiểu kiếm hiệp ơn đền, oán trả, nhưng mà để giải oan, phá bùa cho “cuộc biển dâu này”. Ta về chốn xưa cảnh vật tiêu điều, “Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ”, không phải để than thân trách phận, nhưng sẽ trân quý từng bông hoa ngọn cỏ. Bài thơ Ta Về ra đời trong thời gian điêu linh nhất của một đời người và cả một đất nước, thế nhưng lại quang sáng, không hề có bóng đen hận thù; tất cả chông gai như những bậc thang nâng nhân vật lên đỉnh cao của bình an vị tha. TTY muốn nhắn rằng phải quên đi thù hận mới là sống đúng chân bản con người. Thế giới này cần ý thức như vậy để sống còn. Triết lý vị tha cao thượng, lời thơ bi hùng xoáy vào tâm can, giọng thơ như tiếng hịch phát ra sấm sét, âm vang như lời kinh hòa bình, tất cả là thách đố, cảnh tỉnh giữa một không gian tăm tối đầy ma lực, âm khí. Ta về khai giải bùa thiêng yểm Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi Hãy kể lại mười năm chuyện cũ Một lần kể lại để rồi thôi. Đọc tới đây có lẽ người đọc sẽ mỉm cười thích thú với chút ngạc nhiên bởi vì nhân vật hóa hoạt kê, khoác vào cái áo bào bát quái, vừa múa gươm vừa kể chuyện xưa. ooOOoo Bài thơ là một bài thương ca vô tận, hun đúc trong lao tù, có thể cho là đại diện cho một lớp người hay một thế hệ, và, cũng có thể bao la hơn, cho cả một đất nước đau thương. Bài thơ là một hành trình tư tưởng bắt đầu từ gặp gỡ trong thù hận cho đến tỏa sáng trong nhân bản. Lời thơ dài nhưng tác giả cho người đọc cái cảm tưởng ý thơ chưa dứt: Ta tiếc đời ta sao hữu hạn Đành không trải hết được lòng ta. Thơ tới đây không cần phải “đề vạt áo” nữa vì thơ đã thoát thai, chắp cánh như chim trời. Con người và vũ trụ hình như hòa nhập và hiểu nhau hơn. Khổ cuối có hai câu rất thi vị và thoát trần, thêm sức ngân xa thẳm. Ta về như hạc vàng thương nhớ Một thủa trần gian bay lướt qua. Ta về mà cũng như đi, tích tụ cái tinh hoa, rồi lại thả nó tiêu dao trong trời đất! “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” của Nguyễn Bỉnh Khiêm là nói về cái ta thoát tục. “Một mảnh tình riêng ta với ta” của Bà Huyện Thanh Quan là cái ta đắm chìm trong thiên nhiên. “Mười năm ta vẫn cứ là ta” của TTY là cái ta được tôi luyện, dám thách thức với cuồng bạo, tỏa được khí hạo nhiên, ngang nhiên đứng giữa đất trời. Đáng phục lắm thay! Tạo Ân |
NHÚM LỬA Chuyển ngữ “To Build a Fire” của Jack London TẠO ÂN Một ngày bắt đầu với cơn lạnh buốt và bầu trời xám xịt. Người đàn ông rẽ khỏi con đường mòn Yukon và trèo lên bờ sông, ở ngay đó có một con đường nhỏ rẽ về hướng đông, xuyên qua khu rừng thông ngút ngàn, dầy đặc. Bờ khá cao, lên tới nơi hắn đứng lại lấy sức và liếc đồng hồ. Lúc đó mới 9 giờ sáng. Mặt trời trốn đâu mất, cả cái bóng cũng không còn. Bầu trời không một lọn mây, đáng nhẽ phải sáng lắm, nhưng không gian như bị trùm bởi một màn tang tóc. Tất cả chỉ vì thiếu mặt trời. Phải còn nhiều ngày nữa người ta mới thấy được khối tròn ở hướng nam hé nhú lên rồi lại lặn mất sau chân trời. Người đàn ông ngoái nhìn lại dặm đường đã qua. Con sông Yukon bề ngang rộng một mile, mặt nước đã đông cứng ít nhất là ba bộ (feet) sâu. Bên trên mặt sông tuyết phủ thêm nhiều lớp dày. Tất cả trắng tuyền, trải dài êm đềm nhấp nhô, phủ lên những khối băng dừng lại giữa giòng rồi đông cứng. Không gian chỉ toàn một màu trắng, ngoại trừ một sợi chỉ đen bẻ cong và ngoằn ngoèo, kéo dài từ bắc tới nam, thỉnh thoảng biến mất khi gặp phải một cù lao đầy thông. Đây chính là con đường mòn Yukon, 500 miles về phía nam là Chilcoot Pass, Dyea, và mặt biển, 70 miles phía trước là thành phố Dawson, thêm một ngàn mile nữa là Nulato, thêm một ngàn rưỡi mile nữa là thành phố St. Michael ở vùng biển Bering. ![]() Trong khi đi đường, hắn nhổ nước bọt để đoán chừng nhiệt độ. Tiếng rạn nứt như pha lê trong không gian làm hắn bỡ ngỡ. Hắn thử lại lần nữa. Cũng tiếng khô khan khi khối lỏng chưa chạm mặt tuyết. Nếu âm 50 độ là khi nước bọt chạm tuyết, còn đây, nó đông khi còn đang rơi, như vậy tức là lạnh hơn 50 độ âm rồi. Còn lạnh hơn bao nhiêu thì hắn hoàn toàn không biết và cũng không màng. Nơi đến của hắn là một trại tập trung nằm phía trái con suối Henderson, nhóm bạn trẻ đều ở đấy cả. Họ đã đến đó từ hướng khác. Còn hắn phải đi vòng qua những cù lao nhỏ trên sông Yukon để thăm chừng kiếm củi. Hắn dự định sẽ đến đó vào lúc 6 giờ chiều. Trời sẽ tối, nhưng không sao, tất cả mọi người đều ở đó, sẽ có đống lửa lớn và món ăn chiều nóng hổi sẵn sàng cho hắn. Nghĩ tới ăn trưa, hắn rờ nhẹ vào chỗ độn lên trước áo, món ăn được gói kỹ trong khăn tay, nằm trong cái áo khoác, sát vào da. Chỉ có cách này thì mấy miếng bánh biscuits mới không đông đá. Hắn mỉm cười thoải mái vì đang nghĩ tới mấy miếng bánh được xẻ đôi ra, quết lên lớp mỡ béo, và kẹp vào một miếng thịt bacon chiên. Hắn lao sâu vào khu rừng thông. Lối đi đã mờ cũ. Cả hơn gang tay tuyết phủ lên vết xe cỡi tuyết đã đi ngang trước đây. Hắn hài lòng vì đã không kéo theo cái xe, thật nhẹ nhàng thoải mái, chỉ duy nhất có gói ăn trưa đang lẫn trong mình. Hắn hơi ngạc nhiên vì thời tiết quá lạnh. Mà lạnh thật! Hắn kết luận như vậy khi rờ vào mũi và hai gò má tê cứng. Vùng râu mép còn khá ấm nhưng những sợi râu rải rác trên khuôn mặt không đủ bảo vệ hai gò má lộ và cái mũi hiên ngang đâm thẳng vào khí lạnh. Lon ton bám gót giày hắn là một con chó Husky, giống nửa chó nhà nửa sói hoang, có bộ lông xám ảm đạm như bầu trời, mới thoạt nhìn khó mà phân biệt được với loài sói hoang. Con chó chán ghét cái lạnh thấu xương. Nó biết rõ lúc này không phải là lúc đi ngoài trời. Bản năng loài thú cho nó biết chính xác hơn sự xét đoán của gã đàn ông. Nó còn nhận xét rất chính xác về nhiệt độ ngoài trời không phải là dưới 50, mà còn thấp hơn 60, hoạc rõ hơn là âm 75 độ–tức 107 độ đưới độ đông đá. Con chó không biết gì về nhiệt kế. Có thể trong bộ óc nhỏ nhoi chúng không am tường về thời tiết như người đàn ông, nhưng loài thú có bản năng. Nó ngờ ngợ sợ sệt cái gì đó nhưng lại đè nén linh tính và lặng lẽ bén gót gã đàn ông. Nó luôn để ý đến những hành động bất thường của gã đàn ông. Con chó mong gã có thể kiếm được khu trại hay một chỗ ẩn thân nào đó và nhúm lửa. Con chó biết về lửa và muốn có lửa ngay bây giờ. Nếu không có lửa, nó chỉ muốn nằm một chỗ giũ hơi ấm, thu mình dưới đống tuyết để tránh gió. Hơi thở con chó đóng lại thành đám bột trắng trên bộ lông. Hai bên má, mõm, và lông mi của nó cũng đóng trắng dày theo mỗi nhịp thở. Bộ râu đỏ và ria mép của gã đàn ông cũng vậy, lớp băng đóng dày hơn theo hơi thở. Hắn lại còn nhai thuốc lá. Mỗi lần nhổ bọt không được tự nhiên lắm vì một vòng băng nhỏ đóng chung quanh mép. Hàm dưới không mở lớn được. Nước miếng đọng lại ngoài môi chảy xuống, đông cứng, và đắp thêm vào chiều dài bộ râu, bây giờ lại thêm sắc nâu của thuốc lá. Nếu hắn ngã xuống và cắm bộ râu xuống trước thì nó sẽ vỡ ra từng mảnh nhỏ. Hắn cũng không màng tới phần râu dài thêm kỳ quái. Đây là một hình phạt chung cho những người nhai thuốc ở xứ này. Hai lần trước hắn ra ngoài, trời cũng lạnh lắm, nhưng không lạnh bằng hôm nay. Nhiệt kế bằng rượu ở trạm Sixty Mile chỉ ở âm 50 độ hoặc 55 độ mà thôi. Hắn đi thêm vài dặm nữa qua khu rừng, vượt qua đồng cỏ khô, và xuống thấp tận dòng suối đã đóng băng. Đây là suối Henderson, có nghĩa là còn cách ngã ba đường 10 miles nữa, ở đây hắn sẽ rẽ trái và đi thẳng đến trại tập trung. Hắn lại nhìn đồng hồ, mới có 10 giờ sáng. Với tốc độ 4 miles một giờ, hắn sẽ đến ngã ba đường vào lúc 12:30. Hắn thầm nhủ mình sẽ tự thưởng mình bằng bữa ăn trưa ở đó. Con chó rạp mình xuống sát gót giày hắn, đuôi cụp lại, không hứng khởi lắm khi hắn đi trên mặt suối. Còn vết hằn rõ ràng của một xe cỡi tuyết. Tuyết mới vừa phủ lên trên hơn một gang tay. Có lẽ cả hơn tháng rồi chưa có ai băng qua dòng suối này. Hắn tiếp tục đi. Hắn không nghĩ gì thêm ngoài giờ ăn trưa ở ngã ba đường và mình sẽ tới trại vào lúc 6 giờ chiều nay. Không có ai để nói chuyện, và có nói cũng không được vì lớp băng đóng chung quanh miệng. Hắn tiếp tục nhai thuốc và bộ râu lại dài thêm ra. Thỉnh thoảng hắn cũng nghĩ tới thời tiết lạnh cóng nhưng chưa bao giờ lạnh như hôm nay. Trong lúc đi hắn đưa mu bàn tay đeo găng dày cộm chà lên gò má và mũi. Hắn thay đổi tay luôn, nhưng chỉ cần ngưng lại chút thôi thì cảm giác tê cứng lại bắt đầu. Hắn có chút hối hận vì đã không chịu tính cách nào để che gò má và mũi. Hắn thấy người ta hay quấn chung quanh mặt rồi vòng qua gáy một mảnh gì đó. Nhưng chẳng sao đâu, gò má bị tê cứng thì đau một chút rồi qua đó mà, không có gì nghiêm trọng. Mặc dầu đầu óc trống rống nhưng hắn khá tinh tế trong việc quan sát. Hắn để ý tới những động đậy trong lòng suối, những khúc quanh lượn, và đám cây làm nghẽn nước. Hắn để ý thật kỹ từng bước chân đặt xuống. Có lần hắn như con ngựa giật thót mình, rụt chân lại khi bước qua một khúc quanh. Con suối này đã đông đặc từ lâu rồi. Hắn biết vậy. Khổ nỗi thỉnh thoảng có giòng nước ấm từ hai bên bờ chảy ngầm hoạc đổ lên mặt suối. Lớp bông tuyết trắng phủ lên những hầm bẫy nguy hiểm. Hay chỉ một lớp băng mỏng chừng nửa đốt ngón tay che đi cái bẫy sập. Có khi cái bẫy gồm nhiều lớp nước rồi băng, nạn nhân có thể ngập nước tới ngang hông. Đấy là tại sao hắn hốt hoảng. Tiếng rạn nứt của băng cộng với bàn chân có vẻ như lún sâu. Bị thấm nước ở nhiệt độ này phiền phức và nguy hiểm lắm. Hay it nhất nó cũng làm chậm trể việc đi đường. Lại phải gầy lửa rồi cởi quần áo để hơ khô thân thể và mọi thứ. Hắn dừng lại, chăm chú xét bên này bên kia, rồi quyết định giòng nước phát ra từ bên phải. Hắn nép qua phía trái, dò dẫm từng bước một, mỗi bước đều đắn đo. Khi qua khúc nguy hiểm, hắn thở phào, bỏ vào miệng một nhúm thuốc nhai mới rồi tiếp tục đi. Hai tiếng đồng hố tới hắn tiếp tục gặp những hố nước như vậy nhưng đều vượt qua nhờ biết để ý tới phần tuyết bên trên. Thường khi có nước ấm ở dưới, tuyết hơi bị lún sâu. Có một lần thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc. Cảm thấy nguy hiểm, hắn đẩy con chó đi trước. Con chó có linh cảm không tốt. Nó dùng dằng không chịu tiến lên cho tới khi hắn đẩy ép con chó về phía trước. Con chó thật nhanh lướt qua mặt băng. Bất thình lình cả thân mình chó lún xuống, con vật nhanh nhẹn leo ra khỏi vũng nước nhưng cũng bị ướt hai bàn chân trước và cặp đùi sau. Theo bản năng nó liếm liền hai đùi sau. Sau đó cắn vỡ những mảnh nước đá đóng vào giữa các ngón chân. Hắn tháo vội găng tay và giúp con vật. Mặc dầu nhanh nhẹn và không lâu hơn một phút, những ngón tay đông đá liền. Hắn vội vàng đeo găng tay lại và liên tục đập bàn tay thật mạnh vào ngực cho máu chảy tới đầu ngón tay. Vào đúng ngọ trời quang nhất. Mặt trời khuất xa ở phía nam trong chuyến du ngoạn chân mây mùa đông. Một vùng đất rộng lớn ngăn giữa chân trời và dòng suối Henderson, hắn đang đi giữa trưa nhưng lại không thấy bóng mình. Đúng 12:30 hắn đến ngã ba đường. Hài lòng với tốc độ đã qua, nếu cứ như vầy hắn sẽ gặp các bạn vào lúc 6 giờ chiều. Hắn cởi nút áo khoác và sơ mi bên trong, lấy vội gói ăn trưa. Công việc chỉ đòi hỏi một phần tư phút nhưng cũng đủ làm các ngón tay tê cóng. Hắn không mang bao tay vào vội mà chỉ đập mạnh các ngón vào bên đùi. Hắn ngồi xuống trên khúc cây phủ tuyết để ăn. Cái cảm giác đau nhói sau khi đập mạnh các ngón tay chợt tan đi làm hắn ngỡ ngàng. Hắn không có dịp để cắn vào miếng bánh. Hắn lại đập nhanh các ngón tay, bỏ một tay vô bao, tay còn lại với miếng bánh đưa vội lên miệng. Hắn tính ngoạm một miếng lớn nhưng lớp băng ngoài miệng không cho phép. Hắn quên đi mình phải nhúm lửa lên để cho tan lớp đá trước khi ăn. Hắn cười thầm tính lơ đãng của mình. Trong khi đó bàn tay để bên ngoài bắt đầu tê cóng. Cũng vậy, các ngón chân không còn cảm giác nữa khi hắn ngồi. Hắn nhúc nhích các ngón chân và không còn thấy gì. Hắn đeo vội bao tay còn lại và đứng lên. Có hơi sợ. Hắn nhảy và dậm chân cho tới khi cảm giác đau nhói trở lại đôi chân. Lạnh thật! Hắn nghĩ vậy. Như thế ông già ở Sulphur Creek đã nói thật khi kể về cái lạnh ở vùng quê. Lúc đó hắn còn cười nhạo ông ta. Đừng bao giờ có hảo tưởng rằng mình chắc chắn biết hết mọi sự! Không còn ngờ gì nữa. Thật là quá lạnh. Hắn lại chạy tới chạy lui, vung tay bên này, bên kia, cho tới khi hơi ấm trở lại cơ thể. Hắn lấy ra que diêm và bắt đầu nhúm lửa. Cạnh lùm cây chỗ mà dòng nước trước đó lúc lên cao đã không kịp kéo trôi mấy nhánh cây. Mấy nhánh này giờ đã khô, rất tốt cho việc nhúm lửa. Cẩn thận bắt đầu từ đống nhỏ, giờ hắn đã có đống lửa to cháy đều. Hắn lại gần để làm tan đi lớp băng trên mặt. Trong bầu khí mới ấm áp này hắn bắt đầu ăn. Tạm thời hơi lạnh bị xua đi. Con chó thì hài lòng thấy rõ. Nó tới gần vươn chân ra hơ ấm. Ăn xong, hắn lấy ra ống vố, ấn chặt thuốc lá và hút thuốc thoải mái. Sau đó đeo lại găng tay, chỉnh lại hai giải mũ cho phủ lên tai ngay ngắn. Hắn rẽ trái mà đi. Con chó không bằng lòng, nó còn nuối tiếc đống lửa và muốn quay lại. Gã đàn ông thật là không biết gì. Tổ tiên của hắn quá ngu đần cho nên hắn cũng mù tịt. Tất cả thế hệ trước của con chó đều biết tới cái lạnh cóng nguy hiểm và truyền lại cho nó. Một trăm lẻ bảy đưới độ đông đá là lạnh lắm và người cũng như vật không nên ra ngoài lúc này. Đây là lúc nó phải nằm gọn trong hố tuyết để đợi đám mây kia mang cái giá buốt đi. Con chó không có vẻ thân mật với gã đàn ông. Trong mối liên hệ này nó là nô lệ và gã đàn ông là chủ nhân. Nó chưa bao giờ được âu yếm vuốt ve. Cái va chạm duy nhất mà nó biết được là lằn roi da. Nó cũng nhận ra âm thanh đe dọa qua cổ họng gã đàn ông. Vì vậy nó chả cần thiết báo cho gã cái nguy cơ trước mặt. Nó chỉ muốn quay lại đống lửa để sưởi. Gã vừa huýt sáo vừa đe dọa. Con chó lại lẽo đẽo theo sau. Hắn bỏ vào mớ thuốc nhai mới và bắt đầu nối dài bộ râu. Hơi thở đóng băng thành những bụi trắng bám vào hàm ria, lông mày, và lông mi. Con suối ở đây có vẻ ít dòng nước ngầm hơn. Đã qua nửa tiếng rồi mà hắn không thấy dấu hiệu gì hết. Nhưng nó đã xảy ra! Ngay ở chỗ không có gì báo hiệu nguy hiểm. Mặt tuyết êm đềm, đều đặn có vẻ như ở dưới chắc chắn lắm. Vậy mà hắn bị lún. Không sâu lắm, chỉ tới ông quyển thôi. Hắn nhanh nhẹn thoát ra vũng nước. Hắn bực mình và văng tục. Hy vọng tới trại hôm nay lúc 6 giờ sẽ bị trễ ít nhất là một giờ. Hắn bắt buộc nhúm lửa để sưởi vớ cho khô–đây là mớ kiến thức tối thiểu hắn biết được. Hắn trèo lên bờ, ở dưới mấy gốc thông còn sót lại dăm nhánh củi và cành khô từ mùa nước trước. Bên cạnh còn có cỏ khô. Hắn quơ tay ngắt một nắm trải ra trên mặt tuyết. Đây là cái nền khi lửa chưa bắt mạnh, nếu không tuyết tan sẽ dập tắt lửa ngay. Hắn lấy ra mấy miếng vỏ cây khô mang theo trong người. Hắn quẹt que diêm vào mớ vỏ cây, mớ vỏ cây bắt lửa còn nhanh hơn giấy. Đặt nhúm lửa mới xuống đống cỏ và thêm vào mấy cành nhỏ nhất. Hắn cẩn thận từng chút một vì ý thức được sự nguy hiểm. Đống lửa lớn dần. Bây giờ hắn thêm vô những nhánh lớn hơn. Hắn ngồi xổm xuống tuyết, kéo thêm nhánh khô đan chum vào nhau từ gốc thông. Hắn không thể thất bại được. Ở môi trường 75 độ âm, nhúm lửa đầu tiên phải thành công bởi vì hai chân đang ướt lạnh. Nếu hai chân không ướt hắn có thể chạy nhảy để tăng nhiệt độ trong người. Nhưng với đôi chân ướt hắn biết là chỉ chạy thôi sẽ không đủ. Máu chảy sẽ không mang đủ nhiệt để ấm lại đôi chân. Đôi chân sẽ đông cứng. Hắn biết tất cả những thứ này. Lão già ở Sulphur Creek kể cho hắn nghe vào mùa thu năm trước. Bây giờ hắn mới thấm. Đôi chân bây giờ đã không còn cảm giác. Để làm việc hắn phải tháo bao tay. Đôi tay cũng bắt đầu đông cứng. Với tốc độ 4 miles một giờ, cơ thể hắn tạo đủ nhiệt cho thân và tứ chi. Nhưng chỉ dừng lại chút thôi, tim hắn bơm không đủ máu cho cơ thể. Máu trong cơ thể hắn bây giờ cũng giống như con chó kia, khi lạnh quá nó chỉ muốn thu mình lại, để mặc phần tứ chi. Hai chân đông đá nhanh hơn. Hai bàn tay đông đá nhanh hơn. Hai tai và mũi đã đông đá rồi. Cùng lúc da cũng bắt đầu đông đá. Nhưng hắn an toàn rồi. Ngón chân, ngón tay, hai gò má chỉ mới bị thôi. Ngọn lửa bây giờ bắt đầu cháy mạnh. Hắn bỏ thêm nhánh khô bằng cỡ ngón tay. Thêm một phút nữa hắn có thể bỏ vào những cây cỡ cổ tay. Sau đó hắn có thể tháo bỏ giày vớ và hơ lửa. Dĩ nhiên hắn phải thoa bóp và chà tuyết trước đó. Nhúm lửa lần này thành công rồi. Hết lo. Hắn nghĩ tới lời khuyên của lão già và mỉm cười. Ông ta còn đưa ra nguyên tắc là nếu ngoài trời dưới 50 độ thì không được đi một mình. Hắn hơi tự đắc. Ta đây cũng đi một mình dưới âm 50 độ, gặp tai nạn mà vẫn sống nhăn răng. Lão già này nói toàn chuyện đàn bà. Một người đàn ông cần giữ bình tĩnh là đủ. Hắn đã làm đúng như vậy. Hắn ngạc nhiên vì gò má và mũi đông cứng nhanh như vậy. Các ngón tay cũng vậy. Hắn cố gắng lắm mới điều khiển chúng nắm đước nhánh cây. Hắn có cảm giác chúng không còn là một phần của thân thể nữa. Để nhặt cây, hắn phải dùng mắt coi xem bàn tay đã chạm vào đâu và củi có nằm trong lòng bàn tay chưa. Những sợi dây nối từ thân mình tới bàn tay đã biến mất rồi. Tất cả không quan trọng lắm. Đã có đống lửa rồi. Ngọn lửa mạnh mẽ nổ dòn hứa hẹn nguồn sống theo ánh sáng đong đưa. Hắn bắt đầu tháo giày. Một lớp băng phủ bên ngoài. Đôi vớ dày cứng như hai cùm sắt. Sợi dây giày không khác cọng thép quấn ngoằn ngoèo như mới được lấy ra trong biển lửa. Hắn dùng đôi tay vụng về cố gắng cởi ra nhưng khó quá. Thật là khờ! Hắn với tay lấy con dao găm. Nhưng trước khi hắn kịp cắt dây giày thì một việc không may xảy ra. Đây là một sơ suất, không phải¬–một lỗi lầm thì đúng hơn. Đáng lẽ hắn không được nhúm lửa dưới tàng cây thông, hắn phải làm ở ngoài kia mới đúng. Có lẽ đống lửa gần gốc thông dễ dàng hơn cho hắn lấy củi, chỉ với tay là được. Hắn không để ý tới mấy đống tuyết đọng trên ngọn cao. Cả mấy tuần nay gió lặng. Mấy ụ tuyết càng ngày càng lớn, nằm chênh vênh. Mỗi lần hắn chạm vào gốc thông thì ụ tuyết cảm nhận liền sự giao động. Tất cả không lớn lắm, mặc dầu theo hắn nghĩ, nhưng vừa đủ để cái hình nón trên cao nhất đổ ngược xuống. Thế rồi cái này đè chồng lên cái kia. Không gì báo động, một cảnh tuyết đổ nho nhỏ đè xuống hắn và nhúm lửa. Lửa tắt ngúm, chỉ còn thấy một đống tuyết mới đè lên ngay chỗ đống lửa vừa cháy. Hắn kinh hoàng như vừa nghe bản án tử hình. Hắn ngẩn ngơ ngó về phía đống lửa. Sau đó hắn lại nghĩ tới lão già ở Sulphur Creek. Nếu ngay lúc này có một người đồng hành thì chắc chắn an toàn rồi. Người bạn có thể thay hắn làm lại. Hắn bắt buộc phải làm lại từ đầu. Lần thứ hai này không thể thất bại. Hắn biết chắc chắn cho dù thành công lần này hắn sẽ mất đi mấy ngón chân. Cả đôi chân giờ đã đông cứng. Phải thêm một lúc nữa mới có lửa. Mặc dầu suy nghĩ lung tung nhưng hắn không ngồi yên. Hắn loay hoay luôn. Trước hết cần làm cái nền xa tàng cây. Rồi mớ cỏ khô và cành nhỏ. Hắn không dùng các ngón tay được nữa. Hắn gom lại vụng về bằng đôi tay mất cảm giác. Làm như vậy thì hắn không loại ra ngoài được những cành ẩm mốc và rong rêu, không tốt cho việc gầy lửa. Nhưng cũng không còn cách nào hơn. Đây là cố gắng tốt nhất rồi. Hắn làm việc rất có phương pháp, lại cố gắng nhặt thêm những cành lớn để thêm vô khi lửa cháy lớn hơn. Con chó ngồi nhìn hắn, cái háo hức nào đó trong đôi mắt. Nó trông đợi người đàn ông tạo ra lửa, có lẽ chậm chút thôi. Khi tất cả đã sẵn sàng, người đàn ông đút tay vô túi áo cố lôi ra miếng vỏ cây. Hắn biết miếng vỏ cây nằm trong đó nhưng không có cảm giác gì khi động vào. Hắn nghe theo tiếng lạo xạo mà mần mò. Hắn không thể nào dùng các ngón tay để bấu vào. Cùng lúc đó hắn cũng ý thức được rằng đôi chân hắn đang chết cứng dần. Có chút hoảng sợ, nhưng hắn lấy lại bình tĩnh. Hắn dùng răng để đeo lại đôi bao tay. Đập mạnh đôi tay vào bên hông trong lúc ngồi, rồi lại đứng. Con chó ngồi trên tuyết. Cái đuôi lông xù có vẻ ấm áp quấn vào đôi bàn chân trước. Hai tai nó nhọn, vểnh lên, hướng về phía người đàn ông. Nó đang nhìn người đàn ông. Trong khi đó người đàn ông tiếp tục đập mạnh tay mình vào người. Hắn ganh tị với con thú được ấm áp trong cái áo khoác thiên nhiên. Một lúc sau cảm giác tê nhói từ từ trở lại. Mới đầu còn nhẹ. Rồi đau buốt lên. Nhưng hắn cảm thấy hài lòng vì cảm giác bắt đàu trở lại. Hắn vội tuột bao tay ra khỏi tay phải và lục nhanh miêng vỏ cây. Các ngón tay lại mất cảm giác trở lại. Hắn lại mang ra một mớ que diêm. Các ngón tay không còn khả năng nắm vào que diêm. Các que diêm rơi vung vãi trên mặt tuyết. Các ngón tay chết kia không đụng được hay nắm được. Hắn cố mãi nhưng không được. Hắn cố xuôi đuổi ý tưởng đôi chân, gò má, mũi sẽ bị đông cứng, bây giơ phải tập trung hết vào mớ que diêm. Hắn dùng mắt nhìn kỹ các ngón tay, khi thấy các ngón tay chạm vào mấy que diêm, hắn thu hết ý chí bắt các ngón tay khép lại nhưng chúng không chịu vâng lời. Hắn nhét bàn tay phải vào bao tay, đập mạnh nó vào đầu gối. Rồi với cả hai tay giờ đã chết cứng, hắn vốc lên cả que diêm lẫn tuyết đặt lên đùi. Cuối cùng cũng chả giúp được gì hơn. Loay hoay mãi hắn cũng dùng cườm tay gắp được mấy que diêm đưa lên miệng. Mở miệng nhanh quá làm lớp băng đóng chung quanh miệng vỡ xuống. Hắn kéo hàm dưới vô trong, dùng hàm răng trên thay ngón tay để chọn. Cuối cùng hắn cũng nhặt được một que và để rơi trên đùi. Nhưng cũng không gì khá hơn vì hai tay đã hoàn toàn vô dụng. Hắn lại nghĩ ra cách cắn que diêm và quẹt vào đùi. Phải tới lần thứ hai mươi que diêm mới bén lửa. Hắn lần mò mang lửa tới miếng vỏ cây. Mùi khói lưu huỳnh lọt thẳng vô lỗ mũi và hắn ho rũ rượi. Que diêm rớt xuống tuyết tắt ngấm. Lão già ở Sulphur Creek nói đúng quá đi chớ. Thật vậy, dưới 50 độ âm phải có bạn đồng hành. Hắn đập mạnh hai tay nhưng không còn chút cảm giác nào hết. Đột nhiên hắn dùng răng tháo cả hai bao tay ra. Lấy cườm tay hốt lên được một mớ. Bây giờ hắn đang lấy sức của hai cánh tay để ép hai bàn tay vô tri vào. Hắn quẹt cả đống que diêm vào đùi. Lửa bừng lên. Không có gió. Hắn nghiêng đầu qua một bên để khỏi hít khói và vụng về bưng cả khối lửa qua đống vỏ cây. Trong lúc di chuyển hắn cảm thấy được chính da thịt hắn đang cháy. Mùi thịt cháy hắn cũng ngửi được. Cái cảm giác đau lan dần. Hắn cố chịu thêm. Ép đống que diêm đang cháy gần vào mớ vỏ cây lì lợm chưa chịu bén lửa. Hai bàn tay hầu hết chịu sức nóng của lửa. Cuối cùng không chịu được nữa, hắn buông hai tay ra. Vài que diêm còn cháy rớt vung vãi trên tuyết, kêu xì xì mấy tiếng rồi tắt ngúm. Nhưng may quá, vỏ cây đã bén lửa. Hắn bắt đầu bỏ thêm cỏ khô và mấy nhánh cây nhỏ. Mấy ngón tay vô dụng rồi, hắn phải lấy hai bàn tay hốt củi. Hắn dùng răng cắn bỏ đi rong rêu và cành ướt. Hắn đang cố nâng niu nhúm lửa nhưng lại rất vụng về. Lửa là sự sống. Lửa không thể nào tắt được. Máu đang dần rút vào trung tâm cơ thể, tay chân hắn bắt đầu run nhanh và không cách nào điêu khiển được. Có một mảng rêu xanh rớt đè lên đống lửa. Hắn tính khều miếng rêu ra ngoài nhưng tay hắn run quá, không khéo, lại hất tung một mớ cỏ và nhánh cây ra ngoài. Ngọn lửa tự nó không còn tiếp tục được nữa. Hắn hốt hoảng gom lại. Hắn cố gắng tột bực nhưng tay run quá và không còn chịu sự sai khiến của hắn nữa rồi. Vài nhánh văng trên tuyết còn chút lửa, bùng lên mấy sợi khói rồi tắt hẳn. Hắn thẫn thờ nhìn bản thân rồi lại nhìn con chó. Bên kia đống lửa tàn con chó đứng ngồi không yên. Nó nhấc chân này, bỏ xuống rồi lại nhấc chân kia, trườn mình tới trước rồi lại co lại, nó vẫn đinh ninh và háo hức sẽ có lửa. Hình ảnh con chó trước mặt làm cho hắn có một ý nghĩ táo bạo. Hắn có nghe được một câu chuyện, có người trong cơn bão tuyết đã giết một con bò rồi chui vào trong cái xác mà nằm, và người đó sống sót. Hắn có thể giết con chó, mổ bụng rồi bỏ đôi tay vào trong xác con thú. Khi hết tê cứng hắn sẽ gầy lại đống lửa. Hắn gọi con chó lại. Trong tiếng nói có cài gì đó làm nó rờn rợn. Lần đầu tiên nó nghe được âm thanh khác lạ từ gã đàn ông. Nó ngờ được điều nguy hiểm nhưng lại không biết chắc. Đầu óc nhỏ bé con vật dâng lên sự sợ hãi. Nó cụp đôi tai xuống khi nghe tiếng người đàn ông. Nó loay hoay, chồm lên, hạ xuống, hai chân trước thay phiên nhau lên xuống, nhưng cũng không chịu lại gần hơn. Hắn quỳ xuống và bằng hai tay và đầu gối lết lại con chó. Con chó nghi ngờ hắn trong tư thế này, nó lùi dần. Người đàn ông ngồi lên, lấy lại bình tĩnh. Hắn dùng răng xỏ lại bao tay, đứng thẳng người lên. Hắn cúi xuống coi mình đã đứng được vì cảm giác đôi chân chạm vào đất không còn nữa. Trong thế đứng thẳng này con chó bớt đi sự nghi ngờ. Hắn nói với giọng uy nghiêm kèm theo lời hăm dọa sẽ quất roi. Con chó theo phản ứng hằng ngày lại gần hắn. Khi con thú đến vừa tầm tay thì hắn cũng chẳng còn điều khiển được đôi bàn tay. Hai cánh tay vươn ra với đôi bàn tay đã cứng đơ. Hắn không còn co giãn được các ngón tay, không thể nắm chặt được bàn tay, mất hết cảm giác rồi. Trong khoảnh khắc hắn quên mất là hai bàn tay đã đông cứng rồi, và cái tê cứng tiếp tục lan dần lên cánh tay. Hắn chồm vội ôm con chó vào lòng. Hắn ngồi xuông mặt tuyết và trong tư thế này cứ vậy ôm cứng con chó. Con vật kêu thành tiếng và vùng vẫy. Nhưng hắn cũng chỉ làm được tới đó thôi¬–là ôm sát con chó trong lòng. Hắn biết rằng hắn không có khả năng giết được con chó. Không thể nào đươc! Đôi bàn tay vô dụng kia không rút được con dao, không nắm được con dao, chứ đừng nói tới đâm chết con vật. Hắn đành thả con chó ra. Con chó vội vàng nhảy xa hắn, cái đuôi cụp xuống và cuốn vào chân sau. Nó dừng lại ở khoảng cách 40 bộ và quan sát gã đàn ông, đôi tai tò mò vểnh lên chỉ về phía người đàn ông. Hắn cúi xuống coi lại đôi tay giờ đang ở đâu. Hắn nhận ra một điều lạ là phải dùng mắt để tìm. Hắn vung cánh tay ra trước ra sau, đập đôi tay lien tục thật mạnh vào bên hông. Hắn làm như vậy được 5 phút, cơ thể ấm lên, đã bớt run. Nhưng cảm giác từ đôi tay không còn nữa. Hắn có cảm tưởng hai cánh tay đang đeo hai khối nặng. Hắn dẹp bỏ tư tưởng ấy đi nhưng vẫn không mang lại cảm giác của hai bàn tay. Môt nỗi sợ chết rõ ràng, cái chết lãng nhách nhưng không cưỡng lại được sẽ đến. Sự sợ sệt nhanh chóng trở nên bi thương khi hắn không còn phải đối đầu với cái lạnh đông cứng nữa mà coi đây là vấn đề sống chết. Cái sống bây giờ mong manh quá. Hắn bắt đầu hoảng sợ và chạy nhanh trên tuyết. Con chó chạy theo bên cạnh hắn. Hắn chạy như kẻ mù, không định hướng, lởn vởn trong đầu cái sợ mà cả cuộc đời từ trước tới giờ hắn chưa từng biết. Uể oải, hắn di chuyển trong tuyết như cái cày bị cản. Hắn từ từ nhìn thấy lại sự vật chung quanh: hai bờ suối, mấy khúc cây cũ đông đứng lại giữa giòng, có cây liễu trơ lá, và bầu trời. Chạy như vậy làm cho hắn hơi dễ chịu. Hắn không còn run nữa. Hay là nếu chạy tiếp đôi chân sẽ ấm trở lại, cũng có thể hắn chạy thẳng đến khu trại và gặp lại bạn bè. Chắc chắn hắn sẽ mất đi mấy ngón tay, vài ngón chân, và một phần mặt, nhưng lũ bạn kia sẽ cứu sống những phần còn lại. Và cùng lúc, một suy nghĩ khác trong đầu¬–hắn sẽ chẳng bao giờ chạy đến được trại và đám bạn. Đường còn quá xa! Chưa đến nơi hắn đã biến thành khối băng rồi. Ý nghĩ này nằm sâu trong tâm tư. Hắn phủ nhận nó nhưng thỉnh thoảng nó lại trồi lên. Hắn xua đi tư tưởng tiêu cực này và cố nghĩ tới những cái khác. Hắn nhận ra một điều kỳ quái. Đôi chân đông cứng kia lấy đi cái cảm giác đụng vào đất. Hắn chạy mà thấy như đang lướt trên mặt tuyết. Có lần hắn thấy hình thần Mercury có đôi cánh gắn vào chân. Hắn tự hỏi không biết ông thần Mercury khi bay có giống như mình đang lướt đi không? Giả thuyết cho rằng hắn sẽ chạy tới khu trại khó thực hành được vì không đủ sức. Hắn vấp ngã vài lần, run rẩy đứng lên, rồi lại gục xuống. Hắn cố vươn lên nhưng không được. Hắn phải ngồi xuống nghỉ. Hắn lại tự nhủ lần tới sẽ đi thôi chứ không chạy. Trong lúc ngồi lấy sức hắn cảm thấy một luồng hơi ấm dễ chịu. Hắn thôi run. Hơi ấm có vẻ lan ra cả ngực và bụng. Hắn thử rờ mặt và mũi nhưng vẫn không thấy gì. Chạy cũng không thể nào làm tan đá trên măt, và cả tay chân. Hặn nhận ra sự kết tinh đang đang lan dần trên thân thể. Hắn nén xuống ý nghĩ vừa rồi. Quên nó đi. Hãy nghĩ tới cái khác. Ý nghĩ đó gây hoảng sợ. Nó lại xuất hiện, lẩn quẩn trong đầu rồi nằm lỳ ở đó. Trong đầu hắn chợt hiện ra một thân thể đông cứng. Không thể nào được! Hắn vùng chạy. Khi chậm lại ở mức đi bộ, nghĩ đến cái xác cứng đơ, hắn chạy tiếp. Con chó vẫn theo sát chân hắn. Khi hắn ngã xuống thêm lần nữa, con vật chạy tới trước mặt hắn, ngồi xuống lấy cái đuôi quấn vào hai bàn chân trước, và nhìn hắn chăm chú. Cái vẻ ấm áp và an toàn của con vật làm hắn tức giận. Hắn chửi rủa con vật cho tới khi hai cái tai nó cụp xuống chịu thua. Lúc này cơn run tới nhanh hơn. Hắn đang thua trận với cơn đông cứng. Cái lạnh thấm vào thân thể từ mọi phía. Cảm giác này bắt hắn chạy nữa. Chưa được 100 feet, hắn chao qua, chao lại rồi chúi đầu xuống mặt tuyết. Đây là lần cuối cùng hắn hoảng sợ. Hắn lấy lại hơi, ngồi thẳng lên, tự nhủ có chết cũng phải chết cho đàng hoàng. Trước khi nghĩ được như vậy, hắn thấy mình đúng là thằng ngu, chạy lung tung như con gà cụt đầu–hắn tự so sánh như vậy. Thật ra đằng nào mình cũng sẽ chết cóng, hãy ra đi cho có tư cách hơn. Trong trạng thái trầm ổn này hắn cảm thấy buồn ngủ. Hay quá, chết trong giấc ngủ! Chắc cũng như uống thuốc ngủ vậy mà. Chết cóng không rùng rợn như người ta tưởng. Có những cái chết còn ghê gớm hơn. Hắn tưởng tượng ra đám bạn sẽ tìm thấy xác hắn ngày mai. Bỗng nhiên hắn thấy chính mình cũng trong nhóm người đang kiếm xác. Hắn nhìn thấy chính xác mình trên tuyết. Hắn không còn thuộc về cái xác kia nữa, được thoát ra hẳn rồi, và đang cùng đoàn người nhìn xuống. Vậy mà vẫn còn lạnh! Khi trở về nhà hắn sẽ kể cho người ta nghe về cái lạnh ghê hồn ở xứ này. Hắn thấy mình bay về chỗ lão gìa ở Sulphur Creek. Ông ta rõ ràng đang ấm áp, thoải mái, và đang hút ống vố. “Ông đúng rồi, bạn già. Ông đúng rồi.” Trên môi hắn mấp máy câu nói với lão già. Gã đàn ông đi vào giấc ngủ êm đềm, có lẽ êm đềm nhất từ xưa đến giờ. Con chó vẫn ở trước mặt hắn và đợi chờ. Một ngày ngắn sắp hết, chiều trời mờ chầm chậm. Không có gì báo hiệu sẽ có lửa, thêm nữa, con vật chưa bao giờ thấy người ngồi trên tuyết kiểu này mà có lửa. Trời tối dần, ý tưởng thèm lửa thôi thúc con vật. Nó nhổm dậy, khều khều hai chân trước, rên nho nhỏ, và chờ đợi mấy câu chửi rủa thường ngày từ gã đàn ông nhưng người đàn ông vẫn im lìm. Một lúc sau con chó kêu to hơn. Thêm một lúc nữa con vật mon men đến gần gã đàn ông. Nó đánh hơi được mùi chết. Lông cổ con vật dựng đứng lên. Nó lùi ra xa. Mấy phút sau con vật rú lên. Tiếng rú kéo dài dưới trời lạnh cóng, có nhiều vì sao sáng đang nhảy múa. Sau đó con vật trở lại lối mòn, nhắm hướng khu trại mà chạy, ở đó nó biết chắc sẽ có người cho nó ăn và tạo ra lửa. TẠO ÂN |
Cô Bạc Cô Bạc là người giúp việc cho gia đình tôi. Cái tên bạc chả có gì gắn liền với tiền bạc. Có lẽ bạc như vôi thì đúng hơn. Từ lúc có trí khôn tôi đã thấy cô không được may mắn. Cô là một thành viên của gia đình, gồm bố mẹ, tôi, và Bé Ti. Nghe nói ông nội nhân một một chuyến đi xa, đem về một cô gái nhỏ giúp việc cho bà nôi. Khi ông bà mất, bố tôi nghiễm nhiên thừa hưởng gia tài gồm căn nhà và cả cô Bạc. Công việc mỗi ngày của cô bắt đầu từ sáng sớm, pha trà, pha nước rửa mặt, nấu ăn sáng, giặt quần áo, đi chợ, nấu ăn trưa chiều, dọn dẹp, đút ăn cho Bé Ti, tắm rửa cho hai anh em chúng tôi… Bằng ấy công việc cô làm quần quật như một cái máy, không than van, hêt năm này qua năm khác. Một hôm bé Ti ốm không ăn được cơm. Cô năn nỉ mãi cũng chẳng được. Cô đành cho bé Ti uống thuốc rôi đi ngủ. Bố mẹ tối hôm ấy biết đươc. Bố lấy roi quất túi bụi vào cô, chửi cô lười biếng. Lần đầu trong đời tôi hiểu được thế nào là bất công. Có cái gì đó không đúng. Mẹ đứng bên chửi hùa: – Dạy cho Cô biết. Nhà này không có cơm cho kẻ lười chảy mỡ như cô ăn rồi nằm. Ăn thì phải làm. Lần tới đuổi ra khỏi nhà. Nghe tới đuổi cô sợ lắm. Hai tay vẫn còn che đầu. – Cậu mợ đừng đuổi con. Con biết lỗi rồi. Ngày hôm sau tôi hỏi cô: – Cô Bạc còn đau không? – Vậy Cu Tí bị đòn có đau không? – Lúc ấy thì đau, nhưng Mẹ bôi dầu cù là thì hôm sau hết đau. Tôi xòe tay đưa cô xem hộp dầu cù là con cọp bé bằng ngón tay cái. Tôi bảo cô kéo áo lưng lên tôi bôi cho. Những vết roi còn bầm tím. Khi bàn tay tôi đụng vào tấm lưng gầy guộc, nhìn thấy rõ xương, cô rùng mình. Có lẽ lần đầu cô được người khác chăm sóc, ánh mắt cô nhìn vào khoảng không. Cô ôm tôi vào lòng thật lâu. Cô không ăn cơm chung với gia đình. Chúng tôi ăn trước, cô dọn dẹp rồi ăn sau ở nhà bếp. Thường là những gì còn thừa mới tới lần cô. Có lần tôi bắt gặp cô lén lút mút miếng xương cá chúng tôi ăn xong vất đi, hay nhặt những hạt cơm còn dính đáy nồi, bỏ nhanh vào miệng như sợ mẹ tôi bắt gặp. *** Mấy hôm nay trời trở lạnh. Nhìn cô mặc cái áo cũ sờn mòng manh tôi thương hại. Tôi về phòng lấy cái áo thun cũ bảo cô mặc bên trong rồi tròng cái áo bên ngoài cho đỡ lạnh. Cô cảm động lắm. Quần áo của cô là đồ cũ của Mẹ để lại. Mẹ to và cao hơn cô cả cái đầu cho nên cô mặc vào trông luộm thuộm buồn cười. Có lần tôi nói đùa: “Cô Bạc mặc quần này đi tới đi lui khỏi quét nhà.” Khi thấy tôi để ý, cô tự ý sửa lại cho vừa vặn; nhưng nhìn kỹ hơn tôi vẫn thấy có cái gì đó không ăn khớp lắm. Cái áo lòe loẹt đi với cái quần bạc thếch. Trông cô như thằng hề. Có một lần duy nhất tôi thấy cô mặc áo mới. Đó là ngày tết. Cô cột tóc cao, khuôn mặt cô tươi hơn thường ngày. Lần đầu tiên tôi thấy cô đẹp. Mẹ bảo năm nay bố được lên chức và tăng lương, mình sẽ ăn tết lớn hơn mọi năm. Mẹ may áo mới cho cả nhà. Cô cám ơn Mẹ ríu rít. Bữa cơm hôm đó bố uống mấy cốc rượu vang. Bố nhìn cô Bạc nhiều hơn với ánh mắt khác thường. Tất cả không qua mắt được Mẹ. Ngay tối hôm đó tôi nghe Mẹ nói với Cô ở sau bếp: “Từ nay trở đi cô không được lên nhà trên khi có Cậu ở nhà. Cái áo đó cô không được mặc trong nhà này.” Cô cúi gầm mặt xuống và chấp nhận số phận. Từ đó cô ở hẳn dưới bếp, cũng là chổ ngủ của cô. Một buổi trưa lúc cô đang dỗ bé Ti ngủ. Cô hát vu vơ gì đó với âm điệu lạ tai. Tôi tò mò: – Quê Cô ở đâu? Đôi mắt cô buồn rầu: – Không biết. Xa lắm. Tây nó đốt nhà. Tía má chết hết. Cô còn nhỏ đi ăn xin. Ông nội gặp ngoài chợ mang về nuôi. Có gì đó kinh khủng lắm, cô sợ hãi khi nhắc lại quá khứ. Tôi hỏi thêm: – Cô thích gì nhất? – Ở đây không có. Cô nhớ Tía Má. Cô lại giải thích thêm “Tía Má” là bố mẹ. Tuy còn nhỏ nhưng tôi biết an ủi cô: –Bố mẹ cô, Cu Tí không biết làm sao để mang về được. Thế cô thích ăn gì? Cu Tí mua cho. Mắt cô trở nên mơ màng: “Cu Tí không mua được đâu. Môi năm đến mùa cá linh, cá nhiều lắm. Tía má mang từng rổ to về nhà. Cứ một lớp cá, một lớp muối, một lớp thính, bỏ vào lu. Một hai tuần mang ra, ăn kèm khế chua, chuối chát. Ôi ăn hoài không thấy no.” *** Năm đệ lục tôi phải chia tay với gia đình lên tỉnh học. Ngày chia tay Cô Bạc theo mẹ tiễn tôi ra bến tàu. Cô im lặng trong cái im lặng thường có hằng ngày. Cô không nhìn thẳng vào tôi, nói rất khẽ bên tai “Cu Tí đi xa cẩn thận. Tết về chơi.” Khi tàu chạy, tôi ngoái lại, mẹ cao to đứng vẫy tay bên cạnh một thân hình gày guộc mờ trong bụi đường. Tuổi trẻ hời hợt. Tôi quên bẵng đi cô Bạc. Tôi quên hẳn cả cái hương vị cay cay ngọt ngọt trong các món ăn cô thường nấu. Và tôi quên hẳn câu chuyện về món mắm cá linh. Năm đầu tiên tôi còn về ăn Tết. Tuy chỉ có một năm xa cách, Cô già hẳn đi. Tóc cô lốm đốm bạc trong khi mẹ tôi tóc còn đen nhánh. Thỉnh thoảng cô hung hắng ho. Trong tiếng hô báo điềm không lành. Nhờ có bằng tú tài, tôi kiếm được việc làm và ở luôn ở tỉnh. Bố mẹ dạo này cãi nhau nhiều hơn. Mẹ viết thư cho tôi kể tội Bố có thêm tật hư là đánh bạc. Bố thua to đến độ cầm nhà. Em gái tôi lấy chồng, tôi cũng chẳng về. Mẹ viết thư kể lể khóc lóc “Con phải vay cho mẹ một số tiền lớn, không thì mất nhà!” Bất đắc dĩ tôi phải cầm một món tiền lớn về đưa cho mẹ trả nợ. Khi tôi về bố không có nhà. Mẹ sau khi cầm tiền đi mất hút. Tôi nghe có tiếng ho sau bếp. Cô Bạc giờ teo lại như con cá khô. Khi không có mẹ ở bên tôi dúi cho cô mấy đồng bạc. Cô cảm động lắm. Tôi nói khẽ: “Cu Tí đi đây. Kỳ này chắc không về nữa.” Cô nhìn tôi thật lâu. Có lẽ cô nhớ lại Tía Má cô lúc chia tay. Từ đó tôi bỏ nhà đi thật xa. Cố quên đi cô Bạc. Cố quên đi căn nhà xưa. Quên luôn cả cái bếp, bên cạnh đó có cái gường ọp ẹp, có thân hình gầy guộc của một người đàn bà. Khuôn mặt cô Bạc hầu như không còn rõ, chỉ còn lại tiếng ho yếu ớt.Một hôm có người bạn rủ tôi về quê chơi. Quê anh ở Châu Đốc. Cũng vào mùa cá linh. Trên bàn vỏn vẹn chỉ có đĩa mắm cá linh, một đĩa khế chua và dưa leo cắt lát. Con cá còn dính màu vàng thính. Tôi gắp thử một con, mắm còn mới nhưng đã có mùi thơm đặc biệt. Ăn kèm với khế chua và dưa leo, tôi lùa một lúc bốn bát cơm. Tuy là lần đầu thực sự ăn món này, nhưng cái cảm giác quen thuộc kéo tôi trở lại câu chuyện cô kể xa xưa. Nhìn qua cửa sổ. Mặt trời xuống thật nhanh. Ánh nắng vàng vọt cuối ngày gợi tôi chợt nhớ về cô Bạc, nhớ ánh mắt mơ màng của cô khi nói về mắm cá linh. Bàn tay gầy guộc mỗi lần vuốt tóc tôi. Những lần cô ôm tôi thật chặt trong nước mắt. Không biết cô giờ này ra sao? Tạo Ân Dec 25, 2019 |