Tết Quý Sửu & Hiệp Định Paris 1973-letamanh

Tết Quý Sữu & Hiệp Định Paris 1973
Letamanh
Ông Duy vừa thắp nhang vừa nhìn vào hình trên bàn thờ. Trong lòng thoáng buồn – Mới ngày nào – ông nghĩ, bây giờ những bậc sinh thành đã lần lượt ra đi. Vợ ông bưng hai đĩa trái cây, mấy hộp mức, bánh tét, bình trà pha sẳn … Bà  trân trọng sắp từng món  lên bàn thờ. Từ ngày về căn nhà nầy, ngoài trang thờ Phật Thích Ca, ông Duy còn thiết lập thêm hai bàn thờ,  ngăn thờ cha vợ, ngăn tiếp theo thờ cha mẹ. Bà mẹ vợ của ông năm nay đã chín mươi chín tuổi, trí nhớ đã kém, nhưng sức khỏe vẫn tốt. Bà đang được con gái út chăm sóc ở quê nhà…

Những năm đầu định cư ở Mỹ, vợ chồng ông liên tiếp phải dời hết chung cư nầy đến chung cư khác vì rất nhiều lý do. Một gia đình qua Hoa Kỳ theo diện HO, ty nạn Cộng Sản, những năm đầu tiên phải chật vật lắm mới có thể lo được cho ba đứa con theo học tại các Đại Học. Vợ ông, vừa học ESL ở một trường Cộng Đồng, vừa nhận làm trong  xưởng may áo quần do một người Việt làm chủ. Phần ông thì theo học hết một năm computer về ngành Autocad . ra trường năm 1992, nhằm lúc kinh tế Mỹ khủng hoảng, xin việc hảng nào cũng làm mấy tháng là bị cho nghĩ việc.

 Nhưng có lẽ trời còn thương gia đình ông, nên xui khiến ông đến Disneyland xin việc. Hôm phỏng vấn, người Mỹ già hỏi ông ở Việt Nam làm gì. Ông trả lời là Sĩ Quan VNCH, sau năm 1975 bị đi tù ngoài Bắc Việt. Ông Mỹ già chăm chú nghe và hỏi, trong tù ông ăn những gì hàng ngày. Vốn liếng Anh ngữ của ông Duy không đủ diễn tả,  vì bất ngờ ông không biết dịch từ “củ mì” là gì! Ông nói vòng vo là hàng ngày ông và đồng đội ăn rễ cây. Ông ta hỏi có phải là “under ground potato”. Ông Duy trả lời không phải. Thế là ông ta diện thoại cho một người Việt ở đâu đó, bảo ông Duy trực tiếp cầm phôn, Bên đầu giây dịch lại cho ông Mỹ phỏng vấn, nhưng anh ta cũng dịch là under ground potato! Ông Mỹ mĩm cười nhìn Duy, cất resumer vào cặp, bắt tay Duy và nói, ông ta là cựu quân nhân Hoa Kỳ, có thời gian phục vụ tại Cam Ranh, ông ta rất có cảm tình với người lính Việt Nam. Buổi phỏng vấn tìm việc của ông Duy chỉ có thế. Ba ngày sau ông được gọi vào làm việc.…Thế mà thấm thoát đã mười tám năm phục vụ cho khu vui chơi nhất thế giới, ông về hưu ở tuổi sáu mươi sáu, con cái đứa nào cũng tốt nghiệp Đại Học và có gia đình, công ăn việc làm ổn định. Vợ chồng ông Duy, giờ đây an hưởng tuổi già.

Đã hai mươi mấy mùa xuân trên quê hương thứ hai, gia đình ông Duy theo tục lệ ông cha, đêm Giao Thừa, các con đều tề tựu, sau khi lạy bàn thờ đón Tết, tất cả con cháu chúc thọ vợ chồng ông và nhận bao lì xì. Trong lúc ăn bánh uống trà, ông Duy thường kể cho con cháu nghe những kỷ niệm khó quên, một thời khổ đau của gia đình  phải gánh chịu theo vận nước. Năm nay, ông kể cho cả nhà nghe kỷ niệm những ngày Tết  sau khi Hiệp định Paris, ngày 27 tháng 1 năm 1973.

                                                            oOo
 
Ngoài phố Westminster, những tràng pháo nổ lách tách đã rời rạc sau Giao Thừa. Năm nay Cộng Đồng Người Việt tại Mỹ ăn Tết linh đình. Bây giờ có lẽ rất đông Phật Tử về các chùa trong khu vực lễ Phật. Gia Đình ông Duy thì quây quần trước bàn thờ Phật và Gia Tiên. Trên bàn thờ khói hương ấm cúng, con cháu vui vầy đông đủ, lòng ông Duy hạnh phúc. Ông nhìn bà vợ đang lăn xăn vui vẻ sửa lại mấy cành đào. Lòng ông cũng rộn ràng. Thằng Út vừa bồng con gái lên bốn, vừa dắt tay đứa con trai lên sáu, vợ nó ăn mặc chỉnh tề theo sau, từ trên lầu tung tăng đi xuống. Hai đứa nhỏ vòng tay chúc Tết ông Bà Nội. Năm nay vợ chồng thằng Cả và gia đình đứa con gái ở San Jose  không về được.
 
–         Mời Ba Má dùng trà, Chúng con chúc thọ Ba Má!
–         Ngồi xuống đi, năm nay không biết con gì ra đời
Bà Duy ngồi xuống bên hai cháu, nhìn ông Duy đang cầm ly trà nhâm nhi, bà  trả lời:
–         Ở xứ Mỹ nầy ồn ào quá, biết con gì kêu hay gáy trước mà đoán biết được. – Rồi quay sang nhìn ông Duy –  Năm nay đón Tết vui như thế này, hạnh phúc như vầy, ông có còn gì mong ước không?
–         Tôi chẳng có gì để thắc mắc khiếu nại! Bà có nhớ lời tôi nói lúc mình được lên máy bay qua vùng đất hứa không?
–         Ông nhắc lại đi! Lâu quá tôi quên.
Ông Duy ứ một cái, làm ra vẻ trách vợ, rồi cầm ly trà mời bà:
–         Mừng sức khỏe của bà! Hồi đó, sau khi phỏng vấn, được định cư Mỹ là gia đình mình trúng số độc đắc cho một cuộc đổi đời. Nếu không có ngày đó thì bây giờ mấy đứa con mình giỏi lắm cũng làm công nhân quét đường là ngon lắm! Bây giờ, nếu ai hỏi tôi còn muốn gì nữa, tôi sẽ trả lời là: Nếu cho tôi có điều ước, tôi sẽ nhường cho người khác. Gia đình mình như thế là quá đủ rồi! Không ước điều gì thêm nữa.
–         Còn chứ! Ước được luôn khỏe mạnh.
–         Hơn bảy chục rồi là ông trời cho mình bonus, còn đòi hỏi quá làm chi! Sức khỏe là do mình tự phải lo. Không ai có thể lo cho mình được. Không tập thể dục, không kiêng cử thì trời cũng thua…!
Nhâm nhi miếng mức gừng, uống hớp trà, ông Duy vỗ vai vợ cười:
–         Bà còn nhớ Pleiku không?
–         Vợ chồng con cái mình đã ở đó từ 1970 đến 1975 mà sao không nhớ! Cái xứ gió núi mưa mùa, đất đỏ, bùn đỏ đầy trơn trợt… Làm sao tôi quên.
Ông Duy trìu mến nhìn bà, quay qua thằng Út:
–         Ba còn nhớ cái Tết đầy kỷ niệm năm 1973, lúc đó chị Vy của con sanh được mấy tháng. Thằng Cả mới lên ba. Tết ta nhằm vào ngày  thứ Bảy, 3 tháng 2. Nhưng ngày 27 tháng 1 năm 1973 là ngày Hiệp Định Paris ký kết, rơi vào ngày 24 tháng Chạp; trước Tết Nguyên Đán Quý Sữu chỉ có chín ngày. Trước đó, Bộ Tổng Tham Mưu và Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đã hối hã lập kế hoạch cho một trận chiến về chính trị chống lại kế hoạch “giành dân lấn đất” của Cộng Sản…
Bà Duy cướp lời ông:
–         À! Ông muốn nhắc đến những ngày Tết “Giành dân lấn đất” chứ gì! Ăn miếng bánh tét đi rồi kể cho thằng Út nó nghe. Nó sanh năm 1974 thì không thể nào hình dung được những gì xãy ra trước đó.
Ông Duy phì cười nhìn cả nhà:
–         Dầu cho thằng Cả hay con Vy,  cũng chẳng  hình dung được thời gian vào những ngày chúng nó  sống ở Pleiku chứ nói gì đến câu chuyện tôi sắp kể  về trận chiến sau Hiệp Định Paris.
Thằng cháu nội cầm bao lì xì chạy đến ôm chân ông nội nũng nịu:
–         Ông nội không hát cho con nghe mà nói cái gì lung tung không hiểu gì hết.
 
Nói rồi nó nhãy vào lòng, ôm chặc lấy  ông. Ông Duy hạnh phúc ôm hôn thằng bé,  âu yếm nhìn đứa cháu gái  đang đứng giương tròn đôi mắt cười với bà nội, ông tiếp:
–         Trước ngày ký hiệp định khoảng tuần lễ, Quân đội được đặt trong tình trạng thiết quân luật, họp hành liên miên và theo dỏi diễn tiến từ các công điện, công văn liên quan đến các hoạt động phía Cộng Quân và phía “Đồng Minh” Hoa Kỳ. Riêng ngành CTCT thì chuẫn bị nhân sự, các Sĩ quan thống thuộc sẽ dẫn đầu những toán Sinh Viên Sĩ Quan từ các quân trường đến tận thôn xóm xa xôi công tác. Toàn thể SVSQ đang học tại Quân Trường Đồng Đế ở Nha Trang đều ba lô nón sắt về các Tiểu Khu thuộc Quân Đoàn II thi hành nhiệm vụ. Thế là những anh “lính sữa”,  chưa  kịp mang lon Chuẫn Úy, vì nhu cầu chiến thuật, đã phải lên đường…
Bà Duy nhìn ông âu yếm xen vào, mắt bà hướng về vợ chồng thằng Út:
–         Vì thế mà ba của con, sau khi các bên ký kết Hiệp Định Paris, đã dẫn hai chục anh Sinh Viên Sĩ Quan công tác ở một số buôn làng tận quận Thanh An…và nhà mình năm ấy không ăn Tết!
Thằng Út thắc mắc:
–         Ba giải thích, trong thời gian đó, bản Hiệp Định đã ký, có nghĩa là không còn đánh nhau nữa; sao phải làm cái việc điều động quân?
 
Ông Duy nhìn thằng con, 1975, nó mới tròn một tuổi. Lúc ông ở tù từ miền Bắc về thì nó cũng vừa lên bảy, đang học lớp hai trường làng. Khi qua Mỹ, nó được mười sáu. Câu hỏi của nó làm ông nhớ lại một kỷ niệm khó quên. Có lần ông nghe nó học bài thuộc lòng: “Ông Lenin ở nước Nga – mà em những tưởng như là Việt Nam…” Ông gọi nó vào và viết lại một bài thơ theo vận Tố Hữu: “ Ông Lê Nin ở nước Nga – mà sao em tưởng ông cha của mình…”. Ông bảo nó đưa bài thơ đó cho cô giáo. Ngày hôm sau nó nói với ông là nó không dám đưa bài thơ. Lý do nó sợ ông lại vô tù, mẹ con nó phải thăm nuôi như những lần bồng bế nhau ra bắc thăm ông… Ông Duy nhìn nó thong thả trả lời:
–         Như con biết, trong hiệp định Paris, quân đội miền Bắc được quyền ở tại chỗ, còn gọi là Hiệp Định Da Beo. Nếu sơn màu vàng và màu đỏ trên bản đồ, những nơi Cộng Quân có mặt và những nơi quân ta trú đóng,  nhìn giống như tấm da beo trải dài từ Vỹ Tuyến 17 vào tận miền Nam. Cho nên sau khi các bên ký kết thì một trận chiến khác tàn độc hơn, đó là cuộc chiến “giành dân lấn đất”, ban ngày dân và đất thuộc về ta, ban đêm lại thuộc về địch. Trên nguyên tắc hai bên không được đánh nhau, thi hành những điều khoản được ký… Nhưng trên thực tế thì Cộng Quân luôn xảo trá, dùng đủ phương sách để lấn từng tất đất giành từng làng dân cư… Ba dẫn hai mươi Sinh Viên Sĩ Quan khóa 3/72 Quân trường Đồng Đế, nhận sự vụ lệnh, trực chỉ quận Thanh An, thuộc tỉnh Pleiku. Trước kia, thời Đệ Nhất Cộng Hòa là những khu trù mật Dinh Điền mang tên quận Lệ Thanh.  Đức Cơ trở thành địa danh lịch sử, thuộc quận Thanh An, biên giới với Cam Bốt, nơi từng xảy ra cuộc chiến khốc liệt thương vong hai bên khá nặng. Ba và hai mươi “chuẫn sĩ quan” vát súng đóng chốt  gọi là đi chiến dịch. Một bài hát của Phạm Duy : “ …Hay Đức Cơ Đồng Xoài Bình Giả…anh trở về hàng cây nghiêng ngã…” nói lên cái nguy hiểm nơi Ba và đồng đội ngày đệm cô đơn với những người dân kinh cũng như thượng ở đó. Con đường 19Bis nối dài từ Hàm Rồng  đến Đức Cơ gập gềnh đá và đất đỏ. Những ngày đầu tiên toán của Ba trình diện ông quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Thanh An. Hoạt động và đóng quân ban đêm tại một ấp Chiến Lược củ, cách quận đường khoảng ba cây số. Toán của Ba chịu trách nhiệm công tác “Dân Sự Vụ” suốt từ ấp chiến lược đó lên đến khu nhà thờ Thanh An do Cha Thành, quản nhiệm.
 
Phải nói đến cái Ấp Diên Thùy, nơi Ba và hai mươi lính tò te “tạm trú” ban đêm, ban ngày đi “công tác” dọc con đường 19Bis. Sau năm 1963, khi Chính Phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, toàn bộ Ấp Chiến Lược bị phá hủy. Nhưng riêng Ấp Diên Thùy được bà con tự nguyện giữ lại. Người dân sống trong ấp nầy, từ Bình Định, Quảng Ngải, Quãng Nam… Đến trong những năm có kế hoạch Dinh Điền. Họ quần tụ và bảo vệ nhau trước mọi hiểm họa. Ban ngày họ đi làm từng tóan trong rừng,trên các cánh đồng trồng ngủ cốc. Ban đêm các cánh cổng vào ấp được đóng kín, chia nhau canh gác, hổ trợ cho một trung đội Nghĩa Quân. Dân số trong ấp chừng hai trăm nóc nhà, xây dựng bằng những vật liệu tại chổ như tranh, tre, đất sét, nhưng ấm cúng và đẹp mắt. trong ấp có một trường tiểu học do một cô giáo tốt nghiệp trường Sư Phạm Qui Nhơn làm Hiệu Trưởng. Ngoài ra cũng có một bệnh xá, một nữ y tá từ tỉnh bổ nhiệm khá đẹp.
 
Tóan công tác gồm có hai chục SVSQ tò te xử dụng súng còn lạng quạng. Tóan chỉ huy gồm một Trung Sĩ già, một binh nhì hộ tống cho Ba làm trưởng toán. Tất cả là hai mươi ba người.
 
Đêm đầu tiên, Ba ra lệnh toàn thể không được vào nhà dân, dùng lều nhà binh, cứ hai người một lều, chia nhau canh gác. Để làm gương, Ba xung phong gác ca đầu, kế đến, chia đều! Đó là ngày 29 tháng 1 năm 1973, Hiệp Định ký được hai ngày. Trên tòan dất nước không biết bao nhiêu tin tức vi phạm đình chiến của dịch. Dân làng còn lạ lẫm với tóan công tác, có mấy bô lảo cầm rựa đi rẫy về ghé qua khu lều đóng quân tìm Ba hỏi lý do. Sau cuộc gặp gở thăm dò, họ rất vui khi trong ấp có “các cháu” về công tác!
 
Trời vừa rạng sáng ngày 30 – 1, tức là ngày 27 tháng chạp, chỉ còn ba ngày nữa là Tết Quý Sữu. Ông Trưởng Ấp Nguyễn Thi Long cầm máy liên lạc C6 – còn gọi là lá lúa – chạy vào lều Ba. Ông ta thông báo là có cờ Mặt Trận Giải Phóng xanh đỏ, sao vàng treo phía ngoài cổng Ấp. Ba bảo ông bình tỉnh và cầm máy gọi về quận Thanh An. Hồi đó máy móc liên lạc trong quân đội không giống như bây giờ. Máy PRC25 là lọai tòan thể QĐ xữ dụng mà cũng chỉ liên lạc được khoảng hai mươi lăm cây số chứ đâu giống như ngày nay mỗi người bọc túi một máy di động liên lạc khắp hòan vũ!

Khoảng tám giờ sáng, một trung đội Địa Phương Quân mở đường, theo sau là xe của Đại Úy Chi Khu Trưởng. Lá cờ VC treo trên một cành cây ở bìa rừng, lính đi trên đừơng 19Bis, bắn xối xả vào lá cờ. Ai cũng nghĩ phía dưới gốc cây có là cờ là mìn hay lựu đạn gài bẫy. Nhưng riêng Ba thì nghĩ khác. Ba đến bên Đ/Úy Chi Khu Trưởng nói to: “ Trình Đại Bàng, có lẽ mình không nên bắn nhiều tốn đạn vô ích!” Vị chỉ huy quay qua nhìn Ba: “Trung Úy nghĩ sao, có kế hoạch gì hạ cờ địch, để lâu dân chúng bàn tán kỳ lắm!”. . “Theo Em, mục tiêu của ta là bảo vệ dân trong thời gian nầy, mà dân thì họ biết rất rỏ Cộng Sản. Xin Đại Bàng tập trung các vị bô lảo trong ấp nầy hỏi ý kiến và biện pháp…Làm như vậy dân họ nghĩ là mình tin họ, họ sẽ có kế giúp ta!”. Thế là một cuộc gặp chóp nhoáng giữa ông Quận với dân làng. Cụ Lê Văn An, người già nhất trong Ấp nói: “ Thưa ông Quận, chổ treo cờ bên lối mòn vào rừng, có hai cục đá lớn. Chúng tôi thường ngồi ăn trưa nên biết rỏ địa hình. Thôi để dân Ấp xung phong hạ cờ, đừng dùng súng cối hay M79 bắn tốn đạn mà cờ vẫn không hạ được…” Thế là công việc hạ cờ thành công do lòng dân vẫn luôn hướng về ta.
 
Ông Quận mừng quá, bắt tay từng người dân trong làng tụ tập xem hạ cờ địch. Chiều hôm đó dân làng được ông Quận thưởng tiền mua một con bê ăn mừng. Sân trường Tiểu Học trong ấp được trang trí sơ sài với mấy cái bàn khiêng từ trong các lớp học. Vì an ninh, ông Quận cáo lổi không có mặt, cử Ba thừa ủy nhiệm. Thế là đêm hôm đó, Ba nói với các bô lảo đải tiệc cho tóan Nhân Dân Tự Vệ ăn trước, sau sáu giờ chiều là họ phải có mặt tại các diểm kích chung quanh rào ấp chiến lược. Ba chỉ thị Trưởng Toán SVSQ Trương Tấn Bình làm Họat Náo Viên cho đêm văn nghệ. Cô Giáo Hà Thu Linh, cô y tá Bùi thị Hà cũng có mặt.
 
Sau  khi ăn tiêc, lai rai rượu cần là đến văn nghệ. Ba vốn là HT Hướng Đạo, nên xung phong hát những bài yêu nước thời đó qua tiếng vổ tay đánh nhịp của tất cả mọi người. Kế là những bài hát về tình yêu, tình lính…Mấy bô lảo đang ngồi gần Ba, bổng đứng lên, nói nhỏ với nhau điều gì đó rồi cùng ra về. Ba hoảng hốt kéo anh Trung Sĩ Quá hỏi lý do, anh ta cười trả lời là bô lảo về nhà lấy nhạc cụ. Ba vui quá, công tác dân sự vụ thành công như thế nầy ngoài dự tính! KéoTrung Sĩ Quá ngồi bên, hỏi anh ta có biết hát Bộ không, anh ta mừng vui như cá gặp nước, nhãy ra giương cằm, vuốt râu xướng: “ Ái! Ái! Như ta đây….” Vừa hát, Trung sĩ Quá còn nhãy múa đúng theo tuồng tích Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê. Bổng tiếng trống chầu, tiếng đàn cò, tiếng kèn tò te thổi lên. Toàn thể mọi người có mặt củng vỗ tay reo khi bốn bô lảo, mỗi người một nhạc khí hòa theo tiếng hát của Trung Sĩ Quá! Chẳng ai ngờ được bổng nhiên một vở hát bộ tuồng tích, không ai tập dợt trước, lại nổi lên trong không khí đầy “khói súng” như hôm đó. Tiết Đinh San đang hát, thiếu vai Phàn Lê Huê. Từ trong hàng khán giả ngồi quanh dưới đất, một bà lảo khoảng bảy mươi, óm nhom, da mặt nhăm nheo, đứng lên, tiến ra sân cất tiếng hát trong trẻo, đúng vào tuồng tích. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng đờn nhị hòa theo… cả làng từ nam phụ lảo ấu đều tròn mắt ngạc nhiên thích thú. Thế là mấy SVSQ nhà ta thất nghiệp, chỉ ngồi vỗ tay thích quá, vì từ trước đến giờ họ chưa biết Hát Bộ là gì! Bà lảo đóng vai Lê Huê, sau nầy Ba mới biết, trước kia bà là đào hát chính trong một đoàn hát bội của tình Bình Định đi lập nghiệp Dinh điền. Bà ngồi xem anh Trung Sĩ đóng vai Đinh San hay quá nên nhãy ra nhập vai cho trọn vỡ tuồng. Anh Trung Sĩ Quá trước khi vào lính, cũng là một kép hát…
 
Buổi văn nghệ đang hồi hấp dẫn và không ai muốn chấm dứt thì nghe tiếng nổ hàng loạt vào Quận Đường, với những ánh chớp lóe sáng ! Ra lệnh tắt đèn măng sông, toàn thể im lặng chạy vào hệ thống giao thông hào, Ba và ông Trưởng Ấp cùng toán nhân dân tự vệ phân phối nhau chạy ra các lô cốt xung quanh hàng rào ấp. Hai chục SVSQ ngơ ngác một lúc cũng giữ tinh thần và những bài học quân trường bắt đầu vào thực tế! Cộng Quân chỉ pháo kích vào BCH Quận nhưng không có dấu hiệu tấn công, Ba lên máy liên lạc, những hỏa tiển chỉ làm sập một góc hầm phía Nam quận, không có thương vong…
 
Bà Duy chăm chú nghe  chồng kể đến khúc nầy là bà hết kiên nhẫn. Bà đứng dậy, tay bưng ly trà đến bên ông Duy, nhìn các con cháu đang chăm chú nghe chuyện dài chiến tranh; bà ôn tồn:
–         Tại sao câu chuyện nầy đến nay Ba mầy mới nói. Hồi đó, mỗi lần về phép từ Thanh An, chưa bao giờ Ba mầy cho vợ biết những chuyện kinh hòang nầy!
–         Cho Má mầy biết để khóc, để làm cho rối lên hay sao! Chuyện nhà binh, lính tráng thường ngày quen rồi, có gì quan trọng. Hồi tôi còn chỉ huy Đại Đội ở Tam Quan Bồng Sơn, cái chết kề bên, tôi cũng đâu dám nói với Má mầy cho má mầy  bỏ tôi trốn về quê sao! Tết năm đó, má mầy và các con nằm queo ở nhà, năm ấy cũng lạnh khiếp.
–         Cái ông nầy. Nếu hồi đó tôi sợ, tôi đâu có theo ông từ trại gia binh nầy đến cư xá SQ nọ khắp vùng chiến thuật… Vợ lính, ăn Tết “mình ênh” cũng nhiều lần, nên năm đó tôi cũng không sợ gì và đâu biết đứt đường, đến bây giờ …
 
Ông Duy nhìn vợ âu yếm, ông biết, vì yêu ông, bà đã không còn biết sợ súng đạn; theo ông ở bất cứ nơi đóng quân nào, dù nguy hiểm. Có thể vì thế mà giờ nầy, sau bốn mươi ba năm cưới nhau, qua bao gian nan tù tội, quê hương tan tác, vẫn một lòng với nhau… Ông Duy tằng hắng lấy giọng tiếp:
–         Chuyện địch quân pháo kích vào Quận Đường Thanh An là chuyện nhỏ, chuyện lớn là chúng đắp mô cắt đứt đường 19Bis, con đường huyết mạch từ thị xã Pleiku lên Thanh An. Nếu đi trên QL14, qua khỏi núi Hàm Rồng, quẹo phải trên QL19Bis là ta sẽ ngang qua đồn điền trà Bàu Cạn ( Cateka ). Đi khúc nữa, đường quanh co rất nguy hiểm. Chổ đó Cộng Quân  bắt dân đắp đất ngang quốc lộ, cắm bảng có mìm. Thế là toán công tác của Ba mất liên lạc với thành phố, cũng tiêu luôn lương thực tiếp tế!
 
Hai mươi ba miệng ăn ngồi ngó nhau. Cầu cứu ông Quận thì được trả lời: chờ mở đường. Điện về Tiểu khu thì khuyên nên kiên nhẫn… Nhưng cái bao tử đâu có chờ hay kiên nhẫn được. Dân chúng trong ấp thì nghèo, nhìn cách họ sống cần kiệm, chỉ nhờ vào nương rẫy, lấy gì dư giả mà xin họ cứu giúp trong lúc chỉ còn ngày một ngày hai là Tết! Má tụi mầy ở nhà trông ngóng, những tưởng Tết nhất thì ít ra Ba cũng về cúng ông bà hay tạt qua một lúc hôn các con…Nhưng, oan nghiệt là con đường chưa giải tỏa, Tiểu khu và Quân Đòan II đang phối trí hành quân mở lại lưu thông QL19Bis.
 
Trong tóan SVSQ, có người bệnh, nóng sốt. Ba có đem theo một túi cứu thương, trong cũng có nhiều thứ thuốc trị sốt rét, cảm, thuốc đỏ, băng cứu thương v.v… Nhưng việc xin tải thương, là vô phương trừ trường hợp hai bên đánh nhau… Không biết có ai “tiết lộ quân tình” với các bô lảo trong ấp; bất ngờ các cụ kéo nhau đến thăm. Nhìn cảnh “lính đói, lính bệnh” trong lúc giao thông bị cắt, các cụ im lặng ra về. Không biết họ bàn tán thế nào, chiều ba mươi Tết, hai mươi ba mạng được mời vào hai mươi ba nhà dân. Họ tiếp đón bằng cả lòng thành, vui vẻ và hiếu khách. Không những được ăn chung với gia đình mà còn được “Đón Giao Thừa” như người thân trong dòng họ! Sáng ngày mồng một Tết, tuy đường QL vẫn chưa được giải tỏa, khắp nơi đang thiết quân luật; nhưng sân trường tiểu học trong ấp chiến luợc Diên Thùy lại xãy ra một khung cảnh không ai tưởng tượng nổi. Toàn thể mọi người trong làng tụ họp lại, cổng ấp khóa kín, tiếng trống chầu nổi lên, tiếng kèn, tiếng đờn cò réo rắc. Vở tuồng Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê nỗi đình nổi đám như không việc gì xãy ra! Anh Trung Sĩ già vẫn giữ vai Tiết Đinh San, Bà già bảy mươi tuổi vai nàng Phàn Lê Huê và tiếng hô ba quân là tòan thể khán giả vừa cười vui vừa dạ rân…
 
                                                                   oOo
Mùa xuân năm 1973 – xuân Quý Sữu – Hiệp Định Ba Lê đã là tiền đề cho những năm kế tiếp, đưa toàn thể dân tộc du vào khúc quanh lịch sử đầy đau thương, kinh thiên động địa. Chiến dịch “giành dân lấn đất” kéo dài rất lâu sau đó. Ông Duy  và hai mươi ba người vẫn bám vào dân mà sống, người dân nghèo ở đó tuy mộc mạc nhưng đa số có học,  tinh thần chống Cộng Sản rất cao. Ông Duy quên mình là sĩ quan chỉ huy, thành một Huynh Trưởng Hướng Đạo, hai mươi SVSQ trở thành Tráng Sinh trong một Tráng Đoàn không tên. Thời gian sinh hoạt với nhau, đã kết thân, cùng hát, cùng vui, cùng ngủ lều trại cùng lo lắng nhau như anh em ruột thịt. Kết thúc thời gian công tác với nhau bằng một Đặc San mang tên “Bụi Hồng” quay ronio. (Cao nguyên Gia Lai-Pleiku toàn đất đỏ, màu mưa thì bùn lầy, mùa nắng thì bụi đỏ bốc lên mỗi khi có cơn lốc hay xe chạy trên đường. Cho nên Đặc San được mang tên như thế!). Trong đó là cả một trời thơ văn, tâm tình một giai đoạn lịch sử không thể nào quên. Rất tiếc tập Đặc San Bụi Hồng dày 240 trang, có hình chụp chung hai mươi ba người anh em kết nghĩa ấy, bây giờ không thể kiếm đâu ra.
letamanh