TẾT NHỚ TẾT! Lý Bửu Lộc


TẾT NHỚ TẾT!


Nhắc đến Tết là tự nhiên có nhiều hình ảnh thân thương hiện đến trong ký ức. Hình ảnh của những cái Tết thời ấu thơ. Tết thời niên thiếu của tuổi học trò. Tết của thuở băng rừng, vượt suối… với những nắp bình ton rượu chia nhau mừng Xuân về trên đỉnh núi cao nơi tuyến đầu. Hay Tết về chỉ biết nhìn bông tuyết trắng để nhớ, để mơ đến hoa mai vàng ở quê nhà trong những năm tháng dài phải sống lang bạt xứ người.
Có những cái Tết lòng thật là vui và cũng có những cái Tết buồn ơi là buồn. Chúng đã lần lượt rủ nhau đi qua trong cuộc đời mà mỗi khi Tết đến là tự dưng nhớ lại bao nhiêu chuyện buồn vui ấy.

Tết!
Mới nghỉ đến thôi là tự nhiên nhớ đến nhiều bài tân, cổ… rất nổi tiếng đã coi như bất tử với thời gian, tự khơi lại trong lòng. Một trong những ca khúc không thể nào quên được chẳng hạn như: “Ly rượu mừng , Xuân nầy con không về “. Có thấy thấm thía lắm không khi Tết về mà nghe được lời khấn nguyện của bà mẹ quê:

“Ông ơi! nhà có con gà trống mà tui không dám làm thịt cúng ông vì muốn chờ cho con nó về để vui say trong ba ngày Tết”.

Hay khúc tâm sự ngắn của những chàng trai thời chinh chiến trong đoạn tân nhạc của tác giả Trịnh Lâm Ngân như vầy:

“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông, nhưng nếu con về bạn bè thương mong, bao lớp trai cùng chào Xuân chiến trường, chẳng lẽ riêng mình êm ấm, mẹ ơi con Xuân nầy vắng nhà !”.

>> Nói đến Tết, nhắc đến Tết là có muôn trùng kỷ niệm nhớ thương ùn ùn trào tuôn ra từ trong ký ức. Tết rất thiêng liêng trong lòng dân tộc, trong lòng người, nhất là trong lòng những kẻ đang phải xa quê nhà, xa nơi chôn nhao cắt rốn.
>> Bây giờ thì chắc chắn cũng cận Tết lắm rồi, mấy hôm nay ngoài trời lạnh nhiều và ở trong các siêu thị đã thấy chưng bày đầy ấp đủ loại bánh mức, hoa trái để người mua sắm chuẩn bị đón Tết và nhất là mới mấy ngày qua tình cờ gặp lại một anh bạn thời còn chinh chiến củ, thắm thoát đó mà đã gần năm mươi năm rồi không gặp. Những sự kiện này chợt gợi lại lòng Bửu một cái Tết thuở xa xưa… Những ngày tháng nơi rừng thiêng nước độc, Tết trong trại tù binh ở vùng Việt Bắc: “Sơn La, Nghĩa Lộ”. Và Bửu không thể nào quên được  những hình ảnh vui buồn đã ăn sâu vào ký ức… kỷ niệm Tết ở Sơn La!

Sơn La hôm đó, một buổi sáng  sương mù lạnh lẽo,  với giọng hát ồ ề không đủ hơi của Thanh, người bạn tù binh cùng trại. Anh đã hiên ngang ca vang lên bảng nhạc “XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ” … một bản “nhạc vàng”. Đây là loại bài bị cán bộ Việt Cộng, ban quản lý trại lên án vì được coi là tàn dư của Mỹ- Nguỵ. Lúc đó ai cũng thừa biết một điều là Thanh đã bất chấp mọi hậu quả, dù có phải bị làm tờ kiểm điểm hay bị cùm nhốt gì cũng mặc kệ.
Giọng hát được phát xuất từ trái tim, nên khiến cho từng lời tâm sự đó đi sâu vào lòng người, nghe sao mà quá hay và buồn đến đổi đã khiến mười mấy anh em tù binh khác phải xúc động đến rươm rướm nước mắt, trong đó có cả Bửu.

Ngày hôm ấy gần cuối tháng mười hai âm lịch rồi, thời tiết cũng đã lạnh ác liệt, sương mù dầy đặc đến nỗi khó nhìn thấy rõ được mọi cảnh vật xung quanh mình. Quái ác, cái lạnh khắc nghiệt của vùng núi cao Việt Bắc này đã tạo ra một lớp sương muối phủ trắng xoá hết mấy liếp rau cải của anh em trong “bộ phận tăng gia”. Trong lúc các anh em đang cố gắng gánh nước suối lên để tưới, để giải cứu đám rau muống và mấy liếp cải đang bị rạp ngã… Nghe tiếng hát của Thanh cất cao lên, mọi người như đứng hình vì đột ngột được nghe lại một bản nhạc Xuân xưa.
Một bài hát thôi mà nó đã vô tình khơi lại trong lòng bao nhiêu là hình ảnh thương yêu ở quê nhà. Gợi lại trong lòng tình gia đình, tình thân nhân bè bạn và cũng đã khơi lại bao nhiêu là nỗi nhớ thương… thương nhớ cha mẹ già, thương nhớ vợ-con.  Tất cả bất chợt bừng lên như vậy đó, thử hỏi có mấy ai lại không thẩn thờ xúc động cho được. Nhất là “cái án tù binh nầy”  thì mấy ai biết được ngày về?
Bửu tính nhẩm là đã gần ba cái Tết xa nhà rồi từ sau khi trận chiến cuối cùng trên đỉnh Trùi. Bửu bị thương và bị bắt tù binh. Rồi lần lượt trải qua các trại tù ở Nam Lào, ở Yên Bái và rồi sau cùng là ở Sơn La -Nghĩa Lộ nầy.

Trận chiến năm đó Bửu bị thương sau lưng vì miểng lựu đạn và bị gãy chân trái vì viên đạn AK 47 đã phá vỡ ống  xương phụ. Vết thương trên người luôn sưng to và đã đôi ba lần rồi cũng tự nó phá miệng để máu, mũ cùng những mảnh xương bể phún vọt ra có vòi. Sau những lần như vậy Bửu cảm thấy nhẹ nhàng hơn, bớt nhức hơn.
Những lần vết thương tự phá miệng, Bửu được bộ phận quản giáo trại tù binh cho lảnh một ít muối hột để tự lo rửa vết thương của mình. Còn phần anh em tù binh phe nhà, họ thấy tình cảnh này thì lại thương lo chăm sóc cho Bửu nhiều hơn. Trong hoàn cảnh khốn khó như vậy mới nhìn thấy rõ được tình “Huynh Đệ Chi Binh” thật tuyệt vời. Bởi thế cho nên làm thế nào mà Bửu có thể quên được bạn tù “Lộc sún”, bạn tù “Mênh A Sâm”… họ đã thay nhau cổng Bửu mỗi chiều xuống suối để tắm, giặt. Hay họ đã tự tìm và kể biết bao nhiêu là chuyện vui để Bửu thấy phấn chấn lên những lúc tinh thần bị sa sút. Làm thế nào Bửu có thể quên được những trái ớt “chỉ thiên” nho nhỏ, cay cay của Vỏ Thọ bạn tù hiền lành và trẻ nhất trong trại. Hay những trái cây dại có vị chát- chát, chua-chua, rất xa lạ trên rừng được các anh em đi lao động cất dấu đến chiều về, gọi là có chút quà vitamin C để cho Bửu bồi dưỡng mong sao cho vết thương sớm được bình phục. Làm thế nào Bửu có thể quên được những bè bạn đã thương và họ đã làm cho Bửu đôi nạng để chống khi cần di chuyển xa bằng tre rừng. Gian khổ và cơ cực hằng ngày là vậy. Nhưng ở trại tù binh Việt Bắc này khi Tết đến thì cũng có chút văn nghệ văn gừng, cũng có buổi ăn bồi dưỡng trong trại tù binh và cũng được coi là tàm tạm ngon lành như ai vậy chứ. Vì trong buổi ăn liên hoan Tết nhất đó đã có hiện diện thêm ba, bốn lát thịt heo luộc, được thái mỏng cho mỗi phần ăn. Để rồi  trong đêm đó kết quả là cửa láng trại ngủ của anh em tù binh… bộ đội quản giáo không cần khoá chặt lại như thường lệ và anh em tù khỏi phải hô to : “BÁO CÁO CÁN BỘ TÔI ĐI VỆ SINH” mỗi khi cần như mọi đêm nữa. Bởi chắc chắn một điều là: Tất Cả anh em tù binh đều bị “Tào Tháo Rượt” vì ba, bốn miếng thịt “bồi dưỡng” quái ác lâu ngày không quen bụng.  Có gì lạ đâu bởi tiêu chuẩn tù hằng ngày luôn là hai chén cơm độn khoai, độn củ mì hay độn bắp ăn cùng với rau muống, món ăn đặc sản này được thiết đãi hàng ngày. Hôm nào nắng quá nóng thì bộ phận “Lê anh Nuôi” của nhóm tù binh khi nấu đổ thêm nhiều nước vào để làm món “canh rau muống”. Hay hôm nào có số lượng rau tương đối khấm khá hơn và cho ít nước lại thì được gọi là “rau muống xào”. Cũng có hôm rau không đủ cho thêm muối kha khá thì sẽ được anh em tù gọi là “rau muống kho”… Cứ thế mà ngày tháng tiếp tục nối đuôi nhau để anh em tù binh có sức sống, có sức để lao động khổ cực trên vùng núi rừng Việt Bắc này.
Chuẩn bị cho Tết là có nhiều anh em khéo tay, có máu văn nghệ đã tự tay mình làm những cây sáo để thổi bằng tre, nứa rừng và cũng có những cây đàn guitar tự chế. Tuy âm thanh không so sánh bằng những nhạc cụ chuyên nghiệp nhưng cũng đủ để anh em tù binh tự tạo niềm vui cùng nhau đón giao thừa cho năm mới, đó là phần văn nghệ. Mục ca hát này thì được gọi là tự nguyện không thể bắt buộc được vì chỉ dành cho anh em nào có làn hơi tốt, có máu văn nghệ. Còn phần tờ “Bích Báo” để treo tường, thì cán bộ khung bắt buộc anh em tù binh, ai ai cũng phải viết bài để ban quản giáo trại chắm điểm, hay nói cho đúng hơn đây là lúc mà ban quản giáo trại muốn thăm dò tư tưởng của nhóm tù binh… và tờ “Bích Báo quái ác này được treo lên vách nứa ở phòng ăn. Phần nầy đã gây khổ sở cho biết bao nhiêu anh em không có năng khiếu viết lách, hay cho các anh em không biết phải viết điều gì và không nên viết điều gì trong hoàn cảnh tù này. Vì sức khỏe thì đã cùn kiệt bởi lao lực quá sức hằng ngày mà giờ còn phải vận dụng trí óc cho tờ “Bích Báo Bắt Buộc”… thì thiệt là một cực hình quái ác mà không thể nào tránh né được. Nghỉ đến đây Bửu nhớ đến bác Tiện (trong nhóm Lê anh Nuôi). Bác Tiện dáng thấp nhỏ, người vùng quê Quảng Trị, Bác được học bổ túc khóa sĩ quan đặc biệt bởi chiến công và  thâm niên công vụ nên chữ nghĩa cũng hơi kém, với lại tuổi tác của bác Tiện lúc bấy giờ cũng đã khá cao cho nên đây mới thiệt đúng là một cực hình đối với bác. Hôm đó nghe đâu bác Tiện đã nan nỉ một anh em nào trong trại viết dùm cho vài hàng để nộp lên ban quản giáo với điều kiện là bác trả công lại cho anh ta bằng nữa chén cơm độn trong phần ăn của Bác. Ấy vậy mà bài của bác Tiện đã được chấm “hạng nhất “, cán bộ khung đã tuyên bố trước buổi tiệc mừng Xuân trước khi treo tờ Bích Báo đó lên vách nứa nơi phòng ăn như vầy:
“Báo cáo các anh sau khi đọc các bài viết của các anh em, ban quản giáo trại đã nhận thấy: Bài viết của bác Tiện ngắn gọn, đủ đầy ý nghĩa,  bác Tiện đã thấy được ơn Bác, ơn Đảng. Không phát biểu ủy mị linh tinh, đáng được anh em học hỏi, noi gương mà cố gắng cải tạo tốt, để được sớm về đoàn tụ với gia đình.”

Mấy câu viết dùm được trả công bằng nữa chén cơm độn đó được viết nắn nót bằng hàng chữ thiệt là to trên đầu của tờ Bích Báo tên là Rèn Luyện năm ấy như vầy:
“Sáng sớm hôm nay tôi nghe tiếng loa từ trên khung vang vọng bài ca Bác cùng chúng cháu hành quân!
Bác Muôn Năm – Bác Vĩ Đại – Bác Cùng Chúng Cháu Hành Quân!

Nguyễn văn Tiện “.

Bác ơi! Bác có biết không… nhờ ơn Bác với Đảng  mà tụi cháu có được vài ba lát thịt heo luộc mỏng te như tờ giấy (do anh Công khéo tay mài dao và bác Thạch khéo tay thái dùm, vì chỉ có năm ba kí lô thịt mà phải chia đều cho khoảng hơn hai trăm anh em tù binh trong trại) cho buổi ăn liên hoan mừng Tết. Thế mà  bởi ba, bốn lát thịt heo bồi dưỡng cao cấp này mà tối đêm nay bọn cháu phải “khẩn trương nhảy toán,
hành quân” liên miên mà khỏi cần báo cáo cán bộ như thường lệ… thôi thì:
“Đêm nay,… Chúng cháu cùng bác hành quân!”

Đấy là một trong những kỷ niệm buồn vui về Tết trong cuộc đời đã được ký ức Bửu lưu lại ./.

LÝ BỬU LỘC